Tôi có thói quen là thường đọc bài thơ lấy làm tựa của một tuyển tập trước khi đọc những bài thơ còn lại , do vậy tôi đã đọc bài " Hồn Quê " trong tập thơ Hồn Quê làm khởi điểm . Nhưng đây cũng không là khởi điểm đầu tiên , mà là bài " Về Quê " , khi chưa biết tên , chưa biết mặt Nguyễn Tấn On , tôi đã đọc bài này trong cuộc thi thơ lục bát năm 1999-2000, lúc ấy tôi tham gia trong Ban giám khảo Chung Kết của tuyển tập Áo Trắng , tên tác giả vào vòng cuối đều bị xóa .
Tôi chú ý những câu ấn tượng như :
" Ta vế lượm tiếng à ơi
Hiên lòng gío thổi rối bời đống rơm "
...
" Lời ru cong vút mái đình
Hoa cau tiếng rụng rập rình vầng trăng "
Và tôi đã chấm giải nhất cho bài thơ .
Nguyễn Tấn On đã có vài tập thơ riêng , góp mặt chung trong nhiều tuyển tập khác , từ tập Thơ Tặng Người ( NXB Văn Nghệ TP HCM ) đến Hồn Quê ( NXB Hội Nhà Văn ) có một bước xa hơn : Cái tạng thơ trong Hồn Quê có vẻ như một mặt hồ tĩnh lặng , nhưng ngôn ngữ trong Hồn Quê lại bức phá tạo nên dòng thơ / dòng chảy biến dịch .
Từ :
" Xiêm y ai hỡi ...!? Ta ngơ ngẩn Kiều
( Đêm Cao Nguyên trong Thơ Tặng Người )
Đến :
" Cài khuy áo nguyệt tuổi vừa trâm "
( Sinh Nhật Trăng trong Hồn Quê )
Lấy áo làm chất liệu đại diện ta sẽ thấy từ khung phát thảo đơn giản đến hình ảnh có một khoản vượt suy nghiệm hơn . Áo người phụ nữ được nhìn bởi hai góc nhìn khác nhau , câu trước thì thân thể xiêm y rõ ràng chiêm bái ra ngay , câu sau áo người con gái cộng với trăng được dùng để đo thời gian tuổi dậy thì bằng sự kín đáo hình dung ẩn hiện , hay hơn , lung linh hơn. Ngoài sự thấy " áo nguyệt " còn co' sự nghe :
" Nghe mưa ray rức vò nhàu áo hoa "
( Áo Hoa )
Thi ca thì phải thế , phải đi tới thôi.
Mà đâu phải chỉ ung dung đi tới , mà vừa đi vừa va chạm :
" Chạm tay khe khẻ vào cây
Tháng năm mưa nắng
Đã trầy tên nhau "
( Mưa Hạ )
Tiếp tục vươn tới cánh đồng mênh mông , cảm nhận những chông chênh :
" Mạ non như sóng lật vành nón quê "
( Chiều Quê )
Lại còn băng qua sông nước , qua dòng chảy mê miết , đẹp quá :
" Qua đò rớt lúm đồng tiền "
( Chị )
Cũng có khi dừng lại nơi bờ hồ , chỗ dòng chảy tụ lại , suy nghĩ hiên hữu về sắc không :
" Mẻ đầu tiên cha vớt đám sương mù "
( Khúc Hát )
Nhưng không sao , dừng lại để vỗ cánh bay lên :
" Én về thả hạt gieo hương cho mùa "
( Tự Khúc Xuân )
Bức tranh trong " Hồn Quê " là sự di động quay về , quay về từ những tiếng gọi , có thể là tiếng kêu con dế bên sông , tiếng kêu chim gõ kiến , hay từ tiếng ve chính là hồi ức cho sự nhớ trường chứ không phải tiếng trống xưa :
" Tiếng chim gõ kiến đinh ninh người về "
( Tự Khúc Người Về )
" Nhớ trường về lại đổ thừa tiếng ve "
( Nhớ )
Xuyên suốt trong toàn tuyển tập là tiếng gọi từ tâm cảnh bên trong , hoài niệm không nguôi về nơi chốn mà mình đã bỏ ra đi . Từ cao nguyên lãng mạn gió lạnh , nơi Nguyễn Tấn On đang sinh sống :
" Gió ru nhè nhẹ chao lời cành nghiêng "
( Sinh Nhật Trăng )
Nhìn về dãy đất Duyên hải miền Trung gió dữ :
" Gió lật áo tơi cha kéo vó mùa giông "
( Sông Quê )
Hay :
" Áo tơi bật gãy , mấy đông "
( Về Quê )
Xem mục lục sẽ thấy khoảng một phần ba tựa bài thơ đều có từ " Quê " đi kèm ( chưa kể đến tên những địa danh cụ thể ). Thế mới biết tuy xa xứ nhưng tâm trạng nhớ quê luôn luôn nặng trĩu , quê nhà ở rất lâu trong hồn tác giả ( tôi lại bị ám hai câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng mất rồi : " Hỏi rằng người ở quê đâu ? Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà " )
Tôi tin rằng bước đi bằng cách quay về , tin rằng chính sự " ...Khóc hết tài hoa " ( Mưa Xanh ) sẽ đưa " cánh chim tha phương " Nguyễn Tấn On xuôi con đường thơ đến đỉnh cao Lang Bian hôm qua để tìm tòi ngôn ngữ giàu có hình ảnh , nhìn xuống vùng quê nghèo khó của mình .
Đang cầm trong tay tập Chuông Gió ( đây là tập thơ mới nhất của Nguyễn Tấn On do NXB Hội Nhà Văn phát hành trong quí IV -2005 ) nghe như một tiếng chuông khác , một tiếng chuông không phải phát ra từ kim loại , mà ba động khởi vang lên từ va chạm của vô ảnh .
Tin tưởng & hy vọng : Hãy để đôi chân cào cào thoải mái búng xa hơn là " Rủ nhau về chụp cào cào " Phải không nhà thơ ?
Thơ NGUYỄN TẤN ON trích :
VỀ QUÊ
Ta về tìm lại chút hương
Đã lâu ta ở phố phường rong rêu
Dòng sông soi một cánh diều
Khói đồng ai đốt cho chiều mù cay
Ta về không rượu mà say
Khoai lang lùi cháy hương bay ngát đồng
Áo tơi bẫt gãy, mấy đông
Treo lên vách đất để mông mênh trời
Ta về lượm tiếng à ơi
Hiên lòng gió thổi rối bời đống rơm
Ai về nhóm bếp nấu cơm
Cơm sôi , buồn chín , tàn rơm đỏ tình
Lời ru cong vút mái đình
Hoa cau tiếng rụng rập rình vầng trăng
CHUÔNG GIÓ
Ngày bỗng mới , ngoài sân bừng hoa nắng
Chim khách mừng , mắt lá hát lao xao
Lề cửa bao năm...giờ cất tiếng chào
Chuông gió reo , khua vang chùm tĩnh lặng