Phần 1/3
Pompei, hình ảnh sống trên một thành phố chết
Lời tâm sự : Sau gần 2 năm (2020-2022) thành phố Milano bị phong tỏa vì covid 19, khi thành phố mở cửa thì mọi người như hổ sổ lồng. Tất nhiên chúng tôi cũng muốn thoát khỏi cái không khí tù túng, ngột ngạt sau những ngày bị cầm chân trong lo âu. Nhưng chúng tôi không bay ra nước ngoài như Pháp hay Portogallo theo lời mời của bạn bè....và chọn đi trong nước Ý để tránh những phiền toái về kiểm dịch ở sân bay.
Đích đến là Sorrento và Pompei. Những nơi mà tôi rất muốn đi từ hơn 30 năm nay nhưng chưa có thời gian và cơ hội.
Trong chuyến đi... tôi và Elena còn gặp 2 người bay từ Mỹ đến nhập đoàn. Họ cũng cho biết là từng mơ đến nơi đây nên khi nước Ý mở cửa liền bay qua Napoli chỉ để viếng thăm thành phố Pompei .
Nếu vào những năm 40- 43 sau Công Nguyên ở xứ Giao Chỉ có Hai Bà Trưng[1] khởi binh chống lại chính quyền đô hộ của Đông Hán, lập ra một quốc gia với kinh đô tại Mê Linh thì 40 năm sau đó trên bờ địa Trung Hải thì 2 thành phố La Mã cổ đại là Pompei và Ercolano cùng bị hủy diệt và chôn vùi hoàn toàn bởi một vụ phun trào kéo dài hai ngày của núi lửa Vesuvio (vào năm 79) mà hiện nay tàn tích còn nằm ở vùng Campania, gần thành phố Napoli của nước Ý.
Hai thành phố Pompei và Ercolano đều bị vùi dưới 18 mét tro và đá bọt và hoàn toàn bị lãng quên trong 1.700 năm kế tiếp cho đến khi được bất ngờ phát hiện vào năm 1748. Các nhà thám hiểm phát hiện ra rằng thành phố La Mã cổ đại hầu như còn nguyên vẹn dưới những lớp tro tàn và bụi bẩn.
Từ đó đến nay, việc khai quật Pompei đã cung cấp một cái nhìn sâu rộng về cuộc sống của một thành thị thời cực thịnh của Đế quốc La Mã.
Ngày nay Di sản Thế giới UNESCO này là một trong những điểm thu hút đông khách du lịch nhất tại Ý, với 2.571.725 lượt du khách vào năm 2007.[1], chỉ sau Giác đấu trường La Mã Collosseo ở thủ đô Roma.
Mây đen là vùng bị ảnh hưởng bởi trận động đất
Di tích hiện nay ở Pompei. Phia sau là núi lửa Vesuvio
Sau này những cuộc khai quật sâu hơn vào các phần cổ của Pompei người ta đã phát hiện những lớp trầm tích cho thấy thành phố này trước đó cũng đã từng trải qua các sự kiện núi lửa và địa chất. Ba lớp trầm tích đã được phát hiện trên đỉnh lớp đá nham thạch nằm bên dưới thành phố: Sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng carbon, lớp cổ nhất có niên đại từ thế kỷ thứ 8 tới thứ 6 trước Công nguyên, khoảng thời gian thành phố được thành lập. Hai lớp kia tách biệt với các lớp khác bởi các lớp trải đường thời La Mã được thi công từ thế kỷ thứ 4 và thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên.
Pompei được cung cấp nước bởi một đường dẫn từ Aqua Augusta (Napoli) được Agrippa xây dựng khoảng năm 20 trước Công nguyên, đường cấp nước còn dẫn tới nhiều thị trấn lớn khác. Tháp nước Pompei được tìm thấy vào năm 1902 được xây dựng tại điểm cao nhất của thị trấn, gắn liền với phía Tây của Cổng Vesuvius. Nước từ một nhánh của ống dẫn nước Serino được thu thập trong lưu vực nước. Aqueduct, với tháp, có từ thời Augustan. Trước khi chảy vào hệ thống đô thị, nước từ mẫu vật phải đi qua lan can giữa phòng trưng bày của ống dẫn nước và bên trong tháp, sau đó qua vỉ lọc thứ hai, và cuối cùng qua một ống chì nhỏ để được làm cho sạch và trong.
Thành Pompei bảo tồn những tư liệu quý và toàn bộ diện mạo của đời sống xã hội thời La Mã cổ đại.
Khi núi lửa Vesuvius phun trào người ta ước tính có khoảng 20.000 người sống ở Pompei. May mắn là phần lớn đã thoát nạn bởi họ đã rời khỏi đây kể từ khi núi lửa đang âm ỉ trong lòng đất. Tuy thế vẫn có khoảng hơn 2.000 người không thể chạy thoát khỏi thảm họa. Nếu không bị chết ngạt, hay bị đè bẹp dưới một bức tường bị sụp đổ thì cũng không thể sống nổi vì khí độc và hơi nóng từ những dòng nham thạch đã hủy diệt tất cả mọi thứ trên đường đi của nó.
Do bị chôn vùi dưới lòng đất trong điều kiện thiếu không khí và độ ẩm nên các di vật dường như vẫn còn nguyên vẹn theo thời gian.
Tuy đó là một thảm họa bi thương nhưng cũng đã mang lại một gia tài vô giá cho nhân loại: bảo tồn được cuộc sống của thời đó, các dinh thự của giới quý tộc, tranh tường, sàn khảm, tranh vẽ được bảo tồn nguyên vẹn. Sau khi dọn sạch các nhà khảo cổ tìm thấy một số lượng lớn đồ vật nên Pompei chính là một bảo tàng ngoài trời.
Tính đến nay, di tích Pompei đã được khai quật liên tục trong gần ba thế kỷ, và khoảng 75% diện tích đã được lộ thiên. Điều may mắn là các hiện vật hay các bức tượng hình nhân hóa thạch của người dân trong tư thế bị chôn vùi gần như hoàn toàn nguyên vẹn. Rất nhiều những tượng hóa thạch còn được giữ nguyên trong các tư thế hoảng loạn khi chạy trốn, nép mình trong góc hay nắm chặt tay nhau...
Con đường lát đá 2000 năm trước ở Pompei
Vườn những người trốn chạy: Hình đổ khuôn các nạn nhân vẫn ở tại chỗ
Khai quật một căn nhà vào cuối thế kỷ 19
Một số biệt thự được khôi phục và đã mở cửa cho du khách như Casa del Fauno và Casa del Menandro. Quang cảnh rạp hát hầu như còn nguyên vẹn ở Pompei.
"... cho đến khi cái chết chia lìa chúng ta”
Hãy tập trung sự chú ý của bạn đặc biệt là vào hình tượng của người nam này bởi những gì bạn thấy trong hình này là một điều gì đó thực sự mạnh mẽ và đau lòng:
Một người đàn ông tuyệt vọng, đang chiến đấu bằng tất cả sức mạnh của mình để cố gắng đến gần những gì thân yêu nhất mà anh ta có trên cõi đời này.
Và đó là nỗ lực cuối cùng của anh ấy để có thể bảo vệ những người thân.
Nhưng ai mà biết được? Có lẽ anh ấy nhận thức được rằng định mệnh đã được "an bài" nên cố gắng thu thập sức mạnh cuối cùng của mình trong nỗ lực (vô ích) để có thể ôm họ thêm một lần nữa. Đó là CÁI ÔM CUỐI CÙNG.
Một điều chắc chắn là không ai trong chúng ta có thể biết tên của người đàn ông này, về tầng lớp xã hội hay nghề nghiệp của anh ta.
Mà trong sâu thẳm có lẽ chúng ta cũng đâu cần phải quan tâm đến các chi tiết ấy.
Có lẽ chúng ta sẽ quan tâm hơn là khi hiểu rằng cánh tay mạnh mẽ cũng như tình yêu mãnh liệt của mình vẫn chưa đủ, nó không cho phép mình đối diện với "CÁI CHẾT" mà được ôm nhau anh ấy vẫn bất chấp tất cả... "Anh ấy đã cố gắng, tiến đến gần người thân yêu và sẽ ở đó cho đến giây phút cuối cùng".
Trong cái ngày đó, lời tạm biệt vĩnh cửu của họ đã được kết tinh từ ánh nhìn của TÌNH YÊU BẤT DIỆT ...
Tìm thấy ở Công viên khảo cổ Pompei. Khu vườn trốn tránh, Khu vực Đông Nam - Khu vực I, Đảo21
Phần 2/3
Ngày cuối cùng ở Pompei- sự phối hợp giữa nghệ thuật và lịch sử.
Đó là bức tranh "Ngày cuối cùng ở Pompei" được Karl Bryullov vẽ vào nửa đầu thế kỷ 19 và hiện đang chưng bày ở Bảo tàng Nhà nước ở Nga.
Họa sĩ Karl Bryullov (12 December 1799 – 11 June 1852) Sinh ra ở St. Petersburg trong một gia đình có truyền thống điêu khắc hàn lâm nên ông đã có niềm đam mê nghệ thuật từ thuở nhỏ. Được học với những vị thầy giỏi nhất thời bấy giờ, đi du lịch nhiều nơi, thường đến thăm Ý, nơi ông đã sống và làm việc cho đến cuối đời.
Năm 1827, Bryullov đã đến thăm các cuộc khai quật của thành phố Pompei nơi đã bị chôn vùi bởi dung nham từ núi lửa Vesuvio.
Trước khi vẽ "Ngày cuối cùng ở Pompei" Bryullov đã nghiên cứu kỹ lưỡng về thời La Mã cổ đại đại. Ông nhiều lần đến thăm, cố gắng ghi nhớ vị trí của các tòa nhà, từng viên đá. Ông đọc các tác phẩm của các nhà sử học, đặc biệt là tác phẩm của một nhân chứng, Plinio il Giovane, nghiên cứu các đồ gia dụng và trang phục trong bảo tàng. Điều này cho phép ông phản ánh chân thực cuộc sống của xã hội Ý vào thời điểm núi lửa phun trào cũng như truyền tải cảm xúc của những nạn nhân sắp chết vì thảm họa.
Bức tranh Ngày cuối cùng ở Pompei rất quyến rũ bởi sự hoàn hảo, là một cơn bão cảm xúc, đầy kịch tính và sự hài hòa của màu sắc.
Chuang ta hãy xem kỹ bức tranh, chia nó thành hai phần.
Bên phải.
Ở bên phải, họa sĩ miêu tả một nhóm người đoàn kết trước thảm họa. Đây là một cậu bé đang bế người cha ốm yếu của mình trên tay, một chàng trai trẻ đang cố gắng cứu mẹ mình nhưng bà ra lệnh bỏ ra và chạy trốn.
Bức tranh còn mô tả một cặp vợ chồng mới cưới: một chàng trai bế cô dâu trên tay và đằng sau họ là một con ngựa đang chồm lên với người cưỡi trên lưng, những ngôi nhà được trang trí bằng những bức tượng đang đổ nát. Và ngoài những con người bất hạnh, bầu trời tối đen với khói và tro, những đám mây, những vết cắt, và ở xa là một dòng dung nham bốc lửa.
Bên trái
Một nhóm người đang tụ tập: một nghệ sĩ với chiếc hộp trên đầu, một bà mẹ có hai cô con gái, một linh mục Cơ đốc trầm tính, một linh mục ngoại giáo có mang những đồ trang sức bằng ngọc dưới cánh tay đang tháo chạy, một người đàn ông đang mặc quần áo cho vợ và những đứa trẻ.
Có gia đình đang tìm nơi ẩn náu: người chồng lấy áo choàng trùm lên người vợ. Anh bế một đứa trẻ sơ sinh trên tay phải và bằng tay trái, anh ta cố gắng bảo vệ ông già đang đi giữa cha mẹ mình. Các chuyển động và biểu hiện tâm trạng mọi người được họa sĩ thể hiện một cách linh động. Miệng của người đàn ông há to bày tỏ sự kinh hoàng.
Chiếc áo choàng được cho là bị cuốn vào một chuyển động nhanh. Người đàn ông đứng trên một chân như thể tiếp tục chạy, ngay sau khi bước qua xác một người phụ nữ trên mặt đất.
Một nét đặc sắc của bức tranh là ánh sáng, hay đúng hơn là hiệu ứng của nó. Bóng sắc màu lạnh của tia chớp tương phản với ánh sáng rực rỡ của núi lửa. Trong bức tranh toàn cảnh cho thấy một thành phố đang hấp hối, rất bi thảm.
Bryullov đã khéo léo lựa chọn màu sắc giúp ông khắc họa bức tranh rất chân thực. Toàn thể bị chi phối bởi các tông của màu đỏ - quần áo của mọi người, ánh sáng chói, hoa trên đầu cô dâu. Ở giữa bức tranh, họa sĩ đã sử dụng các tông màu xanh lục, xanh lam và hơi vàng.
Khi xem tranh cũng nên chú ý đến việc mọi như đang tạo dáng cho họa sĩ. Khuôn mặt của họ không bị biến dạng vì đau đớn, ngay cả cô gái nằm trên mặt đất cũng xinh đẹp. Quần áo sạch sẽ, không có vết máu trên người. Đây là ý của họa sĩ muốn chứng minh rằng con người là sinh vật đẹp nhất trên Trái đất. Điều đáng đề cao là trong khoảnh khắc nguy hiểm mà nhiều người không chỉ nghĩ về bản thân mà còn nghĩ đến người khác.
Hình ảnh được tạo ra bởi một thiên tài nghệ thuật, vừa đẹp vừa khủng khiếp.. Những cảm xúc lẫn lộn cho tất cả những ai nhìn kỹ bức tranh vẽ những ngày cuối cùng.
Mặc dù Vesuvio đã ngừng phun trào từ năm 1944 nhưng đây vẫn được coi là một trong những ngọn núi lửa nguy hiểm nhất trên thế giới. Các chuyên gia dự đoán rằng một đợt phun trào lớn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong tương lai.
Khi nhìn kỹ ánh mắt của người đàn bà trong bức họa, tôi nhìn thấy nỗi kinh hoàng và bất lực của con người trước những tai ương mà mình chỉ có thể đón nhận và chịu đựng chứ không thể làm gì khác.
Nhưng ánh mắt trong những ngày cuối cùng ở Pompei... là tai họa từ thiên nhiên... còn tai họa của thế giới hiện nay như ô nhiễm, biến đổi khí hậu, phóng xạ nguyên tử... là thảm họa do chính bàn tay con người.
Con người rồi sẽ bị xóa sổ khi trái đất không còn. Họa chăng, chỉ có tình yêu là còn lại.
Phần 3/3
Những điều tò mò về Pompei mà ít người biết.
Những điều ít người biết về Pompei.
1. VESUVIO LÀ NÚI KHÔNG PHẢI LÀ Núi lửa
Vào thời Pompei cổ đại, người dân không biết bản chất thực sự của ngọn núi nằm gần thành phố. Các bức tranh thời đó miêu tả Vesuvio có hình dạng ít nhọn hơn hình dạng mà chúng ta thấy ngày nay. Vì có cây cối mọc rậm dọc theo sườn và không có các vụ phun trào trong một thời gian dài nên người dân Pompei xem Vesuvio chỉ đơn giản là một ngọn núi.
Có lẽ đây là lý do khiến người dân thành phố Pompei bị bất ngờ trước sự phun trào của núi lửa Vesuvio vào năm 79 sau Công nguyên, đồng thời cũng đã hiểu sai về các trận động đất xảy ra trong những năm trước đó.
2. Người POMPEI YÊU THÍCH Nhà thổ
Các cuộc khai quật ở Pompei đã phát hiện ra nhà thổ Lupanare nổi tiếng. Nhà chứa này, được tìm thấy gần như nguyên vẹn, cùng với nhiều nhà chứa khác trong thành phố.
Không có di tích nào được bảo tồn như Lupanare, nhưng các bảng hiệu với danh sách các dịch vụ và mức giá cho khách hàng của các nhà thổ cho thấy có tới 25 nhà thổ ở Pompei.
Con số này là rất cao, vì ước tính cư dân của Pompei thơi đó chỉ có từ 8 đến 10 nghìn người.
Ở Pompei, các biểu tượng dương vật trên các con đường địa phương chỉ đường đến nhà thổ gần nhất. Một quảng cáo hướng đến người nước ngoài (thủy thủ và thương nhân) không nói tiếng Latinh.
3. Các Quý tộc La Mã thường ghé lại POMPEI
Một số nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà sử học cho rằng những quý tộc La Mã, tầng lớp xã hội giàu có nhất trong cả Đế chế, thường đến thăm Pompei.
Được coi là một vùng ngoại ô của thành phố Rome, rất có thể Hoàng đế Nero cũng có một ngôi nhà của riêng mình ở Pompei.
Thực ra, vợ ông, Poppea, là người gốc ở đây!
4. Người POMPEIANS YÊU THÍCH RƯỢU VANG và đến nay vẫn còn phát triển
Pompei bị nhấn chìm bởi một lớp mảnh vụn và phún thạch từ vụ phun trào của núi lửa Vesuvio đã được bảo tồn cho đến ngày nay vì sự kiện tự nhiên khiến thời gian ngừng lại.
Nhờ kết quả của các cuộc khai quật khảo cổ học chúng ta khám phá ra việc sản xuất và tiêu thụ rượu vang liên tục của người dân Pompei trong thời cổ đại.
Các loại nho trồng ở Pompei hiện nay vẫn còn, nằm trong những mảng xanh của Công viên Khảo cổ học, có những vườn nho trải rộng tạo ra rượu vang tuyệt hảo.
5. Có một MÀU ĐỎ có tên từ POMPEI
Trong số những điều tò mò khác về Pompei, là ở thị trấn nổi tiếng ở vùng Campania Có một màu đỏ đặc biệt gọi là màu đỏ của Pompei, lấy tên từ màu được tìm thấy trên tường của nhiều ngôi nhà trong thành phố cổ.
Màu này được tạo nên bằng cách sử dụng một loại bột vỏ sò cụ thể.
Ngoài màu đỏ, còn có các màu đặc trưng cho những phát hiện từ các cuộc khai quật ở Pompei là xanh lam và đen, những màu dành riêng cho những người giàu có vì chúng được sản xuất bằng vật liệu quý.
6. Cuộc sống mỗi ngày rất khác với chúng ta
Không chỉ là đền thờ, nhà thổ và tư dinh mà còn có điều được biết đến nhiều nhất trong các cuộc khai quật ở Pompei chính là những bức tượng thạch cao của những cư dân bị phún thạch phủ lên khi núi lửa phun trào.
Kỹ thuật bảo quản này, bao gồm việc đổ thạch cao vào để thay thế khoảng trống do thi thể phân hủy để lại, cũng cho phép chúng ta biết chi tiết về cuộc sống hàng ngày ở Pompei cổ đại như truyền thống ẩm thực và thú tiêu khiển của cư dân Pompei. Ví dụ thú uống rượu, tham dự các buổi biểu diễn sân khấu, thờ cúng thần linh.
Các phôi thạch cao còn tiết lộ một chi tiết quan trọng về cách sử dụng và phong tục của người dân, đặc biệt liên quan đến một chủ đề rất thời sự. Rất có thể tình yêu tự do đã được thực hiện ở Pompei.
Khi đến thăm Vườn Pompei, chúng ta có thể thấy hai người đàn ông, hai người tình hôn và yêu nhau đã tạo nên nguồn cảm hứng cho cả một bộ phim.
7. Dương Vật là một biểu tượng
Trong các cuộc khai quật của Pompeii người ta khám phá nhiều biểu tượng dương vật. Du khách thường thắc mắc tại sao biểu tượng này lại được tái hiện nhiều lần trong thành phố.
Sự thật là dương vật được coi là biểu tượng của sự may mắn và được vẽ, điêu khắc và thậm chí thường được đeo trên mặt dây chuyền.
8. Nhà hát AMPHITHEATER cổ nhất trên thế giới
Nhà hát La Mã ở Pompei là một công trình xây dựng có từ năm 80 trước Công nguyên. Nó không chỉ là giảng đường lâu đời nhất hiện nay mà còn là tòa nhà bằng đá lâu đời nhất trong lịch sử.
Hiện nay vẫn còn được sử dụng cho các buổi biểu diễn âm nhạc và sân khấu, không gian này vào thời điểm đó được sử dụng cho các trò chơi xiếc và đấu sĩ và có thể chứa tới 20.000 khán giả.
Còn những tấm áp phích quảng cáo thời đó? Chúng được sơn trực tiếp trên mặt tiền bên ngoài các ngôi nhà.
9. Núi lửa không phun TRONG THÁNG 8
Một điều tò mò khác về Pompei liên quan đến thời điểm lịch sử đánh dấu sự kết thúc của nền văn hóa cổ đại của thành phố này: núi lửa Vesuvio phun trào vào năm 79 sau Công nguyên. Người ta thường cho rằng nó diễn ra vào buổi sáng ngày 24 tháng 8.
Nhưng theo ý kiến của nhà phổ biến kiến thức lịch sử nổi tiếng trên truyền hình Alberto Angela thì cho răng rằng vụ phun trào xảy ra muộn hơn, vào khoảng tháng 10. Angela đẫ kết luận như thế nhờ khám phá ra mùa và các chi tiết gợi ý một vụ thu hoạch nho ( thường xảy ra vào tháng 9) đã hoàn thành.
10. VIỆC KHÁM PHÁ POMPEI VẪN CHƯA KẾT THÚC
Chúng ta có thể nói chắc rằng mọi thứ chúng ta biết về Pompei và lịch sử của nó chưa phải là tất cả. Các cuộc khai quật trên thực tế vẫn đang diễn ra ở một số điểm của Công viên Khảo cổ học. Ngoài ra, nhiều địa điểm xây dựng giúp bảo tồn và làm cho phù hợp để đón gần 3,5 triệu du khách mỗi năm.
Tất cả những sự thật và sự tò mò về Pompei mà chúng ta biết đến ngày nay đều là kết quả của quá trình tìm hiểu và nghiên cứu của nhiều nhà chuyên môn. Nhờ họ, chúng ta có thể hiểu đầy đủ về chuyến thăm thành phố thuộc về di sản UNESCO này.
https://www.facebook.com/groups/935608920107986/posts/1692781104390760/?__cft__[0]=AZV-UM2Ic-6q1osiktJ03gAh4KoUttY9syjsxHn3MQ8vHtapKKy-M8v7gMLKe9tSBxKlYceHEwYuDGpfVOYJB19sck5LV2yTEYo3uUHGjPwzkgYikh-v3f61vDnQU3ZA9bBOBmPgu7TkqV4rGzPYOcle3-Id6aMVS5Jl9yOOQtZYhGQkaged2k7HGifJ2gRR5i8&__tn__=%2CO%2CP-R
[1] Khi hoàn chỉnh bài viết này thì tình cờ tác giả được tham dự lễ kỷ niệm 105 trường Nữ Trung Học Trưng Vương tại Sài Gòn. Chương trình sinh hoạt có các ca khúc rất hùng tráng tưởng nhớ hai bà đánh đuổi ngoại xâm.
https://www.facebook.com/dan.truong.van.96/posts/pfbid035dzY3R4JPmwjmnCqpAodJ7QBe3Ei3H2mkCy5TWVDtHDsDH8gih8w92RXtGhgDLb8l