Lê Đạt có một bài thơ đặc biệt (được lấy làm tên cho cả tập thơ) thể hiện được tình cảm tinh tế cũng như phong cách nghệ thuật tài hoa cùng với sự gửi gắm nhiều ý tưởng của ông về nghệ thuật/thơ ca. Nhiều tác giả trích dẫn một số câu ở bài này để minh họa cho những luận điểm về thơ, nhưng phân tích toàn bài thì trước đây chỉ có Thuỵ Khê (Tạp chí Thơ 04-2009 ) và sau đó có Phạm Minh Trí (Văn Nghệ -số 15-2010). Hai tác giả đều có những phân tích xác đáng và tinh tế ý nghĩa thẩm mỹ của bài thơ, tuy nhiên cũng còn có nhiều điều chưa thật làm độc giả thỏa mãn, bài thơ còn nhiều ẩn ý chưa được khám phá. Một bài thơ thường có nhiều cách hiểu, nhưng cách hiểu nào dù mở rộng đến đâu cũng chưa thể xem là đủ, phải đảm bảo sự thông nghĩa, hợp lý của “chữ” và không xa rời cá tính sáng tạo của tác giả, nhưng thú vị vẫn là cái khoảng giao thoa của các ý tứ.
BÓNG CHỮ
Chia xa rồi anh mới thấy em
Như một thời thơ thiếu nhỏ
Em về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa
mây mấy độ thu
Vườn thức một mùi hoa đi vắng
Chiều Âu Lâu
bóng chữ động chân cầu …
-
Bài thơ tình độc đáo
Bài Bóng chữ có hai “trường nghĩa” đen và bóng. Nghĩa cụ thể, nghĩa đen nói về tình yêu, nghĩa bóng ẩn dụ nói về chữ nghĩa của việc sáng tạo. Chính hai “trường nghĩa” lẫn vào nhau làm bài thơ có “ trạng thái nhập nhoà và cạm bẩy của con chữ (Thuỵ Khê– bài đã dẫn).
Về “trường” nghĩa thứ nhất, trên cách nhìn một bài thơ tình Phạm Minh Trí phân tích : “Em mơ hồ mờ ảo như làn hương, ánh trăng, cảm nhận thấy mà khó nắm bắt, em vẫn đây mà em ở đâu [...] Em chính là hồn quê, hồn đất là nét đẹp của cội nguồn văn hoá” ( bài đã dẫn ). Tác giả lý giải khá tinh tế về tình yêu, về “cái bóng” của em trong bài thơ.
Vẫn ở trường nghĩa tình yêu, với sự nhạy cảm đầy nữ tính Thuỵ Khê dẫn giải một cách hiểu khá độc đáo, bà viết: “ Em về trắng đầy cong khung nhớ vừa tha thiết vừa đắm say. Khung nhớ hình ảnh đẹp và hiếm, vừa cụ thể hoá niềm nhớ, vừa gợi lên tính chất sùng bái dồn nén hữu hạn và vô hạn của nhớ thương. Chữ “cong” trai lơ nằm giữa trắng, đầy và mây mưa ( trong câu thơ kế tiếp ) gợi nhục cảm.[...] Chia ly giữa mùa và thu, giữa mây và mưa, ở đây nhà thơ mở ẩn dụ mây mưa thành hai hình : Mưa mấy mùa/mây mấy độ thu. Và hai hình ấy lại có khả năng tạo hình bằng phiếm định, dường như chúng hỏi nhau trong câu thơ “về chuyện ấy”. Mấy : Bao nhiêu? Vài? Một ít ? Biết bao nhiêu mà kể? Chẳng bao giờ?” ( bài đã dẫn). Cách cảm thụ thật tài hoa, độc đáo về tình yêu, phát hiện tinh tế về yếu tố nhục cảm của tứ thơ !
2- Một thông điệp về sáng tạo thi ca
Bài thơ này hay một cách uyển ảo nhờ cấu tứ độc đáo bằng lối xử dụng “ẩn dụ kép” trong tương quan giữa Chữ và Em. Chữ và em là hai hiện thực ngoài đời, tương sánh với bóng chữ và bóng em là hai hình ảnh trong tâm hồn. Chữ có thể thay em , bóng chữ có thể đứng thay bóng em trong tương quan trên. Em gắn với kỷ niệm tình yêu tha thiết . Chữ gắn với công việc sáng tạo kỳ khu. Em thực không có trong bài thơ mà chỉ là cái bóng em về trong kỷ niệm (Chia xa rồi anh mới thấy em/ Như một thời thơ thiếu nhỏ) làm lay động tác giả và chính cái bóng chữ ở sau các con chữ để thể hiện cái bóng em đó mới làm tác giả mất công tìm kiếm và tạo cảm xúc nơi độc giả. Câu thơ: Em về trắng đầy cong khung nhớ theo chúng tôi là câu thơ hay nhất bài, nó thấm đượm chất trữ tình và cũng thể hiện qui cách làm thơ của tác giả. Nó không gợi dục theo kiếu “phồn thực” dẫu có các hình ảnh trắng, đầy, cong, khêu gợi cảm giác và cũng không lãng mạn kiểu cổ điển “soi bóng dưới ánh trăng nơi khung cửa sổ” ... Câu thơ đánh thức trí tưởng tượng người đọc bởi cái vẻ siêu thực của nó. Hư ảo bên ngoài trộn lẫn mộng tưởng bên trong. Em giờ vắng xa nhưng mùi hoa đi vắng vẫn lẩn quất trong vườn. Cái bóng em hiện về theo kỷ niệm trong tâm trí...và bóng chữ được đánh thức bởi bóng em. Câu thơ Em về trắng đầy cong khung nhớ xuất hiện đầy ắp ấn tượng thể hiện khá rõ tình ý cũng như cách thức sáng tác của nhà thơ’. Trong mơ thấy bóng em hiện về nơi khung cửa, nhà thơ dùng bóng chữ ( thủ pháp ẩn dụ có pha màu siêu thực) tạo nên câu thơ đầy sinh động, đầy ẩn ý .
Chất trữ tình sâu lắng, vẻ đẹp tình yêu trong bài thơ đã rõ, nhưng ý nghĩa bài thơ không dừng ở đấy và theo cách nghĩ của chúng tôi đó không là cái thông điệp chính yếu mà tác giả muốn gửi gắm qua bài thơ. Cái sâu kín, sự gửi gắm quan trọng, nếu không nói quan trọng nhất ( nếu liên hệ tên tập thơ/bài thơ), bài thơ lấy tình yêu để nói về chuyện chữ nghiã trong công việc sáng tạo của người nghệ sĩ. Hay nói một cách khác thông điệp thẩm mỹ của bài thơ mà tác giả gửi gắm qua câu chuyện tình yêu là một quan niệm về sáng tạo: hiện thực trong thơ và cách thể hiện.
Bài thơ có hai nấc nghĩa:
1/ Sự xúc cảm của tác giả trong bài thơ ở nấc thang thứ nhất là xúc cảm bởi bóng em, kỷ niệm về em. 2/ Sau nấc thang thứ nhất đó tác giả liên kết nói đến nấc thang thứ hai là dụng công sáng tạo, là bóng chữ – vẻ đẹp, tinh hoa của chữ để thể hiện cái bóng em trong tâm tưởng. Bóng em – kỷ niệm về em làm tác giả dấy lên bao xúc động tình yêu, còn bóng chữ – cái hồn cốt đằng sau con chữ mà tác giả mất công tìm kiếm, tạo được cái bóng đó của chữ là bản chất, là tài năng, là tinh hoa của nhà thơ, cái tạo nên giá trị của sự sáng tạo. Bản chất cái tinh hoa của bóng chữ là ở mối quan hệ với bóng em nó thể hiện cái bóng em ! Bởi thế Chiều Âu Lâu / bóng chữ động chân cầu. Câu thơ kết lại bằng cái ẩn dụ bóng chữ lay động không gian sáng tạo của tác giả, chứ không là em và tình yêu . Tên của bài thơ cũng là bóng chữ chứ không là bóng em. Kết bài thơ cũng là bóng chữ, điều đó không phải ngẫu nhiên mà là một ẩn ý , một dụng ý của tác giả.
Từ đấy chúng tôi nghĩ đến một hệ luận thẩm mỹ mà tác giả muốn gửi đến cho bạn đọc về phương thức sáng tạo của ông cũng như về mối quan hệ giữa thơ ca và hiện thực. Ta thường xoay quanh cái quan niệm: Thơ/văn là dùng ngôn ngữ (chữ) để miêu tả hiện thực cuộc sống (em), còn tác giả Lê Đạt đưa ra một quan niệm khác ( khác chứ không phải là đối lập):
Thơ, không phải dùng chữ để miêu tả em , mà dùng bóng chữ để tả cái bóng em. Bóng chữ ở đây là những hàm nghĩa ám dụ đằng sau ngôn ngữ hàng ngày là cái phép thay thế khi nói đến ngôn ngữ thơ ca, ông hay dùng “con chữ”, “con âm” để chỉ cái dạng thức sống động, tươi mới của ngôn ngữ, tinh hoa thơ ca của chữ nhà thơ cất công tìm chọn, việc làm mà ông quen gọi là “phu chữ”; còn bóng em là cái hình ảnh của “hiện thực – em” xuất hiện trong đầu óc nhà thơ, là cái hìện thực đã được lọc qua bộ nhớ, của sự thức nhận trong tâm hồn thi sĩ. Nó không là bản sao nguyên khối của hiện thực - em ngoài đời nữa ! Em hiện thưc được chuyển dịch và cải biến trong quá trình nhận thức để trở thành bóng em trong đầu óc thi sĩ thể hiện. Mấu chốt của vấn đề là ở đấy. Mối quan hệ giữa bóng chữ và bóng em là cái điều quan tâm cốt yếu đích thực của công việc sáng tạo của tác giả ! Từ công việc dùng chữ để miêu tả em đến việc dùng bóng chữ để thể hiện bóng em là một bước nhảy, một vũ điệu của tư duy nghệ thuật trong công việc sáng tạo của nhà thơ.
Thơ, văn không sao chép, chụp ảnh cuộc sống, tức là chỉ làm cái việc chuyển dịch hiện thực vào tác phẩm mà là quá trình nhận thức, tái tạo, là quá trình vừa chuyển dịch vừa cải biến, nên hình tượng nghệ thuật không thể nghiêng về cái “khách quan ngoại cảnh” mà xa rời cái “nội thần chủ thể”. Sáng tạo văn chương là dùng ngôn ngữ thể hiện, tái tạo cái hình ảnh hiện thực đã qua sự cải biến của đầu óc nhà nghệ sĩ. Đó cũng chính là bản chất quá trình nhận thức mà K. Mars đã từng nói đến “ Ý niệm chẳng qua chỉ là vật chất được đem chuyển vào trong đầu óc con người và được cải biến đi ở trong đó”*
Hiểu lại bài thơ: Trong xa cách nhớ lại kỷ niệm thời thơ thiếu nhỏ mơ thấy bóng em về nơi khung cửa, xúc cảm tác giả vận dụng tìm tòi (phu chữ) mong sự linh diệu tạo được cái bóng chữ để tả cái bóng em về trong kỷ niệm đó!
Từ ý nghĩa đó suy rộng ra ta bắt gặp một thông điệp ngầm về quan điểm sáng tạo của ông : Hiện thực trong thơ là hiện thực tâm trạng, là cái bóng của hiện thực ngoài đời! Nhà thơ là kẻ đi tìm cái bóng chữ để ghi lại cái bóng hiện thực đó. Bóng em chỉ là một hiện thực tâm trạng có tính hoài niệm mà bóng chữ ghi lại./.
* C. Mac và Ph. Ăng ghen ( 1993), Toàn tập, t.23, Nxb Chính Trị Quốc Gia Hà Nội tr35.