Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
618
123.134.069
 
Cái nắng cái mưa và những cuộc rong chơi của bé
Hoàng Xuân

 

(Nhân đọc "Cái nắng cái mưa" của Dương Thế Võ)

 

Lao động sáng tạo văn học nghệ thuật là sự chắt chiu, chọn lọc từng con chữ, và thông qua con chữ để hướng người đọc đến những điều chân, thiện, mỹ... Bởi vậy, nghệ thuật không là vị nghệ thuật, mà nghệ thuật phải là vị nhân sinh. Người lao động nghệ thuật luôn phải dấn thân, hiểu đời và hiểu người mới có sự sáng tạo và mang lại ý nghĩa trong cuộc sống.

 

Dương Thế Võ là nhà thơ dành mọi tâm huyết cho thiếu nhi, hiện công tác tại UBND xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Anh là Hội viên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh, chuyên ngành thơ thiếu nhi. Chàng trai sinh năm Bính Dần (1986), đã ra mắt bạn đọc hai tập thơ: "Cha mẹ và biển" (2018) và "Cái nắng cái mưa" (2021). Cả 2 tập thơ đều do Nxb Hội nhà văn phát hành. Với cái tuổi ấy, 3 năm 1 đứa con tinh thần ra đời tuy không dày và chưa nhiều, nhưng thơ anh đã chắt lọc những sự tinh túy nhất của nắng và mưa để mang đến cho các bạn nhỏ những câu thơ vô tư, trong sáng và hóm hỉnh. Thơ anh lấy cảm hứng từ các loài động vật yêu quý như con cóc, con trâu, con dế, con chó, con mèo, ông trăng, ông mặt trời... để nhắc nhớ các bạn nhỏ về lẽ sống, về những điều tốt đẹp mà con người thường hướng tới.

Bằng bút pháp nghệ thuật mô tả bé xem tranh ngược, anh viết: "Bé cầm sách nhìn ngược/thấy mặt trời dưới sông/mây đang nằm dưới núi/ô hay! Sao cầu vồng?/anh cười to khoái chí/em cầm ngược rồi kìa/như thế này mới đúng/biển phải ở ngoài kia/bé nhìn anh, nhìn sách/xoay xoay hết một vòng/rồi reo lên thích thú/anh ơi! Cá đầy sông". Hay khi bé thấy nụ cười của mẹ sau mỗi vụ mùa bội thu hoặc sau một ngày làm việc vất vả với cánh đồng, với cuộc sống, và bé nhận ra: "nụ cười của mẹ/theo con suốt đời/ngàn hoa khoe sắc/đâu bằng mẹ ơi!" Em bé nhận ra, người mẹ tan biến mọi mệt nhọc khi nhìn thấy con chăm ngoan, vâng lời, và em cũng nhận ra rằng, chỉ có mẹ là duy nhất trên đời. Đó chính là ý nghĩa của cuộc sống, nó càng nhân lên khi chúng ta rất hạnh phúc khi còn có mẹ trên đời.

Mô tả hình ảnh bé nhìn cây rơm, anh viết: "cún về chơi với nội/thấy cây rơm trước nhà/đứng gần giống quả núi/nhìn xa như bông hoa... " (cây rơm trước nhà nội). Anh đã hóa thân vào bé và nhìn cây rơm như "quả núi", như "bông hoa", bé về chơi ông bà tha hồ tưởng tượng và tha hồ khám phá những điều thú vị mà chỉ ở quê mới có được:  "tung tăng trong vườn chuối/rón rén theo đàn gà/mệt quá cún thiếp ngủ/mơ cây rơm nở hoa". Một mơ ước của bé thật mộc mạc, nhưng sao khó quá! Chiều về trên làng quê thường êm đềm và rất đỗi chân quê, có tiếng đục đạc của đàn trâu về, tiếng khói bếp loang chiều.... Anh đã viết "thủng thẳng trâu đi trước/đám mục đồng theo sau/tiếng đùa vui ý ới/nghé ngúc ngoắc cái đầu/chị nghiêng mình thổi lửa/khói vòng vèo bay lên/nồi cơm sôi lục bục/hoàng hôn ghé bên thềm..." (Chiều về).

Đọc "Cái nắng cái mưa" sao ta thấy yêu quê hương tha thiết, yêu cuộc sống trẻ thơ, và những điều ước mơ giản dị. Tất cả những nét quê cứ hiện về trong từng câu chữ, tạo nên một bức tranh đa màu, đa cảm. Nếu tinh tế, mỗi buổi sáng ta đều nghe tiếng chim, và tiếng chim buổi sáng sao mà thân thương, sao mà nhung nhớ "dậy mà nghe tiếng chim/hót líu lo mỗi sáng/suốt một đêm tĩnh lặng/chim báo hiệu ngày vui... " (tiếng chim). Tiếng đêm đối với Dương Thế Võ cũng có cái nhìn tinh tế, cái nhìn của bé với con mèo, chú chuột hay làn sương đêm. "đêm yên tĩnh chợt vang lên tiếng dế/mèo lim dim bên gác bếp giật mình/meo một tiếng nói trong ngái ngủ/khuya thế rồi chẳng chịu để yên/nghe tiếng mèo chuột co ro sợ hãi/...làn sương đêm đậu trên cỏ ướt mềm ..." (Đêm). Hình ảnh một đêm trăng sáng, thủa xưa đứa nào mà chả thích, không như bây giờ, trẻ con rất ít quan tâm đến vầng trăng mờ hay tỏ. Tác giả gợi lên câu chuyện một đêm trăng sáng với bao thổn thức của cá, tôm, ếch nhái... "cá đi đón trăng/gặp tôm đang ngủ/cá rủ tôm theo/tôm nghe thích thú/đến nơi đầm sen/thấy còng ở đó/ốc nhoẻn miệng cười/râu rung theo gió/ai cũng háo hức/nhìn mặt chị Hằng/nắm tay chú Cuội/dung dăng dung dăng/tùng rinh tùng rinh/trăng sáng lung linh/xóm đầm phá cỗ/vui chơi hết mình. " (xóm đầm đón trăng). Bé một mình trong vườn thật là thích thú, anh đã hóa thân cô bé trong vườn chiều "bé đuổi bắt chuồn chuồn/trong vườn chiều nắng nhạt/ve thoáng chút giật mình/vội vàng ngưng tiếng hát... " (vườn chiều của bé). Một khoảng trời mơ ước của bé lại hiện ra, nào là bướm, nào là chim, nào là chuồn chuồn, và bé tràn ngập những niềm vui "gió lay lay tà áo/cây nghiêng mình đung đưa/chẳng bắt chuồn chuồn nữa/bé theo bướm nô đùa".

Thuyền kiến là một cái nhìn rất hay và rất tinh tế, thể hiện sự thông minh, đoàn kết của bé "đàn kiến đi chợ/gặp cơn mưa rào/nước lên to quá/giờ biết làm sao/tiến lên chẳng được/lùi lại không xong/đau đầu kiến thợ/loanh quanh một vòng/kiến chúa ra lệnh/tập hợp anh em/nhảy lên chiếc lá/tạo thành con thuyền/thuyền nổi trên nước/kiến chèo thuyền đi/đoàn kết nhau lại/chẳng lo sợ gì" (thuyền kiến). Nắng mưa như một lẽ thường tình của thiên nhiên, nhưng với bé trong "cái nắng cái mưa" thì bé có một góc nhìn khác lạ, bởi mưa nắng đều mang đến cho con người và vạn vật sự sống, giúp cho con người thăng hoa trong cuộc sống và bớt đi sự ưu phiền, lo lắng trong đời sống thường nhật "cái nắng dậy sớm/dạo quanh vườn nhà/giúp mẹ phơi áo/giục cây trổ hoa/cái mưa còn ngủ/đợi cấy cày xong/nơi nào cần nước/mới tỉnh giấc nồng/cả ngày vất vả/cái nắng về trời/cái mưa đi dạo/xòe tay sương rơi/mát quá đi thôi/cỏ reo thích thú/cái mưa cười tươi/thả sương chút nữa" (cái nắng cái mưa).

Dương Thế Võ đã nhập vai một cách thành công vào các bé, các bé đã nhận ra bao điều hay, lẽ phải trong cuộc sống. Và tất cả vạn vật xung quanh bé đều được phác họa một cách chân thực, một không gian chơi của các bé được phóng khoáng và nhân hóa bởi các loài động vật thân quen, gần gũi. Nhưng một điều mà các bé cũng như mọi người luôn mơ ước, đó là được trở về tuổi thơ, tuổi của bao ước mơ hoài bão và rất đỗi thân thương, không vướng chút bụi hồng trần. Đây là điều mà tác giả đã hướng tới.

 

 Ba Đồn, 28/7/2023

Hoàng Xuân
Số lần đọc: 549
Ngày đăng: 08.08.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc Kiều: Thương “khách viễn phương” - Ninh Giang Thu Cúc
“Hoài thu”, ban nhạc được cảm tác từ tùy bút “Cảm thu” - La Thụy
100. Vua Lê Thánh Tông. 6 - Hồ Bạch Thảo
Phật tính trong cây dâu tằm - Nguyễn Anh Tuấn
Theo Đoàn Quân – Cố quận ta về - Hoàng Dục
Bang giao giữa chính quyền Đàng Trong với Nhật Bản thế kỷ XVI-XVII qua các bức quốc thư - Nguyễn Hoàn
Tui-đàn-bà đọc thơ Đoàn Quân “ Nghe em hát về Hà Nội” - Nguyễn Ngọc Hạnh
99. Vua Lê Thánh Tông. 5 - Hồ Bạch Thảo
“Cứu cánh” – nghĩa gốc là gì ? - Phan Văn Thạnh
Tản mạn về rượu nho (11) (Kỳ cuối) - Nguyên Lạc
Cùng một tác giả
Lan man chuyện tết (truyện ngắn)
Cậu Tâm (tạp văn)
Tro (tạp văn)
Riêng (thơ)