Người Công giáo thường ít tin vào những tập tục mê tín dị đoan dân gian: Chọn ngày lành tháng tốt để dựng vợ gã chồng, xem địa lý phong thủy hướng nhà cửa, kỵ các ngày mùng 5, 14, 23…
Nhưng rồi đời sống ở thôn quê vẫn có những điều kỳ bí xẩy ra mà không ai hiểu và lý giải được những chuyện: Cầu cơ, lên đồng, trị nước cụt, trị hóc xương bằng cách trở củi nấu trong bếp, trị dòi ở mũi hay chân trâu bò bằng một lời thần chú của người quản dòi là sạch ngay…
Những điều trên có đôi chút làm tôi phân vân: Có nên tin vào số phận? Thì câu chuyện dưới đây làm cho tôi tin rằng: Có một sự xếp đặt vô hình của đấng tạo hoá, là điều mà mỗi người có thể cảm nghiệm thấy rất hiện thực trong cuộc sống.
Một buổi sáng nọ, có một đôi trai gái tìm về xứ đạo Châu Sơn để tìm lại quê ngoại mình sau hơn 30 năm lưu lạc, và vì thế tôi mới biết được một câu chuyện mà số phận luôn là trò đùa.
***
Ngày nay, muốn tìm một chốn hẹn hò có phong cảnh hữu tình, có cây xanh rợp bóng mát, có những vuông cỏ hẹn êm đềm và một góc trời khá yên ắng giữa chốn ồn ào, đô hội cuồng nhiệt của Tp, tưởng không có nơi nào hơn Thảo cầm viên Sai gòn. Khung cảnh này cũng chỉ mới được trả lại thinh không yên ắng, khi những tụ điểm vui chơi hoành tráng khác ra đời như Đầm Sen, Suối Tiên…đã thu hút một lượng du khách lớn để lại khoảng trống cho những đôi tình nhân thả tâm hồn vào chốn phong tình này.
Không cần phải ai mách bảo, đôi tình nhân Đan Viện và Thanh Đức cũng đã tự tìm đến nhau trong những ngày cuối tuần và Chủ Nhật, để cho tình yêu ươm biết bao mộng lành duyên thắm trong cái sân chơi Thảo Cầm Viên.
Thanh Đức là một chàng Việt kiều có cái dáng đẹp trai con nhà lành, ăn mặc sạch sẽ tươm tất gọn gàng, trông giống một thầy tu hơn là ở bộ đời. Đan Viện là một cô gái thon thả với mái tóc dài của cô gái quê miền Bắc hơn là ở chốn phố thị. Sự nhu mì và tính kín đáo ít nói lại càng không thích hợp với một Bưu tín viên, vốn phải lanh tay lẹ mắt trong công việc, và luôn phải nói cười xởi lởi với khách hàng trong giao tiếp hằng ngày.
Một chàng trai nhút nhát và một cô gái kín đáo, thì đâu dễ gì để thân quen nhau.
Một bến bờ xa cách như thế mà chỉ sau mấy tiếng đồng hồ về Việt Nam, số phận đã khéo léo để xếp đặt cho nhau thân quen được mới lạ kia chứ!
***
Ngày rời Việt Nam chạy loạn qua Mỹ năm 75, Thanh Đức mới được hai tuổi, và đang phải tay bồng tay bế của mẹ. Sau hơn một năm được chính phủ trợ cấp nhà cửa tiền bạc và thực phẩm, mẹ Đức đã gửi Đức vào cô nhi viện, để phải tìm kế sinh nhai và lo cho tương lai học hành của Đức, chứ không thể mãi trông chờ vào sự trợ cấp ít ỏi được.
Và thật khó khăn cho một người đàn bà không có trình độ, bằng cấp và tiếng Mỹ giả cầy, chỉ trông chờ vào sự nhục nhằn của những công việc cơ bắp: Quét dọn, lau nhà, giặt giũ, vú nuôi, chăm sóc người già… Là những việc làm đi sớm về khuya, thời gian để nuôi dạy Thanh Đức là rất ít. Nhưng một sự đổi đời qua bến thiên đàng Mỹ Quốc, sự vất vả như thế so với một người phụ nữ Việt Nam thuần tuý, cũng chẳng có chi đáng để phàn nàn. Cái ưu tư lớn nhất của bà là lo cho Đức được ăn học đỗ đạt đến nơi đến chốn. Nhưng điều khó đó chưa đến, cái lo trước mắt là phải tập cho Đức nói tiếng Việt. Đây là điều mà nhiều người Việt ban đầu ít quan tâm và để sau này cả một đàn con đã nói ràng rõ tiếng Việt khi ở Việt Nam mà một thời gian sau đã phải ngọng nghịu và thậm chí là quên luôn cả tiếng Việt, chuyện thường xảy ra với Việt kiều.
Sự tận tụy và cặm cụi lam lũ của người đàn bà nuôi dạy con chẳng quản thời gian như dã tràng xây cát biển Đông, đã biến mái tóc đen thành màu sương pha lúc nào chẳng ai hay.
Và ngày trái chín của cây đời đã đến lúc gặt hái, mẹ Đức mới thanh thản được đôi chút, khi Thanh Đức có công ăn việc làm ổn định.
25 năm cho một quãng đời đi qua lao nhọc và truân chuyên, đã không còn chỗ trống trong tâm trí để nhớ về một miền quê yêu dấu, mà ngày ra đi phải lặng lẽ gạt nước mắt phân ly. Và một chuyến trở về quê trong sự đổi mới của đất nước hằng thôi thúc Thanh Đức, đã biến thành hiện thực.
Ngày về Việt Nam là một sự ngỡ ngàng của một miền quê mà Thanh Đức chưa bao giờ mường tượng ra nổi. Với Đức, cái gì ở quê nhà cũng đều lạ lẫm. Từ bến đò, với những con thuyền dật dờ trên sông nước, đến những cánh đồng lúa xanh ngát, là một bức tranh thổ cẩm trông đẹp mắt và nên thơ, đã làm cho tâm hồn Thanh Đức như được tắm gội cái thư thái và hồn nhiên của một miền quê mà Thanh Đức chưa bao giờ được tận hưởng.
Ngay đến sự xô bồ, náo nhiệt của khối lượng xe cộ đang vội vàng ào ạt như mắc cửi, cũng làm cho Đức cảm thấy ngỡ ngàng cho một sự phồn vinh giả tạo thái quá. Và sự hỗn mang của một thành phố đang phát triển, cũng gây cho Đức cảm giác lạ lạ, hiếu kỳ đến ngẩn ngơ…
Đến nỗi bị xe cán chầy xước quần đến chảy máu, làm Đức chợt bừng tỉnh để luống cuống xin lỗi, mà đến người con gái cũng ngạc nhiên: Vì chưa thấy ai bị xe va quẹt chảy máu lại xin lỗi rồi, lật đật bỏ đi như sợ bị tố cáo vi phạm luật giao thông.
Thành phố đông đúc xô bồ, xe chạy như mắc cửi, làm anh bối rối. Có lẽ, giải pháp duy nhất là vào bưu điện gần đó, gọi cho người nhà tới đón là an toàn nhất.
***
Chỉ vừa về đến nhà người thân, bỗng có chuông điện thoại reo báo cho biết, anh để quên cái ví cầm tay, lúc vào bưu điện gọi điện thoại.
Khi anh đến bàn Bưu tín viên, cô gái trố mắt nhìn anh, vì cô chợt nhận ra:
- Xin lỗi, ông có phải là người mà hồi sáng bị xe tôi đụng phải không ạ ?
Thanh Đức không nhận ra cô gái, nhưng bây giờ anh mới để ý thấy, đây là một cô gái rất duyên dáng trong nụ cười bẽn lẽn. Chàng thật thà:
- Quả là tôi bị xe va quẹt, nhưng tôi không còn nhớ ra cô nữa.
- Chân anh có sao không? Cô gái tỏ ra thân thiện.
- Nam nhi mà, có sá chi ba chuyện nhỏ đó.
Cô gái cầm cái ví tay trao cho Thanh Đức rồi nói:
- Anh để quên cái ví ở phòng điện thoại mà không biết sao?
- Tôi chỉ mới về đến nhà, nên chưa phát hiện ra mình bỏ quên ví.
- Anh soát lại xem có gì mất không?
Như chợt nhớ đến một điều gì hệ trọng, chàng lật đật mở ngăn ví bên hông để soát xét. Đó là số tiền 20 ngàn Đô anh mang về. Anh thở phào nhẹ nhõm, vì số tiền hãy còn nguyên. Anh nhìn cô gái với sự cảm phục, nếu không, anh đã mất toi số tiền đó và chẳng có chứng cứ đâu để đòi lại.
Anh xin cô gái một phong bì rồi bỏ vào đó một số tiền và tỏ lòng biết ơn cô gái:
- Cho tôi xin được biết ơn cô, mong cô nhận cho tôi khỏi áy náy.
Cô gái mỉm cười rồi trao lại anh:
- Chẳng lẽ anh đánh giá tôi thấp vậy sao?
Thanh Đức bối rối:
- Xin lỗi, xin lỗi cô, tôi vô ý quá! Nhưng tôi vẫn muốn tạ ơn cô bằng một cách nào đó mong cô nhận cho.
Cô gái cười xuề xoà:
- Thôi trừ hết nợ vậy, vì hồi sáng tôi đã lỡ cán chân anh. Hơn nữa, đây là một nhiệm vụ của một Bưu tín viên, anh đừng có áy náy chi về chuyện đó.
Nhưng rồi, dù là một anh chàng ngớ ngẩn đến đâu, cũng không thể bỏ qua một cơ hội để làm quen với một cô nàng xinh đẹp, mà mình đã hàm ơn. Và rồi sau giờ tan sở, anh đã lén theo cô nàng về tận nhà, khệ nệ bưng bê nào hoa, cam, táo, nho, và những mỹ phẩm đắt tiền cho phái đẹp. Và sự tận tụy của anh, làm cho cô gái không nỡ từ chối.
Và rồi họ quen nhau từ đó…
***
Đan Viện là một cô gái lớn lên trong vòng tay của bà mẹ đầy vất vả truân chuyên trong gánh bán hàng rong. Nhưng những ngày thơ ấu của cô lại được êm đềm trong sự nuôi dạy của các Masoeur trong trường mầm non do các Sơ đảm trách. Nên vì thế mà cô gái lớn lên trong sự nhu mì và dịu hiền lan tỏa từ nơi lòng từ tâm của các Sơ.
Và ngày cô tốt nghiệp cao đẳng Bưu chính viễn thông với số điểm cao đã cho cô một chỗ làm việc ổn định trong TP. Điều này cũng là một niềm hãnh diện cho người mẹ, vì đã không uổng công nhọc nhằn nuôi nấng con trong 25 năm qua. Và mặt khác, có lương tháng chu cấp cho mẹ bớt vất vả trong tuổi già, tóc đã bạc mầu thời gian.
Người mẹ cũng thật ngạc nhiên, trong cái buổi đầu gặp gỡ của chàng trai Việt kiều xa lạ mà, con gái chưa bao giờ nhắc tới. Nhưng rồi người mẹ cũng tỏ rõ nỗi vui mừng trên nét mặt khi thấy con gái mình, đang làm cái điều mà mẹ thầm ước mong bấy lâu nay.
***
Cũng là cái nắng ở TP, nhưng nắng ở Thảo cầm viên nhẹ và êm ả hơn. Những tia nắng lung linh sắc màu ngọc bích dưới những tàn cây cổ thụ rợp bóng mát che, với những vuông cỏ mượt mà và mềm mại cho đôi tình nhân nhẹ gót hài trên lối mộng của một tình yêu ngày càng say đắm, ươm biết bao mộng mơ. Nhưng không vì thế mà đánh mất cái vẻ trong sáng và thanh cao của viên pha lê óng ánh tỏa lan nơi hai tâm hồn. Những bờ ghế đá quyện mùi tình nhân cũng không làm họ xích lại nhau quá cái giới hạn cho phép. Và họ chỉ cho phép cầm tay nhau hay hôn lên má hoặc tóc mà thôi.
Ba năm trong ba lần về với những cuộc hẹn hò, rong chơi dã ngoại mà họ vẫn chưa biết đến hương vị nồng thắm và ngây ngất của nụ hôn trao nhau. Chính họ cũng không biết rằng, đó là một phần xúc tác thú vị để dưỡng nuôi tình yêu thêm nồng nàn và ngọt ngào. Hình như họ đến với nhau bằng tâm hồn hơn là nhục cảm, và vì thế hương thơm luyến ái tỏa ra từ hai tâm hồn làm họ quyến luyến và cũng đầy tôn quý nhau hơn. Và cái cách yêu cuồng sống vội của thời đại làm cho họ phát ngượng và dường như đó là một sự xúc phạm cái vương miện pha lê thanh cao tình yêu mà họ hằng tôn kính. Liệu điều đó có vẻ lạc điệu và không tưởng với một cuộc sống hiện đại đầy thực dụng chẳng?
Nhưng rồi những suy nghĩ đó, cũng chẳng ảnh hưởng đến cuộc tình của họ. Vì họ biết, họ yêu và sống cho họ chứ không phải cho ai. Vì họ muốn những xúc cảm nhục thể sẽ chỉ để dành cho nhau trong cái ngày hợp hôn đầy trân quý và hân hoan đó.
Và dẫu cho một tình yêu đầy chất thánh thiện thì, số phận cũng đã không buông tha, để bắt đầu chen lấn vào tình yêu của họ, làm một trò đùa giễu cợt cho cái ngày hợp hôn thêm xa vời.
***
Mọi thủ tục xuất cảnh đang được xúc tiến một cách tốt đẹp, và lần đưa mẹ về là để tác hợp nhân duyên của đôi bạn là ngày đớn đau cho Thanh Đức và Đan Viện đã phải tiễn biệt người mẹ hằng yêu dấu về cõi vĩnh hằng, trong sự cố tai biến mạch máu não của tuổi già mẹ Đức. Một cuộc tình chưa kịp lên ngôi hợp hôn đã vội kết hai vành khăn sô cho một người mẹ, mà niềm ước mơ của cả một đời không kịp đến, thì nỗi đau xót của người con day dứt đến là dường nào.
Đành phải ngậm ngùi quay về Mỹ, cho vơi bớt nỗi niềm thương nhớ của một cuộc đại tang.
Và rồi hoạ vô đơn chí…
***
Sáu tháng sau, cái ngày 11/9 khủng khiếp làm chấn động cả nước Mỹ, nhưng tại Việt Nam, có người con gái đã khóc hết nước mắt khi hay tin hai tòa tháp đôi sụp đổ, tưởng cái chết của người mình yêu đang làm việc trong văn phòng của một công ty bảo hiểm ở tòa tháp đôi, là không thể tránh khỏi. Ngày một, ngày hai, rồi một tuần lễ…thời gian như một viên đá tảng đè nặng lên tâm hồn Đan Viện với nỗi sầu muộn nhớ thương day dứt khôn nguôi, khi từng ngày trôi đi không có một tin tức gì về Thanh Đức.
Đến ngày thứ 20, Đan Viện đã chẳng còn một tia hy vọng sống sót của Thanh Đức nữa. Một di ảnh được phóng lớn đặt trên bàn thờ, với hoa nến hương trầm nghi ngút trong sự tiều tuỵ và đầy nước mắt của hai mẹ con Đan Viện. Chiếc khăn tang mẹ chưa kịp nhàu trên mái tóc, chiếc khăn tang cho người chồng sắp cưới lại phủ lên thân phận người con gái bé bỏng. Đan Viện ngất đi trong tuyệt vọng, và phải chở đi cấp cứu.
Trong khi bệnh viện chưa kịp cấp cứu, bỗng có tiếng điện thoại từ bên Mỹ báo về: Thanh Đức đã được cứu sống trong một cơn hôn mê dài 20 ngày. Và như thần giao cách cảm, Đan Viện chợt bừng tỉnh trong niềm vui vô hạn. Cô chỗi dậy ra về trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Họ đâu biết rằng tình yêu có sức mạnh vô hình lớn lao đến thế.
Và cái ngày về tĩnh dưỡng dài ngày ở Việt Nam của Thanh Đức là một cuộc hội ngộ vui mừng khôn tả của đôi tình nhân, ngỡ đã không còn thấy nhau trên cõi đời này, niềm vui tưởng không có giấy bút nào tả xiết. Đan Viện cũng làm đơn xin nghỉ việc, vì cô không muốn rời xa Thanh Đức một phút giây nào.
Những ngày tháng sau đó, họ luôn quấn quýt bên nhau không rời bước, và tưởng như, nếu để rời nhau đi, họ sẽ không bao giờ gặp nhau nữa.
Đó là những tháng ngày hạnh phúc và đẹp đẽ nhất của một cuộc tình đầy long đong. Họ tận hưởng những phút giây êm đềm và dấu ái bên nhau, như để bù đắp lại những tháng ngày nhung nhớ cách chia.
Và cái ngày hôn lễ sắp đến nơi, thì số phận đỏng đảnh lại xen vào gây khó dễ cho họ một sự vướng mắc oan trái đến nghiệt ngã.
***
Mẹ Lucia – Giám đốc Cô nhi viện, không ngờ trong đời mình lại bị đưa đẩy đến một tình thế khó xử đến thế. Cái buổi sáng mà đôi bạn tình đang phơi phới xuân tình tới Cô Nhi viện để chỉ xin mẹ cái giấy xác nhận Rửa tội năm xưa, làm thủ tục cho một hôn lễ kề cận, đã bắt đầu cho một trò đùa định mệnh nghiệt ngã.
Và khi Đan Viện – cô gái mà mẹ từng nuôi dạy từ bé, trong khuôn mặt rạng rỡ để giới thiệu Thanh Đức - người chồng sắp kết hôn, mẹ bỗng bối rối và xây xẩm đến tối tăm mặt mày, khi biết rằng, mẹ không thể lầm lẫn vào đâu với hai cái tên mà mẹ đã từng đặt cách đây gần 30 năm. Và rồi sau đó, hai người phụ nữ đã đến xin nhận hai đứa trẻ làm con nuôi.
Ký ức xa xăm từ gần 30 năm của một đêm mưa gió với một người đàn bà bụng mang dạ chửa nằm bất tỉnh trước cửa tu viện, bỗng hiện về trong tâm tưởng mẹ. Và mẹ vẫn nhớ rất rõ về câu chuyện tình của người đàn bà đó kể lại cho mẹ nghe.
***
Nếu câu chuyện tình kể trên, đầy vẻ trong sáng thánh thiện, còn câu chuyện tình sau đây lại mang tính hồn nhiên thơ mộng của tuổi mới lớn, nhưng cũng chứa đựng không ít đắng cay lẫn tủi nhục.
Vào những năm cuối thập niên 60 người ta không thể quên, một đôi tình nhân nam thanh nữ tú trên sân trường Trung học Tổng hợp Ban Mê thuột. Chàng là một nam sinh 12B, tuấn tú dong dõi và có phần cao ngạo với gốc gác, con ông cháu cha thế giá trong một gia đình phong kiến và rất mộ Phật. Còn nàng là một nữ sinh 12A, một thôn nữ nhưng không kém phần kiều diễm trong dáng người thon thả với mái tóc dài mây bay và đôi mắt mộng mơ quyến rũ hồn người, và cũng chẳng kém thế giá so với chàng, vì là con cha cháu cụ, thời đó cũng rất vinh vang.
Một thời đưa đón nhau về, tay đan tay trong tà áo dài trắng tung bay trên con đường về ngoằn ngoèo dốc đồi đất đỏ là hình ảnh thật lãng mạn, và nên thơ, mà ngày nay khó có thể tái tạo lại nổi. Những chiều hẹn hò bên những quán nước Mây Hồng, Hạ Trắng, Diễm Xưa, đồi lao xao và kể cả quán bánh bèo Thu Sương là những kỷ niệm đầy chất thơ của tuổi học trò và sự hồn nhiên của tuổi mới lớn. Và tình yêu của họ được lớn lên và ươm nhiều ước mơ trong ba năm trung học trên mái trường thân yêu đó.
Tất cả đã làm nên dấu ấn huyền thoại của một mối tình, mà ai ở vào cái tuổi đó cũng đều thầm ao ước được như thế. Nhưng điều này lại không là điều mong ước của cả hai gia đình mà hai tính chất hoàn toàn trái ngược nhau.
Một bên là thế giá của một gia đình danh gia vọng tộc với một nền lễ giáo phong kiến và sùng Phật. Còn bên kia lại con cha cháu cụ của đạo Công giáo, rất có uy tín và thế lực với chính quyền thời bấy giờ, cũng là một niềm tự hào đáng kể.
Cái bi kịch bắt đầu xảy ra khi Lê Công Khanh đưa Mai Diễm Nương về ra mắt giới thiệu với gia đình. Đó là thời điểm sau khi thi đỗ tú tài đôi, chàng đã thi đỗ vào trường Y Sài Gòn, và nàng cũng thi đỗ vào cao đẳng Sư phạm Cao Nguyên. Và một sự ra mắt chuẩn bị cho một lễ đính hôn sắp tới là rất cần thiết cho một hôn ước của hai người, khi bước vào đời với hai khung trời khác nhau. Những người yêu nhau lại quá đơn giản để nghĩ thế. Họ đâu biết rằng, sự việc nhiêu khê và phức tạp hơn họ tưởng nhiều.
Sự phản đối mãnh liệt trước tiên xuất phát từ gia tộc dòng họ nội của Công Khanh. Bởi có quá nhiều lý do để cản trở cuộc hôn nhân của lứa đôi: Không môn đăng hộ đối vì bên quê bên phố, bên Phật bên Đạo, bên Bắc bên Nam. Và lý do quan trọng nhất: Lê Công Khanh là tộc trưởng của một dòng tộc to lớn và thế giá, không thể theo đạo Công giáo để bỏ ngôi thừa tự hương khói cho cha mẹ và ông bà tiên tổ.
Bên họ gái cũng không kém phần quyết liệt với muôn vàn lý do: Người Nam ăn xổi ở thì, không chung thuỷ, nếu lấy về bên ấy sẽ mất phần đạo nghĩa cho con cái và mất linh hồn cho người vợ. Và lý do lớn nhất là, cháu của một Linh Mục mà lấy một người ngoại đạo thì còn ra thể thống chi nữa, làng xóm sẽ chê cười.
Và hình như việc dựng vợ gã chồng không còn là chuyện của hai người nữa rồi. Họ lấy vợ, lấy chồng cho gia tộc, cho tôn giáo của riêng mình, cho thế giá, cho cục bộ Nam Bắc hơn là cho đôi bạn trẻ.
Nhưng rồi chàng và nàng cũng không chịu khuất phục vì những lý do ngoại tại đó và giành lấy quyền quyết định tối thượng cho riêng mình. Hai người vẫn đi lại và tìm gặp nhau những khi có thể. Và phản ứng mạnh mẽ nhất của Khanh với gia đình là việc bỏ Đại học để tình nguyện đi học sĩ quan Quân đội. Cô nàng cũng không kém cạnh quyết liệt khi quyết định ở nội trú tại trường Sư phạm không về nhà, để phản đối sự khắc nghiệt của gia đình. Điều này chỉ khiến cho hai bà mẹ phải sống trong âm thầm đau khổ để thương khóc cho con. Trái lại, hai người cha tỏ ra thản nhiên đến kiên cường thách đố con cái: Có giỏi thì đi mà lấy nhau.
Và cũng chẳng cần phải thách đố lâu. Hai năm sau, khi chàng và nàng đều ra trường thì họ quyết định sống chung với nhau. Khanh đóng quân ở Bình Long, và Diễm Nương cũng xin về dạy ở huyện thị với chồng.
***
Đó là những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất trên mọi mặt trận ở miền Nam. Và Bình Long, An Lộc vẫn là tuyến lửa hàng đầu của cuộc chiến. Mùa hè đỏ lửa 72, đã làm sục sôi cả một trận tuyến khói lửa ở Bình Long Anh dũng.
Đó là một cuộc nội chiến tương tàn đẫm máu và khốc liệt nhất, mà bên nào cũng khoe khoang sự tàn bạo của mình dưới những chính nghĩa hào hùng, anh dũng thì cũng chỉ là một sự giết người hung bạo đến man rợ nhất của con người vào cái thế kỷ ánh sáng văn minh, tiến bộ mà thôi.
Trận Hồng thuỷ giết nhau hàng loạt đã làm cho máu chảy, đầu rơi, xương tan đã thấm đậm lên toàn địa chiến Bình Long đã kéo theo cái chết của Thiếu uý Lê Công Khanh mà nỗi đau thảm khốc lại nghiêng về người nữ giáo viên Mai Diễm Nương đang bụng mang dạ chửa.
Thật là hoạ vô đơn chí, khi cha mẹ ruồng bỏ, bụng mang dạ chửa và chồng chết. Tưởng chẳng còn cái cảnh bi ai thảm hoạ nào hơn.
Và ngày đó, Bình Long cũng hoang tàn đổ nát chẳng thua kém gì ngày tàn của một Giêrusalem Do Thái. Và ở đó, không thể là chốn nương thân cho một người đàn bà bụng mang dạ chửa không người thân quen. Tiện lúc có người bạn nhắn tin vào dạy học ở Sài Gòn, Diễm Nương không ngần ngại để ra đi.
***
Và cái đêm về Sài Gòn tìm người bạn…
Một trận mưa rào rạt và gió bão mịt mùng giăng kín lối đi, để Diễm Nương lạc lối tìm không thấy nhà người bạn. Rồi họa vô đơn chí, nàng đã bị trượt chân té ngã…
Tối đó, mẹ Lucia vừa đi dạo vừa lần hạt trước sân nhà…Bỗng phát hiện có người ngất xỉu trước cổng tu viện. Mẹ Lucia tức tốc đưa nàng vào nhà thương Từ Dũ để sinh con. Và cái may mắn đó đã không kéo dài được lâu, vì sinh đôi nên thời gian quá lâu cho một người đàn bà yếu ớt không thể sống sót qua cơn vượt cạn đầy gian nan ấy.
Đó là cái kết cục bi thảm đầy thương tâm của một màn kịch giằng co giữa hai cái phông cánh gà lớn của hai thế lực tôn giáo đã ập xuống để giết chết hai nhân vật chính diện trên sân khấu đời là thế đấy. Và rồi, hầu như chẳng bên nào dám can đảm đứng ra chịu trách nhiệm cho một cuộc bách hại đầy thảm khốc.
***
Cho đến lúc này, mẹ Lucia thật ngao ngán cho một trò đùa bi ai vẫn còn đang tiếp diễn. Hai đứa trẻ mà mẹ đã rửa tội và đặt tên, bây giờ định mệnh nghiệt ngã lại gắn kết với nhau trong nghĩa tình vợ chồng, bảo sao không oan nghiệt kia chứ!
Và đêm nay, chính mẹ là người phải chịu sự hành hạ của những suy tư trăn trở mà vẫn chưa tìm ra lối thoát cho hai đứa trẻ cùng cha mẹ đang vui mừng để kết duyên trăm năm hạnh phúc, làm sao mẹ Lucia chịu được nỗi dằn vặt. Chắc chắn là mẹ phải nói rõ cho nguồn cơn cho hai đứa biết, để khỏi phải rơi vào tình trạng loạn luân mà, chính mẹ phải liên đới gánh chịu trách nhiệm.
Nhưng điều mẹ trăn trở là phải nói làm sao cho hai đứa không ngỡ ngàng đau xót, khi cái ngày hôn lễ đang đến gần. Và thời gian cũng không còn nhiều để mẹ xoay xở nữa rồi. Chỉ ngày mai thôi, mọi chuyện được xếp đặt đang dần biến thành hiện thực cho một hôn lễ đã được trông chờ gần 5 năm nay. Nhưng rồi điều làm cho mẹ lo lắng hơn cả: Liệu khi hay biết chuyện này, chúng nó vẫn liều lĩnh lấy nhau thì sao đây??
Câu chuyện hoàn toàn bỏ ngõ…Mẹ chỉ còn biết cầu nguyện và tín thác trong Chúa và Mẹ Maria.
***
Chỉ biết rằng sau đó, hai đứa con đã quy tập cha mẹ về một mộ chí nơi một xứ đạo miền quê và làm ma chay tống táng theo phép đạo cho đúng chữ hiếu của phận làm con cái.
Xét cho cùng, trò đùa số phận cũng không đến nỗi quay quắt khi có được một kết cục có hậu: Chị em đã nhận ra nhau sau 30 năm không hề biết đến, và số phận ngạo ngược đã hoán đổi ngôi vị từ em thành chị.
Cuối cùng, sau bao năm lưu lạc, chị em cũng đã tìm về để làm tròn chữ hiếu của phận làm con, tưởng không còn gì tốt đẹp hơn để nói nữa.
Châu Sơn ngày 20/12/2005