Xác định đúng con kênh Dừa, hỏi đúng người biết ngôi nhà cần tìm, chiếc vỏ lãi chở Hai Nghĩa cùng con cháu cặp bến sông trước sân nhà Mười Phi lúc tám giờ hai mươi, sớm hơn rất nhiều so với dự định.
Theo dự định, trước chuyến đi, trong cuộc họp gia đình có vợ và bốn đứa con - ba đứa từ Sài Gòn vừa về bằng xe tốc hành và đứa út ở cùng với cha mẹ - Hai Nghĩa đoán, thuận lợi nhất khi đến nơi chắc phải xế chiều và đó có thể là một nơi heo hút. Ông nói: "Chuyến đi sẽ vất vả, biết đâu tàu xuồng không đến nơi được, có thể phải băng đồng, băng ruộng, lội kênh, lội mương". Và với một cuộc hành trình nhọc nhằn như thế, ông đề nghị vợ nên ở lại nhà vì e rằng đôi chân thấp khớp của bà không theo nổi. Ông căn dặn: "Các con chuẩn bị tinh thần, sức khoẻ và lo đầy đủ thức ăn nước uống. Còn cho cu Bi đi theo thì các con thay phiên nhau mà cõng nó". Bà Hai Nghĩa đành phải ở lại nhà, dù bà là người khơi xướng, kiên trì thúc đẩy và âm thầm tổ chức chuyến đi. Không được đi cùng với chồng con bà lặng lẽ chuẩn bị mọi thứ, từ chai soffeu chống muỗi chống vắt, thức ăn nước uống cho đến việc sắm đủ "bộ lễ" đón rước một con người, dù là một người từ cõi âm.
Ở lại nhà nhưng khi chiếc vỏ lãi cặp bến, bà Hai Nghĩa là người đầu tiên được nhắc đến. Cô con gái út buột miệng: "Gần như vầy mà mẹ không được đi, tiếc quá !"
Và cũng vì chuyến đi không vướng phải một trở ngại nào, nhất là khoảng cách từ nơi xuất phát là bến tàu Cà Mau đến điểm đến là ngôi mộ nằm trên phần đất của ông Mười Phi khá gần, chỉ mất hơn hai tiếng đồng hồ ngồi thong dong nhìn ngắm sông nước ruộng vườn, nên những người có mặt trong chuyến đi lại cảm thấy hẫng hụt. Chiếc vỏ cặp bến một hồi mà chưa ai chịu nhúc nhích cho đến khi thấy từ trong nhà có người bước ra cửa, ngong ngóng xuống bến. Ông Hai Nghĩa chống đùi dợm đứng lên làm chiếc vỏ chao lắc. Thằng con trai út lên tiếng:"Ba để con lên trước !".Thằng Út nhảy lên bờ, nắm sợi dây mắc ở mũi vỏ kéo sát vào bờ rồi đưa cánh tay khoẻ khoắn của mình ra cho từng người lần lượt bám vào. Khi tất cả đã lên bờ, Hai Nghĩa xếp lại đội hình. Ông đi trước tay dắt bé Bi, con trai của đứa con gái út, thằng cháu ít chịu rời xa ông ngoại, theo sau là bốn đứa con, đứa nào cũng hao hao giống cha ở gương mặt rộng và sáng.
Mười Phi, ngỡ ngàng trước một đoàn khách chưa từng quen biết lại lừng lững tiến vào nhà mình. Tuy hhiên, sau khi nghe Hai Nghĩa giải thích lý do khiến ông và các con đường đột làm phiền chủ nhà, Mười Phi ậm ự chẳng nói chẳng rằng. Ông ta cầm gói thuốc rê lên rồi lại đặt xuống bàn, gọi người nhà châm thêm nước sôi vào bình trà được ủ trong vỏ một trái dừa khô. Thằng Ba, đứa con trai lớn lật đật móc bao thuốc ba số năm để ra bàn mời chủ nhà. Mười Phi cầm gói thuốc dúi trở lại: "Cảm ơn cậu, tui ghiền thứ này rồi, hút mà không vấn chịu không có nổi !"
Mười Phi rót nước mời từng người. Ông ta còn quay ra nhà sau bảo ai đó "thọc trái dừa tươi cho thằng nhỏ uống nước". Rồi Mười Phi chậm rãi vấn thuốc, chậm rãi uống trà, chậm rãi rít thuốc và điềm nhiên ngắm nhìn những vòng khói lởn vởn trước mặt. Im lặng. Im lặng nghe được hơi thở của nhau, nghe tiếng gíó xạc xào đưa đẩy những tàu dừa, rồi tiếng cục ta cục tác của ả gà mái vừa đẻ trứng và tiếng gừ gừ của con mực mỗi khi nghe tiếng xuồng khua ở bến sông. Chốc chốc lại nghe tín hiệu nhắn tin và những âm thanh khác nhau phát ra từ chiếc điện thoại cầm tay của con Hai, thằng Ba, thằng Út. Không chờ được lâu hơn, Hai Nghĩa lên tiếng: "Anh Mười ở trên miếng đất này lâu chưa ?" "Từ hồi cha sanh mẹ đẻ", Mười Phi nhát gừng. "Anh tuổi con gì ?" "Con gà !" "Gà gì, Quý hay…?". "Gà già, gà bảy hai !"Hai Nghĩa khấp khởi: "Vậy anh với tôi cùng tuổi!". "Cùng tuổi gọi là ní phải không bác Mười?", con Út chen vào. Mười Phi rít hết điếu thuốc, quăng tàn ra sân, nhìn lom lom vào mặt Hai Nghĩa: "Vậy mà dòm ông anh coi bộ nhỏ hơn tui nhiều !". Cu Bi láu táu : "Tại ông để râu, còn ngoại con thì sáng nào cũng cạo!" Mọi người ồ lên cười. Sợi dây kéo căng nãy giờ chợt chùng xuống. Mười Phi xoa đầu cu Bi hỏi: "Nước dừa ngọt không cháu?". Cu Bi nhanh nhẩu: "Ngọt như có pha cục đường!". Mười Phi gục gặc, đưa tay xoa xoa tóc Cu Bi. Bất ngờ, Mười Phi lia ánh mắt lên khắp gương mặt Hai Nghĩa, cao giọng:"Sao tới giờ ông anh mới về đây tìm mẹ ?". Đỡ lời cha, đứa con gái lớn ấp úng giải thích lý do khiến cha mình sao lãng trách nhiệm làm con. Mười Phi vẫn chưa hả giận: "Nói gì thì nói cũng không vô cái lỗ tai tui được. Trễ nãi một vài năm thì còn có thể châm chước, đằng này…". Hai Nghĩa và các con cứng lưỡi, ngồi chết trân một chỗ. Thấy mình quyết liệt như một kẻ truy bức, Mười Phi hạ giọng: "Nói nào cho ngay, tuy ở đây lâu nhưng khi mẹ ông anh mất tui còn ẳm ngửa, lớn bộn tui mới được nghe kể về mẹ của ông anh". Rít thêm một hơi thuốc, Mười Phi tiếp: "Tui nghe nhiều người kể về Cô Ba mà người kể nhiều nhất là mẹ tui"
Rồi bằng cách ráp nối không theo trình tự sự việc mà bằng dấu ấn ký ức, bằng cảm xúc và bằng lòng trắc ẩn, Mười Phi tái hiện lại phần số ngắn ngủi của mẹ ông Hai Nghĩa mà người dân ở kênh Dừa vẫn quen thuộc gọi là "Cô Ba"dù tuổi bà giờ cũng đã trên chín chục.
Thực ra, cái chết đột ngột và thương tâm của mẹ, Hai Nghĩa ít nhiều nhập tâm qua trí nhớ và tình cảm của bà ngoại, người đã nhai cơm thay sữa nuôi đứa cháu cút côi. Tuy nhiên qua lời kể của Mười Phi cũng có nhiều chỗ khác và có những tình tiết Hai Nghĩa chưa được nghe bao giờ. Và điều trùng hợp bất ngờ là bà Út Lựu, mẹ ông Mười Phi lại là người bạn tối lửa tắt đèn của Cô Ba. Cũng chính Ut Lựu là người nghe tiếng khóc của đứa trẻ - đứa trẻ ngày ấy giờ đã là một ông lão, đang lần tìm về cội rễ của mình - giữa cánh đồng vàng mơ lúc mặt trời chưa qua khỏi đọt dừa. Khi Ut Lựu chạy đến nơi, thằng Nghĩa vừa khóc vừa cố sức nhoài người ra khỏi cái mê chiếu trên xuồng. Cô Ba nằm cách chiếc xuồng chở thằng Nghĩa không xa, chỉ độ mười bước chân. Cô nắm sấp. Bàn tay trái còn nắm mấy rẻ nếp. Lâu nay Hai Nghĩa vẫn nghe ngoại kể là lúa. "Nếp chớ không phải lúa !", Mười Phi khẳng định một lần nữa và cho biết thêm, đó là khoảng giữa tháng chạp, cái tháng mà nhà của địa chủ cũng như nhà tá điền, nhà giàu nứt đố đổ vách cũng như nhà nghèo rớt mồng tơi cũng đều chuẩn bị nếp để quết bánh phồng. Mười Phi còn nói dứt khoát như chính mắt mình nhìn thấy là mấy rẻ nếp trên tay cô Ba là nếp chuồi, loại nếp chỉ mới vừa rang vàng trên lửa đã bốc lên mùi thơm không tả nỗi, mùi thơm loang ra, ngào ngạt cả xóm Dừa. Cánh tay phải cô Ba còn vướng cái vòng gặt. Chiếc vòng gặt đó được Mười Lựu giữ lại vì chồng cô Ba, tức cha Hai Nghĩa, không ngó ngàng gì tới, bởi ông ta không biết cầm lưỡi hái mà chỉ biết cầm những lá bài. Đến lúc chôn cất người vợ vắn số ông ta cũng chưa nhấc chân ra khỏi sòng bạc mà ông đã cược đứt miếng đất và ngôi nhà của mình. Đầu óc Hai Nghĩa lùng bùng. Sự thật ấy nghiền nát tuổi thơ ông. Khiến ông đã không thể yêu thương cha đẻ mình như một đứa con hiếu thảo. Cả sự tha thứ, ông cũng không làm được; dù ông đã cố, cố đến trào nước mắt mỗi khi thấy chút hy vọng khắc khoải ánh lên từ hố mắt sâu trũng của cha. Nỗi đau đó nên chôn kín, nhất là có mặt cả bốn đứa con và thằng cháu ở đây. Hai Nghĩa chặn ngang: "Anh có dùng cái vòng gặt của mẹ tôi không anh Mười ?".Mười Phi hăm hở:"Sao lại không, gặt hết mấy mùa ! Tui nhớ cái vòng gặt lên nước bóng lộn, nhìn vào đó thấy được mặt mũi mình, còn cái lưỡi hái cùn mòn tui phải thay cái khác.". "Vòng gặt nội con còn không, bác ?", đứa con gái lớn lên tiếng. "Uổng là, tui không còn nhớ rõ, hình như là năm sáu mốt sáu hai gì đó, nhà của cha mẹ tui bị bom, cháy rụi"
Chuyện về cái vòng gặt đến đó khép lại. Tuy nhiên, Mười Phi vẫn chùng chình, chưa nhấc đít khỏi ghế, chưa muốn đưa mọi người đến ngôi mộ Cô Ba. Ông rót nước mời mọi người một lần nữa và thủng thỉnh quành lại đoạn đầu, tức là lúc Út Lựu tìm thấy cô Ba nằm sấp trên ruộng. Lật Cô Ba lên, Út Lựu thấy đôi mắt bạn mở to, nhìn chong chong lên trời xanh. Út Lựu trật vai áo bạn ra, lấy lưỡi hái cắt vào chỗ bả vai, hấp hãi nặn gió độc nhưng máu đã không còn chảy được. Ngày ấy, theo suy đoán của nhiều người trong đó có Ut Lựu, thì nắng gió không nỡ giết một người đàn bà chịu thương chịu khó lại đẹp ngời ngợi như Cô Ba. Có lẽ Cô Ba chỉ bị say nắng và lảo đảo ngã xuống. Rồi sui sẻo gặp con rắn hổ mang đang đói. Dấu răng con hổ mang có thể khuất trong chân tóc. Hai Nghĩa nghe ngoại nói tóc của mẹ dày hơn một búng tay. Mỗi lần gội mẹ phải nấu một ôm lá xả và đứng dưới nắng hàng giờ mới hong khô. Và mỗi lần chải mẹ phải đứng trên chiếc ghế cao, vậy mà suối tóc vẫn lệt phệt trên nền nhà. Mái tóc lúc ấy xổ tung, quấn vào những bụi nếp vừa cắt bông. Mái tóc ràng rịt, ghị tấm thân nõn nà lại trên mặt ruộng. Để khiêng mẹ đi, người ta đành phải lấy lưỡi hái cắt bỏ lại một phần mái tóc. Khi thấy mẹ được đặt trên xuồng, thằng Nghĩa mừng quýnh. Nó cố sức trườn lên người mẹ, vạch tìm bầu vú, mút lấy mút để dòng sữa đã nghẽn tắt.
Người giằng thằng Nghĩa ra khỏi cơ thể giá lạnh của mẹ là Ut Lựu. Người cho thằng Nghĩa "bú thép" cũng là Ut Lựu. Hai Nghĩa cũng biết mình được một người đàn bà ở cách nhà mẹ ông mấy líp dừa - Vì cha thua bạc mà nấm mộ của mẹ đành phải gởi nhờ trên phần đất của bà Mười Lựu - chăm nom nuôi nấng suốt hơn hai tháng.
Khi chưa mất, mỗi lần gặp, ngoại nắm tay Hai Nghĩa dặn đi dặn lại:"Gì thì gì con cũng phải tìm gặp người đàn bà tốt bụng đó một lần !". Chỉ một lần, như ước muốn của ngoại, Hai Nghĩa đã không làm được. Ông có nhiều lý do để biện minh: Chiến tranh, ông phải gác những đòi hỏi riêng tư để làm tròn nghiã vụ với dân với nước. Ông không chỉ dâng hiến tuổi trẻ, lòng nhiệt thành, một phần máu thịt - vết thương nơi bả vai vẫn khiến ông buốt nhói mỗi khi trái gió trở trời - mà ông còn hy sinh cả bổn phận làm chồng làm cha. Chưa một lần ông được nghe tiếng khóc của con khi chúng chào đời. Ông cũng chưa lần nào được nhìn thấy bước chân lẫm chẫm đầu đời của chúng. Thi thoảng, ông cũng gởi cho vợ con những bức thư chuyền tay với lời lẽ ăm ắp yêu thương. Nhiều lúc ông dặn dò các con bằng nỗi lo ám ảnh:" Sông sâu nước chảy, con hãy coi chừng…" dù dòng chảy xiết đã cuốn mất đứa con mà ông chưa một lần được hôn hít bồng ẵm. Hoà bình, con tàu kiến thiết ì ạch lăn trên một đường ray mà ông giữ vị trí của một thanh tà-vẹt. Ông nén, ông ép bản thân và gia đình theo một nếp sống kham khổ. Nếp sống ấy giúp ông không chi phối thì giờ vào chuyện áo cơm. Ông toàn tâm toàn sức gồng gánh trọng trách. Và ở cương vị công tác nào ông cũng toả sáng, thứ ánh sáng trong suốt của một tấm gương. Soi vào tấm gương ấy, vợ ông âm thầm làm tất cả những gì có thể làm được cho một gia đình với bốn đứa con đang tuổi ăn học mà không làm một chút ố bẩn thanh danh của chồng. Hằng đêm, khi ông đã ngủ mê mệt sau một ngày cúc cung tận tuỵ, vợ ông vẫn cặm cụi cúi mặt xuống chiếc máy may cũ kỹ cọc cạch. Bà may vải trải bàn trải giường, tả lót, quần đùi, áo coọc-xê, cờ phướn…cái gì bà cũng may, giá nào bà cũng nhận, miễn là có cái may để có tiền nuôi các con ăn học. Bởi tài sản duy nhất mà vợ chồng bà có thể đem lại cho các con là phẩm hạnh và kiến thức. Phẩm hạnh có được từ sự hy sinh. Còn kiến thức có được phải từ sách vở, thầy cô, trường lớp. Ông ghi nhận sự hy sinh thầm lặng của vợ và luôn biết ơn bà. Sự sẻ chia và lòng tôn trọng đã nâng đời sống vợ chồng lên vị trí thanh cao của hạnh phúc. Duy có điều vợ ông chưa thật sự yên tâm, có cái gì đó cứ phấp phổng, như là sự bất an, vẫn âm thầm ám ảnh.
Nhiều lần giữa khuya, dù có mỏi gục bên bàn máy may, bà vẫn nghe tiếng gõ cửa, tiếng gõ thật khẽ, khẽ như một ngón tay của gió; bà lật đật chạy ra. Khi chốt cửa bật mở, vợ ông chỉ chạm được cái lạnh. Không chỉ là cái lạnh của gió đêm, của sương khuya mà còn như là cái lạnh rờn rợn có hình hài. Không chợp mắt được, bà đánh thức ông dậy: "Mình à, mình tranh thủ dành ít thời gian về xứ sở dò tìm mộ mẹ…". Ông bóp chặt tay vợ: "Từ từ để tôi tính, mình biết đó, ngay ngày nghỉ tôi cũng có được nghỉ đâu". Vẫn để bàn tay trong tay chồng, lắng nghe đêm sâu thăm thẳm tiếng côn trùng, tiếng gió vờn trước hiên, tiếng thở buốt lạnh mơ hồ; bà thấy thương chồng đến thắt ruột.
Ông chưa giành riêng cho mình bất cứ thứ gì. Ông lần lữa mãi chuyến tìm về dòng sông mà các con ông đã ngụp lặn suốt tuổi thơ, nơi vợ và các con ông khóc đến cạn khô nước mắt vẫn không tìm thấy cái xác chết trôi của đứa con bé bỏng. Ông không thuộc về gia đình của mình dù ông vẫn sống bên cạnh vợ con. Ông thuộc về số đông. Ông cần cho số đông. Số đông luôn cần những người như ông cho sự tồn sinh của họ. Ngay những lĩnh vực ông không phụ trách, trước những xung đột một mất một còn xuất phát từ những tranh chấp về quyền lợi vừa tầm thường vừa to tát là đất đai, nhà cửa, ruộng vườn hay từ những điều cao cả hơn là quyền lợi được sở hữu những giá trị tinh thần như được coi trọng, được yêu thương; khi ông hiện diện với nụ cười hiền lành, giọng nói tin cậy, cái xiết tay ấm áp và trên hết là bằng sự thanh sạch của chính ông, cái trái nổ sắp châm ngòi chợt chựng lại, đứng lại cho đến khi kíp nổ được tháo ra. Những gương mặt rằn rệt ham hố, những gương mặt đau khổ thảm hại…lặng lẽ soi vào tấm gương trong suốt là ông và lặng lẽ họ rửa ráy, họ kỳ cọ, họ lau chùi, họ tự xoá vết tích hận thù để có được một gương mặt người.
Rồi ông cũng đến tuổi hưu. Tuy không còn giữ cương vị chủ chốt trong bộ máy công quyền nhưng ông lại không được nghỉ ngơi. Ông tiếp tục giữ những nhiệm vụ không kém phần quan trọng ở những cơ quan đoàn thể. Lịch làm việc hàng tuần của ông xem ra cũng dày đặc. Đôi lần có lẽ do trí nhớ có phần sút giảm, ông quên mất vài cuộc hẹn. Để tránh những sơ suất khiến chồng áy náy, vợ ông mua một tấm bảng trắng, loại bảng viết bằng bút lông, treo gần bàn ăn để bà có thể dễ dàng đọc lịch làm việc của chồng ghi trên đó và nhắc ông. Nhiều lần thấy chồng phờ phạc vì những cuộc hội họp và những chuyến công tác dài ngày về vùng xa vợ ông lo lắng: "Hay mình từ chối vài cuộc họp vài chuyến đi để dưỡng sức…". Ghi xong những dòng chữ cuối cùng trên bảng, ông kéo ghế ngồi cạnh vợ: "Họ còn cần, từ chối kẹt lắm mình à. Cực nhưng vui. Tôi sợ nhất là đến lúc mình không còn cần cho ai cả !".
Ông tiếp tục đẩy nỗi sợ ấy ra khỏi tâm trí bằng những nỗ lực bất chấp sức khoẻ của tuổi tác cho đến một hôm ông đột ngột bị choáng, ngã quỵ trên đường công tác. Vào bệnh viện, được kiểm tra sức khoẻ, ông mới biết trái tim mình đã quá mỏi mệt, nó không còn đủ sức để đập những nhịp bình thường. Lần đầu tiên sau lần bị thương chết đi sống lại tại cửa ngõ Cà Mau hồi tết Mậu thân, ông mới được… nghỉ ngơi trên giường bệnh.
Trong thời gian điều trị, có những lúc ông tách mình ra khỏi hiện tại và trôi bồng bềnh trong cái không gian mờ xa của ký ức. Ông gặp lại những giây phút hấp hối của cha ông, cũng trên giường bệnh như ông, cũng quần áo trắng, tóc trắng, drap giường trắng, tường trắng, rồi những chiếc khăn tang thật trắng, những chiếc khăn tang không vương nước mắt. Lúc đưa chiếc quan tài cha xuống lỗ huyệt ẩm ướt, ông cũng muốn được gào khóc như một đứa con mất cha. Ngực cũng buốt nhói nỗi đau chia lià nhưng sao ông không khóc được. Mắt ông ráo hoảnh. Rảo hoảnh đến khô rát và nhức buốt. Giây phút ấy ông chợt nhận ra, không chỉ riêng cha ông mà cả ông nữa, cũng bất hạnh, thứ bất hạnh khốn cùng của những sinh linh muốn yêu thương mà không được yêu thương.
Đêm cuối trước ngày xuất viện, ông lại mơ. Ông hết sức ngạc nhiên về giấc mơ của mình. Trong mơ ông và cha ông chuyện trò thật gần gũi. Ông đấm lưng và ấn ấn ngón tay lên những đốt xương nhô ra trên sống lưng của cha. Cha ông ngoảnh lại cười với con trai. Cha cười mà ràn rụa nước mắt. Tỉnh dậy, ông vội sờ lên mặt và chạm phải những giọt nước mắt nóng hổi. Hình như đó cũng là những giọt nước mắt của cha ông. Ông lặng lẽ khóc. Khóc cho tình thương đột ngột trỗi dậy. Khóc cho sự cố chấp nông nổi của mình. Dù ông có trách, có khước từ, thậm chí là căm hận đi nữa, thì ông vẫn là hình hài, là máu thịt, là nơi nương náu, là hoài vọng cuối cùng của cha ông. Cũng như mẹ ông, dù hồn bà có vất vưỡng vì sự lãng quên của đứa con trai duy nhất, bà vẫn mong được về lẩn quẩn bên đứa con và đàn cháu ruột thịt của mình.
Rời bệnh viện, về đến nhà, ông xem lại mớ tài liệu thư từ và cũng vẫn giữ thói quen, ông ghi lên tấm bảng lịch làm việc của mình. Nhìn vào những dòng chữ đều tăm tắp, ông xem xét, cân nhắc rồi xoá đi một cuộc họp và hai cuộc gặp gỡ ngày thứ sáu và chiều bảy. Biết được dự định của chồng, vợ ông thút thít khóc. Đêm đó, ông và vợ bàn đi tính lại, cuối cùng nhất trí là khi tìm được mộ mẹ, sẽ hỏa táng và đem nắm tro hài cốt của mẹ về đặt cạnh lọ tro hài cốt của cha để hai ông bà được đoàn viên và con cháu sớm hôm cận kề nhang khói. Và cũng ngay đêm đó, vợ chồng ông gọi điện cho các con, yêu cầu chúng tạm gác mọi việc để thực hiện cuộc hành trình về nơi chôn giữ hình hài người mẹ, người bà.
"Cô Ut… còn… khoẻ không anh Mười?, khi chuỗi ký ức lắng lại, Hai Nghĩa ngập ngừng hỏi. Mười Phi chỉ tay lên bàn thờ đặt sát vách nhà: "Đó, mẹ tui ngồi trên đó đó!". Mười Phi tiếp: "Kể ra mẹ tui cũng vắn số, nếu căn bệnh nan y đó mà biết sớm trị sớm có thể mẹ tui còn ở với con cháu thêm một thời gian nữa". Hai Nghĩa đứng lên bước đến bên bàn thờ. Lúc thắp nhang cắm trên lư hương, Hai Nghĩa thấy một bức chân dung bán thân của người đàn bà khoảng hơn năm mươi tuổi, áo bà ba trắng, khăn rằn vắt vai, miệng và mắt mỉm cười. Hai Nghĩa quay lại hỏi: "Mẹ anh có chụp chung với mẹ tôi tấm ảnh nào không anh Mười ?".Mười Phi bước đến trước bức chân dung phảng phất nhang khói của mẹ mình:"Hồi Cô Ba còn, cực khổ lắm, các bà làm gì được chụp ảnh chụp hình. Thôi, còn giữ được nấm mồ của cổ là mừng rồi !"
Mười Phi đi trước, theo sau là Hai Nghĩa, đứa cháu ngoại và bốn đứa con. Đi hết mấy bờ dừa, đi qua một chiếc cầu tre bắc qua một cái mương, đi gần hết bờ chuối, trước mắt mọi người là hai ngôi mộ được quét cùng một màu vôi, màu ngọc và những đường viền màu vàng, phía đầu mộ nhô lên hai tấm bia đá. Hai ngôi mộ giống hệt nhau nằm song song trên một vuông đất được đấp cao trên mặt ruộng, xung quanh là đồng lúa ngút ngàn đang trổ đòng đòng. Hai Nghĩa chợt khựng lại khi nhìn thấy một nấm mộ đất nằm lẻ loi cách hai nấm mộ đá một khoảng chừng mười bước chân. Các con ông cũng đứng lại. Mười Phi đưa tay chỉ về phía ngôi mộ đất: "Hồi đó tới giờ Cô Ba vẫn nằm ở đó. Má tui muốn Cô Ba được nằm kề miếng đất mà cổ đổ mồ hôi nước mắt"
Lúc Hai Nghĩa và các con lúi húi chuẩn bị các thứ đồ cúng, Mười Phi quay ngược vào xóm tìm những người thạo việc bốc mộ. Khi thịt trứng hoa quả được bày trên một tờ giấy báo khổ to đặt trước đầu mộ, Hai Nghĩa bảo các con tắt điện thoại cầm tay. Ông thắp hết bó nhang, chia cho các con và cu Bi. Ông đặt ba cây nhang vào giữa lòng hai bàn tay, chắp trước ngực, quỳ thật lâu trước mộ mẹ. Rồi ông bật diêm lần lượt đốt mớ tư trang tài sản bằng hàng mả mà vợ ông đã lo chu tất cho mẹ chồng, nào là quần áo, giày dép, nhà lầu, xe hơi và một xấp tiền đô. Sau một vài làn gió, tàn tro chao lượn, chấp chới và mất hút trên cánh đồng xanh dưới trời xanh, nơi mẹ ông trút hơi cuối, nơi thằng Nghĩa gào khóc tìm mút bầu sữa giá lạnh của mẹ.
Lưỡi vá của cánh thợ vừa đào đến lớp đất thứ hai đã thấy lấp xấp nước. Mười Phi bảo cánh thợ đào tiếp còn ông chạy đi tìm thau tìm thùng để múc nước đổ ra ngoài ngôi mộ. Cánh thợ và Mười Phi quyết liệt cản không cho Hai Nghĩa và các con ông đụng tới sìn bùn. Hai Nghĩa, các con và thằng cháu tránh nước bùn, dồn về phía đầu ngôi mộ, chờ. Khi vừa múc cạn nước, Hai Nghĩa lờ mờ nhận ra hình dáng chiếc quan tài. Lờ mờ, bởi màu đất và màu gỗ không còn phân biệt được. Lờ mờ, bởi thời gian xoá nhoà vết tích. Hai Nghĩa bỏ dép, xắn quần lội xuống cái hố đang lưu giữ hình hài mẹ mình. Khi chạm tay vào lớp ván mà Mười Phi quả quyết chính là nắp quan tài, Hai Nghĩa nghe tim đập thình thịch. Ấn nhẹ vào lớp ván, chợt ông rụt tay lại. Lớp ván mủn ra, phía trong lớp ván là… đất. Hai Nghĩa tối tăm mày mặt. Thấy gương mặt cha tái đi, cô con gái lớn la lên: "Ba, ba lên đi, ba !". Anh thợ đào cũng lên tiếng: "Bác lên bờ chờ, để tụi con lo!". Hai Nghĩa vẫn đứng chôn chân dưới bùn. Ông hít thở, cố lấy lại bình tĩnh. Ít giây sau, ông cúi xuống gỡ ra một mảnh ván mục lớn hơn bàn tay, rồi một mảnh nữa, một mảnh nữa…Khi cái nắp quan tài không còn sót lại một mảnh ván nào, Hai Nghĩa trân trân nhìn lớp đất nhão nhoét: "Thành đất hết rồi sao? Chẳng lẽ không còn lại chút gì ? Chẳng lẽ…Mẹ ơi !". Hai Nghĩa sụp xuống, lần mò và bóp từng nắm đất lạnh. Cái lạnh như chạy ngược từ đầu ngón tay thấm vào huyết quản.
Các con Hai Nghĩa cũng bỏ giày, lột vớ, xắn quần lội xuống cùng cha sục sạo trong hố bùn với hy vọng là tìm gặp chút còn lại của mái tóc - phần thân xác thường cầm cự dẻo dai trước sự tàn phá của thời gian - thật dày của bà nội.
Sau hơn một giờ đồng hồ nỗ lực tìm kiếm, cuối cùng, Hai Nghĩa và các con thất thểu, gom góp mớ ván vụn, rửa sạch bùn đất, bỏ vào chiếc thau nhựa màu đỏ mà Mười Phi mang từ nhà ra. Giành bưng cái thau đựng mớ ván vụn, Hai Nghĩa khập khựng từng bước, từng bước. Đi được một đoạn, ông ngồi xuống bờ ruộng, thở dốc. Các con ông cũng lặng lẽ dừng lại bên cha. Mười Phi sau khi lấp đất đầy hố huyệt, vác vá đi ngang qua dừng lại, vỗ vỗ vào vai Hai Nghiã: "Tui vô trước đây !". Cu Bi lẩn quẩn bên ngoại. Nó nhìn chăm chăm vào miệng thau, hỏi: "Sao ngoại đem mấy miếng ván xấu ỉn này về ?" Hai Nghĩa nhìn cháu, nước mắt chợt trào ra. Thấy ngoại khóc, cu Bi sợ. Nó níu tay ông:"Ngoại ơi, bỏ mấy miếng ván này đi, được không ngoại ?" Hai Nghĩa lấy cùi tay chùi nước mắt, không trả lời câu hỏi cu Bi.
Mà ông cũng không biết trả lời làm sao cho đứa cháu lên năm có thể hiểu. Giá như nó hỏi đôi chim sáo đậu trên cành gòn kia đang líu lo điều gì thì ông có thể nói cho nó nghe về tiếng hót của niềm hạnh phúc. Ngay đối với người vợ hết mực yêu thương và hiểu ông, đang chờ ông trở về, ông cũng không thể nói với bà rằng: "mớ ván mục này là hài cốt của mẹ", cho dù hồn mẹ chắc đã bay lên, nhẹ như ngọn gió, thơm như ngọn gió vi vu giữa đồng lúa ngút ngàn đang trổ đòng đòng.
TP.HCM, 21.8.2004