Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.135
123.140.750
 
Chuyện phiếm về một bài ca dao Việt Nam được chuyển sang Hán ngữ
La Thụy

 

La Thụy đọc trên báo SỐNG của Chu Tử trước 1975 một bài viết ngộ nghĩnh. Bây giờ chỉ còn nhớ một đoạn ngắn về việc chuyển ngữ bài ca dao Việt Nam sang chữ Hán. Post lên chia sẻ anh chị em đọc cho vui...

Bài ca dao nói về “sự đời em cái lá đa” đó mà...

 

“Sáng trăng em ngỡ tối trời

Em ngồi em để sự đời em ra

Sự đời như cái lá đa

Đen như mõm chó, chém cha sự đời.”

 

Bài ca dao được “dịch” sang chữ Hán như sau:

 

“Minh nguyệt ngộ u dạ

Ngã tọa phô thế sự

Thế sự như đa diệp

Hắc như khuyển khẩu

Trảm phụ thế sự...”

 

 

明月悞幽夜

我坐舖世事

世事如栘叶 

 黑如犬口

斬父世事

 

(Ghi lại theo trí nhớ bài viết của Chu Tử đăng trên báo Sống trước 1975)

 

Bài ca dao chỉ gồm 4 dòng lục bát (28 chữ), nhưng “được” chuyển sang thể ngũ ngôn đến 5 dòng, nhưng chỉ gọn 23 chữ thôi. Chữ “đa” (trong cụm từ “lá đa”) chỉ có trong tiếng Việt nên người dịch mượn chữ 多 (đa) trong Hán tự có nghĩa là “nhiều” rồi thêm bộ mộc để viết thành 栘. Âm Nôm chữ 栘 đọc đúng là “đa”, nhưng 栘 có âm Hán Việt là “di” nghĩa là cây “đường lệ” 棠棣 (theo truyền thuyết).

Người dịch chỉ cà rỡn dịch thôi. Khi chữ Hán không có từ ngữ viết về lá đa, nên chúng ta tạm chấp nhận vậy.


*

Công Tử Hà Đông Hoàng Hải Thủy cho rằng:

 

“Chỉ trong 4 câu thấy có ba hình ảnh gợi cảm: Sự đời, Lá Đa, Mõm Chó. Chuyện théc méc là ‘Sự đời, Lá Đa, Mõm Chó’ ba cái có tội gì mà chúng bị người đe dọa ‘chém cha.’ Oan thay cho Lá Đa.

Em phải mặc váy thì khi em ngồi, sáng trăng suông em tưởng tối trời, em mới để cái sự đời của em ra được. Em mặc quần thì vô phương. Phải viết rõ là em gái quê em mặc váy, em ‘không để nó ra’, nó là ‘cái sự đời’ của em, nó vẫn ở trong đó nhưng vì em ngồi hớ hênh - ngồi bệt mà dạng háng, tức banh hai chân ra - nên người ta nhìn vào, người ta thấy ‘nó’. Viết lại: Em mặc quần thì vô phương. Em mặc váy mà em đứng em cũng không thể để cái sự đời của em ra được.

Đến đây có vấn đề ‘Váy và Quần Con Gái, Đàn Bà’. Sử ghi: Ngày xưa, đàn bà Bắc kỳ mặc váy. Bắc Kỳ đây là từ Ải Nam Quan vào đến tỉnh Quảng Bình. Viết cách khác: từ Sông Gianh trở ra bắc. Từ Quảng Bình vào nam, đàn bà mặc quần. Ngày xưa đây là thời Thực Dân Pháp chưa đến nước Việt Nam. Cũng Sử ghi: Năm 1832 Vua Minh Mạng hạ chiếu, tức ra lệnh:

‘Cấm đàn bà mặc váy’, lại tức: Đàn bà Bắc kỳ phải mặc quần.

 

Tháng Sáu có chiếu vua ra

Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng.

Không đi thì chợ không đông.

Đi thì bóc lột quần chồng, sao đang.

 

Lệnh của Vua Minh Mạng không được nữ thần dân Bắc kỳ tuân theo. Vua cấm đàn bà mặc váy, đàn bà Bắc kỳ vẫn cứ mặc váy. Những năm 1947 đến 1950, kẻ viết những dòng chữ này sống trong những làng quê ba tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Phúc Yên, thấy tận mắt 90/100 đàn bà miền quê mặc váy. Chỉ môt số cô gái trẻ, sinh sau năm 1930, mới mặc quần.

 

Nhắc lại và nhấn mạnh: Chỉ khi mặc váy đàn bà, con gái mới để cho người đời nhìn thấy cái ‘Sự Đời Lá Đa’. Phụ nữ Á, Phụ nữ Âu Mỹ mặc váy cũng để hở ‘Sự Đời’ như nhau. Chỉ có khác là phụ nữ Âu Mỹ mặc slip, phụ nữ Á châu ở trần. Bà Hillary Clinton khi là First Lady có lần – mặc váy – ngồi hớ hênh bị anh Phó Nháy chụp ảnh bà để lộ cái slip. Từ đó người ta thấy bà Hillary Clinton chuyên mặc quần.

 

(Theo Công Tử Hà Đông Hoàng Hải Thủy)

 

Nhà nho như Tam Nguyên Yên Đỗ cũng mần thơ nói về cái “sự đời” đó

 

“Đàn bà con gái sắn quần lên

Cái gì trăng trắng như con cúi”

 

(Nguyễn Khuyến, Chỗ Lội Làng Ngang)

 

Không biết Bùi Giáng vì đọc bài ca dao này nên mới phóng bút chăng:

 

“Bây giờ em để quần đâu

Cỏ trên mình mẩy em sầu ra sao”

 

Hàn Mặc Tử cũng mần thơ như ri:

 

“Tiếng ca ngắt. Cành lá rung rinh

Một nường con gái trông xinh xinh

Ống quần vo xắn lên đầu gối

Da thịt, trời ơí trắng rợn mình…”

 

(Thi tập Gái Quê, bài Nụ Cười)

 

Bích Khê cũng không thua chi:

 

“Và ô kìa một tòa hoa nghiêm động

Tay run run hãm lại cánh tình si

Hai tay nàng đã nở ngọc lưu ly

Hai chân nở màu sen ẻo lả

Cho tôi nàng, hãy cho tôi tất cả !…”

 

(Tranh Lõa Thể)

 

 

 

 

La Thụy
Số lần đọc: 382
Ngày đăng: 21.03.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cơm: Thành ngữ và Tục ngữ - Minh Lê
Nhớ hoa đào - Nguyễn Linh Khiếu
Bóng hình năm cũ - Nguyễn Vĩnh Long
Tản mạn chữ nghĩa ngày Xuân - Tiểu Lục Thần Phong
Beijing lá phong vàng (5) - Nguyễn Linh Khiếu
Nhớ hương bánh xoài của Mạ! - Nguyễn Đại Duẫn
Thế là mùa xuân về - Tiểu Lục Thần Phong
Beijing lá phong vàng (4) - Nguyễn Linh Khiếu
Những kiểu mặt ‘Tâm Linh’ - Phạm Nga
Tiếng chuông đêm trừ tịch - Trương Văn Dân
Cùng một tác giả