Nén tâm nhang cho Liệt sĩ, Thầy giáo Nguyễn Văn Quát, Hiệu phó trường Thanh Niên Dân Tộc A Lưới những năm 80 của thế kỷ trước.
Hồi ức của mỗi mùa tuyển sinh.
Năm ấy, tôi đang học lớp 11 với bao nhiêu mơ ước về tương lai. Vấn đề chọn ngành, chọn nghề đã làm cho tôi lắm lúc trăn trở. Tâm tình giữa tôi và ba tôi (RIP ông) đã nhiều lần gián đoạn khi bàn đến nghề nghiệp của tôi.
- Chọn ngành nghề gì thì chọn nghề ít hoặc không đòi hỏi lý lịch nghe con.
- Răng mà ba cứ cổ hủ. Đêm thứ năm tuần trước, toàn trường con được đi nghe thời sự tại hội trường huyện ủy, ông cán bộ tuyên giáo giảng rất hay về chủ trương cha làm cha chịu, con làm con chịu, Đảng ta không hẹp hòi với ai bao giờ. Ba cứ lo chuyện chi chi…
Cũng là tâm lý phổ biến, khi được hỏi sẽ chọn ngành nghề gì thì bao giờ tôi cũng lí nhí “Em, cháu chưa biết” hoặc có khi im lặng cười cười. Dễ đâu mà tâm sự chuyện đời người.
Thuở ấy, thầy là Hiệu phó chuyên môn và thỉnh thoảng có dạy lớp chúng tôi. Ấy là những lúc có thầy cô vắng đột xuất hoặc thầy cô tăng cường đã về trường cũ mà người mới chưa kịp đến. Những lúc cần một luận điểm, luận cứ về một vấn đề nào đó trong bài nghị luận hoặc cần tham khảo tiểu sử, tác phẩm của một tác giả thì tôi thường tìm đến thầy. Trong trí nhớ của tôi, thầy là một người hoạt bát nhanh nhẹn và lúc nào cũng xởi lởi vui vẻ gần gũi ngay cả với bọn học sinh chúng tôi. Ấn tượng nhất là lúc thầy gõ máy chữ. Hai bàn tay như múa trên bàn phiếm…
Một buổi chiều sau cơn mưa đầu mùa hạ, thấy thầy đang đọc sách trong phòng, tôi tiến vào và sẽ sàng: “Muốn làm nhà văn nhà báo thì phải thi vào trường nào hả thầy?”
Cũng giống như tôi trước khi vào phòng, thầy nhìn quanh cho thật chắc là không có ai rồi mới thong thả hỏi:
- Nhà em có ai là ngụy quân, ngụy quyền không?
- Dạ ba em là dân Bắc năm tư, là ngụy quân. Các cậu em cũng vậy. Hình như không có ai có công với cách mạng.
Im lặng. Cả không gian như ngưng đọng. Tiếng ót ét của mấy con mọt đang gặm bức phên nứa rõ mồn một giữa buổi xế trưa yên ả. Một con nhện buông mình giăng tơ cũng làm cho bầu không khí sóng sánh lung linh… Một lúc sau thầy nói bâng quơ: “Em có năng khiếu các môn tự nhiên mà…”
Không biết tôi ra khỏi phòng thầy khi nào. Cổ họng tôi đắng ngắt. Tâm hồn tôi lạnh giá. Sân trường tràn ngập ánh nắng vàng, không gian sực nức hương hoa cỏ dại đang bừng bừng sức sống sau cơn mưa đã giúp tôi bình tâm để đối diện với một sự thật phũ phàng: Ba mình và thầy nói như nhau!
Khép lại mơ ước hão huyền của tuổi trẻ bồng bột, kiểm thảo lại năng lực của bản thân về danh hiệu học giỏi ba năm liên tục vừa đăng kí đầu năm học, tôi đầu tư thời gian cho 3 môn thi khối A của mình.
Thầy vẫn ngày ngày đến lớp, vẫn lặng lẽ khơi gợi cho bọn học trò đói cơm rách áo là chúng tôi thuở ấy biết rung động trước một câu thơ, dẫu vừa mới xuyên rừng trong làn mưa đến lớp và nửa ống quần vẫn chưa kịp khô. Quan trọng hơn, thầy cùng với các thầy cô giáo khác đã giúp cho chúng tôi biết giá trị của cái chữ, tức là giá trị của tri thức trong bất cứ hoàn cảnh nào với bất cứ chính thể nào.
Chớm đông 1984, thầy chuyển công tác về xuôi sau hơn 8 năm in dấu chân khắp vùng A Sầu A Lưới. Dẫu lưu luyến với vùng đất mờ sương nhưng người vợ trẻ ở quê nhà cùng hai con đang tuổi ăn tuổi lớn cần lắm sự đoàn tụ của gia đình.
…. Đêm 15 rạng ngày 16 tháng 10 năm 1985, cơn bão Cecil (Bão số 8 ) càn quét thành phố Huế. Dãy nhà A của Cư xá Đội Cung rung lên bần bật. Góc này rồi góc kia mái ngói rơi loảng xoảng, nước mưa theo gió hắt vào. Chúng tôi co cụm, ép sát vào nhau, hồi hộp lo sợ mỗi khi có tiếng u u vọng đến. Cách đó không xa, thầy đang băng mình trong bóng tối dày đặc của đêm đầu tháng, tìm cách tiếp cận nơi có tiếng kêu cứu thất thanh của các cô giáo trường Tiểu Học Thuận An. Một mảng tường lớn ụp xuống… Vậy là bao hoài bão của một con người đang vào độ tuổi sung mãn đã bị cơn cuồng phong cuốn đi…
Những năm gần đây, cứ vào thời điểm này, thời sự của các gia đình là điều chỉnh nguyện vọng đại học của các quý tử, sĩ tử vừa qua kì thi quốc gia đang chờ kết quả. Rồi bàn tán rồi định liệu rồi lên face… Tôi thì tự hỏi: Nếu 40 năm trước mình cứ ngoan ngoãn tin vào lời của ông cán bộ nọ thì không biết có bao nhiêu cái cua tay áo đợi mình phía trước khi mà sự nông nổi cả tin của tuổi trẻ làm cho con người ta luôn ở trong tư thế sẵn sàng đổ đèo không cần phanh…
Xa tít trên cao kia, thầy và ba tôi đang nhìn nhau, cười.
Mùa tuyển sinh 2023
Ảnh:
. Thầy Nguyễn Văn Quát, áo khoác đen, chống tay, chụp với lớp 12 đầu tiên của trường Thanh Niên Dân Tộc A Lưới, cũng là đầu tiên của huyện A Lưới.
. Ảnh chụp vào khoảng đầu năm 1983.
. Cảm ơn anh Nguyễn Văn Lành, cựu học sinh của lớp, cung cấp ảnh.