Con Mun lết được về tới nhà thì gục xuống.
Thân hình dúm dó, run bần bật. Miệng sùi bọt mép. Đôi mắt khờ dại. Hai bàn chân trước quào xuống nền gạch một cách bất lực. Nó nhìn Toàn lần cuối, rồi thở hắt ra hơi thở tuyệt sinh của cuộc đời.
Một sinh linh đã dã biệt cõi phàm.
Toàn định chôn cất nó. Nhưng biết chôn ở đâu. Căn nhà nhỏ trong hẻm phố, bốn bề bị vây bủa bởi nhà hàng xóm. Cuối cùng, Toàn phải gói nó lại bằng bọc ni lông, đem bỏ vào thùng rác ngoài đầu hẻm. Nhưng rồi thấy tội, anh lại lôi ra, buộc thêm một cục đá, đem lên cầu lộ, thả nó xuống sông, hầu mong xác phàm của nó được về biển lớn.
Tạ ơn Chúa! Chết là hết! Chết là giải thoát! Chết là sạch nợ trần gian! Chết là sự giũ bỏ để vĩnh viễn bước vào cõi vĩnh hằng. Nhưng chết thật là vô lý! Mới hôm qua nó còn dụi dụi cái mũi đen ướt vào lòng bàn tay của Toàn. Mới hôm qua nó còn run lên sung sướng khi được Toàn ve vuốt tấm thân mềm mại. Vậy mà giờ đây tất cả đã chấm dứt. Đó là sự chấm dứt dại dột. Con Mun đã ăn phải bả chuột nhà hàng xóm.
Tại sao nó lại phải lang thang đi kiếm ăn trong thiên hạ, trong khi Toàn vẫn mỗi ngày chăm lo cho nó đầy đủ? Phải chăng cõi hoang thăm thẳm trong nó đã thức dậy?
Tiếng trống đám ma điểm thùng thùng buồn bả. Nhà bà ấy đã ra đi được mười ba tiếng đồng hồ. Mười ba là con số của thánh Judas . Là con số thừa ra trong muời hai con giáp. Bà ấy cũng ra đi bởi cõi hoang thăm thẳm bị lay thức. Không giàu, nhưng nhà cửa khang trang, con cái được ăn học đàng hoàng. Vậy mà bà ấy lại lén lút vụng trộm với một người đàn ông khác. Bị đánh ghen ầm ỉ ở cơ quan, bà ta đã nghe theo tiếng gọi dại của cõi hoang, ngu ngốc tìm cái chết làm sự giải thoát. Ra bà ta cũng biết nhục với chồng con và láng giềng.
Chết là hết sao được! Chết là sự giũ bỏ, sự trốn chạy khỏi trần gian, trút gánh nặng hạ giới cho người khác. Ngày vợ Toàn dứt áo ra đi cũng vậy. Toàn ngơ ngẩn cả tháng trời. Ngày hai buổi, Toàn thất thểu chở đứa con gái tới nhà mẫu giáo. Ngồi sau xe nó cứ bi bô hỏi: "Mẹ về bên ngoại há ba? Mai mẹ mới về há ba?". Toàn khóc trong lòng mà đứa con nào có biết. Thằng anh nó lên bảy cũng không biết gì. Nó cũng tưởng mẹ nó đi làm ăn như người khác.
Bấy giờ là vào năm 84, năm gia đình Toàn lâm vào cảnh đói kém khủng khiếp. Ban ngày Toàn đến cơ quan. Ban đêm Toàn phải chạy xe ôm. Mối xe đêm của anh là mấy cô gái làm tiền. Lượt là quần áo, roi rói phấn son, vậy mà họ cũng nghèo rớt ra. Nghèo tới mức phải bán cả nhân phẩm và sự trinh bạch. Mới đầu Toàn thấy nhục cho mình lắm, thấy tội nghiệp cho họ lắm. Nhưng lần hồi theo vòng quay của bánh xe, Toàn thấy họ cũng còn trong sạch gấp chán vạn lần nhiều người khác. Họ bán cái mà họ có để cầu sinh cho gia đình. Còn cô thư ký của sếp, cô ta buôn bán cái sẵn có để leo lên, để quay trở lại dạy đời cho người khác. Dưới mắt cô ta, Toàn chỉ là một anh gác cổng không hơn không kém. Vợ Toàn càng bị coi tệ hơn. Chính cô ta đã có lần dẩu môi, mách lẻo với Toàn: "Vợ anh bán máu nhiều lần trong bệnh viện. Không tin, anh cứ đến phòng xét nghiệm, mượn cuốn nhật ký bán máu mà coi". Toàn đã không đến bệnh viện, nhưng Toàn đã la hét vợ một trận đến lạc cả giọng. Vợ Toàn chỉ lặng lẽ ngồi, chỉ lặng lẽ khóc. Đêm ấy Toàn uống rượu khan ngoài quán cóc. Anh uống từng ly, từng ly, cho tới sáng. Âm thầm khóc nấc lên vì tủi nhục. Thì ra, cả nhà anh, từng sống nhờ vào những giọt máu của vợ anh. Anh đổ máu trên chiến trường là một lẽ; còn vợ anh, cơn cớ gì mà hòa bình rồi vẫn còn phải đổ máu?..
Toàn là con mồ côi, là thương binh hai trên bốn. Thuở nhỏ anh sống với người dì không hề bà con cả hai bên nội ngoại, ở miền duyên hải. Người dì độc thân sống bằng nghề bán phân cá cho các hộ trồng dưa hấu. Toàn cả ngày lân la theo đám bạn đi móc cua ngoài bãi sông. Năm mười bốn tuổi, Toàn lấy súng của thằng trưởng cuộc cảnh sát, bắn nó chết ngay tại nhà. Đó là vào một đêm mưa gió, sấm sét kinh hồn. Thằng trưởng cuộc cảnh sát một mình mò vào nhà của dì, ức hiếp dì phải ăn nằm với nó. Dì chống trả quyết liệt. Thằng trưởng cuộc cảnh sát rút súng lên đạn, buộc dì phải nằm im. Mới đầu Toàn đã khiếp sợ, co rúm người núp nín thinh trong góc tối. Nhưng rồi thấy dì kêu thét chống trả, Toàn đã bình tỉnh trở lại, đã nghe cõi hoang thăm thẳm trong lòng sôi sục réo lên tiếng gọi trả thù. Khi thằng trưởng cuộc cảnh sát khống chế được dì, bỏ cây súng sáu bên mép giường để hành sự, Toàn đã lặng lẽ bò đến. Sự trừng phạt thật là đơn giản. Chỉ đoàng một tiếng, thằng trưởng cuộc cảnh sát đã bật ngửa ra, máu từ ngực nó phun ra vọt vọt. Cơn giông vần vũ đùng đùng nuốt chửng tiếng súng. Hai dì cháu ôm nhau khóc nức nở một hồi. Sau đó, cả hai lặng lẽ lôi xác thằng trưởng cuộc cảnh sát ra chôn trong sình lầy rừng sú. Xong xuôi mọi việc, dì chỉ đường cho Toàn tìm đến Cồn Cù, Cồn trứng. Ở nơi hoang vu, dày đặc rừng sú, rừng mắm, rừng vẹt, rừng chà là ngút ngát ấy, Toàn tìm được chỗ đứng của mình.
Toàn theo các chú các anh, đánh liên miên hết trận này trận khác. Đến Mậu Thân 68 thì Toàn bị bắt.
Đó là trận đánh chặn hạm tuần giang của Mỹ trên sông. Tàu chúng vào gần hai chục chiếc. Súng phun lửa từ các hạm tàu bắn lên, đốt cháy rừng rực cả rừng lá dừa nước. Pháo khoan nổ chuyển đất. Pháo phát quang cắt cành cây quăng ra ràn rạt. Pháo chụp quất xuống rào rào. Đạn M79 dây nổ rền rền chói chát. Cả tiểu đoàn bị dìm trong biển lửa. Một người lính hoảng loạn vì hỏa lực cấp tập, tốc công sự chạy băng vào đồng. Toàn nhô người lên cao, hét gọi anh ta quay trở lại. Nhưng người lính bấn loạn trong cơn hoảng sợ vẫn guồng giò mà chạy. Sợ anh ta làm mất tinh thần đồng đội, Toàn vừa khóc vừa rê nòng khẩu AK, nhắm vào anh ta. Đang lúc định bóp cò, thốt nhiên Toàn nhìn thấy một nữ quân y đeo túi cứu thương, từ trong đồng chạy băng ra trận địa. Chính cô gái đã làm cho người lính hoảng loạn thần kinh định tâm trở lại, quay trở lại. Anh ta hy sinh ngay sau đó trên trận địa, bởi hai trái bom được cắt xuống từ một chiếc F4. Liền sau đó, một quầng lửa chói lóa bùng lên, cùng với tiếng nổ chói chát của đạn DKZ 75 bắn thẳng.
Khi Toàn tỉnh lại, anh nhìn thấy mình đang ngồi giữa một đám lính xì xồ tiếng Mỹ. Té ra anh đang bay trên trời. Phía dưới là rừng vẹt linh láng nước. Nhận ra mình không hề bị trói, Toàn quật sức ôm ghì một thằng lính, nhảy ào ra khỏi cửa máy bay. Bấy giờ, Toàn chỉ nghe tiếng gió rít ào ào, rồi không còn hay biết gì nữa. Du kích miền duyên hải đã cứu được anh.
Ống chân trái của anh dập nát, buộc phải tháo khớp. Không có thuốc gây mê, cũng không có thuốc tê, anh em buộc phải trói ghị anh vào một miếng ván của bộ ngựa. Lưỡi dao cứa rát như lửa đốt. Mồ hôi của Toàn túa ra ướt rượt. Thịt da lạnh buốt mà trong cột sống thì như có lửa. Vậy mà Toàn qua được cửa tử thần.
Người giúp anh phục sinh là một cô du kích còn rất trẻ. Chính cô đã giúp anh làm được một cây nạng. Cũng chính cô là người giúp anh tập đi. Nhưng khi anh đã biết đi một cách vững vàng trên cây nạng gỗ, thì chính cô gái lại vĩnh viễn không bao giờ còn đi được nữa. Một toán lính biệt kích theo đường sông đột nhập vào căn cứ. Ngay loạt đạn đầu tiên của chúng, cô gái bị hất tung lên, rồi ngã sấp xuống mặt đất. Máu đỏ từ lồng ngực thanh xuân của cô loang ra, thấm sâu vào lòng đất.
Ngồi khóc lặng lẽ bên nấm mộ của cô suốt cả buổi chiều, tới sập tối, Toàn mới theo giao liên tìm về ban dân vận của tỉnh. Công việc chủ yếu lúc này của anh là đi thu đảm phụ. Dùng ghe, dùng xuồng đi thu đảm phụ; bởi vì anh chỉ còn có một chân.
Một lần, anh đang trên đường đi thu đảm phụ thì bị bọn lính bảo an chặn đường xét giấy. Thấy anh không có giấy tờ tùy thân, lại què một chân, bọn lính chủ quan, cử một thằng giải anh về tề xã. Thằng lính chong súng ngồi giữa lòng ghe. Toàn ngồi lái cầm máy Coler. Chiếc ghe ành ạch chạy ngược nước. Khi ra tới sông lớn, trời thốt nhiên chuyển giông cuồn cuộn, rồi trút mưa như xối. Toàn ướt như chuột lột. Còn thằng lính vẫn lạnh lùng ôm súng. Tấm bông xô dù bị gió đánh tung lên phần phật, bất chợt lật lên, úp chụp xuống đầu nó. Nhanh như cắt, Toàn chụp lấy cây dầm, phạt một nhát như trời giáng ngang đầu thằng lính. Thằng lính đổ gục xuống, vắt nửa người trên lườn ghe. Toàn nhào ngay tới, giằng lấy khẩu súng, rồi hất tên lính xuống sông. Sóng lưỡi búa bựng bựng, nhấn chìm nó mất hút.
Nhưng không may cho Toàn, khi anh quay trở về, lại đụng đầu ngay với đám lính bảo an đã chặn anh xét giấy. Tình thế buộc anh phải tấp ghe vào bờ, nổ súng chống trả. Hết đạn, anh đành phải thúc thủ để chúng bắt giải về tề xã. Sau đó anh bị Tòa án binh kêu án, đưa ra giam cầm ngoài Phú Quốc.
Ở đảo, thằng thượng sĩ Thu thấy Toàn bị cụt một chân, nó coi anh không ra gì. Bởi vậy, nó hành hạ anh không hề nương tay. Mỗi khi bực mình, chỉ cần một nhát búa gõ nhẹ vào cái đục sắt nhỏ như đầu đũa, hai cái răng của Toàn đã lập tức văng bắn ra ngoài. Lại còn trò dùng kìm nhổ mười đầu móng tay. Thu nhổ thiện nghệ tới mức, chỉ phực một cái, móng tay của Toàn đã bị rút ra gọn lỏn. Đau đớn tới không chịu nỗi, cõi hoang thăm thẳm trong Toàn đã trỗi dậy, đã xúi anh nghiến răng đòi trả thù.
Một lần, khi Thu gọi anh lên làm việc, thừa lúc nó cúi xuống khạc đờm trong miệng, Toàn đã nhào người tới, chụp lấy cây bic của nó để trên bàn. Anh vung tay định đâm thẳng đầu bic nhọn hoắt vào đỉnh đầu của nó, nhưng đúng lúc đó thì Thu lại ngẩng đầu lên. Ngòi bic cắm phập vào ngực nó; mạnh tới mức, cả cái ghế đẩu cùng với tấm thân to bè của Thu đổ nhào xuống đất đánh rầm một tiếng. Sau trận đòn bằng dùi ba trắc nện như mưa, Toàn bị giam phơi nắng, phơi mưa trong lồng sắt suốt hai tuần. Nhờ anh em nổi dậy đấu tranh quyết liệt, Toàn mới được tụi nó trả về trại B6.
Năm 73, Toàn được trao trả ở Lộc Ninh. Cụt chân trái, lại kiệt sức vì gầy yếu, sau một thời gian an dưỡng, Toàn làm đơn xin tổ chức cho trở về duyên hải.
Căn nhà xưa vẫn còn, nhưng người dì đã mất. Thay vào đó là một bà lão và đứa cháu ngoại mười lăm tuổi, ở mị xứ nào tới tá túc. Ngay lúc nhìn thấy anh, bà lão đã ôm chầm lấy anh mà khóc. Vừa khóc nghẹn ngào, bà vừa thổn thức: "Con ơi! Đây là nhà của con. Con cứ ở lại đây! Quê mình giải phóng rồi, con cứ ở lại đây với ngoại!". Lúc đó, cô bé mười lăm tuổi đứng ôm cột chà là, cũng lặng lẽ nhìn anh mà khóc.
Không còn biết về đâu, đi đâu, Toàn đã ở lại với hai bà cháu. Hàng ngày, anh một mình chống tó ra bãi lầy bên sông, tham gia móc cua cùng lũ nhóc trong xóm. Tới mùa hội ba khía, lũ nhóc bơi xuồng tới, rủ anh vô rừng sú hốt ba khía với chúng. Người lính thành bạn thân của lũ trẻ, sống chan hòa với chúng như sống với đồng đội của mình.
Sau ngày miền Nam giải phóng, bà lão nói với anh:
- Con Tím đã lớn rồi, ngày mai ngoại mua cặp vịt, bây mời mấy đứa ngoài xã tới nhậu, chứng dám cho lễ thành thân.
Buổi lễ thành thân ấy chỉ có Toàn với hai bà cháu, và một tay công an xã, một tay xã đội.
Khi rượu đã ngà ngà, tay công an xã nói:
- Tui có người quen trên tỉnh, để tui xin cho anh một chân cán bộ. Chứ ở đây, anh biết làm gì mà sống.
Xã đội trưởng cũng khuyên anh như vậy. Anh ta còn nói thêm:
- Tụi này biết anh có nhiều thành tích kháng chiến. Nhưng giờ anh tàn tật như vầy, lại đọc chưa chạy mặt chữ, làm sao bố trí được công việc cho anh. Thôi thì tốt nhứt, anh cứ lên tỉnh, may ra kiếm được công việc phù hợp.
Nghe họ nói, cõi hoang thăm thẳm trong lòng Toàn trỗi dậy. Đau đớn và hờn giận. Anh đã tàn phế ư? Hàng ngày anh vẫn còn đủ sức kiếm được con cua, con cá; tới mùa anh vẫn còn kiếm được cả vài khạp ba khía, vài khạp cá lóc ngộp nước về làm mắm. Anh mà tàn phế ư? Nhưng thôi! Đôi co với tụi nó mà làm gì. Bây giờ, anh cần phải kiếm đủ tiền, để giúp đỡ cả nhà sống qua ngày. Cứ thủng thẳng rồi sẽ tính. Tóc của mình vẫn còn xanh lắm!
Phải ba năm sau, khi bà lão đã nhắm mắt xuôi tay, Toàn mới đưa vợ lên tỉnh. Cả hai vợ chồng đều chỉ mới biết đọc biết viết, chứ chưa hề học qua ngành nghề nào, bởi vậy, Toàn chỉ được bố trí chân ngồi thường trực gác cổng, còn vợ anh thì làm tạp vụ ở một cơ quan khác.
Cuộc sống thời bao cấp, càng bám lấy cơ quan càng đói. Khi hai đứa con ra đời thì cuộc sống của vợ chồng Toàn càng lâm vào cảnh khốn khó. Lắm lúc trong nhà không còn lấy một hột gạo, một cắc bạc. Lối thoát duy nhất của anh là những lá đơn xin trợ cấp của công đoàn, là những lời năn nỉ ỉ ôi tới gãy lưỡi với tay Chủ tịch công đoàn. Anh thấy nhục. Thấy cõi hoang thăm thẳm trong lòng trỗi dậy, réo gào tìm kiếm công việc để giải thoát.
Bắt chước người ta, vợ chồng Toàn cũng nuôi heo. Một lần lụi hụi tắm heo, Toàn trượt chân bị té, đập đầu vào thành chuồng, phải khâu tới bảy mũi. Cực khổ trăm bề, vậy mà con heo lại lăn đùng ra thương hàn. Lỗ cả chì lẫn chài. Toàn gom một mớ tiền, tranh thủ ngày chủ nhật, theo bạn lên biên giới mua thuốc lá ngoại về bán kiếm lời. Mới chuyến đầu đã bị hải quan chặn bắt, bị cơ quan bắt làm kiểm điểm.
Đang cơn túng quẫn tột cùng, bỗng lù lù ở đâu, người bạn tù Phú Quốc thuở xưa, chạy xe Honda 67 tới thăm. Nhà không có gì đãi bạn, còn con gà mái già đang ấp trứng, vợ Toàn cũng phải bắt mà làm thịt.
Miếng thịt hầm cả tiếng đồng hồ mà vẫn dai nhanh nhách. Nhai hoài không được, người bạn vừa trợn mắt nuốt chửng miếng thịt, vừa cười:
- Tới nước này là ông nghèo tới số rồi chớ còn gì. Nước cùng rồi thì còn bám lấy chân gác cổng làm gì nữa. Bỏ quách đi! Lên thành phố làm ăn với tui. Chỉ cần buôn bán cọt quẹt cũng dư sức ngày hai bữa rượu.
Đêm đó, người bạn mời Toàn đi uống cà phê. Ngồi trong quán gió, lồng lộng trăng ngần trên sông, người bạn ra sức thuyết phục Toàn đưa vợ con lên thành phố. Anh ta vẽ ra viễn cảnh của việc buôn bán mà người đời vẫn gọi là phi thương bất phú. Nhưng dù bạn thuyết phục cỡ nào, Toàn cũng thấy không thể bỏ công việc Nhà nước mà đi được. Quan niệm buôn bán là bóc lột, là gian thương, bám dính trong đầu óc của Toàn, còn chắc hơn cả dầu chai trám be xuồng.
Cuối cùng, người bạn đành phải lắc đầu ngao ngán:
- Thôi thì tùy ông! Tui cho ông mượn cái xe. Dùng nó chạy xe ôm cũng được, mà đi buôn hàng cũng được. Bao giờ khá thì ông trả lại tui.
Sáng hôm sau, khi Toàn thức giấc thì người bạn đã ra đi từ bao giờ. Chiếc xe 67 dựng ở góc nhà, cùng với miếng thẻ chủ quyền đặt trên bàn.
Biết bạn ở đâu mà tìm. Vậy là Toàn thành người chạy xe ôm về đêm.
Chạy xe ôm không phải là chuyện dễ dàng gì. Trước hết là phải tìm bến bãi. Chỗ nào có thể hy vọng rước được khách cũng đã có vài người dựng xe đứng đợi. Không dễ gì họ chấp nhận dễ dàng một anh lính tân binh xông vào cướp miếng cơm của họ. Trước những lời hoạnh họe, quát tháo, cõi hoang thăm thẳm trong Toàn lại nổi lên. Anh muốn nhào tới bóp cổ những thằng người không biết thương người. Nhưng cõi người trong anh lại cất lời khuyên nhủ, phải thông cảm cho những kiếp người đang phải chụp giựt, tranh giành nhau từng miếng sống. Sau chiến tranh, thương binh như anh còn có tiền trợ cấp, còn những người què quặt từ phía bên kia trở về, họ không lăn xả vào đời thì còn ai lăn lưng ra giúp họ. Nuốt giận làm nguôi, Toàn đành phải xách xe chạy lòng vòng lang thang. Trong một đêm lang thang như vậy, Toàn được một cô gái kêu chở đi khách. Kẹt tiền xăng thì phải chở. Chở quen rồi thì chở nữa. Chở nữa. Cho đến một hôm, Toàn bị một gả say đâm sầm vào với tốc độ chạy nhanh tới chóng mặt của hắn.
Cái chân còn lại bị gãy. Cái xe banh chành thành một đống sắt. Nằm trong bệnh viện mà Toàn thấy mình như đang nằm trong huyệt mộ. Cuộc đời tối sầm lại trong mắt anh. Vợ anh phải một mình bươn chải. Vừa nuôi chồng, vừa nuôi con. Chẳng mấy lúc mà chị cũng nhuốm bệnh, gục xuống. Công đoàn giúp dược một mớ, cơ quan giúp được một mớ. Nhưng anh em ai cũng nghèo, đồng tiền quyên góp nhỏ nhoi như hột muối bỏ bể. Những người giúp được anh nhiều nhất lại chính là những cô gái bán thân mà anh chở đi khách mỗi đêm. Họ không những giúp anh về tiền bạc, mà họ còn thay nhau vào săn sóc vợ chồng anh trong bệnh viện.
Mọi người cứu được anh, nhưng không cứu được vợ anh.
Trước lúc trút hơi thở cuối cùng, chị còn nắm tay anh mà dặn:
- Nhà người ta biết sái, có xin được bồi thường. Nhưng thôi. Chín bỏ làm mười, lá rách đùm bọc lấy nhau. Người ta cũng chạy xe ôm, lỡ vui với bạn bè. Bỏ nghen anh!..
Toàn nắm bàn tay vợ, nước mắt chảy ngược vào trong.
Khi Toàn ra viện cũng là ngày vợ anh dứt áo bước vào cõi vĩnh hằng.
Trước sự thôi thúc của mưu sinh cơm áo gạo tiền, Toàn phải xin hưu non, lãnh một cục tiền, xoay ra chuyên chú chạy xe ôm cả ngày, cả đêm. Nhưng rồi xe ôm mỗi ngày mỗi nhiều, sức khỏe lại mỗi ngày mỗi yếu, Toàn lại lâm dần vào cảnh nghèo khó. Đứa con trai lớn mới mười bảy tuổi đã phải nối nghiệp cha chạy xe lòng vòng rước khách. Đứa con gái phải lội bộ đi bán vé số. Cha con sống với nhau trong căn nhà chật chội, vậy mà rất ít khi được sum vầy với nhau.
Nhiều đêm nằm vắt tay lên trán, Toàn trăn trở nghĩ tới nghĩ lui, tới mức không ngủ được. Thấy ngứa trên đầu, Toàn dùng tay dứt từng cọng tóc. Đêm này qua đêm khác, Toàn cứ trằn trọc thao thức, cứ lẩn thẩn nhổ từng sợi tóc; nhổ mãi, nhổ mãi, đến nỗi hói trọi lỏi cả đỉnh đầu.
Khi cái đầu đã bóng lưỡng ra thì Toàn vớ được cái phao cứu sinh từ Ủy ban nhân dân phường. Họ xét duyệt cho anh mười bốn triệu đồng cất nhà tình nghĩa. Họ lại còn tạo điều kiện cho anh vay vốn ngân hàng để xây nhà. Gom góp tất cả, bán sạch tất cả, Toàn kéo rốc cả nhà vào đồng bưng nhận khoán đất trồng rừng và lập đìa nuôi cá.
Sở dĩ Toàn kéo cả nhà vào đồng bưng, là vì anh nhớ tới con mèo, và nhớ tới cái chết của nó. Con mèo khi no nê thì dụi đầu vào lòng chủ, dim mắt grừ grừ khoan khoái; phong lưu đài các tới độ. Nhưng đó là lúc nó lười, nó hưởng thụ; nó chỉ ườn ra chờ sự vuốt ve, chứ đừng hòng chờ ở nó ở sự đụng chân đụng tay. Chỉ khi nào cõi hoang thăm thẳm ở trong nó trỗi dậy, nó mới thật là nó. Bấy giờ nó không coi ai ra gì. Nó hiện nguyên sinh bản chất hoang hóa. Lang thang. Rình rập. Đeo đuổi con mồi một cách kiên trì, tới chụp được mới thôi. Cõi hoang thăm thẳm có ở trong chân ngã của con mèo. Tiếng gọi của chân ngã giục nó phải săn con mồi sống cho kỳ được. Khi nó giã từ chân ngã, đi ăn mồi của thiên hạ, nó đã phải trả giá vì trúng bả của thiên hạ. Sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc.
Mất mấy năm hụp hửi giữa đồng bưng, cơ ngơi của cha con Toàn hiện dần lên với rừng tràm, với đìa cá. Cha con anh càng ngày càng gắn với thiên nhiên, hoà với thiên nhiên tới tận cùng lối sống. Cả ba trần lưng với đất, nhuộm phèn đỏ quạch tới từng móng chân, móng tay. Cả nước da, cả vóc vạc cũng vậy. Cơ nghiệp lớn dần lên cùng với thời gian quần quật.
Trong một chuyến đi dọ giá cá đìa, Toàn tình cờ gặp lại người bạn đã cho mình mượn chiếc Honda 67. Anh ta cùng Toàn vô bưng. Sau khi quan sát đồng đất, anh ta thảo ra ngay một hợp đồng làm ăn lâu dài với Toàn. Theo đó, Toàn vừa cung cấp cừ tràm, vừa cung cấp cá đìa theo mùa vụ cho bạn. Bù lại, anh ta sẽ đầu tư thêm vốn và kỹ thuật, để Toàn phát triển nghề nuôi rắn, nuôi ba ba và cá sấu. Trước mắt, hai người con của Toàn phải lên thành phố, theo học một khóa cấp tốc về chuyển giao công nghệ chăn nuôi động vật có nguồn gốc hoang dã.
Toàn không ngờ được là công việc làm ăn lại tiến triển thuận lợi và nhanh tới chóng mặt. Lúc đầu chỉ ba cha con, về sau quy mô phát triển ngày càng phình ra, cha con anh phải mướn thêm người làm. Rồi hai con anh lần lượt lấy vợ lấy chồng. Cả gia đình vẫn quây quần trong trang trại.
Khi các cháu đã tới tuổi đi học, Toàn bàn với con trai và con gái, bỏ tiền ra cất một ngôi trường ngay trên đồng đất của mình. Nội con trẻ của những người cùng làm ăn trong trang trại, đã gần hai chục đứa; lại còn con cái của bà con trong vùng. Có trường, trẻ khỏi phải bơi xuồng đi xa cả hơn chục cây số; cha mẹ của chúng khỏi phải lo lắng cảnh sông nước lênh đênh. Đó là ngôi trường đầu tiên giữa đồng bưng ngập nước. Ngôi trường được phòng Giáo dục công nhận và hỗ trợ cả về giáo viên, cả về ngân sách.
Để thu hút học trò, cha con Toàn lập khu nội trú, bỏ tiền ra nuôi học sinh ăn học. Đa số trẻ em tới trường đều trễ hơn so với lứa tuổi, nên hầu như đứa nào cũng có vóc vạc to lớn. Toàn bàn với giáo viên, sau một buổi các cháu đi học, sẽ tổ chức cho các cháu một buổi làm quen với kỹ thuật trồng rừng, nuôi rùa, rắn, ba ba và cá sấu. Được nhà trường và phòng giáo dục huyện chấp thuận, mô hình trường học gắn với lao động sản xuất đầu tiên của vùng đồng bưng được hình thành. Nhiều tổ chức từ thiện quốc tế đến thăm, ngõ ý muốn tài trợ, nhưng Toàn đều nhất mực từ chối. Anh muốn ngôi trường đó phải là sự cống hiến của chỉ riêng gia đình anh. Anh muốn được đóng góp, muốn trực tiếp giúp con cháu trong vùng thoát khỏi cảnh cơ cực như tuổi thơ của anh. Bởi vậy, dù tài sản cố định đã lên tới hàng tỉ, anh và các con, các cháu vẫn sống rất đạm bạc.
Vào mùa lũ năm 2000, chỉ trong một đêm, nước từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về, đã ngập linh láng chung quanh trang trại. Tất cả công nhân đều được huy động lên mặt đê bao chống chọi với sức nước. Khi đã phân công xong các phần việc cho mọi người, bấy giờ Toàn mới sực nhớ, trong khu vực nội trú, là nơi đất thấp, có nguy cơ bị lũ cuốn, tuy học sinh đã nghỉ học, nhưng vẫn còn một cô giáo có con mọn đang kẹt chưa di dời đi được.
Còn lại một thân một mình, nhưng Toàn vẫn giật máy Yanmaha, chạy ghe đi rước mẹ con cô giáo về cuộc đất cao ráo ở trung tâm trang trại. Khi Toàn tới nơi thì nước đã vây bủa tứ bề khu nội trú. Cô giáo đã kê được chiếc bàn lên trên sạp giường, đứa bé mười tháng tuổi đang nằm trên đó. Còn cô giáo thì đang loay hoay tìm cách kê thêm một cái sạp bằng cây trên các vì kèo áp mái. Cặp chiếc ghe vào hiên nhà, Toàn dục cô giáo ẵm con xuống ghe, chạy nhanh về khu trung tâm cho kịp giờ đóng cửa đập.
Khi chiếc ghe chạy về gần cửa đập, thì cũng là lúc nước xiết cuồn cuộn từ cánh đồng linh láng, cuộn xoáy vào kinh lớn những xoáy lớn, sôi réo hù hụ tới rợn người. Dù chiếc máy tới mười hai sức ngựa, nhưng Toàn không thể nào ghìm lái cho nó cập được vào bờ. Bởi lẽ Toàn chỉ có một chân, không thể nào đứng vững được trên chiếc ghe đang chao lắc như điên như cuồng. Cô giáo tuy còn trẻ, nhưng lại phải ôm ghì đứa bé đang khóc thét trong lòng, không thể giúp gì được cho anh.
Nhìn sức nước băng băng cuộn xiết, nhìn những xoáy nước cuồn cuộn xiết vào dòng kinh, Toàn biết chắc rằng, không cập được ghe vào bờ, nguy cơ lật úp ghe là chắc chắn. Nghe tiếng khóc thét của đứa bé sơ sinh, cõi hoang thăm thẳm trong Toàn bùng lên, mãnh liệt còn hơn sức lũ. Trụ bàn chân phải thật vững trong sạp ghe, gài cẳng chân giả vào lườn ghe, Toàn một tay cầm chắc bánh lái, một tay xiết ga, quyết xoay chiếc ghe đè lên sóng dữ mà cập vào bờ. Hai cánh tay nổi cơ bắp cuồn cuộn, toàn thân rịn mồ hôi ướt rượt. Đôi mắt có tuổi của anh cháy rực lên như lửa. Vầng trán căng ra, đổ mồ hôi giọt giọt.
Anh em đứng trên mặt đập, cuộn dây gân thành vòng, ném ra cho Toàn. Đã mấy lần chụp hụt. Lần này thì Toàn quật sức, rướn cao người lên, quờ tay nắm được sợi dây.
Giữa tiếng hò reo hoan hỉ của mọi người, Toàn gồng người cột được sợi dây gân vào cọc ghe. Chiếc ghe đang có nguy cơ bị hút ra kinh lớn , thốt nhiên bị ghị lại, giật lên một cái rất mạnh. Toàn đứng một chân, bị mất đà, văng bắn ngay xuống dòng nước xiết. Xoáy nước cuồn cuộn, hù hụ nhấn Toàn xuống thăm thẳm lòng sâu của nó.
Tất cả mọi người trên bờ đều lặng đi. Chỉ nghe hét lên tiếng kêu thất thanh của cô giáo:
- Bác Toàn ơi!.. ơi!..