Tr
Khi rời xa một nơi nào đó từng gắn với tuổi thơ người ta luôn nhớ về và ước mong trở lại. Nhưng nếu vì một lý do gì đó không về được chốn xưa- thì ra đi là một chọn lựa nghiệt ngã.
Nỗi đau ấy dù có cố thể hiện bên ngoài để che đậy thì nó vẫn âm ỉ cào xé từ bên trong.
Cảm nghĩ này thường đến với tôi khi nhớ đến những người thân buộc phải vượt thoát mà sau đó không thể trở về nên trong tâm luôn có một niềm tiếc nhớ.
Tôi đã từng bắt gặp những ánh mắt u uẩn nhìn về nơi xa xăm của những người cao tuổi khi thấy họ đột ngột bước ra từ một cuộc vui hay họp mặt gia đình. Bước theo ra ban công, tôi bắt gặp tia nhìn hun hút, hướng về một chân trời nào đó… nhưng là thứ “nhìn mà chẳng thấy”, bởi nó chỉ muốn gửi nỗi buồn đi xa chứ không chủ đích tìm kiếm một thứ gì… Tôi thường đứng im lặng, làm như không thấy những giọt lệ thầm lặng và tiếng nấc bị kìm hãm để con cháu trong nhà không ai phát hiện.
Trong nhiêu năm sống ở nước ngoài, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều đồng hương tôi đều gặp những ánh nhìn tương tự như thế. Xót xa, kín đáo.
Cười cười nói nói. Nhưng bên trong tâm hồn Việt đầy những đổ nát, điêu tàn.
Có lẽ những người bình thường phản ứng thầm lặng với nỗi buồn còn với trí thức thì họ phải hóa giải nỗi buồn qua ngòi bút, gởi gắm niềm tin hay trú vào tôn giáo để xoa dịu lòng mình.
Nhà văn Phù Vân ( cư sĩ Nguyễn Hòa)
Trong bao nhiêu năm sáng tác và làm chủ bút tạp chí Viên Giác nhà văn Phù Vân đã viết đã in rất nhiều (…) nhưng khi cầm trên tay tập thơ cuối cùng của anh thì tôi xem đó như một đúc kết trọn đời: cũng đành dâu bể với thời gian. Chữ “đành” là sự thụ động, miễn cưỡng chấp nhận cái hoàn cảnh không thể thay và những vần thơ của anh giống như một tự sự, là tiếng ngân của lòng yêu nhớ quê hương, trong đó có cha mẹ, anh em, bè bạn… rồi nhắc người đọc củng cố niềm tin hướng về đạo pháp để nâng đỡ tinh thần, vượt qua những sầu não, giận hờn.
Về mặt hình thức, tập thơ chia làm 4 phần quê hương, mẹ, bạn bè và đạo pháp, nhưng theo tôi chỉ có 2 phần là quê hương và đạo, vì quê hương không chỉ là đất đai sông nước mà có cả mẹ và bằng hữu, những tình cảm mà ta luôn cất giữ trong tâm hồn.
*
Những năm 1995, 1996… sau khi công việc tạm ổn định, tôi bắt đầu viết lại và gửi bài cho báo Viên Giác. Những truyện dịch của Dino Buzzati thường xuất hiện trong thời gian này vì chủ bút Phù Vân rất thích, truyện tưởng như ở thế giới khác mà rất hiện thực ở cõi đời.
Chỉ liên lạc qua email thôi và tôi chỉ biết anh lấy bút hiệu Phù Vân chứ không biết anh còn dùng bút danh khác. Anh là một chủ bút rất lịch sự, nhận được thư là trả lời ngay với lời lẽ chân tình và khiêm tốn.
Cứ thế chúng tôi cộng tác với nhau được chừng 10 năm rồi khi tôi về Việt Nam không hiểu lý do gì lại bặt tin nên những năm sau này phải nhờ chị bạn nhà văn Huỳnh Ngọc Nga (Torino, Ý) giúp kết nối lại.
*
Nhà thơ Tùy Anh tên thật là Nguyễn Hòa, sinh năm 1938 tại Huế. Và bút danh Phù Vân khi anh viết văn xuôi, nhưng tôi chỉ biết và nhắc anh qua bút danh này.
Là con nhà nghèo, thuở nhỏ từng thiếu tiền học phí nhưng anh thành công rất sớm: Chỉ mới 25 tuổi mà đã là trưởng ty Thủy Lâm Đà Nẵng và Trưởng Khu Thủy Lâm Vùng Một Chiến Thuật. Có lẽ anh là vị trưởng ty trẻ nhất Việt Nam thời ấy. Tuy còn trẻ nhưng có tri thức, bản lĩnh và nhân hậu. Nhà văn Văn Công Tuấn kể là trong khi công tác khi gặp những cụ già vì chuyển gỗ lậu bị bắt nên năn nỉ xin tha thì anh bảo nhân viên “nhắm một con mắt”, nhắc họ đóng thuế cho nhà nước theo luật định thôi chứ không được phạt nặng hay bắt giam.
Chắc chắn hình ảnh thống khổ ê chề thấy mẹ tay kẹp chiếc nón lá miệng năn nỉ nhà trường cho đóng học phí trễ để con được học tiếp đã hằn sâu trong tâm khảm của anh.
Sau 30 tháng 4-1975, anh phải đi tù cải tạo. Năm 1980 ra tù, vượt biển, được tàu Cap Anamur cứu và định cư tại Hamburg, CHLB Đức từ bấy đến nay.
*
Phần lớn những người cầm bút đều có tâm hồn bén nhạy nên chỉ qua trang viết ta mới thấy những nỗi lòng của họ :
Hỏi tại sao ta bỏ nước ra đi?
Những câu hỏi nghe xót tình ruột thịt!
Đày đọa nhau, tù tội để làm chi?
Biết “đi là bỏ lại sau lưng, chấp nhận tương lai mờ mịt nơi xứ người” nhưng không thể chấp nhận những bất công:
Nên phó mặc tử sinh trên đầu sóng
Thuyền lướt đi mong tìm chốn dung thân.
Thế mà khi đến được bến bờ, lòng buồn hay vui chính họ cũng không phân biệt được.
Dõi theo trăng trên cuộc đời lữ thứ
Biết bao người tính ngày tháng lưu vong
Vì, như bao người, anh đã mất hết, mất những thứ mà không thứ tiền bạc nào mua được :
Dân lưu vong mang nạn nước nổi trôi
Làm gì được? ngoài tấm lòng
Hướng về tổ quốc!!!
Và trong hơn 40 năm biệt xứ, những buổi sáng thương nhìn về phương Đông, lòng buồn rươi rượi, cảm cảnh tha hương:
Có ai hỏi, vẫn cuộc đời lận đận
Vẫn bơ vơ trong cát bụi hồng trần?
Nhưng dù xa, niềm tin sắt son cho một ngày về vẫn không bao giờ tắt :
Niềm tin đó, càng ngày thêm rực sáng
Sáng ngày về và sáng cả tình quê,
Nhưng hoài công chờ, đâm ra thất vọng, có lúc chán chường.
Ba mươi năm ta lìa sông là núi
Về hay không? Hay vẫn lỗi hẹn thề
*
Có lẽ không ai ngờ là khi chạm vào đáy của sự bất lực thì tâm tình chuyển hướng và nỗi buồn bất ngờ biến thành phẫn nộ và căm hận trồi lên như con hổ trong vườn bách thú:
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa.
Nhớ cảnh sơn lâm bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng..
…
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
…
Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu. (Nhớ Rừng, Thế Lữ)
Sau cơn giận dữ, thì giấc mơ trở về như được hồi sinh:
Ta đeo dẳng cả trăm thương ngàn nhớ,
Thuở lưu đày vương vấn chuyện ngày xưa.
…
Hỡi hồn thiêng của núi sông hùng vĩ,
Nơi tổ tiên đã khơi nền thịnh trị
Nơi an bình ta được sống ngày xưa..
Nơi ta sẽ về, ước hẹn từng giờ
…
Hỡi cố hương yêu dấu của ta ơi!
Có thể nói những ngày vượt biển, gặp hải tặc, sống sót và sau đó là nỗi buồn viễn xứ đã trở thành một sự ám ảnh tột cùng. Nó theo anh như 1 phần của thân thể, một khối u đeo bám tâm hồn anh cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay.
Và chính vì nỗi đau âm ỉ đó mới đưa anh “trú” vào thi ca, bước vào cái nghiệp viết lách vì có lẽ chỉ có văn chương mới giúp anh vượt thoát (một lần nữa) ra khỏi hiện thực, mơ về một cuộc sống không còn những cơn đau hay nỗi nhớ.
Nhưng căm thì có căm, giận thì có giận, mà bản tính hiền hòa nên lời thơ của anh vẫn là những thủ thỉ, nhẹ nhàng, thương đời, trách mình, nghĩ về nghiệp chướng tiền oan chứ tuyệt nhiên không thấy sự hận thù cay nghiệt:
“Ôm mối hận nhưng lòng còn son sắt
Thơ của anh vang lên như tiếng nấc đớn đau, nói lên cho mình và cho người nỗi lòng biệt xứ, luôn đợi một ngày dù vẫn hiểu đó chỉ là niềm tuyệt vọng.
Chữ đành mà anh buông ra như một nỗi xót xa kéo dài, nó gây trong lòng người đọc nhớ đến sự biến dịch không ngừng trong cuộc sống để chấp nhận điều mình không thể đổi thay:
“Thôi đành vậy, ba mươi năm viễn xứ,
Như mây trời phiêu bạt tận mười phương.
Vẫn hun hút trên dặm ngàn lữ thứ
Ôm xót xa bao nỗi nhớ niềm thương.” (Ba Mươi Năm Viễn Xứ).
Có những phút hoang mang anh tìm về kinh kệ để hồn mình dịu bớt, nhưng thức giấc giữa đêm thì nỗi đau vẫn còn âm ỉ:
Bâng khuâng giữa cuộc phù sinh
Nghe chuông tỉnh thức,
nghe kinh nguyện cầu.
Một mình tỉnh giữa đêm thâu,
Hồn quê thêm một nỗi đau nghìn trùng ( Mai rồi đời cũng sẽ vui)
Hiểu đấy, ngộ ra, nhưng trong thực tế từ chớm ngộ đến bến bờ giải thoát luôn có một chặng đường dài. Bởi một người bình thường khó thể tránh những dằn vặt khổ đau vì nhiều điều bất như ý trong cuộc sống.
Tôi không biết anh có uống rượu không, nhưng trong thơ, những đêm khắc khoải anh mời rượu bạn như muốn tìm men cay để quên đi những thao thức:
Xin mời bạn, rượu nồng quên ngày tháng,
Nhớ làm chi, bèo bọt chuyện mây trôi!
Ly chưa cạn mà nghe đời đã cạn
Ai đong đầy cho thế sự đầy vơi?
…
Nào ai hiểu Xuân như người tình phụ,
Mỗi lần xuân. Mỗi quay quắt bất an!
Nhưng ta hiểu đã làm thân lữ thứ
Thôi cũng đành dâu bể với thời gian! (Cũng đành dâu bể với thời gian!)
*
Khi đi xa nhớ mẹ là nhớ quê. Viết về mẹ thì nhiều người viết, thế nhưng mỗi khi đọc về mẹ ai cũng dễ xúc động. Anh Phù Vân viết về ngày mẹ mất lúc anh đang ở nơi quê người:
Mẹ đi giữa mùa hạ
Hồn ủ trong hương sen.
Sen ở đây là xứ Huế yêu thương mà anh đã rời:
Nay thêm lần giỗ mẹ
thêm một lần ăn năn,
Vẫn nhớ lời mẹ dặn:
“đừng về! nếu khó khăn! (Hồn ủ hương sen)
Tôi là người nhạy cảm nên khi đọc những lời ăn năn, thấy có lỗi vì không về được thì không thể cầm lòng. Tôi hiểu lời dặn của mẹ và tâm trạng của anh mỗi khi đến ngày giỗ mẹ”. Chỉ biết tìm nhau trong mơ:
“ Con tỉnh giấc giữ mịt mù gió lạnh,
mẹ về đây hay bào ảnh trong mơ ”
Mẹ ơi, “mẹ mất rồi, đời mất cả niềm vui” dù có khi anh tự an ủi mình đó là chuyện vô thường.
Tôi đồng cảm với anh vì khi mẹ mất tôi cũng có những niềm đau như thế: “… Khi một người nào đó mất đi luôn để lại chúng ta một khoảng trống. Nhưng khi mẹ mất, khoảng trống ấy mênh mông đến vô cùng.
Bởi mẹ là tác nhân đưa ta từ cõi vô hình đến với thế giới hữu hình. Mẹ là chiếc cầu nối giữa ta và vũ trụ. Mất mẹ, sợi dây thiêng liêng kia đứt phụt. Và những đứa con của mẹ chơi vơi. Hụt hẫng. Bềnh bồng.”( Về một ánh sao, TVD)
Trong phần Bạn bè anh viết lời cảm ơn người vợ hiền và mối tình đã giúp mình vượt qua nỗi cô đơn:
Thế mà anh đã ra đi
em cũng ta đi ngàn phương biệt
Tình cờ thay! ta hội ngộ chốn tha hương
Anh không đến với em
Vì dung nhan kiều mị
Mà anh đến với em
Trong tiếng gọi nhiệm màu.
Anh đã nhận ra em chính là mẫu người tri kỷ
Vì mỗi khi em hiện hữu nơi đâu
Thì thiện lành nảy sinh ở đó.
Hay
Có những cánh chim sải cánh tìm về quá khứ,
Có những nhánh sông thầm lặng
tìm chỗ hợp lưu.
Sao anh với em vẫn âm thầm một đời lữ thứ“ (Một lần nữa xin cảm ơn em).
Tình yêu! diệu kỳ thay! Tôi nghĩ là trong cuộc đời long đong có lẽ mối lương duyên may mắn cùng chị Phuong Quỳnh là nguồn an ủi giúp anh vượt qua chướng ngại. Nó vừa là liều thuốc an thần vừa là thuốc giảm đau. Và hơn hết, mang cho nhau niềm hạnh phúc.
Còn trong tình bạn, khi anh viết về sự ra đi của người bạn thân thiết Phong Hưng Lưu nhơn Nghĩa.. có một tiểu đoạn đã làm tôi bồi hồi cảm xúc :
Từ giã nhé cuộc đời đầy huyễn mộng
Đời thư sinh màu áo trắng hoang sơ.
Nghe trong nắng có tiếng cười lồng lộng
Mà âm vang nghe lạnh cả hư vô.
Chữ lạnh ở đây quá đắc! Đọc xong tôi cũng nghe như ớn lạnh toàn thân. Và nghe như trong nắng quê người còn vọng lại tiếng cười hồn nhiên và vô tư của người bạn cũ.
“Còn một chút quê hương trong màu nắng,
Thêm mặn mà trên từng đợt phù sa“.
Hai câu thơ gói tất cả nỗi niềm của kẻ xa quê. Nắng ở nơi này… nhớ nắng ở nơi kia và quê hương nằm trong vũ trụ không cùng.
Thời gian trên giường bệnh, anh Phù Vân viết nhiều thơ về Thiền, như một cách tìm hiểu lẽ đời:
“Mà hiển vinh là bào ảnh phù du,
Nên ngôn hạnh trong như dòng bát nhã.
Thẩm vào đời nghe vời vợi hương nhu.”
Trú vào Thiền và Niềm tin Phật giáo có lẽ mới giúp giải thoát sự bất hạnh, và xoa dịu nỗi đau tâm hồn. Thơ anh trong giai đoạn này nhẹ nhàng, thoát tục:
“Người đi biền biệt non ngàn,
Cũng quay về với tịnh an cửa Thiền.
Khói trầm pha chút nhân duyên.
Trong em tịnh mặc ưu phiền cuốn bay,
U trầm nắng đọng am mây,
Tiếng chim quan ải về đây gọi đàn”
Nhờ biết an nhiên chấp nhận nên khi nằm trong bệnh viện anh không hoảng hốt, mà nhìn sự vật một cách thấu hiểu nghiệp quả để an nhiên niệm phật:
Dang tay ôm nghiệp quả
Thiện ác tự tiền duyên
Sức mạnh ấy chỉ có với những người tu tập lâu năm giúp họ thoát ra những bế tắc và tìm thấy con đường cho riêng mình:
“Bơ vơ tìm những con đường,
Con đường Trung đạo suối nguồn an nhiên,
Ngại ngần đến trước cửa Thiền,
Làm sao xóa những muộn phiền tiền thân?
…
Xa thật xa, gần thật gần,
Nơi không hư vọng, nơi cần chân như” (Tâm Vọng Thiền Môn)
Hay
“Thôi nương theo nghiệp lực, Buông xả mọi ưu phiền, Mong sao từ tâm thức, Sớm ngộ được pháp thiền“ (Ngỡ mình hóa thân).
Buông xả hết để có thể ra đi, như trong Lời từ biệt cuối cùng, lời thơ đơn giản nhưng chân thật làm ai đọc lên cũng phải bùi ngùi xúc động:
“Được nói với nhau bây giờ lời từ giã (...), Thôi từ biệt các bạn nhé, Thuận thế vô thường tôi sẽ phải ra đi.”
Có lẽ chỉ khi anh Phù Vân đến với Phật rồi mất vào ngày 18- 8- 2023 tại Hamburg thì tâm hồn anh mới được giải thoát ra khỏi nỗi đớn đau, tiếc nhớ.
Với gần ba chục năm làm chủ nhiệm Tập san Viên Giác, anh Phù Vân đóng góp không nhỏ cho văn thơ mà còn góp phần lớn vào việc giữ gìn văn hóa và truyền bá tinh thần Phật giáo ở hải ngoại. Anh ra đi, chị Phương Quỳnh mất đi một người chồng tri âm tri kỷ, chúng ta mất một Tổng biên tập bản lĩnh, còn hòa thượng Thích Như Điển mất đi một cộng tác viên tin cậy và tài năng.
Đọc anh, ta thấy niềm tin vẫn hừng hực như thuở nào, dẫu biết rằng sức đã cạn, đường về nhà còn xa vời vợi…
Sống xa quê hương 10.000 km mà anh cảm như rất gần, khi mẹ mất anh có thể nghe được hương sen bao quanh thân mẹ làm người đọc cũng cảm được vị mặn nước mắt. Nếu có thể tóm tắt những trang viết của anh trong một độ nén, thì tôi sẽ không ngần ngại viết là “Gió mang niềm nhớ…. Và Mây đã bay đi”.
Từ nơi xa xôi… tôi xin thắp một nén nhang, ngước nhìn lên áng mây lơ lửng trên cao như để tiễn đưa người anh lớn “Phù Vân” đang bay về một nơi chưa biết là đâu. Mà rồi ai cũng sẽ đến.
Milano, mùa thu 2023.