Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
926
123.136.810
 
Đọc lại “Vòng tay học trò” sau sáu mươi năm tác phẩm ra đời
Hoàng Thị Bích Hà

 

(Ảnh: Nguyễn Thị Hoàng lúc trẻ )

 

 

Vòng Tay Học Trò là tác phẩm tiêu biểu của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng, được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa năm 1964. Tác phẩm được công chúng nồng nhiệt đón nhận và theo đó cũng hứng nhiều luồng ý kiến khác nhau, càng làm cho tác phẩm nổi tiếng hơn. Chính vì vậy, từ khi xuất hiện, tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn, làm xôn xao dư luận trong giới chuyên môn và công chúng độc giả, Hàng chục năm sau, lúc chúng tôi còn nhỏ, chưa đọc tác phẩm đã thuộc tựa đề vì Vòng Tay Học Trò gắn liền với tên tuổi tác giả. Nói đến Nguyễn Thị Hoàng người ta nhớ đến Vòng Tay Học Trò.

 

 Năm 1966, Vòng Tay Học Trò (Nxb Kim Anh) Xuất bản lần thứ nhất 5.000 cuốn. Sách bán chạy, đã tái bản bốn lần. Bẵng đi một thời gian, năm 2021 được Nhã Nam tái bản và vẫn được công chúng đón nhận với tất cả niềm yêu thích dành cho tác phẩm này.Vì sao tác phẩm có độ hót cách đây 60 năm khi mới ra đời, và bây giờ vẫn thu hút đến vậy?

 

Điểm qua vài nét về nữ văn sỹ Nguyễn Thị Hoàng, bút danh khác Hoàng Đông Phương sinh năm 1939 tại Huế, học trung học Đồng Khánh Huế. Năm 1956 theo gia đình vào Nha Trang học trường Võ Tánh. Năm 1960, học đại học Văn Khoa, đại học Luật khoa tại Sài Gòn, 1962 lên Đà Lạt dạy học. Năm 1963, bà về Sài Gòn và viết tác phẩm Vòng Tay Học Trò. Phải nói rằng Nguyễn Thị Hoàng đã thổi một luồng gió mới, cho văn học miền Nam thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Bởi bà dám bứt phá vượt ra khỏi cái truyền thống gò bó, lễ giáo trong đường mòn của văn chương trước đó. Bất chấp khen chê, dám sống thật với lòng trên từng trang viết. Nữ văn sĩ cũng đủ bản lĩnh để đương đầu với sóng gió dư luận. ,… Trong giai đoạn đó, thật ra thì tình yêu học trò với thầy cô giáo từ chỗ mến mộ, đến mê say rồi… yêu so với thời 1963- 1964, chắc chắn không phải không có. Nhưng chưa có ai dám viết ra. Chỉ có Nguyễn Thị Hoàng đi tiên phong. Đó là sự dấn thân táo bạo của người điều khiển con chữ có đầu óc tân tiến, tiếp cận sớm với tư tưởng tiến bộ Tây Phương (mà trực tiếp có lẽ là ảnh hưởng của văn học lãng mạn của Pháp), chủ nghĩa hiện sinh và ngòi bút tài hoa của bà. Trước khi bà viết văn thì bà đã là nhà thơ. Vì thế trong truyện Vòng Tay Học Trò cũng đầy chất thơ.  Tác phẩm gồm 11 chương, kể về câu chuyện tình ngang trái của cô giáo Tôn Nữ Quỳnh Trâm (gốc Huế - nơi lễ giáo nghiêm khắc) với học trò Nguyễn Duy Minh. Bối cảnh không gian ở thành phố Đà Lạt mù sương.Thời gian chỉ gói gọn trong vài tháng. Trước đó cô sống ở Sài Gòn hoa lệ. Rồi như bước vào một lối rẽ mới, Trâm rời Sài Gòn lênThành phố Đà Lạt mù sương, tìm an yên với nghề dạy học. Số phận đưa đẩy cậu học trò Duy Minh gặp gỡ cô giáo Quỳnh Trâm. Và việc gì đến đã đến, Không còn bình yên nữa mà thay vào đó  là những đợt sóng tình phủ xuống hai trái tim đang hừng hực sức sống. Cô giáo trẻ với: “vẻ đẹp ngày xưa còn đó. Tâm hồn dạt dào khao khát yêu đương còn đó”. Cô rời Sài Gòn để đến với Đà Lạt như một sự “Lẩn trốn những đòi hỏi xôn xao của chính mình, của một bản chất sôi nổi thèm sống, thèm yêu đến tột cùng, đến vô bờ vô bến.” Tâm hồn đa cảm, cô mở lòng đón nhận tình yêu theo tiếng gọi con tim. Duy Minh là cậu học trò mới lớn với nhu cầu trải nghiệm về nhiều mặt trong đó có cả tâm sinh lý.  Tình yêu và những dằn vặt của diễn biến tâm lý, trên mỗi câu từ, trang viết đều lôi cuốn độc giả. Câu chuyện tình đi từ thiên đường hạnh phúc đến đớn đau đổ vỡ. Nguyên nhân vì đâu:  "Em nói dối một lần”. Tình yêu không chấp nhận dối lừa, để rồi phải mất nhau tronh đớn đau và nuối tiếc, day dứt cả một đời. Lời của nhân vật Minh: "Em nói dối một lần. Cô giết em một đời, cô biết không?". Những lời thoại của nhân vật có tính triết luận là tăng thêm sức hút của tác phẩm. Khởi đầu: cô giáo Trâm bình yên  trong cuộc sống mới ở Đà Lạt, chỉ có tình cảm trong sáng đơn thuần của tình cảm cô trò. Với ngôn ngữ rất Huế, cô nhận xét về trò bằng góc nhìn sắc sảo trải đời. “Tướng con lấc cấc ham chơi chứ không phải cây gạo đâu mà bảo tìm chỗ tu luyện. Hai bàn tay trắng trẻo, thuôn thuôn từng ngón như thế là điệu con nhà giàu quen thói ăn chơi rồi. Lại khuôn mặt nữa. Cặp mắt nhanh như chớp, đôi môi hồng cứ nghếch nghếch chực cười chực nói ấy là cây đấu chuyện, gây lộn và ăn quà đấy nhé!”  (chương 1).

 

Giai đoạn tiếp theo, học trò và cô giáo đã vướng vào chữ Tình. Phần kết của câu chuyện là cô trò chia tay trong đau đớn dằn vặt và nuối tiếc mang trong mình những vết thương ngọt ngào và rỉ máu. “Trong hồn Trâm lúc đó là cơn đau thức tỉnh, vết thương mở lớn và mỗi khắc nhìn nhau giữa người đàn bà, gã con trai là một nhát dao chém lún xuống lòng Trâm thì thào tuyệt vọng.” (chương kết)

Trong văn bản có những từ “ bất chấp”, “ liều lĩnh” trở đi trở lại vài lần như để nhấn mạnh vừa là từ dùng để miêu tả tính cách của nhân vật, của tiếng nói con tim vừa là sự đột phá trong tư tưởng của nhà văn. Muốn thoát ra khỏi “cái cũ”, thì phải dũng cảm vượt rào và dĩ nhiên không tránh khỏi những kỳ đà cản mũi của xã hội thời bấy giờ. Muốn vượt qua mọi sự ngáng trở thì phải, liều lĩnh và bất chấp. Dám sống cho mình, nghe theo lý trí của của mình thì mới có tư duy sáng tạo làm nên cái mới.

 

Nội dung tác phẩm còn đề cập về những vấn đề nhức nhối, những rào cản khác của cuộc sống, và những phiền nhiễu xảy ra trong các mối quan hệ xã hội, môi trường công việc. Môi trường dạy học vẫn còn nặng về lý thuyết và những nguyên tắc có phần khuôn sáo của nền giáo dục đương thời. Sau 60 năm ra đời mà tác phẩm đề cập những vấn đề họp hành, giáo điều ở trường học kèm theo những vụn vặt hăm he phe phái đâu đó cách nay chưa xa và cả ngày nay vẫn còn đó tính thời sự. Những buổi họp nặng nề, không đơn thuần bàn về chuyên môn mà còn kèm theo những vấn đề rắc rối khác trong các mối quan hệ xã hội len lỏi vào môi trường học đường, hãy xem lại đoạn nhà văn miêu tả không khí buổi họp hội đồng:  “Buổi họp sẽ tái nhóm giờ cuối cùng mỗi buổi sáng thứ ba hàng tuần. Những khuôn mặt này lại nhìn nhau, thông cảm hay hằn học, dò xét hay biểu đồng tình. Công việc được lập lại đều đặn như những cái nan quay tròn quanh trục bánh xe. Người này mừng sinh đứa con đầu lòng, kẻ khác vui sướng với chỉ số lương vừa tăng, kẻ nọ hân hoan được nhận dạy thêm một số giờ ở lớp khác. Hình bóng cuộc đời phảng phất thường xuyên trong những cử chỉ, những lời nói, những nét mặt đó. Còn Trâm, chơ vơ và lạc loài không bè phái, không bầu bạn, không gì cả, như người bị lưu đày trong một hành tinh riêng biệt. Cho nên xa cách ngay từ khi gần gũi. Biết bao nhiêu dặm đường thời gian biền biệt giữa Trâm với các người kia một ngày xa khuất nơi đây.”(chương 10)

 

Tác phẩm là sự “nổi loạn” bứt phá với  tiếng kêu bức bách đòi đổi mới, đòi bước ra khỏi những ràng buộc giáo điều. Những quy tắc lề lối xưa đã ăn sâu vào cách nghĩ, cách sống của tư tưởng thâm Nho hàng thiên niên kỷ được đưa lên bàn cân để xem lại, hướng đến tính nhân bản, nhân văn. Không theo kịp thì ít ra cũng không quá lạc hậu so với văn minh tiên tiến của  nhân loại đương thời.

Vòng tay học trò hay bất kỳ tác phẩm nào khi ra đời dĩ nhiên không tránh khỏi những dư luận khen chê. Tác phẩm nào gây xôn xao nhiều thì tác phẩm đó nổi tiếng vì có gì đặc biệt mới được quan tâm nhiều như vậy. Những năm của thập niên 60,  xã hội chưa thoát ra khỏi vòng kiêm tỏa của luân lý giáo điều thì không dễ được chấp nhận khi dám đề cập đến vấn đề xem như cấm kỵ về quan hệ thầy trò, mối tình giữa học trò và cô giáo được xem như chuyện “động trời”. Người thầy, người cô mô phạm, xuống khỏi bục giảng họ cũng là người bình thường, là phụ nữ, hay nam giới đến tuổi đương xuân vẫn có nhưng rạo rực khát khao của tình yêu đôi lứa. Nhưng thử hỏi trong thực tế có thầy giáo trẻ, cô giáo trẻ rung động trước một bóng hinh cô cậu học trò ở độ tuổi trung học phổ thông không? Chắc chắn là có. Bởi vì ngoài trật trự thứ bậc của ngôi vị cô trò (thầy trò) thì họ cũng là những nam nữ đang ở độ tuổi thanh xuân, và rung động của con tim vẫn là điều khó tránh khỏi. Nhưng mấy ai đã dám thừa nhận điều này trước Nguyễn Thị Hoàng ở Vòng Tay Học Trò? Ở thời điểm đó và vài năm sau đó còn bị xem là có vấn đề về đạo đức. Họ cho rằng khó tránh khỏi tác hại từ sách nếu giới trẻ đọc rồi cuốn theo tiếng gọi thôi thúc thử nghiệm. Trò nam thanh lịch, ngoan, khi bước vào độ tuổi trưởng thành thì cũng là đàn ông với những khát khao yêu đương của thôi thúc khám phá và trải nghiệm. Trước những thứ lớp trật tự của xã hội, nhân vật cũng từng ý tứ và rất dè dặt nhưng rồi cái gì đến sẽ đến.

 

Trong suốt tác phẩm là phong cách ứng xử, lời thoại chừng mực, tôn trọng- lễ phép lịch duyệt giữa các mối quan hệ gia đình, cô trò, đồng nghiệp trong từng câu chữ diễn ra thường ngày trong cuộc sống. Trong tác phẩm không hề đề cập gì đến cảnh Sex, người đọc tự hiểu, tự đắm mình với những đoạn tả cảnh, tả người, phân tích diễn biến tâm lý của các nhân vật để chiêm nghiệm câu chuyện tình yêu. Tư tưởng mới mẻ trong quan niệm văn chương của Vòng Tay Học Trò được giới chuyên môn và công chúng quan tâm bởi giá trị nội dung và nghệ thuật đích thực của một tài năng văn chương.  Sau bà đã có nhiều tác giả đã kế thừa, thi pháp Vòng Tay Học Trò, để đề cập vấn đề tình ái và ngày càng bạo dạn hơn,  cồn cào da thịt hơn. Mô tả đúng bản chất như tình yêu vốn có. Bởi vì con tim vẫn có lý lẽ riêng của nó. Yêu là bất chấp, là liều lĩnh là có thật.

Tuổi trẻ chúng tôi đọc Vòng Tay Học trò vì sự đột phá khác lạ với truyền thống. Bởi câu chuyện đầy màu sắc của tình yêu, hạnh phúc và khổ đau với diễn biến tâm lý nội tâm rạo rực đam mê và giằng xé. Đọc sách để “khôn” ra, đôi khi cũng là cách trải nghiệm chuyện tình qua sách.

 Nếu lúc trẻ tuổi chúng ta đọc tác phẩm, tuổi trung niên đọc và những năm sau nữa tiếp tục đọc lại, đi qua những trải nghiệm của cuộc đời, chúng ta sẽ tiếp nhận tác phẩm ở góc độ chín chắn hơn, có chiều sâu hơn, và thậm chí là khác với những lần đọc trước đó trong cùng một tác phẩm. Sự nhìn nhận tác phẩm cũng biến thiên theo thời gian.Vì vậy tác phẩm có nhiều góc nhìn từ các giới, các lứa tuổi, ở các mốc thời điểm khác nhau. Theo thời gian càng về sau, tác phẩm càng  được người đọc và giới chuyên môn nhìn nhận đúng hơn, chạm đến gần hơn những giá trị đích thực vốn có của tác phẩm.

 

Hãy nghe tác giả tâm sự:“Truyện mình viết thường là truyện tình bế tắc và đi xuống. Trong đó những vai nữ bao giờ cũng khát khao đi tìm một đời sống thật của mình, nghĩa là tìm kiếm chính mình. Những nhân vật nữ lang thang bất định, và xa rời với phận sự gia đình. Chất liệu lấy từ những năm bất ổn lênh đênh trong cuộc đời đã qua của mình, đôi khi được ráp nối với những câu chuyện thời sự, cộng với một phần tưởng tượng, phóng tác, vẽ vời... rồi ráp thành chuyện. Không biết bên đàn ông thì sao, chứ cánh đàn bà thường mắc phải cái này là có những nét của nhân vật hoặc chính, hoặc phụ, thế nào cũng hắt bóng cá tính thói quen, đường nét và vóc dáng của tác giả.( Nguyễn Thị Hoàng)

Đọc đoạn văn bà phân tích tâm lý nhân vật, tả cảnh ngụ tình chỉ vài dòng cô đọng đã lột tả được sự day dứt đau đớn của đổ vỡ nghe nhói tận buồng tim người đọc:

Trâm nằm sấp xuống nệm, úp mặt vào cánh hoa hồng, một chiếc gai nhọn đâm vào má Trâm như một mũi kim sắt. Lịm người trong cái đau nhói truyền khắp những mạch máu đường gân, đầu Trâm gục xuống, đôi môi mím chặt cuống hoa hồng lởm chởm gai. Và nước mắt nàng lặng lẽ dâng lên, ướt đầm những cánh hoa tơi tả…”

Cuối tác phẩm là đoạn kết chuyện tình với những đoạn văn, những câu văn tài hoa tả cảnh tả tình hay đến nhức buốt tim gan: “Tôi chọn em làm đối tượng một đoạn đời ngắn ngủi. Từ đêm em đi là hết. Là hết. Những đoạn đời kế tiếp của em không thuộc về tôi nữa. Tôi không chấp nhận sự biến hình phản bội đó. Em đã hủy hoại ảo tưởng trong hồn tôi nâng niu để trở thành kẻ khác. Em trở lại là em những ngày tháng cũ trước ngày em đến đời tôi.”

Hình ảnh tương lai lãng đãng yêu ma vừa thoáng đến đã thoắt biến đi rồi. Mớ tóc nàng xõa dài như một dòng sông đêm. Không một chuyến đò ngang dọc trôi về. Lềnh bềnh những vết hôn kỷ niệm, những khoắc khoải chờ mong. Và bao nhiêu cơn gió lốc. Bây giờ thôi hết. Chỉ còn bọt sóng tan lao xao. Tiếng chuông reo vi vút ở phương nào khuya khoắt, linh hồn rã mục như một cánh buồm sau bão táp gục xuống và chấm dứt.” (chương kết)

Có những lời thoại đầy tính triết lý:

“- Một hòn sỏi làm ngã được cỗ xe, em biết không?” (Chương 11)

“Như lá trên cành, không đủ diệp lục tối nữa, úa vàng và tự rơi rớt xuống. Trong tình yêu, phấn đấu, hay bình diện nào của cuộc đời, mỗi người đều vâng chịu một định mệnh cơ đơn. Điều mình nhận được của tha nhân nhiều hay ít, tùy ở chất liệu mình dâng trao gửi gắm. Tự ý em đã lìa xa khỏi vùng hào quang ảo tượng của tôi bằng một lần dối trá, một chuyến tách rời. Từ nay tôi lạ em. Chỉ còn kỷ niệm. Kỷ niệm phảng phất sau lớp sương mù ảo vọng.”( chương 11)

Vòng tay học trò là một tác phẩm, tiêu biểu cho môt trào lưu mới trước hết vì tư tưởng thẩm mỹ của nhà văn, vẻ đẹp của nội dung và giá trị nghệ thuật đặc biệt của nó, xứng đáng tác phẩm được xếp vào hàng quan trọng của giai đọanVăn học miền Nam Việt Nam 1954-1975.  Nó gây chú ý không phải chỉ vì việc làm xôn xao dư luận, mà còn đem lại giá trị đích thực và được đông đảo công chúng đón nhận, Minh chứng  là xuất bản lần thứ nhất 5000 cuốn và đã tái bản bốn lần để đáp ứng nhu cầu. Tác phẩm cũng được giới chuyên môn soi chiếu từ nhiều năm nay bằng nhiều góc nhìn, nhiều ý kiến:

Người thì cho rằng Vòng Tay Học Trò là một tác phẩm có vấn đề đạo đức, phá vỡ trật tự quan hệ thầy trò, người cho rằng bà là cây bút số Một của tình yêu, có người nhìn nhận Nguyễn Thị Hoàng là một cây bút  hiện sinh.

Vòng Tay Học Trò và nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng rõ ràng theo khuynh hướng chủ nghĩa hiện sinh với chiều sâu trí tuệ của mình, phản ảnh hơi thở của thời đại bà đang sống, đã làm xong sứ mệnh lịch sử văn học của mình ở giai đoạn văn học đó, để rồi nhiều thập kỷ, sau ai muốn khám phá, muốn tìm hiểu thời cha ông mình, thế hệ trước  sống như thế nào, đã yêu, bất chấp nghịch cảnh và dám nói thật lòng mình ra sao? Nhất là tiểu thuyết tình yêu với bối cảnh xã hội thời tác phẩm ra đời, trước khi mình xuất hiện trong cuộc đời này thì Vòng Tay Học Trò như một món quà tặng bất chấp thời gian.

Chúng ta không thể lấy góc soi chiếu của 60 năm sau mà đánh giá tác phẩm cho công bằng được, phải lùi về thời gian đó để nhận xét, mới thấy hết sự tài hoa, lòng can đảm của cây bút nữ “ nổi loạn” này. Không phải từ tác giả xuât thân Hà Nội hay Sài Gòn- hai thành phố đô hội cởi mở đón nhận văn minh Tây phương. Mà là xuất thân từ xứ Huế nơi vốn êm đềm trầm tư mặc tưởng. Đó là điều quá đỗi bất ngờ phải không? Huế lặng lẽ thâm nghiêm, kín cổng cao tường, Con người Huế, tính cách Huế nhất là con gái Huế trầm lắng, khiêm cung và thường an phận lúc nào cũng dịu dàng e lệ. Ngày nay tính cách đó dần thay đổi để phù hợp với nhịp sống hiện đại.

 

Quay lại mối tình học trò. Thật ra khi thầy cô giáo mới ra trường sau 5 năm cũng chỉ hơn trò dăm bảy tuổi, so với học sinh trung học phổ thông thì không lớn hơn bao nhiêu. Thực tế có những cặp vợ chồng, vợ hơn chồng bảy, tám tuổi thậm chí có những trường hợp hơn cả con giáp 12-14 tuổi nếu hợp nhau, họ vẫn sống hạnh phúc đấy thôi! Hơn 60 năm trước mà nữ sĩ Nguyễn Thị Hoàng, từ ngồn ngộn thực tế của cuộc sống, qua cảm quan nghệ thuật, kết hợp với những trải nghiệm bà đã dám phản ánh một hiện thực rất đời. Người đọc có cảm giác đã gặp ở đâu đó hoặc đã trải nghiệm qua. Cuộc sống vốn thế, tình yêu vốn thế! Từ đó người đọc có thái độ ứng xử cho phù hợp. Không né tránh, không núp dưới lớp vỏ đạo đức, giáo điều để sống giả tạo. Tuy nhiên thời nào cũng vậy, những mối tình ngang trái chuốc lấy khổ đau nhiều hơn vì tình yêu chưa đủ lớn (của một phía nào đó)  không vượt qua rào cản. Tác phẩm chỉ cho thấy chuyện tình là có thật, nhung không bền, dĩ nhiên cũng không khuyến khích ở môi trường học đường cứ yêu, cứ lấy, không phải. Tùy theo tiếng gọi con tim khi tình yêu đủ chín. Sống bên nhau nếu cần nhau chỉ thế thôi! Như vậy Nguyễn Thị Hoàng với một cách nhìn mới mẻ, đầy nhân bản như thế, giới tiếp nhận cũng đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để khen chê. Dù những luồng ý kiến trái chiều đi nữa thì người đời cũng phải công nhận tài năng của bà.

Sự đổi mới, vượt rào về tư tưởng mà được viết ra từ cây bút nữ giới lại xuất thân từ cố đô Huế là một điều bất ngờ. Từ ngỡ ngàng ngạc nhiên rồi công nhận khả năng sáng tạo của một tài năng văn chương, một đóng góp cho nền văn học Việt là điều không thể phủ nhận. Hành văn mượt mà, ngôn từ trau chuốt, giàu sức biểu cảm mà lại được bà viết nhanh, viết khỏe. (viết tiểu thuyết này chỉ trong vòng một tháng).Viết không cần dò lại. Ngòi bút bà say mê, với một vốn ngôn từ phong phú, đầy vẻ hàn lâm so với các tác phẩm đương đại, mới mẻ hiện nay. Đó là tài năng đích thực mà lớp hậu thế như chúng tôi thật lòng ngưỡng mộ.

 

60 năm đã trôi qua tính từ khi ra đời, tác phẩm vẫn neo lại trong trong lòng người đọc bởi vẻ đẹp và tính đột phá của nó.  Đến nay dư âm tác phẩm vẫn chưa thôi khắc khoải. Nghiên cứu văn bản, người đọc có thể khám phá ra nhiều tầng nghĩa của câu chuyện để chiêm nghiệm, suy ngẫm và có cái nhìn cảm thông thấu hiểu trước những cảnh đời trong  cuộc sống. Đến với tác phẩm là đi vào thế giới nội tâm của nhân vật mà nhà văn ký thác gửi gắm ở đó hàm lượng tri thức, Vẻ đẹp văn phong, vẻ đẹp ngôn từ và qua khả năng quan sát tinh tế của nữ văn sĩ, trí tuệ và đài các đã rung động bao trái tim người đọc nhiều thế hệ. Tất cả nhờ tài năng của tác giả. Vì vậy đã có lượng độc giả lớn thưởng lãm. Rất nhiều cây bút phê bình xưa và nay vẫn đang  hướng đến áng văn này. Càng nghiền ngẫm tác phẩm, càng phát hiện ra những điều thú vị.  Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng  vẫn có sức hút huyền diệu và bí ẩn, hấp dẫn người đọc và nghiên cứu, tiếp tục đi vào thế giới ngôn từ để khám phá những lớp nghĩa tiềm ẩn của nội dung lẫn vẻ đẹp nghệ thuật. Khám phá vẻ đẹp của văn chương là điều mà người đọc và nghiên cứu không ngừng khát khao vươn tới. Bài viết xin trình bày một  góc nhìn với Vòng Tay Học Trò. Trân trọng những đóng góp quý báu của nhà văn tài năng Nguyễn Thị Hoàng với nền văn học Việt Nam. Những gì nhà văn cưu mang trăn trở gửi gắm trong trang viết mãi vẫn còn ma lực cho những ai mến mộ văn phong nữ sĩ Vòng tay Học Trò.

 

 

 

Sài gòn ngày, 21/02/2024
 

 

 

 

Hoàng Thị Bích Hà
Số lần đọc: 427
Ngày đăng: 11.03.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cùng đi tìm bản ngã của người thơ họ Đặng - Nguyễn Tiến Nên
Xuân tình trong tình Xuân - Đặng Ngọc Như
Nhân ảnh – một thiên truyện hấp dẫn - Hoàng Thị Bích Hà
Thơ Nhã Ca, một vài tư liệu nhỏ - Nguyễn Lệ Uyên
Nhã Ca, người đàn bà nào cũng đẹp - Nguyễn Đức Tùng
Nhà Văn Nguyễn Đình Toàn - Nguyễn Vy Khanh
Đọc thơ tình của một người lính cũ - Hoàng Thị Bích Hà
Tứ tuyệt tình trong thơ Đoàn Quân - Đặng Ngọc Như
Lâm Thị Mỹ Dạ, thơ là cái đẹp - Nguyễn Đức Tùng
Về với Kinh Bắc qua văn truyện của Trần Thanh Cảnh - Hoàng Thị Bích Hà
Cùng một tác giả
Chị Xíu của tôi! (truyện ngắn)
Anh tôi! (truyện ngắn)
Chủ nghĩa cưới vợ (truyện ngắn)
Nước tràn ly (truyện ngắn)
Giận kẻ bạc tình (truyện ngắn)
Đời là thoáng chốc (truyện ngắn)
Chú Nghĩa cưới vợ (truyện ngắn)
Bông cúc xanh (truyện ngắn)
Nhảy tàu (truyện ngắn)