Đọc 460 trang sách với 260 bài thơ của 132 tác giả. Không phải đọc cho vui mà suy ngẫm cân phân rồi viết, quả thật là gánh nặng là việc làm khổ sai... Tôi nhận gánh nặng này như một bổn phận. Bởi lẽ hơn hai mươi năm rồi tôi là người miền Tây, là thằng Nam Kỳ nói giọng Bắc như bạn bè vẫn gọi. Bởi lẽ cơm trắng cá tươi hóa máu thịt tôi rồi. Không thể không viết về bạn bè mình, tôi chỉ e rằng không đủ tài để nói hết cái hay cái đẹp của tập thơ nhiều giá trị này!
Đông bằng sông Cửu Long thơ, cái tên đặt thật khéo. Trước hết tôi muốn lựa ra, muốn nêu những nét tinh chất nhất của đồng bằng qua thơ:
Là nơi xưa ông cõng mẹ, dắt cha
Lúc đất chưa có tên, rừng đầy muông thú
Cha mẹ phồng tay đốt rừng dọn rẫy
Đêm ngủ không mùng, đau nhờ lá cây.
(Thơ viết ở Cạnh Đền-Phan Trường Giang)
Đấy là mấy nét lý lịch trích ngang của xứ U Minh, nơi muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lôi lềnh bánh canh. Hơn 300 năm trước, những lưu dân người Việt tới đây. Học ở dân Khmer cách làm nhà cao cẳng, người Việt sáng tạo ra chiếc phảng phát cùng lối canh tác phát cấy nơi đất sình lầy. Khi đất đã thuộc thì mỗi độ cuối năm, gió chướng se se hanh hao, đất đã chịu chân, người nông dân phát cỏ dọn ruộng chuẩn bị cày. Lúc này lửa đốt đồng nổi lên, những cột khói gần xa bay bâng khuâng vương vấn. Khói xanh cay khét nhưng lại ngòn ngọt vị mật mía. Mùi khói đốt đồng trở thành nỗi nhớ ám ảnh. Nhà văn Ngô Khắc Tài có truyện ngắn Nhớ khói đọc thật gợi cảm. Khói đốt đồng đã thành thơ:
Ai đốt đồng chiều để khói bâng khuâng
(Khói nhơ - Võ Minh Đường)
Và
Lửa đốt đồng
Bập bùng như trong cổ tích
Không gian ngọt ngào hương mật.
(Đêm Tứ gác Long Xuyên- Hà Văn Thùy)
Đồng bằng sông Cửu Long còn là vùng đất biển với vịnh Rạch Giá, vịnh Thái Lan và ngoài xa là Thái Bình dương, với Đất Mũi Cà Mau lấn biển. Nơi ấy Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng thân thương trong ca dao. Và ta cũng gặp trong thơ Trần Ngọc Hưởng:
Đất bãi miền ven biển ấy
Mái dầm khua nước lớn ròng
Gió đưa đưa ai về rẫy
Mà thơm mặn vị mắm còng.
Và đây là một nét riêng của biển miền Tây:
Thị xã cặm chân xuống biển
Con nước rông xuồng bơi thẳng vô nhà
Chú ba khía rong chơi giữa phố
Lũ trẻ bên đường săn cá lia thia.
(Sống cùng Rạch Giá- Hà Văn Thùy)
Đấy chính là hồn vía của Rạch Giá, Cà Mau, nơi mặt trời lặn trên biển và con người hài hòa thân thiện với thiên nhiên.
Miền Tây còn là những mùa lũ. Lũ như số phận như định mệnh, tàn phá và đắp bồi:
Nhà ngói nhà tranh trở thành những con tàu neo trên biển cả
Những cây gáo cây tràm như "san hô xanh"
...
Khó có thể tìm ra giấc ngủ yên lành
Khi cá dưới lưng giường cứ chồm lên đớp móng.
(Chuyện bây giờ- Diệp Vàm Cỏ)
Và
Nơi cơn lũ tràn đồng trắng xóa
Len trâu đi suốt mấy ngày đường.
Lũ đồng bằng sông Cửu Long cũng là mùa bông điên điển, loại hoa đồng nội mong manh như vạn cánh bướm vàng chập chờn trên biển nước:
Năm nay mùa nước lũ
Điên điển còn như xưa
Thuở chống xuồng di trú
Hoa lót dạ chiều mưa
( Hoa điên điển- Mai Nhã Tú )
Đấy là cảnh miền Tây. Còn đây là người:
Bạn đón khách xa cởi phăng áo, dỡ chà
Lăn ngụp hả hê cá tôm vô số kể
(Lội bộ qua cồn- Trần Quốc Toàn)
và
Người phương Nam thì hay say trọn
Người phương Nam buồn thì buồn sâu
Nỗi nhớ cố hương còn chuếnh choáng
Văng vẳng ầu ơ, giọng ví dầu
(Người phương Nam- Vũ Hồng)
Với những nét chân dung phác thảo ấy, ta thấy hiện ra phong cách người Nam Bộ, hậu duệ của lưu dân, có chút gì đó ngang tàng nhưng nghĩa khí. Thể hành của bài thơ ở đây thật đắc dụng.
Đấy là những nét tiêu biểu nhất cho đất và người ở đồng băng sông Cửu Long khiến nó khác với nơi khác. Nhưng dầu sao, đồng bằng sông Cửu Long vẫn là đất nước Việt Nam. Những thuộc tính khác của con người Việt Nam cũng có ở miền Tây và được thể hiện đậm đà trong tập thơ. Đấy là tình yêu quê hương. Thu Nguyệt bộc lô tình yêu đằm thắm đến khắc khoải:
Tôi là con bé nhà quê
Quanh đâu xa cũng quẩn về bến sông.
( Tản mạn)
Đấy là tấm lòng hiếu thảo với cha ông, những bậc sinh thành:
Ta chắp tay hướng lòng thành nơi đó
Hai nấm mồ phía dưới có song thân
Ta chắp tay, hướng về nguồn, về cội
Phía dưới kia có bà nội ta nằm.
(Hỏi mẹ - Lê Thành Chơn )
Là tình cha con:
Mẹ xa rồi tính đã tròn năm
Bàn tay cứng đã quen dần mềm mại
Khúc hát ngày xưa à ơi mẹ dạy
Ngủ đi con bên ướt ba nằm
(Nắng phía sau - Lê Đình Bích)
Là tình chồng vợ:
Tình mình như bông tre
Lúc về già mới nở
( Bông tre- Vũ Hồng)
Cảm ơn nhà thơ Vũ Hồng. Thơ của anh là sự phát hiện. Anh đã đưa ra một so sánh tuyệt vời về sự tương đồng giữa hiện tượng thiên nhiên và tình cảm vợ chồng. Phát hiện ấy phải qua nhiều trăn trở quan sát và suy ngẫm. Cây tre chỉ nở bông khi già, khi sự sống gần kết thúc. Tình người cũng thế. Nó bùng lên ở tuổi già rồi xa mãi mãi... Chỉ ở tuổi nào đó người ta mới ngộ vì sao trai thương vợ nắng xế chiều hôm. Những câu thơ như thế khiến ta trân trọng nâng niu tình chồng vợ, nhất là ở tuổi xế chiều. Nhà thơ Vũ Hồng xứng đáng nhận bằng phát minh về sáng tạo thơ của mình.
Cũng như đất nước, đồng bằng sông Cửu Long đã lùi xa cuộc chiến tranh một phần tư thế kỷ. Nhưng nỗi đau mất mát vẫn chưa nguôi. Thơ miền Tây sâu đậm niềm đau ấy:
Xóm tôi vẻn vẹn hai mươi sáu ngôi nhà
Có mười sáu người đàn bà
Sau chiến tranh chồng không về nữa
...
Có mười sáu cuộc chiến tranh trong xóm còn âm ỉ!
(Có mười sáu cuộc chiến tranh- Nguyễn Trọng Tín)
Bao giờ cũng vậy, thơ là của tuổi trẻ, là của tình yêu. Trong Đồng bằng sông Cửu Long thơ, thơ của tuổi trẻ và tình yêu chiếm phần nổi trội. Điều thú vị trong tập thơ này là các nàng thơ yêu say đắm và táo bạo... Có thể nói, các nữ sĩ đồng bằng sông Cửu Long đã đóng góp đặc sắc cho thơ tình Việt Nam.
Đó là một Song Hảo với lòng yêu rộng mở bao dung:
Bao giờ anh đau khổ
Hãy tìm về với em
( Tâm hồn)
Là Huỳnh Thị Đằng chân thành gợi nơi ta sự cảm thông:
Ước gì anh biến được thành hai
Một bên em- một về với chị
Để em không như người có lỗi
( Khoảnh khắc bên mình)
Nhưng nỗi éo le của cuộc đời cũng tồn tại bất tận như bản thân cuộc đời. Người phụ nữ ở đây mắc cái vòng éo le ấy giống những người đàn bà xưa và sau nhưng người thơ ở đây không phải kẻ ích kỷ. Trái tim được yêu vẫn day dứt:
Oi khoảnh khắc- em giật mình trót lỡ
Lại nhủ lòng - xin hãy cố quên nhau!
Trước sự chân thành thế, trước tấm lòng còn trắc ẩn thế, ta không nỡ trách và chắc rằng Chúa cũng một lần thể tất chúng sinh.
Người đàn bà trong thơ Trầm Hương là con người biết hy sinh hết mình:
Vật kỷ niệm của người mẹ thân yêu đã không còn
Dấu chiếc nhẫn bệch bạc hằn trên ngón tay gầy
Chị nhìn anh mỉm cười không nói
Chính sự hy sinh cho tình yêu đã tạo nên tầm vóc vĩ đại tạo lập và cứu rỗi của người đàn bà:
Bàn tay của những người đàn bà si tình kia
Nâng Trái đất này
Tồn tại.
(Vết nhẫn trên ngón tay thiếu nữ)
Nhưng có lẽ đằm thắm nhất, quyết liệt nhất trong yêu là Đinh Thị Thu Vân:
Em sẽ đánh mất mình, riêng chỉ với anh thôi
Xin được mất để hồi sinh lần cuối
Hồi sinh đến tận cùng yếu đuối
Để tận cùng say đắm tận cùng yêu
(Sau cánh cửa)
Xin cảm ơn các nữ sĩ đồng bằng, các chị làm cho thơ đồng bằng thêm hay thêm đẹp, cho cuộc sống đồng bằng thêm thi vị và cho tôi thêm hiểu thêm thương người con gái đồng bằng.
Thơ đồng bằng sông Cửu Long như một dàn hợp xướng. Bên cạnh thơ các tác giả đang sống tại đồng bằng với những vần thơ chân chất tươi nguyên vị phù sa là thơ của nhiều nhà thơ đã thành danh đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Tuy hương đồng gió nội bay đi khá nhiều nhưng thơ các anh chị lại đạt tới chất lượng mới của suy ngẫm trí tuệ. Nhờ vậy tập thơ chững chạc hài hòa giữa cái tươi non của tuổi trẻ và sự thâm trầm của những Nguyễn Chí Hiếu, Trang Thế Hy, Diệp Minh Tuyền, Chim Trắng, Lê Chí, Viễn Phương, Hoài Vũ...
Những người chọn tập thơ này đã dụng công và cũng có nghề. Phần nhiều bài trong tập đứng được. Tuy vậy vẫn còn một số bài nặng về kể lể hay nhàn nhạt ngòn ngọt. Một số bài lục bát lỏng lẻo. Cũng thấy là chưa nhiều bài có bút pháp mới. Những bài như chùm thơ của Nguyễn Chí Hiếu ngắn gọn dồn chứa suy tư và bâng khuâng còn hiếm.
Khi chim hạc bay về, người ta nói là dấu hiệu môi sinh được cải thiện. Tập thơ này là dấu hiệu cho thấy dân trí đồng bằng đã nâng cao. Trên nền dân trí ấy, trên nền thơ ấy tin rằng thơ đồng bằng sẽ nở mùa hoa trái mới.