Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
915
123.136.224
 
Cuộc đời mẹ Monica
Nguyễn Vĩnh Căn

 

             Mẹ Monica bước lẫm chẫm lại ghế ngồi một cách khó khăn, và điều đó, khiến mẹ biết rằng: giang sơn của mẹ ngày một thu hẹp dần theo tuổi tác.

Mẹ nhớ, ngày mẹ vào đây mới chỉ là cô bé mười hai tuổi. Cô nhà tập đang tuổi ăn, tuổi chơi đầy vô tư khi bước vào khuôn khổ của dòng tu, để những ngày đầu tiên cô bé nhớ nhà đến phát khóc.

            Giang sơn của mẹ đang rộng mở cho cánh chim vào đời với bao hoài bão mộng mơ, thì mẹ tự thu hẹp nó vào cái lồng chim nhỏ bé trong khuôn khổ của một tu viện nữ. Ở đó, mẹ sớm được trau dồi nhân đức trong bốn buổi kinh nguyện với những lời giáo huấn của các mẹ bề trên mỗi ngày.

Đến cái lần khấn tạm. Mẹ biết, mẹ đã giã từ cái tuổi thanh xuân mơ mộng lâu lắm rồi, để bó hẹp đời mình trong lời khấn: “Con nguyện suốt đời trung trinh theo Chúa và Mẹ Maria”.

Và cái ngày đó, các nữ tu trước khi bước lên bàn khấn, cũng ít nhiều lao lung giữa đôi ngã đường: thoát ra khỏi cái lồng chim với bầu trời phía trước nhiều hoa thơm cỏ lạ? Hay tự nhốt mình trong cái lồng chim rỉ sét đời mình mỗi ngày? Chính lúc này đây, sự tu trì lâu ngày mới phát huy hiệu quả để các tu sinh quyết đoán, vững bước lên bàn thánh hiến.

Nhưng cái ngày khấn trọn đời, mới thực sự là ngày cánh cửa tu viện khép lại, để chung thân cuộc đời mình. Hầu như đến tuổi này, không ai còn phải nghi ngờ và ân hận vì sự chọn lựa con đường tu trì nữa rồi, để lòng hân hoan bước lên bàn thánh hiến.

Cả cơ ngơi tu viện bề thế: với bốn tầng lầu thông thoáng, vườn rau xanh tươi bên những luống hoa muôn màu thoai thoải chạy xuống tới chân đồi khe suối. Trại chuồng vật nuôi hàng hàng lớp lớp là thế, mà tất cả, bỗng thu ngắn đời mẹ trong tuổi già bóng xế nơi căn phòng trệt, với ô cửa sổ hướng ra đồi cao ngàn thông gió hát vi vu suốt bốn mùa.

***

Mẹ Monica có thói quen mỗi sáng cố gắng bước lại khung cửa sổ để nhìn ra cõi đời bên ngoài. Ở đó, mẹ ngồi hằng giờ để suy gẫm và tính sổ lại với những gì con tằm nhả tơ cho đời, nay trong tuổi già mẹ mới có dịp cuốn cuộn chỉ đời mình lại. Có lắm khi êm đềm, hân hoan niềm vui thánh và cũng không thiếu những mắc mớ nút thắt của đời mẹ trong tu viện.

            65 năm sống trong tu viện, mẹ chỉ gom vào 12 năm mẹ làm bề trên để tổng kết đời mình.

            Thú thật, khi mẹ được chỉ định làm bề trên, mẹ bất ngờ quá đỗi để oà khóc từ chối: “Mẹ Lucia ơi! Con không thể đảm nhận được trọng trách nặng nề này đâu, vì thân con yếu hèn và bất tài”. Mà quả thật thế! Con người mẹ mảnh mai, vóc dáng lại cao lòng khòng, tuổi tác ngày càng đè nặng trên vai gầy mẹ trong dáng đi lom khom. Trình độ của mẹ cũng chỉ mới tốt nghiệp lớp 9, so bì học vấn của nhiều chị em thì mẹ còn thua kém xa. “Mẹ cứ nhận lãnh, rồi Chúa sẽ phù trợ, mẹ khỏi phải lo”. Mẹ Lucia trấn an.

Mẹ lên làm bề trên vào lúc thời cuộc khó khăn nhất sau năm 75, khi mà cả kinh tế lẫn đời sống tu trì bị phong toả trong khuôn viên tu viện, khiến nhiều chị em ái ngại cho mẹ.

            Những tưởng viên đá người thợ xây bỏ quên, bỗng đâu trở thành viên đá góc tường cho tu viện, cả đối nội và đối ngoại trong những năm tháng khó khăn đấy. Mọi người không thể ngờ cái thân cò sếu của mẹ lại thẳng lưng hơn trong bước đi hoạt bát và năng nổ. Hình như mặc cảm yếu kém về trình độ, khiến mẹ phải nỗ lực hơn trong mọi công việc điều hành.

Chỉ sau hơn một năm cải tổ lại bộ máy điều hành nhân sự trong tu viện, đã đem lại những thành quả tốt đẹp cho vận hành của tu viện. Những bộ phận làm kinh tế mới ra đời với các tổ chăn nuôi và trồng trọt: gà, ong, heo công nghiệp sát cánh bên các tổ cây trồng rau xanh và hoa tươi, làm nên một khối thống nhất để hổ tương cho nhau. Mọi người rất vui mừng vì tu viện đã bước qua thời kỳ quá độ trong đói khổ, ngặt nghèo và bệnh tật.

Việc tu đức cũng được phá vỡ lề lối cũ - giam mình trong bốn bức tường kinh nguyện, bằng cách cho các nữ tu vào đời với những công việc thiết thực hơn trong cuộc sống: làm từ thiện giúp đỡ chăm sóc các bệnh nhân trong bệnh viện. Mở các lớp nuôi dạy trẻ. Đi thăm các trại phong cùi. Uỷ lạo các người già cả và bệnh tật…Tất cả mọi công việc đều đổ dồn trên đôi vai gầy của mẹ Monica.

            Ngày mừng kim khánh của mẹ, mọi người đến chúc tụng mẹ với những lời khong khen. Mẹ Lucia cảm kích: “Con thật không ngờ mẹ lại có tài thao lược đảm đang đến thế!”. Trong nỗi hân hoan vui sướng ngợp tràn, mẹ bật khóc: “Con có được thành quả như ngày hôm nay là do bàn tay Chúa và Mẹ Maria nâng đỡ và quan phòng, cùng sự cộng tác nhiệt thành của mẹ và các chị em, chứ con có tài cán chi.”

            Nhìn lại những thành quả đạt được, nỗi vui mừng phấn kích hiện rõ trên khuôn mặt rạng rỡ của mẹ.

***

Nhưng rồi một hôm...

Nơi cánh cửa sổ mà mỗi sáng mẹ hằng dõi mắt lên đồi thông, bỗng làm mẹ xây xẩm mặt mày, khi nhìn thấy một bóng phụ nữ, tóc xõa tung bay trong gió, quần áo lượt là, đi chân đất tiến đến cây thánh giá và phủ phục xuống rất lâu, rồi cất tiếng hát thánh vịnh ngợi khen Chúa. Hình ảnh đó như cơn gió xoáy vào sâu thẳm tâm tưởng mẹ, làm mẹ nhói đau. Mẹ gục xuống trên tay ghế dựa. Mãi một lúc sau, một tập sinh phát hiện để đưa mẹ vào phòng tĩnh dưỡng.

***

Trong tâm tưởng mẹ vẫn còn nhớ rất rõ.

            Ngày ấy, tu viện sống trong cảnh cô lập bởi thời cuộc. Chính quyền địa phương kiểm soát rất gắt gao từ đăng ký tạm trú tạm vắng đến hộ khẩu rất nghiêm ngặt. Hình như định kiến về tôn giáo từ thời Tây qua truyền giáo đến nay, vẫn là nỗi ám ảnh của chính quyền cách mạng, để sau ngày giải phóng, các tu viện hay cơ sở của tôn giáo - nhất là Công giáo luôn bị chính quyền nhà nước quan tâm một cách khắc nghiệt.

Lần đầu tiên Công an Phường kiểm tra hộ khẩu, đập cửa vào khám xét lục lọi như truy tìm kẻ gian được tu viện bao che không bằng. Cả tu viện thức giấc trong xao xác hoang mang. Ai cũng lo sợ, không biết số phận mình sẽ ra sao: có bị bắt bớ đi tù đày chẳng? Đó là tâm trạng chung của người dân bị thất trận, chứ không riêng gì nữ tu khi bị công an sờ gáy.

            Dần dà các thủ tục khám xét cũng đơn giản hơn, bằng cách hỏi chuyện với Mẹ Tổng qua giấy tờ đăng ký tạm trú, tạm vắng. Sau đó các nữ tu cũng quen dần, để không còn sợ hãi mất ăn mất ngủ như lúc trước nữa.

***

Mẹ ngồi đó. Có khi thờ thẫn mãi trong con mắt đục lòa tinh thể. Những ý nghĩ không cánh bay đi đến tận nơi nảo nơi nao. Những ký ức ấu thơ trở về, khiến mẹ ngây ngô cười như đứa bé lên năm: “Mẹ ơi! Con thương mẹ lắm! Sau này lấy chồng giàu sang, con sẽ đeo vàng nơi tay, nơi cổ, nơi tai…rồi con sẽ xây cho thầy mẹ nhà lầu, và mua cả xe hơi, để thầy mẹ khỏi phải nghèo khổ”. Rồi mẹ khóc vì mẹ đã bỏ quên lời hứa với thầy mẹ để đi tu, làm thầy mẹ vẫn cứ nghèo khổ…Khi tỉnh lại mẹ mới biết…

***

Đó là giai đoạn khó khăn nhất đời mẹ. Mọi chi thu ngân sách của tu viện phải tự xoay xở kiếm sống. Mà giai đoạn đó ở ngoài đời còn rất khó khăn kiếm sống, nói chi là bị thu bó trong tu viện. Kiếm được cái ăn và chi tiêu đã khó, rồi còn phải đối mặt với bao vấn đề. Tu viện hồi đó như một pháo đài để phải muôn bề chống đỡ, chứ không còn thuần nhất là dòng tu trì nữa.

***

Nơi cánh cửa sổ đó, đã cho mẹ thả hồn rong chơi trên đồi thông không biết chán. Hình như mẹ muốn đòi lại những gì mẹ đã bị đánh mất tuổi thơ khi bước vào tu viện. Cô bé thắt hai bím tóc trông nhí nhảnh và dễ thương đáo để ngày nào, chạy tung tăng trên đồi thông, đùa vui bắt bướm ép vào tập sách. Bây giờ nhìn lại cánh bướm vẫn còn thanh xuân như ngày nào, mà đời mẹ đã tóc bạc thời gian. Bàn tay mẹ rung rung cầm lấy cánh bướm, tưởng như đang hối tiếc về một thời đã qua. Những quả thông đen láy vẫn còn trong hộc bàn, mà đôi tay thon thả ngày nào đã nhăn nheo rã rời buông xuôi…buông xuôi theo dòng tâm tưởng…Ánh nắng soi vào mắt khiến mẹ bừng tỉnh…

***

Ai cũng mừng tai qua nạn khỏi, ăn yên ngủ kỹ, để tu trì kinh nguyện mỗi ngày đêm.

Nhưng bỗng một sáng nọ...Mọi người thấy tượng Chúa đóng đanh ở nhà nguyện bị vỡ tan nát. Không ai có thể nghĩ ra: vì lý do nào mà tượng lại bị rớt vỡ tan tành như thế? Rồi công việc của tu viện ngày một dồn dập làm không hết công, vất vả cả ngày đêm, tối kinh nguyện xong mạnh ai nấy ngủ, chứ còn tâm trí đâu mà quan tâm đến việc gì nữa.   

Mấy tuần sau. Một sáng nọ, nơi phòng khách tiếp tân, lại thấy tượng Chúa đóng đinh cũng bị rơi vỡ nát, nhưng là rơi cả giá gỗ, bởi cái đinh bị tróc ra. Mọi người trong tu viện lại một phen sửng sốt ngạc nhiên. Điều kỳ lạ này, xưa nay chưa từng xảy ra trong tu viện.

Đúng vào thời điểm đó, mẹ Monica đang phải đa đoan nhiều công chuyện để không có thời giờ bận tâm về những việc như thế.

Đến hai tháng sau, tượng Chúa mới treo lên ở phòng khách lại rớt bể tan tành. Lần này thì không chỉ mẹ Monica mà tất cả tu viện đều đặt vấn đề: “Có ai chủ tâm phá tượng Chúa?”. Một vài giả thiết được đưa ra: có thể do gió mạnh đánh rớt? Có thể do chó mèo đùa bắt thằn lằn trên tượng Chúa mà đánh rớt tượng Chúa? Điều này, được một vài chị xác nhận: “Có con mèo hoang đêm đêm vẫn hay lui tới tu viện, ăn vụng đồ ăn, hoặc bắt gà…”. Nhưng mẹ Monica vẫn thấy mọi giả thiết đưa ra không có sức thuyết phục; Bởi tượng Chúa lớn và được gắn vào giá rất chắc chắn.

Thế là mỗi đêm, mẹ lại mất ngủ để âm thầm rình rập nơi nhà nguyện. Mẹ vẫn nghĩ là chuyện này chỉ xảy ra trong nội bộ tu viện, bởi là kẻ ngoài vào sẽ bị chó phát hiện và sủa rân vang. Mẹ quyết bắt kẻ phá hoại bằng được.

Quả thật một tháng sau. Đêm đó, khi mẹ đang canh chừng nơi nhà nguyện. Quá mỏi mệt và mẹ đã thiếp ngủ. Bỗng tiếng chuông reo nơi phòng khách, khiến mẹ lật đật chạy tới phòng khách, thì không còn thấy bóng dáng ai nữa. Cả tu viện vẫn mê thiếp trong giấc ngủ để không hề hay biết tiếng chuông reo.

Bây giờ mẹ biết chắc kẻ phá bĩnh đó, phải là một nữ tu trong tu viện này. Còn việc lý giải: tại sao kẻ lạ lại phá vỡ tượng Chúa, thì mẹ vẫn chưa đoán ra. Thao thức nhiều đêm không bắt được kẻ lạ, mẹ đoán kẻ lạ biết được mẹ rình rập, nên một thời gian dài không dám tái diễn. Mẹ mới nảy ra một ý…

***

Từ nơi cánh cửa sổ, mẹ bỗng nhớ về một con đường quanh co dẫn về làng…

***

Ngày đó, mỗi năm về hè là mỗi năm cô bé lớn lên trông thấy rõ. Thằng Huân bạn từ hồi nhỏ thốt lên: “Hằng lớn lên hẳn làm Huân nhận không ra”. Tình bạn vẫn còn thân quen như ngày nào. Hai đứa vẫn thường dắt nhau ra đồng ruộng, hay ra vườn rau tưới tắm và nghịch nước đùa bỡn với nhau rất vô tư. Có lần, hai đứa rong chơi trên đồi thông hái hoa bắt bướm. Loay quay thế nào, Hằng bị trượt chân té ngã khiến Huân phải loay hoay đỡ Hằng lên để rịt côm cốm - một loại lá cây rừng, cho khỏi máu chảy. Khi Hằng hoàn hồn tỉnh lại mới thấy ngượng vì để Huân bồng như thế.

Huân buồn buồn:

- Phải chi Hằng không đi tu nhỉ?

- Hằng đi tu thì đã sao?

- Thì Huân lẻ loi nơi chốn quê này không buồn sao được.

- Huân vẫn có bạn bè làng xóm, cha mẹ anh em đấy mà.

- Nhưng thiếu Hằng, Huân vẫn thấy buồn.    

Đêm đó về. Hằng thao thức mãi không ngủ được. Cảm giác ấm áp và hơi thở nồng nàn khi được Huân bồng bế, vẫn làm cho Hằng cảm thấy êm đềm và ngây ngất cho những ngày sau đó. Kỳ nghỉ hè đó Hằng đã đi sớm hơn, vì sợ ở lại sẽ bị bi luỵ vào tình cảm thân thương (hồi đó Hằng vẫn chưa có khái niệm về tình yêu trai gái).

Bây giờ nghĩ lại, mẹ cảm thấy tiếc nuối…phải chi…

***

Nhân ngày cấm phòng ở Tòa giám, mẹ đánh tiếng đi cấm phòng và bố trí cho sơ Linh - người mà mẹ vẫn hằng tin tưởng, để canh phòng.

Quá tam ba bận. Đêm ấy, mẹ đã được chứng kiến một cảnh hết sức lạ lùng và kỳ quái: một nữ tu đang ôm hôn tượng Chúa một cách say mê. Cả tấm thân cà sát vào tượng Chúa, như đôi tình nhân luyến ái với nhau. Mẹ chạy vội lại và ôm chặt cứng người nữ tu. Người nữ tu như chợt tỉnh, thân người mềm nhũn, quỳ xuống van lạy mẹ. Nhưng điều làm mẹ bất ngờ hơn để không thể tin vào mắt của mình, bởi chẳng ai khác, là sơ Linh - một người đạo hạnh mẹ hằng tin tưởng, lại là thủ phạm trong cái vụ làm bể tượng này, khiến mẹ chết điếng trong lòng.

***

Nhớ lại ngày đó…Khi cô bé Linh vừa tốt nghiệp xong cấp III và được nhận vào nhà tập, chính mẹ đã đỡ đầu và linh hướng cho Linh như một người con của mẹ. Rồi năm tháng trôi qua, Linh lớn lên trong sự tu trì đức hạnh, ngày một mộ đạo và sốt sắng trong các giờ kinh nguyện. Cùng một lớp nhưng Linh lại được đôn lên khấn tạm sớm hơn. Mọi việc sắp xếp tổ chức trong tu viện, mẹ đều tin tưởng để chị đảm trách. Sắp đến ngày khấn trọn đời thì sự việc đáng tiếc xảy ra, khiến mẹ sững sờ và hết sức thất vọng. Đối với mẹ, đó là một sự dữ đáng kinh tởm.

Việc làm bể tượng Chúa, điều đó không đáng chi với tu viện. Nhưng điều làm mẹ quan tâm nhất: yêu Chúa cuồng si bằng cả xác thể nhục cảm là không thể chấp nhận được. Mẹ hoàn toàn bị dị ứng với trường hợp chưa bao giờ xảy ra trong tu viện. Điều đó cũng khiến mẹ bối rối để xử lý trong trường hợp này.

Sau lần đó, sự việc không còn tái diễn nữa. Thực ra, việc này cũng chỉ có hai mẹ con biết với nhau mà thôi. Nhưng mẹ cứ mãi thắc mắc: không biết lý do nào mà Linh lại rơi vào bệnh lý như thế?

Mẹ chưa kịp mời sơ Linh lên gặp, thì ngay tối hôm sau, chị đã đến phong mẹ khóc lóc nài nỉ, để xin mẹ tha cho:

- Mẹ ơi! Bao nhiêu tượng bị đổ vỡ con sẽ nói thầy mẹ con đền cho nhà dòng.

- Chuyện đó chẳng đáng con phải quan tâm. Đối với một nữ tu, tình yêu Chúa phải luôn trong sáng tinh khiết chứ không thể vướng nhục thể xác phàm.

Sơ Linh buồn bã, cúi mặt xuống.

- Con yêu Chúa cuồng si như thế từ bao giờ?

Sơ Linh khóc sụt sùi kể lại:

“Ngày ấy, ở giáo xứ con có một thầy về giúp xứ và tập hát cho ca đoàn. Con cũng là một ca viên và với tuổi mộng mơ ươm đầy chất lãng mạn, để rồi con yêu thầy Sáu Minh mê đắm. Khi thầy Sáu trở lại Đại chủng viện, con sướt mướt khóc. Thầy Sáu khuyên con: “Nếu muốn yêu thầy, Linh hãy yêu Chúa để có được một tình yêu tuyệt đối”. Con về nhà suy ngẫm và nhìn tượng Chúa, con bỗng thấy có hình bóng thầy Sáu Minh ở trong Chúa. Cũng tóc xoắn tít rủ xuống bờ vai, cũng ria mép, trông rất hào hoa và nghệ sĩ”.

 “Rồi con quyết định đi tu, khiến cả nhà và giáo xứ đều ngạc nhiên: “Một cô bé hương sắc đang phơi phới yêu đời với quần là áo lượt, son phấn đỏm dáng, bỗng nhiên xin đi tu. Quả là chuyện lạ”. Ai cũng nghĩ: “Đi tu chi con nớ, ba bảy hai mốt rồi cũng về đó dừ!?”.

“Dẫu rằng khi con đi tu là một sự chạy trốn thực tại thất tình, nhưng mãi về sau, hình bóng thầy Sáu Minh – bây giờ là cha Minh, đã chìm khuất vào hình bóng của Chúa. Từ đó con yêu Chúa mê say, mà không còn vướng đọng hình ảnh thầy Minh trong tâm tưởng con nữa. Con xin thật tình tỏ bày để cho mẹ hiểu và cảm thông với con!”.

- Nhưng con có biết, điều con làm là xúc phạm đến Chúa không?

- Thưa mẹ, con nghĩ, đó là điều tự nhiên để con yêu Chúa ạ! Tại sao trai gái yêu nhau còn dâng hiến cho nhau cả thể xác và tâm hồn, thì chúng ta lại tiếc nuối thể xác khi yêu Chúa?

- Nhưng Chúa không muốn con phải thể hiện một tình yêu đầy nhục cảm xác phàm như thế.

- Thưa mẹ, điều này con chưa thấy trong thánh kinh và giáo hội quy định và ngăn cấm. Và con chỉ biết trong thánh vịnh có câu: “Chúa làm hoan lạc tuổi thanh xuân con…”.

Mẹ Monica thật sự bất ngờ khi nghe những lời phân trần đầy lý lẽ như thế. Mà quả thật, mẹ cũng chưa bao giờ nghe sách vở giáo huấn cấm ngăn chúng ta yêu Chúa cả thân xác. Điều đó làm mẹ khá bối rối để phân xử. Nhưng với mẹ, dù nói thế nào đi nữa, đó cũng là một sự xúc phạm đối với Chúa.

Mẹ khuyên sơ Linh về cầu nguyện, và lần sau gặp lại mẹ.

Trong đời mẹ, chưa bao giờ phải gặp một trường hợp hết sức nan giải khó phân xử đến thế. Chẳng lẽ, đuổi người nữ tu về, vì tội nhiệt tình yêu Chúa đến hết cả tâm hồn, và cả thể xác? Nhưng nếu để Linh ở lại thì mẹ thật sự rất áy náy. Vì theo mẹ, đó là cách yêu Chúa bệnh hoạn, mẹ không thể chấp nhận được. Và có thể điều đó làm gương mù gương xấu cho các nữ tu khác.

Mẹ ngồi bần thần, để cho những suy tư bay bỗng chốn phương nao…

***

Những mùa hè sau, Hằng về quê nhà. Khi đó, Hằng đã là một thiếu nữ nảy nở, căng cứng nhựa sống dưới lớp áo lót chật ních như muốn bóp nghẹt tuổi xuân thì của Hằng. Huân vẫn sang nhà chơi như tình bạn thuở nào, nhưng Hằng phải giữ gìn ý tứ hơn, để không thể xảy ra chuyện đáng tiếc như lần trước.

Nhớ lại lần đó, khiến mẹ mất bao tháng ngày mới xoá sạch được những ký ức về cảm xúc nồng nàn cám dỗ tội lỗi ấy. Nhưng Huân bây giờ cũng đã là một chàng trai trổ mã của một chú gà trống miền quê, nhưng không kém phần trau chuốt đầu tóc, áo quần tươm tất, và cả lời ăn tiếng nói cũng thuần từ lịch lãm hơn. Hằng tránh gợi chuyện xưa để Huân không có dịp thổ lộ tâm tình. Nhưng rồi Hằng vẫn nhận được thư của Huân lén đặt trong quyển sách phụng vụ giờ kinh. Mặc dầu Hằng đã cảnh giác với mọi tình huống xảy ra với mình. Thế mà khi nhận được lá thư, Hằng vẫn xúc động và bồi hồi ngẩn ngơ mấy bữa. Nhưng rồi sự đời trớ trêu thay: tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Hằng dự định đi sớm hơn, và không báo trước cho Huân biết.

Chiều đó, Hằng ra ao rửa rổ khoai - luộc để tối lên xe ăn. Hằng không ngờ ao nhà mới khảo lại, sâu hơn, khiến khi rổ khoai đổ xuống, Hằng với theo và bị té nhào xuống bơi chấp chới trong ao. May có Huân đến bơi xốc Hằng lên. Huân đưa Hằng lên bờ. Trong khi Hằng còn đang chếnh choáng mặt mày, thì Huân ghé môi hôn Hằng. Hằng vẫn ủ ê trong cơn choáng để cho cảm giác vị hôn ngọt ngào chảy tràn vào cơ thể những cảm xúc nồng cháy.

Như chợt tỉnh ra. Hằng đẩy người Huân, rồi chạy vào phòng đóng cửa, ngồi khóc rấm rứt. Hằng cảm thấy sự tội ghê gớm hành hạ và day dứt khôn nguôi trong tâm tưởng Hằng. Nhưng những khi bâng quơ, Hằng lại thấy vị ngọt và hơi ấm nồng nàn trên môi mềm.

Những khi như thế, Hằng ra sức cầu nguyện để xua đi sự cám dỗ tội lỗi ấy. Cảm xúc đó bàng bạc mãi cho gần đến ngày Hằng khấn tạm. Đó là lần Hằng ngập ngừng giữa hai ngã đường. Nhưng rồi sau nhiều đêm cầu nguyện, Hằng mạnh mẽ dứt khoát để bước lên bàn thánh.

***

Mẹ lại xây xẩm mặt mày, khi nhìn ra đồi thông. Hình ảnh người phụ nữ cứ ám ảnh mẹ mãi. Trong cơn mê sảng mẹ thét lên: “Không! Không! Con vô tội, con vô tội Chúa ơi!”

Sau một thời gian dài cầu nguyện. Sơ Linh đến gặp mẹ:

- Con vẫn mơ thấy Chúa mỗi đêm đến ôm con vào lòng. Lúc đó, trong con hạnh phúc ngập tràn. Tim con thổn thức, máu nóng râm rang khắp cơ thể. Con như chìm trong biển tình với niềm hoan lạc đê mê. Rồi con ôm chầm lấy Chúa trong mê say.

Mẹ Monica buồn bã lắc đầu:

- Tu viện này không còn chỗ cho một nữ tu yêu Chúa một cách nhục cảm đời thường như thế được nữa rồi con ơi!

***

            Ngày chia tay tu viện, sơ Linh khóc nỉ nước nỉ non để giã từ mọi người. Ai cũng bùi ngùi chiểu: tại sao chị ấy lại xin hồi tục?

Mẹ Monica rất đau lòng để nhìn thấy chị thất thểu bước ra khỏi cổng tu viện. Lần cuối khi chị phủ phục xuống hôn mặt đất, trước khi giã từ tu viện, mẹ chết lặng đi trong sự xót xa tiếc nuối khôn nguôi. Nhưng mẹ chẳng đặng đừng được việc cho chị ở lại tu viện. Điều đó khiến cho những giọt nước mắt mẹ, tưởng không bao giờ vơi cạn.

            Nhưng rồi những xót xa thương cảm đó, cũng nhạt nhòa dần theo năm tháng. Bởi mẹ còn bận rộn với công việc điều hành tu viện, để không cho mẹ kéo dài cảm xúc tiếc nuối ấy nữa.

***

            Cho đến một ngày… Mẹ tưởng đời mình sẽ được an nhàn khi rời chức vụ Mẹ Tổng để về hưu…

Rồi mẹ thấy bóng dáng của người phụ nữ xõa tóc đi lên đồi cao mỗi ngày, khiến cho mẹ day dứt mãi khôn nguôi.

Ngoài trời gió vẫn rì rào lay động trên hàng cây thông những thanh âm vi vu. Trong khi người phụ nữ bước đến bên tượng thánh giá trên đồi cao với cõi lòng thanh thoát, thì nơi cánh cửa sổ tu viện có một người đang chìm đắm trong nỗi ray rứt khốn khổ để tự dằn vặt với lòng mình: “Lạy Chúa, con là kẻ có tội muôn vàn khi đuổi chị ấy ra khỏi tu viện.

Đến bây giờ con mới biết rằng, chỉ với một nụ hôn vụng trộm ngày xưa, mà còn cho con cảm giác ngây ngất nồng nàn biết bao của một tình yêu giữa người nam và người nữ. Và thú thật với Chúa, trong 65 năm con theo Chúa, chưa bao giờ con có được tình yêu với Chúa bằng một cảm xúc như thế. Vậy mà con dám đuổi một người yêu Chúa bằng sự nồng nàn say đắm với hết cả lòng mình, ra khỏi tu viện.

Lạy Chúa, con thật đắc tội với chị ấy!

Và giờ đây, Chúa ơi! Con đã ngộ ra rằng: “Một tình yêu tuyệt đối, phải là sự hiến dâng cho người mình yêu cả tâm hồn lẫn thể xác!!!”

 

Châu Sơn - ngày 01/03/2008

 

 

Nguyễn Vĩnh Căn
Số lần đọc: 440
Ngày đăng: 08.11.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hai thành phố biển - Trần Hạ Vi
Rocky - Tiểu Lục Thần Phong
Bà tôi - Ngọc Thảo
Chiến công của lão quẹt - Nguyễn Đại Duẫn
Ma-nơ-canh - Nguyễn Thỵ
Giận kẻ bạc tình - Hoàng Thị Bích Hà
Đi tìm câu trả lời về dư luận - Đặng Xuân Xuyến
Mồ chôn tình yêu - Tiểu Lục Thần Phong
Chiều phai Dã Quỳ - Đỗ Nguyễn
Bóng hạnh phúc - Lê Hoàng
Cùng một tác giả
Khát vọng sống (truyện ngắn)
Chạm đến tâm linh (truyện ngắn)
Chuyện của Dần (truyện ngắn)
Đôi mắt ấy… (truyện ngắn)
Luỵ đời (truyện ngắn)
Gã ngố ! (truyện ngắn)
Một mảnh đời… (truyện ngắn)
Đời gia sư (truyện ngắn)
Đồ đểu! (truyện ngắn)
Trò đùa số phận (truyện ngắn)
Ngỡ như giấc mơ (truyện ngắn)
Cuộc đời mẹ Monica (truyện ngắn)
Sau mười năm... (truyện ngắn)
Mẹ tôi (truyện ngắn)
Mê cảm (truyện ngắn)
Một số phận (truyện ngắn)