Nobel văn chương thế kỷ 20 (từ năm 1901 đến năm 2000)
(Biên dịch theo Tài liệu của Viện Hàn Lâm Thụy Điển)
Ngày nọ, những giọt nước mắt của người mẹ đã tạo ra một thứ ngôn ngữ toàn vẹn, vốn bị khinh thị trong xã hội tử tế lúc bấy giờ, để khám phá lại tính chất cao quý của nó và gặt hái được vinh quang bằng sức mạnh của những vần thơ. Người ta kể rằng khi Frédéric Mistral, người đầu tiên trong số hai nhà thơ mang cái tên của ngọn gió Địa Trung Hải, viết ra những giòng thơ đầu tiên bằng tiếng Pháp khi còn là sinh viên, mẹ bà đã để cho nước mắt mình tuôn trào. Là một phụ nữ mù chữ sống ở Languedoc, bà không hiểu gì về thứ ngôn ngữ nổi tiếng này. Sau đó, Mistral đã sáng tác Miréio kể về tình yêu của một cô thôn nữ xinh đẹp dành cho người thợ thủ công nghèo khó, một thiên sử thi toát lên mùi hương của một vùng đất đang nở hoa và chấm dứt bằng cái chết tàn nhẫn. Từ đó ngôn ngữ cổ của những người hát rong trở thành ngôn ngữ của thơ ca. Giải Nobel năm 1904 đã lôi kéo sự chú ý của thế giới đối với sự kiện này.
Trong cùng năm ấy, năm 1914, năm Chiến tranh thế giới thứ Hai bùng nổ, ở đầu bên kia của thế giới, một Mistral mới xuất hiện. Khi còn là một cô giáo làng, Gabriel Mistral đã nhận được giải thưởng thơ với một số bài thơ tưởng nhớ một nhân viên đường sắt tự tử
Câu chuyện của bà quá nổi tiếng đối với nhân dân Nam Mỹ đến nỗi, khi lưu truyền từ quốc gia này sang quốc gia khác, nó đã trở thành một huyền thoại. Và giờ đây, cuối cùng khi bà đến với chúng ta, vượt qua những ngọn núi của rặng Cordilleran Ande và Đại Tây dương bao la, chúng ta lại có thể kể lại câu chuyện ấy một lần nữa.
Trong một ngôi làng nhỏ ở thung lũng Elquis, nhiều thập niên trước, một cô giáo tương lai đã chào đời tên là Lucila Godoy y Alcayaga. Godoy là tên của cha nàng, một thầy giáo, người có thể xuất khẩu thành thơ một cách dễ dàng. Tài năng của ông dường như được pha trộn với sự âu lo và bất định thường thấy ở các nhà thơ. Ông rời bỏ gia đình khi cô con gái mà ông đã từng tạo cho nó một mảnh vườn nhỏ, hãy còn là một đứa trẻ. Người mẹ xinh đẹp của cô nói rằng thỉnh thoảng bà khám phá ra cô con gái bé nhỏ cô độc của mình chuyện trò thân mật với chim muông và hoa lá trong vườn. Một trong những huyền thoại cho rằng cô bị đuổi học vì quá đần độn. Vì thế cô đã tự học bằng phương pháp riêng cho đến khi trở thành cô giáo trường làng ở Cantera. Ở đó, số phận của cô gái hai mươi tuổi được định đoạt khi cô rơi vào cuộc tình say đắm với một anh nhân viên đường sắt.
Chúng ta biết ít ỏi về chuyện tình của họ. Chỉ biết rằng anh ta đã phản bội cô. Vào một ngày tháng 11 năm 1909, anh ta tự sát bằng một phát súng vào đầu. Cô gái trẻ vô cùng tuyệt vọng. Cũng giống như Job, cô chỉ còn biết than khóc với Trời. Từ thung lũng xa xôi trong dãy núi khô cằn của Chile, một giọng nói vang lên, và tất cả những người đàn ông ở quanh đó đều nghe. Cái bi kịch tầm thường của cuộc sống thường ngày đã mất đi tính cách riêng tư của nó và đi vào văn học thế giới. Lucila Godoy y Alcayaga trở thành Gabriela Mistral. Cô giáo làng tỉnh lẻ kia, bạn đồng nghiệp của Selma Lagerlof ở Marbacka đã trở thành nữ hoàng tinh thần của Châu Mỹ Latinh.
Khi những bài thơ tưởng nhớ đến một người đã khuất đã tạo nên tên tuổi của nhà thơ mới, thì những bài thơ u buồn và say đắm của Gabriela Mistral bắt đầu lan khắp Nam Mỹ. Nhưng điều này chưa xảy ra cho tới năm 1922, khi tập thơ Tuyệt vọng [Desolaciún] của bà in ở New York. Những giọt nước mắt của người mẹ đã rơi giữa tập thơ, trên bài thơ thứ mười lăm, những giọt nước mắt dành cho đứa con trai đáng lý không bao giờ ra đời.
Gabriela Mistral chuyển hóa tình yêu tự nhiên của mình sang đám học trò. Bà viết cho chúng những bài hát đơn giản và những bài hát tập thể, in thành tập ở Madrid năm 1924 dưới nhan đề Dịu dàng [Ternura]. .Vinh dự cho bà, bốn ngàn trẻ con Mexico đã cùng lúc hát những bài hát tập thể này. Gabriela Mistral trở thành nhà thơ của tình mẫu tử.
Năm 1938, tập thơ thứ ba, Tala (nhan đề có thể dịch là Tàn phá, nhưng nó còn là tên một trò chơi của trẻ con), xuất hiện ở Buenos Aires dành cho những nạn nhân trẻ con trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Ngược với nỗi thống thiết trong Desolaciún, Tala diễn tả sự yên tĩnh hài hòa bao trùm vùng đất Nam Mỹ nơi mà hương hoa đến với chúng ta từ mọi phía. Một lần nữa chúng ta lại ở trong khu vườn tuổi thơ của bà, nghe lại những cuộc trò chuyện thân tình với thiên nhiên và những vật bình thường. Có một sự pha trộn lạ lùng giữa bài thánh ca và bài hát đồng dao, những bài thơ về bánh mì và rượu, muối, bắp và nước – nước dành cho kẻ khát – ca tụng những thực phẩm nguyên thủy của cuộc sống loài người!...
Bàn tay từ mẫu của nhà thơ đã cho chúng ta một thức uống có vị của đất và làm dịu được cơn khát của trái tim. Nó được kéo lên từ dòng suối chảy từ nhà thơ Sappho trên đảo Hy Lạp đến Gabriela Mistral ở thung lũng Elquis, dòng suối của thi ca không bao giờ khô cạn./