Niên hiệu: Cảnh Thống.
Vua Hiến Tông tên húy là Tranh là con trưởng của Thánh Tông, ở ngôi 7 năm, thọ 44 tuổi, lúc mất táng ở Dụ Lăng. Vua thiên tư anh minh thông tuệ, giữ vận nước thái bình, nhưng ở ngôi không lâu, thật đáng tiếc! Mẹ ngài là Trường Lạc hoàng thái hậu họ Nguyễn, tên húy là Hằng, người ở trang Gia Miêu Ngoại, huyện Tống Sơn, Thanh Hóa; là con gái thứ hai của Thái uý Trinh quốc công Nguyễn Đức Trung.
Vua sinh ra, dáng vẻ khôi ngô, mũi cao, thần thái trang nghiêm, tươi đẹp khác thường, Thánh Tông yêu quý lắm. Năm Quang Thuận thứ 3 [31/3-29/4/1462], tháng 3, sách lập làm Hoàng thái tử. Ngày 30 tháng giêng năm Hồng Đức thứ 28 [3/3/1497], Vua Thánh Tông băng, ngày mồng 6 tháng 2 [9/3/1497] nhà Vua lên ngôi, năm sau đổi sang niên hiệu Cảnh Thống.
Ngày mồng 8 tháng 2 [11/3/1497], xuống chiếu cấm tôi tớ các nhà quyền quí, ra chợ không được áp chế mua rẽ hoặc không trả tiền. Dân không được chê tiền cũ, hoặc xấu:
“Ngày mồng 8, cấm mua hiếp và kén tiền. Xuống chiếu rằng:
‘Các nữ sử ở phủ, cung nhân cung Thiên Hòa và nô tỳ ở các phủ thân vương, công chúa, các nhà đại thần có mua thứ gì của người dân nhà quê bán trong chợ, không được quen thói cũ, mượn tiếng công mưu lợi riêng, ức hiếp mua rẻ và lấy bừa không trả tiền. Từ [82a] nay, dân chúng mua bán hàng hóa gì và người kiểm thu các loại tiền nộp vào kho công, nếu đồng tiền ném xuống đất có tiếng kêu, còn xâu lạt được, tuy có sứt mẻ vành cạnh một chút, thì từ nay nhất loạt phải nhận dùng cả, không được quá kén hoặc không tiêu". Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 81b.
Năm này bị hạn hán, dân Nghệ An bị nạn đói, hạ chiếu phát thóc trong kho cho dân nghèo vay:
“Lúc ấy Nghệ An bị nạn kém đói, nhà vua ra sắc lệnh hai ty Thừa chính và Hiến sát phát thóc trong kho công cho dân nghèo vay, mỗi người được vay 100 thăng (1), đợi lúc lúa chín được mùa sẽ thu lại nộp trả vào kho công.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 24.
Tôn mẹ làm Hoàng thái hậu. Hậu người làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, là con gái thái úy Trinh Quốc công Nguyễn Đức Trung. Năm Quang Thuận thứ nhất (1460) được tuyển vào cung, phong là Sung nghi; tháng 8, năm Quang Thuận thứ 2 (4/9-3/10/1461) sinh nhà vua; năm Hồng Đức thứ nhất (1470) sách lập làm Quý phi. Đến nay tôn làm Hoàng thái hậu, ở cung Trường lạc; nên còn gọi là Trường Lạc Hoàng thái hậu.
Trên một năm trước sứ bộ Lê Tuấn Ngạn sang triều Minh, năm nay tới nơi, nhưng Minh Thực Lục chỉ ghi là Lê Tuấn. Sứ bộ được đãi yến, và ban y phục, lụa là. Nhưng sau đó Sứ thần Lê Tuấn mất tại quán Hội Đồng tại kinh đô Bắc Kinh, nhà Minh cho lập đàn tế, rồi chuyển linh cửu về nước:
“Ngày 16 tháng 3 năm Hoằng Trị thứ 10 [18/4/1497]. Quốc vương An Nam Lê Hạo sai bọn Bồi thần Lê Tuấn đến cống. Lúc trở về ban cho Vương các vật như gấm, đoạn. Ban cho bọn Tuấn yến tiệc, cùng các vật như y phục lụa thải, đoạn, có phân biệt.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 149.
“Ngày 6 tháng 5 năm Hoằng Trị thứ 10 [ 6/6/1497]. Bồi thần nước An Nam Lê Tuấn qua đời tại quán Hội Đồng. Cho lập đàn tế, đưa linh cữu theo dich trạm trở về nước.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 149.
Ngày mồng 3 tháng 5 [3/6/1497], cho xây lại Đãi Lậu viện tại bên ngoài cửa Đại Hưng, để các quan có thể tạm nghỉ trước giờ vào triều:
“Trước đây, Thái Tổ làm Đãi Lậu viện ở ngoài cửa Tây. Thái Tông, Nhân Tông đều nhân đó theo. Thánh Tông làm thêm hai dãy nhà ở ngoài cửa Đại Hưng. Đến đây, đặc cách ra lệnh cho Ngũ phủ sai phái kỳ quân xây dựng Đãi Lậu viện ở ngoài cửa Đại Hưng [85b] gồm 2 dãy, mỗi dãy 3 gian 2 chái.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 85a.
Tháng 11, triều đình cử 2 sứ bộ sang triều Minh, sứ bộ thứ nhất báo tang, sứ bộ thứ hai xin cầu phong. Tháng 11 năm sau đến kinh đô; được ban yến, vì trong nước đang có tang, nên Sứ thần xin miễn âm nhạc. Hai tháng sau, các Sứ thần được hộ tống trở về nước:
“Tháng 11 [24/11-23/12/1497], sai sứ sang nhà Minh. Hộ khoa đô cấp sự trung Phạm Hưng Văn và Hàn lâm viện hiệu lý Nguyễn Đức Thuận báo tang; Hàn lâm viện hiệu lý Phan Tông, Phạm Khắc Thận, Nguyễn Đình Tuấn cầu phong.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 86a.
“Ngày 16 tháng 11 năm Hoằng Trị thứ 11 [29/11/1498]. Quốc vương An Nam Lê Hạo qua đời, Thế tử Lê Huy [ vua Lê Hiến Tông] sai bọn Bồi thần Phan Tông đến triều đình cáo phó. Mệnh Hành nhân Từ Thuyên thuộc ty Hành nhân đến tế. Ban cho bọn Tông yến, cùng y phục lụa đoạn theo lệ. Khi Tông đến dự yến, xin miễn dùng âm nhạc. Chấp nhận.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 150.
“Ngày 25 tháng giêng năm Hoằng Trị thứ 12 [6/3/ 1499]. Sai quan hộ tống bọn Bồi thần Phan Tông về nước.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 150.
Ngày mồng 8 tháng 3 Cảnh Thống năm thứ 1 [30/3/1498], (Minh Hoằng Trị năm thứ 11); rước quan tài Vua Lê Thánh Tông an táng tại Lam Sơn, Thanh Hóa, cho soạn văn bia, và thả mấy trăm cung nữ:
“ Ngày Giáp Tuất, mồng 8, quan tài của Thánh Tông Thuần Hoàng Đế rước về đến Lam Kinh. Đến ngày Giáp Ngọ 28 [19/4/1498], an táng vào bên tả Vĩnh Lăng ở Lam Sơn, gọi là Chiêu Lăng. Trước đó, Lễ quan tâu xin dựng bia, khắc minh để tỏ rõ sự nghiệp của tiên đế cho đời sau. Vua khen lời tâu là phải, sai Đông các đại học sĩ kiêm Quốc tử giám tế tửu Thân Nhân Trung, Lễ bộ thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ Đàm Văn Lễ, Đông các đại học [3a] sĩ Lưu Hưng Hiếu soạn văn bia. Ngày hôm ấy, vua sai nữ quan và nữ sử 10 người đưa linh cữu vào an táng xong rồi ra. Thả vài trăm cung nữ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 14, trang 2b.
Vua sai sứ giả đi khắp bốn phương, chiếu cố những người nghèo túng, những người chịu thuế khoá và phục dịch công trình quá nặng thì giảm nhẹ cho. Tha những kẻ lầm lỡ, xét rõ người oan khuất, bổ dụng kẻ mất chức, khen thưởng người có công; tha nợ thuế, nới hình phạt, nêu gương người tiết nghĩa, giúp đỡ kẻ côi cút, người đói nghèo, cất nhắc người liêm khiết, tiến cử bậc hiền tài. Nhờ vậy trong triều và các phương ai cũng thoả lòng; chính sự bước đầu tốt đẹp, khả quan.
Trong hạt Nghệ An, Thuận Hoá, trộm cướp nổi lên, quân đánh dẹp không yên được. Ra sắc lệnh cho triệt bỏ toán lính đi bắt; dùng chính sách chiêu an phủ dụ, cho ra thú tội, trở lại với nghề nghiệp cũ.
Vua để ý đến việc nông tang; tự tay viết sắc lệnh sai các quan thừa hiến, phủ, huyện đi tuần hành khuyên bảo nhân dân đắp đê điều, đào ngòi lạch, khơi bờ ruộng, để phòng hạn, lụt. Lại sai các quan trong triều đi kiểm tra, xem xét những việc đó. Mỗi xã đặt một người xã trưởng hay thôn trưởng chuyên trông nom việc nông tang. Quan bên ngoài ai có việc về Kinh và sứ của triều đình từ ngoài trở về, vua đều cho gọi vào hỏi về mùa màng được hay mất, trăm họ sướng khổ ra sao. Còn lính thợ đến phiên thì cứ theo lệ, tháng 6, tháng 10 chia một nữa về làm ruộng.
Định thể lệ đánh thuế đất bãi tại ven sông; chia làm hai loại: đất trồng dâu, và đất trồng lạc, mỗi mẫu nộp thuế một quan hai tiền. Xã nào có trồng dâu, thì cho phép nộp một nữa bằng tơ sống: mỗi mẫu một cân tám lạng, mỗi cân giá tám tiền; xã nào không trồng dâu, thì nộp bằng tiền thay cho tơ sống.
Ngày 22 tháng 8 [7/9/1498], sắc lệnh xét xử ngục tụng gấp, cho được trôi chảy xong xuôi. Nếu có ai dám để chậm trễ quá kỳ hạn, thì đến cuối mỗi năm, quan phụ trách cùng Hình bộ, Đề hình giám sát ngự sử, phải kiểm tra tâu hặc lên, để trị tội theo pháp luật.
Lưu ý đặt thêm vệ quân ở Đô ty đạo Quảng Nam. Trước đây, Đô ty đạo Quảng Nam đặt vệ Thăng Hoa gồm 5 sở, đến nay đặt thêm sở Súng Nõ, lại đặt vệ Tư Nghĩa và Hoài Nhân mỗi vệ sáu sở.
Ngày mồng 8 tháng 11 [21/11/1498], sai các Sứ thần Nguyễn Quan Hiền, Phạm Thịnh, Lê Tuấn Mậu sang nhà Minh cống hàng năm.
Ngày mồng 10 tháng 12 [21/1/1499], có sắc chỉ quy định: Kể từ nay, trưởng quan các nha môn , khi khảo khoá các chức ở vệ, sở, phủ, huyện hạt mình phải xét tường tận thành tích đã trải qua. Người nào hết lòng chăm sóc quân dân, được quân dân yêu mến khâm phục, nộp thuế không thiếu hụt, thì mới được xét duyệt là xứng đáng với chức vụ và được thăng chức, ban thưởng. Nếu quấy nhiễu, hạch sách nhân dân, theo lợi riêng gây mối tệ, tuy chưa có chứng cớ cụ thể, nhưng mọi người đều biết cả, cùng trường hợp trong hạt có nhiều kẻ trốn đi, thì đều khảo vào loại không xứng chức.
Ngày 17 tháng 2 năm Cảnh Thống thứ 2 [28/3/1499], (Minh Hoằng Trị năm thứ 12); nhân các quan đại thần tâu xin lập Thái tử để nối dõi; ý Vua muốn lập Hoàng tử thứ 3 tên Thuần, bèn nêu lý do bỏ con trưởng lập thứ. Đến tháng chạp, sai các quan đại thần mang sách và ấn lập Hoàng tử Thuần làm Thái tử:
“Có sắc chỉ dụ bọn Thái bảo Sùng Khê hầu Lê Vĩnh, Đô kiểm điểm [9a] Cống Xuyên hầu Lê Năng Nhượng rằng: Mới rồi nhận được bản tâu của các khanh, lo kế lớn cho tông miếu xã tắc, khẩn thiết xin dựng lập hoàng trừ (2) , trẫm rất khen ngợi việc đó. Hoàng tử thứ nhất là Tuân (3) thì thích mặc áo đàn bà, bỏ thuốc độc cả mẹ; hoàng tử thứ hai là Tuấn thì còn bé, lại không có đức, sợ không kham nổi; hoàng tử thứ ba là Thuần rất ham thích Thi, Thư, dốc lòng hiếu kính, trẫm đích thân vỗ về dạy bảo, nay đã trưởng thành, Trẫm quyết đoán từ công tâm, cho giữ ngôi thái tử, thực không phải là bỏ con trưởng lập con thứ, mà là vì thiên hạ chọn người làm vua đó! Song điện chính Đông cung trẫm còn đang ở, nên làm cung mới bên cạnh điện, và làm sách phong thái tử, tuyên bố nghi lễ tiết văn, truyền cho Hữu ty chọn ngày cử hành việc đó.”
“Tháng 12, ngày Tân Mão mồng 6 [6/1/1500], vua sai Thái bảo Đường Khê bá Lê Vĩnh và Trung quân đô đốc phủ tả đô đốc, Điện tiền đô kiểm điểm ty đô kiểm điểm Dung Hồ bá Lê Lan mang kim sách và ấn báu lập hoàng tử Thuần làm hoàng thái tử.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 14, trang 8b.
Tháng 4 [10/5-8/6/1499], thi hội các Cử nhân trong nước. Bây giờ, có tới hơn 5000 người dự thi, lấy đỗ 55 người. Nhà vua hạ lệnh đặt rõ lại các qui định:
“ Trường thi chia làm 4 vi, mỗi vi đều đựng một cái chòi cao; đến ngày sĩ tử vào trường thi, thì mỗi chòi đều có một viên hiệu úy đứng ở trên chòi, để tiện trông xa kiểm soát. Đầu bài thi, do bầy tôi thân cận viết cho thật đúng, rồi đều chiếu theo thứ tự từng phòng của sĩ tử mà phân phát; viên quan tuần xước thì hàng ngày luân chuyển đi tuần, các quan chấm thi nếu viên nào có bà con thân thích dự thi, đều được hồi tị (4)” .Cương Mục, Chính Biên, quyển 24.
Ngày mồng 9 tháng 7 [15/8/1499], vào thi Đình; lấy 3 Tiến sĩ cập đệ, 24 Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, và 28 Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân; tổng cộng 55 người. Ngày 16 [22/8/1499], vua ngự điện Kính Thiên, quan Hồng lô truyền loa xướng danh, Lễ bộ đem bảng vàng treo ở ngoài cửa Đông Hoa. Tháng chạp, cho dựng bia đề tên các Tiến sĩ khóa này tại cửa nhà Thái học.
Tháng 6, Quốc vương Chiêm Thành Cổ Lai sai cháu đến nhà Minh triều cống; xin cho con là Sa Cố Bốc Lạc được nối ngôi và mong lấy lại được vùng cảng Tân Châu [Thị Nại, Bình Định]. Triều đình nhà Minh bàn bạc, xin gửi thư cho An Nam chớ tham đất đai sẽ gây nên họa hoạn; riêng việc cho con nối ngôi, thì cho chính thức lập làm Thế tử, khi cha mất sẽ phong chức:
“Ngày 21 tháng 6 năm Hoằng Trị thứ 12 [28/7/1499]. Quốc vương Chiêm Thành Cổ Lai tâu rằng :
“ Vùng cảng Tân Châu của bản quốc đã bị An Nam xâm đoạt từ lâu, chúng cướp giết nhân dân, mối lo chưa hết. Nay Thần già lão, khi chưa chết muốn cho con trưởng là Sa Cố Bốc Lạc được nối ngôi, mong ngày sau có thể giữ được đất tại cảng Tân Châu.”
Thiên tử mệnh bộ Lễ, bộ Binh họp lại để bàn bạc, rồi cả hai bộ đều trình lên rằng:
‘ An Nam gây hại tại Chiêm Thành không phải mới xẩy ra trong một ngày, triều đình thường nhân Chiêm Thành tố cáo bèn gửi tỷ thư chỉ dạy, lại sai Thủ thần lấy đại nghĩa trách vấn, giảng điều họa phúc; nhưng An Nam trước sau tâu lên đều xưng:
‘Đã tuân theo mệnh lệnh của triều đình, trả lại hết tất cả đất đai và nhân dân; ngoài 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đều do Thổ tù cát cứ, nước tôi hoàn toàn không can thiệp.’
Nhưng An Nam vừa mới đưa lời biện bạch thì Chiêm Thành lại tố cáo; khó biết được đâu là thật tình. Xin lệnh Thủ thần gữi văn thư nghiêm khắc dụ An Nam chớ tham nhân dân đất đai sẽ gây nên họa hoạn, nếu không tuân sẽ bàn định mang quân đi hỏi tội. Về việc con trưởng của Vương Chiêm Thành, thì khi cha còn sống không có lý được phong thế tập, hãy lập lên làm Thế tử để coi việc quốc sự; sau này như lệ định sẽ phong thế tập.”
Điều này được chấp thuận.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 151.
“Ngày 27 tháng 6 năm Hoằng Trị thứ 12 [ 3/8/1499]. Quốc vương Chiêm Thành Cổ Lai sai cháu bọn Sa Bất Đăng Cổ Lỗ dâng biểu cùng đến cống sản phẩm địa phương. Ban yến cùng các vật như lụa thải, đoạn, có phân biệt.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 152.
Ngày mồng 5 tháng 7 [11/8/1499], ra sắc dụ nhắc nhở các quan viên và dân chúng tuân theo 24 điều giáo huấn ban hành thời Hồng Đức, nội dung như sau:
Điều 1: Quy định trách nhiệm của cha mẹ dạy con cái.
Điều 2: Trách nhiệm của gia trưởng đối với gia đình.
Điều 3: Quan hệ vợ chồng phải có ân có nghĩa không được thay đổi.
Điều 4: Quan hệ anh em trong gia đình.
Điều 5: Quan hệ họ hàng làng xóm phải quan tâm thương xót lẫn nhau.
Điều 6: Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10 quy định đạo lý và bổn phận của người phụ nữ.
Điều 11: Nhiệm vụ của người điển lại [quan cấp thấp].
Điều 12: Bổn phận của người điển lại.
Điều 13: Bổn phận của quân, dân.
Điều 14: Trách nhiệm kẻ buôn bán.
Điều 15: Quy định việc cưới gả, tế tự.
Điều 16: Tục chèo hát, hội hè.
Điều 17: Quy định việc hàng quán, nhà cửa dọc đường cho ngủ trọ.
Điều 18: Răn cấm trai gái không được tắm cùng một bến.
Điều 19: Cử người có uy vọng giảng giải lời cáo dụ cho dân.
Điều 20: Quy định việc tố giác, trừng trị bọn hào cường xâm chiếm ruộng đất, ức hiếp nhân dân, xui nguyên giục bị.
Điều 21: Cấm các vương hầu và nhà đại thần cho nô tỳ đưa đồ đút lót, mua bán ức hiếp.
Điều 22: Khuyên các quan giữ chức trách chăn dân.
Điều 23: Khuyên xã trưởng, thôn trưởng, phường trưởng siêng năng dạy bảo dân. Điều
24: Khuyên dân Man Lạo kính giữ luân thường.” Theo Hồng Đức Thiên Nam Dư Hạ Tập.
Bấy giờ tại vùng đất cũ Chiêm Thành thuộc phủ Quảng Nam [Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay]; có tệ trạng mua bán người Chiêm làm nô tỳ hoặc làm vợ, nên triều đình có lệnh cấm:
“Tháng 8, ngày mồng 9 [13/9/1499], có chiếu rằng: Kể từ nay, trên từ thân vương, dưới đến dân chúng, đều không được lấy đàn bà con gái Chiêm Thành làm vợ, để cho phong tục được thuần hậu.”
“Tháng 11, ngày 16 [18/12/1499], có chiếu rằng: Từ nay trở đi, xứ Quảng Nam không được cướp bắt người Man và mua bán nô tỳ tư. Ai vi phạm thì cho phép Hữu ty hặc xét trị tội.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 14, trang 17a.
Sứ thần Chiêm Thành lại tiếp tục sang cống nhà Minh, được ban yến và tặng quà. Lúc trở về, thuyền hư vì gió bão, nên triều đình sai quan tại Lưỡng Quảng cho sửa chữa lại, và cấp gạo ăn đường:
“Ngày 6 tháng 8 năm Hoằng Trị thứ 12 [ 10/9/1499]. Quốc vương Chiêm Thành Cổ Lai sai cháu là Sa Bất Ðăng Cổ Lỗ cùng bọn Sứ thần Yển Thiện Noa Ba Ðịa đến cống. Ban yến cùng các vật như y phục lụa, đoạn, có sai biệt.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 153.
“Ngày 12 tháng 8 năm Hoằng Trị thứ 12 [ 16/9/1499]. Ban cho cháu Vương Chiêm Thành Sa Bất Đăng Cổ Lỗ cùng Chánh Phó sứ Yển Thiện Noa Ba Địa mũ và dây đai.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 153.
“Ngày 12 tháng 9 năm Hoằng Trị thứ 12 [ 16/10/1499]. Mệnh cấp cho Cống sứ Chiêm Thành gồm 60 người, mỗi người 9 đấu gạo ăn đường. Nguyên do thuyền cũ gặp gió bão bị tổn hại, sai Thủ thần Lưỡng Quảng cho sửa chữa lại. Mệnh ban theo lời xin.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 154.
Vào tháng 11 năm ngoái [21/11/1498], Sứ thần Nguyễn Quan Hiền, Phạm Thịnh, Lê Tuấn Mậu sang nhà Minh cống; tháng 11 năm nay đến nơi, được dự yến, ban cho y phục, cùng nhận quà tặng cho Vua. Vì mướn người phụ giúp quá qui định, nên viên quan hộ tống sứ bộ bị lỗi; lúc trở về lại cho Thông sự hộ tống đên biên giới:
“Ngày 3 tháng 11 năm Hoằng Trị thứ 12 [ 5/12/ 1499]. Thế tử An Nam Lê Huy sai Bồi thần Nguyễn Quan Hiền đến cống. Lúc trở về ban cho Huy các vật như gấm, lụa đoạn. Ban cho bọn Quan Hiền yến, cùng y phục lụa thải, đoạn, theo lệ.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 154.
“Ngày 26 tháng 11 năm Hoằng Trị thứ 12 [ 28/12/1499]. Phủ Nam Hùng, Quảng Đông sai sai quan Đại sứ bọn Thái Canh hộ tống Bồi thần An Nam Nguyễn Quan Hiền triều cống. Quan Hiền mướn 9 người dân Nam Hải phục dịch dọc đường từ phủ Nam Hùng đến Nghi Chân.; rồi tại đó mướn thêm vài người thợ may. Khi đến kinh đô, kiểm soát phát giác được việc làm trái qui định. Cho rằng bọn Canh biết nhưng không nói ra, hạ lệnh bắt để trị tội theo luật.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 154.
“Ngày 9 tháng 2 năm Hoằng Trị thứ 13 [ 8/3/1500]. Mệnh sai Thông sự hộ tống Bồi thần nước An Nam Nguyễn Quan Hiền trở về nước.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 155.
Vào tháng chạp năm trước [12/1/1499] nhà Minh cử các sứ bộ đến nước ta điếu tế Vua Lê Thánh Tông, và phong tước cho Vua Lê Hiến Tông. Đến ngày 15 tháng chạp năm nay [15/1/1500] sứ bộ đảm nhiệm điếu tế đến biên giới; 2 ngày sau [17/1/1500], sứ bộ đặc trách phong tước cũng tới nơi. Triều đình ta đón tiếp khá trọng thể, cử 4 phái đoàn đón tiếp tại 4 địa điểm, từ Lạng Sơn đến kinh đô. Phái đoàn Thượng thư bộ Binh Lê Năng Nhượng, chờ sẵn tại biên giới từ ngày 9 [9/1/1500] để đón tiếp; phái đoàn Phò mã đô úy Trần Khuê, đón tại trạm Thọ Xương; phái đoàn Hoa Lâm bá Trịnh Quý Thuật đón tại trạm Thị Cầu; tiếp đến phái đoàn phò mã đô uý Lâm Hoài bá Lê Đạt Chiêu đón tiếp tại trạm Lữ Khôi, Bắc Ninh. Ngày 23 [23/1/1500], khi bọn Lương Trừ tới trạm Thị Cầu; Vua sai bọn Đông các đại học sĩ Đàm Văn Lễ tới nơi bàn với bọn Lương Trừ nghi thức làm lễ. Ngày 24 [24/1/1500], bọn Lương Trừ đi từ Thị Cầu đến trạm Lữ Khôi, vua ngự thuyền đến trạm này, đón tiếp xã giao. Ngày 27 [25/1/1500], bọn Lương Trừ tới điện Kính Thiên làm lễ đọc chiếu thư. Theo Nghi chú của lễ cũ, không có mục dâng hương, mục nhảy múa tung hô; đến đây, bọn Lương Trừ đưa nghi chú mới có các mục ấy. Vua không theo, báo cho bọn Trừ tuân theo lệ cũ:
“Ngày 1 tháng 12 năm Hoằng trị thứ 11 [12/1/1499]. Mệnh Hàn lâm viện Thị giảng thuộc ty Kinh cục tẩy mã Lương Trừ sung Chánh sứ, Binh khoa Cấp sự trung Vương Chẩn sung Phó sứ đến An Nam phong cho Thế tử Lê Huy làm Quốc vương nước An Nam.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 150.
“Ngày Canh Tý 15 tháng chạp [15/1/1500], nhà Minh sai Hành nhân ty hành nhân Từ ngọc sang dụ tế Thánh Tông Hoàng Đế. Ngày Nhâm Dần 17 [17/1/1500], nhà Minh sai chánh sứ là ty Kinh cục tẩy mã kiêm Hàn lâm viện thị giảng Lương Trừ, phó sứ là Binh khoa đô cấp sự trung Vương Chẩn mang sách sang phong vua làm An Nam Quốc Vương.
Trước đó, vào ngày mồng 9 [9/1/1500] tháng ấy, vua sai Binh bộ thượng thư Cống xuyên bá Lê Năng Nhượng, Thiếu bảo Trịnh Công Đán, Hình bộ tả thị lang Nguyễn Khắc Cung, Cẩm y vệ [18b] đô chỉ huy thiêm sự tri Đình uý ty sứ Phạm Miễn Lân, Đông các hiệu thư Phạm Trí Khiêm, Đại lý thiếu khanh Lưu Túc, Thanh Hoa đạo giám sát ngự sử Vũ Đạt Đạo, thông sự Vũ Nhân Tu, Nguyễn Khâm và Phạm Cận lên địa đầu nước ta. Phò mã đô uý Trần Khuê, Hình bộ hữu thị lang Bùi Nguyên Đạo, Công bộ hữu thị lang Lê Nhạc, Hình khoa đô cấp sự trung Nguyễn Bảo Khuê đi đến trạm Thọ Xương (5). Bắc quân đề đốc phủ tả đô đốc Hoa Lâm bá Trịnh Quý Thuật, Công bộ hữu thị lang Nguyễn Giản, Lại khoa đô cấp sự trung Lê Trung, Hải Dương thừa tuyên tham nghị Nguyễn Hán Đình sang trạm Thị Cầu (6).Nam quân đô đốc phủ tả đô đốc phò mã đô uý Lâm Hoài bá Lê Đạt Chiêu, Hộ bộ hữu thị lang Trần Sùng Dĩnh, Ngự sử dài thiêm đô ngự sử Hoàng Hãng, Yên Bang [19a] đạo giám sát ngự sử Trịnh Quỳ sang trạm Lữ Khôi (7) để ứng tiếp bọn Lương Trừ, Từ Ngọc theo như lệ cũ.
Ngày 23 [23/1/1500], bọn Lương Trừ, Vương Chẩn, Từ Ngọc đều tới trạm Thị Cầu. Hôm ấy, vua sai bọn Đông các đại học sĩ Đàm Văn Lễ, học sĩ Nguyễn Nhân Thiếp, Bùi Nhân tới trạm Thị Cầu cùng với bọn Lương Trừ bàn việc làm lễ. Ngày 24 [24/1/1500], Từ Ngọc đi từ Thị Cầu đến trạm Lữ Khôi, vua ngự thuyền Tiểu Quang đến trạm đón tiếp. Khi vua trở về cung, Trừ ra ngoài cửa trạm đưa tiễn, bảo Bùi Nhân rằng:
‘Hôm nay được thấy quốc vương tuổi đã lớn, thực là tướng thánh nhân, thực là tướng trường thọ, quả là phúc lớn của sinh linh phương Nam. Sao mà học rộng và ứng tiếp mọi việc nhanh chóng, mẫn tiệp đến thế’
Cứ trầm trồ khen ngợi mãi không thôi.Ngày 25 [25/1/1500], Từ Ngọc đi từ trạm Lữ Khôi đến bến Thịnh Liệt (8) xuống thuyền. Vua đến [19b] điện Quyền Vân tiếp kiến. Vua về cung trước. Từ Ngọc tới điện Cần Chính làm lễ tế Thánh Tông Hoàng Đế. Lễ xong, vua cùng Từ Ngọc làm lễ tương kiến rồi sai các quan đưa ra Sứ quán. Ngày 27 [25/1/1500], bọn Lương Trừ tới điện Kính Thiên làm lễ mở đọc chiếu thư. Chiếu thư đại ý viết:
‘ Vâng trời mở vận, hoàng thượng truyền rằng: nhà Đại Minh ta làm vua muôn nước, thống trị khắp nơi, thanh giáo rộng ban, gần xa thấm khắp. Nước An Nam ngươi, ở về cõi Nam, làm phên giậu cho ta, xưa nay nổi tiếng là giữ lễ nghĩa, có phong tục văn minh. Có Quốc vương Hạo [Lê Thánh Tông] kính chăm lễ cống, giữ muôn dân, an xã tắc, được 40 năm, nay đã trọn đời; quốc thống phải có người nối. Thế tử Sanh [Lê Hiến Tông, còn có tên là Tranh] tài đức hơn hẳn mọi người, dân chúng thành tâm quy phục, dâng biểu xin phong, lời lẽ khẩn thiết. Vậy đặc ân sai bọn Lương Trừ đem phù tiết sang phong làm An Nam Quốc Vương. Ôi! [20a] Kính đức lớn, noi gương hiền của tiên vương, dẫu xa gần nghĩa không có khác; nối chí xưa, kế nghiệp cũ của người trước, hãy cùng nhau cung kính để đáp lại đức của trẫm vỗ yên người xa. Vậy nên ban xuống chiếu thư để mọi người đều biết".
Nghi chú của lễ cũ, không có mục dâng hương, mục nhảy múa tung hô. Đến đây, bọn Trừ, Chẩn đưa nghi chú sang có các mục ấy. Vua không theo, báo cho bọn Trừ tuân theo lệ cũ. Làm lễ xong, vua đến điện Cần Chính làm lễ tương kiến, rồi sai các quan đưa bọn Trừ ra Sứ quán. Ngày 29 [29/1/1500], Lương Trừ ốm, vua thân hành tới Sứ quán thăm hỏi, Trừ ra yết kiến. Hôm ấy, vua thiết yến bọn Trừ ở điện Cần Chính và, ban cho vàng bạc, tơ lụa theo thứ bậc khác nhau, bọn Trừ đều không nhận, cố từ chối xin về nước. Vua làm thơ đưa tiễn.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 14, trang 20a.
Chú thích:
1.Thăng: 1 thăng tương đương 30 bát.
2.Hoàng trừ: chỉ ngôi thái tử.
3.Tuân: Tức An Vương Tuân, con trưởng của Hiến Tông, là người thông minh học rộng, sức lực hơn người, nhưng tính ngang bướng, thích mặc áo phụ nữ, hồi nhỏ, vì không được như ý, đem thuốc độc đầu độc mẹ. Sau này, An Vương bỏ nết cũ, thờ mẹ rất hiếu, giữ mình kín đáo (Theo Đại Việt Thông Sử của Lê Quý Đôn)
4.Hồi tỵ: Người được cử chấm thi, nhưng có bà con dự thi nên xin miễn tham dự, để tránh tai tiếng.
5. Trạm Thọ Xương: sau là Phủ Lạng Thương, Bắc Giang.
6.Trạm Thị Cầu: sau là Đáp Cầu, thuộc huyện Tiên Sơn, Hà Bắc.
7.Trạm Lữ Khôi: tại huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội ngày nay.
8.Bến Thịnh Liệt: bến đò làng Sét, Thanh Trì, Hà Nội.