Có một bài hát được những người yêu Đà Lạt thường hát với cảm xúc dạt dào nhưng lại thấm đẫm vào sâu tâm hồn. Không ít người cho rằng bài hát này do chính tác giả sáng tác. Tuy nhiên, một số người khác cho rằng bài hát này phổ nhạc từ thơ. Đó là bản nhạc “Hoài thu” được cho là của nhạc sĩ Văn Trí. Thậm chí có người cho rằng tác giả chính thức của bản nhạc “Hoài thu” không phải là Văn Trí mà là một người khác. Theo tôi, bản nhạc “Hoài thu” được nhạc sĩ cảm tác từ bài tùy bút “Cảm thu” của thi sĩ Đinh Hùng
Bài tùy bút của thi sĩ Đinh Hùng (lúc đó có bút danh là Hoài Điệp Thứ Lang) mang tên là CẢM THU, được đăng trong giai phẩm “Mùa Gặt Mới” xuất bản tại Hà Nội năm 1940. Đây cũng là sáng tác đầu tiên của Đinh Hùng được đăng trên báo. Lời bài “Cảm thu” êm mượt như thơ nên nhiều người gọi là “thơ văn xuôi”
CẢM THU
Tùy bút Đinh Hùng
Thu năm nay, tôi lại đi trên con đường vắng này nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ… Nước trong như một cặp mắt tuyệt vời. Những cây liễu xanh đứng buồn như những nàng Cung nữ thời xưa, và trong vườn nhà ai thấp thoáng, hoa phù dung nở trắng như một linh hồn còn trẻ?
Nắng ở đây vẫn là nắng vàng ngày xưa và linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước. Tôi vẫn ngờ như không sự thay đổi, vì lại thấy mình đi trên con đường này, thu năm nay, giữa lúc cây vàng rơi lá. Đường này hiu hắt, tôi đem lòng về để gặp mùa thu thương nhớ cũ, và nay cũng thấy thu về để nước hồ xanh. Chân ai đi xa vắng đằng kia, hay đó chỉ là gió thoảng mong manh? Và gió nào vương vấn hồn tôi, hay cũng chỉ là dư thanh của một ngày xưa cũ? Chao ôi! Buồn lại nhiều rồi, nhưng chỉ buồn như năm trước. Lòng tôi chẳng biết tìm ai mà nhớ, hôm nay nhớ lại buồn qua mới thấy nắng kia nhiều dĩ vãng.
Tôi nhớ một người lữ khách nào xưa, ra đi từ một mùa thu… Thế rồi cũng một mùa thu trở lại những bước đầu tiên trên con đường bạn, mắt buồn như nước, mảng tìm hồn mình hiu hắt trong hồn thu mới… Thu đã về đây, tôi làm lữ khách đi hết sông này, sông khác, cả núi, cả đèo và lại cả rừng cả suối, bây giờ tôi cũng về đây để buồn thêm một ít, nhớ thêm một ít, và yêu thêm rất nhiều.
…Từ hôm rời chân ở bến sông vàng.
Từ biệt con thuyền phiêu bạt, tôi đã hết nhớ dãy núi xanh phơn phớt đằng xa và bâng khuâng trở lại con đường quê thân mật.
Đi trên đất đó, giữa hai ruộng ngô thơm nghe ngào ngạt… Hương này có phải hương xưa? Ôi! Những dây đậu vẫn còn non mà luống khoai lang đã xanh tươi rồi nhỉ? Đi trên đất đỏ, bên những luống rau cải cúc và dẫm lên cỏ may vàng. Đây là những con bướm cũ, những cánh hoa xưa. Và này đây tất cả Ngày xưa: từng cơn gió nhỏ, từng sợi dây buồn…
Thôi! Thôi! Tôi không còn trẻ thơ nữa để say sưa đuổi bắt bướm đồng, và chẳng ngắm gió sầu mây, chỉ hoa lòng nở cũng nhiều bông trắng!
Thương nhớ vì sao! Tôi sớm giã từ hồn niên thiếu, hôm nay đi giữa cánh đồng lại thấy tuổi nhỏ của mình tản mạn trên từng cánh bướm, sắc hoa, và chân bước đi những bước ngậm ngùi, bởi chưng lòng tưởng con đường tan tác cánh hương của đóa xuân hồng thuở cũ.
Đinh Hùng
Trong bài tùy bút CẢM THU không có một từ nào nhắc đến Đà Lạt. Bài tùy bút man mác niềm hoài niệm của thi sĩ Đinh Hùng
“... đem lòng về để gặp mùa thu thương nhớ cũ, và nay cũng thấy thu về để nước hồ xanh. Chân ai đi xa vắng đằng kia, hay đó chỉ là gió thoảng mong manh? Và gió nào vương vấn hồn tôi, hay cũng chỉ là dư thanh của một ngày xưa cũ? Chao ôi! Buồn lại nhiều rồi, nhưng chỉ buồn như năm trước. Lòng tôi chẳng biết tìm ai mà nhớ, hôm nay nhớ lại buồn qua mới thấy nắng kia nhiều dĩ vãng”.
Tác giả thương nhớ về một vùng quê miền Bắc Việt Nam thời niên thiếu thơ mộng:
“Đi trên đất đó, giữa hai ruộng ngô thơm nghe ngào ngạt… Hương này có phải hương xưa? Ôi! Những dây đậu vẫn còn non mà luống khoai lang đã xanh tươi rồi nhỉ? Đi trên đất đỏ, bên những luống rau cải cúc và dẫm lên cỏ may vàng. Đây là những con bướm cũ, những cánh hoa xưa. Và này đây tất cả Ngày xưa: từng cơn gió nhỏ, từng sợi dây buồn…
Thôi! Thôi! Tôi không còn trẻ thơ nữa để say sưa đuổi bắt bướm đồng, và chẳng ngắm gió sầu mây, chỉ hoa lòng nở cũng nhiều bông trắng!
Thương nhớ vì sao! Tôi sớm giã từ hồn niên thiếu, hôm nay đi giữa cánh đồng lại thấy tuổi nhỏ của mình tản mạn trên từng cánh bướm, sắc hoa, và chân bước đi những bước ngậm ngùi, bởi chưng lòng tưởng con đường tan tác cánh hương của đóa xuân hồng thuở cũ”.
Bài tùy bút êm mượt như thơ này của thi sĩ Đinh Hùng được nhạc sĩ Văn Trí cảm tác thành bản nhạc với nhan đề là “Hoài Thu”
Mùa thu năm ấy
Trên đường đến miền cao nguyên
Đà Lạt núi rừng thâm xuyên
Thác ngàn nước bạc thiên nhiên
Chạnh lòng tôi thấy
Lá vàng rơi nhẹ say mơ
Trong rừng thu đẹp nên thơ
Lưng trời đàn chim bơ vơ
Mùa thu năm nay
Tôi lại thấy lòng lâng lâng
Khi nhịp bước nhẹ đôi chân
Trong rừng vắng lạnh bâng khuâng
Bầy nai ngơ ngác
Lá vàng rơi đầy miên man
Trên bờ cỏ rộng thênh thang
Nghe mùa thu đi ngỡ ngàng
Đóa hoa phù dung trắng xóa
Ngàn cây hiu hắt tiếng nhạc
Mảnh linh hồn tôi thu nay
Là linh hồn tôi thu nào
Nắng đây vẫn là nắng ấm
Mùa thu thương nhớ mơ màng
Gió thu về đây mơn man
Hồ thu xanh biếc tràn lan
Đồi thông vi vút
Nghe chừng lá động muôn phương
Đà Lạt những chiều mây vương
Có mùa thu vàng dâng hương
Nhịp chân ai đấy
Hay là gió thoảng xa xôi
Gió làm rung động tim tôi
Hay là dư âm thu rồi?
Bản nhạc HOÀI THU được cho là của nhạc sĩ Văn Trí, viết về vùng cao nguyên Đà Lạt mộng mơ. Bản nhạc mượn ý trong bài tùy bút CẢM THU như: nắng vàng, nắng ấm, cây vàng rơi lá, nước hồ xanh, sợi dây buồn, đóa hoa phù dung, gió sầu mây, chân ai đi xa vắng hay đó chỉ là gió thoảng mong manh, gió nào vương vấn hồn tôi hay chỉ dư thanh của một ngày xưa cũ, nắng ở đây vẫn là nắng vàng ngày xưa, linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước...”
Riêng những hình ảnh đặc trưng vùng cao nguyên như bầy nai ngơ ngác, đồi thông vi vút, Đà Lạt những chiều mây vương, Đà Lạt núi rừng thâm xuyên, thác ngàn nước bạc thiên nhiên… là do nhạc sĩ cảm tác viết thêm. Ta thấy trong cả hai bản nhạc tờ còn lưu giữ được đến ngày nay, thì đều ghi nhạc và lời của Văn Trí, chứ không ghi tên Đinh Hùng.
Sau khi tôi post bài này lên facebook, nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên vào ghi cảm nhận, anh cho biết:
“Thưa anh Phú Đoàn, sau khi liên hệ với nhạc sĩ Sông Trà (tên thật Trần Hữu Châu), sinh năm 1937, hiện đang ở quận Tân Phú thì đượcnhạc sĩ cho biết bài Hoài Thu là của nhạc sĩ nhưng đã bán đứt cho anh Văn Trí. Kể từ đó trên bản in đều ghi tên nhạc sĩ Văn Trí. Anh này có học nhạc với thầy Hoàng Lan. Sau đó không còn liên lạc nữa nên không biết bài thứ hai.”
Không chỉ bản nhạc “Hoài Thu” bị cho không phải là của Văn Trí mà còn có bài hát “Tình Yêu Và Huyền Thoại” trước 1975 có một số nơi ghi tác giả sáng tác “Tình Yêu Và Huyền Thoại” là nhạc sĩ Minh Kỳ. Sau năm 1975, bản nhạc “Tình Yêu Và Huyền Thoại” được in lại tại hải ngoại với tên tác giả là Văn Minh Trí. Trong bản nhạc này, tác giả ghi năm sáng tác là 1968. Văn Minh Trí là bút danh khác của nhạc sĩ Văn Trí. Sự việc thế nào, mong những người hiểu rõ chuyện góp thêm ý kiến.
Ghi chú:
Thơ văn xuôi (tiếng Pháp: poème en prose) là một hình thức của thơ được viết bằng văn xuôi. Thơ văn xuôi khác thơ tự do ở chỗ không phân dòng, không dùng hình thức dòng thơ (cũng gọi là “câu thơ”) làm đơn vị nhịp điệu, không có vần.
Chất thơ của thơ văn xuôi được tạo nên bởi cấu tứ và suy tưởng giàu sức khơi gợi, bất ngờ, chất triết lý thâm thúy, thơ mộng.
Thơ văn xuôi có thể có hình thức đối thoại như "Hoàng tử bé" của Antoine de Saint-Exupéry. Tập thơ "Dâng" tập hợp 103 bài thơ sáng tác theo thể thơ văn xuôi do chính Rabindranath Tagore sáng tạo ra vẫn được người Ấn Độ gọi là Rabindra Sangeet được giải Noben văn chương năm 1913. Cuốn sách The Prophet (tiên tri) năm 1923 của Kahlil Gibran bao gồm một loạt các bài tiểu luận triết học được viết bằng thơ văn xuôi tiếng Anh. Tập “Những bài thơ văn xuôi (Prose poems)” của Kahlil Gibran cùng những tác phẩm “Uyên ương gãy cánh” (The Broken Wings), “Nhã ca tình yêu”, “Sương bụi phù hoa”,… là những áng văn hay được coi như là dạng thơ văn xuôi tuyệt vời của nhà thơ nhà văn Liban này.