Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.110
123.142.317
 
1944 Johannes V. Jensen (Đan Mạch, 1873 – 1950)
Lê Ký Thương

Nobel văn chương thế kỷ 20 (từ năm 1901 đến năm 2000)

 

 

(Biên dịch theo Tài liệu của Viện Hàn Lâm Thụy Điển)

 

 

 

Ngay từ đầu thế kỷ Johannes V. Jensen đã đứng vào hàng ngũ tiên phong trong nền văn học Đan Mạch. Ông luôn năng động, gây tranh cãi trong một thời gian dài, nhưng lại được ngưỡng mộ khắp thế giới vì sức sống của ông. Đứa con của vùng Jutland khô khan đầy gió này, hầu như đứng ngoài thù hận, đã làm cho những người cùng thời phải ngạc nhiên vì sức sáng tạo dồi dào của ông. Ông được xem như một trong những nhà văn Scandinavi có khả năng sáng tác sung mãn nhất. Ông đã xây dựng nên một mảnh đất văn chương rộng lớn và đầy ấn tượng, bao gồm nhiều thể loại khác nhau: sử thi, thơ trữ tình, những tác phẩm hiện thực và tưởng tượng, những tiểu luận về triết học và lịch sử, ấy là chưa kể đến những cuộc dạo chơi vào lãnh vực khoa học ở mọi hướng.

 

Nhà cải cách văn phong và táo bạo đập phá thánh tượng trong văn học này ngày càng tạo nên tên tuổi của mình để trở thành một  nhà văn kinh điển hàng đầu. Trong thâm tâm, ông cảm thấy mình gần gũi với thi ca của thời hoàng kim, và hy vọng rằng một ngày nào đó ông sẽ là một trong số những vị thần hộ mệnh phục hồi sinh khí cho quốc gia mình.

 

Những tác phẩm đầu tiên của Johannes V. Jensen cho thấy ông giống như một chàng trai tỉnh lẻ, một sinh viên đối kháng sống ở Copenhagen, một tuổi trẻ khó khăn và bị khích động, hăng say đấu tranh chống lại đầu óc rỗng tuếch và hẹp hòi về tri thức. Chàng trai gốc Jutland này, đầy ý thức, khó gần, nhưng nhạy cảm, chẳng bao lâu đã phát hiện ra xứ sở của mình quá nhỏ bé. Ngột ngạt vì không khí quen thuộc của những hòn đảo xứ Đan Mạch, chàng ném mình vào chủ nghĩa lãng mạn ngoại lai với lòng đam mê nửa vời của một con bạc. Những chuyến du lịch đầu tiên đến những lục địa nước ngoài đã mở ra trước mắt chàng trai khoảng không gian cần thiết cho trí tưởng tượng không mêt mỏi của chàng. Trong suốt thời gian này, chàng hát bài ngợi ca kỹ thuật và cơ khí hóa. Cũng giống như người đồng hương H. C. Andersen, lần đầu tiên mô tả kỳ công của chuyện đi du lịch bằng đường sắt, Johannes V. Jensen là nhà tiên tri về những kỳ công của thời đại chúng ta, về các tòa nhà chọc trời, xe ô tô, các rạp chiếu bóng, mà ông không tiếc lời ca ngợi trong những quyển tiểu thuyết về châu Mỹ của mình, đó là quyển Bà D’Ora (194) và Bánh xe [Hjulet] (1905). Nhưng chẳng bao lâu, ông lại bước vào một giai đoạn phát triển mới. Có thể nói là đúng vào lúc đứng trước nguy cơ đơn giản hóa các vấn đề, thỏa mãn khát vọng du lịch , ông bắt đầu nhìn lại đúng lúc những gì mà ông đã từng đeo đuổi. Cũng chính người đã ca tụng cuộc sống hiện đại với tốc độ nhanh và những cỗ máy ồn ào của nó, giờ đây lại trở thành một khán giả của những triều đại cổ, hiến mình cho công cuộc nghiên cứu những thời kỳ trong quá khứ, khi loài người lần đầu tiên bước vào cuộc phiêu lưu.

 

Có lẽ nhờ vậy mà chúng ta có được bộ tiểu thuyết sáu quyển quan trọng nhất của ông với nhan đề Cuộc hành trình dài [De lange rejse] (1908 – 22), đưa chúng ta đi từ thời kỳ băng hà cho đến thời Christophe Colombus. Chủ đề trung tâm hay một trong những chủ đề trung tâm của tác phẩm này là nhiệm vụ toàn cầu của dân tộc Scandinavi, từ sự di dân vĩ đại và cuộc xâm lăng của người Norman đến sự khám phá ra châu Mỹ. Jensen khám phá ra Christophe Colombus là hậu duệ của người Lambard, hay còn gọi là người Bắc Âu, nếu không phải là dân Jutland giống như ông. Trong loạt tác phẩm vĩ đại này xuất hiện một gương mặt huyền thoại, Nornagestr. Ông ta chẳng giống chút gì với con người đã xuất hiện trước triều đình của Vua Olaf Tryggvason để kể lại chuyện mình và chết tại đó. Theo truyền thuyết dân gian của Iceland, ông ta thọ ba trăm tuổi, nhưng Jensen đã làm cho ông ta già hơn nữa và biến ông thành một loại Ahasverus, có mặt khắp nơi, luôn luôn đứng sau thời đại của mình, một kẻ xa lạ giữa những thế hệ mới, nhưng vì thế lại trẻ hơn họ vì ông ta sống vào thời mà chính bản chất sự hiện hữu là trẻ trung, và loài người gần gũi với nguồn gốc của họ hơn. Nhà văn theo truyền thống truyện kể Bắc Âu để làm rõ ý đồ sáng tác của mình.

 

Đối với Johannes V. Jensen, người lớn lên trong vùng đồng hoang Jutland, nơi mà chân trời thường bị chia ra làm đôi bởi đường dung nham hình nón, thì đó là điều tự nhiên khi sự quan tâm của ông chia đều cho các sự kiện và huyền thoại, cũng như việc ông tìm kiếm đường đi giữa bóng tối của quá khứ và thực tế của hiện tại. Những hình mẫu ông đưa ra cho chúng ta thấy cả sự quyến rũ của thời sơ khai đối với một con người nhạy cảm lẫn sự cần thiết để biến sức mạnh thô bạo thành dịu dàng. Ông đã đạt đến đến đỉnh cao nghệ thuật của mình nhờ những tương phản mãnh liệt đó. Ngọn gió tươi mát mặn mà đã thổi qua tác phẩm của ông, mở ra bằng một thứ ngôn ngữ sinh động, diễn đạt đầy ấn tượng, và một năng lực phi thường. Rõ ràng là đối với các nhà thơ gắn bó sâu sắc với đất nước mình, tài năng thiên phú của họ thể hiện ở việc sử dụng ngôn ngữ. Jensen là tiếng nói của Jutland và Đan Mạch. Với tài năng của mình, ông xứng đáng với danh hiệu người kể chuyện kiệt xuất về cuộc chiến đấu chống lại thiên nhiên, làm vẻ vang của dân tộc Bắc Âu, và về sự kế tục tinh thần Bắc Âu qua các thời đại./

      

 

 

 

 

 

Lê Ký Thương
Số lần đọc: 431
Ngày đăng: 03.08.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
1939 – Frans Eemil Sillanpaa (Phần Lan, 1888 – 1964) - Lê Ký Thương
Bạn tốt bạn xấu (II) Một thuở xưa nay - Võ Công Liêm
1938:Pearl Buck (Mỹ, 1892 –1973) - Lê Ký Thương
1937: Roger Martin Du Gard (Pháp, 1881 – 1958) - Lê Ký Thương
1936 – Eugene Gladstone O’neill (Mỹ, 1888 – 1953) - Lê Ký Thương
1934 - Luigi Piradello (Ý, 1867 – 1936) - Lê Ký Thương
1933 –Ivan Bunin (Nga, 1870 – 1953) - Lê Ký Thương
Chân dung nhà thơ Sương Biên Thùy – Lê Mai Lĩnh - Trần Thoại Nguyên
1932 – John Galsworthy (Anh, 1867 – 1933) - Lê Ký Thương
1931 – Erik Axel Karlfeldt (Thụy Điển, 1864 – 1931) - Lê Ký Thương
Cùng một tác giả
Biển của tôi (tạp văn)
Hồn Sách Cũ (tạp văn)
Sài Gòn – Ăn (tạp văn)
Sài Gòn - Sách (tạp văn)