Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
981
123.368.176
 
Mùa sau
Huỳnh Kim

Người hướng dẫn viên du lịch Trung Hoa nói tiếng Việt sành sỏi: “Dù Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, nhưng dịp này chúng tôi mong quí vị du khách hãy quên chuyện đời nay mà nhớ chuyện đời xưa. Vì chuyến này chúng ta sẽ thăm Vạn lý trường thành và Thập tam lăng cách Bắc Kinh trong vòng 50 dặm. Sau đó lại quay về Bắc Kinh thăm Di Hòa Viên. Rồi quí vị muốn hiểu người Trung Quốc hôm nay ra sao thì tùy hỉ”…

           

            1.

Anh ta nói tiếp trên chuyến xe rời Bắc Kinh lên phương Bắc: “Dẫu là dã sử hay là chính sử thì chuyện nàng Mạnh Hương và Tần Thủy Hoàng Đế cũng là câu chuyện mà người Trung Quốc muốn kể cùng du khách”.

 

Hơn hai ngàn năm trước, nàng Mạnh Hương xinh đẹp tuyệt trần, cùng bao người vợ quê khác, đã tiễn chồng ra đi xây dựng Vạn lý trường thành. Rồi một ngày kia, nàng được tin chồng đã bỏ thây nơi rừng núi trường thành. Thương nhớ chồng khôn xiết, Mạnh Hương khóc suốt ba ngày ba đêm. Và không hiểu làm sao, những đêm đẫm lệ của nàng đã làm bức tường thành nơi ấy đổ sụp.

 

Tần Thủy Hoàng biết chuyện, đòi chém Mạnh Hương. Nhưng khi gặp nàng, vị đế vương bỗng đem lòng yêu say đắm, đòi triệu nàng về cung. Mạnh Hương là người đẹp thông minh, nàng nghĩ kế đòi Tần Thủy Hoàng cho làm tang lễ chồng ba ngày ba đêm thì nàng mới về cung. Sau ba ngày tang lễ, Mạnh Hương lại xin vua cho nàng được tới Vạn lý trường thành viếng chồng lần cuối. Tần Thủy Hoàng lại chìu nàng lần nữa. Nhưng khi tới nơi người chồng yêu dấu bỏ mình, nàng Mạnh Hương xinh đẹp và thủy chung đã gieo mình tự vẫn.

 

Trong cái lạnh không độ, ngẩng nhìn trời xanh trên đỉnh núi Yến Sương, tôi cùng bao khách hành hương đến từ khắp nơi trên trái đất, bắt đầu lặng lẽ bước lên từng bậc đá ngàn xưa mà ngẫm nghĩ tới người nay. Chẳng có ai leo nổi 5.700 km dãy trường thành hiểm trở vắt ngang đỉnh trời phương Bắc Trung Hoa. Cũng không có mấy người leo hết 1.480 bậc đá nơi cổng Cư Dung Quan này. Có những bậc đá đã mòn dấu chân người cỡ nửa gang tay. Phải chăng cái ý chí chinh phục đất trời và lòng người theo kiểu cường quyền, rồi cũng phôi pha như vậy?

 

Nhớ chuyện nàng Mạnh Hương, mới hay, đã sanh ra trong vòm trời này, làm kiếp người trong cõi nhân gian này, thì lòng nhân nghĩa và tình yêu, bao giờ cũng là điều bất tử. Dù cho, triều đại có đổi thay, chính thể có đổi thay, nhưng muôn thuở, tình yêu và lòng nhân nghĩa vẫn không bao giờ thay đổi.

 

2.

Cách Vạn lý trường thành không xa, dưới chân dãy Yến Sương, là vùng lăng tẩm rộng 40 cây số vuông của 13 triều đại vua nhà Minh, có tên Thập tam lăng.

 

Trong Thập tam lăng, tới giờ, người ta mới chỉ khai quật được ngôi mộ của vua Vạn Lịch, vua nhà Minh thứ 13, mà nay du khách gọi là khu Định Lăng. 12 vị vua kia, dù đã biết rõ địa điểm chập chùng trong núi Yên Sương, nhưng vẫn chưa ai tìm được lối vào đích xác của từng hầm mộ để mà khai quật.

 

Hầm mộ vua Vạn Lịch được xây từ 425 năm trước, khi vua đang trị vì ở tuổi 21, năm 1590 thì xây xong. 30 năm sau, khi nhà vua băng hà, mới được an táng vào đây và xóa sạch mọi dấu vết khu hầm mộ. Mãi tới năm 1956, các nhà khảo cổ Trung Quốc mới tìm được đường vào và khai quật mộ. Quần thể khu Định Lăng giờ được bảo tồn hoành tráng và kỳ vĩ giữa những cánh rừng tùng bách đại ngàn. Riêng hầm mộ, ở cách mặt đất 27m, với đầy đủ thành quách cùng những lối đi bí mật và tất cả đều được xây bằng đá.

 

            Theo lối vào đầy bóng tối, lòng lữ khách cứ trầm tư trước nơi yên nghỉ đầy quyền năng của vua chúa ngày xưa. Quan tài của vua Vạn Lịch cùng quan tài hai hoàng hậu vẫn đang nằm trên nền đá, tựa vào vách đá, lạnh lẽo bên 26 hòm chứa bao trân châu vàng bạc chôn theo.

            Chợt tự hỏi lòng: cũng là biểu hiện của khát vọng được tồn tại vĩnh cửu, nhưng sao dưới lòng đất kia, con người ta lại âm thầm cô quạnh đến thế, còn trên mặt đất này, những thân tùng bách xa xưa vẫn xanh um dạt dào sinh nở cùng với đất trời này?

 

            Leo lên Vạn lý trường thành đối diện với trời xanh, rồi lại bước xuống dưới cõi âm u mặt đất đi tìm thế giới người xưa trong dòng thời gian hơn hai ngàn năm lẻ, tôi cứ nghĩ tới một điều: phải chăng, cái quí nhất là được sinh ra làm một kiếp người – một kiếp người biết yêu thương nhau và tránh xa thù hận.

 

            3.

Mới chớm đông mà có đêm Bắc Kinh đã âm ba độ. Ấn tượng nhất trong lòng du khách phương Nam, lại là những hàng cây mùa đông rụng lá đẹp lạ kỳ ở hai bên những con đường thành phố. Bắc Kinh có ba loài cây xanh rất riêng. Cây bạch dương tượng trưng cho người đàn ông, cây liễu tượng trưng cho người đàn bà và cây ngân hạnh tượng trưng cho hạnh phúc của hai người nam và nữ. Lạ là cây ngân hạnh luôn sống có đôi, nếu một trong hai cây đực hoặc cái chết đi thì cây kia sớm muộn cũng chết theo, mặc dù không chung gốc.

 

            Ta cố tìm một chiếc lá ngân hạnh nhưng không thể vì cây chỉ còn những cành trơ, đan tay nhau dệt nên mùa đông hạnh phúc. Ta nhặt một chiếc lá bạch dương vừa bay theo ngọn gió đông, nghĩ rằng sẽ theo ta về lại quê nhà vắng bóng bạch dương.

           

4.

Vào Di Hòa Viên đi tìm Từ Hi Thái Hậu. Di Hòa Viên, công viên hoàng gia rộng nhất thế giới, tới 290 hecta. Di Hòa Viên đã có từ 250 năm trước gồm quần thể kiến trúc nhà nghỉ cung đình và chùa chiền quanh hồ nhân tạo Côn Minh bao phủ núi Kim Sơn. Chủ nhân  Di Hòa Viên là Từ Hi Thái Hậu.

 

            Từ Hi Thái Hậu là một trong hai người đàn bà lừng lẫy nhất lịch sử Trung Hoa. Người kia là Võ Tắc Thiên đời Đường. Đó là hai người đàn bà “tự mình làm vua”.

 

            Xưa, nàng là cô gái đẹp Mãn Châu tên Tiểu Lan, sớm mồ côi cha, cùng mẹ và ba em trai lên Bắc Kinh sinh sống. Một ngày kia, Tiểu Lan tròn 16 tuổi và đã được vua Hàm Phong, vua nhà Thanh thứ bảy, tuyển vào cung. Mà câu chuyện hoàn toàn không ngẫu nhiên, bởi vì Tiểu Lan là một người con gái “không chịu thua ai bao giờ” trong cuộc đời này.

 

            Ngày ấy, nàng đã hối lộ vị quan thái giám cận kề nhà vua để được tiếp cận vua. Ngày ấy, vua Hàm Phong đi dạo chơi trong Viên Minh Viên. Giữa đường vua chợt nghe vẳng lên giọng hát du dương. Tìm tới nơi, vua sững sờ trước một thiếu nữ mặc toàn xiêm y màu  đỏ đang đứng giữa đầm sen hồng say sưa hát.

 

            Thế là sáng hôm sau, nàng Tiểu Lan đã hóa thành Lan Quí Nhân, ở trong cung vua.

            Lan Quí Nhân và Hàm Phong sanh được người con trai. Khi Hàm Phong qua đời, người này mới lên sáu tuổi và được phong làm vua, hiệu Đồng Trị. Kể từ đó, Tiểu Lan – Lan Quí Nhân trở thành Từ Hi Thái Hậu.

 

            Do vua Đồng Trị còn nhỏ, Từ Hi Thái Hậu quyết thay vua nhiếp chính. Bà đã giết tám vị đại thần chống lại ý mình để thực hiện quyền hành. Mỗi khi vua thiết triều, Từ Hi Thái Hậu luôn ngồi bên bức rèm sau lưng vua để ra quyết định; nhà vua chỉ cần lặp lại lời của mẹ. Đây là chiến thuật “buông rèm nhiếp chính”.

 

            Nhưng mới 19 tuổi, vua Đồng Trị đã mất. Từ Hi Thái Hậu đưa người cháu mới bốn tuổi tên Quang Tự lên kế vị và tiếp tục “buông rèm nhiếp chính”. Nhưng rồi vua Quang Tự thực hiện “bách nhật duy tân” – 100 ngày cải cách, đụng đến quyền hành Từ Hi Thái Hậu. Bà đã giết các đại thần ủng hộ vua và giam lỏng nhà vua trong Di Hòa Viên, tự mình cầm quyền cho tới khi vua Quang Tự mất lúc mới hơn 30 tuổi. Ba năm sau, Từ Hi Thái Hậu cũng qua đời. Nhưng trước khi mất, bà đã đưa Phổ Nghi mới ba tuổi lên ngai vàng. Phổ Nghi là vị hoàng đế cuối cùng của chế độ phong kiến Trung Hoa…

 

            … Lạ là hết thảy những chuyện này cứ hiện lên trong mỗi bước chân lữ khách tìm đến những nơi mà ngày xưa Từ Hi Thái Hậu nghỉ ngơi trong Di Hòa Viên. Mà nơi đâu cũng ẩn hiện cốt cách của người đàn bà đẹp đầy quyền uy này.

 

            Tỉ như chuyện Từ Hi Thái Hậu là người có nhiều bí quyết dưỡng sinh: nàng rất thích uống sữa và chỉ thích uống sữa người và nàng rất thích tắm bằng sữa bò. Hoặc nàng đã có sáng kiến dùng ngọc thạch để làm đồ massage da mặt; dùng ngọc trai nước ngọt nuôi trong hồ Côn Minh cho chế thành biệt dược ngọc trai để uống… Nhờ vậy mà dù chồng chết ở tuổi 27 và có nhiều tình nhân, nhưng tới hơn 60 tuổi, da nàng vẫn đẹp như thuở còn là thiếu nữ Tiểu Lan. Và Từ Hi Thái Hậu đã sống tới tuổi 74.

 

            Hoặc tỉ như chuyện ta bước tới vườn hoa mẫu đơn trong Di Hòa Viên. Mẫu đơn là “quốc hoa” của người Trung Quốc vì nó tượng trưng cho quyền quí, và là loài hoa mà Từ Hi Thái Hậu yêu quí nhất.

 

            Nơi đây, đã từng xảy ra một câu chuyện vô cùng lãng mạn kiểu Từ Hi Thái Hậu – Tiểu Lan.

 

            Sáng hôm ấy, Từ Hi Thái Hậu, sau khi tắm xong, chỉ khoác một tấm áo mỏng manh rồi đi dạo đến vườn hoa mẫu đơn. Theo sau nàng là chàng thái giám Lý Liên Anh, người nghệ sĩ tài hoa mà nàng yêu nhất trên đời. Giữa vườn mẫu đơn rộn ràng hương sắc, chợt một làn gió thổi qua làm bay đi tấm áo khoác mong manh trên người Thái Hậu. Chàng thái giám giật mình nhặt lấy tấm áo, cúi đầu dâng trả chủ nhân. Từ Hi Tiểu Lan cất giọng: “Nhà ngươi đã nhìn thấy gì trong vườn hoa mẫu đơn đang lộng lẫy?”. Lý Liên Anh, không một phút chần chừ suy nghĩ, đã tâu: “Thưa Thái Hậu, thần vừa nhìn thấy một đóa mẫu đơn màu đen đẹp nhất trong vườn mẫu đơn đầy hương sắc sáng nay”.

 

            Ai cũng biết, hoa mẫu đơn làm gì có màu đen. Nhưng đó là một câu trả lời thông minh và nghệ sĩ của một người mà Từ Hi Thái Hậu yêu quí nhất. Nên không có luật lệ nào của triều đình Mãn Thanh buộc Từ Hi phải xử tội chém đầu với vị quan thái giám Lý Liên Anh. Bởi giả như Lý Liên Anh tâu “không thấy gì” hoặc nói rõ đã thấy gì, đều mang tội “khi quân”, phải bị chém đầu.

            Tình yêu và uy quyền, một lần nữa, đã chiến thắng giữa cõi đời này.

           

5.

 Hàng bạch dương trước khách sạn Hòa Bình Lý giữa nội ô Bắc Kinh, chiều nay sau khi ta ghé thăm nàng Tiểu Lan trở về, hàng bạch dương mạnh mẽ ấy đã trút hết lá để đón mùa đông. Nhìn những thân bạch dương cường tráng vươn lên bầu trời đông phương Bắc trong chiều hoàng hôn đang xuống, ta, người lữ khách phương Nam,  đã tìm thấy một sức mạnh mới cho những mùa sau.

 

            Rồi mùa đông này sẽ giá buốt hơn. Nhưng mùa đông ấy sẽ trôi qua. Mùa xuân sẽ tới. Ta là thân bạch dương vươn mình trong nắng mới. Là sức mạnh và tình yêu suốt bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. /.

           

Huỳnh Kim
Số lần đọc: 3903
Ngày đăng: 04.01.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hành cung "TÂY CỐNG" - Dương Ðình Hùng
Chợ nhóm bên đường - Nguyễn Ngọc Tư
Ẩm thực phương Nam : Hãy làm một chuyến du lịch phương Nam - Trần Đổ Liêm
Đôi điều với nữ họa sĩ Mia - Dương Ðình Hùng
Ấn tượng từ một trại viết - Bùi Trần Lê Văn
Đến Trung Quốc nhìn lại mình - Dương Ðình Hùng
Canh bạc cạnh giòng sông. - Dương Ðình Hùng
Người nhà quê - Nguyễn Ngọc Tư
Làm nghề giang hồ mà chẳng "giang hồ" - Trần Đổ Liêm
Cội nguồn - Dương Ðình Hùng
Cùng một tác giả
Hàn vi (thơ)
(thơ)
Xa nhau (thơ)
Đêm (thơ)
Thu (thơ)
Nuôi cu (thơ)
Cánh Bướm nâu (truyện ngắn)
đất (thơ)
(thơ)
Đây là Scotland. (lịch sử)