1.
Ta đã từng có một ngôi nhà, nơi ta sinh ra và lớn lên. Tuổi thơ êm đềm, ấm áp trong ngôi nhà mà ta được nuôi dưỡng thành người.
Và ta hay nói: "Nhà mình!"
Ta trưởng thành, ra đi. Có lang bạt giang hồ, loanh quanh, mỏi mệt đâu rồi cũng quay về ngôi nhà của Mẹ. Đó cũng là nhà của ta.
Một ngày, ta có tổ ấm riêng, thực sự là ngôi nhà riêng của mình. Mỗi khi về với Mẹ Cha, ta không có khái niệm "Về nhà mình" như trước nữa. "Về nhà Mẹ". Đó là trong suy nghĩ và lời nói của ta.
"Về nhà Mẹ!".
Ông không thích nói như vậy. Ông thích "Về với Mẹ" hơn. Có cho dù Mẹ còn hay đã mất.
Nhưng mà.. ông chùng chình. Ơ! Còn Mẹ đâu nữa để về, nơi đã từng là ngôi nhà của mình.
Về với Mẹ! Ông tiếc nuối những năm tháng đã qua. Khi được gần gũi Mẹ.
Ông biết, ai trong chúng ta cũng có thể ra đi bất cứ lúc nào. Có thể già hay trẻ. Người già yếu, dễ ra đi hơn.
Ông nghĩ, chúng ta cứ tưởng thời gian còn dài lắm. Chúng ta có thể dành nhiều giờ, nhiều ngày cho gia đình, công việc, cho bạn bè, cho những chuyến đi. Nhưng để “về nhà” thì lại hay chùng chình, hẹn lần.
“Mai cũng được. Tuần sau cũng được. Còn nhiều thời gian mà”. Vậy là bao nhiêu cái mai, cái tuần sau trôi qua, cứ nghĩ mới đây thôi. Cha Mẹ già yếu, ngong ngóng, trông con về, dài từng giây phút. Và nếu để tâm, mỗi khi về “nhà mình”, ta sẽ thấy những giọt nước mắt lăn trên má Mẹ Cha.
Trên đường đời bôn ba, nhiều buồn vui, nhưng không phải lúc nào ta cũng có thể chia sẻ với ai đó. Sau những giờ làm việc vất vả hay sa đà trong những cuộc vui, ta quên đi rằng mình đã từng có một ngôi nhà. Nơi đó có Mẹ Cha, anh chị em của mình đang đợi. Chỉ đến khi lòng buồn phiền, đau đớn vì lý do nào đó, chợt nhận ra rằng, mình còn có một nơi để về. Nơi có Mẹ Cha luôn dang rộng vòng tay, nhận hết những lỗi lầm, đau khổ của mình.
“Nhà mình”, đó là nơi ta hay nghĩ đến sau cùng. Là nơi duy nhất cho ta trú ngụ, trốn chạy những lo âu, phiền muộn, khổ đau.
“Nhà mình”, nơi ta có thể hét thật to, khóc thật lớn mà không ngại ngùng. Trút bỏ hết rác rưởi bên ngoài cánh cổng, để khi bước vào, ta nhận được yêu thương.
Hãy cố gắng dành thời gian để trở về “nhà mình’. Vì biết đâu, ngày nào đó, ngôi nhà sẽ “biến mất”. Chẳng còn ai đợi mình về.
Những ai còn nơi để về, hãy nhớ lấy. Vội vã lên đi. Một ngày nào đó, "NHÀ MÌNH" sẽ vĩnh viễn không còn nữa.
Ngôi “Nhà mình” của ông cũng đã “tan biến”. Chỉ còn lại trong kí ức và những câu chuyện.
**
2.
Nó như người lãng trí, loay hoay thế nào lại làm rơi bể đủ thứ. Hôm qua nó rửa bình sữa cho con, rơi xuống nền nhà bể tan. Sáng nay lại làm bể cái ly uống nước. Giặt bộ áo quần cho con, xả một nước rồi mang phơi. Nó quên bẳng nhà có máy giặt. Chiều, mang đồ đi sấy, ngửi mùi xà phòng trên áo con, nó mang bỏ vào máy giặt lại.
Loay hoay như gà nút dây thun. Nhưng lòng nó rộn ràng vô hạn. Đi cười, đứng cười, miệng lẩm bẩm ca khúc nào đó, không ai nghe được.
Trưa, chuẩn bị dọn cơm, nó làm bể thêm cái đĩa. Hoảng hốt, cúi xuống dọn dẹp mảnh vỡ cho nhanh, sợ Cha Mẹ chồng biết. Lúng túng, làm chảy máu ngón tay.
Cha chồng bước vào bếp, nhìn con dâu mặt nhăn nhó với vết máu trên tay, vội đi lấy bông băng. Ông nhẹ nhàng nói:
-Con băng chặt lại. Để đó Ba dọn cho.
Nó lấm lét nhìn Cha chồng:
-Con hư quá!
-Không sao đâu! Ba đã từng làm bể nhiều thứ. Hôm qua tới chừ, con mới “đập” có mấy cái, ăn thua chi.
-Ơ! Sao Ba biết?
Ông cười:
-Cái gì Ba cũng biết.
-Sao Ba không la con?
-Không phải lúc nào, cái gì cũng la. Với lại, tụi con lớn rồi. Có hai đứa con rồi. La mấy đứa bây, Ba thêm mệt.
-Ba tốt quá! Cám ơn Ba.
-Ba lúc nào cũng tốt với các con. Ba biết trong đầu con đang nghĩ gì trong lúc này? Mai được về nhà Mẹ, phải không? Đợt nghỉ lễ bốn, năm ngày, về nhà Mẹ chắc phải vui rồi.
-Dạ! Con vui quá. Nao nao, nên con làm bể đủ thứ.
-Ba biết con đang nghĩ về cái giếng nước, cổng mới xây năm ngoái, ruộng lúa xanh bên kia đường. Ba biết con nghĩ về Mẹ mình đang lom khom bên bếp lửa, nghĩ về chị em mình ngày mai sẽ có mặt đông đủ trước hiên nhà. Nghĩ đến con mình sẽ được Ông Bà ôm vào lòng. Và con đang nôn nóng đợi lúc về “Nhà mình”. Đúng không?
-Ba! Sao Ba biết?
-Ờ! Thì cái gì Ba cũng biết.
-Dạ! Nửa năm rồi con chưa về nhà Mẹ. Con nhớ lắm.
-Bằng tuổi con, Ba cũng nhớ nhà lắm.
-Dạ! Ngày mai con sẽ được “về nhà mình”. Con cám ơn Ba.
**
3.
Bạn già đột ngột gọi cho ông. Đột ngột bởi vì có mấy khi lão bạn đó nhớ đến mà gọi. Hắn giàu có, nhà cao, cửa rộng. Hắn chơi với bạn cũ chỉ cho đủ đội hình. Ông biết chắc hắn chẳng quý mến ai. Hắn nói : “Mi rảnh không? Đi uống cà phê với tau”. Ông trả lời: “Được!”.
Bạn bè biết ông từ bỏ bia rượu lâu rồi. Từ cái dạo xuất huyết dạ dày lần thứ 2, ông không nạp bia rượu vào người nữa. Thực ra, ông muốn dành nhiêu thời gian chăm sóc, chơi đùa, dạy dỗ hai đứa cháu nội. Ngồi cùng bạn bè chỉ nói ba cái chuyện tầm phào, chán lắm.
Ông đến chỗ hẹn. Bạn đã ngồi từ trước, mặt mày ủ rũ. Ông ngạc nhiên:
-Ủa! Có mình mày thôi à?
-Ờ, tau muốn chuyện trò với mi thôi.
-Có chuyện gì mà chỉ mình tau?
-Có gì đâu. Chẳng là tau nhớ Mẹ quá.
Ông cười ha ha:
-Tưởng gì! Nhớ Mẹ thì về.
-Mấy tháng rồi tau chưa về. Mà mỗi lần về, bị anh em chửi quá. Họ nói tau bất hiếu.
Ông bạn thở dài:
-Mi biết đó. Tiền tau không thiếu. Mỗi tháng vẫn chu cấp cho hai ông bà hai triệu. Thằng em tau cũng nghèo, không nuôi nỗi cha mẹ. Nhưng vợ chồng nó có công chăm sóc. Thì đưa có công, thằng có có của. Nhưng lần nào về tau cũng bị hàng xóm, láng giềng xa lánh. Vợ chồng thằng em cũng không muốn trò chuyện. Hai ông bà thì chỉ chép miệng thở dài. Tau giống như người xa lạ trong nhà cha mẹ mình.
Ông ngắt lời bạn:
-Nhà mình đó. Sao chỉ là nhà cha mẹ? Mi có hay về không?
-Thỉnh thoảng có về chớ.
-Ngoài hai triệu mỗi tháng, mi có làm được gì cho Cha Mẹ nhiều hơn nữa không?
-Làm bằng cách nào nữa? Tiền tau gởi về hàng tháng. Công việc thì bận rộn, có thời gian đâu mà về thăm thường xuyên được. Lái xe cũng mất tiếng rưỡi mới tới nơi.
Ông nhìn bạn:
-Bao lâu mày mới về thăm Ba Mẹ một lần?
-Khoảng vài ba tháng.
-Trời đất! Mày tệ quá.
Ông bạn ôm mặt:
-Đúng! Tau tệ thật. Hối hận thì muộn rồi mi à.
-Sao lại muộn?
-Ba tau mất ba tháng rồi.
-Hả? Sao mày không báo cho bạn bè biết để đi viếng?
-Tau xấu hổ. Ứng xử với Cha Mẹ già khó quá?
Tự nhiên, ông bỗng nỗi khùng:
-Khó cái gì? Mày đâu phải trẻ con để người lớn nhắc nhở, khuyên nhủ. Suy nghĩ lại xem? Mày có nhà to, xe đẹp. Con mày du học Mỹ, lấy chồng Mỹ. Tiền mày không thiếu. Mày chỉ thiếu thời gian dành cho Cha Mẹ già yếu thôi. Tại mày quá bận rộn. Không phải chỉ có công việc. Hàng ngày mày ngồi đàn đúm bạn bè, khoe khoang, khoác lác. Ngày nghỉ, mày cũng bạn bè đàn đúm, nói chuyện, chỉ để nghe chúng nó tâng bốc mình. Mày khoe đi du lịch qua Châu Âu, qua Mỹ thăm, ở với cháu ngoại cả tháng. Ai sinh mày ra? Ai nuôi dưỡng cho mày lớn lên? Mày tưởng cái chức là của mày? Tiền bạc mày có là cuả mày à? Của Cha Mẹ mày đó. Mày quên hết. Hai triệu mỗi tháng cho ông bà già, mày tưởng to à?
-Tau hiểu rồi. Cho nên tau hối hận.
-Cha mẹ già, ăn không bao nhiêu, chẳng cần phải mặc đẹp, sang trọng. Họ chỉ cần con cái gần gũi mình. Mỗi tuần mày có thể về thăm họ một lần. Nghĩ xem, mày còn bao nhiêu tiếng đồng hồ để gần gũi họ? Mày biết họ thèm cái gì không? Thèm cái hơi của mày. Họ muốn vuốt tóc, sờ nắn da thịt mày. Họ không cần tiền của mày đâu. Ăn uống đam bạc, thằng em mày lo được. Họ cần mày. Biết không? Tau xin lỗi đã nặng lời với mày. Chuyện không phải của tau, nhưng nghe mày kể, giận quá.
Ông dịu giọng:
-Ờ, mà tau cũng đã từng bất hiếu với Cha mình. Cha mất rồi, đau đớn lắm. Không biết Cha với tau, ai đau đớn hơn. Trong suốt hơn bốn mươi năm sau đó, tau dành tình yêu thương cho Mẹ nhiều hơn. Nhưng Mẹ tau cũng mất rồi. Nhớ Mẹ, nhưng lòng tau thanh thản.
Ông bạn nhìn gã:
-Vậy nên tau cần mi để chia sẻ. Mi hay viết về Mẹ. Chỉ có mi mới hiểu được tau bây giờ đang suy nghĩ gì.
-Mày về với mẹ đi! Ngồi với mẹ, chuyện trò, hít thở cùng mẹ. Không cần nói rằng “Con yêu Mẹ”. Sến sua, dối trá lắm. Bà hiểu hết. Hãy thật lòng với Mẹ. Mày đã có lần nào giặt cái áo, cái quần cho mẹ chưa? Có cầm bàn tay mẹ không?
-Chưa!
-Đó! Mày thấy chưa? Hai triệu của mày không to lắm đâu. Già gần tới lổ rồi mà vô tâm như trẻ con.
-Ờ, mai tau sẽ về với Mẹ. Hay là mày cùng về với tau. Có gì, mày nói đỡ giúp tau.
-Được! Giúp thằng già chưa kịp lớn như mày, dễ thôi.
**
4.
Bà Mẹ già có bảy người con gái. Người nào tóc cũng có sợi bạc. Họ thay phiên túc trực bên Mẹ. Người mua thức ăn, người ngủ lại đêm bên cạnh bà, người tắm rửa cho bà. Họ cũng thay phiên nhau để đi chơi đâu đó.
Người Mẹ khó tính. Đến tuổi già lú lẫn thì ai cũng khó tính. Nhưng bà chưa lú lẫn lắm. Chuyện cũ, mới, bà lúc nhớ, lúc quên. Tiền bạc, bà không bao giờ quên, nhưng cất ở đâu, lại không nhớ. Lại sai mấy người con lục tung nhà, tìm cho ra. Chẳng là bà sợ con cháu lấy tiền của mình, nên giấu kỉ. Kỉ đến mức không ai có thể tìm ra được.
Một hôm, bà con gái lớn đến tắm rửa cho mẹ. Vừa bước chân vào nhà, bà mẹ đợi ngay trước cửa, chỉ mặt con gái:
-Mi làm cái chi mà chừ mới tới. Ăn cắp tiền của tau, rồi trốn miết rứa hả?
Bà con gái bỏ việc ở nhà, lo qua tắm rửa mẹ, tủi thân, cãi lại:
-Làm chi mà Mẹ chỉ vô mặt người ta, sỉ vả dữ rứa? Phải biết thương con cái chớ.
-Tau không thương cái đồ ăn cắp. Trả lại tiền cho tau.
-Không thương thì con về.
-Mi về, ai tắm cho tau?
-Tắm xong, con về.
Người con gái đầu dìu bà mẹ vào phòng tắm. Khi cởi áo quần của bà, cục tiền trong người rơi ra. Bà mẹ mắng:
-Thấy chưa? Mi ăn cắp tiền của tau, chừ mới rớt ra.
Bà con gái nhìn mẹ:
-Ai thèm ăn cắp tiền Mẹ. Đếm lại thử coi có đủ không kìa?
-Bốn triệu! Mi đếm lại cho tau. Thiếu là mi lấy.
-Đếm rồi, tất cả có sáu triệu. Dư hai triệu. Hà hà..Tiền con bỏ thêm vô đó nghe.
-Đừng có giỡn! Mất đâu hai triệu rồi. Hồi sáng tau đếm tám triệu.
-Người chi mà nhớ khôn. Mới bốn triệu cái nhảy lên tám triệu.
-Khôn chi? Mi trả lại hai triệu cho tau.
-Tí về nhà con lấy tiền qua trả cho Mẹ.
-Hừ! Rút của tau hai triệu nhanh thiệt.
- Nhanh rứa mới có tiền sắm áo quần cho Mẹ chớ. Chừ tắm được chưa?
-Mới tắm xong. Tắm chi nữa?
-Tắm hồi nào? Lo ôm cục tiền thì có.
Bảy người con gái tội nghiệp, ngày nào cũng bị mẹ mắng. Không chuyện này, thì chuyện khác. Bà mẹ tìm cho ra lý do nào đó để mà mắng. Hai, ba người con ngồi lại nói chuyện cũng bị bà mắng.
-Tụi bây đừng có ngồi túm tụm sau lưng mà nói xấu tau đó nghe.
Bà con út cười:
-Ngồi trước mặt Mẹ, chớ sau lưng hồi mô?
-Rứa đứa mô mới nói ở sau lưng tau đó?
-Chắc ma đó Mẹ.
-Mi nói cái chi? Ai là ma? Câm miệng hết đi.
Mấy bà con gái im re.
Bà con gái đầu sáu mươi tư. Con gái út đã bốn mươi lăm. Bảy bà con gái âm mưu chống lại bà mẹ già gần chín mươi. Họ nhứt định từ hôm nay tập trung ở lại, không về nhà mình. Họ nhứt định không cãi lại khi bị mẹ mắng. Họ nhứt định không thì thầm, nói chuyện riêng. Họ nhứt định “trả thù” mẹ bằng cách không cho bà có cơ hội để la mắng. Mỗi người một cái điện thoại, dán mũi vô màn hình.
Đến trưa, bà con gái thứ nhì mang cơm đến cho mẹ, nhẹ nhàng đặt xuống bàn, không nói gì. Bà mẹ tức lắm, không thèm ăn.
Hai giờ chiều, bà mẹ hét lên:
-Bây câm hết rồi hả? Không đem cơm cho tau ăn hả?
Bảy bà con, tóc bạc nửa đầu, cười ha ha ha. Bà con gái thứ năm, nói:
-Biểu họ câm thì họ câm.
-Tau biểu hồi mô?
-Hồi sáng chớ hồi mô. Người chi mà hung kinh.
-Không chịu về, ngồi tập trung chi ở đây cho đông? Nhà cửa bỏ cho ai?
-Về rồi bị la sao chớ?
-La hồi nào?
-Vậy chừ mẹ còn mắng mấy đứa con gái của mẹ nữa không?
-Thương mới mắng chớ?
-Bọn con già hết rồi. Có cháu nội ngoại hết rồi. Tưởng họ còn con nít, mắng miết.
-Con cái dại dột, cha mẹ phải la mắng chớ. Có thương mới mắng chửi chớ.
-Thương thiệt không đó?
-Thiệt!
Bảy bà con gái chạy ào tới ôm mẹ. Bà con gái thứ sáu, thủ thỉ:
-Còn Mẹ là tụi con còn có “nhà mình” để về. Mai mốt, biết về với ai?
Bà con gái thứ ba thề thốt:
-Con xin thề! Cho Mẹ “chửi” thoải mái, không cãi lại.
Họ, bảy bà con gái đang rất hạnh phúc vì còn Mẹ, để được ngồi trong “nhà mình”. Họ biết, thời gian không còn nhiều để họ được về nơi họ sinh ra, lớn lên, trưởng thành rồi có gia đình riêng. Họ biết, khi Mẹ Cha qua đời, “ngôi nhà của mình” không còn thuộc về họ nữa.
Họ quý từng phút giây được ngồi bên Mẹ, cho dù bị mẹ la mắng mỗi ngày. Có điều, không phải đứa con nào cũng biết. Rằng: “Con có già bao nhiêu tuổi, vẫn là con nhỏ bé của Mẹ”
5.
Cô gái lấy chồng xa, mỗi năm mới được về thăm ba mẹ một lần vào dịp Tết. Nhưng không phải Tết nào cũng được ngồi bên bếp lửa đỏ cùng với Mẹ, đón giao thừa.
Lần này về, cô gái nói với chồng hãy dừng xe ở bến sông, để mẹ con cô đi bộ vào nhà. Chùng chình trên đường làng, gần ngôi nhà cũ của mình, cô đợi khoảnh khắc Ba mẹ chạy ào ra ôm hai đứa cháu, rồi ôm mình.
Cô gái òa khóc. Ba Mẹ cô quệt những giọt nước mắt trên má nhăn nheo. Người Cha quỳ gối xuống nền cỏ xanh, ôm chặt hai đứa bé cháu ngoại vào lòng, vuốt ve thân thể chúng nó. Ông gọi con gái:
-Đến đây! Ba ôm cái nào.
Cô gái sà vào lòng Cha như hồi còn bé. Người mẹ bước đến, giật con gái ra khỏi tay ông:
-Cho Mẹ ôm con một cái.
Hai mẹ con ôm chặt lấy nhau. Nước mắt bà mẹ ướt tóc cô gái.
Cô gái ngập ngừng bước vào nhà. “Ngôi nhà của mình” bây giờ xa lạ quá. Cũng chái bếp, mái hiên, vườn cây, ao cá. Nhưng tất cả không còn thuộc về mình nữa. Những đứa cháu, con anh trai, nhìn cô như người khách đến thăm. Cô em dâu, người bạn cũ, rụt rè, giữ kẽ. Chỉ còn Ba Mẹ mới thuộc về mình.
Nhưng cô gái không còn thuộc về Ba Mẹ nữa.
Chiều, cô ra ngoài nhìn ngắm sân vườn. Mấy cây vạn thọ trước nhà nở hoa vàng rực. Gốc mai già đang bung nụ, he hé nở. Gà mẹ dẫn bầy con dạo quanh sân. Con chó đen vừa lớn nhìn cô nghi hoặc. Sau hè, dưới gốc cây sầu đông, lu nước vẫn vậy, nghiêng một tí. Hồi còn nhỏ, những đêm trăng, cô gái múc nước tắm gội bằng chiếc gáo dừa từ chiếc lu này. Chiếc gáo dừa có cán dài, không còn thấy móc trên thân cây sầu đông nữa. Thay vào đó là chiếc gàu nhựa màu đen, vô hồn, úp ngược trên miệng lu.
Khu vườn không rộng lớn bằng xã hội ngoài kia. Nơi có những thứ mà trong khu vườn này không có. Ngôi nhà cũng nhỏ bé. Nhưng cô gái thấy mình ấm áp, an toàn trong “thánh địa” hơn bất cứ nơi đâu.
Những món ăn mẹ nấu, không cao lương, mỹ vị. Chỉ là ngọn bí luộc, chấm mắm nêm, cà muối mặn, dĩa cá kho khô nghệ, bát canh mồng tơi. Nhưng mà sao ngọt ngào quá. Đó là những món ăn thời con gái chưa lấy chồng. Những ngày Tết như thế này, lại có thêm mùi bánh trái làng quê. Mùi vị thịt heo, gà cũng khác hơn, ngon hơn.
Qua Tết, cô gái chuẩn bị về lại chốn phồn hoa, đô thị ồn ào. Buổi sáng, nắm tay hai con đi trên đường làng, cô gái quay lại nhìn “ngôi nhà của mình”. Cha mẹ cô đứng đó, trước cổng nhà, nhìn theo.
Phải đi thôi, chồng cô đang đợi ngoài xe, nơi có bến sông, hồi nhỏ cô cùng bọn trẻ con hay ra tắm giặt.
“Ngôi nhà của mình” ngày ấy đâu rồi? Cô gái tủi thân, cố bước thật nhanh trên đường cỏ dại lẫn trong đám hoa mười giờ. Hôm bước chân về “nhà mình”, lòng rộn ràng, cô không để ý cha mình đã trồng hai bên đường loại hoa này vào dịp cuối năm, đợi cô về. Cô cúi xuông, ngắt một cánh hoa màu hồng, cầm mãi trong tay, cho đến kh xuống xe, bước vào tổ ấm của mình.
Cô nhủ lòng rằng, cuối năm, Tết đến, lại được “về nhà mình”.
**
6.
Chiều, ông đón con bé đi học về. Bé đòi đi bộ thay vì ngồi trong xe hơi, hay đứng trước xe máy. Nó thích đi loanh quanh, ngắm không gian sinh động trên phố. Ông mang chiếc cặp giùm bé, nặng trĩu vai. Lớp Một, nó dành cho việc học nhiều thời gian, nên không dễ có lúc được thư giãn dạo chơi.
Bé muốn đi nữa, ông đưa bé dạo bờ sông, chạy nhảy trên những phiến gạch màu trắng, đen. Chơi trò robot, đuổi bắt.
Ông nói với bé:
-Thôi! Về đi con. Ông Nội mệt rồi.
-Chơi thêm tí nữa, ông Nội.
-Thôi! Về đi con. Ông nội mệt mà.
-Về đâu? Ông nội.
-Về nhà mình.
-Cái ông nội chơi mèo mẹ, mèo con với con nghe.
-Ừ.
“Về nhà mình!”.
Nhìn con bé, ông chạnh lòng. Hai mươi, hai mươi lăm năm nữa, con bé sẽ nói với con nó: “Về nhà Ngoại không con?”. Ngôi nhà của con bé, sau này sẽ trở thành nhà Ngoại của con nó, chắc không có ông.
Con bé cười tươi. Còn ông buồn. Nó vô tư, không biết tuổi thơ của mình đã bị người lớn đánh cắp quá nhiều, không có tuổi thơ êm đềm như ông.
Trẻ con bây giờ có cuộc sống dữ dội quá.
Ông nghe tiếng con bé cười. Tiếng cười trong veo, vút lên cao, tan vào gió.