Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
29.003 tác phẩm
2.765 tác giả
221
124.701.177
 
Văn truyện của Phạm Ngọc Dũ – cảm xúc chân thành và đầy tính nhân văn
Hoàng Thị Bích Hà

 

 

Trước khi khai thác về văn truyện của anh, tôi xin giới thiệu đôi dòng về nhà văn Phạm Ngọc Dũ (PND).

PND sinh năm 1957 tại Quảng Ngãi. Hiện sống và viết tại tp HCM.

Tôi gặp anh trong những buổi sinh hoạt, ra mắt sách của anh chị em văn nghệ sĩ thân thương trong Thành phố. Ấn tượng của tôi về anh là một con người hoạt bát, năng động, hết lòng với công việc và gia đình, yêu văn chương, nhiệt tình tâm huyết với chữ nghĩa, sốt sắng với đồng nghiệp, bạn bè hay bạn đọc bạn viết. Được biết tới anh trong vai trò chủ biên của tạp chí Sông Quê, từng làm báo, viết văn và làm thơ.

Từ năm 25 tuổi (1982) anh đã vào Saigon bắt đầu tìm kiếm cơ hội thử sức mình với tuổi thanh niên đầy nhiệt huyết ở vùng đất hứa bậc nhất của Việt Nam. Sau khi lập gia đình vào năm1984, gia đình anh nhập cư hẳn tại thành phố HCM với công việc đầu tiên ở nhà văn hóa Quận Bình Thạnh, sáu năm sau, bắt đầu sự nghiệp báo chí, làm thơ, viết văn.. Như vậy anh đã gắn bó Saigon hơn bốn mươi năm, Saigon cho anh cơ hội và cũng nhiều thử thách buộc anh phải vượt qua. Những trải nghiệm, những thăng trầm, vui buồn của cuộc sống đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong thơ, văn của anh. Tính đến nay, đã xuất bản được sáu tập thơ với bút danh Ngã Du Tử (trong đó có bốn thi phẩm in riêng, hai thi phẩm in chung). Nay anh xuất bản tập văn truyện đầu tiên có tựa đề: Gió Bên Triên Sông Vẫn Thổi là tập Truyện ngắn và Ký (Nxb Hội nhà văn, quý IV, năm 2023)

Quả thật văn truyện của anh được viết ra từ cảm xúc rất đỗi chân thành. Với giọng văn giản dị, mang yếu tố trữ tình và tự sự đan xen. Không cầu kỳ làm dáng văn chương, anh nghĩ sao viết vậy chân chất như chính con người anh. Xuất thân là học sinh chuyên toán nhưng anh lại rẽ lối vào văn chương như một cái duyên. Có lẽ nghề chọn người chăng? Trong những năm làm báo, đi đây đi đó tác nghiệp để làm phóng sự, cũng là những dịp để anh quan sát và trải nghiệm thực tế cuộc sống. “Đi, đọc và viết” là sở thích cũng là điều kiện cần để nhà văn tích lũy vốn sống để làm thơ và viết văn. Trải qua những thăng trầm dâu bể cuộc đời của chính nhà văn, anh đã tái hiện cuộc sống lên trang viết, mang hơi thở của thời đại. Đó là những hồi ức, chiêm nghiệm, cả những trăn trở suy tư và tư tưởng nhân văn là thông điệp anh muốn gửi gắm cho người đọc trong tác phẩm.

Tập văn truyện gồm có hai mươi câu chuyện. Sau mấy ngày nghiền ngẫm tác phẩm mới ra lò còn nóng hổi của anh đã đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc.

Mở đầu là lời bộc bạch của tác giả với bạn đọc, tiếp đến gồm mười sáu truyện ngắn và bốn bài ký, cuối sách có lời bạt của nhà văn Nguyễn Châu.

Mỗi câu chuyện đề cập đến một vấn đề của cuộc sống, có sức gợi.Tất cả được hình thành từ khả năng quan sát tinh tế, chan chứa lòng nhân ái đa mang của người cầm bút. Từ hiện thực cuộc sống- nhà văn có những ẩn ức, những suy nghiệm để kể với cuộc đời cũng cho thấy trách nhiệm của người cầm bút mà nhà văn tự nguyện gánh vác.

Như chúng ta đã biết, văn học phản ánh cuộc sống. Đối tượng của văn học là con người, dĩ nhiên có nói đến sự vật, cảnh vật đi nữa thì để đề cập đến con người.

Vì vậy trước hết nói về thế giới nhân vật trong truyện ngắn và ký của nhà văn, không ai xa lạ mà là những người gần gũi thân quen với tác giả. Đó là người thân, bạn bè và cả chính người trong cuộc hay những người nhà văn có duyên gặp gỡ trong đời: những người nghèo, trí thức nghèo như nhà giáo trong giai đoạn hậu chiến, hay hiện tại, những mảnh đời lao động chân chất như thợ đào vàng, người bán vé số. Bằng cả trái tim của người cầm bút, anh quan tâm nhiều phận đời, cả những số phận gặp nhiều thua thiệt đã và đang vật vã mưu sinh trong bộn bề cuôc sống. Anh đau đáu với từng số phận con người kém may mắn. Rung cảm trước hiện thực cuộc sống và bằng tấm lòng yêu thương con người là chất liệu để anh hình thành nên tác phẩm văn học. Vì vậy khám phá nội dung từng câu chuyện, chúng ta thấy được bóng dáng của tác giả lúc ẩn, lúc hiện trong trong tác phẩm. Dòng đời ghi dấu ở tuổi ấu thơ, tuổi trưởng thành đầy ước mơ hoài bão hay khi vào đời, sau chiến tranh, thời bình. Những khó khăn phải vượt qua, những hoài niệm ngược về quá vãng chưa xa. Dưới ngòi bút của anh, các nhân vật hiện ra rất quen, gần gũi, chân chất tưởng như chúng ta đã gặp họ ở đâu đó. Nhân vật trong truyện ngắn của PND có thể là nguyên mẫu ngoài đời hay hư cấu hoàn toàn hay hư cấu phần nào. Đôi khi cũng có thể là cái bóng của tác giả. Các số phận con người đó có dẫu vất vả nhưng vẫn suy nghĩ tích cực, ánh lên nét lạc quan có khát vọng sống. Đó chính là điểm sáng mà nhà văn hướng đến những điều tốt đẹp cho nhân vật của mình.

Tác phẩm còn khắc họa rõ nét tình đời, tình người cao cả.

Truyện Thầy Giáo Làng, Tình thầy Nghĩa Trò là câu chuyện được thức dậy từ ký ức. Ở đó hình ảnh người thầy hiện ra thật cao quý. Thầy dạy trò những bài học tri thức khi thời cuộc biến thiên, trò gặp trắc trở khi đang chán nản và tuyệt vọng may mắn gặp lại thầy gặp thầy như gặp vị cứu tinh. Thầy động viên và khuyên nhủ: “…với tuổi các em được học tập là điều hạnh phúc nhất, thầy biết em là cậu học trò chăm, rất nổ lực trong học tập, thế nên em hãy gắng thêm tý nữa… đừng thấy khó mà mau chân lui, ta cứ tiến trên đường dù còn …quá nhiều lực cản”. Bằng kiến thức và kinh nghiệm thầy đã đưa ra những lời khuyên thật chí lý, từ đó trò như có được cái phao, như liều thuốc bổ, tăng thêm nghị lực cho trò, mở hướng đi cho trò và trò đã thành công. Kính trọng thầy, biết ơn thầy, sau bao năm bôn ba mưu sinh nơi đất khách, trò trở về mong gặp thầy nhưng thầy đã đi xa để lại nỗi ngậm ngùi, thương tiếc không nguôi.

 

Hình bóng các bậc tiền nhân trong gia đình anh với thú vui tao nhã uống trà qua câu chuyện: Ấm trà đêm giao thừa, người đọc thấy được một nếp nhà với vẻ đẹp có truyền thống văn hóa. Ý nghĩa của việc thưởng thức trà vừa là nghệ thuật thưởng ngoạn trong đó không khí ấm cúng của các thế hệ trong gia đnh, có niềm vui, niềm hạnh phúc của gia đình có truyền thống nho nhã, thuận hòa, nề nếp. Bóng dáng tác giả thuở ấu thơ chăm ngoan học hành, ngộ nghĩnh, dễ thương qua các câu chuyện: Làm báo tường, Ba thằng bạn.

Tình yêu thiên nhiên thể hiện trong truyện Trăng Xuân (trang 7-130). Ở đó có vẻ đẹp của ánh trăng nơi quê nhà mà đôi khi bôn ba cuộc sống chốn thị thành, ánh trăng tạm ngủ yên trong tiềm thức, khi có dịp hạnh ngộ quê nhà với bạn bè, được ngắm ánh trăng thanh nơi thôn dã là một thú vui tao nhã, không dễ gì có được nơi đô thị phồn hoa. Truyện bức tranh treo trên tường đề cập đến giá trị của nghệ thuật hội họa, lồng vào đó là một chuyện tình, dẫu rằng không đi đến đâu, nhưng người được tặng bức tranh tự nguyện tôn thờ một tình yêu vô vọng, mặc tuổi xuân đi qua. ở đó toát lên được tình yêu nghệ thuật không có gì so sánh nổi. Câu chuyện để lại chút tiếc nuối, nhưng cũng như cuộc đời, hạnh phúc có bao giờ trọn vẹn. Truyện Khai trường em không còn đi học, nụ hôn của Ngỗng, Vàng Máu. Anh đau đáu với những phận nghèo, số phận người lao động trong dịch covid 19, vất vả điêu linh, số phận em học trò con người mẹ nghèo bán vé số không đủ tiền để tiếp tục gieo giấc mơ chữ nghĩa. Truyện Nụ hôn của Ngỗng càng ray rứt khi những số phận quá nghèo đau ốm không đủ tiền thang thuốc, cuối cùng đành bán đi con Ngỗng, người đọc quặn thắt lòng trước cảnh cảnh chia biệt của vợ chồng Ngỗng. Loài vật cũng biết đau xót chia lìa, chạm mỏ nhau hôn nụ hôn từ biệt. Thật cảm động.

 

Truyện Vàng máu đề cập đến nỗi vất vả, cay nghiệt của số phận người thợ đào vàng. Đúng là vàng đặt bên cạnh máu, vàng phải đổi bằng máu, bởi hoàn cảnh lao động nghiệt ngã quá: Môi trường lao động không an toàn, tai nạn sập hầm chết người tang thương, thiếu thốn không manh chiếu bó thây, nhờ chiếc áo còn lại của ba người thợ tiễn anh thợ nghèo về nơi chín suối mà không khỏi day dứt thương tâm cho cả số phận của mình.

Truyện Niềm mơ cái ghế bằng nghệ thuật nhân hóa, anh kể về tâm sự của một cái ghế (lồng vào đó lên án nạn phá rừng lấy gỗ, làm hại môi trường tự nhiên). Truyện này yếu tố mang tính thế sự anh lại chuyển góc nhìn đến tầng lớp khác, một số người đang có nhiệm vụ chăn dân tại một địa phương, với những toan tính tham nhũng làm nghèo đi xã hội. Tuy nhiên anh vẫn gửi gắm ước mơ và niềm tin có những bậc thanh liêm, vì dân sẽ xây dựng quê hương ngày càng phát triển phồn thịnh hơn!

 

Những bài ký là những bài anh viết về các chuyến đi thiện nguyện, những tấm lòng thiện lương của những người bạn giàu nhân đức, có tâm hồn đẹp, sống hết mình với tình yêu và lòng bao dung. Rồi những chuyến tham quan các di tích lịch sử. Ở đó có tình người, có vẻ đẹp của cảnh vật thiên nhiên, niềm tự hào bởi những chứng tích, di tích môt thời hào hùng của tiền nhân để lại trên các chuyến đi điền dã ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc,…những nơi anh có dịp đặt chân đến với đồng nghiệp, với bạn hữu,…đều để lại dấu ấn trong các bài ký.

Giọng văn chân chất, bình dị gần gũi với lời nói hàng ngày. Có những từ tưng tửng, hóm hỉnh như câu đùa vui trong cuộc sống thường nhật.

Truyện ngắn của PND phản ánh một góc nhìn chân thực về cuộc sống. Nhờ những trải nghiệm của cuộc đời nhà văn và cảm quan tinh tế nhân văn anh đã kể về những số phận con người. Từ tấm lòng yêu thương, nhân ái anh viết về họ một cách rất đời, rất thực như thế! PND miêu tả nhân vật với tư cách người ngoài cuộc hay nhập vai như kể chuyện mình. Dù nhân vật nguyên mẫu hay có phần hư cấu cũng từ hiện thực mà đi vào trang viết. Làm cho người đọc cảm thấy nhân vật rất thật, rất quen như đã gặp ở đâu đó ngoài đời!

Tập truyện ngắn cho chúng ta thấy nhà văn đi ra từ phía cuộc đời không ít thăng trầm. Từ đó hiện thực cuộc sống được tái hiện trên những câu chuyện. Đó là những ẩn ức, những suy nghiệm và cảm thức thẫm mỹ của nhà văn.

Trong tác phẩm mỗi nhân vật ít nhiều có bóng dáng tác giả, ở một mặt nào đó hay mỗi nhân vật anh gửi gắm vài đặc điểm hình thức hay tính cách. Hình bóng tác giả- chủ thể sáng tạo trong tác phẩm, độc giả thấy một Phạm Ngọc Dũ hiện ra phong trần và lãng tữ. Anh đi qua những biến động của lịch sử như một nhân chứng dâu bể, tang điền qua ngòi bút chân thực và lãng mạn và nhân ái, bao dung, có trách nhiệm với cuộc đời.

Nhà văn kể những câu chuyện nhẹ nhàng theo cách của anh, là loại truyện mang tính trữ tình có lồng vào tự sự. Kết cấu truyện giản dị, ít gay cấn hay cao trào nhưng để lại không ít trăn trở, suy nghiệm. PND không xây dựng tình tiết xung đột, không có mâu thuẩn đỉnh điểm, không tạo ra nhiều kịch tính thắt nút,…mở nút gì ráo. Anh cứ bình nhiên dẫn dắt người đọc theo dõi trình tự câu chuyện .Và dĩ nhiên tâm lý con người vui có, buồn có, lo lắng, trăn trở, sống cuộc sống đời thường trong nhiều hoàn cảnh. Hoàn cảnh biến thiên, vật đổi sao dời -con người cũng trôi nổi thăng trầm nhưng có sức sống để thích nghi. Đôi khi đang trôi theo dòng cảm xúc, anh đột ngột kết thúc truyện một cách chưng hửng để lại nỗi nỗi tiếc nuối cho người đọc. Có lẽ đó anh để phần còn lại cho độc giả tùy nghi diễn giải theo trí tưởng tượng của mình.

Tư tưởng của nhà văn, thông qua ngôn từ nhà văn diễn đạt: Độc thoại, đối thoại, nhân vật,…những gì thể hiện trên trang viết, nhà văn cho nhân vật nói tiếng nói của mình, để người đọc suy ngẫm bằng trực giác và sự đồng cảm của con tim. Lối kể chuyện nhẹ nhàng như câu chuyện đời thường ngày giản dị bên mâm cơm, tách trà hay ly cà phê nhưng cũng đọng lại nỗi ưu thời, mẫn thế, nhiều suy ngẫm trong tâm tư người đọc, để rồi cảm thương và soi chiếu lại lòng mình và muốn làm gì đó để góp phần cho cuộc sống đẹp hơn, ý nghĩa hơn!

Cuối cùng, sau khi đọc truyện và ký của nhà văn PND thì tôi nghĩ rằng: Đây là những dòng tâm sự, gửi gắm tâm huyết của anh với bạn đọc, với cuộc đời mang trách nhiệm của người cầm bút.

 

Cuối cùng với tư cách độc giả, chúng tôi xin chân thành cảm ơn nhà văn PND đã quan sát cuộc sống, quan tâm thân phận con người, trăn trở, suy nghiệm và với niềm yêu thích lao động nghệ thuật, anh đã dùng ngòi bút chân thực và nhân văn để cho ra đời tập truyện: Gió Bên Triên Sông Vẫn Thổi đến với bạn đọc. Tuy nhiên góc nhìn và cách diễn tả mỗi người mỗi khác, và dĩ nhiên cách tiếp nhận của công chúng văn học đối với tác phẩm cũng khác nhau, tùy vào sở thích và tư duy thẫm mỹ của mỗi người. Mời bạn đọc khám phá tác phẩm để có cảm nhận của riêng mình! Và chúng ta cũng có quyền chờ đợi những tác phẩm mới của anh trong thời gian tới!

 

Sài Gòn ngày 11/23/2023

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hoàng Thị Bích Hà
Số lần đọc: 997
Ngày đăng: 08.12.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phiếm luận về bài bình thơ “ Tuệ sĩ” của Bùi Giáng - La Thụy
"Cô vụ'' hay "cô lộ'', từ ngữ nào được Vương Bột dùng - La Thụy
Những bước chân rớm máu" tìm quê hương " - Nguyễn Anh Tuấn
104. Vua Lê Thánh Tông. 10 - Hồ Bạch Thảo
Tiếng bom “Sa diện” hay “Sa điện”? - La Thụy
103. Vua Lê Thánh Tông. 9 - Hồ Bạch Thảo
Thanh điệu trong tiếng việt ghi bằng chữ cái La tinh và trong Âm Hán Việt - La Thụy
Heidegger (IV) nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật - Võ Công Liêm
102. Vua Lê Thánh Tông. 8 - Hồ Bạch Thảo
Lại nói về chữ nghĩa : “Kiển” hay “Kiểng”? - Phan Văn Thạnh
Cùng một tác giả
Chị Xíu của tôi! (truyện ngắn)
Anh tôi! (truyện ngắn)
Chủ nghĩa cưới vợ (truyện ngắn)
Nước tràn ly (truyện ngắn)
Giận kẻ bạc tình (truyện ngắn)
Đời là thoáng chốc (truyện ngắn)
Chú Nghĩa cưới vợ (truyện ngắn)
Bông cúc xanh (truyện ngắn)
Nhảy tàu (truyện ngắn)
Sau lần họp lớp (truyện ngắn)