Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
29.003 tác phẩm
2.765 tác giả
217
124.704.446
 
Tình hình Quảng Nam, Đà Nẵng gần 200 năm trước, qua hồi ký của một văn nhân Trung Quốc.
Hồ Bạch Thảo

 

Tác giả Hải Nam tạp trước [海南雜著] Thái Đình Lan, rời Quảng Ngãi tới Quảng Nam; tại đây tình cờ có cuộc hội ngộ thú vị. Thái Đình Lan sau này là vị Tiến sĩ duy nhất của đảo Bành Hồ, Đài Loan; lúc đến tỉnh thành Quảng Nam được diện kiến vị Tiến sĩ khai khoa Nam Kỳ Lục tỉnh, Phan Thanh Giản. Cụ Phan bấy giờ giữ chức Tuần vũ Nam Ngãi, hai danh sĩ có dịp xướng họa thơ văn; xin theo dõi cuộc gặp mặt qua phần dịch dưới đây:

Từ thành Quảng Ngãi đi 40 dặm [1 dặm=0.576 mét] (1)  đến Lộ Mẫn [thị xã Châu Ổ, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi] là 1 cung đường (1 cung bằng 40 lý, đặt một đồn lính), mưa gió suốt đêm đông; trú tại nhà viên Thông dịch Thẩm Lượng. Ngày hôm sau, đi 40 dặm đến Khẩn Bản (từ Khẩn Bản đi thuyền trên sông suốt ngày đêm đến Quảng Nam); qua sông 20 dặm đến Chợ Mẫn ( âm Đường gọi là Tọa Vạn). Lại đi 160 dặm đến tỉnh thành Quảng Nam (thường gọi là Hội An, thành gọi là Tọa Quì); chúng tôi trú tại nhà phố trưởng Hồng Đỉnh (người Đồng An, Phúc Kiến). Cách thành 20 dặm là phố Hội An (người Trung Quốc rất nhiều), có dinh thự cũ của Chuyển vận sứ (thờ những viên Chuyển vận sứ triều trước, người Trung Quốc thờ cúng không lợi, nay giao cho người địa phương trông coi, thường đóng cửa không vào được).

 

Ngày 25 tháng chạp [11/2/1836] gặp quan Tuần vũ (quan kiêm quản Quảng Ngãi, gọi là Nam Ngãi Tuần vũ) (1) họ Phan (tên là Thanh Giản, hiệu Mai Xuyên, xuất thân Tiến sĩ, từng đi sứ Thiên triều, giữ chức Đông các đại học sĩ; gặp việc nên bị giáng ra cõi ngoài, điều giữ chức hiện tại). Ông tài cán cao, tính khiêm cẩn, lễ tiết theo văn học, dáng nhàn nhã. Trong một ngày mời đến gặp 2 lần, tặng 5 quan tiền, các đồ vật như trà, cùng xướng họa thơ. Sáng sớm hôm sau, sai thuộc hạ cầm danh thiếp tiễn đưa.

Ngày 26 [12/2/1836] đi trên đường Quảng Nam, thấy ruộng lúa tươi tốt, lúa non xanh một màu như tấm thảm; cò trắng đứng lêu nghêu trong ruộng, xa nhìn cây cối đê mê. Phía biển có 3 quả núi, ,chia rõ ra 3 chòm, động trống mở ra như 3 tòa nhà thiên nhiên [chỉ Ngũ Hành Sơn]; tục truyền xưa là hang 7 con nhện, biến thành gái đẹp ma quái, sau được Phật trừ diệt, nay gọi là động Thất Muội Muội [động 7 Em Gái], dáng cao ngật hơn 2 trượng [1 trượng =3.2 mét]. Buổi tối trú tại đồn dưới đồi, người phu võng (tức người khiêng cáng) dặn ngày mai dậy sớm, ăn no; để đi lên ải hẹp ( có một con đường qua núi cao dốc, là đèo hiểm trở nhất tại Việt Nam [đèo Hải Vân].

 

Sáng khi thấy mặt người, ra khỏi đồn đi khoảng 2 dặm trong sương mù. Ngưỡng nhìn trên đỉnh, mây che như tuyết phủ cuồn cuộn tiếp trời cao, nhìn không thấy núi. Bấy giờ mặt trời lên, đã qua được một đỉnh nhỏ. Một con đường nhỏ uốn khúc qua triền núi giáp biển, nước biển hung hãn, sóng xô ầm ầm, chấn động cả ghềnh đá. Rồi đến một thôn nhỏ, gặp một đồn lính có quan trấn thủ, hạch hỏi rất nghiêm. Theo sườn núi đi lên, đường quanh co hơn 10 dặm, hai bên gai góc mọc đầy, rừng tre giăng mắc, trong lùm cây chim chóc líu lo, hàng trăm tiếng hót khác nhau; trên đường hoa dại rộ nở, cánh hoa rơi rụng đó đây, cảnh vật không thể tả xiết! Khi lên được nữa núi, thế núi dốc, đường đi từng bậc, như leo lên chiếc thang ngàn trượng lên mây; phu võng phải để võng trên vai mà đi, các lính hộ vệ ra tay giúp đỡ; thẳng gối, thót bụng, mồ hôi nhỏ trên lưng như mưa; qua 7,8 dặm mới lên đến đỉnh núi.

 

Ngồi nghỉ dưới gốc cổ thụ, nhìn lên vách tường đá, thấy tấm bảng dày 1 thước [0.32 mét] giăng ngang làm cổng, trên đề “Hải sơn Quan”; nơi đây đặt đồn, do viên Đồn thủ trông coi, lính tinh nhuệ vài chục tên, phòng thủ chu vi bằng đại bác, cẩn mật một con chim cũng không qua lọt. Lên quan ải nhìn xuống, phía bắc là biển lớn ngút ngàn, thuyền buồm nhấp nhô, như những chim hải âu bơi lặn nơi biển xanh. Trước lãnh 2 phía đông tây có cảng, phía trong khe sâu, có thể chứa hàng ngàn thuyền. Nước trong sóng gợn, phô vẻ bình an, trời quang, mây lơ lững trên mặt nước, đủ gây thư thái trong lòng.

Về phía tây nam, nơi núi rừng rậm rạp, voi bầy, hươu nai, khỉ vượn sinh sống, hoang vu không bóng người. Rừng cây lâu năm, cây lớn hàng trăm vòng tay, cành lá xum xuê, che khuất trời cao, dây leo quấn quít, khỉ vượn leo vin hàng bầy, thấy người nhảy đi (vùng này có loại khỉ 2 tay trước giao nhau, dân tại đây gọi là Viên tướng quân [khỉ chúa]). Chẳng mấy chốc, gió thổi mạnh vào rừng cây, vạn vật xao xác, cảnh vật tiêu tao, lòng tôi nhuốm buồn bèn đi xuống. Từ giả viên quan coi đồn, rời quan ải đi khoảng 6,7 dặm; trời đã về chiều, trú tại nhà thôn dân trên lãnh. Đêm trời rất lạnh, phải đốt củi bên giường, cùng em sưởi ấm.

 

Ngày hôm sau khởi hành trễ, qua rừng rậm khoảng 2, 3 dặm, đi về phía bên phải lãnh, từ trên cao nhìn xuống, vách núi thăm thẳm, nhìn không thấy đáy. Tôi bước xuống võng, bảo 2 người phu giúp bước đi; đằng sau lưng là vách đá, chân bước xuống theo bậc đá trủng, vượt qua khoảng 300 bậc; rồi ngồi nghỉ trên phiến đá. Lại tiếp tục đi, qua 3 lãnh nhỏ đều dốc đá gồ ghề. Đi khoảng 10 dặm, đến bờ biển đất bằng, theo bờ vài dặm đến một sông lớn [Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên], phía bắc có chợ, đặt đồn binh tra xét. Người khiêng võng bảo tôi rằng:

“Từ khi lên quan ải đến chỗ này, đã qua hơn 20 miếu thần (dân gọi là Bản Đầu công [Ông Bổn] rất linh); người đi qua đốt hương không ngừng, tuy hàng ngày qua lại nhưng không có mối lo về cọp, rắn; là do thần phù hộ.”

Quan ải mở ra từ thời Gia Long ( Gia Long là niên hiệu của thân phụ Vương hiện nay) là nơi chính giữa Việt Nam; một người giữ ải, vạn người cũng không xông vào được, nên gọi là Ải Lãnh, cách Phú Xuân [Huế] 140 dặm (cách Quảng Nam 100 dặm).”

 

Chú thích:

 

1.Chữ trong ngoặc [] là của người dịch; chữ trong ngoặc () của tác giả.

2.Đại Nam Thực Lục [ĐNTL], Hà Nội: NXB Giáo Dục, tập 4, trang 892, xác nhận bấy giờ Phan Thanh Giản làm Tuần phủ Nam Ngãi.

 

 

 

Hồ Bạch Thảo
Số lần đọc: 409
Ngày đăng: 16.08.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tình hình tỉnh Quảng Ngãi gần 200 năm trước, qua hồi ký của một văn nhân Trung Quốc. - Hồ Bạch Thảo
Cái nắng cái mưa và những cuộc rong chơi của bé - Hoàng Xuân
Đọc Kiều: Thương “khách viễn phương” - Ninh Giang Thu Cúc
“Hoài thu”, ban nhạc được cảm tác từ tùy bút “Cảm thu” - La Thụy
100. Vua Lê Thánh Tông. 6 - Hồ Bạch Thảo
Phật tính trong cây dâu tằm - Nguyễn Anh Tuấn
Theo Đoàn Quân – Cố quận ta về - Hoàng Dục
Bang giao giữa chính quyền Đàng Trong với Nhật Bản thế kỷ XVI-XVII qua các bức quốc thư - Nguyễn Hoàn
Tui-đàn-bà đọc thơ Đoàn Quân “ Nghe em hát về Hà Nội” - Nguyễn Ngọc Hạnh
99. Vua Lê Thánh Tông. 5 - Hồ Bạch Thảo
Cùng một tác giả
Biển Giao Chỉ (lịch sử)
109. Vua Lê Uy Mục. (tiểu luận)