Thú thực, với tôi những đỉnh núi trập trùng xanh mướt huyền ảo trong màn sương bàng bạc hoặc bị nghiêng ngả, bồng bềnh trôi giữa biển mây nhấp nhô trắng muốt như bông bao giờ cũng hấp dẫn và quyến rũ hơn những bãi biển mênh mông cho dù có muôn ngàn con sóng đêm ngày xô bờ du dương như những bản hòa ca. Có lẽ vì sự “thiên vị” ấy mà mỗi khi thư nhàn hoặc trong các ngày nghỉ lễ tôi vẫn thường rủ bạn bè rong ruổi trên khắp những miền Tây Bắc hay Đông Bắc để được hòa mình và tận hưởng cái thoáng đãng, tinh khiết, bao la của núi ngàn hùng vỹ với những thanh âm trong trẻo tiếng suối reo thác đổ hay mặc sức mãn nhãn với phong cảnh tuyệt sắc của đất trời trên những cung đèo khi hoàng hôn buông xuống. Cứ như thế, trập trùng núi cao vực sâu và cả những bản làng thơ mộng bình yên bên các sườn núi, nhất là khi chiều buông trong khói lam chiều. Những hình ảnh thơ mộng ấy cứ ngấm dần vào trong tôi, kết thành mối tơ vương để rồi trở thành một miền thương nhớ mỗi khi lâu ngày không được quay trở lại.
Nhớ lại, thủa nhỏ, mỗi khi đông về, chúng tôi thường lấy ống bơ (vỏ hộp sữa Ông Thọ) đục lỗ, xỏ dây thép làm quai xách rồi cho quả phi lao khô vào đốt lên hay bện rơm thành bùi nhùi để đốt được lâu cho đỡ lạnh. Cũng có khi lúa vụ mùa vừa thu hoạch xong chúng tôi nhặt rơm, nhổ gốc rạ đốt trên đồng khi thì để chơi nghịch, khi thì nướng củ khoai tây, củ khoai lang đi mót được. Khi ấy khói bốc lên thành những vệt dài bay lên trời xanh, thi thoảng gió thổi quẩn khói bụi bốc lên tứ tung khiến nước mắt chảy ra cay xè nhưng hơi lửa và mùi thơm ngai ngái của rơm rạ lại làm cho ai nấy đều thấy phấn khích, thích thú và cũng đỡ lạnh. Nhưng đấy là khói đốt đồng. Không phải khói lam chiều. Khói lam chiều là làn khói màu xanh, xuất hiện vào buổi chiều tà. Đó chính là khói bếp ở làng quê vào lúc chiều buông khi mọi nhà nổi lửa thổi cơm tối. Ngày ấy cái đun chủ yếu là rơm rạ, lá khô, cành cây ... Do điều kiện thời ấy còn khó khăn, củi đắt nên gặt xong người ta phơi rơm cho khô và đem chất thành đống (cây rơm) để dùng làm chất đốt quanh năm. Cũng bởi dùng rơm hoặc lá khô (thời đó người ta cũng hay đi nhặt lá về phơi khô để đun) để thổi cơm mà mỗi khi chiều buông nhìn trên các mái rạ của các gian bếp khắp xóm cùng thôn nơi đâu cũng thấy khói quyện thành từng làn mỏng rồi lan tỏa ra khắp không gian. Trong lúc nhá nhem, tranh tối tranh sáng khói nhà này tưởng như nối khói nhà khác uốn lượn trên những ngọn cây, kết lại thành từng đám vấn vương trên cành cây, bờ tre … khiến cho cả làng quê trở lên nhạt nhòa, bảng lảng trong những sợi vấn vương màu biếc. Hình ảnh làn khói chiều như thế cứ lớn dần trong tôi và cả mọi người để rồi nó trở thành cái hồn quê trong ký ức của biết bao người, nhất là với những người phải tha hương.
Bây giờ ở quê tôi làng đang chuyển dần sang phố, nhà nọ sát nhà kia, mái bê tông kề bên mái tôn thay cho mái rạ; tường nhà sát tường nhà hoặc họa hoằn mới có bức tường gạch cao chất ngất để phòng gian thay cho những bờ rào cây duối, cúc tần, râm bụt, song mây …; những bụi chuối, khóm tre sau nhà cùng vườn cây ao cá thủa xưa nay chỉ còn trong giấc mơ và trở thành một thứ vô cùng xa xỉ. Những ngôi nhà như thế đương nhiên sẽ không còn những gian bếp với ba ông đầu rau nặn bằng đất hay chiếc kiềng ba chân làm bằng gang hoặc hàn bằng sắt. Thay vào đó không phải bếp điện thì cũng là bếp ga. Và như vậy, khói bếp dường như không còn. Làng tôi giờ đây thi thoảng cũng có những làn khói đặc quánh, ngùn ngụt bốc lên trời xanh với màu đen kìn kịt. Nhưng đó không phải là khói lam chiều bảng lảng, loang ra từ những mái bếp mà là khói đốt rác từ những bãi thu gom vệ sinh ở góc xóm hay bên làng. Khói ấy không còn thơm mùi rơm rạ mà phả ra những mùi khét nẹt, khó chịu của đồ nhựa, ni lông phế thải khiến cho không ít người ngang qua bật ho dữ dội. Khói ấy không phải là làn khói thơ mộng, gây thương để nhớ mà là làn khói phá hủy tầng ô zôn gây tác hại mạnh mẽ cho môi trường, đe dọa sự sinh tồn của tất cả muôn loài. Những cột khói đốt rác như thế khiến cho người ta sợ hãi, bỏ chạy chứ không dám đứng lại để bâng khuâng ngắm nhìn như những sợi khói nhè nhẹ, vấn vương trên mái bếp như thủa ngày xưa.
Chiều cuối năm, ngày ngắn đêm dài, mới đó nắng còn vàng ươm, loang loáng trên những ruộng ngô bên nhà xanh biếc thế mà thoáng chốc đã sầm sập ngả tối. Người dắt trâu đủng đỉnh đi về, bản nhỏ thăm thẳm một màu xanh của cây lá, núi đồi và cũng đang chuẩn bị chìm vào trong màn đêm với tiếng côn trùng râm ran bốn phía. Mê mải ngắm nhìn bản làng lúc chiều hôm, bất chợt nhìn thấy ngọn khói lam chiều, lòng lại chộn rộn bao nỗi niềm thương nhớ về một thủa xa xưa. Ký ức tuổi thơ với khói bếp lại hiện về. Giữa mênh mông núi đồi nơi thung sâu mà sao cứ ngỡ như được gặp quê mình thủa trước. Cái làn khói vấn vương, khe khẽ tỏa ra từ những nhà sàn, giữa những khoảng mênh mông xanh ngát trên đồi cao hay bên chân núi trập trùng bỗng làm cho khóe mắt không khỏi rưng rưng. Chợt như bóng bà ta, mẹ ta đâu đó bên những bếp rơm thủa nào đang đưa tay cời bếp, nâng rơm đỏ lửa, đang ủ rơm quanh nồi gạo cạn để âm ỉ giữ nhiệt cho hạt gạo chín đều. Cứ thế mà lòng lại nhớ cái mùi vị của nồi cơm bếp rơm sao mà ngon đến thế, lại thèm miếng cháy của chiếc nồi gang … Bất giác ta lại nhớ đến câu thơ của Hoàng Hữu như thể nói hộ cho lòng mình: “Bếp nhà ai cay cay mùi khói/ Ngọn lửa có điều chi như muốn nói”… Mê mải mắt nhìn ngọn khói chiều hôm mà sao lòng lại thấy lâng lâng với những nỗi thèm, nhớ đến da diết, khôn nguôi vậy?
Bâng khuâng ngọn khói lam chiều, lặng nhìn những nếp nhà lá cọ dãi dầu năm tháng ngả mầu thâm nâu, giữa một màu xanh bát ngát ta lại ước gì được trở lại tuổi thơ để quấn quý cùng rơm với rạ. Cứ như thế lòng người không khỏi rộn lên với bao nỗi niềm nôn nao khó tả và lại thèm sao được ngửi cái mùi thơm hăng hắc, nồng nồng của khói rơm khói rạ làm cho khóe mắt thấy cay cay. Trong thoáng chốc ấy ta bỗng khao khát được trở về bên mái bếp ngày xưa với lửa rơm bập bùng cùng tro bay với khói; để lại thấy ông về đánh đống rơm to cho bà, cho mẹ nổi lửa đêm ngày; để bữa cơm chiều chỉ rau cà, cơm độn mà râm ran không ngớt chuyện. Ta chẳng ước ao sơn hào hải vị nhưng làm sao khó thế. Trong dáng chiều buông, ta chỉ còn biết gửi lòng mình theo những làn khói biếc vấn vương và nhớ lại về những ngày xa ngái?
Vĩ Thượng, ngày 30 tháng 12 năm 2023