Nhiều người xem - trong nghề hay ngoài nghề, cùng ý nghĩ & tâm trạng như tôi: phim “Người vợ cuối cùng” quả là một phim xem rất dễ chịu, không có những “hạt sạn ghê răng” như nhiều phim cổ trang khác, nhất là sau nhiều năm tháng mơ ước nền ĐẢ ta có được những phim lịch sử-dã sử ít nhất cũng sánh được với loại phim này dù chỉ là hạng tầm tầm của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Chất lượng âm thanh & hình ảnh tuyệt hảo, nghệ thuật quay phim miễn chê, bối cảnh xây dựng tử công phu, diễn viên diễn có hồn thoát hẳn khỏi cái bệnh cố hữu của ĐẢ - TH ta lâu nay là “đọc thuộc lời thoại”, v.v. Những điều này đã lý giải vì sao khán giả đã hào hứng đến rạp xem phim, và giúp cho dân Điện ảnh và dân nghiền phim hy vọng về tương lai của phim cổ trang Việt sẽ sớm đàng hoàng đến với các chợ phim Quốc tế…
Nhưng cũng chính vì thế mà tôi càng thấy tiếc nuối cho bộ phim này, đã được thực hiện trên cơ sở một kịch bản khá non yếu, vụng. Tôi xin nói kỹ trong một bài viết hẳn hoi, còn ở stt này chỉ xin nói qua về nhân vật “quan án Kiên” - thám tử điều tra cái chết của nhân vật thầy đồ. Lẽ ra, nhân vật này phải là nhân vật “thứ chính” - chỉ sau nhân vật chính cô vợ ba, cần xuất hiện ngay từ đầu phim, chứ không phải tới quá nửa phim mới nhảy ra như một “đại diện Công lý” nhằm “chữa cháy” cho cấu trúc phim đang bị ngập lụt trong nước mắt.
Như vậy, câu chuyện phim tình ái - hôn nhân cũ mèm đầy chất mélodram kia sẽ chỉ là cái nền xung đột cho phim để người làm phim triển khai thực sâu, thực lý thú một điều rất đáng tìm hiểu về cuộc sống thời xưa ở đồng bằng Bắc Bộ, để phim có tính chất thời sự nóng hổi như một lý do để thúc đẩy phim ra đời, là động lực mạnh mẽ hơn để thu hút người xem phim: Công lý đã được thực thi ra sao trong thời ấy? Phẩm chất của người trong Bộ Hình - cơ quan hành chính nhà nước thời phong kiến tại một số quốc gia Đông Á (tương đương với Bộ Tư pháp và Tòa án Tối cao ngày nay) phải gồm những gì - nhất là nó được gắn kết với các số phận khác trong phim và xung đột phim để người xem hôm nay có thêm suy ngẫm về vấn đề Tình người và vấn đề Pháp luật đã gắn bó, hỗ trợ nhau ra sao, với mục đích tối cao là Hạnh phúc của dân, trước mắt là cho dân dễ thở dễ sống giữa muôn trùng áp bức bóc lột, theo quan điểm của những trí thức tiến bộ thời quân chủ: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”…
Nhưng xin được nói lại rằng: đây hoàn toàn là ý chủ quan của T cận tôi, không dám có ý định góp ý gì cho đoàn làm phim và một đạo diễn được mệnh danh là “đạo diễn bạc tỷ” như Victor Vũ, mà chỉ là một chút tiếc nuối của một người làm nghề mà thôi… Mong ê-kip phim “Người vợ cuối cùng” và những fan hâm mộ của phim thông cảm cho ạ.