Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.114
123.141.556
 
18 bài thơ – Một Hội An chất ngất
Đặng Ngọc Như

 

Tôi cầm trên tay tập Tiếng chim xanh biếc, chẳng nhớ nổi tập thơ thứ bao nhiêu của anh, để rồi lại cùng anh đi lại vùng thơ quen thuộc, duyên hải, Tây nguyên Trung Trung bộ, lần ra Bắc bộ với những địa danh, thắng cảnh quen thuộc với người Việt Nam.

                                                               NTTT

Có thể thấy ý chính của nhận định trên lặp lại trong nhiều bài viết của nhiều người. Đúng là thế. Nhưng tôi vẫn băn khoăn.

Mỗi tác giả văn học đã nổi trội, hoặc tương đối nổi trội đều có được khuôn gương tinh thần làm nên phong cách – tư tưởng. Thơ Nguyễn Nho Khiêm không phải cá biệt.

Tôi luôn chịu ơn những câu nói của người đi trước “Văn hóa là cái còn lại”, “Văn hóa là phóng chiếu tâm lý ra ngoài. Tâm lý là phóng chiếu văn hóa vào trong”. Và không chút ngẫu nhiên, hay nói rõ hơn, lắm khi cái ngẫu nhiên và tất yếu đã gặp nhau. Cuộc tương ngộ ngoạn mục diễn ra nơi Tiếng chim xanh biếc. Nhưng rõ nét nhất, cô đọng nhất là trong 18 bài thơ Đêm Hội An. Tiếng lòng – Tiếng thơ Nguyễn Nho Khiêm bùng lên từ chỗ va chạm vết đứt gãy địa – văn hóa Quảng Nam – Hội An – Thanh Chiêm, trục chính là Hội An – Thanh Chiêm. Sự va chạm diễn ra trong quãng thời gian – không gian cực ngắn (đêm – ngày), cực hẹp (Hội An - hẹp). Nhưng khoảnh khắc, hẹp mà vô cùng.

Nhà thơ Lý Đợi đã giúp tôi tư liệu về địa chỉ văn hóa của trục Hội An – Thanh Chiêm khiến tôi càng củng cố niềm tin.

Tôi mạnh dạn nói: Không ở đâu cốt cách thơ Nguyễn Nho Khiêm xét về phong thái, ngôn ngữ, thể loại, thi ảnh, thi tứ cô đặc lại như ở Đêm Hội An.

18 tựa bài, 24 trang in, 198 dòng (có dòng chỉ 1 từ), trung bình mỗi trang in hơn kém 8 dòng. Trong đó bài 4 câu (8 bài), 8 câu (2). Bài cực ngắn như tứ tuyệt là phổ biến. Bài 20 câu, 28, 30 chỉ mỗi loại 1 bài.

Tại sao tác giả làm thế? Độ nén đến cực tiểu về dung lượng phải chăng nhằm tạo cái “ý tại ngôn ngoại”?

Trong khi đó, những gì của một Hội An – Văn Hóa lại không hề bị bỏ sót. Về món ăn được nói đến 8 lần: chè bắp, chè đậu, cao lầu, bánh chưng, bắp luộc. Say: nói đến 9 lần. Về kiến trúc Chùa Cầu, Chùa Phước Kiến nói đến 6 lần. Về Thiên nhiên: sương (5 lần), rêu (9 lần), mưa (19 lần), màu sắc (18 lần).

Nhưng đặc biệt nhất là Phố & Con đường được nói nhiều nhất (42 lần), và đường là đường xa, đường xưa, phố là phố tình, phố thêu, phố kiêu sa, phố phiêu diêu…

Cái tôi trữ tình trong thơ cũng đổi ngôi vô cùng biến hóa (32 lần) từ người, ai, đến tôi, ta,

rồi anh, em trực tiếp.

Số liệu thông kê trên liệu có làm người cảm thụ phân vân? Thơ tự sự trữ tình mà nhiều chi tiết hiện thực đến như vậy liệu có làm nghẹt thở?

Hoàn toàn không. Người xưa nói chỉ cần đưa đũa gắp một món đủ biết bữa ăn ngon. Ngược lại, đọc chậm, đọc kỹ mới thấy cái phong thái, phong vận người thơ. Còn đó ở mỗi dòng thơ, bài thơ là những khoảng trắng, khoảng trống, khoảng lặng. Các chi tiết chỉ là chuyện. Người thơ chép lại cái khác

Nghe người kể chuyện bể dâu

Tôi ngồi chép lại một câu thơ tình

Trăm năm trước và trăm năm sau nữa

Anh vẫn ngồi mơ dọc phố sông này

hãy để mình em

ngồi lại với sông Hoài

Góc phố này bờ sông kia anh biết

Thủy triều vang như rượu ngấm mơ dài…

Mà chiều nay nắng thơm gió ngọt

Dòng sông Hoài cứ cù rủ thương yêu

Tại mái tóc cơn mưa vô hình nhan sắc

Nên bây giờ mỗi bước mỗi liêu xiêu

Hình như được về với Hội An là được về với người cũ, cố nhân, với ký ức không phai cho nên có trạng thái người xưa – nay đồng hiện trong cõi thơ, khiến nhà thơ lúc nào, cảm quan nào cũng phân thân bởi cái vị ngoại vị và thật bất ngờ người thơ – nhà thơ đã một lần hóa thân làm người cũ vì lỡ chìm vào miền nhớ.

Đó là lúc Con đường Hội An thành con đường ký ức, ly chè bắp ngọt thấu tuổi xưa. Anh đội mũ, mang giày làm công tử vì điều quan trọng nhất là đây:

Anh biết em chờ anh phía sau ngách cửa

Phố phiêu diêu tà áo hoàng hoa.

Rõ là thanh lịch mà sang trọng.

Nhà thơ đã sống thơ một khi thực sự sống tâm tình người Phố Hội - Văn Hóa. Phong thái nhà thơ gặp đúng người thơ.

*

Trở lại với thể loại. Nguyễn Nho Khiêm viết một lúc 11 bài lục bát trong 18 bài Đêm Hội An. Một tỷ lệ áp đảo. Thể thơ dân tộc được ưu ái.

Thơ lục bát từ Nguyễn Du, sang Huy Cận, Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư đã đi bước dài sáng tạo nối tiếp, khó vượt qua cho những người đi sau. Thơ lục bát Nguyễn Nho Khiêm vẫn có bước phát triển.

Nguyễn Nho Khiêm viết thơ cũng như nói chuyện với người: dễ gần dễ cảm. Nhưng thơ phải hay: từ ý, tứ, hình ảnh và đặc biệt ngôn ngữ!

Dễ thấy trong thơ Nguyễn Nho Khiêm là cách dùng từ. Không phải vấn đề nhãn tự trong thơ cổ.

Ta thấy hàng loạt từ có được nét nghĩa lâm thời, phong vị mới nhờ “độ chạm” của cách ghép từ. Đô chạm các từ tố cũ - mới tạo nên trường nghĩa chưa tùng có. Bờ sương mai, nắng mai sau, sóng ngói mái nhà, lặng lẽ hương, thấm nhớ, thanh tân em, thương ngóng nhớ, võng sóng, nắng thơm, gió ngọt an hội, an yên, miền trắng thương, không gian nắng, thời gian mưa, mùa sóng chau, vùng chưa lối về, hơi thở mùa thu, thời gian phố…

Cho nên đọc thơ tình của Nguyễn Nho Khiêm ta thấy không hề lặp lại người khác.

Trở về với tư liệu:

“Tại tỉnh Quảng Nam, tộc Nguyễn Nho ở làng La Qua (Vĩnh Điện, Điện Bàn), trong một chi phái cùng đầu ông có đến 9 người làm thơ, kể cũng là chuyện lạ. Người nhỏ tuổi nhất sinh năm 1976, thuộc thế hệ cháu, là Nguyễn Nho ...

Chi phái đẻ ra 9 nhà thơ trong thế kỷ 20 này cùng một đầu ông – nghĩa là bà con chú bác ruột thịt, ăn chạp mả cùng một nhà thờ tộc. Nguyễn Nho Đinh Duy, Nguyễn Nho Khiêm, Nguyễn Nho Thùy Dương… hiện là những cây bút đang góp sức vào văn đàn đương đại của Việt Nam.

"Nhìn theo lẽ thường tình, làng La Qua là đất trù phú, giàu có, với truyền thống học hành, văn chương chữ nghĩa, nên sinh ra tại đây thì dễ theo đường chữ nghĩa, văn chương

“La Qua nhiều khả năng là tên Chăm, ký âm Hán Việt

Nó đi theo các làng xung quanh như Đồng Hạnh, Cẩm Đồng, Hạnh Ba, Câu Nhí, Uất Luỹ, Khúc Luỹ, Chiêm Đông…

Nơi đây trước thế kỷ 17 đã toàn cầu hoá

Chăm, Hoa, Ấn, Việt, Âu châu… sống chung

Mả vôi, mả Hời, mả Chà Và, mả huynh, mả Tây… còn lác đác là ví dụ”

(Lý Đợi, báo vanvn)

Thế thì cũng đừng trách cô gái Quảng xưa khi xuống Phố bị choáng:

Cầm cân xuống Phố mua vàng,

Gặp anh giữa đàng 7 lượng còn 3

Chỉ cần tìm trong 18 bài / 97 bài của tập Tiếng chim xanh biếc một Đêm Hội An huyền hoặc để thấy lại con người Hội An thuở nào: thung thăng, đủng đỉnh, kinh lịch. Con người với tâm tầm biểu tượng cho cả một vùng văn hóa hun đúc nên: An yên, an hội thuở nào, thuở thanh bình 300 năm cũ.

Người thơ của chúng ta một lần thử vào vai công tử thanh lịch thăm phố? Chẳng cần phải thế đâu. Hội An thấm đẫm, đậm đà khó quên tận từng mỗi dòng thơ!

 

 

 

Đặng Ngọc Như
Số lần đọc: 432
Ngày đăng: 29.01.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
108. Vua Lê Hiến Tông và Lê Túc Tông. 2 - Hồ Bạch Thảo
107. Vua Lê Hiến Tông. (1497-1504) - Hồ Bạch Thảo
106. Vua Lê Thánh Tông. 12 - Hồ Bạch Thảo
Lan man chuyện trên facebook từ “Khúc Thụy Du” đến “Giấc Thụy Du” - La Thụy
Ông đồ Nghệ Nguyễn Thế Quang - Nguyễn Anh Tuấn
Đừng khinh thường tiếng Việt - Vương Trung Hiếu
Quán Văn, số 100 - Trương Văn Dân
105. Vua Lê Thánh Tông. 11 - Hồ Bạch Thảo
Văn truyện của Phạm Ngọc Dũ – cảm xúc chân thành và đầy tính nhân văn - Hoàng Thị Bích Hà
Phiếm luận về bài bình thơ “ Tuệ sĩ” của Bùi Giáng - La Thụy