Nước mắt ngư dân hòa vào biển Đông để những mùa cá bội thu. Nước mắt ấy từng đổ khi bão tố cuồng nộ ngăn cản hải trình. Nước mắt ấy đớn đau khóc tiễn đưa những người con của biển lòng biển Mẹ. Nước mắt ấy khô khốc hờn căm khi ngư cụ, hải sản đánh bắt bị tàu cướp lấy sạch. Nước mắt ấy mừng mừng tủi tủi khi được mùa cá bội thu, khi được trở về cùng vợ con, làng xóm.
Trên cõi đời này, có nước mắt nào cho tâm nguyện chưa thành? Một thí sinh thi rớt có thể buồn khóc vô chừng, cũng có thể nuốt nước mắt vào trong lòng, gượng cười cùng bè bạn. Cũng có thể đó là giọt lệ buồn của người lâm chung biết chẳng còn sống trên cõi đời này được bao lâu khi biết bao việc lo cho gia đình, con cháu chưa xong, nên chưa yên lòng nhắm mắt. Cũng có thể đó là việc trả ơn nghĩa cho một ai đó chưa trọn vẹn mà phải chấp nhận.
Tôi làm sao quên được, đôi mắt của ba tôi trong những ngày cuối đời. Đôi mắt ba tôi như ngấn lệ. Những gì ba tôi dặn dò đều được ghi lại bằng lời trước khi từ giã cõi đời này. Tôi như thấy đôi mắt của ba tôi mãi dõi theo tôi. Và đôi mắt của mẹ tôi. Đôi mắt của mẹ từng khóc khi gia đình tôi kẻ ở miền Trung, người ở miền Nam. Và cũng đôi mắt ấy, mẹ khóc mừng khi bà nội và hai đứa em của tôi từ Đồng Nai về cùng gia đình ở Đà Nẵng.
Giọt nước mắt nào cho tôi? Những lúc ốm đau, bệnh hoạn, tôi không khóc. Nhưng từ trong sâu thẳm của lòng mình, tôi nén lòng chịu đựng sự đớn đau của thân xác. Tôi giữ những giọt nước mắt như giữ cái tình riêng của mình. Tôi muốn khóc lắm. Nhưng không thể khóc. Vì trước mắt tôi, bên cạnh tôi còn có bao người thân yêu. Nào là vợ, con, ba mẹ, anh em, bè bạn. Không lẽ tôi để những giọt nước mắt của mình làm tổn thương lòng của họ. Tôi cũng có lúc khóc, nhưng hầu như không ai thấy. Tôi khóc thầm, khóc lúc nửa đêm, khóc dấu lòng mình bằng nụ cười gượng gạo. Đó là những lúc tôi thấy thân phận bé nhỏ của mình trước mênh mông của đất trời, trước những thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh. Tôi đã từng khóc khi tôi hôn nụ hôn đầu với người mình yêu. Tôi và cô ấy từng khóc bên nhau khi tình yêu của chúng tôi gặp sóng gió. May mà cô ấy thành người bạn đời chia sẻ đắng cay ngọt bùi cùng tôi. Nước mắt của chúng tôi như hòa cùng nhau trong niềm yêu thương đi suốt cuộc đời.
Tôi nhớ lại những tháng năm cả thế giới bị dịch covid 19. Giờ giao thừa, tôi chở vợ tôi đi chùa. Tôi đứng ngoài cổng chùa, còn vợ tôi như lệ thường vào thắp hương cầu nguyện. Tôi không biết cầu nguyện những gì khi thấy mọi người đeo khẩu trang, chỉ còn hai con mắt chào nhau ngày tết. Tôi như muốn khóc. Thôi thì chỉ cầu cho quốc thái, dân an, thế giới yên bình. Trong tôi dâng nỗi buồn vô hạn. Nước mắt tôi như muốn trào ra, tôi chẳng biết sao mình xúc động đến vậy?
Thường ngày, tôi có xem tivi, cũng như trên mạng internet. Những giọt nước mắt buồn vui của bao người được ghi lại bằng hình ảnh. Đó là giọt nước mắt của những đứa trẻ vùng cao, miền xa, có hoàn cảnh khó khăn, học hành không đến nơi đến chốn. Đó là giọt nước mắt của những người bị thiên tai như động đất, sóng thần, bão, lũ. Đó là giọt nước mắt vô tội của những người dân bị thương tích, bị mất nhà cửa, người thân bởi chiến tranh, khủng bố. Và còn biết bao dòng nước mắt khác đã tuôn rơi. Quả là trên thế gian này, "nước mắt nhiều hơn nước sông Hằng" (Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm Phi thường, VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.527). Đó còn là giọt nước mắt vui khi người thân được đoàn viên, hội ngộ. Đó là giọt nước mắt hối lỗi, ân hận của những phạm nhân, giọt nước mắt hướng thiện. Đó còn là giọt nước mắt vui của người làm được việc tốt đẹp cứu giúp người đời. Giọt nước mắt khi người thân yêu được tai qua, nạn khỏi. Đó là những giọt nước mắt an lành, được tưới bởi nước cam lồ thánh khiết.
Thế nhưng đâu đó có những giọt nước mắt nhân danh đạo đức, từ bi, bác ái của bọn lòng dạ cáo, chồn, hổ, báo... giả nhân, giả nghĩa khóc than số phận con người. Đó là nước mắt Trịnh Hâm "giả tiếng kêu trời" sau khi xô Lục Vân Tiên. Đó là những giọt nước mắt hài hước, lố bịch, đóng kịch diễn ra ở đám tang cụ cố Hồng trong "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng cũng như bao đời nay.
Tôi có đứa cháu nội lên ba. Nó cũng có lúc khóc. Nghe tiếng khóc của nó dẫu có nước mắt nhưng biết đó là nước mắt giả đò, làm nhỏ. Đó là thứ nước mắt mong được người khác quan tâm. Quả là những giọt nước mắt con trẻ làm nũng chỉ có vui, đâu có buồn.
Thế nhưng trong tôi như thấy những giọt nước mắt căm thù ở đâu đó trong tiềm thức, bởi tôi đọc ở trong những trang sử, trong những câu thơ, câu văn có những giọt nước mắt căm thù cái ác, căm thù giặc cướp nước, căm thù bất công. Tôi mường tượng những giọt nước mắt của Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh, Đặng Dung… Ôi, những giọt nước mắt của anh hùng, hào kiệt! Tôi cũng bắt gặp giọt nước mắt của chị Dậu, Chí Phèo, cùng bao người cùng khổ muôn đời nay… Ôi, những giọt nước mắt của lương dân!
Thường thì ai cũng có những giấc mơ và nhớ giấc mơ đã qua. Nhiều đêm liền tôi mơ về những hình ảnh để giờ tôi như thấy diễn ra trước mắt mình. Này là hình ảnh của những của biết bao công nhân ở Bình Dương, Đồng Nai, Sài Gòn, Bắc Giang... vừa mất việc làm, tay nách xách mang chút quà của ngày cuối cùng ở nhà máy để ngày mai về lại nơi chốn quê nhà. Tôi nghe tiếng nói của họ. Ngày mai tau về, tau nhớ mày lắm đó. Nhớ điện cho tau nghe. Khi nào mình gặp lại. Bọn mình sống sao đây?... Nghe họ nói, tôi tưởng như nước mắt của họ thấm đẫm trên cung đường hồi hương. Nước mắt của họ có làm tim bao người xúc động?
Cũng là những cơn mơ đến với tôi. Tôi mơ thấy bao người vật vã, khóc than bởi thiên tai, dịch bệnh, đói khổ. Và tôi mơ ngày sau rốt, nước mắt của bao người sẽ là nước mắt mừng vui khi tai qua nạn khỏi. Tôi thấy những giọt nước mắt mừng vui khi gieo nhân thiện lương, gặt quả phước hạnh. Quả là: “Người nào gieo giống trong nước mắt sẽ gặt hái cách vui mừng. Người nào vừa đi vừa khóc, đem giống ra vãi, chắc sẽ trở về cách vui mừng, mang bó lúa mình” (Thi Thiên 126: 5-6 VIE2010).
Nhiều khi những buổi chiều buồn, tôi thường tìm quán cà phê ngồi một mình. Không phải ngồi khóc một mình. Không phải giải khuây. Cũng không biết để làm gì. Có phải tôi tìm chính tôi? Tôi bâng quơ. Bởi không biết làm gì, thôi thì, lấy điện thoại mở Facebook xem sao. Tôi vào trang của một người bạn yêu thích nhạc. Và lời bài hát vang lên: “Giọt nước mắt thương con, con ngủ mẹ mừng/ Giọt nước mắt thương sông ấp ủ rêu rong/ Giọt nước mắt thương đất, đất cằn cỗi bao năm/ Giọt nước mắt thương dân, dân mình phận long đong…” (Giọt nước mắt cho quê hương, Trịnh Công Sơn)
Nghe bài hát tôi thầm nghĩ nước mắt có dành để yêu thương không? Và ai từng khóc bởi yêu thương?