Nhà thơ Lê Thị Ái Niệm là chị em cô cậu với nhà thơ Trần Dzạ Lữ (TDL). Hai chị em, gần gũi thân thương không chỉ vì tình bà con thân ruột mà vì có sự gắn bó, lớn lên cùng nhau trong cùng một khu vườn ở Ngọc Anh Huế, từng học chung lớp đệ lục (lớp 7 bây giờ). Khi Lê Thị Ái Niệm học trường Đồng Khánh, Trần Dzạ Lữ học trường Nguyễn Tri Phương thì hai chị em đã làm thơ đăng ở Thi Văn Đoàn Mây Ngàn của Huế. Thi Văn Đoàn Mây Ngàn (1963-1968) là nơi quy tụ rất nhiều cây bút của miền Trung tên tuổi khởi nguồn từ đây, sau này là những nhà thơ nhà văn thành danh trên văn đàn Việt như Mường Mán, Từ Hoài Tấn,…
Xin giới thiệu vài nét về nữ thi sĩ Lê Thị Ái Niệm: tên thật là Lê Thị Mai Hương, chánh quán Vĩ Dạ Huế, sinh năm 1949 tại Vĩnh An - thành Nội Huế; Hiện sống tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Đã xuất bản 2 tập thơ: Sang mùa (NXB Thanh Niên, 2000); và Mênh mông chiều (NXB Hội Nhà văn, 2019)
Sau Mậu Thân 1968, hai chị em họ cùng gia đình chị chuyển vào Đà Nẵng sinh sống và tiếp tục học hành thi cử rồi đi làm. Khi Trần Dzạ Lũ được lệnh chuyển vào Nam, chị đã có bài thơ Tiễn Đưa dành cho người em là nhà thơ Trần Dạ Lữ. Những câu thơ tiễn biệt của tình chị em từng gắn bó, đùm bọc nhau qua cơn nguy biến, từ tuổi ấu niên cho đến tuổi trưởng thành. Tình cảm đó nói sao cho đủ, nước mắt tuôn trào được chị gửi tất cả tấm lòng vào một bài thơ. Ở đó đong đầy niềm thương nỗi nhớ và có nỗi lo lắng không nguôi cho người em khi phải rời gia đình, thân thuộc để dấn bước trên dặm dài lữ thứ:
Được tin em đi, nỗi buồn của chị được ví như biển (mênh mông không giới hạn) em ra đi trong buổi trời thu. Những hình ảnh: “mưa hiu hắt”, áo sờn vai, bến sông gợi ra một trường liên tưởng của nỗi buồn, thương nhớ và có cả nỗi lo lắng của tấm lòng người chị gái lo cho đứa em có được an yên nơi chốn xa? Câu hỏi tu từ: “Áo sờn vai mưa thơ em có ướt”? “Áo sờn vai” gợi ra cảnh nghèo, thiếu thốn ở nơi xa sẽ vất vả, gian nan và liệu “em” có còn giữ được cho hồn thơ khỏi “ướt”. Trên bước đường xa xôi ấy, bến sông nào em dừng chân, để chạnh nhớ về quê cũ?
“Tin em đi chị bỗng buồn như biển/Trời thu mưa hiu hắt mấy dặm xa/ Áo sờn vai mưa thơ em có ướt / Bến sông nào em dừng nhớ quê xưa”
Rồi đến một câu hỏi tu từ nữa: “Em đi rồi ai làm thơ chị đọc?”
Cho thấy rằng tình cảm người chị (Lê Thị Ái Niệm) dành cho người em (TDL), vừa là tình chị em vừa như bạn bè tri kỷ, hiểu nhau qua từng câu thơ. Chị cũng sẽ rất nhớ “em”. Nhớ những vần thơ tài hoa của em đã chạm vào tâm khảm người yêu thơ trong đó có chị -cũng là bạn đọc, bạn thơ thấu cảm. Và đây nữa thêm lần khẳng định: “Suốt một đời chị làm bến trông mong”. Vâng chị mãi nhớ em và trông đợi ngày em trở về hội ngộ.
Tiếp theo là những vần thơ tự sự như lời tâm tình, kể lể: Em đi rồi, cứ mỗi độ thu sang, lại có dăm ba người thân “bỏ đi trăm ngả”. Mùa thu- mùa tựu trường năm nào bây giờ lại là mùa của sự chia ly: “Mùa thu nào cũng vàng lá chia ly”. Chỉ còn chị làm người ở lại thì vẫn cứ bên bờ thương nhớ cũ, với ngấn lệ lần đưa tiễn em đi:
“Chị ngồi lại bên bờ thương nhớ cũ/ Giọt nước mắt thầm đưa tiễn người đi”
Lời chị dặn dò “em” gửi gắm ở khổ thơ cuối: em ra đi với khung trời cao rộng, tương lai phía trước đợi chờ em, hãy sống với bầu nhiệt huyết tuổi trẻ của mình, vẫn yêu thơ và sống chân tình, mở lòng, anh em bốn bể là nhà: “Hãy yêu người như chị đã yêu em.”
Đó là lần thứ nhất chị tiễn em đi vì tuổi trẻ, vì công việc,…Đi còn có thể ngóng đợi ngày trở về đầy hi vọng chứa chan.
“Mai em đi vui với khung trời rộng
Đem tim lòng hòa điệu với đại dương
Hát vỡ cổ những khúc tình ca biếc
Hãy yêu người như chị đã yêu em.”
Nửa thế kỷ sau, từ thành phố Đà Nẵng, khi nghe tin người em Trần Dzạ Lữ từ giã cõi đời, chị nghẹn lòng theo từng tiếng nấc thương đau. Thơ Tiễn Em, lần này chị tiễn em lần cuối. Bài thơ là nỗi xúc động nghẹn ngào: Nỗi buồn âm dương cách biệt từ đây. Lời thơ tiễn em là lời vĩnh biệt, em đi vào cõi xa xăm không hẹn ngày về “một bước em theo miền mây trắng”. Em (TDL) đã lìa trần, cách nói giảm nhẹ để an ủi người ở lại chị nói “Em đi” để lại sự thương tiếc cho gia đình người thân và bè bạn “chới với”. Tin em đi, đột ngột quá! Mất mát quá! Từ quê nhà nghe tin cũng rụng rời đau xót!
“Lần này chị tiễn em lần nữa/ Vĩnh biệt từ đây chẳng hẹn về/ Một bước em theo miền mây trắng/ Quê nhà chới với bóng sương che”
Hai khổ thơ tiếp theo như tiếng khóc nức nở, thổn thức cùng lời kể: Chị nhắc với hương hồn em, chị kể với người thân và kể với chính chị về cuộc đời lận đận, không gặp thời. Những câu thơ se sắt lòng người khi nói về người em vất vả một đời. Nhưng em không cô đơn vì vẫn có người thân, có chị, có bạn bè “Tình nghĩa nâng niu có bạn bè”. Em hiền lành, chân chất, sống thật thà nên được người thân và bằng hữu thương mến!
Khi nhận xét về thơ “em”. Thơ của cố thi sĩ Trần Dzạ Lữ là một hồn thơ của xứ Huế, thơ anh phần lớn dành cho Huế. Chị dùng từ của Huế “rớt ruột” hay quá, hợp lý quá! “Rớt ruột” trong từ điển chưa có, đây là một sáng tạo ngôn ngữ thi ca. “Rớt ruột” nghe giản dị vậy thôi mà biểu cảm vô cùng. Từ đó chỉ có thể của một hồn thơ rất Huế. Thiết nghĩ không có từ nào diễn đạt hay và biểu cảm hơn từ này. Thơ của Lữ dành cho Huế như vắt ra từ trong tâm khảm, tấm lòng Lữ là của Huế, tâm hồn thi nhân có đi khắp phương trời cũng không quên Huế. Trên mỗi bước đường anh đi đều để lại dấu ấn trong thơ. Và dù có viết về nơi đâu đi nữa nhưng có lẽ những vần thơ về Huế của anh là thiết tha, nỉ non và ăm ắp cảm xúc hơn cả! Trong thơ Lữ có nỗi nhớ quê nhà, có mong ước hẹn ngày trở lại với Huế thương. Vì thế chị mới khái quát thơ Lữ là: “Rớt ruột những bài thơ cố xứ/ Mong ngày trở lại với quê xưa”. Hai câu thơ cô động, hàm súc, chị đã gói gọn hồn cốt của thơ Lữ:
“Một đời lận đận cùng cơm áo/Tình nghĩa nâng niu có bạn bè/ Rớt ruột những bài thơ cố xứ/ Mong ngày trở lại với quê xưa”
Dù vẫn biết lần này em đi, một lần đi sau cuối là hết, nhưng chị vẫn cứ dặn dò em. Như chị từng dặn dò em buổi ấy, khi tiễn em tại Đà Nẵng. Bây giờ lời dặn dò đã khác, lời dặn day dứt hơn, xa xót hơn, não nùng hơn. Trong đó có cả lời ước nguyện em đi nhẹ nhàng như mây, an yên miền cõi tịnh. Trong hành trang “em” có hình bóng quê nhà, có lời mẹ ru,… người mẹ mất khi con chưa là thi sĩ. Nhưng mẹ sẽ rất tự hào về con với những vần thơ đẹp để lại cho đời.
“Thôi em cứ hãy là mây trắng/ Lãng đãng quê nhà tiếng mẹ ru/ Mẹ xưa đâu biết con thi sĩ/ Nghe tiếng ơi... à.. giữa gió thu”
Khổ thơ cuối, chị dùng lại điệp cú lần nữa và điệp từ: là hết, là thôi! Với cách diễn đạt trùng điệp và tăng cấp đã tạo nên giọng thơ buồn thê thiết, trong lời thơ thấm đầy lệ. Lời thơ như để nhắc em mà cũng tự nhắc mình. Người đọc cảm thấy người ở lại đang đối thoại và tâm sự với người đã khuất: Thế là chị em đã xa nhau thực sự rồi. Còn đâu những ngày thơ ấu chị em cùng học, cùng chơi, rồi tuổi trưởng thành chị em cũng có nhau, lo cho nhau, chị còn tìm cho em một ý trung nhân- người bạn tâm giao của chị thành người vợ tào khang của em nữa cơ mà. Và em đã từng có mái ấm hạnh phúc. Mới đó còn đây cả khung trời kỷ niệm mà nay âm dương đôi ngả. Chị mong cầu cho em về nơi ấy từ nay thôi hết những vui buồn, cũng mong em gặp lại người vợ hiền nơi cõi mộng, niềm vui và bát ngát thơ. Và người ở lại sẽ không quên em, không quên những vần thơ của người em- Thi nhân Trần Dzạ Lữ.
“Bài thơ chị tiễn em lần nữa/ Là hết là thôi những vui buồn/ Nơi cõi em về thơ bát ngát/ Vẫn còn đọng mãi giữa trần gian.” Hai bài thơ, tùy hoàn cảnh mà mỗi bài có cấp độ khác nhau nhưng đều thể hiện một tình cảm thắm thiết của tình chị em, tình thân ruột, tình bạn hữu thi ca,… gom vào trong một tấm lòng. Những vần thơ tiễn biệt buồn thương mênh mang đã gieo vào lòng người đọc niềm xót xa khôn tả.
Thơ của nữ sĩ Lê Thị Ái Niệm hay, chứa chan tình cảm, chạm đến trái tim người đọc, trước hết là được bắt nguồn từ cảm xúc trữ tình rất đỗi chân thành. Giọng thơ sang, man mác, vơi đầy. Nhịp điệu thơ êm ái như lời tâm tình, thủ thỉ có khi nghe du dương như lời chị ru em. Lời thơ tinh tế biểu cảm. Bút pháp trữ tình, cách gieo vần cấu tứ chỉnh chu, sử dụng khéo léo các biện pháp tu từ, so sánh, …chọn lọc hình ảnh ấn tượng. Ngôn ngữ thơ hàm súc, giàu hình tượng, có giá trị biểu đạt cao. Thơ chị thể hiện nghệ thuật bình dị vừa điêu luyện. Hai bài thơ Tiễn Em ở hai thời điểm khác nhau, hai hoàn cảnh cũng khác nhau. Bài thơ nào cũng bộc lộ tình cảm chị em gắn bó tha thiết. Cái tình của người chị dành cho đứa em là cái tình bao la, đầy lòng bao dung của trái tim người chị. Người em được chị tặng thơ tiễn khi đi dấn thân vào lữ thứ hẳn cũng vững lòng nơi đầu sóng ngọn gió, bài thơ tiễn biệt lần cuối người em cũng sẽ ấm lòng nơi chín suối. Đó là những áng thơ dạt dào tình cảm xao động lòng người.
Thơ của hai nhà thơ Trần Dzạ Lữ và Lê Thị Ái Niệm, mỗi người một vẻ riêng nhưng thơ hai chị em đều đã được công chúng đón nhận. Hai chị em với những vần thơ tài hoa đem đến cho người đọc nhiều rung cảm, trước hết nhờ ảnh hưởng của dòng dõi gia đình. Cả hai người đều là hậu duệ của hai đời quan lại Triều Nguyễn, đời thứ nhất làm đến chức Đông Các Đại học sĩ. Như vậy, từ tổ tiên để lại cho chút gen cùng với sự trau dồi và đam mê thi phú, hai chị em nhà thơ Lê Thị Ái Niệm và Trần Dzạ Lữ đều là những nhà thơ được đông đảo bạn đọc mến mộ.
Bài viết này như một nén hương lòng của mấy chị em chúng tôi gửi đến cố thi nhân Trần Dzạ Lữ nhân ngày chung thất của anh (ngày 4/2 năm Giáp Thìn -49 ngày sau khi anh qua đời)!
Cầu mong anh được an nhàn nơi cõi tịnh.
Sài Gòn, ngày 13/3/2024.
Mời bạn đọc trọn vẹn hai bài thơ của nữ Thi sĩ Lê Thị Ái Niệm:
TIỄN ĐƯA CHO TRẦN DzẠ LỮ
Tin em đi chị bỗng buồn như biển
Trời thu mưa hiu hắt mấy dặm xa
Áo sờn vai mưa thơ em có ướt
Bến sông nào em dừng nhớ quê xưa
Mai em đi gầy gò thân lữ thứ
Tiễn đưa em có lá rụng ven sông
Em đi rồi ai làm thơ chị đọc
Suốt một đời chị làm bến trông mong
Dăm ba người thân bỏ đi trăm ngả
Mùa thu nào cũng vàng lá chia ly
Chị ngồi lại bên bờ thương nhớ cũ
Giọt nước mắt thầm đưa tiễn người đi
Mai em đi vui với khung trời rộng
Đem tim lòng hòa điệu với đại dương
Hát vỡ cổ những khúc tình ca biếc
Hãy yêu người như chị đã yêu em.
Đà Nẵng, tháng 10/1973
Lê Thị Ái Niệm
***
TIỄN EM
(Thương tiếc vô cùng Trần Dzạ Lữ)
Lần này chị tiễn em lần nữa
Vĩnh biệt từ đây chẳng hẹn về
Một bước em theo miền mây trắng
Quê nhà chới với bóng sương che
Một đời lận đận cùng cơm áo
Tình nghĩa nâng niu có bạn bè
Rớt ruột những bài thơ cố xứ
Mong ngày trở lại với quê xưa
Thôi em cứ hãy là mây trắng
Lãng đãng quê nhà tiếng mẹ ru
Mẹ xưa đâu biết con thi sĩ
Nghe tiếng ơi... à… giữa gió thu
Bài thơ chị tiễn em lần nữa
Là hết là thôi những vui buồn
Nơi cõi em về thơ bát ngát
Vẫn còn đọng mãi giữa trần gian.
Đà Nẵng, ngày 28.1.2024
* Cảm ơn em Huỳnh Bấp đã nhắc ngày mai là 49 ngày của anh Lữ để Bích Hà bình bài thơ Tiễn Em của chị Ái Niệm, như một nén hương lòng mấy chị em tưởng nhớ cố thi sĩ Trần Dzạ Lữ.