Tu le sauvas peut-être un jour.
JPS.(1)
Thế nào gọi là tiểu-thuyết-mới ((Nouveau Roman). Đó là câu hỏi của những người chuyên viết về tiểu thuyết và những người thường đọc tiểu thuyết.
Giữa hậu bán thế kỷ XX; một phong trào văn chương thuộc thế hệ trẻ Pháp như Alain Robbe-Grillet, Michel Butor, Claud Simon, Jacque Derrida, Nathalie Sarraute, Pierre Bourdier…được tung ra giữa “thị trường” văn học thời ấy vào đầu thập niên 1962,cái gọi là Tiểu-Thuyết-Mới, lập tức phong trào nầy được khám phá ngay, không những ở Pháp mà ngay một vài nước khác trên thế giới,Việt Nam ta cũng chịu ảnh hưởng phong trào thời thượng lúc đó, kể cả bộ môn nghệ thuật khác, tuy không rực rở nhưng đã hội nhập được với trào lưu thời bấy giờ…
Trong số những nhà văn nầy; Alain Robbe-Grillet(*)nổi tiếng là một trong những người dẫn đầu “Nouveau Roman”Tiểu-Thuyết-Mới có một văn phong khác lạ từ tư tưởng cho đến hành văn; từ đó tạo nên tiếng vang lớn trong giới văn nghệ sĩ cũng như tạo nên một cuộc cách mạng văn học và là nền tảng của phong trào tiểu-thuyết-mới cho hôm nay và ngày mai.Tiểu thuyết của Robbe-Grillet mang tính chất khám phá, tìm hiểu hay có khi tọc mạch, chất vấn để đi sâu vào sự kiện hơn là đặt vấn đề. Ông đưa tiểu thuyết của mình vào cái trạng thái đầy mâu thuẩn và chối bỏ mọi lề thói, khuôn thước từ chương. Qua nhiều tác phẩm khác nhau, người đọc tìm thấy ở A.R-Grillet như một tác giả của siêu hình, ẩn dụ và gần như tạo nên một huyền thoại khác cho người đọc bằng những chi tiết đầy phức tạp mà tác giả không một lời giải thích hay biện minh qua từng nhân vật trong truyện. Đó là phong cách sáng tác cũng như chủ đích của tác giả chứa đựng trong nội dung của tác phẩm.
Alain Robbe-Grillet cho rằng tiểu-thuyết-mới không phải là một tiểu thuyết định hướng cho một khuynh hướng văn học mà điều quan trọng là vận dụng được một hình thức mới lạ cho tiểu thuyết đó là cơ hội diễn tả được những tương quan giữa con người và vũ trụ giới. Những gì xưa cũ của tiểu thuyết dần dà sẽ thoái hóa, nói rõ hơn, tiểu-thuyết-cũ đã trở thành lập ngôn hơn là sáng tạo và tạo nên những tác hại khác giữa vô lý và vô bổ, ảnh hưởng cho việc sáng tác văn chương mà mất dần tính sáng tạo trong văn chương,vô tình; người viết biến mình là đạo văn, thợ viết, lạc hướng của ngôn ngữ và mất luôn tính chủ động của nhà văn. Robbe-Grillet coi trọng ngôn ngữ sáng tạo; có lẽ điều đó không xa với nhà ngữ học Pháp: ”chính ngôn ngữ sáng tạo ra tư tưởng” Ferdinand de Saussure .
Tiểu-thuyết-mới không lý giải ý nghĩa của thực tại, mà tìm ra được những ý nghĩa riêng biệt của nó. Không còn biên giới của sự thể,không băn khoăn về nội dung diễn tả,cũng chẳng cần đến qúa khứ,chẳng siêu hình, chẳng đạo đức và cũng chẳng cần đến thời gian và không gian mà cốt tủy là đem lại cho người đọc sống cùng với những diễn biến xẩy ra trong câu chuyện.
Tiểu-thuyết-mới đóng vai trò của người kể chuyện, trước sau gần như việc tường thuật; đôi khi nhân vật không rõ lý lịch, nghĩa là không có tên của vai trò, chẳng cần phải xuất xứ từ đâu, giàu hay nghèo, thuộc xã hội nào, mất luôn cả thời gian lẫn không gian,tất cả rơi vào cõi vô định.Alain Robbe-Grillet là người không ưa lối từ chương tích cú, bản thân ông sợ những chính kiến đó có thể đưa tới thói quen trong văn chương, một thể tính văn chương hư hoá. Quan niệm võ đoán như thế đã đưa lại sự phản kháng mảnh liệt ở Pháp, ngược lại ở hãi ngoại ông lại được ngợi ca và cổ vũ (báo Le Monde).
Ông được mệnh danh là nhà văn của mâu thuẩn và nghịch lý. Alain Robbe-Grillet cho rằng tất cả là vô nghĩa, chẳng phải là “có lý” hay “vô lý”chỉ có sự hiện hữu của con người đối diện với vật thể là chính yếu, ông cũng chẳng phải thắc mắc giữa có và không, giữa vắng mặt và có mặt.Vì rằng; những lề thói đó A.R-Grillet cho là sự trì trệ và khuôn thước đã làm mất tính tự do trong khi viết. Ấy là thứ ngôn ngữ mới của Grillet mà mỗi nhà văn thể hiện cách viết riêng cho mình.
Thế giới của Alain Robbe-Grillet là thế-giới-tự-nhiên và thế-giới-sự-vật; giữa hai thế giới đó không tạo thành một không gian khách quan mà là một không gian sống thực, không gian theo sự hiểu biết, cảm xúc của con người, nghĩa là không gian trong tầm xử của con người. Cho nên; không gian sống động là không gian của con người đó là thứ tiểu-thuyết-mới biểu lộ được những quan niệm khác nhau giữa cũ và mới.Thường thường tiểu-thuyết-cũ đều bắt đầu bằng lối tả cảnh, xây dựng như một dàn cảnh mà điều đó chẳng kết nối câu chuyện muốn nói đến và cũng chẳng ăn nhập vào đâu hay cần thiết cho câu chuyện sắp kể trong truyện.Vì thế cái thế giới bên ngoài của không gian sống thực đã biến thành không gian nội tâm, vì nhà văn thu hút tất cả vào trong ý thức để xây dựng một vũ trụ riêng mình. Như cuốn “Les Gommes”(Những Cục Tẩy) cũng như “La Jalousie”(Ghen); đưa độc giả vào một khung trời mờ mịt, hụt hẳn để rồi nói lên cái không tưởng của nhân vật ảo. Đến cuối đời ông viết thêm cuốn”Un Roman Sentimental”(Tiểu Thuyết Tình Cảm)với lối miêu tả cực kỳ dục tính, cách giao tình của những người loạn luân cũng như những kẻ đồng tính, đó là điều mà những nhà phê bình cho Robbe-Grillet đã qúa “erotic” khiêu dâm trong văn chương một cách thái qúa, thực ra không phải là khiêu dâm,mà ông cho đó là vật thể giữa con người trao đổi với nhau qua những hình thức luyến ái mà không mang nặng nội dung dục tính của câu truyện. Alain Robbe-Grillet coi tiểu-thuyết-mới như một sáng tác vượt thoát ra khỏi mọi định kiến cố hữu,không còn biên giới giữa người viết và người đọc mà trọng tâm là tạo nên một không gian khách quan để biến hình vào trong không gian nội tại (espace intérieur); đó là một thức tỉnh nội giới biến cái nhìn sự vật như đã bị nội tâm hóa để dể bề khám phá được ý nghĩa cuộc đời, có thể đảo lộn cả một quan niệm về cuộc đời khi nó trở thành trung tâm của một kinh nghiệm nhận thức.Tuy nhiên vẫn có một mặt trái của sự vật đó chính là không gian đối nghịch, không còn là một không gian quen thuộc.Tất cả những nhà văn mới đều coi con người là trọng tâm của truyện, thế giới bên ngoài,thế giới bên trong là tùy thuộc của con người…
Ngược với trào lưu; Alain Robbe-Grillet cũng như Nathalie Sarraute quan niệm con người hầu như lệ thuộc vào thế giới sự vật, ý thức tự nó như tan biến vào sự vật. Do đó điểm nổi bật ở đây là thế giới đồ vật; chẳng hạn nói đến cái bàn,căn phòng,thành phố, hòn đảo…và những nhân vật không nhân dáng, hình thể đều được sắp xếp trong lý tính không có trong đời thường mà trọng tâm của tiểu-thuyết-mới là mô tả vật giới như vừa có sự hiện diện của con người nằm trong cái không gian ấy. Điểm đặc biệt của tiểu-thuyết-mới là sự từ chối nhân vật. Đọc tiểu thuyết;theo tác giả nhìn bằng con mắt qua sự vật,cảnh vật xung quanh. Cái nhìn đó là hiện hữu không phải xử dụng bằng thị giác mà lãnh hội được một cách sáng suốt ở ngoại giới, cái nhìn nội giới là cái nhìn sự vật như một nhận xét chi tiết chứ không phải cái nhìn thoáng qua mà phải có cái nhìn chiều sâu,tỷ mỷ và chú tâm về cái bên ngoài của sự vật bằng con mắt thật. Lí lẽ như thế cho nên đời gọi Robbe-Grillet là nhà văn thuộc trường-phái-nhìn.
Từ quan niệm đó; tiểu-thuyết-mới của R-Grillet không còn chú trọng đến nhân vật hay bố cục của câu chuyện mà chỉ nhấn mạnh về sự tiếp cận với thế giới vật thể.Tiểu-thuyết-mới nhằm mô tả con người chưa tới giai đoạn hình thành và thế giới bên ngoài chưa hẳn tùy thuộc của con người.Vậy đâu là mục tiêu để mô tả hiện tượng luận về tiểu thuyết(?) Nói cách khác, quan niệm về cuộc đời bao hàm trong tiểu thuyết là kỷ thuật diễn tả; vì thế nhà văn có những thể cách khác nhau để biểu lộ những cuộc đời khác nhau.J.P.Sartre đã nói: ”Mọi kỷ thuật tiểu thuyết đều đưa về một siêu hình học của tác giả” (Tout technique romanesque renvoie à une métaphysique du romancier). Có được cái nhìn như thế về cuộc đời thì xử dụng cách diễn tả mới sáng tỏ khuynh hướng của mình muốn nói.
Truyện của Alain Robbe-Grillet không có gì cầu kỳ, bí hiểm; ngược lại càng đọc càng thấy đơn giản, không chắt lọc, diễn tả ít ỏi, không có những nhân vật sống động, những khung cảnh trử tình,trái lại; càng đi sâu vào tác phẩm của ông ta tìm thấy được những nhân vật nghèo nàn và sự vật nổi bật hẳn ra .
-Trong cuốn “Les Gommer”(Những Cục Tẩy 1953)nhân vật chính của truyện là một thám tử điều tra, khám xét, hỏi cung…như là bổn phận phải thi hành và báo cáo với cấp trên. Nhưng từ cuối câu chuyện, viên thám tử đang còn trong vòng điều tra kẻ sát nhân, thì oái ăm thay chính viên thám tử là kẻ sát nhân…Truyện nầy Robbe-Grillet viết với một phong cách mới lạ từ ý tưởng đến hình thức, đi ngược lại với phuơng cách xây dựng tiểu thuyết truyền thống,tiểu thuyết của ông đã thay đổi nhận thức và định nghĩa một cách phong phú của những vật thể thiên nhiên.
-Trong cuốn “Dans Le Labyrinthe”(Trong Cơn Mê 1959) cả hai cuốn tiểu thuyết nầy,tác giả đưa người đọc lạc bước vào một khu rừng tăm tối,những con đường rối chịt như tơ vò không lối thoát không biết đâu là đường thoát thân;người đọc rơi vào cảm giác “mê lộ”mà chủ đích của tác giả không để cho người đọc có lối về nhưng đưa độc giả lạc và mất hút vào trong truyện. Những hình ảnh và sự vật để lại cho độc giả một sự ước đoán và suy ngẫm.Trở lại với”Les Gommer”:”cuối cùng mới khám phá ra rằng viên thám tử kia đã bắt và giết nhầm người, tưởng là thủ phạm hoá ra kẻ sát nhân đó chính là con của mình”.
-Truyện”Le Voyeur”(Kẻ Dòm Trộm 1955)cũng theo một lối xây dựng tương tợ,xoáy quanh một vụ sát nhân(homicide)khác mà mọi dữ kiện đều là nghi ngờ,dự ước,lời đối thoại không đi sâu vào câu chuyện để phân tích hoàn cảnh mà độc giả không bao giờ được biết rõ và ngay cả tác giả cũng không giải thích cụ thể khía cạnh tâm lý : …Nhân vật Mathies một người bán đồng hồ trên đảo bị nghi ngờ là sát nhân và hành động sát nhân đó cũng không nói rõ là do nguyên nhân nào, trường hợp nào đưa tới giết người. Đọc cuốn nầy người ta thấy được cái mâu thuẩn nghịch lý, thế mà được trao giải thưởng của những nhà phê bình chọn lựa là giải Critics Prize(1955) Đó là lý do làm cho Alain Robbe-Grillet sáng danh trong thể loại tiểu-thuyết-mới và giòng văn học của thế kỷ XX nầy.
-Truyện “La Jalousie”(Ghen)là cuốn tiểu thuyết nổi bật của A.Robbe-Grillet, truyện viết về một nhân vật chính không có tên gọi mà cũng chẳng thấy xuất hiện trong truyện. Mở đầu truyện; tác giả có xin độc giả hiểu như sau:”nhân vật nầy không có tên xưng hô, mặt mày chẳng thấy ra làm sao cả. Nó là một trống không giữa cuộc đời này. Một chỗ trống ở giữa các đồ vật. Nhưng mọi con đường khởi thủy từ NÓ và kết thúc cũng ở TỪ NÓ. Cái chỗ trống đó;cuối cùng trở nên cụ thể, vững chắc cho câu chuyện. Khung cảnh của cuốn “La Jalousie” nói về một đồn điền trồng chuối ở vùng nhiệt đới, một người đàn bà có chồng, ngoại tình với người hàng xóm quen biết nhau trong gia đình, có những cử chỉ khả nghi mà người chồng biết được; tất cả những điều đó được tác giả miêu tả kỷ càng, tỷ mỷ từng chi tiết cho người đọc có thể nhìn thấy, nhưng người chồng, nhân vật chính không thấy xuất hiện, người chồng chỉ xuất hiện ở ”chỗ trống” và người chồng đó không bao giờ xử dụng danh từ ngôi thứ nhất ”je/moi/tôi” mà chỉ là ý niệm(conception)của sự có hay sự vắng mặt của người đàn ông như sự kiện giữa ảo và thực.Tác giả không đặt ta đứng trước một người ”ghen” để quan sát những cử chỉ,hành động. Nhưng đứng trước một cái ghen như thế người đọc đoán được mỗi sự cố xẩy ra,cách lắp ráp những đồ vật được mô tả trong câu chuyện mà nhận biết. Lối hành văn và bố cục câu chuyện của A.Robbe-Grillet là đưa độc giả vào sự khám phá hơn là xây dựng mạch lạc của câu chuyện. Đọc truyện của ông viết nên hiểu cái chiều sâu trong truyện hơn là đặt vấn đề khúc chiết…Tiểu-thuyết-mới của Alain Robbe-Grillet là thế đó!
Theo quan niệm của Alain Robbe-Grillet về tiểu-thuyết-mới là nhằm tẩy rửa, gạt bỏ những ý nghĩ, cảm xúc mà con người đã gán cho sự vật. Sự vật trước cái nhìn của con người thường chứa đựng những tính chất nhân loại. Thái độ ấy là một thái độ chiếm đoạt để xử dụng sự vật hoặc để thưởng thức; sự vật mất đi ý nghĩa tự tại, vì nó chỉ còn lại “sự có”(have/avoir)”của đến và đi” đó là sự hiện hữu duy nhất mà thôi!
Tiểu-thuyết-mới của A.Robbe-Grillet “thiếu chiều sâu”. Đúng! đó là đặc điểm cốt tủy trong tiểu thuyết của ông.Tiểu-thuyết-cũ bao giờ cũng khai thác chiều sâu, chiều sâu xã hội, chiều sâu tâm lý, triết lý.A.R-Grillet không nhìn người, vật với đôi mắt tra hỏi của một ông quan tòa mà với đôi mắt bình thường như một người đi ngoài đường, chỉ thấy độc một cảnh tượng là phố xá với tất cả cái vẻ bề ngoài không hơn không kém. Chủ đích của Robbe-Grillet là phản kháng lại quan niệm thần-thánh-hóa tiểu thuyết, trong đó người và vật là nạn nhân của nhà văn.Tác giả phản ứng thái độ bi đát của cuộc đời trong các nhân vật mà tiểu-thuyết-cũ đã dựng lên…ông chủ trương thái độ khách quan ,vô tư để xây dựng một tiểu thuyết hiện thực.
Alain Robbe-Grillet đã mạnh dạn phủ nhận mọi chiều sâu của sự vật, lạm dụng trong việc chiếm đoạt sự vật nhưng vấn đề quan trọng trong tiểu-thuyết-mới; có phải vì thế mà xóa bỏ sự tiếp xúc hay chỉ xóa bỏ sự lạm dụng để tìm thấy những tương quan đích thực? Ông cho rằng vị trí của con người trong tiểu-thuyết-mới không phải là ở trong những sự vật được diễn tả mà nằm trong sự chuyển động của sự diễn đạt, ấy là sự khát khao của văn-chương-mới. Cho nên cái sứ mạng đó như một vai trò của nhà văn là người biết khám phá để thử nghiệm một cảnh sống toàn vẹn và mới mẻ mà sự hoài nghi và chối bỏ vẫn là xiềng xích, ràng buộc tư duy của con người. Đó là những gì người đọc có thể nêu lên khi đi vào tiểu-thuyết-mới của Alain Robbe-Grillet.
Ngày nay; những tiểu-thuyết-mới của ông cũng như những nhà văn cùng trường phái đều có chỗ đứng vững chắc và được thừa nhận như những nhà văn đương đại của thế kỷ. Đặc biệt hơn nữa đối với văn học thế giới cũng như văn hóa Pháp; tạo được cho người đọc cũng như người viết một ý thức về sáng tạo của văn chương, ngoài ra còn khai thác triệt để lối viết mới một cách sáng sủa hơn và lý giải nguồn sáng tạo vô biên của tiểu-thuyết-mới cho hôm nay và ngày mai ./.
VÕ CÔNG LIÊM (đầu năm 2010)
(1)”Một ngày nào đó bạn sẽ hiểu”Jean-Paul Sartre(1905-1980)
(*) Alain Robbe-Grillet.Sanh ngày:18/8/1922 tại Brest(Pháp) Chết:18/2/2008 tại Caen(Pháp)
Có tên trong Viện Hàn Lâm Pháp(1961) Ông để lại nhiều tác phẩm cũng như phim ảnh có giá trị:
-Les Gommes(1953)
-Les Voyêurs (1955)
-La Jalousie (1957)
-Dans Le Labyrinthe (1959)
-Pour Un Nouveau Roman (1961)
-Un Roman Sentimental (2007)
Đạo diễn phim:
-L’immortelle
-Trans Europe Express
-L’homme Qui Ment
SÁCH ĐỌC:
-Xây Dựng Tác Phẩm Tiểu thuyết (Gs Nguyễn Văn Trung)NXB Tự Do.Huế 1962.
-Danh Nhân Thế Giới.NXB:Văn Hóa Thông Tin-TpHCM..Việtnam 12/1998.
- A Roman Sentimental.Landoll,Inc 2007 USA .
Tranh Vẽ: ‘Thằng Nhỏ / Boy’ Khổ 12’X16’ trên giấy cứng. Acylics+ Pigment+ Oilstick. Vcl 2012.