(Hay Chào tân sinh viên)
Cắt chuyển hộ khẩu, cắt chuyển tiêu chuẩn thực phẩm và cắt chuyển tiêu chuẩn lương thực từ nơi đang sinh sống đến địa phương có trường mình theo học là những thủ tục mà thế hệ trẻ thời nay khó hình dung được trong hồ sơ nhập học của các tân sinh viên những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Công thức bôi trơn thì hãy thuộc lòng câu ca: Sông Cầu là đầu câu chuyện; Ba Con Năm vừa nằm vừa ký; Sa-mít nói ít hiểu nhiều; Hoa Mai nói hoài không hiểu;(*)…
Ấy là khi đã có giấy báo nhập học. Còn trước đó, khoảng cuối tháng 3 hằng năm, sau khi học sinh đã hoàn tất đăng kí dự thi, trước khi chuyển về ban tuyển sinh tỉnh, mỗi bộ hồ sơ còn phải trải qua kỳ xét duyệt của một hội đồng liên tịch gồm công an huyện, ban tuyển sinh huyện và đại diện trường phổ thông. Bạn tôi, Văn Hữu Trực khóa 1983, Hoàng Xuân Việt khóa 1984 đã ngậm ngùi nhìn các bạn cùng lớp đi thi đại học, nói như bọn sửu nhi thời nay là do hồ sơ đã bị loại ngay từ vòng gửi xe bởi lý lịch.
… Để hoàn tất các thủ tục kể trên thì phải đi qua chừng 4, 5 cửa của 3 cơ quan và tôi dự định làm trong vòng hai ngày. Nhưng lạ chưa, nơi nào tôi đến cũng được tiếp đón niềm nở, công việc nhẹ nhàng trôi chảy, nếu có bị hẹn thì cũng chỉ “Thủ trưởng đang bận họp. Lát nữa giải lao sẽ ký cho em liền. Không có gì phải lo lắng đâu…”. Gói Điện Biên đã bóc tem vẫn không suy suyển một điếu. Cám ơn ra về còn được nhắn nhủ: “Cố gắng học tốt để trở về xây dựng quê hương nghe…”. À thì ra, giấy báo nhập học của mình cũng oách xà lách lắm (!) Trong tâm thế đó, tôi tự tin bước vào phòng tổ chức.
- Cắt giấy tờ đi học à? Đại học à? Tốt quá, tốt quá! Có nghe Huyện đoàn trực báo đầu tháng… Ngồi đây đợi anh chút xíu, xong ngay thôi mà!
Ba phút, rồi năm phút trôi qua, chợt anh kêu lên: “Ơ! Sao lại thế này!?”
Rồi anh quay sang phía người đàn ông đứng tuổi, có lẽ là trưởng phòng:
- Báo cáo anh. Không hiểu vì sao bộ hồ sơ này thiếu chữ kí của đại diện công an huyện. Cuộc họp tháng tư (1984) vừa qua hội đồng chỉ không thông qua một trường hợp thôi mà.
Vậy là anh tất tả sang công an huyện. Nửa tiếng sau trở về: “Họ đang họp em à. Cứ bình tĩnh đợi đấy. Chắc là sót thôi. Không sao đâu”. Rồi anh mở tủ tìm kiếm, lần giở từng tệp hồ sơ, rồi lặng lẽ đăm chiêu... Thời gian nặng nề trôi. Đã hết giờ làm việc. Tôi hoang mang ra khỏi phòng, thất thểu bước đi trong trạng thái mộng du. Vất vưởng trong mái lều tranh của xóm chợ, mới hơn một giờ trưa, tôi tìm đến nhà anh gõ cửa. Khi trưa anh không về nhà.
Tôi lại đến ngồi chờ ở phòng tổ chức. Hẳn là bộ dạng của tôi lúc đó trông tội nghiệp lắm nên người đàn ông lớn tuổi mới dừng công việc, động viên tôi:
- Không sao đâu cháu ạ. Anh Thắng đang làm cho cháu đó mà.
- Cháu cũng không biết nữa. Thà không cho cháu đi thi như bạn Trực, bạn Việt. Đằng này…
Không kìm được, tôi òa khóc nức nở. Tiếng thổn thức vọng sang các phòng bên cạnh, một số người thấy lạ chạy qua nhìn.
… Trời chiều oi bức. Mây đen vần vũ. Ầm ì tiếng sấm tức giông. Mọi người lục tục ra về. Căn phòng tối dần. Người đàn ông lớn tuổi vẫn đang đợi anh. Hình như đã có chút lo âu. Nhọ mặt người anh xuất hiện. Dí vào tay tôi những giấy tờ cần thiết, anh bình thản nói: “Xong rồi. Em về đi kẻo tối”. Như chết đuối vớ được cọc, tôi cám ơn rồi vụt chạy ra khỏi phòng. Trước khi đạp mạnh pê-đan, tôi còn nghe tiếng anh thoảng trong gió: “Vâng, làm suốt từ trưa đến giờ…”.
Đã 39 năm trôi qua, cho đến bây giờ tôi vẫn không biết vì sao hồ sơ của tôi lại vướng ở cửa công an huyện và cũng không hề biết anh đã làm việc xuyên trưa như thế nào với những bên liên quan để giúp tôi thoát được một nút thắt trong thời khắc quyết định. Tôi cũng không biết họ tên đầy đủ và chức danh của anh tại phòng tổ chức thuở ấy. Chỉ biết rằng, trong suốt đường đời của mình, lúc thành công cũng như khi thất bại, tôi vẫn nhớ đến anh bên cạnh các thầy cô giáo của mình và những người đã từng nâng niu, động viên tôi từ thuở ban sơ cho đến lúc nở hoa đơm trái.
… Cuộc đời anh cũng lắm thăng trầm. Lúc tôi đang học năm 2 thì được tin anh đi xuất khẩu lao động ở Đông Đức. Rồi về nước, rồi cả nhà chuyển về quê rồi quay trở lại A Lưới. Gia cảnh sa sút. Anh đưa gia đình vào tận chân Đồi Thịt Băm, (Humberger Hill, Đồi A Bia) làm trang trại. Năm 1996, anh bị tai nạn vật liệu nổ tự chế làm cho khuôn mặt biến dạng. Hỗn danh Thắng Méo gắn chặt với anh từ đó.
… Lúc tôi ngồi gõ những dòng chữ này thì anh đã thành người thiên cổ. Đời là vô thường. Sinh lão bệnh tử là quy luật. Biết vậy nhưng vẫn ngậm ngùi bâng khuâng. Thời điểm này hàng năm là lúc học trò tôi háo hức hạ sơn nhập học, tôi lâng lâng như thấy mình của mấy mươi năm trước. Chia vui với các em, thâm tâm, tôi vẫn thấy bóng hình anh mờ ảo trong ánh tà dương của chiều mùa thu năm ấy. RIP anh.
Nhân mùa tựu trường của tân sinh viên.
Chú thích: (*) Sông Cầu, Hoa Mai, Điện Biên, Ba Con Năm (555), Samit là tên của một số nhãn hiệu thuốc lá phổ biến những năm 1970, 1980. Hai loại sau ngoại nhập, phần lớn là nhập lậu.