Nhắc đến làng hoa giấy Thanh Tiên, không thể không nhắc đến Hoạ sĩ, Nghệ nhân Thân Văn Huy - người đã có công rất nhiều trong việc quảng bá một làng nghề có thời gian tưởng chừng sắp mai một.
Làng hoa giấy Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang là một ngôi làng thuộc hạ lưu sông Hương và gần ngã ba làng Sình. Được biết đến là nghề làm hoa giấy chuyên để thờ cúng trang Ông trang Bà, ông Táo và hoa sen giấy, nay hoạ sĩ, nghệ nhân Thân Văn Huy lại một lần nữa tạo nên sự ngạc nhiên lẫn thán phục cho mọi người khi chiêm ngưỡng những tác phẩm tranh hoa giấy của ông.
Tiếp chúng tôi ở ngôi nhà tại số 38 Nguyễn Bỉnh Khiêm, người hoạ sĩ vẫn tràn đầy niềm say mê với hội hoạ, với nghệ thuật hoa giấy. Say sưa giới thiệu tên mỗi tác phẩm, người nghệ nhân không giấu niềm tự hào về một ngôi làng có truyền thống làm nghề hoa giấy có từ hơn 300 năm.
Từ những chất liệu như tre, giấy, lõi sắn... người dân làng Thanh Tiên đã tạo nên những cây hoa giấy rực rỡ với những loài bông truyền thống đặc trưng như quỳ, tường vi, cúc, trái ớt... Hàng năm cứ vào dịp Tết đến xuân về, bắt đầu từ trước lễ cúng đưa ông Táo về trời người dân Thanh Tiên lại rộn ràng với những quày hoa giấy sặc sỡ toả đi khắp nơi trong nước và cả xuất khẩu ra nước ngoài.
Điều độc đáo và đáng nói ở đây là từ những cánh hoa trên nhành hoa giấy thờ cúng, nay với sự sáng tạo không ngừng nghỉ, hoạ sĩ Thân Văn Huy đã kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, giữa nghệ thuật tranh vẽ và nghệ thuật làm hoa giấy để tạo nên những bức tranh hoa giấy lôi cuốn và có ý nghĩa thật đặc biệt.
Hôm tôi về ông đang tất bật chuẩn bị những tác phẩm tranh hoa giấy để tham dự triển lãm Tinh hoa nghề Việt phục vụ cho dịp Festival làng Nghề sắp tới. Những bức tranh với nhiều kích cỡ, nhiều chủ đề nhưng đều bắt nguồn từ những bông hoa trong cây hoa giấy được ông làm rất tinh xảo mang tính thẩm mỹ cao. Ông tâm sự, bên cạnh việc giữ nguyên tính truyền thống của cây hoa giấy, ông mong muốn tạo nên những bức tranh hoa giấy như một diện mạo mới, một cái nhìn mới bên cạnh cây hoa giấy cổ truyền. Xưa hoa giấy thông thường chỉ sử dụng cho việc thờ cúng thì nay cũng từ những bông hoa giấy mang màu sắc tâm linh ấy được phối hợp với những bức tranh do chính hoạ sĩ - nghệ nhân Thân Văn Huy sáng tác đã trở thành những tác phẩm tranh đầy nghệ thuật với sự mới mẻ, thú vị. Chúng tạo nên một sự gần gũi, không còn là câu cửa miệng quen thuộc mang tính "nghiêm trọng" của người lớn hồi chúng tôi còn nhỏ khi nghịch ngợm những cây hoa giấy: "không nên!" nữa.
Cũng từ những bông hoa ấy, nay được kết hợp với nhiều chất liệu nhưng chủ yếu vẫn là những chất liệu dùng làm hoa giấy cổ truyền và qua bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, hoạ sĩ thổi hồn vào đã trở thành những bức tranh nghệ thuật thật sống động. Những hoa, lá... được làm từ những chất liệu y hệt cây hoa giấy cúng chỉ có điều nay chúng được đính lên trên nền những bức tranh.Hoạ sĩ cho biết để độ bền của tranh giữ được lâu ông dùng chất liệu Arilic và phun phủ thêm một lớp keo chuyên dụng để chống ẩm mốc. Giấy màu ông nhuộm và cất giữ cách nay đã 6 năm. Nghĩa là ông đã ấp ủ ý tưởng và bắt tay vào những tác phẩm này đã khá lâu rồi.
Luôn khát khao tìm tòi những cái hay, cái mới, cũng như hoa sen giấy, những tác phẩm tranh của ông thường sử dụng nhiều chất liệu khá độc đáo như cát, xơ dừa, chíp điện tử... Nay với tranh hoa giấy ông thêm bằng vỏ trứng, để cho tác phẩm sinh động và thật giống ông nướng chúng lên tạo thành màu sắc trông y hệt như thật, có bức tranh ông còn đính lên xác một chú ve, chỉ vậy thôi mà trông bức tranh thật lôi cuốn vô cùng.
Hoạ sĩ Thân Văn Huy không chỉ tài hoa, tôi còn quý ông ở những ý tưởng độc đáo khi sáng tác. Ông luôn thể hiện một chiều sâu nội tâm rất nhân văn khi tạo ra những tác phẩm. Đã có những lợi thế sáng tác qua nhiều dòng tranh như vẽ lụa, sơn mài, thuỷ mặc, ... tranh hoa giấy của nghệ nhân Thân Văn Huy là sự kết hợp hoàn mỹ đầy uyển chuyển giữa hội hoạ và thủ công. Điều đáng nói ở đây là tuy sáng tạo nhưng vẫn giữ nguyên truyền thống. Đây là một sự tái sinh, một sự tiếp truyền trong nghệ thuật tạo hình hoa giấy, đó mới là điều tạo nên những nét hay, đáng quý và khá độc đáo trong tác phẩm tranh hoa giấy của ông.
Luôn trăn trở với làng nghề truyền thống, để sản phẩm có một mức giá dễ chấp nhận nên có khi một số bà con làng nghề đã lượt bớt một số chi tiết trong cành hoa giấy. Những bông cúc cánh kép thay bằng cúc cánh đơn, hay nụ hoa vốn gọt từ lõi sắn rồi nhuộm màu cho giống bà con thay bằng giấy cho nhanh chóng. Những lúc như vậy ông lại vận động bà con chịu khó giữ gìn nguyên bản. Nhờ , vậy những năm trở lại đây thay vì chọn những loại hoa giấy cúng khác, nay người tiêu dùng đã quay trở lại yêu thích những cành hoa giấy của làng Thanh Tiên mộc mạc và tinh tế.
Mặc dù khá nổi tiếng trong ngành hội hoạ, nhưng song song với đó hoạ sĩ, nghệ nhân Thân Văn Huy vẫn luôn ý thức gìn giữ, nâng niu nghề gia truyền tiên tổ đã truyền cho. Nhìn ông cẩn thận nâng niu từng chiếc đục trong hộp dụng cụ dùng làm hoa giấy của cha mình để lại tôi mới hiểu tâm huyết của một người đã gắn bó, đã nhiệt tâm đón nhận những gì đời trước trao truyền cho đời sau sâu nặng, trân trọng ra sao. Đó không chỉ là một người làm nghề bình thường, mà trước hết là cái tâm của mình đối với tổ nghiệp, là trách nhiệm và ý thức đối với mỗi sản phẩm mình làm ra.
Với niềm say mê nghệ thuật, nghệ nhân Thân Văn Huy mặc dầu tuổi đã cao vẫn không ngừng nuôi dưỡng, say mê tìm tòi những sáng tạo mới trong nghệ thuật. Những bức tranh hoa giấy ông đang sáng tác và trưng bày bằng tất cả tâm huyết của mình đã khẳng định một con người tâm huyết, cống hiến và tài hoa .