Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
721
123.237.150
 
Những thiên thần trong bão lửa
Ngọc Thủy

Năm 46 chú vào Vệ Quốc đội, năm 47 sang Vệ Quốc đoàn, trải qua nhiều đơn vị, nhiều chiến trường, đến năm 1997 - lúc nghỉ hưu - chú đã có 51 năm hoạt động cách mạng. 51 năm sống trong quân đội, mỗi vùng đất đi qua đều để lại trong chú một kỷ niệm, nhưng có một kỷ niệm mà chú không thể quên, đó là trận đánh Xẻo Me năm 1951, trong những ngày đơn vị đang phát động lập công mừng kỷ niệm sinh nhật lần thứ 61 của Bác.

 

Chú Bảy Trực (Thiếu tướng Phan Lương Trực, nguyên là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, CHT Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang) bắt đầu bằng một giọng trầm ấm, dịu dàng. Xưa nay chú vẫn thế, luôn dành cho lớp chiến sĩ trẻ của mình một tình cảm của người cha, người chú. Chú gọi lớp chúng tôi bằng con, tiếng con nghe thân thương làm sao. Là người chỉ huy cao nhất ở đơn vị, nhưng chú không sử dụng cái quyền chỉ huy để la mắng chúng tôi, mà bằng sự bao dung, độ lượng. Chú phân tích, chỉ rõ đúng sai. Sửa một câu văn chú cũng nói cho chúng tôi biết vì sao chú sửa như vậy. Bây giờ, với cái tuổi 70, chú không thể giữ được sự nhanh nhẹn, hoạt bát của ngày xưa, nhưng phong thái vẫn ung dung và tình cảm chú dành cho chúng tôi vẫn thế.

 

- Xẻo Me ở đâu vậy chú?

 

Tôi hỏi và chú cho biết địa danh đó ở Sóc Trăng. Thấy tôi hơi thất vọng vì câu chuyện không xảy ra trên đất quê mình, chú Bảy nói tiếp: “Nhưng có một đại đội của Mỹ Tho tham gia trận ấy”.

 

- Chú kể: Cuối năm 49, theo lệnh của Miền, mỗi Khu phải đôn lên một đại đội để thành lập lực lượng chủ lực Nam bộ. Đại đội 945 (chú là đại đội trưởng) thuộc Trung đoàn 105 Mỹ Tho, được Khu 8 chọn làm nhiệm vụ này.

 

Khi vào đội hình của Tiểu đoàn 410 Nam bộ, Đại đội 945 Mỹ Tho đổi phiên hiệu là Đại đội 2059. Là lực lượng chủ lực Miền, nên tiểu đoàn đi khắp chiến trường Nam bộ, đến năm 1951 thì tham gia chiến dịch Sóc Trăng. Nhiệm vụ của tiểu đoàn là đánh Xẻo Me, một vùng trắng thuộc huyện Vĩnh Châu. Nhân dân ở đây hầu hết là người Khơ-me và một số người Hoa. Người Việt rất ít. Họ gần như chưa biết gì về cách mạng, thậm chí lá cờ Mặt trận ra sao, Cụ Hồ có hình dáng thế nào họ cũng không biết. Theo lệnh trên, tiểu đoàn về đây để đánh địch, phá tề, tuyên truyền giác ngộ quần chúng, xây dựng cơ sở cách mạng, lập công mừng sinh nhật Bác.

 

Với nhiệm vụ như vậy, nên trước khi xuống đây, ngoài việc huấn luyện quân sự, đơn vị còn tổ chức học chính trị, tập huấn công tác dân vận và chuẩn bị rất nhiều cờ: cờ Đảng, cờ mặt trận, quân kỳ và cờ đuôi nheo chiến đấu.

 

Theo kế hoạch, trước tiên đơn vị chú phải diệt đồn Vĩnh Châu, phá tề, tuyên truyền võ trang; sau đó chuyển sang phục kích vận động, đánh diệt sinh lực địch từ Bạc Liêu lên chiếm lại huyện Vĩnh Châu.

 

Ngay đêm đầu tiên đến đây ta đã thực hiện được một phần kế hoạch: đánh đồn thắng lợi, phá rã hệ thống tề, võ trang tuyên truyền, chuẩn bị xây dựng cơ sở cách mạng. Lực lượng ta an toàn, riêng chú bị miểng lựu đạn găm vào mông, nhưng vẫn còn chiến đấu tốt.

 

Qua ngày thứ hai, ta phục kích đánh viện theo kế hoạch. 9 giờ sáng, có đại đội địa phương quân từ Bạc Liêu lên. Khi chúng lọt vào trận địa, ta nổ súng. Đại đội 2062 và 2091 chịu trách nhiệm chận đầu, vét hông. Đại đội 2059 của chú và Đại đội trợ chiến 2053 chịu trách nhiệm khóa đuôi và một phần bên sườn. Kèn thúc, tất cả xung phong.

 

Sau một giờ nổ súng, ta diệt gọn một Đại đội địch (khoảng 100 tên) còn một đại đội tháo chạy. Tiểu đoàn chuyển trở lại đội hình phục kích và làm công tác võ trang tuyên truyền. Tuy nhiên trận địa phải được giữ bí mật. Điểm bất lợi cho ta là địa hình ở đây rất trống trải, hầu hết là đồng trống, cỏ lác lưa thưa, nước cao tới ngực; lại là nước mặn nên rất khó chịu. Chỉ có 2 bên Xẻo Me là có cây đước, cây mắm và nhà dân, nhưng rất thưa thớt. Xẻo Me rộng hơn 10m, từ biển qua Bạc Liêu, Vĩnh Châu rồi đổ vào đồng. Trận địa của ta bố trí cặp Xẻo Me, sau lưng là biển, trước mặt là đồng. Bên kia đồng, khoảng 1.000m, là con lộ từ Bạc Liêu lên.

 

Khoảng một giờ chiều, địch đưa tụi cơ động của khu miền Tây từ Sóc Trăng lên tiếp viện. Lực lượng của chúng gồm Tiểu đoàn 15 BME đi trên 20 xe GMC và 2 xe thiết giáp. Hơn 1 giờ 30, chúng lọt vào trận địa phục kích. Ta nổ súng. Chúng triển khai chiếm lộ và đánh chính diện vào hướng của Đại đội 2059 (Mỹ Tho) và Đại đội trợ chiến. Hướng của Đại đội 2062 và 2091 bị đại liên trên 2 xe thiết giáp kiềm chặt không nhích lên được. Để làm nhiệm vụ khóa đuôi, mũi chú phải xung phong qua đồng trống với sự chia lửa ít ỏi của lực lượng chặn đầu. Địch dựa vào con lộ và các xe bắn như mưa về phía đồng nước. Cả giờ nổ súng, ta đã tổ chức nhiều đợt xung phong vẫn chưa qua được cánh đồng. Anh em mình hy sinh rất nhiều.

 

Củng cố lại đội hình, tiểu đoàn cho dựng hết quân kỳ và cờ Tổ quốc lên. Thổi kèn xung phong. Những người con của Mỹ Tho, của đồng bằng sông Cửu Long rất kiên cường, tổ quân kỳ thứ nhất ngã xuống, tổ thứ hai xông lên, nhưng cờ và người đều nằm lại trên đồng. Trong giờ phút ác liệt này cần phải tỉnh táo, phải quyết đoán, không được đau lòng, không được rơi nước mắt. Trong thế trận này ta chỉ có chiến đấu và phải chiến thắng.

 

Trước tình hình đó, anh Đặng Văn Sơ - Bí thư Đảng ủy tiểu đoàn và anh Phạm Ngọc Thảo (nhân vật Nguyễn Thành Luân trong phim “Ván bài lật ngửa”) Phó Bí thư Đảng ủy tiểu đoàn đã quyết định cho trương cờ Đảng lên và hô khẩu hiệu “Quyết chiến thắng để mừng sinh nhật Bác”. Tất cả cờ Đảng được giương lên, tiếng hô khẩu hiệu vang trận địa. Kèn xung phong dồn dập, bộ đội như vừa được tiếp thêm sức mạnh, ào ạt xông lên. Cánh đồng dậy sóng, rừng cờ băng băng lướt tới; mặc mưa đạn, mặc hiểm nguy, xung quanh chỉ tồn tại một ý chí chiến thắng và một niềm tin vào Đảng. Chính ý chí và niềm tin ấy đã đẩy lui quân giặc, ta chiếm được lộ, đốt cháy 2 xe thiết giáp và 12 xe GMC, diệt gần một đại đội địch.

 

Địch lùi lại khoảng 3 - 4 km, ta cũng trở lại Xẻo Me củng cố đội hình. 4 giờ chiều chúng lại lên, tổ chức đánh vào trận địa ta. Ta bám trận địa đánh trả các đợt xung phong của địch. Thế trận đang giằng co quyết liệt, thì một trái cối 60 rơi ngay chỗ chú và 2 cán bộ tiểu đoàn đang đứng. Chú bị mảnh cối tạt từ phía sau, hai chân và đùi đầy vết thương, xương bị bể không cử động được. Anh Bảy Sơ (Đặng Văn Sơ, quê ở Nhị Mỹ, Cai Lậy) Chính trị viên tiểu đoàn, bị thương ở bắp chân và bể bàn chân; Đức ô-ép (Trần Minh Đức) Tiểu đoàn phó, đứt mất bắp tay, máu ra rất nhiều. Nhưng băng bó xong, cả 3 người vẫn bám trận địa chỉ huy.

 

Chú Bảy ngừng lời, đưa tay giở chồng sổ sách trên bàn lấy ra một sấp giấy. Chú đưa cho tôi xem những bài thơ, những bản nhạc, những trang nhật ký mà đồng đội chú viết về trận đánh. Lời của mỗi bài thơ, bản nhạc như một dòng lịch sử nhắc nhớ một trận đánh oai hùng và gởi gắm niềm tiếc thương những người ngã xuống. Tôi chăm chú đọc hồi ký của chú Tư Công (Nguyễn Công Lự) đoạn ghi về trận Xẻo Me:

 

Tin mặt trận báo: Tiểu đoàn trưởng kiệt sức, Phan Lương Trực, Đặng Văn Sơ, Đức ô-ép bị thương. Địch từ Bạc Liêu tới và máy bay khu trục xuất hiện. Bền (dân Cai Lậy) cầm cờ Đảng xông lên. Bền hy sinh, cán cờ gãy, lá cờ bay xuống ruộng. Sương Dảo (A trưởng) chồm tới, nhặt lấy cờ cắm lên chiếc xe cháy. Sương Dảo hy sinh. Mưa. Kèn lệnh rút quân...”

 

Những dòng nhật ký hào hùng đầy máu và nước mắt. Những chú Bền, chú Sương, những chú bộ đội thời ấy để lại trong tôi một cảm giác thật khó tả - khâm phục, ngưỡng mộ, tiếc thương... Chú Bảy quay lại với câu chuyện:

 

Hôm ấy, Cù Lự (tên mà đồng đội gọi chú Tư Công) đứng dạng chân, ưỡn ngực thổi kèn. Lá cờ Tổ quốc treo ở đuôi kèn bị bắn rách nát mà Cù Lự vẫn thổi. Ông ấy không bị thương, quả là một phép lạ.

 

Chú bị thương khoảng 20 phút thì trời mưa. Mưa thật to. Một cơn mưa đá mù mịt cánh đồng. Địch lùi lại chiếm lộ, bắn vu vơ, đến khoảng 5 giờ chiều thì rút.

 

Trong tình thế này ta không thể ở lại vài ngày, Tiểu đoàn kiểm tra tình hình, giải quyết số người hy sinh và bị thương, rồi ra lệnh rút quân. Hơn 20 người con của Mỹ Tho đã nằm lại ở đó, chiếm 2/3 số hy sinh của toàn Tiểu đoàn. Chú và 5 đồng chí khác bị thương được tiểu đoàn cử đồng chí Ni - y sĩ dẫn đường, cùng 11 đồng chí trinh sát và 5 đồng chí đoàn bộ theo chăm sóc, bảo vệ, rút theo đường biển để về quân y tiền phương của mặt trận.

 

Đoàn chuyển thương được một người dân Khơ me cho mượn ghe - chiếc ghe duy nhất còn lại trong xóm. Nhưng ghe chỉ chở được khoảng 7 người, mà ta có tới 11 người; ghe có cột chèo mà không có dầm chèo; có bánh lái mà không có tay lái; có cột buồm mà không có buồm... Bác chủ nhà đã cùng anh em chuyển thương đẻo dầm chèo, tay lái, lấy khăn rằn kết lại thành buồm, đẩy ghe đi. Ngoài biển xuất hiện máy bay quần đảo. Trên lộ, bọn tàn quân của tiểu đoàn Bê Meo và bọn phòng vệ dân sự đang kéo xuống. Giờ phút này mới biết là cả đoàn không ai biết lái ghe, chỉ có cậu Tâm liên lạc (dân Cồn Nốc) biết võ vẽ. Nhưng Tâm mới 13 tuổi, phải có người phụ giữ tay lái.

 

Trên kia 11 đồng chí trinh sát đã nổ súng chặn địch; dưới này ghe mới ra 50-70m thì chìm. Thủy triều lên, gió mạnh, từng cơn sóng cuộn vào bãi rồi dội ra. Chiếc ghe chở quá tải không thể chống chọi với hai chiều sóng. Anh em chuyển thương nhảy xuống nước đỡ ghe lên, tát nước, đẩy ra, rồi lại chìm. Số anh em bị thương nhẹ cũng nhảy xuống tiếp sức, đỡ ghe, tát nước để bảo vệ an toàn cho những người bị thương trên ghe. Chú biết anh em đã đuối lắm rồi, nhưng 2 chân không cử động được, đành làm gánh nặng cho đồng đội. Trên lộ, tiếng súng ngày càng dồn dập hơn. 11 chiến sĩ của ta chọi lại với cả trăm tên địch, họ chiến đấu thế nào đây?

 

Tát nước đến lần thứ 3 thì ghe ra khơi được. Máy bay vẫn quần đảo, những người trên ghe phải nằm mẹp xuống lườn, phủ lưới lên trên. Cuối cùng cũng thoát được vòng vây. Tưởng không còn nguy hiểm nữa, nhưng rồi một tai họa khác ập đến. Còn cách Cồn Nốc khoảng 3km thì ghe rướn lên bãi bồi, không cách gì đẩy ra nổi. Thật là họa vô đơn chí, lúc đó bọn địch ở đồn Vĩnh Châu phát hiện ra chiếc ghe mắc cạn, chúng kéo cả đại đội tiến về phía bãi biển. Trên ghe chỉ có 4 khẩu súng, mỗi khẩu chỉ còn vài viên đạn, nhưng tất cả đều thống nhất “tử chiến”. Súng hết đạn thì lấy dầm chèo, báng súng...đánh địch, thà chết chứ không để bị bắt. Tất cả xuống ghe, lấy ván ghe be bờ, đào hố chuẩn bị chiến đấu. Tâm tình nguyện chạy về Cồn Nốc kêu lực lượng cứu viện.

 

Anh Đức vẫn hôn mê. Địch còn cách ta khoảng 500m, chú bàn với anh Bảy Sơ cho bắn thị uy. Nghe tiếng súng, chúng nằm lại bắn cầm chừng.

 

Tâm chạy tới Cồn Nốc, gặp được đồng chí Nghĩa (chỉ huy du kích ở đây) cậu chỉ tay về phía biển và nói “Cứu...cứu...cứu thương” rồi ngất đi. Đoán biết được sự việc, đồng chí Nghĩa tập hợp 2 tiểu đội du kích và hơn 50 dân công, đem theo bông băng, thuốc men, đường sữa, võng và cứ 4 người một đòn khiêng, vừa bắn vừa chạy về phía biển. Thấy lực lượng cứu viện đến các chú mừng không tả nổi. Du kích chạy lướt qua chỗ chiếc ghe vài trăm mét thì dừng lại bố trí đánh địch. Dân công tấp vào băng bó lại cho anh em bị thương, cho uống sữa, uống nước...Vì cả ngày nhịn đói, nhịn khát, số không bị thương cũng kiệt sức rồi.

 

Thấy lực lượng tiếp viện hùng hậu, bọn địch rút chạy. Không phân biệt thương binh hay chuyển thương, nhân dân đặt hết 11 người lên võng khiêng về. Đến nơi bà con mình nấu nước, lau rửa, cho các chú ăn uống, rồi chuẩn bị ghe để đưa về căn cứ. Trên đường đi phải bí mật qua đồn Mỹ Thanh. Tiếng khuấy nước bọn địch nghe động bắn xối xả nhưng bà con vẫn cố sức bơi qua.

 

Bây giờ khu Xẻo Me vắng vẻ ngày xưa đã trở thành một thị trấn dân cư đông đúc. Chỗ trận địa đã dựng lên một ngôi trường trung học phổ thông, trước trường là cụm tượng đài, trên đó ghi lại nguyên văn bài hát “chiến thắng Xẻo Me”. Nhưng điều chú muốn gởi gắm là ý nghĩa của câu chuyện này, một câu chuyện để lại trong chú 3 điều không quên được. Một là, nếu không có cờ Đảng, không có lòng tin mãnh liệt vào Đảng thì đơn vị chú không thể chuyển bại thành thắng. Hai là, nếu không có tình thương đồng đội, không có sự hy sinh quên mình của 11 đồng chí trinh sát thì các chú bị thương trên ghe đã không sống sót. Cả 11 người đã đem mạng mình đổi lấy mạng chú và những người bị thương. Ba là, nếu không có nhân dân tiếp sức thì du kích khó cứu được các chú, khó đưa được thương binh lọt qua mắt giặc về vùng căn cứ an toàn.

 

Chú Bảy đã kết thúc câu chuyện lâu rồi mà trong tôi như còn lởn vởn hình ảnh các chiến sĩ giải phóng băng mình qua cánh đồng đang sôi lên vì mưa đạn. Họ mang niềm tin mãnh liệt vào trận, vì trước họ là lá cờ Đảng đang bay phất phới. Người này ngã xuống, người kia xông lên nắm chắc cán cờ, để lá cờ luôn lướt tới. Lá cờ mang theo những trái tim rực lửa áp đảo quân thù. Những người chiến sĩ giải phóng, những người con của Mỹ Tho, của đồng bằng sông Cửu Long cao đẹp và oai dũng biết chừng nào.       

Ngọc Thủy
Số lần đọc: 2307
Ngày đăng: 10.01.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhạc sĩ TÔN THẤT LẬP Lãng mạn,hào hoa và dũng khí - Võ Quê
Mùa sau - Huỳnh Kim
Hành cung "TÂY CỐNG" - Dương Ðình Hùng
Chợ nhóm bên đường - Nguyễn Ngọc Tư
Ẩm thực phương Nam : Hãy làm một chuyến du lịch phương Nam - Trần Đổ Liêm
Đôi điều với nữ họa sĩ Mia - Dương Ðình Hùng
Ấn tượng từ một trại viết - Bùi Trần Lê Văn
Đến Trung Quốc nhìn lại mình - Dương Ðình Hùng
Canh bạc cạnh giòng sông. - Dương Ðình Hùng
Người nhà quê - Nguyễn Ngọc Tư