Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.187
123.150.572
 
Hoa bèo
Nguyễn Văn Ninh

Nhà tôi trong thị trấn.

Ba mẹ còn trẻ, gia đình chỉ có hai chị em.

 

Mẹ tôi con nhà buôn bán. Mười ba tuổi, mẹ theo bà ngoại trên những chuyến tàu. Lớn hơn, mẹ theo thương lái ép phe những chuyến hàng, mẹ muốn thoát ra khỏi hoàn cảnh ảnh hưởng của bà. Trong những chuyến đi ấy, mẹ chấp nhận nhiều điều không hay với mình. Sau này do buôn bán đường dài vừa vất vả, vừa khó kiếm, mẹ lánh về thị trấn mở cửa hàng bán vải, quần áo...Sống yên ổn bên ba tôi và bên chúng tôi. Khác với mẹ, ba làm ruộng. Ông yêu cánh đồng và mong chờ mùa gặt bội thu. Ông lành tính, trọng người có chữ. Ông ít nói. Mỗi khi nói, ông lại đem chuyện ruộng đồng ra kể. Mẹ gạt đi.

- Dở hơi! Đồng với chả ruộng, báu lắm đấy! 

           

Ba lẳng lặng. Ba chỉ biết làm chứ không biết nói. Mà xét cho cùng nói đâu có dễ, cần phải có vốn từ nhất định và muốn cho người ta nghe phải có tiền hoặc có quyền...hai thứ đó ba không có, nên mẹ thường diễu gọi ba là "ông hai không".

 

Năm tôi mười ba tuổi, mẹ dẫn lên chùa. Do lễ lạt hậu, tôi được sư thầy cho chữ.Sư thầy bảo: "Nó sẽ khá hơn nếu được học đến nơi đến chốn. Ở đời, phi trí bất hưng. Tôi cho nó chữ Trí".

Khác với sự yêu thương tôi, mẹ với chị Hạnh có một mối ác cảm sâu xa nào đó rất khó lý giải; yêu và ghét, giận và thương chung chiêng lẫn lộn, chị như cái gai trước mắt mẹ muốn nhổ vứt bỏ đi nhưng ngặt nỗi lại là ruột thịt...Những lúc mẹ quát mắng chị  Hạnh, ba thường bảo: "Im mồm đi, đàn bà". Nghe ba nói, tôi tự hỏi:"Đàn bà là gì"?

 

Chị Hạnh hơn tôi ba tuổi, năm mười sáu chị vào cấp ba. Học không giỏi, bù lại hơi "xí xớn" nên cũng có tiếng. Đầu tối chị mở sách ra học, khoảng chín mười giờ đêm nghe tiếng huýt sáo ngoài ngõ, chị bỏ sách lẻn ra ngoài...

 

Buổi sáng chị thường dọn hàng giúp mẹ. Chị vừa sắp hàng vừa liếc nhìn túi tiền. Mẹ sơ ý, chị nhón luôn. Học cả năm chị không phải xin tiền mới lạ? Năm lớp 11, chị may nhiều quần áo, chưng diện đủ mốt, ít ăn cơm nhà. Mẹ sinh nghi? Mẹ tưởng chị là gái bao, hay sa vào quán bia ôm? Điều mà mẹ nghi ngờ cũng có thể lắm? Thị trấn mọc lên rất nhiều quán: cà phê vườn, Karaoke, bia ôm...Nhưng không! Mẹ đã lầm. Chị có tiền do thó trộm từ túi mẹ. Từ đó mẹ quản thật chặt, chị không "làm việc" được.

 

Ba đi họp phụ huynh. Thầy giáo phản ảnh về thái độ học tập của chị. Ba buồn lắm! Không thể tin vì tối nào ba cũng trông thấy chị vào học bài. Ba theo dõi bắt được quả tang chị lẻn ra ngoài với giai. Từ đó, trước khi đi ngủ, ba quản thật chặt. Có đêm, ba mắc màn nằm ngay cạnh cửa ra vào. Chị không ra được, tiếng huýt sáo bên ngoài vọng vào liên tục, réo rắt. Ba bực mình quát vọng ra.

-  Con Hạnh chưa đến tuổi tìm hiểu. Cút ngay!

Mẹ không nói gì. Mẹ cho rằng con gái không cần học cao. Mà càng học nhiều càng hư hỏng. Tốt hơn là ở nhà.

-  Ở nhà đấy- Mẹ nói- Còn chưa quản được huống hồ ở trường. Tôi đẻ ra nó, tôi biết. Con này thấy

giai mắt đảo như rang lạc. Ngữ ấy chẳng học hành được đâu!

 

Nhờ công của ba, hai năm cuối chị học chăm chỉ. Tốt nghiệp trung học, chị mạnh dạn thi đại học.

 Khác với người sôi kinh nấu sử mà vẫn lận đận, thi cử trượt xoành xoạch. Chị Hạnh thi đỗ ngay năm thứ nhất. Chị vào khoa văn...Hôm liên hoan chị đi, ba mừng lắm. Ba tự hào về đứa con gái có sắc có tài. Ba đâu biết nguồn gốc sinh ra chị tôi. Sau này khi ba đã mất, tôi được nghe mẹ kể lại: chị là kết quả của mối tình nông nổi nhẹ dạ củ mẹ.

* *

*

Chị Hạnh khăn gói lên Hà Nội học, thỉnh thoảng chị viết thư về cho tôi. Chị kể" Học đại học lạ lắm. Mình bò lăn ra học mà vẫn thiếu điểm. Có lẽ cách nghĩ của mình khác cách nghĩ của thầy. Mà em biết không. Ở đây, các thầy cô giáo đều viết sách. Các thầy giảng nhưng làm bài khác với trong sách là thiếu điểm. Thiếu điểm thì nộp tiền thi lại. Muốn chắc ăn mời thầy chấm bài phụ đạo luôn: phụ đạo cũng không ghê gớm lắm đâu, thầy bảo đề này ở phần này... quyển này. Không có sách thì mua luôn sách của thầy. Sách dày, giá cao, trí tuệ mỏng. Bán ế lắm! Thế thôi. Em trình bày với mẹ xin thêm tiền cho chị."

 

Hết năm thứ nhất chị nợ hai môn. Hè, chị về quê nghỉ, chị bớt hồn nhiên hơn. Chị đi lại nói năng đài các. Khen chị! Chị học được khá nhanh văn hoá đô thành, ăn nói cười nhất cử nhất động...Tôi yêu chị, tôi ao ước sau này được ra Thủ đô học như chị... Mùa hè năm đó sao mà ngắn ngủi, những ngày hè trôi qua một cách chóng vánh!

  

Cuộc sống hẳn sẽ ít chuyện kể nếu con người ta chịu ở yên trong đó, sống an phận thủ thường. Nhưng người ta, ngoài sự bất chắc do thiên tai, chiến tranh...Còn một điều nữa phải kể đó là dục vọng. Dục vọng đẩy con ngươi ta xuống hố sâu bi kịch.

  

Cơn lốc số đề ập vào thị trấn. Mẹ cũng bị cờ bạc ru vào đời, lúc đầu đánh nhỏ sau đánh lớn: trúng ít thua nhiều, càng thua càng gỡ càng đánh. Cả chợ đánh đề hòng giở nhà người ta về làm chuồng lợn nhà mình. Nhưng mơ mộng, kẻ vẽ tính toán không nổi, khôn ngoan không lại với giời. Người nào nhà nấy đánh đến rụng váy rơi vành! Mẹ tôi từ chỗ vốn liếng đến cả xe hàng, chuyển xuống thành gánh hàng rồi mẹt hàng...Thua đề, mẹ ngơ ngác bơ phờ. Cả chợ huyện cám cảnh như trại tỵ nạn. Bao nhiêu tiền bạc dồn hết vào tay chủ đề. Ba gàn mẹ. Ba tha thiết mong mẹ nghe ba dù chỉ một lần.  Đàn bà là đàn bà không thể khôn hơn đàn ông được. Mẹ vẫn không nghe…Một ngày, mẹ trở về với hai bàn tay trắng. Mẹ thở dài"Thế là hết". Ba lẳng lặng như không có chuyện gì xảy đến. Nhưng rồi, cũng không kiềm chế được. Mặt ba gầm gừ, tức giận hiện ngay ra mặt. Ba sống thành thật với tình cảm của mình, không màu mè, không làm dáng. Con người ba hệt như cày cuốc vậy: sáng choang nhờ lao động.

  

Sáng hôm sau mẹ không dậy vì không phải đi chợ. Mẹ cứ nằm trên giường như người thi gan. Ba lục tục chuẩn bị quang gánh liềm rổ, xong xuôi. Ông gọi:

  -Dậy thôi chứ. Dậy ra cánh đồnh.- Ba gằn giọng- chỉ khi cúi mặt xuống cánh đồng mới hiểu được lao động.

  - Đi trước đi- Mẹ nói- Vui vẻ gì. Tôi đi sau.

   Không nói, ba hầm hổ mặt mày. Ba quẩy gánh, lủi thủi ra đi. Đến trưa ba về, thấy gánh vẫn để giữa sân. Ba hỏi.

   -  Bà chưa dậy?

   -   Còn lâu!

  

Mẹ nói chan chát nhát gừng? Lạ thật mẹ chẳng coi ba ra gì. Ba không chấp nhận những lời của mẹ. Mẹ là dân chợ, dân buôn, có bao nhiêu những lời khéo léo mẹ dành cho khách hàng. Về nhà với ba, đôi lúc mẹ nói như dùi đục chấm mắm cáy. Ba vào bếp nấu cơm. Nấu xong, gọi mẹ dậy ăn. Mẹ không dậy! Ba để lại phần cơm cho mẹ. Ba thật chu đáo. Trong mắt tôi, ba thật tốt. Người tốt làm việc như ý nghĩ, nếu có yêu thì tình yêu ấy chỉ để cho người khác lợi dụng lừa gạt. Người tốt rất hay tha thứ...

  

Sáng hôm sau mẹ đậy sớm hơn, lượm cái cân đĩa cho vào bị cói. Mẹ ra chợ.

   

Mẹ đứng cách chợ một quãng, thấy ai xách ngan gà trong các xóm thôn đi ra, mẹ đon đả hỏi mua. Mẹ nói:"Các bác bán cho em, nhà em có việc".

   

Người quê, nói đến có việc ai cũng chia sẻ thông cảm. Họ nghĩ rằng bán cho người cần mua giống như sự giúp đỡ, và thực sự họ ngại bán cho người buôn. Còn mẹ tôi, người ngoài đâu có biết. Mẹ mua cân hai bán tám lạng, khách hàng sểnh một tí là mẹ đọc nhầm con số trên cân.

  

Tôi viết thư ra trường kể với chị Hạnh. Chị viết thư về:"Em cứ yên tâm mà học. Chị là con gái, chị có lợi thế riêng của chị."

   Lợi thế ư? Tôi phân vân?

  

Thư sau chị Hạnh viết:"Em biết không, năm nay là năm thứ ba của chị rồi. Kể từ năm đầu tiên chị đã có thầy giáo đến tán. Thầy là giáo sư, chủ nhiệm bộ môn. Thầy đeo kính cận dày cộp, không biết uống rượu. Thầy nói rất hay về tình yêu ngược lại thầy không có tình yêu. Thế mới đặc biệt chứ!..Ui chao! Hai năm đầu chị có thèm để ý đâu. Nhưng năm nay chị nghĩ lại? Yêu thầy điểm chác đỡ phải lo, tiền bạc cũng thế tuy không nhiều. Em nghĩ xem có được không? Đừng khinh thường chị, đừng cười chị... chị của em không phải gái bao đâu. Chị tự hào chị làm được điều đó vì chị đẹp. Đẹp là tài nguyên, thông minh là tài nguyên, mà đã là tài nguyên phải biết khai thác! Em trai bé bỏng của chị! Đố em biết thầy giáo nói gì về chị đấy?..Chị cười- Thầy bảo: Đẹp là vốn quí, lộc trời. Đẹp không cần thông minh, học giỏi. Thông minh dễ làm cho người ta nghĩ ngợi, suy tư ưu phiền. Mà suy tư ưu phiền là kẻ thù của sắc đẹp. Đẹp giống như hoa, hoa càng đẹp càng phải được chăm sóc nâng niu, hoa đem lại cho người ngắm xúc cảm, còn bản thân hoa lạnh lùng...Ồ mà chị nói hơi nhiều đấy nhỉ? Hẹn gặp em thư sau. Chào em!

  

Cứ thế, cứ thế và cứ thế; mõi lá thư chị nói rất nhiều...Càng về sau chị nói càng nhiều về thầy giáo- người yêu của chị. Chị nói, thầy giáo rất giỏi về văn học, triết học. Văn học phải có triết học mới có tầm tư tưởng. Văn học phải có tính tiên phong như là sự khai sáng...Văn học đó mới sống lâu, được thế giới dịch và có thể... trao giải. Thầy nói rất nhiều về trường phái văn học: hiện sinh, hiện htực, lãng mạn...Rất khó nói hết về văn học, nhưng văn học phải bay trên đôi cánh lý luận...Văn học giúp mình hiểu được mình hơn, không nên ôm số phận mà buồn chán; hãy làm gì cho cuộc đời mình, cho hiện tại đang sống, còn nói làm cho mai sau là nói xáo. Mà văn học cũng buồn cười, mình đọc mình xúc cảm, sống lâng cùng nhân vật. Ấy thế mà, các nhà văn bảo khi viết văn: không nên viết trong cảm xúc. Thế mới lạ chứ? Vì cảm xúc ấy người này khóc, người kia lại cười. Người viết văn cần phải biết kiểm soát mình, cần phải sống sâu sắc hơn trong ý nghĩ và khi viết xong cần phải dùng lý trí của mình để đánh giá tác phẩm của chính mình.

  

Em ạ, khi mình đọc văn mình thấy lạ và sợ. Những người viết, mình cảm tưởng rằng họ như thần như thánh, như mượn bút của trời. Nhưng không phải đâu viết văn cũng dạy được. Ví như ông Phờ dạy ông Mô...và người ta đã mở các trường dạy viết văn...

  

Ồ mà chị nói dông dài qá nhỉ. Nhưng chưa hết đâu, chị là đàn bà con gái nên lắm chuyện lắm.

Thôi nhé chị sẽ kể cho em trong những lá thư sau. Còn hiện tại chị đang yêu. Yêu? Khó nói! Nhưng yêu là tất cả, người không yêu như xe máy không có tay ga, không tốc độ. Thôi nhé chị chào em!...

    Chị Hạnh đưa người yêu về nhà. Chị giới thiệu anh tên Hùng, thầy giáo của chị. Cả nhà bất ngờ! "Eo ơi!" người yêu chị hơn ba tôi hai tuổi, chân dài như đi khêu, râu không cạo chỉ cắt tỉa, tóc không ngôi thứ suôn suôn như mọc từ đỉnh đầu xuống...Rất tự nhiên, rất riêng biệt nhưng chẳng giống ai! Tôi và mẹ chào bằng bác, ba chào bằng anh. Hình như, chỉ hình như thôi ba và "ông ấy" quen nhau?

   Bữa cơm dọn ra, cả nhà quây quần. Tranh thủ trước lúc ăn ba vừa giót rượu, vừa kể.

 - Mẹ và các con. Ngày trước trong quân đội tôi là lính của anh- Ba qyay sang anh Hùng-  Anh đây       huấn luyện tôi. Chúng tôi sống với nhau suốt hai năm trời.

   Cả nhà kinh gạc như vừa được nhìn thấy đĩa bay vậy.

  - Dạ- Anh Hùng đưa gỡ mục kỉnh đáp.

  Tự nhiên tôi buồn cười và không kiềm chế được tôi đã cười. Chhị gõ vào chán tôi:"Ăn đi". Mẹ tôi cứ như người lần đầu tiên cầm đũa, tay lóng ngóng, đũa rơi lạch cạch xuống mâm.

    Anh rể tương lai không biết do nể nang hay bản tính, ăn rất ít như người đi qua hàng cơm vậy. Ăn thế lấy vợ sao nổi."Bác mời thêm cơm"- Mẹ buông bát đon đả. Rất trân trọng, ba hỏi:

    - Anh thôi ư?

    Anh rể tương lai ngồi im ngẫm ngợi như nhà hiền triết, khiến cho cả nhà lo lắng, mỗi người tự chất vấn mình rằng, mình có sơ suất gì chăng? Lâu lắm, ông đáp.

     - Cả nhà cứ ăn. Tôi đủ rồi.

* *

*

  Chị học năm cuối đại học, tôi học lớp 12. Mỗi người còn một năm nữa là kết thúc chặng đường ngắn ngủi của mình. Tôi tính toán trường gì để thi. Còn chị? Chị tính toán bằng mọi giá phải ở lại Hà Nội. Mục đích của chị là lấy thầy Hùng. Thầy tuy già nhưng đương chức, chị là vợ nên sẽ được giữ lại bất luận điểm thi thế nào. Và cứ thế, nghiễm nhiên chị được ở lại Hà Nội. Chị nói:

     - Ở đời, muốn tiến thân cần phải đánh đổi một cái.. gì đấy?- Nói về tương lai, chị là người thông minh và thực tế, chị hào hứng kể nốt- Lúc ấy còn gì bằng khi em đỗ đại học. Em sẽ có chị bên cạnh!

   Năm sau điểm báo tốt nghiệp, bốn môn chị được bốn con năm. Ngày cưới chị, điều tôi chờ mong nhất cũng không thấy nói. Đứt rồi! Tôi đoán ngầm như vậy! Dự tính của chị đã hỏng. Với số điểm tốt nghiệp hai mươi chị không được xếp loại giỏi hay khá, để được dạy ở thị xã, thị trấn hay miền xuôi...

   Những ngày hè còn lại không nhiều, nắng đã dịu đi, ve sầu bớt nỉ non nức nở. Tiếng kêu nhẹ nhàng trang trọng khiến lòng người phấp phỏng đón chờ mùa thu...Ba ra đồng, ông bó buộc bản thân với đồng ruộg không phải vì mùa gặt. Ông yêu cánh đồng! Nhiều hôm chẳng có việc gì ngoài đồng đâu nhưng ba vẫn ra để ngắm. Mẹ đi chợ, cũng như ba mẹ không bỏ buổi chợ nào. Mỗi người sinh ra hình như chỉ gắn với một việc gì đấy vừa là nghề vừa nghiệp...Còn hai chị em tôi ở nhà.

    Chị Hạnh ra chợ mua đồ ăn sáng. Từ ngày về nghỉ hè, chị có thú vui mỗi sáng ra chợ một lần: Guốc cao mặc váy, đi lại nhún nhẩy trước mặt người dân quê, nụ cười thường trực trên bờ môi thắm hồng khiến cho những người dân chân lấm tay bùn dè dặt, những chàng trai trước kia từng mon men tán tỉnh giờ nhìn chị cũng cảm thấy mình nhỏ nhoi, yếm thế. Đôi mắt chị, đôi mắt chơm chớp để ngỏ như đợi chờ ai?

   Về nhà chị gọi:

   - Hoàng dậy đi em. Dậy lấy chổi quét nhà.

   - Chị!- Tôi ngượng ngùng- Chị từng chải quá.

   Chị cười: Chàng "Thánh Gióng", em của chị. Đó mới là khí chất đàn ông!

    Vừa ăn sáng, chị vừa kể:

     - Hồi ra giêng, chuyến đi thực tập tốt nghiệp, chị đã chủ động đến với anh Hùng. Chị rủ anh đi chơi thật khuya rồi thuê phòng...

     Chị ngừng lại, thoáng chốc gương mặt vui vẻ giờ biến mất?..Tôi tự nhủ chị của tôi? Làm điều đó phải là đàn ông, sao lại là chị nhỉ? Chị chủ động đấn thân như con thiêu thân? Cho nên..

      - Vào phòng chị đi tắm. Khi trở ra vẫn thấy "ông ấy" mặc nguyên si quần áo, mắt nhìn chằm chằm vào tờ giấy ghi nội qui phòng ngủ. "Anh thật là lẩm cẩm"- Chị gắt khẽ, và chị phải cười tươi. Rồi chính tay chj cởi quần áo đẩy anh vào phòng tắm. Khi nghe tiếng nước chảy chị mới yên chí lên giường nằm. Chị nhắm mắt, hai tay bóp mạnh vào eo mình...

 Anh Hùng trở ra. Anh định mặc lại quần áo. Lúc này chị mới nhìn rõ anh. Chiếc khăn quấn quanh bụng, người không có ngực.

  Quay sang tôi chị nói:

  - Em phải tập thể dục cho khoẻ mạnh nở nang, con gái thích con trai, trước hết đó là sự mạnh mẽ, thônh minh, không cần đẹp trai: Đẹp chỉ là tính từ!

   Chị kể tiếp câu chuyện.

Lại đây với em- chị vít cổ anh xuống, môi chị chạm vào môi anh. Môi anh khẽ chạm vào môi chị rồi giật ra như điện. Lạ lắm? Mấy năm yêu nhau, đó là lần đầu tiên gần gũi.

Em còn?

Không!- Chị đáp. Anh quay mặt bước đi mấy bước tựa người vào cửa sổ, châm thuốc hút?

       

  Lúc ấy chị biết thế là hết. Chị chẳng trói dược anh, cho dù... chị cười trong đau đớn vì bị từ chối.

    -     Nước chảy đá mòn! Tôi hơn hai mươi tuổi không còn ngyuên vẹn nữa?

    -   Đứa nào? Ở trường này?- Anh găy gắt.

    -  Không! Năm tôi mười sáu tuổi, với bạn học phổ thông.

       Chị thành thật. Ông nghiến răng:

    -  Cô là?..

    -  Tôi là!..

 

Chị run lên vì xúc phạm, chị tát vào mặt ông ấy!

Chị bật dậy, choàng chiếc áo vào người như một con điên chị lao xuống đường. Đêm đó chị lang thang. Thỉnh thoảng chị ngoái lại phía sau xem có anh ấy không? Không thấy! Chị hiểu, chị đã nhầm!..Thực sự lúc đó chị căm thù...Mỗi bước đi trong đêm chị cảm thấy mình thật cô dơn, chị chờ mong có một người nào đó để được sẻ chia an ủi. Một thằng khốn nạn cũng được. Nhưng rất lạ- Chị cười gằn- Cuộc đời, đôi khi điều chờ mong không đến, điều bất chắc không ngờ, dù hai chỉ là một! Hơn hai tiếng đồng hồ, chị về phòng. Lúc ấy căn phòng chỉ còn lại đồ của chị!

Thời gian thực tập và thời gian sau đó ở trường để thi tốt nghiệp, chị đã gần gũi với rất nhiều đàn ông. Chị muốn xoá hình ảnh một người đàn ông bằng nhiều người đàn ông khác?..

Chị lặng im lắc đầu. Gương mặt, ánh mắt chị hiện lên sự ngao ngán..Chị kể tiếp:

Sau đấy chị mới biết. Thầy Hùng thực lòng, là người rất quan trọng với chị. Quan trọng lắm! Thầy cho chị rất nhiều, kể cả bi kịch...để chị hiểu và sống. Sau đó những tháng ngày còn lại thầy và chị luôn xa lánh nhau.

Chị lặng im chống tay lên trán, mắt nhìn xuống bàn. Mắt chị ngầu đỏ, hàng mi cong vút. Đôi mắt ấy vừa thực tại vừa xa xăm...Khơi dậy chiều sâu liên tưởng trong lòng chị:"Chị không có bố. Chị bị bỏ rơi ngay từ lúc còn trong bụng mẹ. Mẹ đẻ chị để cho họ thấy? Chị là con của họ. Nhưng bố chị có nhận chị đâu; mặc dù ông ấy ở gần đây và giàu có. Cũng may cho chị là được ba yêu thương coi như con đẻ của mình!"

 

   ...Nhận điểm tốt nghiệp, chị sững hết người, bốn môn thi bốn con năm. Điểm đó như cái tát vào mặt chị, chị hiểu, họ cho điểm như vầy vì họ không muốn nhìn mặt mình thêm năm nữa. Họ muốn mình đi. Đi thật xa! Chị không oán trách, không thù hằn, không hờn giận. Điểm chác không là gì cả, ra trường đi dạy đều có mức lương như nhau! Nhưng trong lòng chị, chị luôn luôn dằn vặt tự hỏi mình. Rằng mình đã yêu và vẫn yêu. Yêu thật! Tình yêu làm cho người ta ngây thơ lắm. Em không thể hiểu mà chị cũng không thể hiểu được đâu! Anh ấy, chị chợt nhận ra; anh ấy như là mẫu người của chị.

    Chị oà khóc, khóc chán chị lau nước mắt rồi cười. Tính tình của chị khó hiểu lắm: Có lẽ do học nhiều ư? Tâm hồn phức tạp ư?..Chị nấc nhè nhẹ:"Cũng may! Những ngày vừa qua chị được ở gần em, gần ba mẹ. Người thân ruột thịt như tiếp thêm cho chị nghị lực ý chí... Có được như bây giờ chị vui lắm rồi".

     Cuối hè nắng vàng hơn. Nắng phấp phỏng gọi thu về trên lá. Tôi và chị rủ nhau ra đồng. Xen lẫn cánh đòng là những ao những hồ. Dưới ao hồ hoang hoài ấy; hoa sen, hoa súng, hoa bèo...mọc lên. Hoa nào cũng đẹp. Bây giờ hoa sen hoa súng bán được người ta trông coi. Chỉ còn bèo dập dềnh trên mặt nước, nổi nênh thân phận chẳng kẻ đoái hoài. Hoa bèo nở thành từng bông màu tím. Người quê tôi bảo: lá bèo cuống phình to tuy xấu còn lấy về cho lợn ăn, chứ hoa bèo vô duyên lắm! Nhưng riêng chị Hạnh, từ xưa chị đã thích hoa bèo? Chiều chị tôi lội xuống ao ngắt cho chị một bông. Như bản năng chị đưa lên mũi ngửi, chẳng biết hoa có thơm không mà mắt chị trở nên mơ mộng, tôi bâng khuâng tự hỏi: Có lẽ những người yêu văn...mắt dều mơ mộng như thế chăng. Nhìn thích lắm bởi lúc ấy đôi mắt rất có hồn...

 

* *

*

 

Chị Hạnh ra Hà Nội lấy bằng. Tôi đi cùng chị. Lễ phát bằng đang diễn ra. Thầy Hùng tìm gặp. Thầy ốm yếu hom hem, khi cả ba người ra ngoài hành lang thầy khẽ nói:

   - Hạnh à- Thầy ngập ngừng, hình như hơi khó diễn đạt- Hạnh cho tôi nói hơi dài một chút.

   Chị bậm môi, gật:

   - Tôi già rồi, già mất rồi. Tôi có khuyết điểm. Tôi đòi hỏi ở em quá nhiều. Quá nhiều khiến cho em giận tôi?

   - Em không oán trách đâu. Em cần được như vậy.

   Thầy Hùng xúc động.

   Lời giới thiệu tiết mục văn nghệ đan xen, cắt ngang. Chị Hạnh xin phép thầy để hát.

  Thầy Hùng quay sang tôi hỏi bâng quơ vài câu. Tôi nhã nhặn trả lời thầy cho phải nhẽ. Tiếng hát của chị hạnh cất lên…Cuối buổi, thầy Hùng gặp chị Hạnh thêm một lần nữa. Thầy hỏi:

    - Em còn muốn ở lại Hà Nội không?

- Không, thầy ạ!- Chị lắc đầu, mắt chị đã rười rượi.- Sống ở thành phố biết đâu lại… khổ? 

   Chị oà khóc, vẫn bước đi.

Nguyễn Văn Ninh
Số lần đọc: 2847
Ngày đăng: 08.01.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Điếu thuốc lá - Lương Hiệu Vui
Lãng mạn - Trạc Tuyền
Bài toán - Đông La
Giấc mơ giữa trưa - Nguyễn Văn Ninh
Vũ trụ câm - Vũ Đình Giang
Cô gái bán bánh mì - Đậu Viết Hương
Cầm chầu HÁT BỘI - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng gọi ngàn - Đoàn Giỏi
Muộn - Trần Thị Bảo Châu
Bữa ăn trên cỏ - Nguyễn Văn Ninh