1.
Không biết đây là lần thứ mấy thằng cu Vàng (tên khai sinh là Trần văn Việt Hòa) bị mẹ đánh đòn vì cái tội trổ mái nhà leo lên nóc đứng cho cao hơn mặt đường phía trước. Bởi khi đứng trước cửa nhà, dù có cố nhón gót cách mấy nó vẫn còn thấp hơn mặt đường cỡ một cái đầu! Thật ra, khoảng chênh lệch đó cũng do trước đây nền nhà nó vốn đã thấp nhất xóm, còn chiều cao của bản thân nó thì lọt dưới chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới! Mỗi lần nâng đường thì người người, nhà nhà lại nâng nền đội mái lên theo, chỉ có nhà nó là vẫn bình chân như vại ở cuối xóm.
Sau khi trải qua mấy đợt nâng đường nhà nó đã lọt thỏm dưới vệ đường, quanh năm nghe tiếng nước cống chảy róc rách và mùi ống cống xộc vào từng ngõ ngách của gian nhà chật hẹp. Mỗi khi mưa lớn hoặc triều cường chỉ ở mức cảnh báo cấp 1 thì nhà nó đã "vượt mức báo động cấp 3"! Những lúc đó, nước từ trên đường tràn xuống, từ dưới cống và các hố ga dâng lên, hòa thành thứ nước đục lờ hôi hám ứ đọng trong nhà nửa ngày trời chưa chịu rút. Chị em nó thay phiên nhau ngồi trên ghế cầm cái thau nhựa nhỏ tát nước ra ngoài cửa, nhưng cứ tát ra bao nhiêu thì nước lại dâng lên bấy nhiêu bởi đường cống không kịp thoát, lại thêm rác thải, bùn sình tụ bạ lâu ngày gây ra tắt nghẽn.
Hiếu động và tinh nghịch như bất cứ thằng nhóc nào, nó chỉ cần đặt cái ghế nhỏ lên cái ghế lớn đã kê sẵn trên bàn, "phóng" lên đầu tủ, bước qua mấy cái nẹp gỗ đóng vách rồi lên sát mái nhà. Tiếp theo, một tay neo người, một tay vẹt tấm "tôn" lợp rỉ sét đã bị bẻ quặt một góc lên trên, chui lên mái, bò lên nóc nhà như làm xiếc! Đó là một trong những chỗ hứng nước mưa của bà ngoại nó và cũng là cổng trời của nó. Hành trình đó lặp lại thường xuyên, mòn nhẵn như đường đi của loài kiến, một con kiến vàng con, nhỏ nhoi trong quầng sáng chói lòa mà nó đã đi tìm.
Cổng trời của cu Vàng, chú bé con đang tuổi học lớp sáu, là nơi nối liền giữa không gian màu khói trong nhà và bầu trời trong sáng trên cao. Mặc dù tầm mắt có bị giới hạn bởi bức tường cao chót vót của nhà bên cạnh và những cao ốc gần đó nhưng nó vẫn cảm nhận một không gian khác vô cùng quyến rũ đã trở thành nhu cầu bức thiết mỗi ngày đối với nó. Ở đó nó không còn phải chịu đựng cái cảm giác tù túng, ngột ngạt, được tự do hít thở bầu không khí trong lành, nhìn ngắm mọi thứ từ trên cao. Và hơn hết, nó có thể vượt lên khỏi cái lề đường dựng đứng trước cửa và con dốc bất đắc dĩ đổ xuống từ thềm nhà bên cạnh. Những thứ đó đã vô tình biến nhà nó thành một cái hang hay một cái gì đó tương tự.
Sau khi giắt cây roi bằng nhánh trứng cá lên vách, cô Tần dặn thằng con út:
-Lần này là lần chót, nghe chưa! Còn tái phạm là má nhốt mầy ở trên nóc nhà luôn! Nhớ nhắc chị nấu cháo sớm cho ngoại ăn để còn uống thuốc.
Muộn chồng nên đã gần năm mươi mà ba đứa con của cô Tần chỉ mới ở tuổi chua chanh chát khế. Đứa con gái đầu lòng sắp mười lăm tuổi, thằng trai kế mười ba, cả hai đứa đã nghỉ học, chỉ thằng Vàng là còn đi học vì được học bổng của trường đến hết cấp hai. Trong lần bị tai nạn lao động chồng cô đã không qua khỏi, để lại cho cô bầy con nheo nhóc và món tiền bồi thường chỉ đủ để trả nợ.
Một thân một mình bươn chải nuôi con và phụng dưỡng mẹ già, cô Tần cứ quần quật như cái máy không lúc nào ngưng nghỉ. Đã có lúc cô muốn buông xuôi tất cả, nhưng khi nghe mấy đứa con nói chuyện, gọi nhau bằng những cái tên mộc mạc mà cha chúng đã đặt cho như ba điều ước của đôi vợ chồng nghèo, cô nhớ đến chồng và mỉm cười trong nước mắt. Cô lại tất tả một mình trên con đường mà số kiếp đã định, hết lòng tận tụy, hi sinh vô điều kiện cho cái gia đình yếu thế, cam chịu của cô vì đó là người sinh ra cô và những người cô đã sinh ra.
Hàng ngày chưa đến 3 giờ sáng cô đã thức dậy, nhẹ nhàng quơ lấy cái áo khoác cũ mèm và cái nón vải đã phai đến độ không thể nhớ chính xác nó đã từng là màu gì! Cô rón rén mở cửa rồi khép lại, đến bên vòi nước ngoài hiên rửa mặt, súc miệng, bươn bả leo lên con dốc để ra đường. Cô phải ra chợ sớm để xếp hàng thuê xe kéo rồi sau đó kéo hàng, khiêng vác từ các xe tải về kho bãi cho đến sáng.
Trước đây cô làm xuyên đêm nhưng do lâu ngày các khớp xương trở nên rệu rã không thể tiếp tục được nữa, cô chuyển sang kéo hàng cho mấy sạp, quày và cửa tiệm tạp hóa trong chợ, chủ yếu trong khoảng nửa đêm về sáng. Hàng nhẹ, đường gần hơn, tiền công cũng ít hơn nhưng có còn hơn không! Sau khi trừ tiền thuê xe kéo, mỗi ngày cô cũng kiếm được một ít để "đầu tư" cho nồi cháo lòng mà cô sẽ bán dạo trên khắp đường phố, ngõ hẻm, ở những quán cóc, gốc cây của cánh xe ôm hay ngoài hàng rào bệnh viện...
Sáng về nhà, chỉ nghỉ ngơi một lát là cô bắt tay vào cùng với con Tiền sơ chế các thứ đã mua. Khi nấu xong nồi cháo bắc lên xe đẩy là đã sắp tới giờ người ta ăn trưa, đến lượt thằng Bạc phụ má đẩy xe lên dốc rồi đi theo bưng cháo, rửa tô... Cuộc mưu sinh đường phố của hai mẹ con dài ngắn, nắng mưa bất kể, có khi xế chiều đã bán hết, có khi ế ẩm đến tối, thậm chí đến khuya. Thương má, thương em, Tiền cứ xin đi bán với má nhưng cô Tần không muốn con gái lớn phải dầu dãi ngoài đường. Cả thằng Bạc cũng sớm biết nghĩ nên dành đi bán với má để chị ở nhà, nó nói như nó là anh cả của con Tiền:
-Ngoài đường đủ hạng người, chị khờ quá ra ngoài mất công lo!
Ở nhà chăm sóc bà ngoại, dọn dẹp nhà cửa, lo cơm nước, giặt giũ cho cả nhà và vô số việc không tên khác, Tiền cũng đủ già hơn độ tuổi mười lăm của nó! Dù đã ra dáng thiếu nữ lắm rồi nhưng nó vẫn chưa hay mình đang sắp trở thành một ai đó, với tóc dài chấm vai, dáng gầy cao và đôi mắt tròn xoe của mẹ, nụ cười rạng rỡ của cha, còn vẻ nguyên sơ ẩn dấu bao điều bí mật kia là của riêng nó. Tiền vô tư, đơn giản, hồn nhiên với tất cả và không cảm thấy thiếu thốn thứ gì khi bên nó luôn là những người thân yêu nhất. Cả ngày nó chỉ trông thằng Vàng đi học về đem truyện Đô-rê-mon mượn của bạn để xem ké rồi hai chị em bàn luận, cười ngặt nghẽo làm bà ngoại cũng cười theo.
Tiền ngủ với bà ngoại trên chiếc giường duy nhất trong nhà. Từ lâu nó đã quen với mùi dầu nóng trên người ngoại, quen cả tiếng ngáy, tiếng thở mệt nhọc và những câu nói mê của ngoại. Hầu như lần nào ngoại cũng gọi tên của má nó, rồi rì rầm, than thở điều gì đó mà may ra chỉ có má mới hiểu được đôi ba câu.
-Ngoại biểu má đừng đi. Không biết ngoại nghĩ má sẽ đi đâu nữa!
Lần khác:
- Tần à, mai dỡ chà...nghe...
Đó là hồi má còn nhỏ ở dưới quê, má phải phụ lo cơm nước cho cánh dỡ chà bắt cá ở khúc sông trước nhà ngoại.
Rồi bữa nọ ngoại khóc thút thít:
-Đắng, đắng lắm!
Chắc ngoại nằm mơ thấy má ép uống thuốc. Ngoại cứ bệnh rề rề, bệnh già, đau chỗ này, nhức chỗ kia, răng lung lay, tay chân tê lạnh... Những viên thuốc do "bác sĩ" phạc-ma-xi nghe má diễn tả rồi làm thinh chẩn bệnh bốc thuốc, chỉ đỡ một hai hôm rồi đâu lại hoàn đấy!
Ba cái võng giăng nối đầu thành hình tam giác giữa nhà, đó là chỗ ngủ của ba người còn lại. Nằm võng suốt nhìn lưng ai cũng cong cong, nhất là cô Tần. Cái dáng cao cao, gầy gầy đã truyền lại cho con Tiền nên bây giờ cái lưng cô tha hồ cong! Cong như đoạn bắt đầu những khúc quanh của đời cô, những khúc quanh không chỉ làm cô điên đảo mà còn làm mấy đứa con nhỏ của cô cũng bị ngả nghiêng theo. Sự thắt ngặt, nghiệt ngã của những khúc quanh đó đã thành những mối dây xiết chặt cuộc đời cô vào những tảng đá, những vực sâu vô phương gỡ thoát.
Tiếng trở mình liên tục của ngoại trên chiếc giường cũ kỹ làm mọi người khó đi vào giấc ngủ sâu. Đã vậy đêm nay lại oi bức hơn hẳn mọi đêm, tiếng võng đưa cót két, tiếng quạt giấy phành phạch, mùi cống rãnh bốc lên... càng thêm bứt rứt. Cây bàng nhỏ bên vệ đường thường khi vẫn nghe xào xạc lá giờ cũng im lìm như không còn tồn tại.
-Má, bắt đầu ngày mai con không ngủ ở nhà nữa!
Giọng thằng Bạc nghe lạ lùng như của ai khác vì nó đang vỡ tiếng mà cũng vì nó vừa đưa ra một quyết đinh bất ngờ và hoàn toàn không phù hợp với một thằng bé mới mười ba tuổi. Cái giọng bình tĩnh, thản nhiên như của người lớn làm cả nhà lặng đi trong cái lặng của đêm hè nặng nề tịch mịch.
Cả nhà đang lơ mơ ngủ bỗng tỉnh rụi. Cô Tần hoảng hồn ngồi bật dậy trên võng, cả cu Vàng cũng chới với, không ngờ chuyện thằng anh nói với nó bữa hổm, căn dặn nó giữ bí mật giờ lại tuyên bố công khai với cả nhà trong khi nó còn chưa biết phải xử trí thế nào.
-Mầy biết mầy mới nói gì không Bạc?
-Con không ngủ ở nhà nữa, ngộp lắm!
-Trời ơi! Ai xúi biểu rủ rê mầy? Không ngủ ở nhà rồi ngủ ở đâu? Ai chứa mầy hả con?
Giọng thằng Bạc vẫn tỉnh bơ:
-Thì ban ngày con vẫn đi bán cháo với má mà! Con chỉ đi ngủ chỗ khác thôi, sáng về.
-Nhưng tại sao phải như vậy? Chỗ khác là chỗ nào? Biết bao người không nhà cửa còn phải ngủ ở lề đường sạp chợ kia kìa!
Thằng Bạc không trả lời, chị hai Tiền chêm vô:
-Chắc là chỗ anh em ông Khanh đó má!
Thấy thằng Bạc làm thinh không cãi, cô Tần điếng hồn. Thằng Khanh nhà ở đầu đường mới vừa ra tù mấy tháng nay vì dính tới một vụ ma túy. Thằng Lữ vừa vô trại giáo dưỡng vì đâm thầy giáo bị thương, cha mẹ nó phải chạy chọt khắp nơi mới được bảo lãnh về nhà. Thằng Bạc mà giao du với anh em nhà đó thì coi như xong, không hiểu bọn chúng dụ dỗ nó bằng mồi gì mà dám đòi bỏ nhà đi ngủ bụi!
Dù cô Tần đã dùng hết cách để răn đe, dỗ dành, năn nỉ... suốt mấy ngày liền nhưng thằng Bạc chỉ chậm lại một chút thôi. Vài hôm sau, những đêm chập chờn hụt hơi trong cái hang ẩm thấp, nồng nực mùi nước thải tù đọng đã không có nó nữa.
Đêm với cô Tần bỗng lại dài lê thê, nghe tiếng ho của bà ngoại, tiếng trở mình đập muỗi của con Tiền, nhìn sang thằng Vàng nằm co trên võng, dường như bao nhiêu nước mắt còn lại trong cuộc đời đã chắt hết ra, tràn lan trên hai gò má nhô cao. Không biết trong cái nhà này sẽ còn xảy ra điều gì nữa đây?! Một nỗi sợ hãi mơ hồ chợt dấy lên trong lòng, cô quyết tâm phải dùng biện pháp mạnh với thằng con lì lợm kia. Nhưng biện pháp gì thì nhất thời cô cũng chưa nghĩ ra!
Ban ngày thằng Bạc vẫn về đúng cái lúc cô Tần đẩy xe cháo lòng lên dốc và đi bán với má đến hết hàng rồi lặn đâu mất. Những hôm bán ế, nhìn gương mặt buồn hiu và cái lưng cong của má vừa đẩy vừa ghìm xe cháo xuống con dốc để vào nhà, Bạc cũng phụ một tay mà lòng nó nặng trĩu. Nó không biết phải nói gì, làm gì, khi việc bỏ nhà đi đêm của nó đã làm má buồn nhiều đến thế. Nhưng nó đã quá chán cái cảnh đêm đêm nằm cong trên võng, quá sợ cái mùi như chuột chết phải hít thở mỗi ngày, và nhất là phải chấp nhận tất cả những thứ đó vây chặt lấy những người thân yêu nhất của nó.
Mẹ thằng Khanh nói với cô Tần:
-Nó ngủ nhà tôi chớ đâu, bà đừng có lo chi cho mệt!
Lo lắng đã đành, trong lòng còn thêm nỗi sợ muốn chết! Gánh nặng mưu sinh cuốn phăng từng ngày đến tối tăm mặt mũi, sợ mà không biết phải làm gì ngăn chặn cho điều sợ hãi đừng xảy ra thì nó xảy ra thật.
Chỉ khoảng một tháng sau thằng Bạc bị công an phường tóm gáy, bắt quả tang vận chuyển mấy tép heroin cho đám người đang nhảy nhót điên cuồng trong một ngôi biệt thự.
Cô Tần rụng rời tay chân nhìn thằng con cúi gằm mặt leo lên xe để tới trại giáo dưỡng dành cho trẻ vị thành niên. Thằng Bạc không dám nhìn má lấy một lần, lòng cô đau như thể có ai cầm dao cắt nát ruột gan.
Cô Cam, cán bộ Hội phụ nữ phường nắm tay cô an ủi:
-Ở hoàn cảnh chị thì nên mừng mới phải! Vô đó cháu sẽ được học văn hóa, học nghề, sau này sẽ có công ăn việc làm tử tế, chị cứ yên tâm.
Cô Tần gạt nước mắt trở về nhà. Chưa bao giờ đường về nhà lại dài đến thế, thân xác mệt mỏi rã rời đến thế! Vừa đến đầu con dốc, vì mải nghĩ đến thằng Bạc, cô bước hụt chân té sấp mặt xuống đất. Cố nén đau, cô lồm cồm ngồi dậy ôm mặt bước khập khiễng vô nhà. Nhìn cái võng của thằng Bạc trống không với đôi dép tổ ong đứt quay gần hết xếp ngay ngắn dưới lưng võng, nước mắt cô lại tuôn rơi. Bà ngoại trở mình, khó nhọc ngồi dậy nhìn cô với đôi mắt lúc nào cũng như ngân ngấn nước của bà:
-Sao chảy máu mũi rồi? Lại đây má lau cho.
Lần đầu tiên sau hàng mấy chục năm trời, khi đã đến tuổi xế chiều, cô Tần gục đầu vào lòng mẹ khóc rưng rức. Bao khổ ải đắng cay, bao cô đơn buồn tủi suốt một đời những tưởng đã vùi sâu, chôn kín, đã chai sạn, đã thành đá để cô đủ dũng cảm và sức mạnh làm điểm tựa cho cả nhà, giờ đây trong đôi cánh tay run rẩy của mẹ già tất cả vụt trào dâng, tuôn đổ như thác nguồn nhấn chìm cô trong khổ đau và bất lực.
Người mẹ già nua đau ốm của cô còn biết làm gì hơn, lặng im ôm con gái mình vào lòng, ôm cả từng cơn nức nở của nó và ngửa mặt thầm khóc với cao xanh.
2.
Cô Tần đi thăm thằng Bạc đâu được vài lần thì bà ngoại mất.
Đêm đó cũng một đêm nóng bức hầm hập, con Tiền ôm gối ra nằm cái võng của thằng Bạc đong đưa mãi tới gần sáng mới ngủ thiếp đi. Chưa được bao lâu nó đã mở choàng mắt vì tiếng kêu thất thanh của cô Tần. Thằng cu Vàng cũng hết hồn loay ngoay như cua bò trên võng.
Người bà, người mẹ, từ lâu lặng lẽ như cái bóng bên con cháu, giờ đây đầu tóc, áo sống gọn gàng, tấm mền mỏng kéo lên ngang ngực, hai tay chắp trên bụng, nằm ngủ yên lành như chưa hề ốm đau bệnh tật, chưa hề chịu đựng những cơn đau tận trong xương. Bà ra đi thật nhẹ nhàng, như chiếc lá bàng khô rụng ngoài kia.
Căn nhà giờ đây càng vắng lặng hơn bao giờ hết. Cô Tần vẫn lao lung khuya sớm với công việc hàng ngày và xe cháo lòng cùng với con Tiền rong ruổi đến tối mịt mới về. Thằng cu Vàng ở nhà một mình, ngày nào cũng ăn cháo thay cơm, có khi cháo ế về khuya để đến sáng lót lòng đi học. Không sữa, không bánh, không quần áo mới, không được đi chơi, không có ai để nói chuyện... Vậy mà nó vẫn đứng nhất lớp, luôn vượt trội với các môn khoa học tự nhiên. Cu Vàng lại có năng khiếu đặc biệt về môn cờ vua và đã giành giải nhất trong cuộc thi cờ khối lớp sáu do trường tổ chức.
Cô Tần hứa sẽ thưởng cho thằng con trai út một cái cặp mới nhưng nó nói cuối năm sẽ có phần thưởng có thể sẽ có cái cặp, nên bây giờ nó xin má dành tiền đó dắt hai chị em đi thăm anh Bạc, một lần thôi cũng được! Cô Tần nghẹn ngào gật đầu, thằng út Vàng mừng rỡ nhảy tưng tưng, còn con Tiền lặng thinh ngó ra ngoài con dốc ẩm ướt đang thả những chiếc lá bàng khô bay xuống trước cửa nhà.
Trong đầu Tiền đang còn chập chờn, lởn vởn một đôi mắt, một cái nhìn đầy ám ảnh. Hôm nay lúc dừng xe cháo trước ngôi nhà bốn tầng có trồng một giàn gấc đầy trái chín trong sân và nhiều chậu hoa rất đẹp, trong lúc má múc cháo vào cái gà-mên cho một bà có vẻ là người giúp việc, Tiền bất chợt bắt gặp ánh mắt lạ thường của người đàn ông phía sau khung cửa sổ đang đăm đăm nhìn nó. Trong khoảnh khắc, một cảm giác kỳ lạ chưa từng có hoàn toàn xâm chiếm Tiền. Nó nhìn sững vào gương mặt ấy, lùi bước đến sát bên cạnh má. Rồi gương mặt biến mất sau một nụ cười, tấm màn cửa màu trắng ngà buông xuống bất động như chưa từng được vén lên trước đó chừng một phút.
Hai chị em cu Vàng đã không còn cơ hội được má đưa đi thăm anh Bạc.
Đêm trước cùng với con Tiền đi bán về khuya vì cháo ế, cô Tần vốn mất ngủ triền miên lại buồn rầu nên càng khó ngủ. Cô dậy sớm hơn mọi khi, ngồi nhìn các con một hồi rồi rời nhà để ra chợ. Khi gắng sức bưng một thùng chứa đầy bình nước xả vải loại 2.800 ml, cô đã ngã quỵ trên thùng hàng và bất tỉnh. Vài người bốc vác quen biết lâu năm đã bỏ việc làm hôm đó để đưa cô vào bệnh viện cấp cứu.
Người phụ nữ bạc số ấy đã không tỉnh dậy lần nào, cứ thế âm thầm ra đi như vẫn thường ra đi mỗi khi trời rạng sáng.
Chị em con Tiền ngơ ngác, chưa kịp hiểu điều gì đang xảy ra với chúng khi má không còn trở về trong căn nhà hiu quạnh. Chúng như đang trôi trong một giấc mơ lạc loài hoang vắng. Khi bừng tỉnh để nhận biết thực tại và hiểu rằng từ nay má sẽ không còn bên cạnh, không còn gặp lại, không còn được má ôm vào lòng để hít sâu mùi má, mùi của lam lũ yêu thương, của sớm khuya chăm bẵm, má đã chết rồi... chúng mới kêu gào hoảng loạn như những con chim non vừa rơi ra khỏi tổ, rơi khỏi lòng mẹ bao dung...
Vậy là từ nay chỉ còn một mình Tiền trên những ngả đường với chiếc xe cháo lòng đã vơi bớt phân nửa, hương vị nồi cháo thì càng vơi đi nhiều hơn! Nó nhớ rất rõ những công đoạn má làm, nêm nếm y chang nhưng không hiểu sao vẫn nấu không ra cái vị ngon hàng mấy chục năm của má. Những khách quen hiểu rõ hoàn cảnh cũng nhiệt tình ủng hộ con nhỏ một thời gian nhưng rồi nồi cháo vẫn thường xuyên ế chỏng ế chơ, bếp lửa để ủ nóng cho nồi cháo âm ỉ đến mỏi mòn rồi cũng tắt ngấm. Cháo lòng lang thang của cô Tần đã mai một, thất truyền trong sớm tối!
Hội phụ nữ phường quá nhiều việc để làm nhưng cô Cam và các chị em vẫn ưu tiên trường hợp của gia đình cô Tần, bây giờ chỉ còn hai đứa nhỏ không người nuôi dưỡng. Mức trợ cấp xã hội cho trẻ mồ côi dưới 16 tuổi cùng lắm chỉ đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu, còn những vấn đề bức thiết khác phải tìm cách giúp đỡ, hỗ trợ chúng thôi!
Cu Vàng đang được hưởng học bổng của trường lại là học sinh giỏi toàn diện nên chưa phải lo lắm về khoản học phí và dụng cụ học tập. Một gia đình Việt-Anh hiếm muộn hiện là giáo viên thỉnh giảng của Trung tâm ngoại ngữ thuộc trường đang tiếp cận, tìm hiểu nguyện vọng của cậu bé, nếu thuận lợi sẽ xúc tiến thủ tục nhận con nuôi.
Còn Tiền, khổ cái là đã dang dở học hành từ hồi chưa xong lớp năm nên chỉ có thể theo học nghề lao động phổ thông. Nếu muốn nó có thể học bổ túc văn hóa song song với học nghề do cơ sở đào tạo của Trung tâm xúc tiến việc làm kết hợp với Hội phụ nữ mở tại địa phương, học phí sẽ do Quỹ Bảo trợ trẻ em VN giúp đỡ.
Lớp đào tạo nghề may gia công học ban ngày, lớp bổ túc văn hóa học ban đêm. Sau khi lo cơm nước cho em, Tiền cứ ngày bốn lượt đi về, nét vô tư hồn nhiên xưa kia đã dần biến mất, đôi mắt nó bỗng buồn thăm thẳm như của một người từng trải.
Một điều không ngờ là đường đến lớp lại đi ngang ngôi nhà có trồng giàn gấc hôm đó. Những trái gấc xanh pha ánh vàng xen lẫn trái chín màu đỏ cam rực rỡ làm Tiền cứ xuýt xoa, thầm nhớ món xôi gấc của bà ngoại mà mấy chị em nó rất thích. Tiền có vẻ đã quên bẵng chuyện người đàn ông sau khung cửa, hay ít nhất đã nhận ra sự vô lý của nỗi sợ hãi lúc đó!
Nhưng càng không thể ngờ, đôi mắt đáng sợ trong khung cửa đó một lần chợt nhìn thấy Tiền đi ngang qua và bắt đầu chờ đợi để nhìn thấy nó từng sáng, từng chiều. Hắn cũng đã nhiều lần giả như đi tập thể dục, theo sau Tiền cách một quãng ngắn rồi dừng lại ở phía bên kia đường, nhìn con bé đi xuống cái dốc nhỏ và mất hút trong đó.
Cho đến một buổi tối kia cũng vậy, hắn vẫn đi phía sau Tiền cách một quãng ngắn nhưng không có ý định dừng lại. Cô bé bước xuống con dốc ẩm ướt nước triều cường, mở cửa, bật đèn. Trong nhà nước đã dâng lên tới mắt cá chân, Tiền định tát bớt nước rồi mới đóng cửa. Nó biết có tát nước ra cũng vô ích thôi nhưng muốn làm để giết thời gian, để đỡ nhớ ngoại, nhớ má. Với lại hôm nay sau khi tan học cu Vàng có buổi thi đấu cờ vua trong trường, Tiền phải đợi em về để hâm nóng đồ ăn cho nó. Nhưng vừa để cái cặp xuống bàn, Tiền hoảng hốt quay lại vì nghe tiếng chân rột roạt hối hả khác thường trong nước.
Ngay lập tức, Tiền nhận ra gương mặt của người đàn ông sau khung cửa kia. Ánh mắt hiện giờ của hắn còn đáng sợ gấp ngàn lần hôm đó. Có lẽ cái cảm giác lạ kỳ chiếm lĩnh hồn xác Tiền hôm đó chính là một dự cảm bất an, điềm báo trước về một tai ương khôn lường mà nó phải đối mặt từ gã đàn ông. Tiền điếng người chôn chân trên nền gạch ngập nước, nó nói không ra hơi:
-Ông... ông vô nhà tôi làm gì? Đi ra đi, không tôi la lên đó!
Tên đàn ông không nói không rằng, vẫn với nụ cười của quỷ, hắn từ từ bước về phía con bé đang hoảng sợ đến hồn phi phách tán. Tiền cứ lùi dần về phía sau như đã lùi về phía má hôm đó. Khi gã bất ngờ lao tới, con bé thét lên:
-Má ơi! Cô bác ơi !Cứu con!
Gã ôm chặt người Tiền, bất kể nó vừa vùng vẫy la hét vừa cào cấu vào mặt vào cổ hắn:
-Vàng ơi! Vàng ơi! Cứu chị với Vàng ơi!!!
Nhưng không ai nghe tiếng kêu cứu thất thanh của Tiền vọng lên như từ dưới đáy hang. Giọng nó khản đặc, sức chống cự yếu dần trong khi gã kia càng lúc càng hung hãn. Hắn tát vào mặt Tiền liên tiếp mấy cái vì đã cào rách mí mắt hắn đến chảy máu lại còn cắn vào tay hắn khi hắn cố bịt miệng nó. Hắn xé toạc chiếc áo sơ mi trắng Tiền đang mặc, cả cái áo lót mỏng manh để lộ vùng ngực thanh tân của một bé gái vừa bước sang tuổi mười lăm. Tiền nhũn người, yếu ớt đưa tay che ngực. Hắn quật cô bé xuống nền nhà. Làn nước tù đọng dơ bẩn ngấm vào tóc tai thân thể cũng không làm Tiền ghê tởm bằng cái việc mà tên thú vật kia đang làm.
Cô bé ngất đi trong đau đớn, tủi hổ và căm giận tột cùng.
Sắp về đến nhà, thằng Vàng quay lại nhìn theo người đàn ông vừa đi ngang qua nó dưới ánh đèn đường. Trông ông ta như vừa từ địa ngục chui lên, lúc đi lúc chạy với một bên mắt đầy máu, quần áo ướt sũng. Bóng tối đi theo che phủ ông ta hay ông ta cố tình đi lẩn vào bóng tối dưới những tàn cây trên đường, chập chờn như một bóng ma!
Vào đến cửa nhìn thấy cảnh tượng bên trong, thằng Vàng buông cả sách vở rợi xuống nước, run lẩy bẩy chạy đến bên chị. Nó òa khóc vì tưởng chị đã chết. Tiền nằm thiêm thiếp dưới nền nhà, mực nước đục ngầu tanh tưởi mấp mé trên thân mình trắng xanh nhợt nhạt, một vạt tóc đen bết dính vắt ngang qua gương mặt. Nó nghe tiếng thằng Vàng khóc nên cố chống tay gượng ngồi dậy, níu lấy tấm áo rách phủ lên người...
Thân thể trong trắng và tâm hồn thuần khiết của một thiên thần đã bị vấy bẩn. Một trăm năm hay ngàn năm kết tinh từ ánh sáng của muôn vàn tinh tú, chắt lọc từ vô số sắc hương kỳ vĩ trong vũ trụ, ký thác vào đó biết bao điều vi diệu để trái đất này xuất hiện một trinh nữ? Liệu sự trinh bạch bị tước đoạt bởi loài thú man rợ phải trả giá bằng bao nhiêu lần sinh mạng của chính nó mới có thể đòi lại công bằng?
3.
Phía trên căn nhà cũ ở cuối đường bây giờ là một nhà hàng sang trọng với bảng hiệu Lan Tần, ghép tên của ngoại và má. Việt Hòa đứng lặng dưới bóng cây bàng xưa giờ đã cao ngang những khung cửa sổ của tầng trên, những tán lá sum suê vươn tỏa dưới ánh đèn mờ ảo như những cánh tay của quá khứ đang muốn ôm choàng lấy anh.
Nhà hàng gồm hai tầng, tầng trên phục vụ rượu và các bữa ăn, tầng hầm dành cho cà-phê và các món giải khát. Những bàn ghế, quầy kệ, chai, ly... bóng loáng, sáng choang đập vào mắt làm Hòa chạnh nhớ gian nhà xưa ẩm thấp với không gian mờ đục lúc nào cũng như nhuốm màu khói.
Trong một thoáng, anh muốn mình trở về chính ngôi nhà ấy như thằng cu Vàng ngày xưa của má lúc tan trường, không phải một gã Việt kiều nào đó dù gã đó cũng đã phải trầy vi tróc vảy ở xứ người, để còn được nhìn thấy má, thấy ngoại và anh, chị của mình.
Cố nén niềm xúc động đang dâng trào, Hòa chậm rãi bước xuống những bậc thềm lót đá granit đỏ sậm xưa kia là con dốc nhỏ sình lầy mà mấy mẹ con lội lệt sệt trong những ngày triều cường hay mưa gió.
Trong tầng hầm, không khí vô cùng ấm cúng dưới những chùm đèn pha lê tỏa ánh sáng vàng óng như đang trong một cái hồ đầy rượu vang. Anh chọn chỗ ngồi gần cửa ra vào để quan sát trọn vẹn trong lòng ngôi nhà cũ đã thoát xác như một câu chuyện thần thoại. Sâu bên trong, chỗ gian bếp đìu hiu của má ngày xưa giờ là quầy bar lộng lẫy. Nơi đặt giường của ngoại là một bộ ghế sô-pha lớn đang được một gia đình ba thế hệ chọn lựa và đang order tíu tít. Chỗ để cái tủ nơi anh bước ra cổng trời xưa kia là lớp gạch đệm cùng màu với những bậc thềm ngoài cửa trước, đưa tới nơi bắt đầu của một cái cầu thang xoắn ốc ngoài trời nối với tầng trên và lên thẳng sân thượng.
Cô gái phục vụ đã mang cà-phê tới bàn của Hòa nhưng ngay sau khi cô ta quay lưng thì anh đã đứng lên, đi về phía cầu thang và bước những bước chân cổ tích lên từng bậc thang đưa anh đến khoảng trời mơ ước cũ...
Trên sân thượng gió lồng lộng thổi, những chiếc lá bàng xanh thẫm xôn xao như bao lời hỏi han trìu mến. Trong tầm tay Hòa là chùm trái xanh bóng, cụm hoa trắng nhỏ li ti mà cây bàng đã từng hào phóng cho đi để một cậu bé nghèo làm quà sinh nhật cho cô bạn ngồi bên cạnh trong lớp học.
Ngày còn là một chú bé con khi đứng ở cổng trời thơ dại, chú bé chỉ đơn thuần là có cái cảm giác vui sướng được làm điều mình thích và ngây thơ bơi lặn trong niềm vui sướng ấy dù chỉ với thời gian ngắn ngủi trong ngày. Nhưng giờ phút này khi nhớ lại, anh biết cảm giác của cậu bé lúc ấy chính là niềm thỏa thuê của sự vượt thoát, vươn lên cao, được tắm gội, tự làm sạch mình trong không gian tinh khiết bao la, đầy nắng, đầy gió, những thứ hiếm khi lọt vào nhà anh lúc đó.
Những tòa nhà cũ đã bị che khuất bởi các cao ốc, các đỉnh tháp chọc trời mới mọc. Mặt đường và con dốc đã thấp sâu phía dưới nhưng giờ đây điều đó đối với Hòa thật vô nghĩa. Người ta có thể ở một vị trí rất thấp, điểm xuất phát có thể từ dưới đáy cùng, nhưng quan trọng đích đến là ở đâu và sẽ đến đó bằng cách nào.
Một lúc sau, Hòa vừa định xuống tầng tìm anh trai nhưng Bạc, Trần văn Việt An, đã xuất hiện ngay trước mặt. Anh đã nhận ra và quan sát em trai mình từ lúc Hòa còn đứng bên ngoài dưới gốc cây bàng. Chỉ hơn Hòa có hai tuổi nhưng Việt An trông già hơn em mình hàng chục tuổi, vẫn là ánh mắt lạnh, buồn, sâu thẳm từ hồi còn nhỏ. An vòng tay ôm chặt đứa em ruột thịt, giữa cảm xúc đoàn viên vẫn nghe thiếu vắng, vẫn thấy xót xa, vẫn còn một điều gì đó đã mất đi vĩnh viễn... Hòa bật khóc như một đứa trẻ, như đứa em út bị má đánh đòn chạy tìm anh để được dỗ dành.
Những khoảng lặng vừa mênh mang vừa sâu thẳm khi nhắc về kỷ niệm thời thơ ấu, sau khi ngoại và má lần lượt ra đi, ba chị em mỗi người mỗi ngả, tan tác như những chiếc lá xanh non bị ngắt lìa, thả bay trong gió cuốn.
...
Ở trại giáo dưỡng, Bạc được học tiếp văn hóa, được dạy nghề thợ mộc trong hai năm và sau đó xin ở lại làm việc trong xưởng mộc của trường. Cũng tại đây Bạc đã học được nghệ thuật điêu khắc trên gỗ và nhận ra đó chính là niềm đam mê vô hạn của mình.
Thời gian cứ thế trôi đi, đến khi Bạc trở thành một thanh niên mười tám tuổi, nhà trường đã giới thiệu việc làm cho anh tại một xí nghiệp gia công sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ.
Anh trở về sống trong ngôi nhà đầy ắp nỗi buồn với những day dứt, trăn trở mà cả đời chưa chắc đã nguôi ngoai.
Tiền đã bỏ đi trước khi thằng Vàng xuất ngoại với cha mẹ nuôi, nó biết em không đời nào để nó ở lại một mình sau tất cả mọi chuyện.
Lúc đó hai đứa trẻ khờ khạo chỉ biết nhìn nhau mà khóc, chúng làm sao biết được cần phải làm gì khi không có ai ủi an, chỉ bảo. Chỉ đến khi cô Cam nghe tin Tiền nghỉ học nhiều ngày không lý do, sợ nó đau ốm gì đó, cô đến nhà thì mới hay cớ sự. Thoạt đầu Tiền không nói gì, kể cả thằng em cũng im thin thít, nhưng nhìn vẻ tiều tụy, thất thần của con bé, cô vừa tra gạn vừa dỗ dành, cuối cùng nó cũng òa khóc và kể hết với cô.
Cô Cam thay mặt Hội phụ nữ phường đứng ra tố giác kẻ đồi bại kia, nhưng ngoài lời khai của hai chị em Tiền ra không có bất cứ chứng cớ gì hay dấu vết nào để buộc tội hắn. Thêm nữa, tiền bạc và thế lực của một cựu quan chức đã góp phần làm cho vụ việc vốn đã phát giác quá trễ bị phù phép tan thành mây khói. Cô Cam ứa nước mắt ôm lấy Tiền, sự việc bị công khai chỉ càng làm cho con bé côi cút tội nghiệp tổn thương nhiều thêm mà thôi!
Khi Bạc ra trại, trong một cơn phẫn uất anh đã tìm đến tận nhà tên khốn kiếp. Trước mắt anh là một nền nhà vẫn còn ngổn ngang gạch vụn, những mảng tường cháy xém nham nhở và một số người đang dọn dẹp. Hỏi ra thì tên bại hoại đó lại gây thêm một vụ xâm hại với cô gái giúp việc trong nhà. Cô này đã ra công an tố cáo hắn với đầy đủ đơn từ, giấy chứng nhận thương tích và kết quả xét nghiệm ADN. Vụ án cũng được khởi tố và sau đó đưa ra xét xử nhưng thủ phạm chỉ bị... án treo!
Bà vợ của hắn có lẽ vì cảm thấy bị chồng xúc phạm nhiều lần hoặc vì quá xấu hổ đã đâm đơn li dị trước khi kéo va-li rời khỏi nhà cùng với đứa con gái nhỏ.
Vài tháng sau, vào một đêm khuya khoắc, lửa bắt đầu cháy từ tầng trệt, lan lên các tầng trên, rồi tất cả các khe hở quanh ngôi nhà bề thế của hắn sáng rực lên giữa màn đêm. Ngôi nhà bị nung từ bên trong như một khối lửa sắp nổ tung. Khi nhận được tin báo cháy của các nhà lân cận, cũng may đội Cảnh sát PCCC ở gần đó nên kịp đến nơi khi các tia lửa chỉ vừa mới len ra bên ngoài trước khi bị dập tắt. Khi họ vào được bên trong thì rất nhiều thứ trong nhà đã bị thiêu rụi. Tại hiện trường vụ cháy, tất cả các cửa có thể thoát ra ngoài đều đang khóa, tất cả các camera đều bị vô hiệu hóa không sót cái nào. Đặc biệt, căn phòng lớn nhất ở tầng hai không những bị khóa mà trước cửa phòng còn có rất nhiều chướng ngại vật. May là không có thương vong về người vì không có ai trong nhà.
Đương nhiên cô gái giúp việc là nghi phạm số một, nhưng kết quả điều tra cho thấy cô gái có chứng cứ ngoại phạm vì cả đêm đó cô ngủ ở nhà của chủ mới. Tuy nhiên, lực lượng chức năng đã bỏ sót mối quan hệ kín đáo mới đây của cô gái với một gã giang hồ vừa mãn hạn tù.
Có lẽ ma men đã "độ" hắn vì ngay đêm đó hắn say bí tỉ tại nhà một thuộc cấp cũ đến nỗi phải ở lại qua đêm. Ngôi nhà cùng với số tài sản trong đó đã thế mạng cho hắn. Nghe nói hắn bán rẻ cái nền nhà cho một tay đồng hương chuyên đầu cơ bất động sản và đã đáp máy bay trở về nguyên quán.
Bạc đã tốn khá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc trong khả năng của mình để tìm kiếm thông tin về người chị. Sau một thời gian dài, cuộc tìm kiếm cũng có kết quả nhưng Tiền đã kiên quyết không trở về nhà. Rất nhiều lần mãi cho đến về sau này, Tiền vẫn gặp lại cơn ác mộng đó. Vẫn giật mình khi nghe tiếng chân bước đi vội vàng trong nước, đến nỗi không dám ra biển hay đi hồ bơi. Vẫn kêu thét, choàng tỉnh rồi ngồi thức trắng đêm khi mơ thấy mình bị dìm trong vũng nước tanh hôi với cặn bã phủ quanh mình...
...
Ngoài công việc ở xí nghiệp, những ngày nghỉ hay lúc không có đơn hàng, Việt An cặm cụi làm ra sản phẩm của riêng mình. Ý tưởng sáng tác đầu tiên bắt nguồn từ hồi ức cơ cực của gia đình, hình ảnh của bà ngoại, của cha mẹ và ba chị em được tái hiện trên chất liệu gỗ phong phú của thiên nhiên. Đặc biệt hơn cả là những mô hình "nhà hang" tí hon sống động như đời thực đã thu hút đông đảo khách hàng khi anh mở một cửa tiệm bán đồ lưu niệm trên con phố dài dẫn đến ngôi nhà hang thực sự, lúc đó vẫn chưa thay đổi như bây giờ.
Những ngôi nhà như đúc khuôn từ nguyên mẫu với cả cảnh vật cây cối chung quanh đã mang lại thích thú cho người xem nhưng có mấy ai biết đó là nỗi buồn, thậm chí là nỗi đau của những số phận trong cái "hang người" u ám đó. Từ nơi đó nảy sinh những suy nghĩ bế tắc, những hành vi bộc phát, những hệ lụy khôn lường... làm sai lệch hướng đi, thay đổi vận mệnh của những con người bị số phận thẳng tay vứt vào đó.
Những vết sẹo trong cuộc đời một con người, nhất là khi hãy còn non dại, là những vết sẹo nhẫn tâm và đau đớn nhất. Di chứng của nó có thể hủy hoại cả phần đời còn lại nếu không thể quên đi những tổn thương để bước về phía trước. Nhưng để quên không phải lúc nào cũng là điều dễ dàng. Trước hết là dám trực diện với chính mình, nhìn sâu vào quá khứ, vượt qua, bỏ lại sau lưng để nó tự chôn vùi... Quá trình đó đôi khi còn đau đớn hơn lúc vết thương chưa thành sẹo, vì phải đau trên nỗi đau, dẫm lên thương tích của mình mà đi, cho đến khi tưởng như không còn nhớ tới.
Sau nhiều năm, ngoài vô số sản phẩm đã bán hiện cũng còn rất nhiều mặt hàng lưu niệm đang được trưng bày trong một gian dành riêng ngay trên sân thượng này. Sản phẩm được bổ sung thường xuyên mỗi khi An rỗi rảnh, thấy buồn, thấy nhớ... và làm ra chúng như một cách giải tỏa tâm trạng, giống như một nhà phẫu thuật tự mổ xẻ nỗi đau của chính mình.
-Còn chị Tiền bây giờ ở đâu anh?
-Em sẽ biết ngay thôi! Nhà hàng này phần lớn là do chị hai đầu tư, anh chỉ là người quản lý.
Nén lại nỗi thắc mắc về người chị, Hòa theo chân An bước vào gian trưng bày hàng lưu niệm.
Anh rưng rưng xúc động trước một quần thể tượng gỗ cực kỳ sinh động, đặc tả hình ảnh cả gia đình anh với từng dáng dấp và đường nét gương mặt như vẫn chưa hề nhạt nhòa trong trí nhớ. Bên cạnh đó là mô hình thu nhỏ của chiếc xe cháo lòng cùng bếp lửa giữ nóng, nồi niêu, tô, chén... của má, cả gióng gánh của bà ngoại, rồi nhà cửa, những chiếc võng, bàn ghế, xe máy, búp-bê... đều bằng gỗ và vài thứ phụ liệu khác được trau chuốt kỹ càng từng chi tiết.
Anh khẽ nhắm mắt lại, lắng nghe một làn sóng yêu thương buồn bã tràn qua lồng ngực. Có những nỗi nhớ chẳng bao giờ cũ, cho dù tất cả đã đi qua, đã mất hút, chẳng còn biết phải tìm lại ở đâu giữa cõi đời này.
Hòa trầm ngâm ngắm nghía những tác phẩm tí hon khác, thích thú khám phá "linh hồn" của từng thứ mà anh mình đã tạo ra. Chúng làm anh nhớ đến bao lần ước ao bỏng cháy về những món đồ chơi chỉ có thể chạm đến trong thế giới tưởng tượng lung linh của một chú bé con.
Một đoạn nhạc nhẹ nhàng chợt trỗi lên trong không gian đầy hoài niệm. Hòa quay sang, trên màn hình TV lớn đặt ở góc phòng, một cô gái rất đẹp mặc áo dài màu thiên thanh, tóc búi cao, đang hát một bản nhạc gì đó về mùa xuân và hoa cỏ. Hòa không tin vào mắt mình:
-Chị Tiền! Phải đó là chị Tiền không anh?
-Chị hai đó, ca sĩ Việt Phương. Cũng thường thôi, không nổi tiếng, chưa nổi tiếng. Chị nói không thích nổi tiếng, anh hiểu là vì chị không muốn quá khứ bị đào xới.
Qua lời kể của An, Hòa được biết chị Tiền, Trần thị Việt Phương, đã lập gia đình. Hai vợ chồng đang kinh doanh chuỗi nhà hàng-cà-phê có tiếng tăm và đang sống rất hạnh phúc.
-MV này vì đam mê ca hát nên chị hai làm cho vui thôi, số lượt người xem không nhiều lắm. Anh vẫn cho mở thường xuyên ở đây, khách nghe cũng có vẻ chú ý.
Sau khi uống vài ly Hibiki, nghe Việt Phương hát thêm vài bài hát, hai anh em đồng ý ngày mai sẽ đi thăm nhà chị ở một thành phố biển cách đó gần trăm cây số. An nói:
-Đêm nay ngủ lại đây đi, đừng về khách sạn. Anh sẽ cho đóng cửa sớm để anh em mình nói chuyện.
Bộ ghế sô-pha ở tầng hầm đủ lớn để hai anh em nằm ngủ, nhưng câu chuyện đã kéo dài đến tận 2 giờ sáng! Chợp mắt một lát, tiếng người đi thể dục ngoài đường đã bắt đầu lác đác. An đang ngủ rất say, nét mặt anh trong khi ngủ bình thản, vô tư như trẻ thơ. Những người có nét mặt như thế khi ngủ thường gặp nhiều điều may mắn và hạnh phúc trong đời, Hòa mong sao điều đó sẽ đến với anh mình trong suốt quãng đời còn lại.
Hòa nhẹ nhàng đi ra cửa, bước lên những bậc đá có lẽ vẫn còn đang say ngủ để ra đường. Một sự đánh thức không chỉ đối với chúng mà hình như với cả một thời xưa cũ đã qua.
Anh dừng lại ở bậc thềm tiếp giáp với mặt đường, ngoái nhìn xuống quán cà-phê dưới tầng hầm mà An và Phương đã giữ lại như một di chỉ của gia đình (mặc dù theo lời An, chị hai chưa bao giờ đặt chân trở lại nơi đó).
Đâu đây hình bóng những người thân yêu chợt hiện, nghiêng nghiêng đi về trên con dốc hay lom khom, bì bõm trong "hang người" cho đến hết cuộc phù sinh.
Giữa kiếp sống lầm than đó, lắng sâu trong mỗi con người, bên cạnh niềm ước ao vượt qua số phận, có lẽ họ chỉ cố sao giữ cho tâm hồn đừng trở nên chật hẹp, tối tăm hay đọa sâu dưới giòng nước bẩn.
Sau tất cả những gì đã xảy ra, bầu trời ở trên cao bao giờ cũng rộng mở, thế gian này còn biết bao con đường sáng để đi, con người chung quanh vẫn nồng ấm, ân cần...
Anh đi dọc bờ sông, con sông ngày trước anh và Bạc vẫn lặn hụp ven bờ vì má cấm không cho ra xa sợ gặp phải cá sấu. Con sông bây giờ có lẽ vẫn vậy, những đổi thay hình như chỉ diễn ra ở hai bên bờ. Cội nguồn, dòng chảy và độ sâu của con sông là những gì rất riêng tư mà chỉ có chính con sông mới thực sự thấu hiểu.
Và nơi đây, ở khúc sông này, tàn tro một kiếp người của ba, của má, của ngoại đã lắng chìm trong bùn đất, phôi pha trong cát bụi hay đã rã tan vào sóng nước miên man? Anh bước xuống một trong số những chiếc xuồng gắn máy neo nhấp nhô bên cầu cảng, đưa lòng bàn tay chạm nhẹ trên mặt nước, lắng nghe dòng chảy đi qua như những gì đã đi qua trong quãng đời thơ dại của anh. Bàng bạc trong làn nước êm trôi này là những gì còn lại của yêu thương muôn thuở, dạt dào chảy mãi vào những tâm hồn vẫn luôn còn khao khát phù sa...
Hòa ngước nhìn bầu trời rạng đông, nghĩ tới những việc phải làm trong một ngày tinh khôi còn vẹn nguyên trước mặt.