Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
1.005
123.367.285
 
Chuyện xem phim bãi
Nguyễn Quốc Lãnh

 

 

1. Nhà tôi ở cách Đường 14 non cây số. Từ vườn nhà có thể thấy rõ xe cộ và người đi lại hàng ngày trên đường. Thuở ấy, không gian yên tĩnh lắm. Ngoài tiếng gà gáy, tiếng lợn ụt ịt đòi ăn và thi thoảng tiếng chó sủa thì hầu như chỉ còn tiếng suối róc rách, tiếng chim hót và tiếng gió xào xạc của lá cây rừng. Mỗi lần nghe tiếng xe chạy ngoài đường là ngóng. Mà có nhiều nhặn gì cho cam. Xe U-oat hoặc xe tải chở đá cho bộ đội làm đường thì cho qua. Mấy chiếc xe thùng màu xanh quân đội thì phải chú ý. Nếu sau xe có hai cái cần vươn lên cao thì chắc chắn tối ấy, ở các đơn vị bộ đội sẽ có chiếu phim. Qua quýt việc nhà cho hết buổi chiều. Tắm rửa ăn uống uống sớm. Mặt trời gác núi là kéo nhau đi. Cứ đi. Chưa cần biết vị trí cụ thể. Gần nhất là C4, C11, C12, xa hơn chút là C6, C10 hoặc ngay trung đoàn bộ K6. Trên tay là mấy bó đuốc cho đường về làm bằng nứa phơi khô chuẩn bị sẵn sàng trong nhà lúc nào cũng có.

 

Thông thường, chương trình chiếu phim bắt đầu bởi một hoặc hai phim hoạt hình. Đây là phần được trẻ con yêu thích và trông chờ nhất. Có lần bọn nhóc chúng tôi mơ ước, giá mà họ chiếu phim hoạt hình suốt cả đêm thì thích biết bao nhiêu. 

Tiếp theo là phim tài liệu có nội dung tuyên truyền các chủ trương chính sách của nhà nước hoặc biểu dương các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công cuộc xây dựng CNXH ở miền bắc. Ấn tượng nhất trong loạt phim này với tôi là hình ảnh đồng chí Phạm Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ ôm hôn thắm thiết người đồng cấp và nâng cốc chúc mừng khi ký “Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào” vào ngày 18 tháng 7 năm 1977. Có ở đâu xa, biên giới kề bên bãi phim chúng tôi đang ngồi xem…

Phần chính có thể là phim truyện, phim chiến đấu, phim cổ tích hoặc khoa học viễn tưởng của các nước XHCN với những cái tên đã đi vào huyền thoại. Nào là Mặt trời trắng trên sa mạc, Khi đàn sếu bay qua, Cuộc chiến ở Mosva, Gia đình Ulyanov,… của Liên Xô. Nào là Tháng tư có 30 ngày của Tiệp Khắc rồi Viên đạn thứ bảy, Bông hồng vàng,… của Ru-ma-ni.  Phim khoa học viễn tưởng thì có Người cá, Adela chưa ăn bữa tối… Rồi Truyền thuyết tình yêu, Trẻ mãi không già, Ruslan và Ludmila,… là loạt phim cổ tích làm say đắm biết bao tâm hồn trẻ nhỏ. Phim Việt Nam thì có Vùng gió xoáy, Chung một dòng sông, Vợ chồng A Phủ, Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Mối tình đầu, Nổi gió, Bài ca ra trận, Kế hoạch P76,… Phim nào cũng hấp dẫn cũng cuốn hút người xem. Trên bãi phim có đến gần nửa ngàn con người đủ mọi thành phần lứa tuổi nhưng im phăng phắc. Chỉ nghe âm thanh tiếng động trong phim hoặc tiếng thuyết minh phim với đầy đủ cung bậc cảm xúc, thể hiện âm sắc trầm bổng nam nữ của chỉ một người thuyết minh. Có khi trong những trường đoạn diễn tả tâm lý nhân vật, cả không gian chỉ còn tiếng sè sè của cuộn phim đang quay bất kể trời mưa lạnh, có lất phất hạt mưa hay vi vu tiếng gió của đêm mùa hè không trăng sao.

Ban đầu thì mẹ tôi không vui khi chúng tôi đi xem phim. Lý do là sợ thức đêm thức hôm, ăn uống đã đạm bạc lại không nghỉ ngơi sớm thì lấy đâu ra sức khỏe cho ngày mai… Thấy anh em tôi háo hức chuẩn bị thì ba tôi (RIP) im lặng. Tôi biết thâm tâm ông ủng hộ nhưng ngại làm mất lòng mẹ tôi. Nhưng càng về sau thấy bọn nhóc chúng tôi và cả anh chị thanh niên quanh xóm nữa râm ran bàn chuyện trong phim. Kể lại, bắt chước, nhái theo hay say sưa phân vai đọc lại lời thoại của các nhân vật y như thật thì ông bà hiểu rằng, đây là cơ hội để đám trẻ giải trí và mở mang đầu óc. Sự đi về khuya khoắc dẫu có ảnh hưởng ít nhiều đến công việc học tập của ngày hôm sau nhưng chỉ là thoáng qua và nhanh chóng được bù đáp. Món ăn tinh thần là có thật và buộc phải có. Vâng, con người đâu chỉ sống bằng gạo bằng cơm…

Từ đó trở đi, ông bà phân công và giao trách nhiệm cụ thể. Ba em kế út thì tự đi và cầm đuốc. Ba anh chị đầu thay nhau cõng em út lúc ấy mới gần 5 tuổi. Hai anh tiếp theo thì vác ghế xếp. Vừa có chỗ cho em ngồi xem vừa là nơi đỡ giấc ngủ sau khi coi hoạt hình. Xong phim về đến nhà cũng đã hơn 10 giờ đêm. Một nồi khoai sắn luộc ủ hơi nóng đang chờ. Có khi, hơn cả giấc mơ là nồi cháo gà đang nở bong bóng trên bếp.

Trong những lần ấy, buồn nhất là những buổi chiếu phim phải dừng lại nửa chừng. Máy chiếu hư, phim hỏng, phim đứt không thể cà nối hay máy nổ tự nhiên không thể khởi động. Rệu rã ra về trong tâm trạng thất vọng ủ ê… Đi xa về gần nhưng quy luật ấy lúc ấy không hề đúng với chúng tôi, mà là ngược lại. Cũng có khi lũ lượt kéo nhau đi tới nơi mới biết mình nghe tin vịt. Trên đường trở về là “bộ phim” dở nhất mà chúng tôi từng phải từng xem…

… Ơ kìa, một số bạn đang đi đến. Chúng tôi núp vào lau lách hai bên đường. Khi họ đã đi một đoạn xa chúng tôi mới ra khỏi lùm và sung sướng nghĩ đến cảnh ngày mai đến trường sẽ có người tẽn tò như thế nào khi nghe một ai đó nói lửng lơ “Tối qua có người xem phim đường đi không đến?” hoặc “Phim trên đường trở về có hay không các bạn”…

Sau một hai lần như thế, nghĩ lại sao mình lại nỡ chơi ác với người cùng cảnh ngộ. Hôm nay mình lỡm họ, chỉ hôm sau, hôm sau nữa mình sẽ là nạn nhân. Thôi thì chia sẻ cùng nhau. “Lui thôi các bạn ơi. Hôm nay chúng ta cùng nhau xem phim trên đường trở về…”.

2. Ấy là đi xem phim ké của bộ đội trung đoàn 6. Còn phim của Đoàn chiếu bóng lưu động của huyện nhà thì lại khác. Đoàn này luân phiên đi phục vụ hầu hết các xã trong huyện vào thời gian có thời tiết thuận lợi trong năm. Thuở đó hầu như không có phương tiện nào phục vụ đoàn, ngoài sức gồng gánh trực tiếp của con người. Đoàn có 3-5 người. Họ chỉ mang theo đồ dùng cá nhân. Máy nổ cả tạ, máy chiếu hàng yến, thùng đựng phim, xăng dầu,… tất tần tật giao cho các thanh niên được xã phân công đi đón tiếp. Gánh hoặc bỏ xe cải tiến kéo từ xã Phú Vinh vào đến  ủy ban xã có khi mất cả ngày trời. Mỗi xã chỉ được phục vụ 3-4 đêm. Hết thời hạn đó thì được xã khác liền kề đến rước đi. Đến xã nào cũng được đối đãi như khách quý. Cơm ăn nước rót, có khi còn được bồi dưỡng cháo gà đêm khuya… Nghe nói trong những tháng mùa khô, định suất tiêu chuẩn gạo và thực phẩm của họ hầu như còn nguyên ở cơ quan…. Cũng nghe nói, những nơi nào tiếp đón khiêm tốn thì xăng sẽ hết bất chợt hay máy nổ sẽ hư không chừng và người xem phim, lúc này có cả người đứng tuổi sẽ được nếm trường đoạn trên đường trở về… Trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà. Vâng, máy nổ thì màu đỏ.

 

Vào thời điểm học sinh làm hồ sơ thi đại học hàng năm tôi lại nhớ đến câu chuyện mà thầy Lê Văn Chiến, Hiệu trưởng trường tôi thuở ấy thường kể, không biết nên buồn hay nên vui. Trong suốt thời gian công tác ở A Lưới, đến xã vùng bản nào, dọc đường 14 hay khuất nẻo như A Nhâm, A Roàng thầy đều nhận được câu trả lời là “Làm nghề chiếu phim” khi hỏi các học sinh từ cấp 1 đến cấp 2, bất kể nữ hay nam. Đáp án thầy nhận được từ trường Hương Phong chúng tôi thì lại khác. Đủ các ngành nghề phổ biến, bất ngờ hơn là rất ít nghề chiếu phim…

Dẫu khác đơn vị nhưng phim của bộ đội và của Đoàn chiếu bóng huyện cơ bản là như nhau và hình như có sự trao đổi. Bởi thế, có bộ phim chúng tôi được xem hàng chục lần. Xem nhiều lần ở các C khác nhau của K6, xem ở thôn Ca Nôn, ở thôn Bò Lạch, A Xo,… Rồi xem ở xã nhà. Với các anh chị thanh niên, đi xem phim là cơ hội gặp gỡ, để được đi về cùng nhau và có những giây phút riêng tư. Chí ít cũng là cơ hội được đi coi người, ngắm người. Với bọn nhóc thì lại khác. Có khi do đi chậm 5-10 phút nên không biết tên phim. Nào có hề gì. Cứ trạo nội dung trên đường về là biết răm rắp, có khi còn nhắc phim nớ phim kia, đã xem tại đâu, ngày nào nữa cơ. Chỉ cần đọc một lời thoại hay kể một phân cảnh là hiểu ngay đã xem phim đó bao nhiêu lần, gặp những chuyện vui buồn gì trên đường đi về… Nhiều lần thầy cô giáo chúng tôi ngạc nhiên khi nghe các bạn diễn lại lời thoại y như người chuyên nghiệp. “Câu chuyện này xảy ra từ lúc mà bầu trời rất thấp, thấp đến nỗi những người cao lớn với tay là đến Thiên cung”. “Nín đi con! Nín đi con! Lớn lên ta sẽ cho con tuổi trẻ mãi không già và cuộc sống muôn đời bất diệt”. “Đây là sơ đồ nguyên lý tàu Von-te”.  “Theo quy định mọi người tham dự cuộc họp này không được đưa vũ khí vào phòng”… “Cốp… cốp… cốp” (tiếng gót giày của nhân vật nữ chính khi rời phòng gửi vũ khí) và tiếp là những bước chân nhại theo…

 

Phim ảnh đưa chúng tôi đến những chân trời mới lạ. Nhờ bộ phim “Điều kỳ diệu của cô gái có hai bím tóc” mà lần đầu tiên chúng tôi biết được tên gọi và quy mô của các Thế vận hội. “Mười một niềm hy vọng” hé mở cho chúng tôi cuộc sống ngoài sân cỏ của các chàng trai quần đùi áo số, nói như ngôn ngữ thời nay là các ngôi sao bóng đá. Cũng qua bộ phim này mà chúng tôi được xem một số trích đoạn trong một số trận đấu của các cầu thủ tầm cỡ thế giới…

 

Những cảnh chết chóc bởi súng gươm, bởi đạn pháo hay bởi tiểu liên của các nhân vật chính gây ra cho vai phản diện, với chúng tôi hầu như là tự nhiên, là lô gich của phim chiến đấu, hay đó chỉ là sự liền mạch của ngôn ngữ điện ảnh. Có chăng chỉ là nhất thời làm cho máu trong huyết quản chảy nhanh hơn và mồm miệng tự nhiên ú òa hù hự theo từng tiểu cảnh. Sau một thời gian thì quên béng để nhớ và nhập vai chuyện của phim tiếp theo… Có khi tỉnh táo lại tự hỏi, nhân vật nọ, nhân vật kia sao mà giỏi thế. Một mình mà chơi lại không biết bao nhiêu người. Hay là đó là sự bốc phét của phim ảnh? 

Ấy vậy mà hình ảnh đứa bé mới 9 tháng tuổi bị xô ngã rơi xuống nước hay bị tía má bỏ vào túi nilon dìm xuống sông để tránh 2 chiếc trực thăng đang quần thảo trên đầu trong phim “Cánh đồng hoang” lại làm cho chúng tôi hồi hộp hoang mang lo lắng. Có đứa còn thét lên “Ngột! Ngột! Răng mà lâu rứa! Coi chừng ngột!”. Rất nhiều người thú nhận đã nổi da gà khi xem những cảnh ấy và còn ám ảnh mãi về sau. Cứ ngỡ đó là chuyện của những năm 60, 70 của thế kỷ trước nhưng mà không. Những năm gần đây, đâu đó vẫn còn học sinh đi học bằng cách ngồi trong bọc nilon để bố mẹ anh chị kéo qua sông… Rồi hình ảnh anh nông dân trong “Vùng gió xoáy” đang vung cuốc lên cao thì nghe tiếng kẻng báo hết giờ liền chùng mình hạ cuốc xuống ngang vai, vuốt mặt đi về chứ không phập xuống ruộng cho luôn nhịp… Nào có đâu xa. Chuyện thỉnh thoảng vẫn xảy ra ngay các tập đoàn sản xuất nơi tôi đang sống. Cứ ngỡ chuyện không hay ho đó chỉ xuất hiện nơi thâm sơn cùng cốc ai dè là hình ảnh điển hình, minh họa cho một thời ảo tưởng nóng vội làm ăn lớn của hợp tác xã để tiến mạnh tiến nhanh…

Với tôi, xem phim bãi ở vùng cao không phải là trải nghiệm lần đầu. Trước 1975, đêm nọ ba mẹ tôi hốt hoảng tìm kiếm khi giờ tan lễ đã qua hơn 30 phút mà anh em chúng tôi chưa về nhà. Xong thánh lễ buổi chiều thì vừa lúc các thầy Dòng Thánh Tâm chiếu phim phục vụ cho các lưu học sinh tại trường Thánh Giu-se kề bên nhà thờ Phủ Cam. Cửa rộng mở cho cả người ngoài. Sức hút của màn bạc lớn đến mức chúng tôi quên mất lời căn dặn của ba mẹ “Đi đâu thì phải về nhà…”.  Thỉnh thoảng vào đầu tháng lương, chúng tôi vẫn được đi xem xi-nê tại các rạp Tân Tân, Hưng Đạo hay Z96. Nhà cũng có ra-đi-ô nghe tin tức thời sự, nghe ca nhạc, tân cổ giao duyên. Sự kiện Tháng 4-1975 làm đảo lộn tất cả. Giã biệt phố phường đến với A Sầu A Lưới. Ngày tiếp ngày ruộng vườn nương rẫy. Đêm nhập nhòa leo lét ngọn đóm tre. Thiếu từ cái ăn cái mặc đến nơi vui chơi giải trí. Ngoài sách giáo khoa, sách tham khảo đọc đã sờn gáy rách góc thì phim ảnh là kênh sống động nhất, hấp dẫn nhất vượt qua bốn bức tường núi đá đưa hình ảnh cuộc sống của con người khắp năm châu bốn biển đến với chúng tôi.

 

 

Chú thích: Ảnh sưu tầm trên mạng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Quốc Lãnh
Số lần đọc: 493
Ngày đăng: 16.11.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trải nghiệm xe khách thời nay – chạnh nhớ xe khách thời xưa - Hoàng Thị Bích Hà
Chuyện cậu nhóc đi “giang hồ vặt” gần nhà rồi xa hơn nữa - Phạm Nga
Năm học thứ hai - Nguyễn Quốc Lãnh
Nhờ văn chương mà thoát chết - Hoàng Thị Bích Hà
Hồi ký về cuộc mạo hiểm trên biển cả. - Hồ Bạch Thảo
Cảm xúc cánh diều 2023 - Nguyễn Anh Tuấn
Một mùa hè chưa xa... - Nguyễn Quốc Lãnh
Những thầy cô giáo không ngạch bậc - Nguyễn Quốc Lãnh
Dọc đường văn nghệ (Phần 89) Nguyễn Thị Ánh Huỳnh với khung trời thi ca rất riêng - Trần Dzạ Lữ
Một chuyến hành hương núi Thị Vải - Phan Anh