Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ và nay chúng ta đang sống trong giai đoạn 4.0 nên thế giới phẳng. Nhờ đó có sự kết nối giao lưu tương tác giữa những người có cùng sở thích. Trong số những tín đồ thi ca, tác giả Ngọc Trân là một trong những cây bút sáng tác nhiều thơ trữ tình. Gần đây anh có gửi cho tôi bản thảo tập thơ Tìm Lại Dấu Xưa sắp xuất bản có trên 100 bài. Tôi cũng đã lần theo cảm xúc, như đi vào thế giới nội tâm của anh để vui buồn cùng tác giả trên từng câu chữ. Cũng là tín đồ của văn chương nên tôi đã đọc thơ Ngọc Trân với một niềm yêu thích thơ ca thuần túy như thế!
Xin giới thiệu đôi nét về tác giả Ngọc Trân, tên đầy đủ là Nguyễn Ngọc Trân.
Anh sinh năm 1948 (Mậu Tý) tại Thái Bình, vào năm 1954 gia đình di cư vào Nam và sống tại Saigon lúc này anh được sáu tuổi. (trong giấy tờ sinh 1949 vì khai xuống 1 tuổi để đi học)
Anh sinh ra ở Bắc, học hành và trưởng thành ở Nam. Như vậy anh được hấp thu cả hai vùng miền văn hóa, thừa hưởng nét tinh tế sâu sắc của trí tuệ miền Bắc, trước hết từ nền tảng gia đình, từ các bậc song thân của anh và chất nghĩa hiệp và hào sảng xởi lởi của tính cách Nam bộ. Saigon là nơi anh có thời gian gắn bó học hành từ lúc bắt đầu cắp sách tới trường cho đến tuổi trưởng thành. Hồn thơ anh được hun đúc từ đó. Từ nhỏ anh đã rất yêu thích các môn Nghệ Thuật nói chung và văn chương nói riêng. Anh cũng thích ca nhạc và hát rất hay! Nếu anh sinh ra trong thời bình thì có lẽ trở thành một kỹ sư ngành kỹ thuật nào đó, kiêm nhà thơ, kiêm luôn cả ca sĩ chứ chả chơi.Thầy giáo dạy nhạc đã sớm phát hiện ra năng khiếu của Nguyễn Ngọc Trân và giới thiệu vào trường quốc gia âm nhạc nhưng bố anh không chịu. Anh không hề kể là anh học giỏi môn nào nhưng qua cách chia sẽ trên trang cá nhân tôi nhận thấy anh toàn diện về cả các môn khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội. Nhưng mà con người sinh ra trong giai đoạn, hoàn cảnh nào đều chịu chi phối ảnh hưởng của giai đoạn lịch sử đó. Và Nguyễn Ngọc Trân cũng vậy!
Trước khi vào lính, anh là học sinh của trường trung học Nguyễn Trãi, saigon. Nhập ngũ năm 1970, hai mươi hai tuổi, tốt nghiệp trường võ khoa Thủ Đức Binh chủng phục vụ Biệt động quân. Năm 1975, anh trở thành người lính thua cuộc khi tuổi đời còn rất trẻ mới hai mươi bảy tuổi. Đi qua chiến tranh nhưng nguyên vẹn trở về, may mắn thay! Hiện cư ngụ tại bang Minnesota Hoa Kỳ.
Môi trường sống, nghề nghiệp tác giả không nói thì người đọc cũng thấy nó hiện ra trên trang viết lúc rõ nét lúc ẩn mình. Cuộc đời văn nhân hay thi nhân đều để lại bóng dáng trên câu chữ . Anh sáng tác khá nhiều, số lượng lên đến mấy trăm bài, đã xuất bản một tập còn thơ chưa xuất bản cũng đến vài tập nữa. Đa số đều là thơ trữ tình: Nói một cách khái quát vẻ đẹp của tập thơ bắt nguồn từ những dòng cảm xúc rất chân thành, giàu hình ảnh và giàu sắc thái biểu cảm. Lời thơ trong sáng dễ hiểu, nghệ thuật lập tứ gieo vần và cách dùng từ dung dị.
Thời học sinh anh đã từng làm thơ, “những bài thơ còn hoài trong vở”. Làm thơ cho mối tình đầu rất đẹp, rất lãng mạn nhưng chưa dám tỏ. Mối tình không đi tới đâu vì thơ không đến tay người nhận, viết chỉ để gửi gắm nỗi niềm nhưng đó là những sáng tác khởi đầu trong nghiệp làm thơ của anh. “Ngày xưa vì quá dại khờ/ Yêu người chỉ biết làm thơ riêng mình/ Để rồi người dệt mộng xinh/ Theo chồng mang cả mối tình tôi đi”
Tình yêu thuở đầu đời là mối tình tuổi học trò trong trắng tinh khôi nhưng lại là dấu ấn khó phai: “Ngày xưa ta chung lối/ Cùng cắp sách đến trường/ Tình như trang giấy mới/ Mộng ước thật bình thường” (Ngày xưa ta chung lối)
Sau này, trong bước đường xuôi ngược, giải dầu sương gió ở quê người, hồi ức thỉnh thoảng bất chợt lại ùa về. Hình ảnh hoa phượng, tiếng ve gắn liền với một thời tuổi ngọc dù đã lùi xa vào dĩ vãng vẫn hiện ra rõ mồn một như mới đây thôi! Tiếng lòng thi nhân lại được khắc họa vào thơ một hoài niêm thật đẹp. Và được thể hiện trong những vần thơ lục bát mượt mà sâu lắng.“Nhớ ve sầu khóc tiễn đưa/ Nhớ hoa phượng thắm hè xưa năm nào/ Thời gian một thoáng qua mau/ Bọn mình giờ đã dãi dầu nắng mưa.”
Thơ tình Ngọc Trân có đủ cung bậc ngọt ngào, lãng mạn, tha thiết và đắm say.
“Thương nhớ lắm người ơi thương nhớ lắm/ Biết làm sao giờ chẳng biết làm sao/ Mượn vần thơ cho đỡ vấn vương sầu / Gởi theo gió những lời tha thiết nhất./…Tri âm ơi anh nào có đâu ngờ / Tình đã dệt cuối đời vương sầu mộng! (Biết làm sao)
Sống bên kia trời Tây, nhưng mỗi mùa Thu tới, cũng là mùa tựu trường, thì dáng xưa của “cái thuở ban đầu ấy” lại thoáng chênh chao một nỗi nhớ trong anh! “Ngoài hiên lành lạnh gió thu về/ Buồn trông từng cánh lá bay đi / Bâng khuâng nhớ những mùa thu trước / Bóng dáng người xưa chợt hiện về.” (Vẫn mãi trong tim chuyện ban đầu)
Đời lính chiến vất vả gian lao và khắc nghiệt bởi “chiến tranh không phải trò đùa”. Chuyện sống chết trong gang tấc là thế nhưng người lính mang tâm hồn thi sĩ vẫn mộng mơ thả hồn vào câu chữ, lãng mạn và tình tứ. “Đời lính gian lao nhưng vẫn mơ / Vẫn mộng cùng ai chuyện hẹn hò./ Những đêm trốn pháo trong hầm kín / Vẫn thả hồn theo những vần thơ.” (Ta đã xa rồi nhưng vẫn nhớ)
Năm tháng qua đi, vật đổi sao dời nhưng nỗi khắc khoải thì vẫn còn nguyên vẹn, mỗi lúc nhớ về lại bồi hồi rung cảm và nỗi nhớ lại thảng thốt thành thơ.“Trong ta nỗi nhớ còn nguyên vẹn/ Một thuở yêu người vẫn thiết tha/ Đã bao lâu rồi không gặp lại/ Người ơi người có nhớ đến ta? (Người đâu rồi?)
Hình bóng ấy có lẽ ẩn sâu trong tiềm thức, được xếp một góc khuất nào đó trong tận buồng tim. Cuộc sống hiện tại hối hả cuốn đi với cơm áo đời thường, nhưng khi màn đêm tĩnh lặng chìm vào giấc ngủ thì nỗi day dứt chia xa, cũng thoáng hiện về trong giấc mơ một bóng hình người cũ: “Một thoáng đời qua như giấc mộng/ Nhiều đêm chuyện cũ vẫn hiện về/ Chập chờn trong giấc chiêm bao ngắn/ Vẫn thấy cùng nhau hẹn ước thề!”
Như vậy, khi đối diện với chính mình thơ đến với anh tình cờ theo dòng cảm xúc. Thơ là tiếng nói của con tim của cõi lòng thi nhân. Anh nhờ ngôn từ gửi gắm nỗi niềm, những vui buồn trong cuộc sống. Trong thơ anh còn thể hiện tình yêu hòa bình, ghét chiến tranh, mong đất nước thanh bình, người người xây đắp hạnh phúc bình yên: “Đời lính trận sẽ không còn sương gió./ Anh sẽ về với người em gái nhỏ/ Dệt tình yêu xây mộng ước tương lai/ Chuyện chiến tranh như một giấc mộng dài/ Không còn nữa những chia ly ngăn cách.” (Anh sợ lắm)
Ngoài mảng thơ tình chiếm ưu thế thì anh cũng dành những vần thơ cho người thân đặc biệt là thơ viết về mẹ -tình mẫu tử với những tình cảm thiêng liêng lay động tâm tư người đọc:
“Bao năm dãi nắng dầm sương/ Sớm hôm tần tảo nuôi con nên người/ Thời gian trôi mẹ già rồi!/ Tóc như mây trắng bồi hồi lòng con! (Lời ru của mẹ)
Mẹ cho con hình hài, vất vả tảo tần hôm sớm để nuôi con khôn lớn. Hình ảnh mẹ lưng còng, tóc trắng, dáng đi không còn khỏe mạnh như xưa làm con quặn thắt lòng và lo lắng trước thời gian. Vì Thời gian trôi đi cũng có nghĩa là thời gian con có mẹ phía trước không còn nhiều. “Tóc bạc trắng đời còn bao lâu nữa/ Lưng đã còng vì mãi gánh đời con/ Nhìn mẹ đi run rẩy sắt se buồn/ Con với mẹ thời gian thu ngắn lại. (Ngày của mẹ)
Tấm lòng của người con chí hiếu được anh gửi gắm qua thể thơ thơ lục bát. “Mẹ cha lận đận lao đao/ Nuôi tôi khôn lớn biết bao nhọc nhằn.”
Cuộc sống với bao bộn bề như vậy nhưng mỗi dịp xuân về tết đến hay dịp lễ Giáng Sinh nỗi niềm thương nhớ cha mẹ, nhớ quê nhà lại dâng lên. “Ta lại đón Giáng sinh trong nỗi nhớ/ Nhớ thật nhiều quê mẹ Giáng sinh xưa” (Giáng sinh trong nỗi nhớ)
Đặc biệt tết đến, nhớ cành mai vàng quê nhà mà nơi đây không có, anh cảm thấy cô đơn, lạc lõng nơi xứ người và nỗi nhớ quê hương lại đau đáu trong anh: “Ta lạc lõng mừng Xuân trên xứ lạ/ Không mai vàng khoe sắc đó Xuân sang. ”(Nhớ xuân xưa)
Những người con sống xa xứ như anh luôn nhớ quê nhà nhất là thời khắc giao thừa thì nỗi nhớ lại càng mãnh liệt, day dứt hơn bao giờ hết:
“Tờ lịch cuối năm vừa gỡ xuống/ Bâng khuâng ta lại đón giao thừa/ Bốn bề hiu quạnh đêm trừ tịch/ Trông về quê mẹ nhớ xuân xưa!” (Đón giao thừa). “Nhớ quá Saigon đêm giao thừa/ Pháo nổ mừng xuân khắp mọi nhà/ Tiếng hát tưng bừng chào xuân đến/ Hân hoan con cháu chúc ông bà.” (Nhớ tết Saigon)
Bóng dáng nguyên quán cũng hiện ra trong những giấc mơ của anh với hương thơm của cánh đồng lúa đang trổ bông, hình ảnh cậu bé chân bước trên triền đê cùng tiếng sáo diều. “Đêm mơ ta thấy về quê cũ/ Thăm cánh đồng xanh lúa trổ bông/ Chân bước trên đê thơm hương lúa/ Tiếng sáo diều vi vút trên không” (Đêm mơ ta thấy về quê cũ)
Tình bạn cũng là những cảm xúc anh dành riêng trong những vần thơ ấm áp tình thân hữu:“Ta nhớ mãi thuở quần xanh áo trắng/ Bạn cùng ta ngày cắp sách đến trường/ Tuổi thơ ngây lòng chưa chút sầu vương/ Yêu đất nước qua từng trang sử cũ.” (Bạn cũ trường xưa)
Nhưng cũng có người bạn khi anh có dịp trở về thì bạn đã đi xa, không bao giờ gặp nữa chỉ còn một nỗi nhớ tiếc khôn nguôi và để lại niềm đau như tiếng nấc trong thơ. “Hôm nay về lại thăm trường cũ/ Thắp nén hương lòng nhớ bạn xưa/ Sân trường hoa phượng dường như khóc/ Bạn thân ơi nhớ mấy cho vừa! (Nhớ bạn)
Nhớ Hoàng sa, nhớ từng tấc đất quê hương, anh thể hiện qua những vần thơ bảy chữ lòng biết ơn và đau xót những người đã ngã xuống để bảo vệ biển đảo: Lời thơ như một nén hương lòng/ Thắp lên tưởng nhớ các anh hùng/ Giữ đảo thân vùi chôn đáy biển/ Nhưng anh linh tỏa sáng non sông. ”(Nhớ Hoàng Sa)
Đi qua những thăng trầm dâu bể của đời người, vui buồn nếm đủ, anh có những vần thơ đầy chiêm nghiệm, ẩn chút triết luận nhẹ nhàng: “Một thoáng đời như giấc chiêm bao/ Lao đao cõi tạm đến khi nào/ Lận đận mải mê vòng danh lợi/ Xuôi tay nào có khác gì nhau?”
Quê hương là một đề tài khá phổ biến trong thơ anh.
Đó là nơi đầy ắp cả một khung trời kỷ niệm, trong tâm khảm với nỗi nhớ thương không bao giờ vơi cạn. Nếu Nguyễn Hoài Vũ nói về quê hương là: “Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp/ Quê nhà một góc nhớ mênh mang” ở Nguyễn Bùi Vợi là: “Dẫu lưu lạc khắp chân trời góc bể/ Giấc mơ nào cũng bóng dáng quê hương”. Thì nỗi nhớ quê hương của tác giả Ngọc Trân cũng thiết tha không kém!
“Gởi cho anh chút Sài Gòn nắng ấm/Những vỉa hè góc phố nhỏ ngày xưa/Những xôn xao giờ tan học buổi trưa/ Để được ngắm áo dài bay trong gió.” (Gởi cho anh)
Trên bước đường bôn ba ấy cho đến khi tóc đã ngả màu phai. Anh đã xa quê mấy chục năm có lẻ, nhưng nỗi nhớ quê vẫn đau đáu không nguôi:
“Vẫn biết gởi thân nơi đất khách/ Trọn đời ta chẳng có mùa xuân/ Nhưng khi xuân đến trên quê mẹ/ Chợt nhớ xuân xưa nhớ thật gần.” (cảm xuân 1)
Anh cũng đã một đôi lần đến Huế và có lẽ cũng từng xao xuyến trước bóng hồng nào đó. Chẳng thế mà anh làm thơ về Huế rất hay, được diễn đạt trong thể thơ năm chữ. Thi ý ngọt ngào lãng mạn.
“Xa rồi ngày tháng cũ/ Đóng quân ngoài cố đô/ Ta gặp em gái Huế/ Người xưa đâu bây giờ?” (Ngày tháng cũ)
Những nơi anh có dịp đặt chân đến đều để lại dấu ấn trong thơ: “Đà Lạt ơi! Nhớ má hồng/ Nhớ ngày em bước theo chồng sang ngang/ Cho tim ta bổng vỡ tan/ Như trăm thác đổ theo hàng lệ rơi!” (Nhớ Đà Lạt)
Tôi đặc biệt rất thích những vần thơ anh dành cho Huế, nó phản ảnh góc nhìn tinh tế, hồn cốt của cố đô, dù anh chỉ là khách vãng lai nhưng lời thơ thân thương thể hiện trong thể thơ tám chữ hay thơ lục bát rất ngọt ngào.
“Cố đô ơi! Lâu rồi không trở lại/ Nhớ thật nhiều nhưng biết nói sao đây/ Chốn xa xôi lòng vẫn vấn vương hoài/ Em gái Huế với áo dài tha thướt” (Thương về Huế xưa)
Anh nhắc đến những địa danh, Vân Lâu, Nội thành và dáng Huế. Anh sử dụng phép tu từ, cảm thán trong thể thơ lục bát và có một chút tiếc nuối, làm cho câu thơ dễ chạm đến tâm tư người đọc.
“Vân Lâu bến đợi còn không?/ Nội thành đường cũ vẫn mong dáng người/ Đâu ngờ giây phút chia phôi/ Là thôi ta đã nửa đời mất nhau!” (Nhớ Huế)
Thơ anh còn là tiếng nói yêu hòa bình, ghét chiến tranh, được giải bày ở thể thơ tự do qua những câu thơ dài ngắn khác nhau rất ấn tượng.
Cái giá của chiến tranh:
Đốt tuổi xuân
giữa chiến trường
Nhiều thằng
nằm xuống bạn cùng cỏ cây!
Xứ người
năm tháng bơ vơ!
Tóc xanh
giờ đã bạc phơ mái đầu!
(Buồn)
Nghệ thuật thơ Ngọc Trân với bút pháp hiện thực và lãng mạn. Thi nhân ghi lại cảm xúc của mình với nhiều thể loại phong phú như: thơ tự do, thơ 5 chữ thơ 7 chữ, thơ 8 chữ hay lục bát truyền thống,…, ngôn ngữ bình dị trong sáng, dễ hiểu, cách lập tứ, gieo vần và sử dụng ngôn từ khéo léo, kết hợp với các biện pháp tu từ phù hợp và biểu cảm. Anh lựa chọn thi liệu, thi ảnh giàu sức gợi. Anh đã viết nên những vần thơ đầy đầy rung cảm. Đọc thơ anh và suy ngẫm, thấy được vẻ đẹp từ những sáng tác của anh và bạn đọc có thể tìm thấy những câu thơ tâm đắc cho mình khi có cùng tâm trạng, như tìm được tiếng nói tri âm đồng cảm và sẻ chia. Tiếng lòng của thi nhân là những câu thơ mang nặng tình đời. Đó là những khúc tâm tình nhẹ nhàng đi vào lòng người để rồi đọng lại tình yêu đời, yêu cuộc sống.
Người lính đi qua chiến tranh ngoài ý muốn. Ngọc Trân trải qua thăng trầm dâu bể, nếm đủ ngọt ngào và cay đắng của cuộc đời, đủ độ chín của sự trải nghiệm. Vì thế thơ anh thể hiện trong cảm hứng trữ tình biểu lộ một hồn thơ tràn đầy tình yêu quê hương, yêu người và yêu đời tha thiết. Nay anh đã bước vào tuổi thất thập, cầu chúc thi nhân yên bình, an lạc, hạnh phúc bên gia đình cùng con cháu để sống với niềm yêu thích thi ca và không ngừng sáng tác!
Sài Gòn, ngày 29/11/2023
Kết thúc bài viết, tôi cũng có bài thơ tặng anh:
GỬI NGƯỜI ANH
Gửi người anh biệt động quân
Tháng Ba gãy súng,… du xuân xứ cờ
Tưởng đâu qua bển làm thơ
Ai ngờ cày cuốc mệt phờ cả râu
Nhớ nhà rơi những giọt châu
Thương về cố quốc biết ngày nào nguôi
Mong rằng mát mái chèo xuôi
An bình sức khỏe,…cuộc người thế thôi!