Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
873
123.135.868
 
104. Vua Lê Thánh Tông. 10
Hồ Bạch Thảo

 

 

 

Tháng giêng năm Hồng Đức thứ 13 (19/1-17/2/1482). (Minh, năm Thành Hóa thứ 18). Nhà vua đi tuần du đến Tây Kinh, Thanh Hóa; và định thể lệ tuyển cử quan chức ở ty Thừa chính:

Trước đây, quan chức ở 3 ty: Đô, Thừa, Hiến các xứ có khuyết ngạch; nếu thuộc về quan chức ở Đô tổng binh sứ ty hoặc Hiến sát sứ ty, thì do bầy tôi trong triều đình công đồng tuyển cử; còn quan chức thuộc Thừa chính sứ ty thì do bộ Lại đề cử. Nhà vua nhận thấy Thừa chính sứ ty chức trách cũng nặng, việc lựa chọn nên cẩn thận, bèn hạ sắc lệnh: từ nay, nếu viên chức ở Thừa chính sứ ty có khuyết, cũng giao cho bầy tôi trong triều đình tuyển cử theo như thể lệ tuyển cử quan chức ở Đô tổng binh sứ ty và Hiến sát sứ ty.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 23.

Về phía nhà Minh, lúc này lưu ý đến tình hình các nước phía tây nam giao thiệp với An Nam, nên sai viên chỉ huy Phan Kỳ đi sứ Lão Qua để dò la tin tức:

Ngày 15 tháng 6 năm Thành Hóa thứ 18 [ 30/6/1482]. Quan Tổng binh Vân Nam Kiềm quốc công Mộc Tông tâu rằng:

‘Ðược Tuyên ủy ty nước Bát Bách báo cho biết đã phụng mệnh cứu Lão Qua, làm cho quân Giao [An Nam] rút lui. Bản dịch văn thư nước này cho biết người Giao thường gửi sắc ngụy uy hiếp và dụ dỗ Bát Bách; nhưng nước này đã hủy sắc và cho voi dày xéo lên; lại bảo các quan quân Di cứu ứng lẫn nhau, nên quân Giao chưa từng được lợi thế. Nhưng Lão Qua trước đó không có công văn trình bày việc này; vả lại bọn Chỉ huy Phan Kỳ đi sứ Lão Qua thì chưa về, quân Giao đã rút về hay chưa thì chưa biết rõ sự thực.”

Sự việc đem xuống dưới bàn, bộ Binh tâu xin nghiêm sức bọn Tông cẩn thận đề phòng biên giới; đợi Kỳ trở về, xử trí như thế nào thì trù hoạch tâu lên. Thiên tử chấp thuận.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 121.

Hai tháng sau, Chỉ huy Phan Kỳ về đến biên giới, thì mất. Phía Lão Qua, Tuyên úy Phạ Nhã Tái tuyên bố các nước lân bang đã chuẩn bị; mong triều đình viện binh để đánh An Nam. Nhưng Dương Mân, người cùng đi theo với Phan Kỳ bảo rằng Phạ Nhã Tái mong báo thù cho cha và anh, muốn Vân Nam mang binh trợ giúp nên nói như vậy! Vua nhà Minh cũng muốn hoà hoãn, ra lệnh cho Tổng binh Vân Nam Mộc Tông bảo các nước này hoà mục với nhau:

Ngày 13 tháng 8 năm Thành Hóa thứ 18 [ 26/8/1482]. Quan Tổng binh Vân Nam Mộc Tông tâu rằng Chỉ huy Phan Kỳ trở về từ Lão Qua, mất tại Mãnh Cấn. Còn lưu giữ được công văn viết bằng chữ Miễn [ Man, Mường?] của Tuyên ủy Phạ Nhạ Tái, đại ý thuật về việc người Giao Chỉ xâm lược. Nói rằng trước đây triều đình hứa giúp binh lực, nay đã ước hội các Di chỉnh đốn binh để đợi. Lại bảo rằng Xa Lý  muốn thần phục Giao Chỉ, xin sai người đến phủ dụ. Trước đây Xa Lý từng báo rằng, quân Giao Chỉ mấy chục vạn đóng tại biên giới Lão Qua. Nước Bát Bách cũng báo người Giao đánh các xứ Lão Qua, Mãnh Bạn. Nhưng Dương Mân, một quân sĩ đi theo Kỳ, thì nói rằng những điều báo trước và văn thư hiện nay không thể tin được. Vì Phạ Nhạ Tái muốn báo thù cho cha và anh, muốn Vân Nam mang binh trợ giúp nên nói như vậy!

Sự việc đưa xuống dưới, bộ Binh tâu rằng:

‘Lời của dân Di nhiều xảo trá, vốn không nên theo. Nhưng người xa trình tố, thì cũng nên biểu thị ý mềm dẽo chiếu cố. Nên giao cho bọn Tông gửi văn thư lệnh Lão Qua lo vãn hồi vết thương chiến tranh, đừng gây hấn nơi biên giới; lệnh Bát Bách, Xa Lý nghĩ đến cái thế liên đới răng môi, chớ ôm hai lòng. Lại bảo Tông từ nay trở về sau sai phái, cần chọn người thanh liêm cẩn thận, không dùng những kẻ tham lợi sinh sự.’

Thiên tử phán:

‘Người đời trước nói “Man Di thù giết nhau, bè đảng phá hoại là có lợi cho Trung Quốc”. Trẫm quyết không cho là đúng. Các Di Giao Chỉ, Lão Qua qui phục Trung Quốc đã lâu, Trẫm coi như con đỏ; cứu cấp, bỏ mối thù là chính sách của Trung Quốc. Hãy ra lệnh cho bọn Tông sai người phủ dụ họ, để các nước đều tự giữ biên giới, hòa mục lân bang, bảo vệ dân chúng. Người cử đi phải chọn lựa cẩn thận, như lời bộ binh đề nghị.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 123.

Vào ngày 15 tháng 9 [26/10/1482] giờ tuất, tức vào khoảng 7 giờ tối đến 9 giờ tối, có nguyệt thực:

Tháng 9, ngày 15, giờ Tuất, nguyệt thực.” Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 23, trang 33 b.

Đúng vào thời điểm nêu trên, vào ngày canh tuất 15 tháng 9 năm Thành Hóa thứ 18, Minh Thực Lục ghi sự kiện tương tự:

 “Dạ vọng nguyệt thực; miễn bách quan minh nhật tảo triều夜望月食,免百官明日早”.

 Có nghĩa là:

 “Trong đêm nhìn lên trời thấy nguyệt thực, ngày hôm sau miễn cho bách quan khỏi phải vào triều sớm”.

Riêng trang Google, cho biết ngày 26/10/1482 xảy ra nguyệt thực trên thế giới như sau:

A partial eclipse of the Moon occurred on 26 October, 1482 UT Old Style, with maximum eclipse at 16:41 UT. The Moon was strikingly shadowed in this deep partial eclipse which lasted 3 hours and 17 minutes, with 89% of the Moon in darkness at maximum.

 The penumbral eclipse lasted for 5 hours and 44 minutes. The partial eclipse lasted for 3 hours and 17 minutes. Maximum eclipse was at 16:41:54 UT.

(Nguyệt thực từng phần xảy ra vào ngày 26 tháng 10 năm 1482 Lịch cũ quốc tế; với nguyệt thực cực điểm vào lúc 16:40 giờ quốc tế. Mặt trăng bị che bởi nguyệt thực từng phần trong vòng 3 giờ 17 phút; với tối đa là 89% bị che phủ.

Nguyệt thực toàn phần trong vòng 5 giờ 44 phút, từng phần trong vòng 3 giờ 17 phút, cực điểm vào lúc 16:41:54 Giờ quốc tế).

Về phía Chiêm Thành, ai cầm đầu nước, lúc này tình trạng không rõ ràng. Trước đây An Nam cho Tề Á Ma Vật Yêm làm Quốc vương, cai trị phần đất phía nam Chiêm Thành, bằng 1/5 lãnh thổ cũ. Rồi Cổ Lai, xưng là em Vật Yêm, khai là anh đã chết bèn lên thay; sai sứ là Ha La Sa sang nhà Minh xin phong. Trong khi đó nhà Minh sai Trương Cẩn sang Chiêm Thành để phong chức cho Tề Á Ma Vật Yêm, đến nơi thì người sở tại nói rằng Vật Yêm đã bị Cổ Lai giết;  An Nam cho Đề Bà Đài Giả lên coi nước, nên Trương Cẩn phong cho Đề Bà Đài Giả. Triều Minh chờ sứ giả của Đề Bà Đài Giả đến tạ ơn, có dịp đối chất với Ha La Sa, sứ giả của Cổ Lai để tìm hiểu sự thực. Nhưng sứ giả của Đề Bà Đài Giả chưa đến, nên đành phải cho sứ giả Cổ Lai về nước:

Ngày 16 tháng 9 năm Thành Hóa thứ 18 [ 27/10/1482]. Mệnh cấp cho Sứ thần Ha La Sa của Cổ Lai nước Chiêm Thành thuyền đi biển để trở về nước. Bọn Ha La Sa trú tại Quảng Đông đợi Sứ thần Đề Bà Đài Giả đến tạ ân, để đối chứng việc Trương Cẩn tự tiện phong tước. Đợi đã hơn một năm, lại không chịu được rét nên trình lên Giám sát Ngự sử Vương Biện, rồi viên này tâu lên, bộ Lễ lại tấu tiếp. Lệnh cho tạm trở về nước này, đợi khi Đề Bà Đài sai người đến tạ ơn, lại đến kinh đô để đối mặt làm chứng; nên có mệnh này.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 126.

 Ngày 15 tháng giêng năm Hồng Đức thứ 14 [21/2/1483], (Minh Thành Hóa năm thứ 19), cho sửa nhà Thái Học, phía trước dựng văn miếu; phía sau có nhà Minh Luân, giảng đường, kho bí thư, và nhà cho học sinh:

Hồi đầu triều Lê, nhà Thái học vẫn theo nếp cũ của nhà Trần, quy chế phần nhiều còn thiếu thốn. Đến nay, nhà vua hạ lệnh cho sửa rộng thêm ra. Đằng trước nhà Thái học dựng Văn Miếu. Khu vũ của Văn Miếu có: Điện Đại Thành để thờ tiên thánh; đông vũ và tây vũ chia ra thờ các tiên hiền và tiên nho; điện Canh phục để làm nơi túc yết (1) ; một kho để chứa đồ tế khí và một phòng học để làm nhà bếp. Đằng sau nhà Thái học, dựng cửa Thái học, nhà Minh luân. Giảng đường phía đông và giảng đường phía tây thì để làm chổ giảng dạy các học sinh. Lại đặt thêm kho bí thư để chứa ván gỗ đã khắc thành sách; bên đông, bên tây nhà Thái học làm nhà cho học sinh trong ba xá, mỗi bên ba dãy, mỗi dãy 25 gian, để làm chỗ nghĩ ngơi của học sinh; bên đông, bên tây mỗi bên đều có một nhà bia, quy mô có phần rộng lớn khang trang lắm.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 23.

Tháng 11 [30/11-29/12/1483], nhà Vua ra lệnh cho bọn Thân Nhân Trung biên chép các tác phẩm Thiên Nam dư hạThân Chinh ký sự:

Nhà vua hạ lệnh cho bọn đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung, phó đô ngự sử Quách Đình Bảo, đông các hiệu thư Đỗ Nhuận và Đào Cử, Hàn lâm viện thị thư Đàm Văn Lễ biên tập chính sự Quốc triều triều Lê gồm 100 cuốn, khi biên tập xong, đề nhan sách là Thiên Nam dư hạ tập, nhà vua thân đề tựa; lại ghi rõ sự thực khi nhà vua thân đi đánh các mán Chiêm Thành và Lão Qua, đặt tên sách là Thân chinh ký sự.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 23.

                        Khác với mấy năm về trước,  nhà Minh nghe theo lời Sứ thần Melaka [Mã Lai], đàn hặc An Nam âm mưu xâm lăng nước này. Nay sứ bộ nhà Minh đi Melaka, bị gió bão hư thuyền, trôi dạt đến nước ta, Vua ra lệnh ban cấp thuyền và lương thực trở về nước. Viên Tuần án Quảng Đông, tâu lên, với lời khen ngợi:

Ngày 18 tháng 12 năm Thành Hóa thứ 19 [16/1/1484]. Tuần Án Quảng Đông Án sát Ngự sử Từ Mạo tâu rằng:

‘ Sứ thần đi Mãn Thứ Gia [ Melaka, Mã Lai] và quân dân tháp tùng gồm 28 người, bị gió bão làm hư thuyền, trôi dạt đến An Nam. Quốc vương Lê Hạo cấp cho thuyền và lương thực trở về. Lời trình báo của Quốc vương rất cẩn thận từ tốn, đủ thấy được sự tôn kính triều đình, nay kính cẩn tâu lên đầy đủ.’

Thiên tử nói Quốc vương An Nam giúp đỡ quân dân phiêu lưu biển cả trở về, thành kính đáng khen. Lệnh ty Bố chánh Quảng Đông gửi văn thư báo cho Quốc Vương nước này biết..” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 127.

Tháng 2 năm Hồng Đức thứ 15 [26/2-26/3/1484], (Minh Thành Hoá năm thứ 20); tổ chức thi hội lấy trúng cách 44 người. Ngày mồng 1 tháng 3 [27/3/1484] vào thi đình, xếp hạng 3 người đậu Tiến sĩ cập đệ, 16 Tiến sĩ xuất thân, và 25 Đồng tiến sĩ xuất thân:

Thi hội các cử nhân trong nước, lấy đỗ bọn Phạm Trí Khiêm 44 người.

Tháng 3, ngày mồng 1... Thi đình, đề văn sách hỏi về nhà Triệu Tống dng nho sĩ. Cho bọn Nguyễn Quang Bật, Nguyễn Giác, Mai Duy Tinh [37a] ba người đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Ngô Văn Phòng 16 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Chu Đình Bảo 25 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 36b.

Ngày 12 tháng 3 [7/4/1484], nhắc nhở về lệnh cấm phá thai. Không những đương sự bị tội, người chồng và kẻ phá thai cho người khác cũng liên đới chịu tội:

 “Ngày 12, nhắc lại việc đàn bà phá thai và phá thai cho người khác. Trước đây có lệnh cấm rằng: [37b] Loại đàn bà tàn nhẫn, vì muốn ít con cái để giữ lấy nhiều của, hoặc ngại việc sinh đẻ, muốn tránh khó nhọc, thấy mìmh có thai, dùng kế cho sẩy thai, thương tổn tính mệnh, làm hại luân thường, cùng là những kẻ phá thai cho người khác, đều phải tra xét, trị tội theo luật pháp. Thế mà chúng vẫn coi là tờ giấy lộn, không đổi lỗi trước, vẫn theo thói cũ, tệ trước càng tăng, coi thường pháp luật, làm hư phong tục không gì hơn thế. Nay hãy nhắc rõ lệnh trước, răn cấm nghiêm hơn, nếu có người đàn bà nào như hạng nói trên, mà mọi người đều biết, cùng là người chồng không biết răn cấm, đều trị tội theo luật pháp.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 37a.

 

 

Ngày 13 tháng 4 [7/5/1484], ra lệnh về sách công ban xuống cho các phủ; Hiến ty phải kiểm soát, cấm tư nhân không được mang về nhà dùng riêng:

 “Bấy giờ Lễ bộ thượng thư kiêm tả xuân phường tả trung doãn Quách Đình Bảo tâu rằng:

Trước đây, hằng năm sách công ban xuống cho các phủ ở ngoài như Tứ thư, Ngũ kinh, Đăng khoa lục, Hội thí lục, Ngọc đường văn phạm, Văn hiến thông khảo.Văn tuyển, Cương mục, cùng các loại sách thuốc. Nhưng có khi phủ quan tham ô, tự tiện giữ riệt lấy làm sách tư của mình, không hề giao cho học quan và y quan, rất là trái lệ. Vì thế xin tâu bày: Hiến ty các xứ hãy kiểm soát các phủ trong hạt mình, nếu thấy những sách nói trên mà quan bản phủ cố tình giữ riệt, sách học không giao cho học quan, sách thuốc không giao cho y quan, thì cứ thực tình tâu hặc lên, giao cho [39b] Hình bộ trị tội.

 Vua y theo, cho nên có lệnh này.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 39a.

Về phía Chiêm Thành, hai năm  trước [1882] Sứ giả Ha La Sa của Cổ Lai chờ sứ giả của Đề Bà Đài đến triều Minh để đối chất; nhưng chờ mãi không tới, bèn đáp thuyền đi biển để trở về nước. Năm nay bọn Ba La Chất, cháu Đề Bà Đài đến tạ ơn, sự việc Trương Cẩn phong tước lầm đã rõ. Vua nhà Minh bèn ra sắc dụ cho Đề Bà Đài trao sắc ấn lại cho Cổ Lai, ban cho Đề Bà Đài làm Đầu mục; lại cho bọn sứ giả Ba La Chất các loại lụa và y phục:  

Ngày 7 tháng 7 năm Thành Hóa thứ 20 [28/7/1484]. Sắc dụ Quốc vương Chiêm Thành Cổ Lai hãy phủ dụ Đề Bà Đài; lệnh nạp ấn Quốc vương Chiêm Thành trước kia đã trao cho y. Tha tội cho Đề Bà Đài đã nhận sắc phong ngụy của An Nam; lệnh cho làm Đầu mục của nước này.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 129.

Ngày 5 tháng 8 năm Thành Hóa thứ 20 [25/8/1484]. Ban cho người Đề Bà Đài  sai đến gồm bọn cháu là Ba La Chất, Phó sứ Man Đê, Thông sự Mai Giả Lượng, lụa thải, đoạn có sai biệt. Trước đó Đầu mục Đề Bà Đài được phong nhầm làm Quốc vương, sai bọn Ba La Chất đến tạ ơn; biểu văn và sản vật địa phương đã được lệnh trả lại bọn Ba La Chất. Bọn Sứ giả dâng biểu trình rằng cô độc, nghèo, xin ban cho y phục. Bộ Lễ tâu rằng kẻ từ hải ngoại xa xôi đến, xin xét được gia ơn. Thiên tử chấp nhận.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 129.

Vào tháng 8, Vua nhà Minh ra lệnh cho bọn Cấp sự trung Lý Mãnh Dương mang chiếu thư sang Chiêm Thành phong cho Cổ Lai làm Quốc vương. Mãnh Dương xin cho Sứ giả của Đề Bà Đài trở về nước, loan báo việc triều đình định phong cho Cổ Lai, để dân chúng Chiêm Thành biết, rồi sau đó sẽ sang phong; lời xin được chấp thuận. Riêng Hành nhân Trương Cẩn trước kia vì ham lợi tự tiện phong cho Đề Bà Đài, bị xử chém; nay được giảm án, biếm trích làm lính thú:

Ngày 17 tháng 8 năm Thành Hóa thứ 20 [6/9/1484]. Sai Hộ Khoa Cấp sự trung Lý Mãnh Dương sung Chánh sứ; Hành nhân Diệp Ưng thuộc ty Hành nhân sung Phó sứ mang chiếu thư cùng lễ vật phong cho em Quốc vương Chiêm Thành Tề Á Ma Vật Yêm là Cổ Lai làm Quốc vương Chiêm Thành. Bọn Mãnh Dương tâu rằng:

Chiêm Thành bị Đề Bà Đài chiếm cứ lâu rồi, vậy trước khi làm lễ phong nên cho Sứ giả của Đề Bà Đài trở về nước, loan báo việc triều đình định phong cho Cổ Lai, để dân chúng yên lòng; người cháu của Vương cũ do Đề Bà Đài đưa đến tạ ơn, rồi bị lưu lại làm con tin tại Quảng Đông cũng nên cho về luôn. Bọn thần định khi thuyền làm xong, thuận gió, sẽ đến nơi Cổ Lai trú đóng để tuyên đọc sắc văn.’

 Thiên tử họp đình thần bàn bạc và chấp thuận.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 129.

 “Ngày 5 tháng 10 năm Thành Hóa thứ 20 [24/10/1484]. Tha cho Ty phó thuộc ty Hành nhân Trương Cẩn tội chết; đày làm lính thú tại vệ biên giới thuộc Quảng Tây. Cẩn đi sứ Chiêm Thành, tự tiện phong Đề Bà Đài làm Quốc vương, bị xử chém. Bèn 5 lần dâng lời tâu lên để biện minh, nên được xét tha cho tội chết, biếm trích làm lính thú.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 129.

Ngày 15 tháng 8 [ 4/9/1484] xây bia Tiến sĩ. Ghi tên các Tiến sĩ từ khoa Nhâm Tuất [1442] năm Đại Bảo thứ 3 triều Lê Thái Tông đến khoa Giáp Thìn [1484] năm Hồng Đức thứ 12; gồm 10 khoa. Cho khắc bài văn bia của Đỗ Nhuận:

 “Ngày 15, dựng bia có bài ký ghi tên các tiến sĩ từ khoa Nhâm Tuất năm Đại Bảo thứ 3 vua Thái Tông triều ta đến nay. Vua cho là từ năm Đại Bảo thứ 3 triều Thái Tông đến giờ , việc dựng bia, đề tên tiến sĩ các khoa vẫn chưa làm được. Sai Lễ bộ thượng thư Quách Đình Bảo biên rõ họ tên, thứ bậc các tiến sĩ từ khoa Nhâm Tuất [1442]  năm Đại Bảo thứ 3 triều Thái Tông, khoa Mậu Thìn [1448] năm Thái Hòa thứ 6 triều Nhân Tông, khoa Quý Mùi [1463] năm Quang Thuận thứ 4, khoa Bính Tuất [1466] năm thứ 7, khoa Kỷ Sửu [1469] năm thứ 10, khoa Nhâm Thìn [1442] năm Hồng Đức thứ 3, khoa Ất Mùi [1475] năm thứ 6, khoa Mậu Tuất [1478] năm thứ 9, khoa Tân Sửu [1481] năm thứ 12 đến khoa Giáp Thìn [1484] năm nay, [41b] khắc vào bia đá. Quách Đình Bảo nhân xin đổi trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa thành tiến sĩ cập đệ, chánh bảng thành tiến sĩ xuất thân, phụ bảng thành đồng tiến sĩ xuất thân để hợp với quy chế ngày nay. Vua y tờ tâu, sai Công bộ khởi công dựng tạc bia. Bọn từ thần là Hàn lâm viện thừa chỉ Đông các đại thần học sĩ Thân Nhân Trung, Hàn lâm viện thị độc Đông các hiệu thư Đào Cử, Đàm Văn Lễ, Ngô Luân, Hàn lâm viện thị thư kiêm Tú lâm cục tư huấn Nguyễn Đôn Hậu, Hàn lâm viện thị thư kiêm Sùng văn quán Tú lâm cục tư huấn Lương Thế Vinh, Đông các hiệu thư Lê Tuấn Ngạn, Hàn lâm viện thị độc kiêm Tú lâm cục tư huấn Nguyễn Xung Xác chia nhau soạn văn bia. Bọn Trung thư giám chính tự Nguyễn Tủng và Thái Chúc Liêm [42a] cùng điển thư Phạm Lý vâng sắc chỉ viết chữ. Kim quang môn đãi chiếu Tô Ngai vâng sắc chỉ viết chữ triện.

Xét bài văn bia của Đỗ Nhuận:

Sự nghiệp trị nước lớn lao của Đế vương, không gì cần kíp hơn nhân tài, điển chương chế độ đầy đủ của nhà nước, tất phải chờ ở bậc hậu thánh. Là bởi trị nước mà không lấy nhân tài làm gốc, chế tác mà không dựa vào thánh nhân đời sau thì đều chỉ là cẩu thả tạm bợ mà thôi, sao có thể đạt tới chính trị phong hóa phồn vinh, văn vật điểm chương đầy đủ?. Kể từ Thái Tổ bắt đầu sửa sang việc học vào kỷ nguyên Thuận Thiên, Thái Tông mở khoa thi đầu vào năm Đại Bảo thứ 3, Nhân Tông chọn người hiền, dùng bậc giới, kính cẩn tôn theo phép cũ. Đến như việc dựng (có sách chép là "phụ") bia ở nhà Thái học thì vẫn để đó chưa làm; văn vật đầy đủ, như còn chờ bậc hậu thánh. Nay Thánh thượng như trời mở trung hưng, tự mình gánh vác đạo lớn, việc tôn sùng Nho giáo càng thành khẩn chăm lo. Huống chi nhân tài đã được các tiên thánh nuôi dạy từ lâu, hơn nữa lại nhờ công sức mười [42b] năm nâng vực. Trước đây 6 năm một lần thi lớn, nay thi châm chước theo chế độ nhà Chu đã định là 3 năm. Trước kia lấy đỗ đều không quá hai ba chục người, nay thi rộng xét thực tài, không lo nhiều quá. Cho nên tôn trọng biểu dương, đức ý rất hậu, ân vinh thứ bậc. tiết mục tận tường, vẹn toàn, rực rỡ, vượt cả xưa nay. Cho nên bia đá khắc tên, vẫn ghi việc thực, đặt ở cửa hiền, tưởng lệ kẻ sĩ, công việc làm của nhà vua tốt đẹp nhường nào. Thế thì triều Lê ta văn minh đầy đủ, khoa mục mở mang, mở nguồn từ thời Thuận Thiên, bắt đầu từ năm Đại Bảo, thịnh hành từ đời Thái Hòa, mà thịnh nhất vào đời Hồng Đức vậy. Nếu như không phải do Thánh thượng làm tròn trách nhiệm bậc thầy, thân hành nắm giữ quyền hành chế tác, thì sao có thể thực hiện cái chí của người trước chưa thực hiện được, hoàn thành sự nghiệp mà người trước chưa hoàn thành". Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 41a.

Vào tháng 11 năm ngoái sứ bộ Lê Đức Khánh khởi hành sang cống nhà Minh; tháng 8 năm nay đến nơi, được đãi yến, ban y phục:

Ngày 17 tháng 8 năm Thành Hóa thứ 20 [6/9/1484]. Quốc vương An Nam Lê Hạo sai  bọn Bồi thần Lê Đức Khánh dâng biểu cống sản vật địa phương. Đãi yến cùng ban cho áo dệt kim, lụa, đoạn, có sai biệt. Bọn Đức Khánh gồm 4 người, tấu xin như lệ các Sứ thần Tiêm La, Trảo Oa, Chiêm Thành được cấp khăn đội đầu và dây đai. Chấp nhận, nhưng không được xếp vào lệ trong tương lai.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 130.

Bấy giờ các nước Lão Qua và Bát Bách đều gứi thư báo tin rằng An Nam đã rút quân về nước. Nhưng phía nhà Minh không tin là thực, cho rằng An Nam có thể giả bộ rút đi, rồi thừa lúc sơ hở thì quay trở lại; nên vẫn đốc suất phòng bị:

 

Ngày 12 tháng 10 năm Thành Hóa thứ 20 [31/10/1484]. Thủ thần Vân Nam tâu rằng các nước Lão Qua và Bát Bách đều gửi thư bằng chữ Man báo rằng Giao Chỉ đã mang quân về nước. Sợ rằng lời báo về Di tình chỉ nghe bởi tin đồn, kẻ phiên dịch văn Di cũng khó có thể căn cứ; nên ra lệnh các quan chịu trách nhiệm nơi biên giới  phòng bị. Sự việc đưa xuống dưới, bộ Binh xin y theo lời bàn và nói rằng Bát Bách, và Lão Qua cách xa Vân Nam; nếu người Giao giả cách trốn đi, rồi thừa lúc sơ hở trở lại, thì hai nước đó bị hại trước, nên sai Thủ thần hạ lệnh các Di phòng bị và đốc suất nội địa cẩn thận phòng ngự. Như các phủ vệ tại Lâm An (2 ) càng phải ước thúc dân không được xuất cảnh, sinh gây hấn tại biên giới, cùng giám sát người nước họ không cho nhập cảnh để gây sự khinh nhờn.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 131.

Tháng 3 năm Hồng Đức thứ 16 [16/3-14/4/1485], (Minh Thành Hóa năm thứ 21).  Thái phó Tĩnh quốc công Lê Niệm chết:

Niệm là cháu Lê Lai, con Lê Lâm, đầu niên hiệu Thiệu Bình (1434-1439) lấy danh nghĩa ấm phong được trao giữ chức Cận thị cục chính chưởng, làm quan trải qua các chức lên đến thái phó, gia phong quốc công. Gia Đình Lê Niệm vào hàng bầy tôi hết đời này đến đời khác, có công đức lâu đời, Niệm làm tướng gần 30 năm, thường dựng được công lớn, uy danh đức vọng rất lừng lẫy, làm chỗ dựa vững chắc cho triều đình. Đến nay. Niệm mất, nhà vua tặng phong chức thái úy và đặt tên thụy là Trinh Ý.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 24.

Ngày 24 tháng 4 nhuận [6/6/1485], qui định  số tiểu đồng theo hầu các quan trong khi tiến triều; lệnh số tiểu đồng này khi đến ngoài cầu Ngoạn Thiềm phải dừng lại:

Lệnh quy định: Đại thần và các quan văn võ từ nay khi vào chầu, đến ngoài cửa Đại Hưng phải xuống kiệu hoặc ngựa. Nếu là công, hầu, bá, phò mã thì được 2 tiểu đồng theo hầu, quan nhất phẩm được 1 người. Khi vào đến ngoài cầu Ngoạm Thiềm thì dừng lại. Ai vi phạm thì quan giữ cửa ngăn lại, tâu hặc lên để giao xét hỏi.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 45a.

Ngày 27 tháng 7 [5/9/1485], định lệnh khảo thí nghiêm ngặt, để miễn tuyển cho những học trò có thực học khỏi phải đăng lính, giảm một phần thuế và tạp dịch:

Nhà vua lấy cớ rằng, năm trước, thi khảo học trò, người nào dự trúng sẽ được miễn tuyển, lúc ấy có nhiều người mang vụng trộm văn bài cũ hoặc nhờ người khác đi thi thay mình, thành ra số người dự trúng có đến hàng vạn, việc thi cử như thế rất là nhũng lạm, bèn ra sắc lệnh cho hai ty Thừa chính và Hiến sát các xứ: từ nay thi khảo học trò cần phải được người văn hay chữ tốt, sau khi đã lấy cho dự trúng rồi, đến khi phúc hạch lại, nếu còn có người nào không làm được bài để quyển giấy trắng, hoặc người nào làm bài không thành văn lý, thì viên quan đề điệu (3) và giám thí (4) niêm phong quyển lại tâu hặc về triều đình. Nếu xét thấy xứ nào có từ một người đến bốn, năm người phạm trường quy như thế, thì viên quan thừa chính và hiến sát xứ ấy sẽ phải luận vào tội biếm chức hoặc bãi chức, còn bản thân người phạm tội trường quy ấy sẽ phải tội đồ. Nhà vua hạ chiếu: phàm sĩ tử nào có học lực phẩm hạnh, thi khảo dự trúng mà được miễn tuyển, đều được miễn cho một nữa phần về phú thuế và sai dịch.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 24.

Ngày 14 tháng 10 [20/11/1485], qui định quyền thừa tự, tức đảm nhiệm việc cúng tế tổ tiên và thừa hưởng tài sản; ưu tiên cho con hoặc cháu dòng đích (5):

Vua dụ các quan viên lớn nhỏ và dân chúng rằng: Những con cháu được dự vào việc thừa tự tổ tiên, không kê tuổi tác lớn hay nhỏ, không cứ là trật quan cao hay thấp, phải theo đạo luân thường, giao cho con đích. Nếu con đích chết trước thì giao cho cháu trưởng, nếu không có cháu trưởng thì mới dùng đến con thứ. Người vợ đích lại không có con cái, thì mới chọn người tốt trong số các con người vợ thứ. Nếu con trưởng, cháu trưởng bị bệnh tật, hoặc là hạnh kiểm không tốt, không đáng được thừa tự thì nên cáo ngay cho quan có trách nhiệm chọn người con hoặc cháu khác làm thừa tự [47a]. Như vậy để tỏ rằng: Người làm cha không được quá yêu dấu thiên lệch để xảy ra tan cửa nát nhà, kẻ làm con không được bất nghĩa mà gây thói xấu tổn thương phong hóa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 46b .

 

Ngày 21 tháng 11 [27/12/1485], sắp xếp cho Sứ thần các nước lân bang trú ngụ nơi quán Hội Đồng tại kinh đô; cấm người ngoài phận sự, không được tiếp xúc hỏi han để khỏi tiết lộ sự tình quốc gia:  

Nếu sứ thần các nước Chiêm Thành, Lão Qua, Xiêm Lam [Thái Lan], Trảo Oa [Java, Inđônêxia], Lạt Gia [Malacca, Mã Lai] và đầu mục phụ trách các trấn biên giới đến quán Hội Đồng thì vệ Cẩm y sai kỳ quân các ty Tráng sĩ, ngũ thành binh mã và lang tướng đều phải theo đúng phép mà trông giữ, nghiêm ngặt canh phòng. Cho những khi đi lại trên đường, vào chầu ra mắt cũng phải dẫn đưa sau trước, xua đuổi bọn tiểu nội (6) , bọn nô tỳ công tư, không cho chúng được đến gần hỏi han, trao đổi trò chuyện, để xảy ra tiết lộ sự tình, dụ dỗ gây tệ hại. Nếu giám quan phụ trách không biết phòng ngừa nghiêm ngặt, lấy tình riêng mà dung túng, thì các kỳ bài tráng sĩ ty Xá nhân vệ Cẩm y cứ thực tâu lên để bắt về trị tội.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 48a .

 

Chú thích:

1.Túc yết: Trước ngày chính tế một ngày, các quan chức được tham dự vào hành lễ, đều tề tựu văn miếu túc trực, để sáng sớm hôm sau hành lễ gọi là túc yết.

2.Lâm An:phủ trị Lâm An hiện nay tại huyện Kiến Thủy, châu tự trị Hồng Hà tỉnh Vân Nam.

3.Đề điệu: Theo chú thích của Cương Mục, tức Chánh chủ khảo sau này.

4.Giám thí: Theo chú thích của Cương Mục, tức Phó chủ khảo sau này.

5.Dòng đích: Dòng trưởng; đích tôn tức cháu đầu, cháu trưởng.

6.Tiểu nội: chỉ chung các đầy tớ hầu hạ trong cung.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hồ Bạch Thảo
Số lần đọc: 267
Ngày đăng: 04.12.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiếng bom “Sa diện” hay “Sa điện”? - La Thụy
103. Vua Lê Thánh Tông. 9 - Hồ Bạch Thảo
Thanh điệu trong tiếng việt ghi bằng chữ cái La tinh và trong Âm Hán Việt - La Thụy
Heidegger (IV) nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật - Võ Công Liêm
102. Vua Lê Thánh Tông. 8 - Hồ Bạch Thảo
Lại nói về chữ nghĩa : “Kiển” hay “Kiểng”? - Phan Văn Thạnh
101. Vua Lê Thánh Tông. 7 - Hồ Bạch Thảo
Sau lưng ngôn ngữ của thi ca - Tuệ Sỹ
Xem tranh - Võ Công Liêm
Tác giả Hải Nam Tạp Trước trên đường trở về nước. - Hồ Bạch Thảo
Cùng một tác giả
Biển Giao Chỉ (lịch sử)
109. Vua Lê Uy Mục. (tiểu luận)