Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.163.465
 
Miền khói
Nguyễn Thị Kỳ

Anh tiễn cô ra xe

và quyết không quay đầu

nhìn lại lần cuối

Anh đang ở lại

Với miền khói của mình…

 

Chẳng hiểu sao mỗi năm cô lại kiếm cơ đi vế nơi ấy. Vùng quê nghèo mênh mang sông nước nhưng có mùa  phải nuốt nước bọt nhìn trời thèm mưa, có ngày giáp hạt vùi củ khoai mì trong bếp rơm mà mũi lại phập phòng hít hà mùi hương cơm mới…Và hoa phù dung! Sao cả vùng châu thổ rộng lớn được tắm táp chung một dòng sông này lại chỉ riêng nơi đây có hoa phù dung bốn mùa khoe nhan sắc? Cô hỏi anh, anh nhướng mày tỏ vẻ ngạc nhiên: “ Phải hông đó? Anh tưởng cứ này cái gì cũng giống nhau như anh em sanh … mười hai. Như mùi khói đốt đồng đó! Có vị miền Bắc gặp anh cứ nói hoài: “ Bắt cóc tôi bịt mắt tha s9i cả nước. Tha đến xứ ông là  tôi biết ngay. Mùi khói đốt đồng ở đồng bằng sông Cửu Long lạ lắm, vừa cay, vừa ngọt, vừa nồng nàn. Nó khiến cánh đàn ông thèm được vùi mặt mình vào mái tóc thiếu nữ…”. Anh từng là một nghệ sĩ nên có lẽ chính anh đã đem chất “ văn” vào câu nói của “ vị miền Bắc “kia. NHưng khi cô cười thú vị & hồn nhiên lắc lắc mái tóc thì chính anh lại đỏ mặt bối rối ngó lơ. Trong đôi mắt thông minh sắc sảo cùa con người hơn phần ba cuộc đời vào dinh ta tử bỗng mơ màng như vướng phải những sợi khói đốt đồng…

-          Hồi chiến tranh anh ở đơn vị nào?

-          Đơn vị om sòm nhứt.

-          Úi! Pháo binh?

-           Văn công!

-          Vậy thì sướng bằng tiên rồi!

-          Phải hông đó?!

Anh nhớ cái giải đất nhỏ ven sôn gvào một buổi chiều thu. Mặt sông thong thả trôi em, tiễn đưa những  giọt nắng cuối cùng của ngày đi vào đêm tối. Cả đoàn văn công vừa ra khỏi trận bom ác liệt dữ dội & phải dốc hết sức lực mới dìu dắt nhau tới được dải đất ven sông này. Anh bị thương  nhưng rất mừng vì lực lượng vẫn bảo toàn. Cả đoàn chia nhau vài vắt cơm bé xíu cầm hơi chờ”tỉnh tuồng” đi tiếp. Bỗng cậu phó đoàn bò lại bên anh thì thào:

-          em phát hiện ở đây còn có một số thương binh nặng đang nằm chờ nước lớn để chuyển đi.  Anh em đau đớn lắm. Mình biểu diễn phục vụ thương binh nghe  anh .

Buổi biểu diễn không thể nào quên ấy lung linh trong ánh sáng hai ngọn đèn dầu. Lung linh trong ký ức anh đến ngày nhắm mắt. Đôi chân nào rớm máu vẫn dịu mếm điệu múa? Tiếng ai vừa khản đặc, thất thanh trong mưa bom giờ chợt lảnh lót lời ca? Cây đàn ghi ta phím lõm nghe mùi hơn phải chăng vì mới được  kéo lên từ bùn đất? Các thương binh nằm trên đệm bàng, lưng tựa vào gốc chuối; có bàn tay còn lại vỗ nhịp trên bàn chân còn lại; có đôi mắt sáng rực ló ra từ khuôn mặt quấn bông băng trả cái nhìn dịu êm… Nước lớn rồi! Con đò chở thương binh từ từ rẻ sóng. Những bàn tay vẫy chào nhau trong im lặng.” Các anh  bị thương nặng quá, em sợ…”. Tiếng cô diễn viên nhỏ nhất đòan khe khẽ, nấc nghẹn. Ừ mai sau biết có bao giờ…?

 

 Anh nhớ cái xóm rẫy bé nhỏ- có lẽ chỉ vừa bằng một chấm trên bàn đồ tác chiến của địch. Thế mà chúng dội bom ròng rã 7 ngày đêm. Anh chị em trong đoàn lớp bị thương, bị bệnh, lớp kiệt sức vì đói mệt mà một viên thuốc, một hạt gạo cũng chẳng còn. Bàn chân một nam diễn viên bị cướng mìn bắt đầu hoại thư, anh em kết bè chuối đẩy qua sông, giấu vào bụi cây, ruồi nhặng cứ xúm đen xúm đỏ. Nhấp chút nước dừa người trưởng đoàn nhỏ vào đôi môi bị sốt cao phồng rộp, người lính văn công trẻ năn nỉ:” đi đi bỏ em ở lại đây hông thôi hy sinh hết!”. Anh nhớ tiếng xoèn xọet của cây cưa sắt, gương mặt rắn rỏi không một tiếng rên củ đồng đội, tiếng cuốc sau vườn đào huyệt sẵn để lỡ mà…Ôi, cái đêm lạ lùng trên xóm rẫy tan hoang sau bảy ngày bom đạn ấy nó cứ nhói vào lòng anh ko nguôi. Mái tóc chị biên đạo múa xõa trên gương mặt “đồng chí em”, nước mắt rơi như nghe được làm anh tức thở. Và khói! Không phải là khói đốt đồng mà là khói bom xám xịt, đắng ngắt ụp xuống làng quê ven sông. Đó cũng là ngày lập đông khắc nghiệt nhất ở xóm rẫy này. Gió hun hút trên hàng dừa thương tích & nước sông lạnh buốt thịt xương. Anh em lại đóng bè đưa đồng đội bị thương đi gởi ở nhà dân rồi bơi vượt sông trong đêm rét mướt, những buổi diễn đang réo gọi phía trước, những tấm lòng chiến sĩ & đồng bào đang đợi họ về…

 

Trận đó nặng nề quá anh há. Chắc phải mất thiệt lâu mới hồi phục lại nổi. Có anh chị nào bỏ đoàn không  anh ?

-          Bỏ?!

-          Dạ… bỏ về nhà luôn! Chiến tran dữ dằn vậy còn ai hát… hát còn ai nghe?!

-          Phải hông đó!?

Anh nhìn cô bao dung, đến lượt cô bối rối ngó lơ…Rồi cô nói, tiếng nói nhỏ mà sao nghe lạc giọng: “   A! Quê anh vào mùa đốt đồng rồi nè. Mấy hôm rày đi công tác từ xã này sang xã nọ, em cứ phải rẽ khói tìm đường. Đúng là đi trong miền khói thấy lòng mình lạ lắm.

-          Lạ sao?

Cô im lặng. Anh cũng im lặng. Tách trà trước mặt anh đang phất phơ một làn khói mỏng manh rồi nhạt nhòa vào khoảng không. Chẳng còn bao lâu nữa là tết. Ngày ấy,,,

 

Đài phát thanh Sài gòn hớn hở loan tiền:” Đoàn văn công Việt cộng ở tỉnh…đã bị xóa sổ hoàn toàn!” Anh chị em nghe đài địch chỉ cười. Y trang, đạo cụ, đàn tân, đàn cổ… tiêu trong bom đạn khá nhiều nhưng lực lượng vẫn còn nguyên. Có anh em bị lạc đoàn mấy ngày liền khi tìm  đến nơi tập trung đơn vị mừng quá khóc mướt như con thơ tìm được mẹ. Bỏ đoàn sao được? Chị biên đạo múa nhớ mê không giấu được anh em đôi mắt đỏ hoe vì khóc thầm  nhưng ngưới bé nhỏ, gầy guộc như vậy mà lặn lội gian khổ bao nhiêu cũng chịu nổi, cũng tươi cười:” Đoàn bỏ tôi thì bỏ chứ tui sống chết theo đoàn hoài. Hòa bình tôi ở vậy phụng dưỡng má”. Có anh diễn viên” hát nhít” tiếng máy bay mới rì rà xa lắc đã co giò phóng xuống hầm, mặt cắt không còn hột máu; vậy mà giặc có càn quét, dội bom cỡ nào cũng không bứt anh rời khỏi đoàn.

 

Chớm xuân năm ấy cả đoàn phài cảm tử đi…đào củ mì về ăn. Mùi khoai nướng thoảng vào trong gió những ngày cận tết sao mà thơm lừng mùi cơm mới, mùi bánh phồng, mùi lá gói bánh tét bốc lên từ nồi nước sôi sùng sục, mùi xôi nếp bọc lá chuối xiêm nướng vàng trong bếp than vỏ dừa của mẹ… Đó là hương thơm- mùi vị của bình yên, của tết miệt đồng. Nó làm cho những con người như anh dẫu có sống trăm năm thì một góc tâm hồn vẫn mãi thuộc về tuổi thơ.

 

Bị thương thì nằm một chỗ viết tuồng, học vở. Những anh chị em khác vẫn hăng hái đi biểu diễn phục vụ đồng bào, mỗi chuyến đi diễn thường bắt đầu từ chạng vạng, diễn lúc gần nửa đêm, trở về khi trời rạng sáng. Có buổi diễn được tổ chức ngay sân phơi lúa nhà tên xã trưởng vủng tạm chiến hoặc cách đồn địch nửa tầm pháo. Anh nhớ những bá má nghèo dúi vào các đứa con văn công nải chuối, gói bán rồi lẩn vào bóng tối để khỏi bị địch nhận diện. Nhớ đôi mắt một  người con gái lung linh sau chiếc khăn rằn che mặt nhìn anh không chớp. Không duyên, không nợ, chẳng biết là ai… sao đôi khi đôi mắt kia đi vào trong giấc mơ của anh, lóng lánh thương yêu, xôn xao mong đợi!.

 

Hành quân đến điểm giáp diễn sát ranh thị xã là đêm 29 tết. Mùi khói bom khét lẹt của trận đánh lớn buổi sánh còn ôm quyện suốt con đường. Pháo hỏa châu thi nhau cắt vòm trời không trăng sao & tiếng súng cầm canh từ đồn lũy giặc vẫn phất vào gió xuân vạt áo nóng bỏng của tử thần. Một trong hai anh cán bộ tỉnh đội đi đón văn công bị vướng mìn, cả đoàn phải dạt vào ruộng lúa bên đường nằm ém lại chờ yên đi tiếp. Đói lả. Anh nằm ngửa trên đất ẩm, dang hai tay ôm lúa vào lòng. Mùi lúa thơm, mùi cỏ ướt sương đêm, mùi khói của vạt lúa cháy cách đó không xa nồng nàn quá, thân thuộc quá! Hỉnh như  lúc ấy anh không hề ước mình được vùi mặt vào mái tóc dài thơm hương bưởi hương dừa của ai đó mả chỉhớ tấm áo thơm mùi trầu cau của mẹ.

 

Đoàn đến được đêm diễn. Đã đến trọn một vở tuồng cải lương với phần nhạc đệm chính là cây đàn ghi ta tân! Cả ngàn đồng bào đến với đoàn văn công mà họ yêu mến. Đồng bào nói với nhau: “ Đài Sài gòn xạo nghe, văn công mình vẫn còn hát rân trời đó chớ bị xóa sổ hồi nào!

Anh có tìm được chị đó không?

-          Chị nào? – Anh ngẩn ngơ.

-          Chị quấn khăn rằn che mặt chỉ cừa lại đôi mắt nhìn anh không chớp đó.

 

Anh nhìn cô mỉm cười không nói. Cô cũng cưới & đùa:

-          Quê em tít tắp ngoài Trung, chớ không em cũng… đi nghe đoàn văn công của anh hát rồi. Em cũng quấn khăn rằn cũng chỉ để ló đôi mắt thôi.  Nhưng em chỉ nhìn phó … Phó đoàn của anh vì công nhậ là đến giờ anh vẫn còn đẹp trai lắm!

-          Hồi đó con nít đi coi văn công chẳng đứa nào quấn khăn rằn.

 anh phải, “hồi đó” cô chỉ là đứa trẻ, chiến tranh là tiếng”đại bác ru đêm vọng về thành phố” mà thôi. Quê cô không có mấy nông dân ưa đốt đồng trước khi gieo cấy. Niềm yêu thương vô cớ, thao thức bâng khuâng vô cớ vì bắt gặp trong không gian mùi khói đốt đồng chỉ có khi cô về cùng đất phương Nam.

-          Sáng sớm nay khi tập thể dục cạnh cây bưởi,  anh chợt nghĩ sao không nhớ mời em tới chơi nhà trước khi em về. Quên…

Trong đời mỗi người, “quên” là chuyện thường & quên –cùng –một-chuyện cũng rất thường! Có nhiều khi người ta còn phải biết xóa đi một kỷ niệm mà mình không có quyền được nhớ & cố nươi dưỡng những kỷ niệm mà thiếu nó thì mình cảm thấy cuộc sống trở nên vô nghĩa khôn cùng.

 

Anh tiễn cô ra xe & cô quyết không quay đầu nhìn lần cuối. Anh ở lại với miến khói của mình. Cô đi về nơi khói chỉ là …khói thôi!

-          Tại sao đến giờ mà ổng chưa lập gia đình hả chị?

Đó là câu đầu tiên cậu tài xế hỏi sau hơn một giờ chạy xe trong im lặng.

-          Có thể người yêu hy sinh rồi, ảnh buồn ở vậy luôn- cô nói đại.

-          À, chắc vậy quá hà! Trên đời có người chỉ yêu một lần thôi chị há?- cậu lái xe hồn nhiên reo lên.

-          Phải hông đó?!

Cô nhướng mày ngạc nhiên. Mắt chợt cay sè. Ôi, khói! Tiếng ca cậu tài xế nhói lòng:” Ngộ ghê, em quay kiếng lên hết mà chị còn nghe mùi khói được hả ?

            Ừa, mùa này đi đâu cũng thấy đốt đồng “.

Nguyễn Thị Kỳ
Số lần đọc: 2784
Ngày đăng: 05.05.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại