Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.999 tác phẩm
2.765 tác giả
265
124.688.017
 
Trải nghiệm xe khách thời nay – chạnh nhớ xe khách thời xưa
Hoàng Thị Bích Hà

 

 

 

Đã lâu, tôi mới lại di chuyển đường bộ trên đoạn đường dài như tuyến Sài Gòn- Buôn Mê Thuột. Với trải nghiệm xe khách (hay còn gọi là xe đò theo cách gọi của Nam -Trung Bộ), có chút cảm xúc, muốn chia sẻ với bạn đọc.

Số là nhân dịp nhận thư mời họp mặt kỷ niệm Tập San Vô Ưu 25 năm. Chương trình gồm tham quan, triễn lãm, tọa đàm, lễ hội, v.v (thời gian diễn ra trong hai ngày 14 và 15 tháng 10/2023). Thế là tôi lên mạng gõ tìm xe tuyến Sài Gòn- Buôn Mê Thuột. Hiện lên màn hình là xe Long Vân Limousine, tôi vào tìm hiểu, rồi chọn loại xe, vị trí chỗ ngồi trên sơ đồ và đặt vé. Có các chuyến theo khung giờ đã định , tôi chọn khởi hành lúc 7h30 để lên tới nơi tiếp đón vẫn còn sớm, có BTC tập san Vô Ưu đón đợi khách ngoại tỉnh và sẽ dùng cơm tối. Lập tức có nhận được tin nhắn trả lời của nhân viên phòng vé và chúng tôi giao dịch chuyển tiền đặt vé thành công. Nếu đi hai chiều thì vé về sẽ được giảm 10%... Khứ hồi với giá 825. 000 xe (12 chỗ giường nằm, nếu xe nhiều chỗ hơn sẽ có giá rẻ hơn). Khi kế hoạch đã có sẵn, giờ đi, giờ về mình chủ động nên đặt vé khứ hồi và chuyển tiền luôn thể.

 

Sắp đến ngày đi, được nhân viên nhà xe gọi lại báo là xe hành trình lúc 7.30 đang bảo dưỡng vì vậy quý khách vui lòng đi chuyến khởi hành vào lúc 11 h. Nhà xe sẽ hoàn lại 20% giá vé. Tôi đồng ý vì mình lên BMT trước một đêm trước diễn ra sự kiện nên trễ vài giờ đồng hồ và công việc cũng không gấp lại được chăm sóc khách hàng, có phí hoàn lại an ủi. Thôi vậy cũng ok! Đi máy bay bao nhiêu lần delay nhưng bên hàng không hay đường sắt chưa thấy chế độ an ủi này. Tuy nhiên những thập niên gần đây nhờ sự phát triển và cải tạo không ngừng của đường sắt và đường không, đặc biệt là đường không, giá cả cạnh tranh cũng chia sẻ áp lực cho đường bộ. Nhưng tùy đoạn đường dài ngắn và sức khỏe mỗi người cũng như thời gian di chuyển đoạn đường trong nước hay ra nước ngoài để hành khách lưạ chọn dịch vụ vận chuyển. Tôi thường đi chuyển đoạn đường dài trên dưới 1000km giữa Sài Gòn- Huế ( đi đường quốc lộ 14 thì 929 km, còn đi đường QL 1 A thì 1042Km) nên tôi thường di chuyển bằng đường không. Sự phát triển và đa dạng các hãng bay, tuyến bay cũng làm giảm áp lực cho các phương tiện vận chuyển đường bộ, góp phần làm cho ngành giao thông vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.

Thời điểm này, nhà Xe Long Vân chỉ mới mở một số tuyến là đi đăk lăk, kontum, Đa lạt, Nha Trang và Mũi Né , như vậy những tuyến đường khác khách có thể chọn những nhà xe khác.

 

Tối trước một ngày theo lịch trình, nhân viên nhà xe gọi lại hẹn mai sẽ có tài xế xe trung chuyển đón ở đầu hẻm để chở đến nhà xe ở 152 đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh. Và như đã hẹn xe trung chuyển chở chúng tôi đến văn phòng nhà xe, tới quầy làm thủ tục nhận vé và nhận tiền hoàn lại (như đã kể trên). Sau đó hành khách vào phòng đợi được thiết kế không gian như một quán cà phê. Có thể dùng đồ ăn điểm tâm và các loại trái cây và nước uống miễn phí. Phòng máy lạnh sạch sẽ, thoáng mát cảm giác dễ chịu. Đến giờ khởi hành hành khách lên xe, Xe có 2 dãy, một dãy có 6 giường đơn, dãy còn lại có 5 giường đơn và phòng vệ sinh cuối xe. Nội thất sang trọng, lịch sự. Giường nằm bằng da nệm cao cấp rất êm, có đầy đủ như gối, chăn, có rèm cửa kéo lại, tạo không gian nghỉ ngơi riêng tư. Muốn ngắm cảnh hai bên đường thì đẩy rèm cửa lên, có khay gắn bên cửa sổ có khăn lạnh và chai nước uống. có đèn, ti vi, wife. Nhưng để đảm bảo sức khỏe, tôi ít dùng điện thoại vì sóng wifi sẽ mạnh hơn, khi di chuyển trên xe, tôi trả lời nhanh cho bạn mà sóng mạnh từ màn hình smartphone chiếu thẳng vào mặt cảm giác mệt. Nên tốt nhất đi xe tàu hạn chế sử dụng smartphone ( chỉ dùng khi thật cần thiết). Xe di chuyển khoảng 3 tiếng thì có trạm nghỉ chân 30 phút. Ai muốn dùng gì thì vào trong quán. Không muốn dùng cũng có thể nghỉ ngơi tự do.

Đến chiều tối, chúng tôi đến nhà xe tại 49 Nguyễn Trãi Ban Mê Thuột. Tại đây chúng tôi ngồi ghế đợi xe trung chuyển. (xe trung chuyển sẽ chở nhiều người cũng như khi đón trả, nên phải chấp nhận thời gian nhất định. Nên nếu không gấp, không quen đường thì chờ xe trung chuyển, nếu cần gấp thì gọi grab sẽ nhanh hơn)

Ngày về tài xế cũng gọi điện hẹn giờ đón để chở tới nhà xe, nhưng vì tôi ở địa điểm không xa nên nhà xe khỏi trung chuyển. Tới nhà xe cũng có phòng chờ như quán cà phê, và Buffeet tự chọn cũng tương tự phòng chờ ở Chu Văn An Sài Gòn. Đến giờ chúng tôi lên xe trở về SG. Sau khi chạy được hơn 3 h đồng hồ sẽ ghé trạm dừng chân ở Đăk Nông 30 phút. Rồi hành trình tiếp về Sài Gòn theo lịch trình đã định. Tài xế chính và phụ ăn mặc lịch sự: sơ mi, thắt cà vạt khi đón khách, khi trả khách họ lại gọn gàng trong trang phục riêng của công ty rất lịch sự, trang nhã.

Kết thúc trải nghiệm với dòng xe lim ousine được cho là hiện đại nhất hiện nay, tôi ghi lại đôi dòng cảm xúc của một hành khách sống vắt qua hai thế kỷ. (Chúng tôi thuộc thế hệ trưởng thành sau chiến tranh.) Tuy vậy thời bao cấp ngoài những nhược điểm hàng hóa khan hiếm thì vẫn có ưu điểm riêng là: Đi học và nằm bệnh viện không tốn phí. Nhờ đó người nghèo cũng được học và bệnh nhân được chữa bệnh với khả năng của bệnh viện, thì điều này không phủ nhận) chúng tôi nếm đủ thăng trầm của thời gian trong đó có những chuyến tàu xe thời bao cấp. Vì thế lúc đi trên "những chuyến xe êm", cũng bùi ngùi nhớ lại những "chuyến xe bão táp" từ những thập niên sau 80, và mãi đến 90, kể cả sau này xe hiện đại không chạy than như thời bao cấp cũng có hiện tượng nhồi nhét khách chật cứng cùng với hàng hóa ngột ngạt, đi xe mà cứ như đi đày, đó là nỗi ám ảnh không nguôi. Nhớ lại không khỏi rùng mình là tự nghĩ “sao hồi đó thế hệ mình kiên cường quá vậy ta?”. Tôi tốt nghiệp sư phạm và những năm sau lẻ của thập niêm 80, được điều đi dạy ở một huyện miền núi. Đường chim bay thì khoảng 70 km nhưng không có đường nên phải đi đường vòng ra tỉnh khác rồi mới lên huyện miền núi đó nên đoạn đường dài ra khoảng 200 Km. Sau này đã có đường nên đi lại thuận tiện hơn, xe cộ cũng tốt hơn!

 

Hồi đó xe chạy bằng than, nhả khói mịt mù và leo ì ạch những đoạn đường đèo heo hút gió. Có khi hỏng máy phải dừng lại sửa hàng giờ có khi nửa ngày trời, hành khách vật vạ giữa đường giữa sá như hành khất cơ nhỡ. Với bụng đói meo và mệt lã người. Đã thế còn chất lên số hành khách quá tải so với quy định và cùng với hàng hóa có cả gà vịt , v.v. Rồi còn phải dừng lại ở những trạm kiểm dịch động vật và trạm thuế nữa. Tuyến nào không có trạm thì sẽ có đội lưu động, họ cầm gậy gõ gõ, thọc thọc vào các bao hành chất trên nóc xe, dưới sàn xe,…cán bộ công nhân viên về tết có khi mua và kg nếp về nấu bánh chưng cũng bị khám xét và vặn vẹo đủ thứ. Có khi bị trịch thu thì mất trắng luôn. Đi tàu hỏa cũng nan giải không kém, tàu chạy không theo giờ giấc, lịch trình vì có thể hỏng máy, hay trật bánh, tránh tàu khác,…có khi hành trình khoảng hơn 100 km mà đi ba ngày mới tới nơi là chuyện thường ngày ở huyện.

 

Còn chuyện mua cho được cái vé xe cũng “trần ai khoai củ”. Muốn mua được vé phải đến bến xe thức nguyên đêm để sắp hàng. Nếu tới cỡ 4- 5 h sáng thì không còn chỗ. Mới nảy sinh ra việc lấy cục gạch đặt xếp hàng rồi vô thềm phòng vé, hiên bến xe ngủ gà ngủ gật. Đến gần sáng chạy ra xếp hàng mua vé. Nhưng không phải lúc nào cũng mua được, có khi đến lượt mình thì thông báo hết vé, lại phải chờ đến hôm sau. Hồi đó những ai làm trong ngành giao thông vận tải, như nhân viên bán vé, (hay ngành lương thực, thực phẩm,..) tài xế lái xe, đều có giá lắm, ai cũng "nể sợ". Mùa mưa, có những lúc đường đèo sụt lỡ do mưa lũ, thế là cả đoạn đường đèo heo hút gió bỗng trôi tuột xuống vực, có khi cả km. Trong lúc chờ người ta xẻ núi mở đường thì không có xe đò về tết, mấy anh chị em đồng nghiệp lại phải túc tắc đi bộ cùng nhau, đi hai ngày đường mới về đến một thị trấn, rồi từ đó mới có xe đò về thành phố. Những tháng ngày gian nan gắn với những hồi ức xe cộ không thể quên. Nhất là lúc này khi trải nghiệm “những chuyến xe êm” chất lượng cao như thế này lại nhớ đến những “chuyến xe bão táp” thời bao cấp và mừng cho sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật ngành vận tải, môi trường cung cấp dịch vụ và phong cách phục vụ không ngừng cải thiện, ngày càng tiến bộ văn minh hơn!

 

Sài Gòn tháng 17/10/2023

 

 

 

 

 

Hoàng Thị Bích Hà
Số lần đọc: 630
Ngày đăng: 14.11.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện cậu nhóc đi “giang hồ vặt” gần nhà rồi xa hơn nữa - Phạm Nga
Năm học thứ hai - Nguyễn Quốc Lãnh
Nhờ văn chương mà thoát chết - Hoàng Thị Bích Hà
Hồi ký về cuộc mạo hiểm trên biển cả. - Hồ Bạch Thảo
Cảm xúc cánh diều 2023 - Nguyễn Anh Tuấn
Một mùa hè chưa xa... - Nguyễn Quốc Lãnh
Những thầy cô giáo không ngạch bậc - Nguyễn Quốc Lãnh
Dọc đường văn nghệ (Phần 89) Nguyễn Thị Ánh Huỳnh với khung trời thi ca rất riêng - Trần Dzạ Lữ
Một chuyến hành hương núi Thị Vải - Phan Anh
Dọc đường văn nghệ (Phần 90) Phương Tấn – người khéo tận dụng thời gian cho thi ca - Trần Dzạ Lữ
Cùng một tác giả
Chị Xíu của tôi! (truyện ngắn)
Anh tôi! (truyện ngắn)
Chủ nghĩa cưới vợ (truyện ngắn)
Nước tràn ly (truyện ngắn)
Giận kẻ bạc tình (truyện ngắn)
Đời là thoáng chốc (truyện ngắn)
Chú Nghĩa cưới vợ (truyện ngắn)
Bông cúc xanh (truyện ngắn)
Nhảy tàu (truyện ngắn)
Sau lần họp lớp (truyện ngắn)