1
Sân chùa Vĩnh Nghiêm tràn ngập khói hương, người đông như kiến cỏ. Người giàu và người nghèo, ngưòi sang và người hèn, người đi cúng chùa và người dạo chơi. Tất cả những người rất khác nhau ấy đều có một điểm giống nhau : ai cũng muốn mua ít nhất là một cặp chim sắc ô, chim sẻ, chim sâu để phóng sinh, cầu phước, cầu may chơi; thả một chú chim nho nhỏ tội nghiệp, biết đâu đó là con gái của vua Thủy Tề cải dạng, thế nào cũng được tiền chuộc là một viên kim cương hoặc một viên ngọc ước…
Tôi thuộc loại người già hưu trí vô công rỗi nghề đi chùa chẳng để cầu cạnh bất cứ điều gì ngoài cầu… cái thư giãn. Nhờ vô tư và kiên trì, hết ngày rằm này sang ngày rằm khác, kéo dài cả mấy năm mà quen được nhiều người, biết được nhiều chuyện, tuy không chắc là chính xác trăm phần trăm, nhưng tôi tin là thú vị, nên muốn kể chuyện góp vui cùng bạn đọc. Câu chuyện mà tôi kể là kết quả của óc quan sát kết hợp với trí tưởng tượng, cho nên không thể là mẩu chuyện người tốt việc tốt thật một trăm phầm trăm để dành cho khen thưởng, cũng không phải là tấm gương cho mọi người học tập; đây chỉ là câu chuyện mà tôi kể là vì không thể không kể mà thôi…Đó là chuyện về một người tàn tật, người thích nhái giọng Tây gọi là người xicàque, tên do tôi đặt là Trai, nếu có sự kiện tụng về quyền sử dụng nhà ở hoặc đất ở thì đó là sự trùng tên ngẫu nhiên ngoài ý muốn tác giả.. Tôi nói để phòng xa vậy thôi chớ anh chàng Trai mà tôi sắp kể ra đây hoàn toàn không có sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất chủ yếu, anh đang là vô sản, tứ cố vô thân, hiểu theo nghĩa xưa; lại nữa, anh chàng hiền khô, chí thú làm ăn, tuy sống trên kinh nuớc đen kề bên xã hội thượng lưu đầy cám dỗ nhưng -điều này thì tôi biết chắc- anh chàng, cho tới ngày hôm nay, là hoàn toàn vô nhiễm.
Trai có một chân bị teo, lặc lìa lặc lọi, nhưng lại giỏi nghề bẫy chim và bán chim nổi tiếng ở các chùa. Trời cho anh chàng một chân còn lại tuy có teo chút ít nhưng lại hết sức linh động được cộng với đôi tay khoẻ khoắn, và vững chãi khéo léo tuyệt vời. Trông cử chỉ thành thạo của Trai, chúng ta có thể đoán mà không sợ nhầm rằng, chàng là dân bẫy chim, bán chim nhà nghề có thâm niên. Da đen sạm vì nắng gió, chiếc nón sờn bạc màu, bộ quần áo gin cũ kỹ và đôi giày há mồm, bẹt gót chứng minh phần nào điều vừa nói.
Gia tài ngó thấy được của Trai là chiếc xe rất lạ, chắn chắn là phải do anh tự chế tạo, bỡi nó không giống bất cứ chiếc xe nào cùng chức năng có mặt trên thị trường thế giới. Chiếc xe vừa lăn lại vừa có thể quay tay được kia vừa là đôi chân, vừa là đôi cánh của anh trong việc làm ăn kiếm sống. Nếu ai để ý sẽ thấy Trai thường xuất hiện rất sớm trên chiếc xe quay từ trong con hẽm ngoằn ngoèo ẩm thấp và có mùi hôi khó chịu từ phía bờ kinh đen Nhiêu Lộc. Khi ra đến gần đường Nguyễn Văn Trỗi, con hẽm cao dần lên hàng thước tây, chiếc xe quay trở thành xe lăn. Hai cánh tay khỏe mạnh của Trai lăn cật lực, hai bánh xe nhỏ xíu lên dốc, vượt qua hết thảy đất đá, ổ gà, ổ voi chướng ngại. Trên xe là ba chiếc lồng kẽm đầy ắp chim sâu, chim sẻ, chim sắt líu ríu, hấp dẫn những người thích phóng sinh chim.
Hôm đó là rằm tháng bảy, người đi chùa cúng cô hồn đông nghẹt. Những người đang sống tạm trên cõi trần này, ai cũng nể trọng kẻ khuất mặt, nhất là những hồn ma vất vưởng, đói khát, lạnh lẽo nơi xó chợ đầu đường. Họ muốn bố thí, chia sẻ, thậm chí lo lót để những vị thần linh, những cô hồn, cầu mong họ đừng quậy phá cuộc sống ngắn ngủi của người trần gian.
Tuy mới hai mươi tuổi đầu nhưng Trai rành tâm lý thiếu tự tin của những người sính phóng sinh này lắm. Người nào thiếu đức tin vào củ khoai thì thích tin vào thần linh và thay vì làm việc, họ thích cầu cạnh những sức mạnh siêu nhiên. Những người đó mua chim không biết tiếc tiền. Nhưng còn cặp trai gái này thì thuộc loại nào? Đó là cặp tình nhân trẻ trung đang tiến đến những chiếc lồng chim đầy hấp dẫn của Trai. Họ đẹp đôi hết biết, trìu mến nhìn những con chim ríu rít trong lồng của Trai. Anh quan sát xác định và bắt đầu thả chim mồi của mình ra.
-Anh chị mua cả lồng đi, hai chục con chim sắc ô, chim này em nuôi khôn lanh lắm. Nó bay cao, bay xa, và nếu anh chị muốn, nó còn biết trở lại … chúc anh chị hạnh phúc nữa.
Hai người đang yêu nhau nhìn nụ cười hồn nhiên của Trai bằng ánh mắt cảm tình. Hoá ra đậy là những người vô tư, trọng nghĩa khinh tài, Trai tin chắc chắn như vậy. Chiếc lồng chim được bán cái vèo.
Trai thích bán chim cho những người đang yêu, họ rộng rãi, không bao giờ mặc cả trả giá lâu lắc như những bà nạ dòng. Họ cũng không đặt cược nhiều trong canh bạc phóng sinh; thậm chí đôi khi họ thả chim vì thấy nó bị nhốt, thương quá.
Trai đã làm nghề bẫy chim và bán chim phóng sinh này từ hồi chú mười tuổi, nay đã ngót muời năm rồi. Hồi đó, trong một đêm mưa gió hãi hùng, chú bé sốt bại liệt mất cha, người cha gầy gò, rách rưới, già nua, kéo lê đứa con trai bảy tuổi liệt một chân trên tấm ván có gắn bánh xe gỗ. Một tổ chức từ thiện đem chú về nuôi trong trung tâm phục hồi chức năng dành cho trẻ mồ côi. Nơi đây, chú bé dần dần cứng cáp nhờ cái nạn và những thanh kẹp chân bị liệt. Chú bé bẫm sinh nhiều nam tính bắt đầu lấy sự nghịch ngợm làm nguồn vui. Chú rũ các bạn mạnh tay khỏe chân bò lên sân thượng trong giờ trưa bẫy chim sẻ bằng mồi cơm nguội, lấy cắp từ bữa ăn trưa. Bẫy chim là những chiếc hộp đơn sơ, vậy mà cũng lừa được những chú chim sẻ háo ăn, non dạ. Những chú sẻ đáng thương ấy bị vặt lông và thui bằng những chiếc lá sakê khô, rụng kín mặt sân sau của trung tâm phục hồi chức năng trẻ bại liệt. Mùi thịt chim chín thơm lừng, nức mũi. Mấy chú nhỏ còn đang tính kế đột kích vào nhà ăn lấy cắp muối bọt để mở tiệc ket giao. Nhưng, chưa kịp thưởng thức thành quả tuyệt chiêu của mình thì các chú bé tội nghiệp bị xơ Nga phát hiện, thế là kế hoạch bi gãy, tiếc ơi là tiếc.
Từ đó, trong trại phục hồi chức năng, Trai chỉ nuôi một mộng ước duy nhất, được sổ lồng và được bẫy chim sẻ nướng ăn cho sướng miệng. Đêm nọ, nhân lúc các xơ tíu tít bận lo lễ giáng sinh, bé Trai và chúng bạn lên sân thượng bắt được môt bầy chim hàng chục con đang ngủ trong mái ngói nhà bên. Cả bọn gom góp lá sa kê, lá bàng, nổi lửa nướng chim để đầy một tấm lá chuối tươi. Lần này, do chuẩn bị kế hoạch chu đáo, cả bọn chấm muối nhai rao ráo ngon lành từng con chim vàng rượm. Chao ôi, ngon như bữa réveillon đêm giáng sinh mà chúng thấy trong phim đèn chiếu. Trai và chúng bạn đang ngấu nghiến ăn cho đã thèm thì giật mình thức dậy, mới biết mọi chuyện vừa xảy ra trong cơn mơ (!). Chao ơi, thật tội nghiệp !
Thế là Trai vì thèm thịt chim sẻ mà trốn khỏi trung tâm. May mắn thay, khi lang thang dọc bờ kinh nước đen thui, chú bé ngó thấy một ông lão râu tóc bạc phơ giống như một ông tiên mắc đọa đang thổi cơm chiều trên cái mũi ghe bầu đã mục nát, nằm ụ. Ông lão cho chú ăn cơm và dạy chú bé nghề bẫy chim mà ông gọi là chim hàng hoá, nghĩa là bẫy để bán chớ không phải để ăn kiểu tự cung tự cấp. Ông Bảy cứ gieo vào đầu óc Trai những từ ngữ lạ thường mà không cần hỏi lại coi Trai hiểu được chưa, như các bảo mẫu ở trung tâm phục hồi chức năng.
Theo lời chỉ dạy của ông Bảy, chú bé xin mớ cạc tông cũ và một mớ cây vụn cắm dùi, xây túp lều của mình trên bờ kinh còn một khoảng trống nhỏ bằng cái nia. Trai thực hiện ngay kế hoạch do ông Bảy vạch ra, bán lồng chim đầu tiên, góp nhóp tiền dành dụm, làm những lồng chim chắc chắn hơn để có thể bẫy tất cả các loài chim sẻ, chim sắt, chim sâu, dồng dộc, áo dà. Từ đó, cuộc đời chú bé Trai lật sang trang mới, chú bé sống rất siêng năng, tằn tiện không hút sách, chơi bời,không chửi thề, ăn cắp vặt nên được bà con lối xóm nễ trọng và thương mến. Tiếng lành đồn xa, một hôm từ phía xóm nhà sàn ven kinh xuất hiện cô con gái con nhà ai không biết chống xuồng đi hái rau muống. Cô gái kinh nước đen mà nước da rất sáng gọi Trai:
- Anh gì ơi, có bẫy chim thì xuống dề rau muống này nè, nhiều chim lắm.
Cô gái từ trên trời rơi xuống nói rất trúng trái tim đen của anh chàng xicàque; ngoài ra, như có nhân duyên gì khi Trai nhận thấy ánh mắt cô liếc về mình, trao cho mình nụ cười với hàm răng trắng đều trân như hạt bắp. Trái tim trong ngực Trai nhảy lung tung. Giây lát sau, định thần lại, Trai mới đáp liều :
- Tui không có xuồng, cô cho tui mượn xuồng được hôn?
Cô gái chống chiếc xuồng nhôm lướt về phía Trai. Tay cô khỏe khoắn, mắt cô long lanh, má cô hồng hồng, Trai nhìn cô không chớp mắt nhưng cô gái không thẹn, chỉ cười. Cô buộc xuồng bước lên hỏi tỉnh bơ:
- Anh tên gì ?
- Tên Trai, Trai đáp.
- Còn tui tên là Gái.
Trai lắc đầu không tin . Nhưng cô gái nói quả quyết:
- Tui không giỡn đâu nha, tên cha me đặt sao để vậy, không có sửa. Chưa cần. Khi nào đi bán bia ôm như con Lèo thì sửa tên lại là Mộng Ngọc cũng còn kịp.
Trời đất, Trai nghĩ, mình đang làm quen với ai đây, điềm lành hay dữ vậy ? Gái ái ngại nhìn cái chân teo của Trai lắc đầu:
- Cho mượn xuồng thì dễ, nhưng chân cẳng anh vậy, làm sao lên xuống được.
Trai chẳng nói chẳng rằng bước xuống xuồng theo cách của anh, êm ru…. Trai đứng trên một chân teo, chống xuồng ra xa tận dề rau muống. Cánh tay khỏe mạnh như Tarzan của anh nói lên tất cả. Bầy chim sắc ô từ trong cái thảm xanh ngắt ấy giật mình bay lên…
Thế là từ nay, trên kinh nước đen, người ta thấy có đôi bạn sớm chiều gắn bó nhau như hình với bóng, ríu ra ríu rít như hai chú chim sâu. Hai chiếc xuồng nhôm lúc nào cũng cặp kè nhau, lúc nào cũng líu ríu tiếng chim vui nhộn. Sáng bơi xuồng ra bãi rau đặt bẫy, chiều đưa bẫy chimvề để sáng hôm sau đem đi chùa. Rau muống cũng ngày hai chuyến đi về. Dòng kinh ngày càng đen, ngày càng hôi, con người ngày càng quen mùi, không ai quan tâm tới môi trường vì họ cần phải sống. Kẻ lặn ngụp bắt trùn chỉ bán cho những người nuôi cá cảnh, người vớt rác, vớt bọc ny lông giống như những chiến sĩ vệ sinh không tự giác. Dĩ nhiên không thể tính công bảo vệ môi trường cho họ được vì họ thích kinh đen ngày càng có nhiều rác và trùn chỉ hơn. Những người trồng rau muống thì bao giờ cũng thích bãi rau của mình phát triển để tăng thu nhập, trong khi những người bảo vệ môi trường thì lo ngại cho dòng chảy ngày càng khó khơi thông. Chỉ có những người làm nghề bẫy chim thì yên tâm là họ không làm hại môi trường. Thế là mỗi ngày có hàng vạn chim sập bẫy được đem bán phóng sinh hoặc vào các quán nhậu. Chim sập bẫy muời phần hết bảy còn ba, hết hai còn một … và chỉ cần còn lại một cặp trống mái nó sẽ sinh ra muời. Con người nhờ vào cái vòng luẩn quẩn đó của chim chóc mà kiếm ăn qua ngày. Trai và Gái cũng vậy, rau muống tạo ra mội trường xanh cho chim chóc hội về và sập bẫy. Chúng được đem ra chùa bán cho những người phóng sinh. Thoát khỏi lồng chim phóng sinh, chim chóc nào còn khỏe mạnh thì lại bay về tìm thức ăn ở các bẫy quen thuộc. Cứ như thế, cái vòng lẩn quẩn luân hồi mười phần hết bảy còn ba, hết hai còn một… cứ diễn ra bất tận.
2
Trong vài giờ đầu buổi sáng, tất cả các lồng chim của Trai đã được bán sạch. Anh sửa soạn ra về thì Gái tất tả đạp xe tới, trên tay ôm chiếc lồng chim nhỏ đông đặc các thứ chim lít chít đang cắn mổ nhau, kêu la tíu tít. Ngày rằm, ngày vía nào cũng vậy, Gái đem chim ra vào giấc này, khi công việc bỏ mối rau ở các chợ xong, cô về nhà thay cái áo sạch, đạp xe ra phụ bán chim với Trai. Gái hay lam hay làm kiếm tiền phụ với má. Cực nhọc nhưng yêu đời, tối về đi coi ti vi ké ở đầu hẽm, khoái nhất là biểu diễn thời trang, các cô gái đẹp như tiên, ẹo qua ẹo lại trong tiếng nhạc. Có lần, Gái bắt chước biểu diễn thời trang cho Trai coi trên chiếc xuồng nhôm, xuồng bị lật, chàng và nàng rơi xuống kênh nước đen ướt như chuột lột, bầy chim sắt hoảng hốt bay vút lên. Ngày đó thất thu nhưng Gái không chừa cái tật phù phiếm. Mấy hôm nay Gái đòi nằng nặc rằm này Trai và Gái phải phóng sinh một lồng chim để cầu hôn, sau đó phải đi chơi công viên Đầm Sen rồi tối lại đi hát karaokê. Cô nghe người ta nói phóng sinh hên lắm, như phép thần, muốn gì cũng được. Trai cũng mê lắm, nhưng vì đang phải thắt lưng buộc bụng để thực hiện chiến lược có tầm vĩ mô - nói theo đài phát thanh, Trai nghe được nhờ chiếc ra dio nhỏ xíu cũ của Trung Quốc trị giá ba chục ngàn đồng- mà Trai đành phải nhín nhịn từ bảy tám tuổi tới bây giờ.
Mật kế của Trai chưa hề tiết lộ cho Gái hoặc bất cứ ai. Thứ nhất vì Trai sợ bi trộm cuỗm cái món tài sản lớn mà anh chắt chiu dành dụm bấy lâu nay. Thứ hai, Trai muốn tặng cho người yêu món quà bất ngờ, cũng là để đền ơn mối duyên kỳ ngộ. Bỡi vì, từ cái lần gặp gỡ Gái tới giờ, Trai bẫy chim rất trúng, bán rất chạy. Ba năm, từ mười bảy lên hai mươi tuổi, Trai chứng kiến người ta đi chùa nhiều, cúng kiến nhiều và đặc biệt là khách thập phương ai cũng có nhiều tiền, người ta bố thí tờ năm ngàn cho đội quân ăn xin thường trực trước cổng hoặc trên các bậc tam cấp lên chùa coi dễ như không. Có người còn mua chim bằng tiền đô, lại còn bo một hai đô nếu chim khỏe mạnh, cất cánh bay mau chóng. Có cái gì mới lạ chung quanh mà anh chàng ''côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó''không có dịp nào tìm hiểu được? Anh chỉ biết khuyến dụ những chú chim bằng tất cả các loại mồi, bằng cách thâm nhập vào đời sống từng loài chim một. Anh biết những chú chim sẻ thường thức dậy cùng mặt trời và líu lo rất sớm. Lúc chúng ríu rít là lúc chúng cần ăn sáng. Bỡi thế, anh dọn bữa thóc đểm tâm cho chim sẻ sớm nhất, rồi sau đó mới tới những loài khác. Anh biết cái nết của loài chim sắt ô là dạn dĩ, khỏe mạnh và hơi khờ khạo, nên giống chim này thường mắc bẫy hôm trước, hôm sau lại bay về bẫy cũ, nếu như nó chưa rơi rụng dọc đường.
Tiền bán chim được, Trai bọc nylong rồi đào lổ chôn. Đúng một triệu, Trai lại tìm chỗ mới. Anh đã làm như vậy được ba lần rồi, người ta bảo chỉ cần một triệu nữa là anh có bốn chục mét vuông ao rau muống ở ngoại thành. Trai cần tới một trăm mét vuông để bốn chục mét vuông làm nhà, sáu chục mét vuông còn lại làm ao.
Trai tính rất kỹ, anh lợi dụng cái bàu hoang, giáp với sân nhà , thành một môi trường thiên nhiên cho lũ chim sẻ, chim sắt, chim sâu. Trai muốn vĩnh viễn chọn cái nghề bẫy chim phóng sinh này bỡi vì anh tin rằng nghề này sống được , không ác. Anh chỉ bắt chim bán cho người ta thả bay đi chứ đâu phải bán cho nhà hàng làm món chim sẻ rôti mà ác. Nhờ lòng thương yêu, chăm sóc chim như người bạn của anh mà chim phóng sinh đi rồi lại quay về tái ngộ. Anh sẽ chăm sóc chúng để bù lại những gian nan vất vả mà chúng trải qua. Anh kiếm tiền nhờ cái vòng-luân-hồi-sống ấy của những loài chim đẳng cấp kém nhất trong xã hội loài chim như chim sẻ, chim sắt, chim sâu, dồng dộc, áo dà...mà nhà nướckhông có ghi trong sách đỏ. Anh thương nhất loài chim sẻ từ cái lần anh nghe ông Bảy kể về nó. Ông bảo rằng, ở bên Tàu, có một thời gian nó là đối tượng của cách mạng văn hóa. Trời đất, chim sẻ hiền lành thế kia mà sao bị coi là phản động. Ông Bảy tủm tỉm cười giải thích rằng, là vì dân chim sẻ đông quá, mắn đẻ quá mà lại ăn lúa. Mỗi con chim sẻ ăn ba hột lúa thôi thì xã hội mất hàng triệu tấn. Ông bảy cười khà khà, kết luận theo kiểu móc họng: nhưng các chả quên là xã hội tốn ba hột lúa cho mỗi con chim tí hon loại này, bù lại nó đã trả công bằng cách thanh toán những thứ côn trùng có hại cho môi trường, môi trường sống nhờ đó mà được cân bằng và tốt lên hơn.
Ông Bảy còn liên hệ tới tình hình Việt Nam hồi kháng chiến chống Pháp, ở miền Tây, có chủ trương bẻ cổ vịt để tiết kiệm lúa. Lúc bấy giờ vì mục tiêu chống giặc đói, kháng chiến trường kỳ nên ai nấy đều quên một chuyện quá đơn giản: vịt ăn lúa, ta ăn vịt cũng no như thường. Nhưng chẳng ai chịu, bỡi quan niệm theo kiểu nhà nghèo: ăn lúa mới là ăn cơm, còn ăn thịt chỉ là ăn '' văn nghệ'' chơi !
Trai thích nghe ông Bảy kể chuyện, chuyện gì ông Bảy cũng biết, kể cả chuyện phóng sinh chim là tục lệ chẳng hay ho gì. Ngày xưa nước Tàu cấm tập tục phóng sinh vì phóng sinh là hành hạ hại chim chóc, trăm con giỏi lắm là còn sống năm mừời con. Ông còn nói nước mình cũng có ông vua cấm phóng sinh chim mà Trai không nhớ ông vua đó tên gì. Hèn chi, ở xóm nước đen này, người ta đồn rằng ông Bảy từng hoạt động cách mạng, từng đi đây đi đó nhiều. Nhưng tại sao ông Bảy không có lương hưu, không có nhà ở, mấy lần Trai hỏi ông, ông đều tủm tĩm cười trừ. Trai đoán mò rằng, chắc ông là dân tứ chiếng giang hồ thôi, nhưng dù ông là ai, anh cũng nể phục, coi ông như đấng sinh thành.
Nhớ lời răn đừng hại chim chóc mà mang tội, nên Trai có cách đối xử với chim như ân nhân hay thượng khách. Anh cho chim ăn sạch, uống sạch, không nhốt chúng vào lồng quá chật, luôn hết sức nhẹ nhàng, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Anh cũng khuyên khách hàng, ''thương đế'' của mình nên thả chim nhẹ nhàng đừng làm chúng sợ, nhất là đừng đặt chúng vào chỗ nhang khói quá nhiều…làm chúng ngộp, chúng không bay nổi nghĩa là rủi ro không được mang đi và may mắn không được đua về. Tất cả những gì Trai làm là để chim chóc còn trở lại với mình cũng là để an ủi nó. Chỉ tội nghiệp cho Gái, cô còn ngây thơ quá, không hiểu được những tính toán của anh. Nhưng Trai không buồn, anh chỉ ao ước sao cho một ngày nào đó, Gái hiểu được và ủng hộ anh. Anh hy vọng vong hồn cha sẽ giúp anh. Thắp nhang trước bàn thờ cha, nhờ cha anh thuyết phục cô gái bướng bỉnh , Trai không dấu được chút kiêu hãnh là anh đã sắp thành một con người tự do, một con người tự chủ dù chỉ có đôi tay…
Ngày xưa, trước khi qua đời, trong cơn hấp hối vì đói và lạnh, cha Trai đã căn dặn và Trai đã làm theo lời căn dặn ấy từ khi bán được chú chim sẻ đầu tiên. Câu nói cuối cùng của cha là : phải chi ba không bán đất thì đâu đến nỗi này. Bảy tuổi đầu bị mồ côi, Trai loáng thoáng hiểu ra rằng chú có ngưới cha chết đầu đường xó chợ là bỡi vì muốn từ bỏ mãnh đất mà mình đang sống. Nhưng, cho đến nay, khi đã hai mươi tuổi đầu, chú bé ngày xưa vẫn chưa biết cha mình là ai, ở đâu, vì sao phải bán đất mà đi, nếu như Trai không được ông Bảy nói rõ nguồn cơn. Ông cho biết cha của Trai là một hạ sĩ quan của chế độ cũ, buồn tình vì vợ anh là mẹ của trai bỏ con đi theo một gã lưu manh trong lúc anh vắng nhà đi học tập cải tạo nên bán đất lấy vàng vượt biên. Giờ đây, Trai nghĩ tới cha, giá như mà hồi đó, hai cha con có được căn chòi trên miếng đất cặm dùi này thì chắc gì cha Trai phải lìa đời !
Nhưng, thời thế lại đổi thay. Mấy tháng nay, dân sống nhờ trên bờ kinh nước đen thắt thỏm nghe tin sẽ bị giải tỏa theo qui hoạch thành phố hiện đại, thay thế những dòng kinh đen bằng những dòng kinh xanh. Nhà nước chỉ đền bù cho những căn nhà có giấy tờ chớ ai dại gì đi đền bù cho dân cắm dùi lấn chiếm. Tình thế nầy khiến Trai bức xúc hơn nữa về cái miếng đất nền nhà trong mộng tưỏng mà anh đã ấp ủ từ lâu và âm thầm tích cóp từng tờ hai trăm đồng một.. Mười năm thèm một chai Trebeco, một ổ bánh mì dồn thịt nhưng Trai chỉ biết nuốt nước bọt rồi bỏ đi. Trong mơ, Trai thường gặp lại cái lần chú và chúng bạn ăn hụt chim sẻ trên sân Trung tâm phục hồi chức năng và cố nhắm mắt mơ tiếp để đuợc nhai rau ráu con chim thơm phức đó. Nhưng bao giờ giấc mơ cũng dừng lại ở cảnh bà xơ xuất hiện. Sáng ra, Trai nhìn những chú chim sẻ muốn cho nó vào chão rô ti nhai đầu nó cho sướng, nhưng chú buộc phải dừng lại. Tám chục con chim sẻ là nửa mét vuông đất ruộng ngoại thành. Mà bốn chục ngàn thì kiếm đâu có dễ dàng gì. Một ngày rằm, may lắm cũng chỉ kiếm được một phần tư mét vuông là cùng, mà đâu phải lúc nào cũng bẫy được chim? Nhiều năm qua, nhất là những tháng gần đây, dân nhập cư tứ xứ hội về đêm đêm lén cắm dùi trên đất giải tỏa để kiếm sống qua ngày. Họ không nề hà bất cứ nghề gì miễn kiếm cho được ngày hai bữa cơm nghèo, kể cả nghề bẫy chim, đòi hỏi phải "trình độ" và lòng kiên nhẫn. Chính vì vậy mà Trai ngày càng phải kiệm ước nhiều hơn, tranh thủ tối đa thị phần chim phóng sinh trước khi nguồn chim cạn kiệt. Nhịn tất cả trừ bữa cơm rau muống với cá tạp kho thật mặn để hấp dẫn được nhiều rau và nhiều cơm là thượng sách. Để dành tiền bằng bất cứ giá nào cũng là thượng sách. Thêm nữa, chuyện giải tỏa kinh nước đen không còn là chuyện đùa nữa. Nếu chưa có giải tỏa kinh nước đen, thời gian sẽ ủng hộ Trai, đằng này chuyện giải tỏa tới nơi rồi, không có miếng đất ở ngoại thành, chú cặm dùi nơi đâu ? Ông Bảy thường dạy: muốn mở mang bờ cõi là phải biết cặm dùi, huống chi là dân nghèo ? Mình mua đất tức là cặm dùi hợp pháp. Gái thương Trai nhưng quá hồn nhiên không biết được kế hoạch lâu dài, lại còn dọa sẽ nghỉ chơi luôn nếu như Trai không đáp ứng yêu cầu chính đáng và bức xúc của cô. Từ chiều hôm qua tới giờ, Trai cố phớt tỉnh ănglê, để sáng nay bán chim rồi mọi chuyện tính sau. Chẳng dè, mới giờ này đã thấy Gái súng sính trong bộ đồ siđa mới mua hay mượn gì đó, xách lồng chim bước tới. Trai đành phải nghiêm mặt.
- Đưa hết đây cho tui, Gái về thăm bẫy bắt thêm đi, bữa nay trúng lắm.
Gái xụ mặt, ngúng nguẩy không chịu lùi bước.
- Hỏng dám đâu. Bữa nay em nhất quyết phóng sinh.
Trước mắt cô là một đôi uyên ương như trong chuyện cổ tích bước ra đang ngắm nghía định mua chiếc lồng chim mà Gái vừa mang tới. Ôi, chàng trai và cô gái đẹp như tranh , như Tú Uyên và nàng Giáng Kiều trong truyện mà gái nghe trong tuồng cải lương.
Quả vậy, họ giàu lắm, mua chung cho hai người bốn muơi con chim sẻ mà không cần trả giá. Nghe họ tính với nhau, tôi được biết chàng hai mươi hai, còn nàng muời tám, thật xứng lứa vừa đôi vô cùng. Không tuân theo những tập tục cúng bái, chàng trai và cô gái mang chiếc lồng chim đến một góc vắng, ngồi chung ghế đá thủ thỉ tâm tình và mở cửa lồng chim để đó, mặc cho bầy chim tha hồ chọn lựa việc đi hay ở của chúng. Cuối cùng, một đôi chim, một con trống, một con mái không chịu bay , chúng ở lại trong lồng. Kể cả khi nàng và chàng cho chim đậu lên lòng bàn tay ngà ngọc của họ và ban thưởng cho đôi chim những cái vuốt ve trìu mến, đôi chim vẫn không chịu bay đi. Và đôi bạn kia đã tặng lại cho Trai và Gái đôi uyên ương kỳ lạ ấy.Thật là tuyệt vời !
Tôi chứng kiến rõ ràng, nét si mê đôi bạn tình nọ đến đờ đẫn hiện lên trên mặt cô gái mười bảy tuổi lam lũ với chiếc má lúm đồng tiền. Cô bé sung sướng như kẻ mộng du mơ thấy mình thành tiên nữ và đang phiêu bồng nơi vườn thượng uyển trên thiên đình. Nhưng chàng Trai bán chim thì vẫn lạnh lùng, hay đúng ra là làm ra vẻ lạnh lùng. Đúng thế, chàng Trai phớt tỉnh dọn dẹp đồ lề chuẩn bị lên đường. Mặc cho Gái mân mê đôi uyên ương bé tí, chàng Trai chỉ biết ra lịnh như một ông cụ non thật sự:
- Không được thả, cặp chim này làm chim mồi tốt lắm.
Gái phụng phịu làm cho một bên má lúm đồng tiền thêm có duyên. Gái lắc đầu nguầy nguậy và chực khóc làm Trai cứng rắn phát hoảng.
- Gì kỳ vậy. Cặp sắc ô này dạn, làm chim mồi tốt lắm, để anh làm thêm lồng bẫy chim nữa.
Cô Gái bắt đầu dậm chân làm chàng Trai quýnh lên.
- Vậy chớ Gái muốn gì, sao không nói đi.
Gái không trả lời. Cô lẳng lặng lấy hai sợi chỉ hồng buộc vào chân hai con chim sắt ô tung nó lên trời. Hai chú chim tíu tít, loạng quạng , lúc đầu hơi lảo đảo nhưng sau đó thì lấy lại tỉnh táo bay vút đi.
Gái nhìn Trai khiêu khích:
- Hễ cặp chim này trở lại thì còn, nếu nó không trở lại thì coi như tiêu.
Trai đành phải cười trừ, nhưng nụ cười hiền lành của chàng cũng không sao làm lành được, Gái vẫn xụ mặt, ngúng nguẩy.
- Còn cái vụ đi Đầm Sen với hát Karaokê thì tính sao?
- Hỏng biết.
Trai lại bị bất ngờ hoàn toàn bỡi sự thay đổi thái độ đột ngột của Gái.
Mấy năm nay cô vẫn vậy, đang vui đó thì lại buồn đó . Ngược lại, đang khóc đó, chút xíu sau lại cười toe toét. Giờ đây, Gái đang ngẩn ngơ nhìn cặp uyên ương lý tưởng dìu nhau ra cỗng, rồi dìu nhau ngồi vào băng ghế bọc nhung xanh phía sau. Chiếc xe hào nhoáng luớt đi hòa vào dòng người ngược xuôi đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa trong ngày rằm tháng bảy oi ả. Gái mê mẩn tâm thần như ngây như dại, chẳng biết trời đất là gì, chẳng con hiểu mình là ai. Bao giờ cũng vậy, Trai luôn buồn dạt dào trước cái đê mê ảo vọng đó của người yêu. Cuộc sống giàu sang thường làm lóa mắt những người nghèo hèn tội nghiệp. Gái là như vậy, cô hồn nhiên, tốt bụng nhưng phù phiếm hạng nặng, vậy mà không biết sao Trai lại thương. Chuỗi ngày tiếp theo sau đó làm Trai buồn lắm, buồn đến mức già đi chừng mười tuổi.
3-
Những người hàng xóm trên kênh nước đen cảm thấy buồn lây với nỗi buồn của Trai. Hầu như có tới một tháng trời, sáng nào cũng thấy anh lặng lẽ ra bãi rau muống xa tít trên ngọn kênh đến xế chiều mới về, một mình lủi thủi bận rộn trong tiếng chim ríu ra ríu rít cho tới tận chiều khi lũ chim ngủ yên. Chạng vạng tối mới thấy Trai ăn chén cơm đạm bạc, uống chén nước chín, thắp nhang cho cha rồi mới mở ra-dio nhỏ xíu nằm đu dưa trên võng. Sáng thích nghe đài FM vì nó nhẹ nhàng, êm dịu và đặc biệt là nó ít hao pin. Nhưng những tuần lễ trôi đi không có Gái, Trai không còn nghe nhạc nỗi nữa. Từ sáng tới tối, từ tối tới sáng chẳng thấy Gái đâu. Mọi người đều biết, Gái là con dì Tư rau muống. Bà có nhiều con, đứa nào cũng nghèo đi làm ăn xa, chỉ còn lại hai mẹ con hủ hỉ sống nhờ vào bãi rau chừng vài chục mét vuông. May mắn làm sao, kinh nước đen lại nuôi rau muống xanh um. Để thu hoạch, chỉ cần chịu cực, chịu hôi thúi, sáng dậy sớm cắt rau đem về lấy nước máy rửa sạch, khéo xếp bó thì có thể đem ra chợ. Muốn rau xanh tốt chỉ cần thường xuyên bắt sâu, xịt thuốc, chỉ cần vậy hai mẹ con đủ đắp đổi qua ngày.
Nhưng những tháng gần đây, hàng xóm lấy làm lạ, thỉnh thoảng từ trong căn nhà nhỏ sát bờ kinh có xảy ra to tiếng giữa dì Tư và cô Gái. Hoá ra vì cái chuyện Karaokê và thời trang ở ngoài xóm. Chuyện đó làm dì Tư lo, linh cảm điều gì đó chẳng lành. Dì Tư nghèo, đi ghe dừa từ Bến Tre lên Cầu Ông Lãnh bỏ mối kiếm sống. Rủi thay, một chiếc xà lan chạy ẩu ủi làm chìm ghe. Mà nào phải là ghe riêng của dì, đó là chiếc ghe mướn của hàng xóm. Ghe chìm, trắng tay, có kiện tụng cũng chẳng được gì, dì Tư đành phải trốn quê hương ở lại trên kinh nước đen cả chục năm nay. Ba năm trước , nhờ dành dụm chút đỉnh tiền, dì sang lại dề rau muống này. Gái nhờ đó đỡ phải đi phụ hồ, lại có chút đỉnh tiền sắm quần sắm áo siđa. Bộ đồ si đa đầu tiên nó mặc làm dì Tư sững sốt. Dì vừa nhận ra, con gái mình khá xinh đẹp. Nhưng dì dẹp ngay cái ý nghĩ vừa nảy sinh, liền dở giọng răn đe: "mày ăn bận gì như chúa ôn vậy, cởi ra mau không tao đánh chết cha". Nhưng Gái đủ trí thông minh để nhìn trong mắt mẹ và biết bà hài lòng về nó. Nó tự nhận ra mình đẹp khi coi ké tivi, thấy các cô biểu diễn thời trang cũng có những cô cái mặt xấu hoắc. Về nhà, nó đứng trước tấm gương bể của cái tủ quần áo săm soi so sánh, bằng lòng cái khuôn mặt trái xoan có lúm đồng tiền bên má trái và đặc biệt là cái vòng hai chừng quá hai gan tay một tí. Trước gương bể cô gái còn thử uốn lượn, nhún nhẩy, ẹo qua ẹo lại tối đa. Chẳng may, trong khi Gái độc diễn thời trang thì dì Tư ngó thấy, dì quơ cây chổi tàu cau quất túi bụi vào cả ba cái vòng vèo trên cơ thể cô gái mới lớn. Tưởng như vậy thì nó chừa, nào ngờ mấy bữa sau, nó đi bỏ mối rau không thấy về, dì Tư ra đầu hẽm dọ hỏi mới biết nó đang hát karokê trong quán đèn mờ. Dì Tư la, nó tỉnh bơ bảo, con phải tập hát để giật giải thưởng tiếng hát truyền hình. Lại còn nói, con phải tự đổi đời chớ chẳng lẽ làm con bán rau muống hoài sao.
Trời đất! Con nhỏ gan cóc tía bị dì Tư lôi cổ về nhà nhốt lại, dì tư thà tự đi làm rau muống chớ dì nhất quyết không giao cho con gái nữa. Dì có linh cảm nó sẽ vuột khỏi tầm tay mình . Nhưng sau đó dì bị bịnh, chứng thấp khớp hành hạ buộc dì đành phải giao quyền cho con. Vậy là Gái được tự do làm theo ý mình, miễn là sau đó về nhà chăm sóc mẹ là xong chuyện.
Trong những ngày làm chim sổ lồng tung tăng trên đám rau muống, Gái thấy một chàng trai bẫy chim mà trong xóm ai cũng mến vì cái tính cần cù, chí thú làm ăn nên nhào tới làm quen liền. Đúng là cái anh chàng đẹp trai, da sáng, mắt sáng, hàm răng sáng bóng, chỉ phải cái tật xi cà que thôi. Làm quen nhau rồi, Gái thấy cô có chỗ dựa vững chắc nên tăng cường nhỏng nhẽo, đòi được nuông chiều. Gái thích được một lần đi chơi Đầm Sen như từng thấy trong tivi người ta vui chơi thủy cung, hoặc bơinhững con thiên nga trên mặt hồ xanh biếc. Gái muốn thể hiện mình, muốn Trai hiểu mình, muốn cùng hát karaokê với Trai và hình dung chàng và nàng đẹp đôi lắm. Nhưng những ngày yêu nhau, chưa bao giờ Trai đáp ứng điều mong mỏi đó của Gái. Bao giờ Trai cũng hỏi phải tốn bao nhiêu tiền rồi lầm thầm bấm đốt ngón tay tính mãi. Tính xong thì lắc đầu nhắc lại một câu muôn thuở:" không được, anh phải dành dụm lo cho tương lai tụi mình". Mèn ơi. Gái đành phải chê Trai thậm tệ khi anh chàng xicàque tiếc cả những con chim bắt được cho một lần phóng sinh của riêng chàng và nàng! Gái chắc anh ta không thương mình, hay chỉ thương hại thôi.
Sau cái lần giận nhau ấy, cô thề không thèm tới căn chòi của Trai nữa. Cô tới cô bạn là Tèo, tên mới là Mộng Ngọc để tâm sự. Mộng Ngọc làm gái tiếp viên, sống lấy đêm làm ngày, nửa đêm về sáng phóng xe về nhà người nặc nồng mùi rượu, mùi tanh hỗn hợp của các thứ bài tiết từ con người, cái mùi đặc trưng của thác loạn. Mộng Ngọc ngủ vùi cho đến trưa mới dậy ăn bữa đầu tiên trong ngày và sau đó lại lên xe đi vào cái vòng luân hồi khép kín mà cô lao vào đó từ tuổi mười lăm. Tuy cùng tuổi với Gái, nhưng Mộng Ngọc có kinh nghiệm đời chát đắng như môt gái già năm mươi, miệng luôn chưỡi đàn ông, chưởi tài pán, chưởi tiền, chưởi rượu, nhưng chưởi xong lại lao vào như giã ngộ. Mộng Ngọc hư nhưng được cái chân thành với Gái. Cô khuyên Gái không đi con đường của cô nhưng lại sẵn sàng giúp Gái thỏa mãn những nhu cầu lặt vặt, quần áo, son phấn. Cô gái trồng rau muống trên kinh đen quen dần với nếp sống mà cô tưởng là sang trọng và bắt đầu mơ ước những chuyện trên trời. Trớ trêu thay, cô lại gặp Trai, người xây giấc mộng vàng tư những mét vuông mặt đất. Trai khao khát quyền sử dụng đất, cho đó là cái quyền độc lập tự do, là cách để giải phóng đời anh khỏi nghèo hèn, bị khinh rẻ.
Đêm nằm bấm đốt ngón tay, Trai biết rằng giấc mơ của anh sau muời ba năm kiên trì nhịn ăn, nhịn mặc, nay sắp thành hiện thực. Anh đã hứa trước vong hồn cha là anh quyết đi cho tới cùng mơ ước của mình.
Ông Bảy cũng luôn động viên Trai, ông muốn ngó thấy Trai thành công truớc khi ông trở về với cát bụi. Ông mừng cho Trai có bạn, cô gái xinh xắn và luôn tươi vui như chú chim non. Nhưng rồi ông cảm thấy có điều gì không ổn khi cả tháng trời hai đứa đều ngại không gặp ông, chòm xóm xì xào về sự đổi thay nhanh chóng của cô gái quê giữa chốn thị thành…. Ông Bảy không tin điều đó, ông định bơi xuồng đi gặp Gái hoặc Trai, nhưng mấy hôm nay ông yếu lắm. Ở tuổi cổ lai hy ông biết mình không chịu đựng nỗi ở mội trường đen này, nhưng ông không còn cơ hội nào để trở lại Cần Thơ gạo trắng nuớc trong nữa. Đã mưòi ba năm, từ cái trận gió xóay đột ngột nhận chìm chiếc ghe thương hồ có cánh buồm nâu cổ lỗ của ông ở vàm sông Cổ Chiên, mấy người bạn ghe là con cháu ông chết hết, ông được chiếc tàu buôn cứu sống đưa về Thành phố và ông không còn gì để trở về chốn xưa. Thế là ông chọn chiếc ghe bầu mục nát làm giang san và kết bạn với nhưng đứa bé cùng cảnh ngộ trôi giạt như ông. Ông sống bằng cái nghề khá vất vả thân già, nghề vớt rác trên các dòng chảy đen mà nhiều người làm rác khác e ngại. Một mình một cõi trên một đoạn kinh đen không ai tranh chấp,ông Bảy cảm thấy nhàn nhã trong tâm hồn khi nghĩ rằng đó cũng là một thứ giang san mà dòng chảy đặc quánh và đen ngòm là nguồn chung cấp cho ông chén cơm manh áo. Trong môi trường đen, bất cứ cái gì cũng bị ô nhiểm, trừ tấm lòng nhân ái của con người. Ông biết thế nên hết sức nâng niu, giữ gìn cái chất ngọc trong tâm hồn hai đứa trẻ mà ông gặp gỡ tình cờ và chăm sóc chúng từ tuổi ấu thơ.
4-
Sáng nay, rằm tháng mười, Trai trúng lớn, ba lồng chim to, khoảng chừng ba trăm con bán cái vèo theo giá cao, tính ra gần một ngàn một con. Chiếc lồng nhỏ nhốt vài chục con chim sẻ còn lại có người mua mão một trăm ngàn, ông già Đài Loan lưng còng, mắt chột đi với cô bồ cỡ tuổi Gái, luôn nũng nịu đòi phóng sinh. Thế là Trai có thêm ba bốn mét vuông đất trong vòng nháy mắt. Anh hí hửng lên xe lăn về định đánh tiếp từ giờ tới Tết cho xong kế hoạch nhưng rồi, anh không tin vào mắt mình nữa: trên bậc tam cấp lên chùa Vĩnh Nghiêm, Trai nhận ra Gái đang đi cùng một anh chàng coi lanh chanh như con chim lắc nước, cả hai đang chuẩn bị phóng sinh một lồng chim khá sung túc. Anh chàng nọ đã đáp ứng đúng nguyện vọng của Gái làm nàng phấn khởi tươi roi rói. Nhưng khi phóng sinh chim xong thì Gái không chịu cho anh chàng kia nắm tay. Nửa muốn can thiệp, nửa muốn im lặng, Trai nghe nhói trong lòng định tìm cách tránh mặt. Nhưng Gái đã thấy anh rồi, cô nàng ngó lơ và cùng gã trai kia đi về hướng khác. Sau đó, cả hai lên chiếc xe Suzuki cổ lỗ nổ máy ầm ầm phóng đi. Trai tò mò phóng xe theo đến ngả tư đèn xanh đèn đỏ mới nhận ra gã trai nọ chính là cái anh chàng vá ép xe honda đầu hẽm. Đèn xanh, Trai chết lặng rẽ về kinh nước đen thay vì bám sát theo chiếc xe đang phun khói như điên đang lao về phía quận một, trung tâm thành phố. Lăn xe vào căn chòi nhỏ nhưng vén khéo như một tổ chim dồng dộc, Trai ngồi thật lâu trên xe lăn, không biết phải làm gì. Hàng giờ sau, anh định lăn xe đến dì Tư báo tin nhưng nghĩ lại thấy mình vô lý nên thôi. Với lại, Trai biết dì tư đang bịnh, không nên làm cho dì buồn. Trai cảm thấy không đủ sức chịu đựng cái tức như bò đá nên xuống xuồng bơi về phía giang sơn ông Bảy trên mui ghe mục. Nhưng vào giờ này, ông Bảy đang vớt rác tận đâu, chưa thấy ông về. Vậy là một mình chú Trai lặng lẽ ôm nỗi buồn vào lòng không biết tâm sự cùng ai…
Trai thắp nhang trước bàn thờ cha. Vong linh cha nhắc anh nhớ mình đang làm gì. Trai nhớ ra và giật mình, suýt nữa thì anh quên là đã tới hẹn phải nộp tiền đất tận Hóc Môn. Anh liền chọn chỗ góc kín nhất trong căn chòi bé tí của mình để kiểm tiền, trước hết là để lấy tiền từ những chỗ chôn dấu bí mật, bất ngờ nhất và an toàn nhất. Chẳng hạn như dưới đáy cái mẻ lu đựng nước vo gạo. Đất dưới đáy lu ướt, chỉ cần bọc tiền bằng nhiều lớp bao nylong, chôn hơi sâu một chút là không ai ngờ,rủi có cháy nhà cũng không sao, có lu nước án ngữ, tiền không bắt lửa được. Nhưng điều này còn quan trọng hơn, mỗi lần lấy lên hoăc chôn xuống, anh chỉ cần lật cái mẻ lu giả vờ lau rửa, nhân mọi người không để ý thì chôn xuống hoặc moi lên. Trai cũng có cách đếm tiền bí mật nhờ trươc khi chôn đã xếp sẵn loại nào ra loại đó, khi đếm chỉ cần nằm võng trùm chăn lại đếm mò là xong. Sau một lúc đắp chăn mướt mồ hôi, Trai đã biết mình có hơn hai triệu đồng, nghĩa là, nếu cộng lại tất cả các nơi chôn dấu lại thì anh đã có tiền để nhận đất nền nhà. Nghĩa là sau hơn mười năm dành dụm, kẻ tật nguyền tứ cố vô thân như Trai đã tìm được miếng đất căm dùi. Trai mừng mừng tủi tủi, nước mắt lăn dài trên má hồi nào không hay.
Những ngày tiếp theo, sau khi đặt bẫy chim xong, anh bơi xuồng mỏi cả tay tìm ông Bảy để báo tin vui và xin lời chỉ dạy nhưng vẫn không tìm thấy ông đâu. Giang sơn trong chiếc mui ghe mục của ông trở nên đìu hiu, lạnh lẽo không còn nghe tiếng ho khúc khắc nữa. Hỏi những người xung quanh người ta đoán mò có thể ông về quê hoặc vô nhà thương gì đó. Một nỗi buồn xâm chiếm lòng anh, không có ông Bảy thì anh mua đất để làm gì. Trai không dám nghĩ thêm nữa…
Trưa hôm đó, vào ngày rằm tháng mười một, đáng lẽ phải đón bẫy bầy chim sắt phóng sinh trở về trên bãi cỏ thì Trai nghe linh tính báo điềm không lành. Con mắt trái của anh giật lia lịa, làm cách gì nó cũng không chịu yên, Trai đành phải về nhà coi có chuyện gì xảy ra. Ngang qua nhà Gái, Trai giật thót tim khi nghe mọi người nhốn nháo. Có ai đó la lớn:
- Trời ơi con Gái nó tự vận đây nè !
Toàn là trẻ con bu đông nghẹt căn chòi mà không biết để làm gì. Vài người lớn đang chăm sóc dì tư đang ngất xỉu và dìu Gái ra ngoài hẽm thoáng. Cô y sĩ tư gần đó chạy đến bảo kêu xe cấp cứu. Trai lăn xe vọt đi ra trạm điện thoại công cộng. Lát sau xe cấp cưu tới, người ta kịp đưa Gái lên xe trong tình trạng nhiễm độc nguy hiễm. Trai lao xe lăn theo xe cấp cứu. Nhờ đường chật nên Trai lách dễ hơn xe lớn, thành thử anh cũng tới không muộn hơn xe cấp cứu bao nhiêu. Trung tâm cấp cứu y tế quận bơm rửa cật lực cả tiếng đồng hồ sau Gái mới tỉnh. Chừng Gái tỉnh, Trai mới cảm thấy mình vô duyên, tự nhiên đi nuôi cấp cứu cho người dưng. Nhưng đúng vào lúc cô y tá hỏi thân nhân để đòi thẻ bảo hiểm thì Trai đứng ra tư nhận mình là anh ruột, chịu trách nhiệm thanh toán mọi chi phí theo tiêu chuẩn dịch vụ. Trai làm thủ tục cho Gái chuyển từ phòng cấp cứu về phòng dịch vụ hai giường có máy điều hòa, có nước nóng. Gái dần dần tỉnh lại và nhờ mấy chai nưóc biển nên cô có phần tươi lên . Tuy nhiên cô nàng cứ không thèm mở mắt ra, kể cả khi dì Tư tới thăm. Dì Tư ôm con gái và nắm chặt tay Trai tỏ lòng biết ơn anh đã cứu giúp Gái kịp thời trong cơn nguy khốn.
- Trời ơi, không biết sao dì dại quá, con mình bị … vậy mà mình xỉu, nếu không có bà con và chú Trai đây thì không biết tính mạng con gái như thế nào.
Rồi dì tỏ ra lo lắng vụ tiền phòng, dì yêu cầu chuyển xuống trại thường chỉ có hai chục ngàn một giường thôi, Trai cười:
- Dì Tư để con lo được mà. Con trúng liên tiếp hai ba ngày rằm vừa rồi. Với lại bác sĩ nói mai cô ấy ra viện rồi…không sao…
Trai nói xong thì đi thanh toán hết tất cả rồi lặng lẽ ra về. Cô Gái vẫn cứ nhắm nghiền đôi mắt, nhưng hai gò má thì đỏ ửng. Dì Tư hiểu con gái mình hơn ai hết. Dì biết vì sao Gái xấu hổ,vì sao nó nông nổi. Vâng chỉ có mình dì mới biết là Gái đã biết tất cả, ai đã vì mẹ con dì trong mấy bữa lao đao vừa qua. Trai đi rồi, dì mới ra cỗng ngó theo chàng trai tốt bụng đang vặn vẹo đôi chân cố bước lên xe lăn mà lấy chéo khăn chậm nước mắt.
5-
Rằm tháng Chạp, Trai lai may mắn ''trúng'' một trận bán chim bù lại những gì đã mất trong lần Gái nông nổi súyt tự làm hại đời mình. Anh thắng lớn, bảo đảm y kế hoạch mua cái nền nhà như dự kiến. Tuy nhiên Trai không muốn giao tiền nhận đất ngay, bỡi vì anh thiếu hẳn những động lực thúc đẩy. Ông Bảy đi đâu không thấy trở về và việc Gái , tuy đã thôi không nhắm mắt nữa và đã về nhà sống bình thường nhưng lại sinh bịnh mới là ngậm miêng không thèm nói năng gì, kể cả khi cùng ra bãi rau muống với Trai, cô vẫn tỏ ra là người xa lạ. Trai hết sức buồn lòng nhưng dù sao anh vẫn cảm thấy yên tâm khi được sống bên cạnh người yêu câm. Đôi khi, Trai còn mơ đến một ngày nào đó, anh sẽ lấy cô câm làm vợ và nhờ vậy mà anh không còn lo vợ mình bị nhiễm ánh đèn màu karaoke nữa. Tuy vậy nổi hờn ghen thường xâm chiếm tâm trạng anh về đêm, khi trằn trọc một mình. Đó là vì sao Gái tư vận, ai đã hại đời cô, có phải cái thằng vá ép xe hon đa mà anh gặp hôm nọ không, ai biết chuyện này ? Trai nghĩ tới Mộng Ngọc và liền lăn xe vùn vụt tới nhà cô. Mộng Ngọc đang sửa soạn đi vũ trường, nhìn từ xa cô đẹp như một nàng công chúa nhưng khi đến gần thì nàng công chuá ấy đã vội hoá thân thành cô nàng đỏng đảnh chuyên nghiệp mà lại chân thành một cách khó hiểu.
- Tui biết mà, cuối cùng rồi anh chàng xi cà que cũng phải nhờ tới cô ca-ve xí xọn này thôi.
Mộng Ngọc nói năng bổ bã nhanh tay nhấc bổng cả người và xe lăn của Trai lên và ném vào trong căn phòng khá hào nhoáng của cô. Khách chưa kịp nói gì, Mộng Ngọc đã tươm tướp hàng tràng những từ ngữ ngọt ngào pha lẫn chua ngoa khủng khiếp:
- Anh chàng xi cà que nhưng coi cũng được trai lắm, hèn gì con nhỏ mê như bị bỏ bùa. Con nhỏ ngốc khoái vuốt ve chiều chuộng, khoái người yêu hành động tạo cảm giác mạnh như trong phim…sex nhưng các anh chàng nhà quê xicàque không dám hun hít, không biết điệu, không biết bao bồ, lúc nào cũng teo tóp, run như cầy sấy làm con nhỏ hái rau muống quê độ quá chừng. Đã xi-cà-que lại keo kiệt, không dám bao em một chuyến du lịch nghèo, tiếc kể cả chỉ một cái lồng chim lút chút chẳng giá trị gì . Nhưng anh không biết rằng con nhỏ nông phu rau muống trên kinh nước đen có cái toà thiên nhiên đẹp tuyệt trần. Phải lột hết nó ra thì mới biết. Nó tới đây, từng khoả thân để cho con ca-ve này chọn quần áo. Tôi phát ghen với nó, chính tôi cũng thèm chiếm hữu nó; nếu tôi thon thả như nó, tôi đã trở thành bà hoàng ở cái chốn Sài Gòn hoa lệ này rồi. Trời ơi, vậy mà không ai ngó thấy..
Giọng Mộng Ngọc nhỏ lại dần rồi run run, chân thành, trong trẻo xen lẫn những tiếng nấc thoáng qua nhanh:
- Nhiều phen, tôi muốn chiếm dụng nó, bán nó cho một vũ trường, một động nhện như người ta đã bán tôi trước đây.. Nhưng vì tôi thương nó quá nên tôi đã tự nguyền rủa mình khi thèm năm trăm đô, khi nảy sinh ý định buôn nguời.
Mộng Ngọc bưng mặt khóc rưng rức làm Trai hoang mang cực độ. Anh không quen nghe ai thể hiện tình cảm theo cách này nhưng anh cảm thấy Mộng Ngọc có lý mà không biết tại sao.
- Rồi cũng chính tôi đã cứu nó-Mộng Ngọc tiếp, giọng thổn thức, cay đắng lẩn ngọt ngào- Súyt nữa thì nó đã tiêu đời nếu tôi không ngăn nó lại. Người lớn, kể cả anh nữa chỉ biết lên án hoặc xa lánh nó, không ai hiểu nó, chia sẻ buồn vui với nó, tất cả không bằng cái thằng vá xe hôngđa đầu hẽm. Thằng này cũng nghèo, nhưng hai đứa giống nhau ở chỗ khoe giàu. Con Gái khoe má nó có vựa rau ở chợ Cầu Muối, thằng kia khoe đang chuẩn bị mở tiệm bán phụ tùng xe Honđa. Gái thích gì nó cũng chìu chuộng, đủ cả: karaokê, đi chơi đầm sen, phóng sinh hết một lồng chim. Con Gái về khoe với tôi, tôi biết con chim non này sắp sập bẫy rồi. Nhưng may mà cả hai đứa đều khờ khạo bốc đồng, khi thằng kia sàm sở, con Gái mới sợ quýnh lên chạy về đây mét tôi…
Mộng Ngọc ngừng nói, lấy hơi, xem đồng hồ, cười tự nhiên như chưa từng kể qua câu chuyện đầy kịch tính, rồi nói nhanh:
- Thôi trễ giờ của tôi hết rồi. Tôi phải di liền đây. Nó không sao hết, chưa sứt mẻ gì hết. Sau đó bị thằng kia rình biết nó làm rau muống ở kinh đen, nó cũng rình biết thằng kia cũng chui rúc ở gầm cầu kinh đen, chỉ khác là đứa kinh Nhiêu Lộc, đứa kinh Tàu Hủ, rồi chửi nhau, thằng kia nóng tính bộp tay nó nháng lửa, nó tức về uống thuốc chuột.
- Vậy là nó thoát, được phép trả giá rẻ cho sự phù phiếm, nông nổi
Nói tới đây, Mông Ngọc nhấc bỗng chiếc xe và anh chàng Trai đặt xuống hẽm, lặng thinh hồi lâu, rồi giọng bắt đầu run:
- Vậy là nó hơn tôi, nó dùng thuốc chuột để phục hồi nhân phẩm và nó thoát nạn. Còn tôi thì vì không dám uống thuốc chuột nên còn nhơ nhuốc tới bây giờ.
Lạ lùng chưa, Trai chưa từng nghe ai nói về mình bộc lộ chuyện mình, chuyện bạn một cách thô bạo và tế nhị như Mộng Ngọc. Bây giờ Trai mới hiểu vì sao Gái vừa coi thường vừa coi khinh, vừa thương, vừa sợ cô gái ấy. Và lần đầu tiên Trai hiểu rằng, mình đã biết thêm một người tốt trên kinh nước đen như ông Bảy như dì Tư. Người tốt ấy, Mộng Ngọc, cũng chính là cô gái vũ nữ xấu xa duy nhất mà Trai được biết trong cái xóm nhỏ này.
Sáng hôm sau, Trai thức dậy sớm hơn thường lệ, cho chim ăn, uống nước, xong anh gom hết chim trong các lồng nhỏ, nhốt chung vào một cái lồng to nhất, rồi thay vì cho lên xe lăn ra chùa Vĩnh Nghiêm, anh cho lồng chim xuống chiếc xuồng nhôm. Trước khi đẩy xuồng xuống kinh, anh thắp nhang trước bàn thờ cha và lấy thêm ít cây nhang đem theo.
Giờ này Gái cũng vừa hái rau muống xong, sắp chở về để đem ra chợ . Đúng rồi, cô đang chống chiếc xuồng con chở đầy rau muống xanh um. Trai thấy cô lúng túng khi đã bi" anh chiếm cái đường xuồng duy nhất trên đường về của cô. Mọi mặc cảm tan biến tự hồi nào, chàng trai bơi lướt tới cặp vào xuồng của Gái.
- Làm gì kỳ vậy.
Gái không câm nữa rồi. Trai mừng quýnh, líu lưỡi:
- Thì anh đem chim ra đây để mình phóng sinh. Anh cầu trời cho tụi mình….
Giọng Gái chững chạc như một người lớn:
- Không dám đâu, em không ham phóng sinh nữa đâu. Mình để dành cho đủ cái nền nhà..
Trai súyt kêu trời vì hạnh phúc bất ngờ ập đến. Anh run run đốt mấy nén nhang, chia cho Gái một nửa, bảo cô cùng anh xá bốn phương, sau đó anh mở cửa cho chim sổ lồng. Những chú chim sắt ô chuyên nghiệp quen người chủ cũ, ríu ra ríu rít tiếc rẻ những hạt thóc còn đầy trong máng không chịu bay đi. Trai giơ cao lồng chim về phía mặt trời đang mọc làm bầy chim tỉnh táo nhận ra trươc mắt chúng là bầu trời trong sáng và chúng chen chúc nhau lao vun vút ra không gian vô tận.
Nếu có ai chú ý đến hiện tượng chim bay về bãi rau muống kiếm ăn vào những buổi sáng đẹp trời, thì giờ đây họ sẽ vô cùng ngạc nhiên chứng kiến một hiện tượng trái ngược: có một đàn chim hàng trăm con từ bãi rau muống rủ nhau bay vút lên không.
Cả Trai và Gái đều mong rằng trong số người chứng kiến hiện tượng kỳ lạ ấy nhất định phải có dì Tư giờ này đang dõi mắt chờ Gái từ bãi rau về và ông Bảy, ông tiên của riêng anh chàng Trai đang nếm mùi hạnh phúc.
Ooo
Chuyện kể của tôi tới dây tưởng như đã hết. Chính tôi cũng mong rằng, sau cái lần phóng sinh sau cùng ở xóm nước đen ấy, Trai và Gái cùng hai người thân của họ đã giã từ Mộng Ngọc và kinh nước đen đang được giải tỏa để trở về với vùng đất hứa rộng bốn chục mét vuông. Nào ngờ, trong ngay rằm tháng giêng năm sau, tôi lại gặp Trai và Gái vẫn còn lam lũ với những chiếc lồng chim phóng sinh như hồi năm trước. Trên ngực áo mỗi đứa đều có đính mẩu vải đen.
- Ồ, chú tưởng các cháu đã về Hóc Môn rồi? Các cháu để tang ai vậy?
- Thưa, ông của tụi con, Gái đáp.
- Trời, ông già vớt rác mất rồi sao ?
- Dạ, ông cháu bịnh nặng vừa mất hôm trước Tết. Trai nói.
Tội nghiệp cái thân già của ông, tôi thầm nghĩ và có phần nào trách mình quá thờ ơ lãnh đạm trước sự mất còn của ông lão vớt rác. Thật tình, tôi vừa trãi qua một chuyến du lịch dài mới trở lại với sinh hoạt bình thường và cũng mới trở lại chùa Vĩnh Nghiêm để thư giản lần đầu tiên sau chuyến đi.
Tôi muốn giải tỏa sự im lặng buồn buồn:
- Chú tưởng mấy ông cháu đã về Hóc Môn rồi ?
- Thưa chú, tụi con bị bể kế hoạch hết trơn rồi. Ở chỗ cháu đặt tiền cọc đã lên quận nội thành rồi, giá đất bây giờ lên gấp ba lần trước, người ta đã bán sạch rồi. Họ trả lại tiền cọc chỉ đủ mua bảy tám mét chú à.
- Rồi các cháu tính sao ? Tôi ngậm ngùi.
Vẫn giông thản nhiên, Trai nói:
- Bây giờ muốn có miếng đất cặm dùi tụi cháu chỉ còn cách đi xa hơn nữa, chắc cháu phải lên tới Chơn Thành, Lộc Ninh hay Bù Đốp, trên đó còn đất rẻ… Sau rằm này, cúng tuần ông Bảy xong, tụi cháu sẽ lên đường. Sẵn gặp chú đây, tụi cháu xin từ giả chú, chúc chú khoẻ mạnh, sống lâu.
Trai nói, giọng chắc nịch, tỉnh như không. Anh tự tin vào cuộc sống đến nỗi, lòng tin của anh đã lây sang tôi, một kẻ già nua yếu đuối, tuy cuộc sống khá đầy đủ nhờ có công lao và có chế độ chăm sóc nhưng lắm khi lòng tin không mạnh bằng hai người thanh niên xóm nước đen này. Những cuộc đời chìm nổi thường mang lại nhiều đức tin cho cuộc sống hơn là những cuộc đời suôn sẻ. Quĩ lòng tin của tôi đã sử dụng và vơi đi nhiều, còn quĩ nghi ngờ thì lại tăng dần lên, lúc nào cũng đầy ắp. Thế là tôi đã được bổ sung lòng tin từ một anh chàng bẫy chim tật nguyền và cô gái trồng rau muống trên một dòng kinh đen. Tôi viết những dòng này thay cho lời từ biệt và để tỏ lòng biết ơn hai người bạn trẻ đáng yêu cũng như tôi đãtừng cám ơn những người dân thường trong cuộc sống đã từng giúp tôi trong những lần khủng hoảng lòng tin tương tự…
1/1996-8/1997
*Chuyệnđãchuyểnthànhkịchbảnphim
do NV Võ Phi Hùng phóng tác,
HãngphimtruyềnhìnhTpHCM(TFS)sảnxuất1997 -
Phần 2, 1998