Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.107
123.139.263
 
Ông đồ Nghệ Nguyễn Thế Quang
Nguyễn Anh Tuấn

 

 

Tôi vẫn thích gọi, và hình dung trong tâm tưởng về nhà văn Nguyễn Thế Quang là “Ông đồ Nghệ”, là “Cựu nhà giáo dạy văn viết tiểu thuyết” - mặc dù ông đã là hội viên Hội nhà văn gần 10 năm nay, đã có bốn cuốn tiểu thuyết lịch sử dày dặn, và xứng đáng là nhà văn số một viết tiểu thuyết về Đại thi hào Nguyễn Du!

Hai năm trước, nhân dịp về Trường Lưu - Can Lộc Hà Tĩnh dự một tọa đàm KH về Làng văn hóa Trường Lưu, tôi tới thành phố Vinh - Nghệ An thăm ông, và được nghe ông kể về quá trình sáng tác cuốn tiểu thuyết mà nhiều người đọc từng mong chờ này. Thực ra, cũng đã có mấy cuốn sách viết về cuộc đời Nguyễn Du, song đó đều là truyện ký - như “Ba trăm năm lẻ”  (Vũ Ngọc Khánh), “Nguyễn Du” (Nguyễn Lộc)... Nhưng phải tới “Nguyễn Du” của “Cựu thầy giáo dạy văn” Nguyễn Thế Quang, cuộc đời Đại thi hào họ Nguyễn mới được dựng lên bằng phương thức tiểu thuyết thực sự với những đòi hỏi nghiêm ngặt của thể loại…

 

 Ông bảo tôi: nếu không có 40 năm giảng dạy Nguyễn Du & Truyện Kiều, ông không thể viết được tiểu thuyết “Nguyễn Du”. Rồi ông đã phải sưu tầm và đọc hàng chồng sách báo các loại xưa nay về lịch sử, văn hóa, văn học viết & văn học dân gian… liên quan tới thời đại và tiểu sử Nguyễn Du. Ông còn lang thang nhiều ngày, với đồng lương còm nhà giáo, điền dã từ cố đô Huế đến trấn thành Gia Định phương nam xa xôi rồi lại ngược về Thăng Long, Kinh Bắc, Thái Bình mong tìm lại dấu vết Nguyễn Du và những nhân vật khác của tiểu thuyết…

Ông rất vui, và có niềm tự hào chính đáng mà ít nhà văn của ta có được: Từ khi tiểu thuyết “Nguyễn Du” ra đời tới nay gần 20 năm, nó đã được in đến bốn lần ở cả Hà Nội và Sài Gòn, đặc biệt là đã có 6 luận án thạc sĩ của ba trường Đại học lấy tiểu thuyết của ông làm đề tài nghiên cứu – mới nhất là luận văn “Thi pháp tiểu thuyết Nguyễn Du của NTQ” ( của Nguyễn Thị Thẩm Mỹ, Viện ĐH Đà Lạt), và luận văn “Phương thức thể hiện lịch sử trong tiểu thuyết Nguyễn Thế Quang” (của Bùi Nguyễn Sao Mai, trường THPT Đồng Hới), v.v. Nhiều bài viết đã phân tích kỹ, và khá chí lý về tác phẩm “Nguyễn Du”, tiêu biểu nhất là bài NGUYỄN DU, TRĂM NĂM TRONG CÕI NGƯỜI TA… của nhà văn Đặng Văn Sinh, trong đó ông đã lẩy ra một chủ đề lớn của cuốn tiểu thuyết này: “Hoàng đế và Thi nhân” - như một sự gợi ý cực kỳ lý thú đối với riêng tôi - kẻ đang “âm mưu” làm phim truyện về cuộc đời Đại thi hào…

Sáng nay, ông gọi cho tôi - như mọi lần, bao giờ ông cũng gọi trước, sau khi đọc một bài viết của tôi trên MXH hay một trang Web văn chương - với tình yêu thương, đồng cảm, sự săn sóc của người anh lớn đối với một thằng em dại, luôn lo lắng cho nó liệu có “lỡ mồm lỡ miệng”, “hở sườn” trước thói đời "tiểu nhân bạc ác" hay không… Tôi ứa nước mắt bảo ông: “Bác đừng lo, thằng em biết tự bảo vệ mình, em đã biết tránh “mồm chó vó ngựa” rồi, đã bớt “ngựa non háu đá” đi nhiều rồi…”. Ông thận trọng hỏi tôi: “Thế cái thông tin bác nghe được là: ở Hội Kiều học vừa qua, nhóm lợi ích đã trắng trợn chiếm đoạt con dấu khi chưa được bàn giao, chiếm đoạt tài liệu VP, tự thay khoá VP, đối xử tệ bạc với cô phụ trách VP, lấy trang điện tử chính thống của Hội để đánh bóng tên tuổi một cách dối trá, tự biến mình từ Cử nhân thành Tiến sĩ…, sự thật là thế nào?”. Tôi giật mình, vì ở nơi xa, đang làm Thiền Nhân mà ông cũng nắm được một cách tỷ mỉ, xác thực thông tin - qua các Hội viên Hội Kiều học  ở Chi Hội Kiều học Nghệ An, CLB Cà phê Kiều Nghệ An… Với tâm hồn khảng khái, chính trực của một ông Đồ xứ Nghệ được hun đúc bởi bao danh nhân danh sĩ vùng Hoan - Ái, thì những sự thật đau lòng kia quả là liều độc dược tinh thần khiến ông trăn trở, xót xa, và phẫn uất! Tôi an ủi ông: “Những điều đó là có thực bác ạ, song chỉ ở một vài cá nhân - tiêu biểu là ông Phó Chủ tịch Hội một thời gian dài đã mua chuộc, tạo nhóm, hòng muốn lấy bàn tay che cả trời, thậm chí có nhiều hành vi phạm pháp; ông ta đã cùng phe nhóm đổi trắng thành đen, bịa đặt đủ thứ về những người dũng cảm tố cáo sai phạm của họ, và tự cho mình cái quyền loại bỏ nhóm chính trực ra khỏi Hội…”. Ông ngắt lời tôi: “Thế cái việc họ bao che, dung túng, có thể là giật dây người nào đó viết đơn vu khống em rất đểu cáng hơn hai tháng trước, em định xử lý ra sao?” Tôi cười: “Bác đừng lo, họ tung âm binh ra định hại người, rồi chính họ lại lãnh đủ. Hầu như tất cả Hội viên của các Chi Hội nhiều tỉnh đều đã biết chuyện này, đều phẫn uất như bác…”. Ông nói giọng nghẹn ngào: “Em à, đau nhất là vài người trong số họ là con em Xứ Nghệ, họ đã làm ô danh giới tri thức và ô danh Xứ Nghệ… Nhưng họ chỉ là số ít, không đáng kể… Em yên tâm, Xứ Nghệ bao giờ cũng vẫn là Xứ Nghệ, và Đại thi hào của chúng ta sẽ không phải nuốt lệ dưới Suối vàng vì có những đồng hương hư hỏng cứ chăm chăm ăn theo tên tuổi của Cụ để mua danh, trục lợi…”.

Những lời của ông Đồ Xứ Nghệ đáng yêu đáng trọng mà tôi coi là bậc thầy văn học này quả tựa liều thuốc an thần hiệu nghiệm, quý giá hơn mọi thứ Nhân sâm, giúp tôi tĩnh tâm lại để tiếp tục theo gương ông, tìm về Di sản của Đại thi hào… Cám ơn nhà văn - ông Đồ Nghệ Nguyễn Thế Quang!

 

 

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 362
Ngày đăng: 26.12.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đừng khinh thường tiếng Việt - Vương Trung Hiếu
Quán Văn, số 100 - Trương Văn Dân
105. Vua Lê Thánh Tông. 11 - Hồ Bạch Thảo
Văn truyện của Phạm Ngọc Dũ – cảm xúc chân thành và đầy tính nhân văn - Hoàng Thị Bích Hà
Phiếm luận về bài bình thơ “ Tuệ sĩ” của Bùi Giáng - La Thụy
"Cô vụ'' hay "cô lộ'', từ ngữ nào được Vương Bột dùng - La Thụy
Những bước chân rớm máu" tìm quê hương " - Nguyễn Anh Tuấn
104. Vua Lê Thánh Tông. 10 - Hồ Bạch Thảo
Tiếng bom “Sa diện” hay “Sa điện”? - La Thụy
103. Vua Lê Thánh Tông. 9 - Hồ Bạch Thảo
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)