Trời cuối đông lạnh buốt, cây cối trơ trụi như những bộ xương khô. Năm nay thời tiết thất thường không sao lường được, chợt lạnh, chợt ấm, ngày nắng, ngày mưa… Thiên hạ bảo khí hậu biến đổi đúng là sự thật chứ không phải giả thuyết trên giấy tờ, nào chỉ có mỗi thành Ất Lăng, Seatle và các tiểu bang phía bắc như đang ở kỷ băng hà. Cali vốn ấm áp và khô ráo vậy mà giờ mưa gió sụt sùi cả tháng nay, khắp nơi khí hậu rất dị thường.
Hoàng Hoa trang đang ở vào giai đoạn xấu nhất trong năm, cây cối xương xẩu tiêu điều, tuy nhiên tinh mắt một chút thì thấy những dấu hiệu của mùa xuân. Trên cành đào chi chít những nụ, cái thì bé như hạt tiêu, cái thì to bằng hạt đậu, một vài nụ đã hé lộ lớp lụa hồng bên trong. Dưới mặt đất những chồi non xanh biếc nhú lên, những bụi mẫu đơn đã đâm chồi bụ bẫm khỏe mạnh, những cụm thủy tiên sớm khoe sắc vàng rực rỡ, lũ hoa bướm vốn thích lạnh nên màu sắc rất đẹp và mùi hương khá nồng, bọn cẩm tú cầu bắt đầu ra lá non. Nếu nhiệt độ giữ được như mấy ngày qua thì mùa xuân này sẽ được mùa hoa, chỉ e trời lại trở rét đậm thì tất cả sẽ hư hết.
Steven đang xem xét những chồi non lộc biếc vừa chớm trong vườn thì nghe giọng trong trẻo của con trẻ đi học về, tiếng Jessica thánh thót như pha lê:
- Daddy, thứ sáu tuần này nếu những con groundhog sẽ ra khỏi hang mà gặp trời mưa thì mùa xuân sẽ đến sớm, còn như nếu trời nắng thì xuân sẽ trễ đến sáu tuần nữa.
Con bé nói tiếng Anh vì tiếng Việt rất hạn chế không đủ để nói trôi chảy, dĩ nhiên là càng không thể đọc hay viết. Steven ôm con bé và hỏi lại:
- Sao con biết chuyện này?
- Ai cũng biết mà, daddy hổng biết sao?
- Daddy biết chứ, đây là kinh nghiệm truyền thống của người da đỏ – Indian.
- Không phải Indian, phải nói là native American, Indian đâu có ở bắc Mỹ daddy!
- Ừ, cái lỗi ngày xưa của ông Columbus, hồi ấy ổng khám phá ra châu Mỹ nhưng lầm tưởng là Ấn Độ nên gọi thổ dân ở đây là Indian, cái sai từ đó riết rồi thành quen. Bộ con hổng thấy nhiều cái sai nhưng quen rồi nên thành đúng, tỷ như banh cà na chơi bằng tay mà cứ kêu là football và còn nhiều thứ nữa lắm.
Jessica thích thú nói chuyện với dad như với bạn, con bé có năng khiếu vẽ, viết, ngày nào đi học về cũng vẽ và viết, những tập giấy chất đầy cả bàn, có lần con bé hỏi:
- Con muốn vào học trường nghệ thuật Savannah.
- Oh, tốt lắm đấy con nhưng trước hết hãy học thương mại, kinh tế trước rồi hãy học nghệ thuật sau. Mình phải có cái nền căn bản về kinh tế trước, nếu không thì cuộc sống sẽ rất khó khăn.
Con bé mê nghệ thuật và có năng khiếu, Bà Taylor, cô giáo của Jessica cũng từng bảo với Steven:
- Mày cho con mày vào trường chuyên của quận Clayton, nó có năng khiếu nghệ thuật, ở đấy có những giáo viên nghệ thuật chuyên nghiệp sẽ hướng dẫn con bé.
Steven cảm ơn bà Taylor, bản thân Steven cũng nhận thấy điều này nhưng đành chịu thôi, vào trường chuyên phải đóng tiền rất nặng, rồi chẳng có ai đưa đón đi về. Steven không thể nghỉ làm để ở nhà lo cho con. Ở xứ này mà không làm việc thì mọi việc sẽ dừng lại hết. Con mình học ở trường công thì có chính phủ lo mọi thứ, đây là một phúc lợi xã hội lớn của mọi công dân và thường trú nhân ở xứ này. Thực tình mà nói thì Steven không muốn cho con mình học ngành nghệ thuật nhất là việc đụng đến chuyện chữ nghĩa viết lách. Nếu sau này con bé trưởng thành mà cái nghiệp chữ vận vào thì đành chịu chứ không bao giờ hướng con gái mình vào con đường này. Steven cố lái con gái mình theo một hướng khác, không muốn nó đụng đến văn chương chữ nghĩa, không khuyến khích nó viết lách, chỉ chăm chăm khuyến khích nó theo trào lưu mới của xã hội hiện đại.
Viết lách không phải là cái nghề, nó là nghiệp. Những kẻ viết lách cứ như thể bị trời đày, chữ nghĩa ngày đêm cứ lởn vởn trong đầu. Viết lách chẳng được lợi lộc gì mà còn đem lại thị phi. Những kẻ viết lách là những kẻ ăn cơm nhà vác ngà voi, làm việc bao đồng. Viết lách cứ như là thủ dâm tự sướng một mình, dồng bọn rất kỵ nhau, nếu như hay hơn, giỏi hơn thì bị ghét còn như thấp hơn, dở hơn thì bị khi dễ coi thường. Những kẻ sàn sàn cá mè một lứa thì dối gạt nhau và tự dối bản thân bằng trò áo thụng vái nhau. Những kẻ viết lách vốn là những kẻ lạc loài, nếu ở vào thời đại xa xưa thì còn có thể cảm thông chứ ở vào thời đại công nghệ cao như hôm nay mà viết lách thì quả là lạc loài không sao tả xiết.
Những kẻ viết lách nói riêng, hoạt động nghệ thuật nói chung thường là những kẻ rất nhạy cảm, khổ nỗi ở đời mà nhạy cảm là tai họa. Ở đời phải chai sạn, trơ lì mới sống mạnh, sống khỏe được. Tuy nhiên bảo những kẻ viết lách đừng viết lách nữa cũng là điều không thể! Bản thân Steven cũng thế, nhận biết một cách rõ ràng: Viết là sống, khi viết mới thấy mình sống, hễ không viết thì cứ thấy mình thừa thãi như cái xác vô tri, cái xác sống di động. Tâm hồn của những kẻ viết lách cứ như dây đàn căng sẵn trên khung, chỉ cần khẽ chạm vào là cung bậc âm thanh ngân lên. Nghiệp chữ chẳng ai muốn, dù không muốn nhưng đã là nghiệp thì cứ tự nhiên vận vào. Những kẻ viết lách cứ như con tằm miệt mài năm tháng vắt ruột nhả tơ. Bọn viết lách vắt tâm ý để ra con chữ. Tằm sống đời tằm, tằm phải nhả tơ, tằm không nhả tơ thì đó không phải là tằm. Tằm không nhả tơ thì có khác gì những loài sâu bọ ngoài vườn.
**
Mùa xuân mới lại đến, hoa đào nở hồng cả sân trước vườn sau, không gian sáng bừng lên, ánh nắng vàng từ bầu trời xanh tỏa trên cánh đào hồng, trên thảm cỏ xanh rì. Mặt đất sắc màu rực rỡ, hương thơm ngan ngát của uất kim hương, pansy, thủy tiên, lily… và bao nhiêu thứ hoa khác mà steven không biết tên gọi là gì. Steven bận chăm sóc hoa lá ngoài vườn, trong nhà con bé Jessica với thằng bạn bé bạn trai của nó cứ rù rì rủ rỉ nói chuyện của tuổi teenage. Có lần Steven bắt gặp thằng bé ngồi chải và bới tóc cho con bé, một hình ảnh đẹp và dễ thương vô cùng, thằng bé tên Rocky, mặt mày sáng láng, đẹp trai, đặc biệt đôi mắt sáng tỏ ra rất thông minh. Hai đứa nói với Steven sẽ cùng học chung trường CSU sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học. Tuy biết tình yêu của con gái rất đẹp nhưng ở lứa tuổi teenage thì chẳng có gì chắc chắn, quả thật đúng như thế, trước khi tốt nghiệp ra trường thì thằng bé bỏ con Jessica để cặp một con bé khác. Con Jessica khóc lóc và thổ lộ với má nó:
- Thằng Rocky và con broken rồi.
Thấy con buồn, khổ nhưng cũng đành chịu chứ giúp gì được trong việc này ngoài những lời an ủi, khuyên nhủ và động viên theo lệ thường.
**
Năm ấy mùa xuân đến sớm, quả thật ngày đầu tiên những con Groundhog chui ra khỏi hang và trời đã mưa. Thà rằng mưa một ngày hôm ấy để đón mùa xuân sớm còn hơn ngày đó nắng để rồi phải chịu thêm sáu tuần mùa đông. Những con groundhog béo mũm mĩm, lông mướt rượt, chúng dễ thương quá chừng. Thảo nguyên mênh mông xanh biếc cỏ là nơi chúng ở, chúng đào hang dưới mặt đất, mùa đông chúng ẩn ở dưới suốt mấy tháng liền. Ngày đầu chúng trồi lên là ngày báo hiệu cho chúng ta biết là khi nào mùa xuân sang. Những con groundhog hiền lành dễ thương ấy lại là món mồi ngon cho bọn đại bàng, chim cắt, chó sói đồng cỏ, cáo, chồn…
Nỗi đau nào rồi cũng nguôi ngoai, con bé và thằng Rocky không còn là bồ nhưng vẫn là bạn, vẫn giao tiếp bình thường, vẫn đi chơi chung cả nhóm. Steven theo thói quen cũ của mình nên muốn con bé tránh xa thằng Rocky để không phải gợi lại vết thương lòng. Steven đã sai lầm, tuổi trẻ hải ngoại khác với tập quán người Giao Châu. Ở xứ này khi không yêu nữa thì vẫn là bạn bè, không như ở xứ mình, khi hết yêu thì cũng hết cả tình bạn luôn, thậm chí còn nuôi ghen tuông và cả hận dài lâu.
Mùa đông rét mướt ảm đạm rồi cũng qua đi, mùa xuân đẹp và rực rỡ sắc hương cũng không thể ngoại lệ. Hoàng Hoa trang mỗi khi vào mùa xuân mới thì hoa đào lại nở, lòng lại nhớ về hoa đào của Thôi Hộ ngày xưa. Cũng hoa đào ấy, cũng nghiệp chữ này, người xưa giờ ở đâu? Mai này ta về đâu? Trời đất thênh thang, lòng người mang mang, một cánh hoa đào rơi, muôn cánh hoa đào phơn phớt hồng trên thảm cỏ xanh, Hoàng Hoa trang như thể hóa ra địa đàng. Cảnh đẹp như mơ nhưng đời không như mơ, tuy nhiên mình vẫn mơ để cho đời đẹp với tháng ngày,
Ất Lăng thành ngày xuân cũ