Tấm màn nhung mở. Sân khấu trống. Chỉ có một cái giường. Giường bệnh. Trắng toát. Trên đó có một người. Tấm drap cũng trắng. Thoi thóp. Thở hắt ra.
Một người vào. Quắc thước. Hàm râu cạo. Vẫn còn một vệt đen xậm trên môi. Bước rắn dỏi. Oang oang:
- Chào anh?
- Ai đó?
- Tôi.
- Tôi là ai?
- Bạn anh.
- Bạn? Sao bây giờ mới tới?
- Trễ quá hả?
- Không trễ, nhưng không còn sớm. Nhưng anh là ai mới được?
- Bạn anh.
- Khổ quá. Biết. Bạn. Nhưng bạn nào chớ?
- Anh quá nhiều bạn phải không? À, tôi hiểu, anh hỏi bạn hạng nào chớ gì? Tôi đến, hai bàn tay trắng. Tùy anh coi là bạn nào cũng được. Nhưng anh hỏi làm gì. Vào lúc như thế này, khi bên anh không có một thằng bạn nào. Có tôi, không tốt sao?
- Tốt. Tốt lắm. Rất tốt nữa là đằng khác. Ba tháng rồi nằm bết trên giường. Mấy ngày đầu người ta nườm nượp tới. Bây giờ. Không có ai. Không có ai hết.
- Người ta chỉ đủ sức thăm anh một lần thôi. Anh hiểu không?
- Sao lại chỉ một lần. Nhiều lần không được sao?
- Không được. Có ai gan, dám đến thăm anh bằng hai bàn tay không như tôi không?
- Bàn tay không cũng được mà. Bây giờ bàn tay không cũng được.
- Nhưng không được. Là tôi nói họ. Một người như anh, đến mà không có cái gì trong tay làm sao dám đến. Phải một cái bọc thực to. Nếu không, phải có một cái bọc thực nhỏ. Bọc to và bọc nhỏ giá trị nhiều khi bằng nhau. Nhưng bọc nhỏ tốt hơn. Chỉ đến một lần. Không đến lần thứ hai. Nhiều bọc như thế, có thể có người phá sản. Cơ quan cũng chỉ cấp kinh phí ngoại lệ một lần. Mà họ thì không thể đến tay không. Bệnh như anh bây giờ, người ta đang chuẩn bị một thứ quà khác.
- Quà gì?
- Hoa.
- Hoa?
- Hoa kết thành từng vòng. Tròn. Ô van. Kết thành đài. ( Cười ).
- Không.
- Không cái gì mà không? Không thế nào được. Phải có hoa. Hoa càng nhiều càng tốt. Người như anh đáng kính trọng. Nên phải hoa cho nhiều.
- Còn anh. Anh đến tôi như thế nào?
- Vẫn chỉ hai tay trắng. Nhưng nhất định phải lạy anh ít nhất là ba lạy. Để tỏ lòng kính trọng.
Tiếng thở dài. Giống như tiếng âm u vọng từ đâu đó vọng về.
- Anh cho tôi nghỉ một chút được không?
- Rồi anh sẽ được nghỉ. Nghỉ hoài. Tôi đến nhờ anh một việc?
- Ôi trời ơi. Giờ này tôi còn giúp gì được anh nữa?
- Giúp được. Giúp được mà…
- Giúp gì đây?
- Trước hết, tôi hỏi anh một câu đã. Anh còn nhớ Lã Bất Vi không?
- Nhớ. Cái thằng cha có chủ trương: buôn vàng, buôn vải lời ức vạn. Còn buôn người lời không kể xiết chớ gì?
- Vậy là anh còn nhớ.
- Đông chu liệt quốc là sách gối đầu giường của tôi mà. Anh có biết, mỗi lần gặp chuyện rối rắm là tôi lại dở Đông chu liệt quốc ra coi. Cái anh Tầu hay thực.
- Thế hả. Hay há. Thế anh xếp anh là một nhân vật như thế nào trong Đông chu liệt quốc.
- Là một con tép.
Ông khách cười. Tiếng cười thoạt nghe sảng khoái. Nhưng có cái gì cứa vào lòng người.
- Tép. Tép. Mới là tép thôi mà đã… - ( cười thực lớn ) - Nếu mà là cá mập nữa thì không biết sẽ ra sao há.
- Nè, anh là ai mà ngạo mạn quá xá vậy chớ.
- Ngồi dậy…
- Ngồi làm sao được.
- Không ngồi được cũng phải ngồi. Ngồi mà nhìn vô cái mặt tôi nè, xem tôi là ai.
- Thôi mà. Đừng bắt tội tôi nữa mà.
- Thôi được rồi để tôi nhắc cho anh nghe xem tôi là ai nghe. Anh có nhớ con sông Vàm không hồi chiến tranh xưa không?
- Nhớ. Làm sao không nhớ con sông đó chớ. Con sông bốn mùa êm chảy. Bom đạn chiến tranh ác liệt mà dòng sông vẫn trong xanh.
- Có một cô gái xinh xắn ở bên sông.
- Làm gì có cô gái nào?
- Một cô gái mặt tròn trĩnh, hai mắt trong như mắt hoạ mi. Có nụ cười làm sáng cả mặt sông.
- Cha cha. Thơ mộng quá heng.
- Một ngày kia, cô bị tố cáo là chửa hoang.
- Tội nghiệp chưa?
- Còn người làm cho cô ta chửa hoang là tôi. Rồi sau đó sao, anh nhớ không? Cô ta không hề bị chửa. Những chuyến đi giao liên của cổ khiến cô không đúng được cái ngày dơ dáy của con gái. Chậm. Có một người theo dõi cả những ngày phơi vải lót của cổ. Và rồi rêu rao lên: cổ chửa hoang. Cái bầu không hề có kia khoác lên cổ tôi…
- Thì cũng tại anh. Ai biểu chiều nào anh cũng ngồi với cổ bên bờ sông Vàm. Không anh thì còn ai…
Lại tiếng cười.
- Thì ra anh giả đò. Anh nhận ra ngay khi tôi bước chân vào đây. Có phải không.
- Nhận ra. Đúng. Có nhận ra. Anh là thằng ăn cắp. Phải anh đó không?
- Rất đúng. Như trong kinh - ( thở dài ) - Chiến tranh kinh khủng thực. Bom đạn kinh khủng. Tửơng như không còn chỗ cho những tính toán riêng tư nữa. Vậy mà kinh khủng thay. Chỉ cần một kẽ hở thời gian thôi cũng đủ để người ta len lách. Tôi không nói anh đâu. Tôi nói tôi đó. An cắp. Nhục thực. Nhưng thấy kẻ khác ăn cắp còn nhục hơn. Giải phóng nhanh quá. Người ta tràn vào thành phố. Lệnh rất nghiêm. Không được đụng đến cái kim sợi chỉ của dân. Sao trong ba lô ông này thì có cái này, ông kia lại có cái kia. Anh có biết tôi thấy có ba lô còn có cả những chiếc nịt vú đàn bà nữa kìa. Nhục thực. Anh mệt rồi, đừng cãi tôi. Đương nhiên là tôi không nói tất cả. Cả triệu người tốt, chỉ có một người thôi không thể làm xấu cả một đoàn người. Tôi nói cái cá biệt thôi. Và tôi cũng trở thành cá biệt. An cắp của một kẻ ăn cắp. Nhưng tôi ngu, kẻ ăn cắp của dân không ai đụng đến. Còn ăn cắp của đồng đội thì ra toà. May mà tôi không phải ra toà. Vì hình như không ai muốn hỏi đến thứ tôi ăn cắp vì sao có…
- Thôi, thôi tôi xin anh. Đừng nhắc chuyện cũ nữa…
- Anh phải cho tôi nhắc chớ. Mà tôi chỉ có thể nhắc được với anh thôi. Tôi hỏi thiệt anh nghe. Tại sao cái chuyện cô gái chửa hoang mà không chửa anh kiểm điểm tôi dữ thế. Còn chuyện tôi ăn cắp rõ ràng mà anh lại dễ dàng cho qua như thế? Tại sao vậy?
- Tôi quên rồi…
- Quên. Trời đất, chuyện như thế mà anh quên được sao? Mà cũng phải, anh bây giờ có biết bao nhiêu chuyện lớn lao. Chuyện ngày ấy là chuyện vặt. Nhớ làm gì cho bận lòng phải không. Nhưng với tôi, không thể là chuyện vặt được. Chỉ cần hai chuyện như thế thôi, đời tôi coi như mạt. Còn anh sau hai chuyện ấy, đời anh lên như diều. Nói thế không đúng phải không. Đương nhiên là còn bao nhiêu thứ khác làm bàn đạp cho anh vươn lên, nhưng hai chuyện của tôi là bàn đạp đầu tiên. Phải không nào…Đó, không là một chút Lã Bất Vi trong ông sao?
- Không. Anh đừng nói nữa. Anh có biết anh đang thoá mạ con người không?
- Có bị thoá mạ cũng còn là con người. Có người mong được thoá mạ cũng không được nữa kìa. Anh bị ung thư phổi phải không? Anh còn đủ sức thoá mạ tôi không? Thử coi…Không được chớ gì…
Có tiếng hét:
- Dừng lại. Các ông đang diễn cái gì vậy, hả?
- Ê, bà là ai. Bà là ai mà nhảy lên sân khấu hả?
- Đạo diễn. Tôi là đạo diễn. Các anh diễn cái gì thế? Không có trong kịch bản. Chuyện gì đâu đâu và nhạt hoét. Anh. bệnh gì mà nói sang sảng thế. Anh phải rên hừ hừ kìa. Còn anh. Anh là một người sống tự do, anh chuyện như người có học ấy. Không được. Anh coi kịch bản nè. Một người phải rên hừ hừ, yếu đuối. Một người bước đi, bước lại bồn chồn… Thôi diễn lại. Diễn lại đi…
- Diễn lại hả. Bà cho miếng nhạc coi. Có tý nhạc diễn nó mới mùi.
- Làm gì có nhạc. Kịch bản không có nhạc. Chỉ có tiếng rên hừ hừ của người bệnh và tiếng nện gót giày cồm cộp. Í trời ơi. Sao lại giày. Kịch bản cũng tầm bậy. Người như ông làm gì có giày mà đi. Dép là tốt rồi. Lê dép xoèn xoẹt. Thế. Nào diễn lại. Rên hừ hừ đi. Lê dép xoen xoẹt đi.
- Từ đoạn nào?
- Đất đai. Chuyện xin đất. Bắt đầu từ chuyện xin đất… diễn…
Người trên chiếc giường trắng toát nằm xuống và rên hừ hừ. Người quắc thước bước đi bước lại.
- Có nghĩa là anh là bạn tôi.
- Bạn. Đương nhiên rồi. Một điếu thuốc chia đôi. Một chén cơm xẻ nửa. Chun cùng hầm. Ở cùng hố. Ba lô hai đứa hình như cũng nhẹ bằng nhau. Nhưng rồi hết chiến tranh. Bây giờ, anh thì vậy. Tôi thì vậy. Không công bằng. Không công bằng chút nào hết…
- Thế anh biểu thế nào là công bằng? Cả tôi cả anh cùng thành tướng cả thì công bằng hay sao? Nếu thế, Việt Nam này đi chợ cũng chỉ toàn là tướng. Tướng đàn ông, tướng đàn bà, tướng già, tướng trẻ…
- Bộ anh tưởng tôi ham làm tướng lắm hả. Không có đâu. Tôi nói chuyện khác kìa.
- Còn chuyện gì nữa?
- Tôi hỏi anh nghe. Ngày xưa khi rời căn cứ ra, anh có khác gì tôi không? Mỗi thằng một cái ba lô. Mỗi thằng một đôi dép râu. Thế mà sao bây giờ giữa tôi và anh có một khoảng cách xa đến như thế. Tôi biết, anh sắp biểu xã hội phân công. Thì xã hội phân công, tôi thất cơ tôi làm dân. Anh sang anh làm quan. Nhưng sao trời cho anh nhiều thứ thế. Còn tôi mỗi ngày mỗi mạt. Tôi hỏi anh nè, vì sao hồi đó, tôi chỉ xin anh có một miếng đất con con trong hốc bò tó của thị xã này, anh cũng không cho…
- Cho sao được. Cho anh thì sẽ phải cho bao nhiêu người khác nữa. Đất nhà nước mà đem cho manh mún như thế sao được?
- Vậy tập trung thì được phải không?
- Anh hỏi sao tôi không hiểu.
- Cho mỗi người một chút thì không được, nhưng cho một người cả chục mẫu, cả trăm mẫu thì được chớ gì? Đương nhiên đâu có phải ai các anh cũng cho.
- Anh nói cái chuyện gì đâu đâu. Anh không thấy tôi đang gần đất xa trời rồi sao. Lúc này tôi trả lời anh thì được cái gì chớ.
- Sao lại không được. Ít nhất thì cũng làm tôi thảnh thơi khỏi băn khoăn. Còn anh, anh lời hơn tôi nhiều. Anh sẽ không phải mang những chuyện trắng đen không rõ ràng xuống địa ngục.
- Cái gì không rõ ràng. Mà sao tôi lại phải xuống địa ngục?
- Anh còn phải hỏi tôi. Tôi kể cho anh nghe chuyện này. Một hôm tôi rảnh, ra ngồi quán cà phê. Có người hỏi tôi: " Ông có biết tỉnh mình có thêm một dãy phố mới không?" . Tôi hỏi: " Phố gì?". " Phố Trần Dư". Tôi ngạc nhiên. Trần Dư? Nghe quen quen. Trong lịch sử nước mình hình như có một ông tên Dư. Nhưng không phải. Đó là Trần Khánh Dư đời Trần. Không lẽ con cháu bây giờ hỗn, cắt bỏ tên lót của một vị tướng đáng kính trong lịch sử. Thấy tôi ngây thộn ra, người tiếp chuyện tôi cười ngất. Ong ta nói trong tiếng cười sằng sặc. " Chẳng có tên tướng, tên tá nào hết. Cha nội ngu không hiểu. Trần Dư, là " trừ dân" . Biết không? Dãy phố ấy không có một người dân nào ở được hết. Lúc mới xây dựng, người ta kêu, sẽ đấu thầu. Ai bỏ giá cao sẽ được mua. Trời đất ơi, ai mà vô đó đấu thầu được. Các vị không phải là dân đã xí phần hết rồi. Mỗi ông một căn nhà sang trọng. Thấp bảy, tám trăm triệu. Cao cả tỷ bạc. Nghe tiền, dân đã ngán rồi ai dám vô đó mà đấu thầu. Còn những người không phải là dân kia, không hiểu sao họ lắm tiền đến như thế.
- Nè, tôi không có căn nào ở đó nghe.
- Ai biểu anh có một căn trong đó? Nhưng người trên anh một chút, dưới anh một chút có không? Có, phải không? Tôi có sáng kiến rồi đó. Nay mai xây tường rào lại. Gọi đó là biệt khu lãnh đạo. Được chớ hả. Tôi biết anh ranh khôn lắm. Anh để một lớp người giành phần lấy trước. Tai tiếng họ chịu đã đi. Rồi đến anh. Một căn ở phố Trần Dư với anh đâu có khó khăn gì. Thiên hạ nói chán rồi, anh đến, cũng đã xong mọi lời ong tiếng ve. Đó không phải là cái chất Lã Bất Vi trong anh sao. Xem ra anh còn khôn hơn Lã Bất Vi kìa. Lã Bất Vi buôn người, chớ anh khỏi buôn luôn. Khỏi cần bỏ vốn luôn.
- Anh ác khẩu quá… Ác quá.
- Tôi học sách Tàu đó. Sách Tàu có kể chuyện ai đó chỉ mắng thôi mà giết chết tướng giặc không? Anh có nhớ không?
- Thế anh định mắng tôi cho tôi chết phải không?
- Đâu có. Tôi với anh đã từng là đồng đội. Tôi với anh cũng chưa bao giờ là kẻ thù mà. Tôi hỏi anh chuyện này nghe.
- Chuyện gì nữa đây?
- Không phải chuyện anh đâu. Tôi nghe nói, có một ông dưới quyền ông kìa. Mỗi lần ông ta ra Hà Nọi họp hành gì đó. Nhà nước đã đảm bảo cho chuyến đi của ổng cả chục triệu đồng. Nhưng trước khi đi. Ông ta nhấc máy điện thoại lên gọi đi vài ba cú. Nội dung chỉ có thế này thôi: " Ê, tớ sắp ra Hà Nội. Lần này thế nào cũng phải lo cho bên ngành các cậu cái công trình, cái dự án, cái…". Ông có biết sau đó thì sao không? Cái sở ấy, cái ban ngành ấy chạy vội sang gặp ông ta. Đương nhiên là phải nhờ cậy rồi. Mà bây giờ ai lại cậy nhờ suông. Phải không. Một cái phong bì. Mỗi cái phong bì tương đương với số tiền ngân sách chi cho ông đi công tác. Người ta biểu, mỗi năm ông đi công tác chừng mươi lần thôi. Mỗi lần năm cái phong bì thôi. Là bao nhiêu một năm? Mà ông ta giữ quyền sáu bảy năm trời như thế.
- Vừa phải thôi nghe ông. Không lẽ ông biểu người ta làm giàu nhờ đi họp sao?
- Đâu có giàu. Về hưu được vài tháng ông ta đã có một cơ sở sản xuất mà vốn đầu tư gần ba tỷ đồng. Ui da. Xem ra ông này tốt số. Ong bà, cha mẹ để của chìm của nổi quá trời. Chớ thử hỏi chỉ lương thôi làm sao có thể xây dựng được một cơ sở như thế? Hai triệu lương một tháng, là tính cho vót cần câu đó. Để có hai tỷ bạc vốn, phải làm việc một trăm năm, không ăn, không mặc…Nhất định là không phải như thế. Nhưng những gần ba tỷ đồng. Thì chắc là của hương hoả ông bà rồi. Mà cũng không phải. Tôi nhớ ông ta cũng như ông và tôi. Mới chớm lớn là vào rừng kháng chiến rồi. Một thứ nông dân rặt. Cha mẹ ông bà hồi đó mót từng hạt lúa, ém từng củ khoai cho mình đánh giặc, hỏi làm gì có của chìm, của nổi nhiều như thế. Ở đâu vậy ông.
- Làm sao tôi biết.
- Ông biết. Nhất định là ông biết.
- Tôi không biết thực mà.
- Ông nói dối. Một đời ông nói dối. Không lẽ chỉ còn ít phút sống ở dương gian này ông không thể nói thực một lần sao?
Lại có tiếng hét:
- Khoan. Dừng lại. Các anh đang làm cái gì vậy?
- Thì đang diễn…
- Ai biểu các anh diễn như vậy chớ. Hoàn toàn sai kịch bản. Trật lấc…Các anh nên nhớ, tôi là người chịu trách nhiệm về kịch bản này. Các anh định cướp cơm cướp gạo của tôi hay sao chớ. Không ai được phép làm sai kịch bản, ngoài tôi hiểu chưa.
- Thư a bà đạo diễn. Bà sai rồi. Kịch bản là khâu sáng tạo thứ nhất. Đạo diễn là khâu sáng tạo thứ hai. Thứ ba là chúng tôi. Những diễn viên. Bà không hiểu như thế sao?
- Trời đất ơi, tôi đang làm cái gì thế này? Tôi hỏi các anh, năm nay các anh bao nhiêu tuổi.
- Ba mươi. Cùng tuổi với đất nước thống nhất.
- Ba mươi tuổi. Ba mươi tuổi các anh có quyền gì mà mổ xẻ những chuyện ngoài tuổi tác của các anh. Các anh biết gì đến những chuyện một một thời hả…
- Bà lại sai nữa rồi. Tại sao chúng tôi lại không biết. Biết rất nhiều nữa là đằng khác. Mọi chuyện bày đặt ra trước mặt sao không biết chớ.
- Nhưng không được phép nói. Trước hết là trong kịch bản không nói. Thứ hai, không được đụng chạm.
- Ô hay. Kịch cơ mà. Ai có tích thì rục rịch. Chúng tôi là diễn viên, chúng tôi nói chuyện của đời sống. Mắc mớ gì đến ai.
- Nhưng không được. Các anh diễn như vậy, rồi khi kiểm duyệt, người ta sẽ cắt. Vở diễn sẽ bể. Mà vở diễn bể, các anh biết rồi đó. Tất cả chúng ta sẽ đói dài dài. Các anh có diễn hài được không? Các anh có hát nhạc trẻ được không. Không chớ gì. Những người làm chính kịch chúng ta vốn khó tìm khán gỉa các anh biết không.
Có tiếng cười sảng khoái của người nằm trên giường bệnh.
- Giống như quan liêm thì khó tìm đất dung thân có phải không? Đời hay thực. Nói dối nhiều người tin. Nói thực họ biểu chuyện trên cung trăng…
- Thôi, thôi, thôi xin mời các anh diễn tiếp đi cho. Nhưng tôi phải nói lại: tôi là đạo diễn. Các anh phải tuân thủ những yêu cầu của tôi. Rõ chưa? Nào diễn tiếp.
- Đoạn nào thưa bà?
- Đoạn anh bị cho thôi việc nghỉ hưu.
- Nhân vật trong kịch bị thôi việc nghỉ hưu, chớ không phải tôi. Bà không thấy lúc người ta làm phim ăn liền, làm kịch nhí nhố, tôi ngồi nhà chơi điện tử sao? Tôi chờ những vở như thế này lâu lắm rồi. Tôi mà bị nghỉ việc ai dám diễn cho bà …
Bà đạo diễn cười. Nụ cười không biết diễn tả rằng vui hay buồn. Nhưng thoáng một cái mím môi vẻ kiên quyết. Bà kêu lêni(
- Diễn.
Người bệnh nằm xuống.
Ông khách đến bên giường. Ngồi xuống, nói khẽ:
- Hôm nay, tôi cũng thú thực với anh một điều nghe: tôi là một thằng ăn cắp. Đúng thế. Còn nhỏ ăn cắp của hàng xóm, ăn cắp của ông già bà già. Lớn lên ăn cắp của đồng đội. Cái lý của thằng ăn cắp nó cũng nhiều như cái lý của người đi làm công tác ấy. Nhưng xét cho cùng, tôi có ăn cắp cũng chỉ ảnh hưởng đến một hai người thôi. Không như…
- Ong biều tôi là thằng ăn cắp sao?
- Không, không, ai dám. Ngu sao nói thế. Tôi tự thú với anh vậy, để anh yên lòng vì ngày trước anh đã loại tôi rất sớm ra khỏi cuộc chơi. Lại quên nữa. Loại tôi ra khỏi đội ngũ…
- Tại anh, chớ tại ai…
- Nhưng tôi hỏi anh, ở đời này ai không ăn cắp, anh nói nghe coi? An cắp tình, ăn cắp tiền, ăn cắp kiểu bây giờ. Bạc tỷ. Không chức không quyền không ăn cắp như thế được…
- Anh nói gì nghe kỳ vậy hả?
- Không phải sao. Anh tưởng tôi về rồi, tôi không biết gì sao. Tôi làm rẫy. Nhưng mỗi ngày tôi mỗi mua báo. Điều tôi khó chịu nhất là mỗi ngày trên mặt báo cũng có một chuyện. Ông này bị bắt, ông kia làm thất thoát vài chục tỷ đồng, có kẻ làm hại nhà nước, làm hại của dân mà còn lên giọng kêu oan…
- Trời ơi, chuyện ấy của thiên hạ, ông quan tâm làm gì chớ?
- Không quan tâm sao được. Tôi làm rẫy cũng phải đóng thuế cho nhà nước. Bàn dân thiên hạ, bán từ cái chổi, cái kim, còng lưng trên ruộng, mỏi mệt trên những cỗ máy, nhất nhất đều phải đóng góp cho nhà nước vậy mà sâu mọt cứ ăn chặn như thế, hỏi có giận không? Tôi biết, ngày các anh loại tôi ra khỏi đội ngũ là có cái lý của các anh. Nhưng cái tội của tôi ngày ấy có đáng phải như thế không? Mà xét ra tôi chẳng có tội gì cả. Chẳng qua chỉ vì cái tội biết quá nhiều thôi.
- Anh biết cái gì mà nhiều?
- Biết gì ư? Có nên nói ra đây không?
- Còn cái gì nữa mà không nói. Lúc này chỉ có tôi biết, ông biết, đất trời biết. Tôi sắp ra đi rồi. Ngậm miệng mà mang theo chuyện. Có gì mà không nói ra được…
- Vậy hả. Tôi nói nghen. Nhưng anh nhớ không được nói ra đó. Kể cả với Diêm Vương.
- Rồi tôi hứa.
- Ngày đó anh lấy đâu ra một bản kiến nghị nhiều chữ ký đến thế?
- Kiến nghị nào?
- Anh lại quên rồi. Sao anh hay quên đến như thế? Bản kiến nghị cho tôi nghỉ hưu sớm ấy. Nhớ ra chưa?
- Thì anh em trong cơ quan người ta thấy sao làm vậy.
- Thấy sao?
- Thấy cái gì anh cũng nhúng vào, cái gì anh cũng chê bai, phê phán. Chê bai, phê phán ai cũng được. Đằng này anh phê phán ngay vào cái chỗ không nên đụng đến.
- Trong đó có anh phải không?
- Tôi thì là cái gì trong đó. Mà thôi. Tôi cũng chẳng có gì phải dấu anh nữa. Tôi hỏi anh, anh chỉ là một cán bộ bình thường như bao cán bộ khác, sao anh bày đặt bàn đến chuyện tổ chức làm gì? Người ta sắp đặt ai ở đâu, ai làm gì, người ta cân nhắc kỹ rồi. Mắc gì đến anh chớ?
- Cảm ơn anh đã thực thà với tôi. Nhưng ngay cả bây giờ, nếu được nói tôi vẫn cứ phải nói. Anh có công nhận trên bất cứ bàn cờ nào cũng phải có những con tốt không? Không có con tốt làm sao nên bàn cờ. Không có con tốt lấy gì mà thí cờ. Nhưng có bao giờ con tốt có thể bay cái vèo để nhập cung không? Thế mà bàn tay các anh đẩy tốt nhập cung ào ào. Cung nào cũng nhập. Từ xã lên tỉnh. Chuyện câu trước câu sau là người ta biết ngay con ông nào, cháu ông nào… Nói thiệt tôi nghỉ là may đó. Khi còn làm việc tôi ngán nhất xuống cơ sở. Nói không dám nói. Nói thì sợ đụng con ông, cháu bà. Hớ hênh một cái là xong. Tôi kể ông nghe chuyện này. Có một anh nhà báo về cơ sở. Làm việc xong lãnh đạo huyện mời anh ta ra quán nhậu. Cùng nhậu có một ông cán bộ dưới quyền của ông đó. Cái anh nhà báo này bạo miệng. Chuyện đang vui, anh ta nói như phán: " Tỉnh này hết người hay sao mà để lão làm cải lương làm giám đốc Văn hoá." Anh cán bộ huyện đá hoài vào chân anh nhà báo. Anh nhà báo tưởng được khuyến khích nói tiếp: " Mà cải lương đâu có phải lão viết. Người ta viết cho lão ký tên. Thâm chí bây giờ, chương trình của đoàn cải lương, diễn vở nào cũng phải có tên của ổng trong kịch bản thì vở mới được diễn. Chuyện mới đây nè. Một anh soạn giả muốn vở mình diễn, bèn thêm tên ổng vào. Lúc lấy nhuận bút, ông đến cưa trước một nửa. Một nửa còn lại ổng viết một lá thư biểu anh soạn giả chính chi mấy trăm ngàn để nhậu. Đúng là tác giả.". Thấy đá chân anh nhà báo hoài không được ông cán bộ huyện phải ghé tai anh nhà bào: " Nín. Ổng là em ruột ông ngồi kia kìa." Nhưng chuyện đã rồi. Ông có biết sau đó thì sao không. Anh nhà báo không được vào dự một hội nghị quan trọng, mà ở đó anh ta phải viết một bài quan trọng. Lý do: tóc dài, không nghiêm túc.
- Có chuyện ấy sao?
- Đấy là chuyện của người ta. Còn chuyện của tôi nè. Ngày các anh quyết định chuyển tôi xuống huyện C., tôi đã mang máng nghi rồi. Khi không các anh lại đưa tôi xuống một huyện thơm tho như thế hay sao. Ngay ngày đầu tiên, tôi đã biết mình sa vào một cái vòng khẩn cô nhi rồi. Có nghĩa là sao hả. Nghĩa là: tôi có mọi thứ, kể cả uy quyền. Nhưng có một cái tôi không có và không thể nào có. Đó là vây cánh. Ai gặp tôi cũng khúm núm. Gọi một tiếng dạ rân. Biểu một tiếng cũng dạ rân. Nhưng dạ thực ngon, nhưng chẳng ai làm những việc tôi nói. Ông có biết tình hình ra sao không. Cả huyện không nhúc nhích được việc gì ngoài việc hội họp rất nhiều. Tôi không sinh ra ở huyện ấy. Tôi không trưởng thành ở huyện ấy. Tôi không là người của huyện ấy đào tạo. Tôi là người ngoài. Anh nghĩ tôi là người ngớ ngẩn sao mà không nhận ra chuyện đó. Tôi phản ứng trong lãnh đạo huyện. Tôi phản ứng lên các anh. Tôi chỉ cho các anh thấy những chuyện rắc rối trong tổ chức. Thế nên các anh mới gợi ý cho tôi nghỉ hưu sớm. Nhưng để hợp lý hơn, các anh cho mọi người làm một bản kiến nghị. Cho có dân chủ, phải không anh. Ngày ấy tôi biết tôi hết thời rồi, nên tôi chẳng phản ứng gì cả. Ờ thì nghỉ. Bây giờ nghĩ lại mới thấy mình ngu dại. Không về, liệu các anh có đuổi tôi được không? Còn làm cán bộ nói đôi ba tiếng có khi còn có người nghe. Còn bây giờ làm dân, nói ai nghe, nói ai tin đây?
- Nhưng tại sao anh không làm việc khác, mà lại chọn việc làm rẫy. Anh làm chúng tôi…
- Mắc cỡ phải không nào? Cùng cống hiến như các anh, bây giờ các anh thì thế, còn tôi chỉ là anh nông dân cầy trên rẫy chớ gì. Sao ngày ấy các anh không cấp cho tôi mảnh đất tôi cất cái nhà tôi ở…
- Thế bây giờ anh có đất chưa?
- Có rồi.
- Ở đâu?
- Cũng nhờ các anh đó. Cám ơn. Tôi ráng mua lại của mấy ông được các anh cấp đất theo dạng trồng rừng. Các ổng làm không hết, tôi năn nỉ mua lại. Tôi còn một miếng nữa cũng phải mua .
- Ở đâu?
- Ngoài Cực lạc ấy. Ngang một mét. Dài hai mét và sâu từ tám tấc đến một mét…
- Anh nói cái gì thế?
- Tôi phải mua trước đó. Không ngu dại gì nữa đâu. Sống nhăn ra đó xin cấp đất còn không được, chết rồi làm sao xin.
Lại có tiếng hét:
- Thôi, dừng lại. Sân khấu có phải là nơi các ông đấu khẩu không? Chuyện như các ông nói chỉ là cá biệt. Xã hội này mà như thế thì còn gì là xã hội nữa chớ.
- Thưa bà đạo diễn kính mến. Chúng tôi muốn tiêu diệt những chuyện cá biệt bà biết chớ?
- Diệt bao giờ cho hết hả các ông. Mầm cỏ dại lúc nào mà không có. Mà mầm cỏ dại lúc nào cũng mạnh hơn cây trồng…
- Thì bằm nó ra. Nhổ gốc nó đi.
- Nhưng đó không phải là nhiệm vụ của sân khấu?
- Thế sân khấu làm cái gì?
- Diễn theo kịch bản. Tất cả những gì không có trong kịch bản thì không được diễn.
- Có nghĩa là chỉ diễn những gì vuông vuông, tròn tròn. Méo mó một chút thì phải bóp lại cho vuông tròn phải không.
- Thôi, thôi, thôi, không cãi với các ông nữa. Lã Bất Vi không buôn chuyện như các ông đâu. Màn.
Tiếng bà đạo diễn lanh lảnh. Hai nhân vật trên sân khấu biến mất. Màn không hạ. Mà thêm một tấm màn nhung nữa lại mở ra. Bà đạo diễn ngơ ngác:
- Ô hay, sao lại mở màn nữa. Tôi lẫn mất rồi. Phải kêu là hạ màn mới đúng chớ. Sao lại màn. Màn nữa mở ra rồi. Nhà viết kịch ơi, dẹp kịch bản này của ông đi. Ông viết ngay kịch bản khác. Lẹ lên. Đời lại diễn nữa rồi kìa.
Tháng 9-2004