Tiếng hát khàn đục, nghẹn ngào của người ca sĩ da đen phát ra từ chiếc loa nhỏ, cũ kỷ tình cờ ở một góc đường thành phố New York. Họ là những ca sĩ đường phố, hát lang thang đây đó để bán những đĩa hát của mình. Đôi mắt nhắm nghiền, những vết nhăn nhún trên khuôn mặt đen sạm nắng bụi thời gian, tiếng hát chừng như đang dỗ dành, kể lể với thân phận của chính mình.
“... Hello darkness, my old friend
I've come to talk with you again
Because a vision softly creeping
Left its seeds while I was sleeping
And the vision that was planted in my brain
Still remains
Within the sound of silence
In restless dreams I walked alone... (1)
Tiếng hát như níu chân trái tim của bạn lại. Tiếng hát như mời mọc tâm hồn bạn với khoảnh khắc một đời người. Vậy mà bao nhiêu người vẫn thản nhiên đi qua, dửng dưng như trong không gian chung quanh không hề có một âm vang vọng lại. Tiếng hát chấm dứt như một tiếng thở dài không dứt.Tôi đã nghe rất nhiều ca sĩ nổi tiếng hát bài nầy, nhưng đây là lần tôi xúc động vô cùng với giọng ca của người ca sĩ đường phố. Tiếng hát đẩy tôi thật xa, thật xa trong vùng tận cùng của ký ức, trong một khung trời của dĩ vãng ngỡ chôn sâu...
******
Khoảng hơn mười giờ, chuyến xe dừng lại bến phà Mỹ Thuận. Tôi ló đầu ra cửa, điệu này chắc phải cả tiếng đồng hồ mới qua được phà. Hai mươi tám Tết, không khí thật ồn ào, nhộn nhịp. Tiếng còi xe, tiếng rao hàng, tiếng mời gọi nức vang dọc theo dãy hàng quán bên đường. Trong cảnh rộn ràng của những ngày cận Tết, không khí chiến tranh cũng không lắng dịu chút nào. Những đoàn xe nhà binh che đậy bít bùng, từng đoàn đang chạy vội vã, vang dậy tiếng còi inh ỏi, thúc dục. Cảnh sát, lính địa phương từng tốp xuôi ngược theo dòng người dọc hai bên đường, mắt gườm gườm, quan sát sẵn sang cho mọi bất trắc. Gói mười ổ bánh mì Sài-gòn, được tôi treo cẩn thận trước khi quảy chiếc túi vải xuống xe. Đây là món không thể thiếu mỗi lần tôi về thăm nhà.Bánh mì ở đâu cũng có, vậy mà phải là bánh mì Sài Gòn mới được.Quà cho nhà, cho bà con chòm xóm. Mẹ tôi nói, bánh mì Sài Gòn ăn không cũng ngon. Tôi thì không thấy như vậy. Bánh mì Sài Gòn hay bánh mì Vĩnh Long, Cái Bè tôi ăn cũng thấy như nhau! Mẹ và bà con quê nội nói, chắc tại tôi ăn bánh mì Sài Gòn mấy năm nay nên quen miệng, không thấy khác. Chứ thật sự, bánh mì Sài Gòn rất đặc biệt, có mùi thơm và độ giòn rất là Sài Gòn, chỉ có bánh mì Sài Gòn mới có. Tôi tin mẹ và bà con quê nội nói đúng. Ly cà-phê và cái bánh tiêu hồi sáng sớm vẫn còn no bụng. Thôi thì đợi trưa tới Vĩnh Long ăn luôn trước khi xuống đò về nhà nội... Những chuyến xe về quê cuối năm người đông như nấm, đi bộ phải lách phải luồn mới không đụng vai chạm tay. Dưa hấu màu xanh thẳm, bóng lưỡng chất đống dọc hai bên đường.Rồi thì mứt, đủ loại đủ màu, bày cùng khắp trong bọc, trong những hộp bao giấy kiếng thật đẹp và bắt mắt. Tiếng mời mọc, nỳ nèo giá cả, tiếng cười nói rộn ràng một không khí Tết gần kề. Đó là chưa kể mùi hủ tiếu, cháo lòng, mùi thịt nướng thơm lừng... quyện kín cả vùng. Tôi thương vô cùng không khí cuộc sống hai bên bờ phà Mỹ Thuận, bận về cũng như bận đi. Có cái gì đó bịn rịn quê nhà khi sang phà, trước khi vào Sài Gòn. Có cái gì rộn ràng cho nửa đoạn đường gần quê nhà hơn, khi bước chân lên chuyến phà qua bên kia bờ chờ đợi. Tôi sẽ thấy hình dáng của mẹ gần hơn.
Tiếng còi xe vang dậy, kềm theo từng đoàn người tất bật ngược dòng. Chắc phà vừa cập bến. Tôi thấy hơi khát, định ghé vào mua một bọc nước mía cầm theo. Chợt đâu văng vẳng trong tiếng ồn ào, náo nhiệt của bến phà vang lên tiếng đàn với nhịp điệu quen tai. Tôi khựng người, lắng nghe. Tiếng đàn gần, gần dần và quyện trong tiếng hát giọng nữ ngọt buồn:
“... Mưa ơi! Mưa ơi!
Mưa gieo sầu nhân thế
Mưa nhớ ai,
biết người thương có còn nhớ hay quên
Riêng ta vẫn u hoài
Đêm đêm tiếp đêm nhớ mong người
Đã cách xa...” (2)
Người con gái dáng gầy gò, chiếc áo màu xanh đậm bạc màu, một tay cầm chiếc nón lá rách vành, tay kia cầm chiếc gậy theo sau là người đàn ông ôm đàn thùng, đeo kiếng sậm đen. Tiếng hát ngân dài dịu vợi, bơ vơ trong tiếng ồn ào, nhộn nhịp bao cuộc đời xuôi ngược chung quanh. Vài người khách bộ hành dừng lại nhìn cô gái, rồi bỏ vội vào chiếc nón lá rách vành những tờ giấy bạc vô tình. Âm vang cuối cùng của bài hát đã dứt, khoảng lặng yên như xô đẩy dòng người dòng đời náo nhiệt hơn lên. Tiếng từng phím đàn lại rão lên một bài hát khác. Người con gái ngẩn mặt lên, dưới mái tóc bồng bềnh biếng chảy là đôi mắt, đôi mắt u hoài như chẳng nhìn ai, sao xé thịt da người. Đôi môi tuổi xuân thì, cũng phơn phớt hồng cất giọng, bất chấp gian truân hằn sâu trên khóe mắt:
“Mưa rừng ơi, mưa rừng!
Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên
Phải chăng mưa buồn vì tình đời
Mưa sầu vì lòng người
Duyên kiếp không lâu...” (3)
Tiếng hát thơ ngây sao vọng nỗi u hoài trong không gian rộn rã vây quanh. Tiếng hát như bóp chặc mỗi nhịp đập tim tôi, giữa mùa gió trở. Tiếng còi xe bất chợt kéo tôi về thực tại. Chuyến xe tôi đang chuyển bánh về phía bến phà. Tôi móc vội những tờ giấy bạc trong túi, những tờ giấy bạc dành dụm suốt năm dạy kèm trong đáy xách vải. Đi nhanh về phía tiếng hát, tôi bỏ tất cả nắm giấy bạc và cả tấm lòng mình vào chiếc nón lá rách vành. Tiếng hát bất thần im bặt giữa nhịp đàn. Dưới đôi chân mày đen rậm, ánh mắt ngưởi con gái thoáng kinh ngạc, chút bừng vui. Tôi quay đi nhanh, chạy theo chuyến xe hướng về phía trước. Trong bước chân vội như trốn, tôi chợt ngoái đầu lại tự dưng, để bắt gặp lại đôi mắt thoáng hiện nụ cười cuối khóe nhẹ tênh... Chuyến phà rời bến, thổi hơi nước trong khứu giác tôi rộng mở. Tôi muốn la to lên niềm hạnh phúc vỡ bờ. Tôi cũng quên mất, trong người tôi trống rỗng, không còn gì cả. Không tiền để ăn trưa, không tiền cho chuyến đò về nhà nội. Mà cần gì, trong tôi đang căng đầy hạnh phúc; căng đầy mọi nỗi niềm, đầy ấp ánh mắt, bóng hình của người con gái hát dạo ở lại bên kia bến phà Mỹ Thuận.
*** *** ***
Rất nhiều năm, nhiều năm sau nầy, trên chuyến xe về thăm lại quê nhà, tôi nói với người lái xe dừng lại dưới chân cầu Mỹ Thuận. Thời gian không ngừng lại chờ ai. Cuộc sống không ngừng trôi trong mọi kiếp người hữu hạn. Tóc tôi đã bạc màu năm tháng. Đất nước, quê hương tôi vẫn đang thay đổi "chóng mặt" từng ngày. Trước mắt tôi là hiện tại. Những gì tôi nhớ, tôi muốn tìm là quá khứ, là những vùng ký ức chìm sâu. Dọc hai bên đường là những công trình đang xây cất, là những tấm bảng quảng cáo đầy màu sắc của hôm nay. Thỉnh thoảng có vài tán dù bày bán những chai nước uống, bánh trái lẻ loi. Chân cầu Mỹ Thuận đã hiện ra phía trước. Chiếc xe chậm lại, người tài xế trẻ quay qua tôi:
-Đây là điểm gần nhất em có thể dừng xe cho chú.
Đó là một trạm xăng Petrolimex. Bên hông trạm xăng, phía ngoài là một quán ăn nhỏ. Chiếc xe dừng và tắt máy trước cửa quán. Tất cả lục đục xuống xe, bà xã tôi nói:
-Mọi người vào quán uống nước, để ông ấy đi chụp vài bức ảnh.
Quá quen tính bốc đồng, cũng như những cảm xúc riêng tư, bà xã rất tôn trọng giây phút “một mình” của tôi. Đi dọc theo lối cỏ ven đường, tôi đã nhìn thấy những sợi cáp treo của cầu Mỹ Thuận. Đã thấy xa xa mặt nước sông Tiền nâu sậm và mùi hơi nước thoảng trong gió lùa. Cảnh vật không còn chút gì để nhận ra, nhưng bầu trời vẫn xanh với từng cụm mây trắng lơ lững như ngày nào. Và hương vị, cái hương vị của quê tôi cũng không hề thay đổi. Mùi hanh hanh của nắng, mùi ngây ngây của hương đồng cỏ nội, mùi hơi nước nồng tênh phả vào từ phía ven sông. Mùi vị mà không bất cứ vùng đất nước nào tôi đã sống, đã đi qua có được. Mùi vị của quê hương tôi! Mỗi bước chân tôi như đang đi ngược về quá khứ. Ánh mắt tôi như chợt nhạt nhòa những hình bóng của ngày xưa. Những chuyến phà ngang, những dòng đời xuôi ngược và... một ánh mắt. Ánh mắt của tiếng hát một đời tôi cứ hệ lụy, cưu mang. Họ là ai? Người con gái hát dạo ngày đó là ai? Tên gì? Hay cũng chỉ là một cái tên trên đường đời muôn vạn nẽo. Về đâu, hởi người con gái một lần tôi gặp giữa trời miên viễn? Họ còn hay mất, có ai nghĩ đến, đoái hoài? Người con gái ngày nào có còn nhớ đến tấm lòng, tôi đã bỏ lại trong chiếc nón lá rách vành một chuyến qua sông? Buổi chiều rơi nhè nhẹ, như vẳng lại đâu đây tiếng hát mơ hồ, hư thực.Tiếng hát của ai? Tiếng hát tôi tâm tưởng hay tiếng người con gái hát dạo ngày xưa của bến phà Mỹ Thuận:
“... Mưa rừng ơi! Mưa rừng
Tìm đâu hởi ơi bóng người xưa
Mỗi khi mưa rừng về muộn màng
Bóng chiều về dần tàn
Lòng thương nhớ nào nguôi...” (3)
Durham, North Carolina
-
The Sound of Silence - Paul Simon
-
Lạnh Trọn Đêm Mưa – Huỳnh Anh
-
Mưa Rừng – Huỳnh Anh