I
Tôi là một ông thầy. Tôi đi tu !
Dĩ nhiên tôi chẳng xem mình là bậc chân tu đại đức đạt lý thông huyền, cỡ như thầy Huyền Trang hay sư tổ Đạt Ma. Đầu óc đâu mà thuộc nổi năm nghìn quyển kinh viết bằng chữ Phạn! Xương cốt đâu mà ngồi một chỗ, nhìn lên vách đá chín năm liền để đạt ngộ về chữ Thiền! Tôi cũng chẳng biết mình đi tu kiếp này là kiếp thứ mấy: ba, bảy hay chín, và đã gần thành chánh quả để nhập Niết Bàn chưa? Tôi cũng chẳng ước mong mai sau được lên chùa Lôi Âm lĩnh chức Tôn Giả, La Hán hay Bồ Tát. Tôi là người thầy tu sống lẫn trong trần tục, suy nghĩ còn bản sắc trần tục. Kiến cắn tôi thì tôi chà, muỗi chích thì tôi đập, gặp rắn thì tôi đập, lương tâm không vì thế mà kém thanh thản.
Nhưng tôi cũng chẳng phải loại sư hổ mang, hay "thầy chùa lửa" như người đời thường gọi bêu riếu. Tôi không ham xe hơi, nhà lầu, máy lạnh, không mơ màng quyền lực. Ai mời làm đám, ngoài mấy bữa cơm chay, tôi chỉ nhận một số tiền cúng phải chăng sống đắp đổi qua ngày. Không có cũng chẳng sao. Tôi có vườn cây ăn quả, có đất trồng rau đậu và hơn mẫu ruộng quanh nhà. Những ngày rằm, mồng một bà con mang đến chùa chút ít đậu rau khoai chuối trà bánh, tôi chia lại cho đồng bào nghèo, người lỡ đường. Tình nghĩa tôi đối với xóm riềng trước sau như bát nước đầy. Người ta tin tưởng tôn trọng tôi qua cách nói năng hòa nhã, phong độ nghiêm trang, mở miệng luôn mô Phật. Tóm lại tôi là một ông thầy coi được, không giống với đám ác tăng nhan nhản trong các thập niên sáu mươi, bảy mươi.
Điều mọi người mến mộ nhất ở tôi là thái độ của tôi với phụ nữ. Tôi không bờm xơm suồng sã, nhưng cũng không e dè xa lánh, lúc nào cũng chỉnh tề, nhưng cũng biết tỏ ra thân ái, có khoảng cách hợp lý. Đừng thấy vậy vội tưởng rằng tim tôi đã tắt lửa, lòng tôi đã nguội như đống tro tàn. Tôi luôn tâm niệm có ai buộc mình mãi mãi ở chùa đâu? Có ai cấm mình trở lại đời lấy vợ sinh con đâu? Vậy thì còn ở chùa phải giữ phận thầy tu, không chịu nổi thì cứ xuất thế. Sống cho minh bạch, đừng lập lờ chẳng ra lươn ra cáo.
Tôi sở dĩ đi tu là cũng vì tình đấy thôi! Tôi và nàng trạc tuổi, cùng học một lớp trường tư, thể chất cũng xứng nhau, hai bên gia đình cũng đăng đối, cha mẹ bên nào cũng có ý thuận tình. Thế nhưng khi thi trung học đệ nhất cấp, nàng đỗ ngay khóa một, rồi trúng tuyển luôn vào trường sư phạm. Còn tôi thì trượt luôn hai khóa thi năm ấy. Rớt một năm cũng chẳng sao, tôi cứ lên đệ Tam học tiếp thi Tú tài một. Không may cho tôi, nàng chọn cho mình một ông quan trong tỉnh, một chuẩn úy vừa ra trường sĩ quan Thủ Đức. Đám hỏi vào giữa năm nàng học sư phạm.
Kể ra cũng chẳng có gì, nàng chẳng phải là tiên giáng trần, công chúa có nửa giang san làm của hồi môn. Cùng lứa tuổi với nàng, có nhan sắc tương đương, trong ấp tôi thôi, có đến hàng chục. Nhưng tôi đọc Tự lực văn đoàn quá nhiều, những kẻ bị tình phụ của các ông ấy kẻ nào cũng đau khổ, vậy thì tôi cũng phải đau khổ. Moussé, nhà thơ lãng mạn Pháp có nói: "Con người là một kẻ tập tành, đau khổ là ông thầy chỉ dạy", vậy không đau khổ làm sao thành người? Con người đau khổ vì tình ấy phải chăng là cái "con người muôn thuở" mà ông Nhất Linh đã đề ra làm mục tiêu viết lách, đau khổ là lý tưởng của cuộc đời!
Nhưng đau khổ cách nào đây? Khóc tôi không khóc được, vì nàng có đáng giá gì đâu. Đi lang thang tôi đã đi quá nhiều. Bỏ cơm nước nằm dàu dàu một chút đã khó chịu, xót ruột chạy xuống Trung Lương kiếm cháo lòng, hủ tiếu, bánh mì patê gan. Tuyệt thực mà không xanh xao hốc hác chút nào thì ai để ý lo lắng cho mình? Tôi phải tra cứu các bộ sách, hàng trăm tập san. Theo các ông tác giả thì con người thất tình đau khổ có thể có mấy con đường: tự tử, đi làm cách mạng, làm chúa đảng, hoặc đi tu.
Tự tử thì không được. Tôi sợ chết lắm. Chết vì một cô giáo quèn thiên hạ cười cho. Tự tử thì không hề. Làm cách mạng ư? Cũng khó. Đã có luật 10/59, ghê lắm. Gia đình tôi xưa nay không hề chống đối cách mạng, bản thân tôi cũng cảm phục những người cách mạng vì nước quên mình. Nhưng tôi sợ. Phải chi đi làm cách mạng mà không phải chiến đấu, không bị bắt, không chết thì tôi rất sẵn sàng.
Làm cướp chắc dễ hơn. Thằng Pháp, thằng Mỹ, thằng Diệm cũng là những loại cướp thôi, cướp công khai, đụng nhau chắc cũng vị tình đôi chút với nhau. Nhưng tôi không biết bắn súng, gươm cầm không nổi, không phóng được qua bờ tường cao, giu- đô, thái cực đạo, thiếu lâm, quyền cước đều không biết làm cướp cái gì? Ngữ tôi chỉ có thể đi dọ đường, cầm đuốc, la ó hụ hợ thôi, thằng ngu nào chịu tôn làm đại ca hay thủ lãnh. Mà làm cướp tay sai tôi không muốn, không xứng với một kẻ thất tình cỡ lớn như thế này.
Tôi chọn đi tu.
II
Tôi không ngờ mình chọn con đường có lợi nhất. Có vốn học thức, quen học bài đọc sách, thích nghiên cứu tìm hiểu, tôi nhanh chóng được vị trụ trì chú ý tín nhiệm, được giao việc giảng dạy kinh kệ cho các học tăng rồi đăng đàn thuyết pháp trong những dịp quan trọng, được các tín đồ kính trọng.
Năm một chín sáu lăm, ngụy quyền ban hành lệnh động viên từng phần. Tôi đã tu khá lâu, là nhà sư có tiếng, cần thiết cho tỉnh hội Phật giáo nên được miễn đi lính. Thật là may mắn. Ai dại dột trở về đời trong thời buổi đó. Tuổi hai mươi lăm, tôi bước ra khỏi chùa sẽ được đổi cái đầu cạo sát da để nhận cái đầu hớt kiểu bàn chải ngựa của Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Tôi còn lâu mới già, cứ tiếp tục gõ mõ, đọc kinh cho tàn cuộc chiến rồi sẽ tính.
Năm một chín bảy mươi tôi chịu hai cái tang lớn. Một chiếc thiết vận xa không rõ vì sao lại nổ súng vào vườn nhà tôi. Mẹ tôi bị tử thương. Cha tôi buồn sinh bệnh rồi cũng chết theo. Hai cái chết cách nhau chưa đầy năm tháng. Hai ông bà để lại ngôi nhà ba gian lợp ngói, hai công vườn, một công rẫy và thửa ruộng lớn. Anh Hai tôi, đã một vợ năm con, bán cà phê và tạp hóa ở Chợ Cũ, gia tư khá sung túc. Anh nói: "Tôi nhường tất cả lại thầy. Tôi đông con về đó ngại lắm!"
Tôi xin phép tỉnh hội cất cái am nhỏ trong sân vườn để tiện quản lý cơ ngơi, tỉnh hội đồng ý ngay vì khu vực đó không có chùa. Tôi tu đã hơn mười năm rồi, sư phụ là nhân vật rất quan trọng trong Ban trị sự tỉnh hội, giới thiệu tôi rất trân trọng với các cấp chính quyền, quận trưởng sở tại cũng biết danh tôi bậc chân tu đạo hạnh cao thâm pháp danh đại dức Thích Như Tuệ.
Trong ấp chỉ có nhà tôi ở gần mặt đường, cơ ngơi đáng kể, một mai hòa bình trở về trên vùng đất xác xơ vì bom đạn này, tôi dễ bề nuôi sống vợ con chỉ bằng ruộng vườn, chưa kể mọi chuyện kinh doanh khác.
Từ năm sáu sáu, khi có căn cứ Đồng Tâm pháo Mỹ bắn bừa bãi hàng trăm gia đình từ các xóm đổ ra ngoài mặt lộ, nhà cửa chen chúc quanh nhà tôi, thành một xóm mới tiêu điều, nhà cửa cất sơ sài, hầm trú ẩn đã chiếm nửa diện tích, trước nhà lơ thơ vài cây so đũa, vài bụi chuối gió giật tơi tả. Sân nhỏ nằm dưới giàn mướp bí bầu, trẻ con lẩn quẩn không dám đi xa, chui vào hầm khi có pháo nổ.
Đồng bào nghèo khổ nheo nhóc, ruộng vườn làm lụng ngày được ngày không. Sức lao động hiếm, đa số người già và phụ nữ trẻ con, đàn ông vào ở trong kia, hoặc bị bắt lính. Việc hai ba cha con cùng đóng một đồn là thường. Ai cũng có thể bị ghép tội khai man tuổi. Ông trung niên bốn mươi lăm bảo chỉ mới bốn mươi tăng tuổi, trẻ mười sáu bảo mười tám sụt xuống. Không được cãi, nếu không có tiền.
Tôi về với cái am mới cất, vách chưa đóng xong quận trưởng và phu nhân đã đến viếng. Chả là quận này đánh nhau riết rồi chùa chiền đổ nát, sư sãi bỏ xứ tản cư gần hết. Quận trưởng mừng khi có vị cao tăng về gần, hy vọng bóng từ bi của tôi che mát dân chúng vùng này, đạo đức thâm sâu của tôi cảm hóa những kẻ lầm đường lạc lối. Lễ vật cúng dường toàn đèn nhang trà bánh hảo hạng. Vợ chồng ngài thiếu tá vái tôi, lạy Phật, bạch thầy lia lịa trước khi về. Kể từ đó lính bảo an, dân vệ trong vùng cách xa tôi mười bước đã lật đật xá thầy. Đi càn đi kích ở đâu chứ vườn nhà tôi phải tránh.
Chỉ vài ba tháng tôi đã nhẵn mặt xóm riềng, cả những xóm lân cận. Thời buổi này người chết chẳng thiếu gì, ngày nào cũng có ma chay, làm tuần, giỗ quảy, cưới hỏi cũng được mời tới. Thầy không đọc kinh thì ngồi nơi bàn giữa. Theo luật nhà Phật thầy không được uống rượu, nhưng bia thì được, chỉ là nước giải khát bỗ dưỡng thôi mà. Nhưng mười ly bỗ dưỡng này thì hết biết đường về am!
Chiến trận ở đây không lớn lắm nhưng cũng rất quyết liệt. Tuần lễ nào cũng có vài nhà đến thỉnh tôi, hết lính tử trận đến dân bị lạc đạn. Thôi sinh kí tử qui, cũng là nghiệp quả tiền khiên, ai cũng phải đến lúc đó thôi, càng đến sớm nghiệp kiếp này càng ít đi, quả phải chịu kiếp sau sẽ nhẹ hơn nhiều, đỡ phải trầm luân trong cái biển nước mắt của chúng sinh, càng sớm thấy Niết Bàn trước mặt.
Những người mẹ, người vợ, người con đau khổ ấy chăm chú nghe tôi, an tâm sống khi nghĩ rằng người thân yêu của họ đang tươi cười trên tầng trời thanh thản.
III
Còn tôi thì lại có những phút chẳng an tâm.
Đêm đêm tôi trằn trọc băn khoăn về cái Niết Bàn tôi đã giảng giải, kết quả những bài kinh siêu độ tôi đọc. Bởi có quá nhiều người chết không mời tôi đọc kinh. Đó là những người chiến sĩ giải phóng, xác bị kéo bỏ lên lề lộ. Tôi kính trọng lòng yêu nước, sự quyết tâm dũng cảm, đức hy sinh cao cả của họ, vậy là họ có lên được Niết Bàn không? Họ không được lên Niết Bàn vì không được đọc kinh siêu độ, hóa ra thượng giới đầy rẫy bất công. Người yêu nước thì bỏ ra, gã buôn lậu mụ cho vay cắt cổ thì được vào. Phật nào chấp nhận việc bất công ấy? Như thế lâu nay tôi dối gạt thiện nam tín nữ hay sao?
Để được an tâm, mỗi đêm, đúng chín giờ, tôi đọc riêng một thời kinh cho các anh em, say sưa xuất thần mà đọc, với tất cả chân tình. Tôi vái van họ. Anh em là những người hoàn thiện, đáng sống hạnh phúc trên đời. Kiếp sau tái sinh anh em không gặp cảnh đó nữa, sự xả thân cho đất nước là công đức lớn của kiếp này.
Một đêm cuối tháng năm, lối ba giờ khuya, súng bỗng nổ râm ran trên lộ gần đồn bảo an- một cái đồn lớn, cỡ đại đội đóng giữ. Pháo Đồng Tâm nện ngay phía Nam lộ vài mươi quả, đất đá rơi lên nóc nhà tôi rang rảng. Ít phút một trái pháo sáng nổ "bục" một tiếng, cứ thế đến rạng đông.
Tôi đọc thời kinh buổi sáng xong thì có khách, một trung sĩ bảo an, mắt sưng hụp, đỏ ngầu. Nhà anh ở gần đồn bị trúng pháo, bà mẹ vợ bị đứt tiện hai chân, chết ngay tại chỗ. "Ba giờ chiều nay cất đám xin thầy thương chúng con đi ngay cho kịp giờ phát tang". Anh quảy túi chuông mõ hối tôi đi ngay. Tôi đủng đỉnh theo sau, phong thái của một ông thầy phải thế, chỉ năm trăm thước thôi có gì phải hối hả.
Tốp lính đứng cạnh một gốc cây đứng ra chào tôi. Lúc đó tôi mới thấy một người bị trói đã chết rồi. Chúng cột anh vào gốc cây, tư thế nửa ngồi nửa đứng. Anh còn khá trẻ, mặt tái xám, áo màu chàm, quần cụt, bụng vỡ toác. Tôi lẩm bẩm niệm Phật. Bỗng một thằng có vẻ ngổ ngáo, tay cầm điếu thuốc xăm xăm lại vạch môi người chết nhét điếu thuốc vào, cả bọn vỗ tay cười. Tôi bỏ đi cả mười thước vẫn còn nghe tiếng cười dội lại phía sau.
Lòng tôi lâu rồi, đã quen cảnh tu hành thanh thản, giờ chợt bừng bừng cơn giận dữ. Tôi thấy nghẹn cổ. Tôi không thấy cái quả báo luân hồi nào trong điếu thuốc khốn nạn đó. Tôi giận mình trước nay đã giảng đạo lý cho những tên lính này. Tại sao tôi ngu ngốc đi thuyết pháp cho một bọn sài lang như vậy? Tôi không còn lẩm bẩm những tiếng A Di Đà Phật như thường ngày. Tôi đang nghiến răng. Tôi đang gầm thét với chính mình những lời trần tục.
Buổi cầu siêu đã hỏng nặng. Từng chập tôi thấy mình tụng kinh lộn tùng phèo, kinh nọ xọ kệ kia. Gia chủ chẳng biết gì cả, bảo lạy họ vẫn lạy một cách thành kính. Cả đại đội bảo an đều đến dự tang lễ. Thằng ngổ ngáo lúc nãy bước vào chiếu lạy, tôi nện một dùi vào chuông quá mạnh phải vờ sút tay rớt dùi cho khỏi ai ngạc nhiên. Tôi còn muốn nện cái dùi vào giữa sọ thằng khốn.
Giờ hạ huyệt, trung úy trưởng đoàn ra lệnh bắn mấy loạt súng chào. Tôi bỗng ước một quả pháo nào đó rớt ngay đây tôi có chết theo luôn cũng hả. Nghe tang gia khóc kể, tôi bỗng rùng mình. Tôi mơ hồ thấy, giờ này, ở một nơi xa nào đó, chắc cũng có những người cha, người mẹ, người vợ nào đó của người chiến sĩ đang nhìn về phía gốc cây khóc nức nở. Cái đau thương ầm ĩ này không đáng bao nhiêu so với tiếng khóc nghẹn ngào kia.
Bữa cỗ tươm tất thừa thãi nhưng bà con không thể ngồi lại, phải về lo cho con cái. Nào ai biết lúc nào đạn pháo nổ chụp lên nóc nhà mình. Rốt rồi chỉ còn lại đám lính ăn uống ồn ào. Tôi ăn chay, vẫn phải ngồi cùng bàn với ban chỉ huy đại đội. Viên trung uý đại đội trưởng chếch choáng, ép tôi uống nguyên ly rượu nếp, nói năng vòng vo tam quốc, văn chương đạo lý, lễ nghĩa ân tình, nghe nhức nhối khó chịu. Tôi đứng lên hai ba lần tên trung úy cứ kéo lại:
- Thầy ở chơi lúc nào về chẳng được.
- Lỡ gặp lính nằm đường khổ trung uý ơi!
- Không sao đâu, đêm nay chúng con ở đây uống đến mút mùa, thằng nào không uống thì về giữ đồn, chẳng có ai canh lộ đâu. Bọn nó bị vố hồi hôm năm ba bữa nữa mới hoàn hồn.
- Tôi không sợ anh em ở đây, lo lực lượng ở tỉnh ở quận lên.
- Khỏi lo! Đâu lên cũng phải báo với tụi tôi, không bắn lầm nhau chết.
- Tôi ghê cái xác chết lúc nãy quá.
- Thân nhân của nó đến nộp phạt rồi, tôi cho mang đi chôn hồi chiều rồi.
Tôi đành ngồi lại trời tối mịt mới dứt được ra về. Tụi lính đảm bảo với tôi đường yên cứ đi, chuông mõ để lại mai chúng sẽ mang trả sớm. Tôi ra đường. Lâu quá rồi đã quên việc đi đêm. Một góc trời mù mịt không sao. Mong cho mưa lớn thật lớn. Những trận mưa lớn đầu mùa cho ruộng nương bà con làm mùa.
IV
Đã hơn mười năm, chiến tranh đã cướp đi một phần thời gian quý báu của mỗi cuộc đời người dân lộ Bốn. Đâu rồi những đêm hội hè giăng giăng đèn sáng, những buổi giăng đèn rước trăng của thiếu nhi, những tiếng hát câu hò từ lâu tắt lịm. Chỉ có đêm nay thôi, khi bước nhẹ một mình, chuông mõ bỏ lại sau lưng tôi mới thấm thía nỗi hẩm hiu của đồng bào, mới biết uất hận những kẻ đã làm cho đất nước quê hương mình tiêu điều xơ xác.
Khu vườn của tôi kia rồi. Thế là yên tâm. Lộ Bốn đêm nay yên tĩnh. Tôi chợt nhớ đến người chết miệng ngậm điếu thuốc. Tôi lại nổi giận. Phải làm gì đó cho đỡ tức. La lên một số khẩu hiệu ư? Tôi có biết một số khẩu hiệu học sinh sinh viên Sài Gòn, khẩu hiệu giải phóng viết trên băng giăng ngang đường, nhưng làm thế là chết tôi ăn thua gì đến bọn ác ôn giờ này đang ăn uống ồn ào say bí tỉ đàng nhà có tang kia. Hay là đắp một cái mô? Phải rồi, đắp mô, nhưng một mình đắp sao nổi? Nhớ buổi sáng mình có đi ngang một thửa ruộng mới gặt. Đắp mô bằng rơm thì nhẹ nhàng nhưng chắc khó chặn lộ được lâu. Mặc kệ, làm thì cứ làm!
Tôi hối hả về nhà, cởi bộ áo quần màu lam nhạt, mặc quần đùi đen cắt ruộng quay lại. Đây miếng ruộng này đây, đen hơn các nơi khác. Tôi ôm từng ôm rơm lớn ném lên lộ. Phải cho nó vắt ngang đường xe cộ mới sợ. Sự vận động cộng với gió mát ban đêm làm tôi hả bớt rượu, tôi bắt đầu sợ. Rủi thiết giáp đi tuần đường thì sao? Tôi về nhà tắm rửa giặt giũ cẩn thận lên giường nằm.
Người anh em của tôi đã chết kia, có thể đêm rồi cũng muốn đắp mô. Việc không thành, anh phải trả giá bằng mạng sống. Chết rồi cũng chưa yên, cái xác vẫn bị chế giễu hành hạ. Bọn này dã man như đám bạo chúa thời trung cổ, truy tìm liên hệ bà con họ hàng người giải phóng, giết được ai cũng căng xác bêu đầu. Tôi thay anh làm xong ý nguyện của anh là hợp lẽ công bằng, hợp với tôn chỉ của Phật tổ Như Lai nữa. Ngài là đại từ bi, luôn sẵn sàng xả thân vì chúng sinh, nhưng ngài cũng là đại hùng đại lực quảng đại thần thông để bảo vệ thế gian trừng trị loài quỹ dữ.
Bấy lâu nay tôi chỉ bàng quan, không theo ai và cũng chẳng chống ai. Hai bên đánh nhau, mỗi bên đều có vũ khí, mạnh được yếu thua, giỏi sống dở chết, đó là lẽ thường. Nhưng đừng đày đọa người chết, phải biết từ bi hỉ xả. Chết có nghĩa là xuôi tay, buông hết yêu mến hận thù. Dù người chết có là kẻ thù cũng phải tôn trọng cái xác của họ. Thù đến cái xác chết, trên thế gian này, có lẽ chỉ có loài giòi, giun và bọ hung. Bên Giải phóng có bao giờ làm thế đâu! Đối với lũ lòng lang dạ thú ở đây, tôi chỉ còn cách cầu Phật cầu trời. Các ngài mau sai xuống bát vạn thiên binh, gió mưa sấm sét quật bọn này tan tành ra tro bụi mới phỉ lòng mong đợi của tôi.
Tiếng còi xe inh ỏi làm tôi choàng tỉnh dậy. Mô Phật! Thế là tôi ngủ mê quá, bỏ thời công phu buổi sáng rồi. Nhưng sao trước lộ nghe ào ào vậy? Tôi ra mở cửa. Hàng trăm xe đò xe hàng, xe lô, xe lam nối đuôi nhau đậu trên đường. Cách chừng trăm mét, phía bên kia, xe đậu còn nhiều hơn. À, ra có mô. Tôi tỉnh hẳn. Tôi nhớ lại việc mình làm đêm rồi. Thì, xe cộ kẹt dài dài là do cái mô của tôi đắp.
Tôi hơi choáng đầu một chút. Hành động đêm rồi của tôi có tầm cỡ đến thế này ư? Tôi, một con người lâu nay đứng bên lề cuộc đời, tay cầm quyển kinh, tay cầm cái dùi gỗ. Thế mà bằng một hành động nhỏ, nào có phí bao nhiêu hơi sức, tôi đã chứng tỏ một uy lực vô biên. Tôi đã chặn đứng lại dòng đời. Tất cả mọi thứ đình đốn lại theo ý muốn của tôi. Thế tôi là ai? Tôi là một Địa Tạng Vương đã xoay chuyển cả luân hồi, hay tôi là một Tôn Ngộ Không đã đảo lộn cả đất trời theo chiều cây thiết bảng?
Tôi quan sát kĩ lại trong nhà. Không có dấu vết gì để ai nghi ngờ tôi. Tôi ra đường hóng chuyện. Rất nhiều xe chạy tuyến Vĩnh Kim, Cai Lậy, Cái Bè, Mỹ Thuận, rất nhiều hành khách. Nhiều người là Phật tử. Họ chào tôi tôn kính. Họ có biết tôi ở chùa lớn. Họ bị kẹt xe nhưng chẳng có vẻ buồn phiền, trừ vài bà đi buôn. Nhiều người còn có vẻ vui, qua nụ cười ánh mắt. Tôi đã làm đúng tâm nguyện người dân đối với bên kia. Không ai dám nói ra công khai, nhưng ai cũng sung sướng trước những dấu hiệu chứng tỏ phía bên kia đang thắng thế.
V
Một ông trung niên búi tóc nói với tôi:
- Bạch thầy, bom đạn như mưa, lính phục kích đầy lộ, thế mà mấy ổng vẫn vượt qua nổi. Phải có phép thần thông tài ba lỗi lạc, quốc gia làm sao đánh lại. Thêm một triệu thằng Mỹ cũng đừng hòng.
- Mô Phật! Người tu hành không tiện nói chuyện đánh nhau. Tuy nhiên về việc này, thầy cũng thấy giống như thí chủ vừa nói.
Gần đứng bóng, mô mới phá xong. Nào là đất, đặt chất nổ, rồi xe ủi xe cào, hai chục người dân bị gọi ra dọn dẹp. Lưu thông vừa lặp lại viên trung uý trưởng đồn phóng xe Honda vào tận sân nhà tôi.
- Trời ơi! May quá, thầy còn đây. Từ sáng đến giờ con sốt ruột quá chẳng dám dĩ hơi. Con thật có lỗi, hôm qua say xỉn quá làm nhăng để thầy đi về một mình, lỡ chúng bắt thầy đi quận trưởng cạo đầu con bằng búa cùn dao mẻ!
- Không sao! Thầy về có thấy ai đâu.
- Nguy hiểm lắm, chúng nó bố trí hai đầu cỡ đại đội để ngăn chúng con ra và lực lượng tỉnh lên, rồi một tiểu đoàn dân công mang đất, lục bình, trâm bầu, rơm cỏ, đắp chưa đầy mười lăm phút là xong. Chúng con phát hiện, chưa kịp báo cáo là chúng đã tản đi hết. Máy bộ đàm quái quỷ trong đồn lại hư đúng lúc, sáng nay mới báo được cho quận trưởng bị ổng chửi quá chừng.
Suýt nữa tôi bật cười. Đại đội với tiểu đoàn! Lục bình với trâm bầu? Tôi cố nén cười nghiêm chỉnh cám ơn ngài trung uý lễ phép tiễn y ra đến tận đường. Tôi trở vào chú Sáu Dần, một ông già láng giềng vác cuốc lặng lẽ đi theo tôi vào chùa nói nhỏ:
- Thầy đừng đi gần các ông sĩ quan hoặc làng xã mà mang khốn. Đêm rồi mấy ổng về đông lắm, cả một trung đoàn chủ lực.
Lạy đức Phật từ bi! Sao lại có chuyện đó? Tôi hỏi gặng:
- Nhiều vậy sao? Chú nghe ai nói đó?
- Lính trong đồn. Sáng đến giờ đã có bốn thằng đào ngũ. Cái mô đêm hôm to ơi là to, năm bảy trăm người chưa chắc làm nổi.
Tôi ngớ người ra vì sửng sốt. Chuyện tôi làm đêm rồi tôi vẫn nhớ rành rành. Sao lạ lùng vậy? Viên trung uý trưởng đồn thổi phồng mọi việc lên cho nhẹ bớt trách nhiệm, tôi hiểu. Chú Sáu Dần chắc có dây mơ rễ má với bên trong, khuếch đại mọi việc để hù những kẻ nhát gan, tôi cũng hiểu. Nhưng chỉ hai người ấy nói mà có một phần mười sự thật thì cũng đã kì cục rồi. Cái mô đêm rồi do chính tay tôi đắp, sao họ nói như có cái mô nào khác nữa. Tôi hỏi lại:
- Mô đắp chỗ nào?
- Chỗ miếng ruộng con Năm Thưa mới gặt đập hôm qua.
Sao tôi không biết. Chị Năm Thưa mượn cái bồ đập lúa của tôi chớ đâu! Chính rơm tôi ném lên đường là lấy trong ruộng chị.
- Cái mô to cỡ nào chú?
- Cỡ cái hầm trú ẩn, trên mô có cắm mấy cây chuối và cả đống trâm bầu. Trên nhánh cây treo mấy trái lựu đạn.
Vậy thì đã rõ ràng. Nhưng tôi hoang mang chẳng hiểu gì ráo. Thấy tôi ngơ ngác ông già tưởng tôi sợ, rót trà cố gắng giải thích chính sách cho tôi yên tâm, rằng mấy ổng không bao giờ đụng chạm đến đạo giáo, lúc nãy dặn tôi là sợ họ bắn mấy thằng kia rồi liên lụy đến tôi thôi. Tu hành không sao đâu. Phá chùa chỉ có mấy thằng Mỹ thôi.
Chú Sáu ra về suốt buổi chiều tôi chỉ ngồi giở sách kinh ra đọc, muốn ra đường xem lại chỗ đắp mô nhưng không dám, có thể bị tình nghi báo tin cho giải phóng. Đêm qua chỉ có mình tôi đi trên đường. Đêm qua cũng chỉ có mình tôi biết đường không có lính.
Đêm ấy, lúc tôi tắt đèn chuẩn bị đi ngủ thoáng nghe tiếng chân. Rồi tiếng gõ nhè nhẹ vào cửa sau, gọi khẽ: "Thầy ơi thầy".
Quả thật tôi chẳng có gì để sợ bên này lẫn bên kia. Tôi lên tiếng: "Chờ một chút đi". Tôi đốt ngọn đèn nhỏ ra mở cửa. Người khách lạ hoắc, trạc ba mươi, quần áo ướt sũng. Anh tháo cây cạc bin đặt lên bàn, chiếc nịt đạn to bản có hai băng đạn và một quả lựu đạn da láng. Anh nhìn tôi cười, lộ hai răng sứt hàm trên:
- Chờ thầy đọc kinh xong, sốt ruột quá!
VI
Có tiếng sột soạt ngoài bờ chuối, tôi dỏng tai nghe. Anh đang vấn điếu thuốc cũng ngừng tay cười:
- Anh em cảnh giới bên ngoài cho mình nói chuyện. Thầy yên tâm.
Anh cúi xuống, miệng ngậm điếu thuốc châm lửa, rít một hơi nói tiếp:
- Đêm rồi tôi có gặp thầy, tôi là Chín Tâm xã đội phó.
Tên anh tôi có nghe nói, nhưng anh làm sao gặp tôi, tôi có vào xóm trong đâu.
- Lúc ấy tôi đang nằm dưới ruộng, bán tính bán nghi, không biết có lính trên lộ hay không, thì thấy một người qua. Tôi đi theo đến chùa mới biết đó là thầy. Tôi ngạc nhiên quá vì thầy sao lại đi đêm một mình, nên nằm lại nghe ngóng thử. Ai ngờ thầy lại trở ra và ôm rơm đắp mô.
Anh châm điếu thuốc đã tắt ngóm:
- Thầy về rồi, tôi đoán đêm nay không có lính thầy đã biết nên mới dám làm. Tôi phát tín hiệu gọi lực lượng đồng bào lên lộ hoàn tất công việc của thầy. Đã làm phải làm cho đáng chuyện, đồng thời để bảo vệ thầy. Nhìn cái mô sáng nay, chẳng ai dám nghĩ rằng thầy đã đắp. Mà xét cho cùng thì nó đúng là của thầy. Không có thầy làm sao chúng tôi nắm bắt được thời cơ.
Giọng anh trở nên ấm áp hơn:
- Chúng tôi đã thảo luận về thầy suốt ngày hôm nay để đi đến kết luận rằng thầy là một người thật tình yêu nước. Chúng tôi biết, giới Phật giáo bây giờ phức tạp lắm. Bọn tình báo nhiều khi sử dụng những người tu hành giả hiệu, phô trương một vài hành động lộn sòng vào các phong trào thực hiện nhiệm vụ chó săn chim mồi.
- Tôi không phải như vậy.
- Chúng tôi biết. Đêm rồi thầy âm thầm làm đâu muốn ai biết ai hay. Tôi chưa hiểu rõ động cơ nào đã thúc đẩy thầy một mình đi đắp mô, nhưng nguồn gốc của động cơ ấy cũng chỉ là lòng yêu nước. Chỉ tiếc rằng thầy đơn độc một mình. Một cây làm chẳng nên non. Tôi thay mặt anh em đến bàn với thầy điều này…
Thế là tôi trở thành một trạm quan trọng trên tuyến đường, tùy theo tín hiệu báo động báo yên của tôi bao nhiêu người lui tới tránh được thiệt hại. Hai ba đời trưởng đồn nối tiếp nhau vẫn giữ mối quan hệ tốt với tôi nên tôi nắm được những tin tức quý như vàng. Anh em bên trong hết lòng bảo vệ tôi. Thỉnh thoảng cũng có những kẻ ngả ngang bỏ ra chiêu hồi, nhưng tông tích của tôi không hề dĩ lộ. Chỉ có một vài người cấp lãng đạo biết tôi, bí mật của tôi họ sống để dạ chết mang theo.
Như trường hợp Chín Tâm xả thân để bảo vệ tôi.
Năm 1974, anh đã là bí thư xã. Tôi vẫn là thầy chùa trên danh nghĩa. Bấy giờ là khoảng cuối tháng mười. Buổi chiều tôi hay tin có bọn thám sát tỉnh lẩn quẩn gần đây và phát tín hiệu báo động. Quả nhiên khoảng bảy giờ tối có ba tên lạ mặt đến chùa, nhìn quanh quất, có vẻ căng thẳng. Tôi chào hỏi rất tự nhiên. Một tên mặt xương, mũi gãy, mày rậm, có phong cách chỉ huy, lễ phép nói với tôi:
- Bạch thầy, chúng con mừng thầy vẫn khoẻ mạnh. Hôm nay, chúng con có công tác ở đây nên muốn xin thầy cho tá túc đỡ một đêm.
- Mô Phật, cửa thiền luôn rộng mở cho bất cứ ai, nói gì đến người của chính quyền có việc cần, muốn trưng dụng.
- Mô Phật, thầy đừng nói thế tội nghiệp chúng con. Đâu có việc trưng dụng nhà chùa. Được thầy nhận cho, như người lỡ độ đường, vậy là quý rồi. Chúng con đi bố trí lực lượng rồi sẽ trở lại. Còn đây là của ít lòng nhiều xin thầy nhận cho.
Họ đặt lên bàn trà, cà phê, sữa, đường, bánh hộp, rồi đi ra. Năm phút sau có người trở lại. Tôi ngẩng nhìn và hết hồn: Chín Tâm. Tôi lắp bắp:
- Sao anh lên, đã báo động rồi mà? Chúng nó vừa ra khỏi. Chúng trở lại bây giờ.
Chín Tâm tặc lưỡi:
- Tôi đi họp bên kia lộ. Sẩm tối về, gấp quá không ghé hỏi cơ sở. Chúng nó bị bất ngờ không dè tôi qua lộ sớm. Thôi tôi đi.
- Anh ra bây giờ thì chết.
- Ở lại cũng chết, mà còn làm anh bị lộ nữa, uổng lắm. Thôi, chào đồng chí.
Năm phút sau súng nổ, chếch bên trái, cách mí vườn tôi hơn trăm mét. Chắc họ chạy mới nhanh thế. Họ chạy để tránh nghi ngờ cho tôi. Tiếng AR 15 và cacbin đối đáp nhau chan chát, có đến mười lăm phút nhưng nhích ra xa hơn. Có tiếng hò hét. Rồi tiếng đại liên M60 bắn như mưa trút. Tôi run cầm cập. Chắc anh Chín khó qua khỏi.
Bỗng có nhiều tiếng AK rộ lên. Đấy là đàng mình đến tiếp viện. Sau nhà có người nói:
- Chết cha, nó dụ mình vào ổ phục kích đó. Cho tín hiệu rút lui. Gọi pháo.
Có tiếng như xé vải. Một tiếng bụp trên cao. Chung quanh ửng đỏ, tiếng súng vẫn nổ. Rồi pháo Đồng Tâm, pháo Long Định nện vào ầm ầm, có đến nửa giờ. Dứt pháo, ba người lúc nãy trở lại.
- Thiếu chút nữa bỏ mạng với đám phục kích rồi. Dữ thiệt, mình vừa đến nó biết đối phó liền.
- Các ngài giỏi lắm, mới đến đánh trận rồi. Ở đây ít khi nào lính chộp trúng họ.
- Đám bảo an ở đây là đồ bị thịt, ngày đêm cứ rúc trong đồn. Ở hai bên lộ này có ít nhất một trung đoàn qua lộ thường xuyên, không biết nó cụp quận ngày nào.
Tôi mừng cho Chín Tâm thoát nạn. Nghe đám lính nói chuyện thật tức cười. Tên trung uý trưởng đồn luôn chửi bọn thám sát tỉnh là đồ chết nhát, đồ dựa bệ ăn lương, chỉ dám tấn công người tay không, gặp chủ lực đạp nhằm đầu cũng không dám nhúc nhích. Chúng luôn đáng giá lực lượng bên kia lúc nào cũng mạnh cũng đông, lo lọt ổ phục kích bị diệt gọn. Nghe súng nổ nghĩ mình đụng với tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn, cắm đầu chạy về báo cáo!
VII
Chín Tâm nằm bịnh ba tháng mới tháo băng bột cánh tay gãy. Anh đến gặp tôi, khoe anh gặp may kinh khủng, bị thương cỡ đó là nhẹ lắm. Ân tình anh với tôi quá nặng, nghĩa khí của anh thật tuyệt vời.
Đấy cũng là bài học lớn. Chỉ phát tín hiệu thôi nhiều khi không đủ. Nếu tôi có được vài cái hầm đêm đó anh khỏi phải liều mạng như thế. Ý của Chín Tâm thì có khác. Làm hầm để giấu đạn và mìn cần thiết hơn. Làm thì làm, nhưng cảm giác nằm trên đống thuốc nổ thật đáng sợ. Rõ ràng tôi chưa có cái bình thản lạnh lùng của người chiến sĩ vũ trang dạn dày với súng đạn.
Tôi không ngờ mình có đóng góp đáng kể cho việc giải phóng đoạn lộ này. Giữa tháng tư năm bảy lăm, mẹ và vợ của viên trung uý trưởng đồn đến chùa lễ Phật. Họ quá lo âu cho số phận của chồng con chẳng biết nương tựa bám víu vào đâu.
Tôi thăm dò:
- Muốn sống còn yên ổn làm ăn đâu có gì khó, nhớ lời Phật dạy, làm theo đó hoạn nạn tất qua thôi.
Bà mẹ đáp:
- Bạch thầy, cháu con rất hiền lành, chưa bao giờ làm hại ai, không gây thù kết oán, tháng nào cũng ăn chay cả tuần, không tin thầy hỏi vợ con nó coi.
Tôi gật đầu, mỉm cười nhớ đến con bò của chú Sáu Dần. Tháng trước con bò bứt dây lủi vào vòng đai đồn, chúng bắn chết kéo vào xẻ thịt chia nhau ăn hết luôn. Mà thôi chuyện qua rồi.
- Phật dạy rằng "muôn sự tại tâm". Ngài trung uý thật lòng với đạo lý, với lẽ phải, ngài sẽ đạt được ước nguyện.
Bà già nhổm người lên:
- Thầy khuyên dạy thì dạy cho trót. Nó quay về, thầy nhắm mấy ông bên kia có tha thứ cho nó không?
- Cổ nhân có câu: "Đánh người chạy đi, ai đánh người chạy lại".
Câu chuyện xoay chuyển thuận lợi. Hôm sau mẹ và vợ viên trung uý trở lại chùa gặp Chín Tâm. Rồi chính viên trung uý cũng đến. Lúc đến thì tái xanh hốc hác, lúc về phấn khởi chào tôi cung kính: ơn chỉ dạy của thầy chúng con nguyện khắc cốt ghi tâm, thật đã thấy cái chết rành rành mà còn được sống.
Chiều đó, trung uý giữa bữa nhậu bỗng đứng lên tuyên bố:
- Tin tình báo cho hay đồn này sắp sửa bị tấn công. Lực lượng dự chiến: Đại đội đặc công kết hợp với một tiểu đoàn chính quy thuộc sư Tám.
Lính tráng chết lặng, trưởng đồn nói tiếp:
- Ăn cơm quốc gia phải chết cho quốc gia. Tôi thề sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, quyết tâm tử thủ. Ai chần chừ tôi bắn nát óc.
Y rút khẩu súng lục dằn cộp lên bàn:
- Ly rượu đây là ly rượu thề, chiến hữu nhấp môi vào đây, chúng ta cương quyết hy sinh. Không còn bao nhiêu ngày nữa, chúng ta thế nào cũng thua. Nhưng làm quân nhân phải có danh dự của quân nhân. Xin mời các chiến hữu.
Đám lính dớn dác nhìn nhau. Viên trung uý tức giận:
- Chúng mày hèn lắm. Tao không muốn sống với những thằng hèn. Thằng nào sợ chết cứ trốn đi, bỏ súng quần áo lại mà đi. Ráng về nhà cho vợ con bảo vệ, không quân cảnh bắt được bắn nát đầu. Việt cộng gặp cũng cắt cổ. Tao sẽ gọi nhân dân tự vệ vào đây, chúng còn ngon hơn loại thỏ đế chúng mày.
Viên trung úy ngửa cổ uống hết ly rượu. Bắt đầu từ hôm sau, quân số của đại đội nhót dần. Đồn trưởng tỏ ra quân tử giữ lời, không thèm chận bắt. Lính càng trốn nhiều hơn. Đồn trưởng gọi nhân dân tự vệ vào bổ sung. Quần áo, súng ống phát đủ. Họ canh giữ vòng ngoài, một số ít bảo an còn lại giữ lô cốt giữa.
Nhưng báo cáo về chi khu quân số vẫn đủ. Cờ ba sọc vẫn tung bay. Ban ngày trên đường xe cộ vẫn yên tâm qua lại. Ban đêm cũng thế, từng đoàn người di chuyển qua lại, đi sát đồn, đó là những ngày vui nhất của chúng tôi.
Những ngày cuối cùng Chín Tâm cho viên trung uý đem vợ con vào trong để được an toàn. Lộ Bốn đổi chủ.
Tôi cũng trở lại đời từ đó.
VIII
Nhiều năm qua.
Chiều thứ bảy tôi đạp xe về nhà, trên đường gặp trẻ em nô đùa. Cũng như tôi ngày xưa chúng ôm rơm quăng lên lộ. Tôi dừng lại khuyên chúng đừng giỡn chơi như thế, sẽ gây trở ngại lưu thông, bảo chúng quăng rơm xuống ruộng.
Sáng hôm sau tôi ra đường. Hôm qua đám nhỏ chơi đùa chán chê ra về chẳng đứa nào dọn dẹp, rơm vương vãi trên đường. Nhưng xe cộ vẫn cứ qua, không ai thèm chú ý. Cái đống rơm của tôi ngày xưa chắc cũng thế thôi. Có ai sợ gì cái đống rơm. Người ta sợ cái sức mạnh nằm bên trong nó.