Từ xa xưa (hậu bán thế kỷ XIX) các bậc nho gia trưởng thượng thường dạy con cháu: “Làm trai chớ đọc Phan Trần. Làm gái chớ đọc Thúy Vân Thúy Kiều”. Thế mà bản thân kẻ viết bài này được sinh ra trong cái nôi Nho gia ấy, lại được phép vượt ra ngoài đạo luật có văn bản rạch ròi như trên...
Tại sao? Số là thầy dạy học – vị gia sư khả kính và cũng là dưỡng phụ tôi – trong chương trình Quốc Văn bậc Tiểu học thường cho mấy nhóc con học thuộc lòng những đoạn thơ ngắn mà cụ gọi là “bài đọc thêm” được Người trích dẫn từ các tác phẩm Văn học cổ điển Đông Phương như “Đại Nam Quốc sử diễn ca”, “Gia Huấn ca”, “Hạnh thục ca” và cao hứng thế nào mà cụ lại cho học luôn cả “Chinh Phụ ngâm” và “Truyện Kiều” với:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
(Đó là nguyên nhân tôi biết buồn quá sớm)
Vậy là theo thời gian và chương trình học mỗi năm tôi đã đến với “Đoạn Trường Tân Thanh” của cụ Nguyễn bằng tất cả niềm quý kính và thích thú – thích thú khi chạy theo nội dung câu chữ, chạy theo từng ý tưởng mà tác gia đã ký thác, chạy theo từng tính cách của mỗi nhân vật mà tác gia đã dày công tạo dựng sinh thành. Thuở mười sáu mười bảy tôi mê một nhân vật mang cái đẹp điển hình của khách hào hoa:
“... thấy một văn nhân
Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng
Đề huề lưng túi gió trăng
Sau chân theo một vài thằng con con
Tuyết in sắc ngựa câu dòn
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời
Nẻo xa mới tỏ mặt người
Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình
Hài văn lần bước dặm xanh
Một vùng như thể cây quỳnh cành dao...”
Hình ảnh “văn nhân” ấy là thần tượng của biết bao cô gái “con nhà” của một thời lượt dắt trâm cài thế hệ chúng tôi. Vì thế mà chúng tối ghét cay ghét đắng khi gặp một chân dung đối lập với người thanh niên phong tao nhã đạm Kim Trọng, đó là gã họ Mã:
“... Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao...”
... “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng...”
Ai cũng hiểu “ghế trên” là chỗ ngồi tôn quý trong mỗi gia đình chỉ dành riêng cho chủ nhân, thế mà gã ma cô cực kỳ vô giáo dục này vừa bước vào đã nhảy bổ lên ngồi, chưa kịp đợi người nhà phân ngôi chủ khách... và cái gì tiếp theo gây cho mọi người sự phẫn nộ cùng cực khi thấy:
... “Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra
Nỗi mình thêm tức nỗi nhà
Thềm hoa mỗi bước lệ hoa hai hàng
Mối càng vén tóc bắt tay
Nét buồn như cúc điệu gầy như mai...”
Trời ơi! Cái tên họ Mã thô lỗ tục tằn ấy (cũng đã từng là Giám sinh) lại dám cả gan ngồi ghế giám khảo để săm soi nhan sắc não nùng của Thúy Kiều đang cơn gia biến:
... “Đắn đo cân sắc cân tài
Ép cung cầm nguyệt nọ bài quạt thơ...”
Để rồi:
... “Mặn nồng mỗi vẻ mỗi ưa
Bấy giờ khách mới tùy cơ dặt dìu...”
Và chúng ta buồn cười làm sao khi thấy tên này thoắt nhiên lễ độ:
... “Rằng mua ngọc đến Lam Kiều
Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường...”
Thế nhưng khi mụ mối khiêm tốn vờ “dạy”:
... “Thưa rằng giá đáng ngàn vàng
Dớp nhà nhờ lượng người thương dám nài...”
Thì với bản năng con buôn (người) “khách” đã phô bày chân tướng biển lận, không ngần ngại mặc cả ì xèo:
... “Cò kè bớt một thêm hai
Ngoài ra ngã giá vàng ngoài bốn trăm...”
Bằng nét cọ chấm phá cực kỳ tinh xảo cụ Tố Như đã phát họa chân dung của Mã Giám Sinh rõ mồn một – chân dung của gã buôn người. “Họ Mã mua người ngồi vắt vẻo/ Thúy Kiều bán mạng đứng chôn chân/ Bốn trăm lạng nát đời khuê nữ/ Thân ngọc vàng tan mộng quý nhân”(*)
Mộng làm quý nhân với mối tình đầu tan vỡ bầm dập đoạn trường... đến lúc làm tay thuyết khách khuyên Từ hải ra hàng binh tướng của triều đình theo lời dụ dỗ của “Quan Tổng đốc đại thần Hồ Tôn Hiến” với ước mong:
“... Công tư vẹn cả đôi bề
Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương
Cũng ngôi mệnh phụ đường đường
Nở nang mày mặt rỡ ràng mẹ cha...
Nhưng rồi Thúy Kiều ngã đạn ra khi thấy mình bị lừa bởi: “Mưu mô sâu hiểm bọn vương thần/ Nghĩa ân Từ Hải đền chưa trọn/ Nghiệp chướng Tiền Đường rửa sạch trong/ Lòng đã yên bởi tròn hiếu đạo/ Hay còn vướng chút khách vong thân” (**)
Nhắc đến khách vong thân chúng ta thấy hiện ra trước mắt mình cái chết bi đát, bi phẫn hay bi tráng (?) của người đã có một thời:
... “Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài
Đội trời đạp đất ở đời
Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông...”
Người Việt Đông ấy khi đến với Thúy Kiều chỉ có:
... “Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo...”
Hành trang trên vai lúc vào đời đã đủ giàu có để chàng hào sảng hứa hẹn và khẳng định với Thúy Kiều:
... “Một lời đã biết đến ta
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau...”
Và lời hứa hẹn đã thành sự thật khi Từ Hải công thành danh toại (???)
... “Giáp binh kéo đến quanh nhà
Đồng thanh cùng gởi: “Nào là phu nhân”
Hai bên mười vị tướng quân
Đặt gươm cởi giáp trước sân khấu đầu
Cung nga thể nữ nối sau
Rằng “Vâng lệnh chỉ rước chầu vu quy...”
Thôi chúng ta trở lại chủ đề của bài viết nhỏ này đi, tôi lại mang bệnh lan man như cố nhà thơ Quách Tấn:
... “Tình lan man gợi tứ lan man”
(Đêm thu nghe quạ kêu – Quách Tấn)
Không hiểu sao khi đọc Kiều, nhân vật tôi thương nhất lại là “người khách viễn phương”. Và khi có ý định đặt vấn đề về nhân vật này tôi đã tham khảo nhiều tư liệu viết về Truyện Kiều của các bậc khoa bảng thời cận đại hiện đại và tôi đã đọc hai trăm lẻ bảy bài viết về Kiều trong bộ hợp tuyển “Hai trăm năm nghiên cứu bàn luận Truyện Kiều” của soạn giả Lê Xuân Lít do nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành tháng 9 năm 2005 vẫn không thấy vị nào nhắc đến người khách viễn phương, tôi thấy tội nghiệp cho nhân vật này, một nhân vật chỉ xuất hiện một lần trong tác phẩm qua lời thuật sự của cậu bé “Một con trai thứ rốt lòng. Vương Quan là chữ nối dòng Nho gia.” Mà cậu này đáng sợ thật, bởi vì so tuổi của Thúy Kiều Thúy Vân mà cụ Nguyễn gới thiệu thì Vương Quan lúc bấy giờ chỉ mười một – mười hai tuổi là cùng, mà sao thông thạo chuyện trà đình tửu điếm quá vậy, mà cậu ta lại là “dòng nho gia” kia đấy (?!)
Không biết có ai thắc mắc như tôi không?
Trong một lần tôi và nhà văn Vũ Hạnh cùng là khách mời của “Á Nam lưu niệm đường” nhân ngày húy nhật của cố thi gia Á Nam Trần Tuấn Khải (23 tháng Giêng âm lịch mỗi năm) nói chuyện với ông ấy một lúc tôi mới nhớ lại là Vũ Hạnh có viết tập tiểu luận “Đọc lại Truyện Kiều” do nhà xuất bản Tổng hợp Nghĩa Bình ấn hành năm 1987. Vậy là về đến nhà tôi lập tức lục lạo trong thư viện mini của mình, đọc ngấu nghiến và may thay đã tìm được cái mình lang thang tìm kiếm bao tháng ngày. Trong tám (8) bài tiểu luận của Vũ Hạnh có một bài nói đến khách viễn phương mà đề bài là một nghi vấn, một dấu chấm hỏi. Tác giả tự suy luận, tự lập luận rồi tự giải mã. Trong bốn hạng người sắp xếp theo trật tự xã hội “Sĩ, Nông, Công, Thương” Vũ Hạnh loay hoay mãi không biết đặt khách viễn phương vào vị trí nào trong thời bấy giờ theo quan điểm duy ý chí của ông.
Tôi không lạm bàn những điều Vũ Hạnh đề cập trong bài tiểu luận ấy, mà chỉ có nỗi vui duy nhất là có người đã lưu tâm đến nhân vật khách viễn phương như mình; còn quan tâm đến mặt nào, đến ngóc ngách nào của nhân vật đấy là quyền cảm thụ và thẩm định của mỗi cá nhân bạn đọc.
Vũ Hạnh nhìn tổng thể chân dung của khách viễn phương và đánh giá theo lý tính, còn tôi – một người phụ nữ đầy cảm tính – tôi nhìn khách viễn phương qua việc làm thực tế, qua hành xử hào hiệp, nghĩa tình vô vụ lợi với người đàn bà bạc mệnh Đạm Tiên. Người khách xa lạ ấy chẳng biết ở phương nào trong bốn phương tám hướng của xã hội Minh Triều (?)
Tất nhiên là khi đến với Đạm Tiên người khách xa lạ ấy có mục đích “Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi”. Nhưng nếu là một khách làng chơi bình thường hay tầm thường họ sẽ quay lưng khi thấy “Buồng không lặng ngắt như tờ” chứ ai lại “Sắm sanh nếp tử xe châu” và lại khiêm tốn bảo “vùi nông một nắm”. Vì thế tôi quý tấm lòng nhân hậu ấy – nếu bảo cuộc đời nầy không ai cho không ai thứ gì, thì vẫn có một đấng trượng phu “cho” mà không cần đáp trả - đó là người khách viễn phương xa lạ “Thi ân bất cầu báo”. Vì vậy làm sao ta “Nỡ Quên Một Tấc Lòng”: Ơi! này người khách viễn phương/ Tuyệt vời thay giữa mù sương ta bà/ Chút tình trong ngọc trắng ngà/ Chưa trao đổi, chưa la cà nhục thân/ Xe châu nếp tử mộ phần/ Chu toàn cho kẻ chưa lần tương giao/ Chỉ nghe “nức tiếng” má đào/ Tìm thăm cho thỏa nếp hào hoa chơi/ Nào ngờ “trâm gãy bình rơi”/ “Buồng không lặng ngắt” bời bời xót xa/ “Đã không duyên trước chăng mà”/ Sắm sanh hậu sự gọi là duyên sau/ Tình sao đẹp tợ trân châu/ Nghĩa mà như vậy cao sâu mấy tầng/ Đẹp sao giữa cõi phù vân/ Đạm Tiên ơi! chút phước phần chiều hôm/ Qua bao cay cực dập dồn/ Kẻ tung người hứng nát hồn ca nhi/ Vẫn còn được khách yêu vì/ Viễn phương khách ấy nên ghi bảng vàng.../ Mà sao độc giả bàng quan?!... (***)
“Mà sao độc giả bàng quan?!” đó là câu hỏi tôi đặt ra và cảm thấy buồn cho người khách phương xa... nhưng bây giờ thì khác, sau khi đọc bài “Khách viễn phương, người là ai?” với sự tìm tòi luận giải về thân thế của nhân vật khá công phu, sự quan tâm đến một người thoáng qua trong tác phẩm, của nhà văn Vũ Hạnh tôi cảm thấy vui vì đã tìm được sự đồng thanh. Và niềm vui không dừng lại - vừa rồi trong một buổi lang thang kiếm tìm trên “mạng” tôi gặp được ba bài viết:
-
Về một nhân vật bị lãng quên trong Truyện Kiều của Đỗ Anh Vũ đăng trên An ninh thế giới online nhân Kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Nguyễn Du (1765-2015)
-
Về nhân vật “Khách viễn phương” trong Truyện Kiều của Mai Văn Hoan đăng trên Hoa giấy blog thứ Tư ngày 15/05/2013
-
So sánh dị bản Truyện Kiều, tác giả Lê Quế, NXB Văn học 2008
Thú thật với bạn đọc là tôi sung sướng đến lịm người khi đọc xong hai bài viết của Đỗ Anh Vũ và Mai Văn Hoan.
“So sánh dị bản Truyện Kiều” là một tác phẩm dày dặn, phần dành cho “khách viễn phương” với mười hai câu từ câu 67 đến câu 78 được tác giả đưa vào phần giảng luận, phân tích, so sánh rất kỹ lưỡng theo cảm quan của ông, tạo thích thú cho người đọc và đóng góp một phần ý kiến kiến thức, cho học sinh sinh viên khi muốn tìm hiểu nghiên cứu về đề tài này.
Với bài “Về nhân vật “Khách viễn phương” trong Truyện Kiều” Mai Văn Hoan phản biện là tác giả Lê Quế đã suy luận sai về cái chết của Đạm Tiên, đây là chuyện của hai ông, Ninh Giang Thu Cúc không lạm bàn.
Niềm hạnh phúc lớn của NGTC là đã có người nhớ đến và viết về một nhân vật mà NGTC quý trọng về tấm chân tình. Chỉ vậy thôi.
Còn với tác giả Đỗ Anh Vũ qua bài nhàn đàm “Về một nhân vật bị lãng quên trong Truyện Kiều” thì đúng là tôi đã bắt gặp được một sự đồng điệu, đồng cảm đến cao độ. Bằng những câu chữ như rút từ ruột gan của những tấm lòng gặp những tấm lòng:
... “Có một điều rất trần tục nhưng buộc lòng phải thừa nhận là ba nhân vật có danh kia đều không ít thì nhiều đều đã được thụ hưởng vẻ đẹp thể xác và tâm hồn của Thúy Kiều, trong đó, Thúc Sinh và Từ Hải sau khi đã “thụ hưởng” thì mới giúp nàng những việc lớn như bỏ tiền chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh hay “báo ân báo oán”. Khách viễn phương trái lại, không cần một mảy may thụ hưởng nào, sự đồng điệu tri âm với Đạm Tiên đã bất chấp thời gian, không gian và bất chấp cả lẽ sinh tử của tạo hóa.
Nhưng vẫn còn một bí mật nữa đằng sau nhân vật khách viễn phương. Theo tôi, khách viễn phương còn có thể chính là một gửi gắm, một hóa thân của chính Nguyễn Du vậy. Đó chính là cái hữu danh ẩn sau cái vô danh, cái ngẫu nhiên phủ lên niềm chủ ý. Cụ Nguyễn Tiên Điền, như ta đã biết, từng là một công tử hào hoa sống trong nhung lụa, lại cũng trải qua một thời kỳ 10 năm gió bụi dưới chân Hồng Lĩnh, rồi lại làm quan, nhưng vượt trên tất cả là tấm lòng thương yêu con người vô hạn, lắng nghe từng tiếng nói buồn vui của những người dân nơi trồng dâu nuôi tằm làng xa xóm vắng, cho đến những âm thanh của chốn đô thị phồn hoa...”
(Trích từ “Về một nhân vật bị lãng quên trong Truyện Kiều”, An ninh thế giới online, Kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du 1765 - 2015, lúc 10h03 phút ngày 17/07/2015)
Xin cảm ơn những người đã nghĩ và đã viết “khách viễn phương” và vô cùng cảm ơn ông Đỗ Anh Vũ, phải chăng câu văn của Chu Mạnh Trinh cũng rất đúng trong văn cảnh này: “... Ta cũng nòi tình thương người đồng điệu...”
(Trích từ “Đọc Kiều thương khách viễn phương”)