Cho dù chỉ gặp Nguyễn Thị Ánh Huỳnh vài lần ở Hội Nhà Văn TP Hồ Chí Minh từ năm 2000 và sau đó không còn cơ hội gặp lại.Nhưng. tôi rất ấn tượng về nhà thơ nữ này.Biết ít về cô, song đọc thơ cô như một điều không thể thiếu với tôi trên dòng văn học nghệ thuật( trong đó có thi ca )Ánh Huỳnh là cô giáo dạy văn giỏi.Là người vợ đảm đang.Là người mẹ hiền của những đứa con ngoan.Tôi biết thời nay, người phụ nữ rất nặng gánh trong gia đình và ngoài xã hội.Thời gian rất ít cho việc dưỡng nuôi tâm hồn và trước tác.Vậy mà, cô đã chu toàn tất cả để có một khoảng trời thi ca rất riêng cho mình và cô đơn chính là thuộc tính không sai.Viết về cô, tôi lại nhớ nhà tư tưởng Pháp Rousseauđã nói: “Chỉ trong những khoảnh khắc cô đơn, tôi mới là chính tôi, tôi mới tự do và không bị gò bó”.
Vậy thì, bất cứ hoàn cảnh nào người viết văn, làm thơ cũng có thể bay lên tự do bằng cảm xúc và trí tuệ của mình để đến nơi mình mong muốn.
Ánh Huỳnh là trường hợp rất hiếm của người làm thơ phương Nam( Cần Đước -Long An và sinh ra lớn lên sinh sống ở Sài Gòn) bởi thơ cô viết tự nhiên như sông phải trôi, suối phải chảy, mây phải bay tự do…nhưng trong dòng chảy đó, có lúc lặng lẽ,lúc sục sôi, khi mát lạnh,khi bừng bừng…bởi sự tài hoa trong ý,tứ, từ cho thơ của thi nữ
Để thấu cảm hơn,mời bạn cùng tôi” vói “lên khoảng trời thi ca ấy.
THƠ NGUYỄN THỊ ÁNH HUỲNH
BẮC THANG LÊN ĐÀ LẠT
bắc một cái thang
là đèo Chuối
bắc hai cái thang
là đèo Bảo Lộc
bắc ba cái thang
là đèo Prenn
em đã trèo lên mây
bằng xe hơi
Đà Lạt treo trên trời
lửng hửng mù sương
em đã bắc một trăm cái thang
vẫn không trèo lên được đời anh
tâm hồn anh xa hơn trời
anh đã bắc một ngàn cái thang
mà không trèo lên được tình yêu em
tình yêu em không ở trên trời
dù em
đang ở Đà Lạt
MÙA THU ẢO
Nam Kỳ em
không có mùa thu
sao em vẫn nhớ ?
mùa thu chết
trong nhạc
mùa thu vàng
trong thơ
mùa thu huyền
trong mắt anh
trút xuống em
quầng đêm
trút xuống em
vầng tóc xõa
ngoài kia lông ngỗng đầy trời
mùa thu rắc lối cho người tìm em
anh
người chưa có thật
như mùa thu ảo
trong em
em vẫn đợi
tiếng ngỗng gõ cửa
em vẫn chờ
heo may rủ rê
đêm tháng mười một này
chợt cúc vàng trong thơ Đường
lá vàng thu Nguyễn Khuyến
hoa thạch thảo Apollinaire
nghìn nghịt xếp hàng
lũ lượt đến tìm em…
ĐỪNG MÚC CẠN NỖI BUỒN
Trăng trầm mình
xuống giếng
mà trăng không chết
em gọi nỗi buồn
là giếng nước
múc từng gàu nỗi buồn
em tắm
tìm vui
đôi mắt anh
còn buồn hơn cả giếng
tình yêu
ban đầu vui như gàu
kết thúc buồn như nước
em đi đâu
giếng cũng theo đi
trăng cứ tìm mắt em
đòi tự tử
chúng ta lấy nhau
vì khát
giếng nước yêu
đứt sợi dây gàu
ôi nỗi buồn
trăng múc lên từ giếng
em ngó trời
thấy giếng mọc thành sao
xin anh
đừng múc cạn nỗi buồn
trong đôi mắt em
để em còn là giếng nước.
CHÍNH MÌNH
Suốt ba mươi năm
anh bảo:
- em phải quên mình
vì chồng con
hơn năm mươi năm ra đời
cuộc sống dạy:
- em phải quên mình
vì mọi người
tóc bạc rồi
anh lại bảo:
- em phải là chính mình
không là mình chán lắm
anh ơi
em còn mình đâu?
ba mươi năm
em toàn làm người khác
giờ tìm mình
ở đâu?
ôi, chính mình
của bươm bướm
là sâu
chính mình
của giọt sương
là hơi nước
chính mình
của hoa
là nụ
chính mình
của nụ
là cây…
chính mình
của em
là anh đó!
KHAI THẬT ĐI ANH
khai thật đi anh
anh có phải
là con ma
sao linh hồn em
vừa được
lên thiên đàng
đã bị bắt
xuống địa ngục
khai thật đi anh
anh có phải
là con quạ
mổ em
mù mắt
để em không còn nhìn thấy
một người đàn ông nào khác
ngoài anh
khai thật đi anh
anh có phải
là sa mạc
đày đọa em
trong cơn
khát vĩnh hằng
khai thật đi anh
anh có phải
là con người
trả chiếc chìa khóa cửa cho em
ngày em về huyệt mộ ?
CẦN ĐƯỚC
má gốc gió ba gốc xa từ nắng
em gốc Nam Kỳ
Cần Đước
đước ơi
đước mang bầu ở chân
chồm chồm như những chiếc nơm
úp phù sa lấn biển
những kiếp người phiêu bạt
lặn vô thân phận đước
buồn vui với bão tố
ngủ nghê cùng sóng khơi
giành giật với biển cả
từng hạt hồng cầu đất
ăn mặn chát
uống mặn chát
nước mắt người
mang linh hồn đước mặn mòi
đước à
có tiếng cười lạt lẽo
nhưng khóc không lạt lẽo
khóc mặn
một hôm
những cây đước bước lên bờ
thành người Cần Đước
em - người đàn bà miền Nam gốc đước.
MIỆT VƯỜN
má chôn cuống nhau em
vào tiếng cuốc
chiều miệt vườn gió lạc trong cây
đêm bị thương bởi tiếng đờn cò
chú Tư vuốt
ánh trăng thành tiếng nấc
miệt vườn
gan ruột ai xuống xề câu vọng cổ
khách thương hồ
ly rượu bốc mù sương
ma đưa lối
tiếng vạc sành xe thổ mộ
nhịp hồn xưa
gõ mõ suốt canh trường
quẫy sao trời
cá lìm kìm nức nở
không ai là người dưng
khác làng cũng lối xóm
quầng mây thành bà con
người khuất mặt khuất mày tiên tổ
ổ chim trên bàn thờ
chung nước uống tàn nhang
miệt vườn
cố hương của nỗi niềm vạn cổ
ai chưa biết thưởng thức nỗi buồn
dẫu có đi tới tận cùng châu thổ
cũng không tìm thấy miệt vườn
em là miệt vườn
anh bỏ quên
ngoài cửa sổ !
TIỂU SỬ
NGUYỄN THỊ ÁNH HUỲNH
Tên thật : Nguyễn Thị Ánh Huỳnh
Sinh 26-8- 1955 tại Quận 4 Sài Gòn
Quê quán : Cần Đước, Long An
Trước 1975 học ĐH Văn Khoa
Sau 1975 học ĐHSP thành phố HCM
Dạy học môn văn từ năm 1977
Đã in 4 tập thơ
-Giọt mưa bất chợt –nxb Văn Học 2003
-Không dám tắt đèn - nxb HNV 2005
-Đừng múc cạn nỗi buồn –nxb HNV 2008
-Những vàm sông đêm – nxb HNV 2018
-Giải thưởng thơ Báo Tài Hoa Trẻ 2001.
Tặng thưởng thơ HNV TPHCM 2006.
Giải thưởng thơ VNQĐ 2009.
Tặng thưởng thơ HNV TPHCM 2019
Hội viên Hội Nhà Văn TPHCM
Họi viên Hội Nhà Văn VN
Kết thúc bài viết là lời chúc sức khoẻ, an yên và luôn hiện hữu khoảng trời thi ca rất riêng của thi nữ nhé Nguyễn Thị Ánh Huỳnh.
( Xuyên Mộc tháng 5.2023 )
Ánh Huỳnh không thích đưa hình chân dung mình nên người viết phải chìu ý vậy.