Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
485
123.133.263
 
115. Mạc Đăng Doanh. 2
Hồ Bạch Thảo

 

 

 Tháng giêng năm Đại Chính thứ 8 [10/2-10/3/1537]; (Lê Trang Tông Nguyên Hòa năm thứ 5; Minh Gia Tĩnh năm thứ 16) Mạc Đăng Doanh đến trường Thái học làm lễ tế tiên thánh tiên sư .

Tháng 4 [9/5-7/6/1537], gió to, gãy cây, tốc nhà, nước biển dâng tràn; làm chết nhiều người và súc vật.

Trước đây vào tháng 10 năm Đại Chính thứ 3 [1532], Tây An hầu Lê Phi Thừa được nhà Mạc giao cho quản lĩnh 7 huyện tại Thanh Hóa; nay khởi binh cướp lấy của cải của ba ty, rồi chạy vào nước Ai Lao đầu hàng vua Lê Trang Tông.

Mạc Đăng Doanh phong cho con là bọn Kinh Điển làm vương, ngoài ra đám quần thần đều theo thứ tự bậc mà nhận phong.

Lúc này Minh Thực Lục đề cập đến một phái đoàn cầu viện nhà Minh do vua Lê Trang Tông và Đại tướng quân Nguyễn Kim gửi sang Trung Quốc. Cầm đầu phái đoàn này là Trịnh Duy Liêu, vất vả đi theo đường Chiêm Thành, phải dừng lại tại nơi này đến 2 năm. Dựa theo những lời tố cáo của Trịnh Duy Liêu, đình thần nhà Minh hội họp, dưới sự chủ trì của bộ Lễ và bộ Binh, tuyên bố kết tội Mạc Đăng Dung  gồm10 điều:

Ngày 12 tháng 4 năm Gia Tĩnh thứ 16 [20/5/1537]. Hai bộ Lễ và Binh hội họp đình thần bàn về việc chinh thảo An Nam tuyên bố rằng Mạc Đăng Dung có 10 tội, không thể khoan dung mà không đánh:

Tội thứ nhất: đuổi Lê Huệ [Lê Chiêu Tông], chiếm đô thành của nước.

Tội thứ hai: cưỡng bách lấy mẹ của vua.

Tội thứ ba: đầu độc Lê Quảng [Lê Cung Hoàng], đem con y lên làm vua ngụy.

Tội thứ tư: bức Lê Ninh [Lê Trang Tông] phải bỏ trốn.

Tội thứ năm: tiếm xưng Thái thượng Hoàng đế.

Tội thứ sáu: cải nguyên Minh Đức, Đại Chính.

Tội thứ bảy: đặt binh tại quan ải, ngăn trở chống cự Sứ thần.

Tội thứ tám: bạo ngược vô đạo, độc hại sinh linh.

Tội thứ chín: Ngăn dứt đường đi cống.

Tội thứ mười: đặt quan lại ngụy.

Xin ban bố quyết định, truyền bá trong ngoài, khiển tướng luyện binh, định ngày tiến đánh. Bọn Trịnh Duy Liêu được đưa theo quân môn, để quan Tổng binh tham khảo sử dụng.

Thiên tử phán:

“ An Nam từ lâu không đến cống tại sân đình, theo phép đáng hỏi tội. Nay nước này tâu rằng nghịch thần Mạc Đăng Dung soán đọat, ngăn trở đường đi cống, lại tiếm xưng danh hiệu, đặt quan lại ngụy, tội ác đã rõ ràng, mệnh tướng xuất sư chinh thảo. Các quan Tổng đốc suy cử tuyển chọn những người có tài năng để sử dụng, điều động binh lương thích hợp. Hai bộ Hộ và Binh bàn định cách xử trí rồi tâu lên. Tiếp theo, điều nguyên Hữu Thị lang bộ Hình, Hồ Liên tại Nam Kinh, làm Hữu Thị lang bộ Hộ; thăng nguyên Tuần phủ Giang Tây Hữu Phó Đô Ngự sử Cao Công Thiều làm Hữu Thị lang bộ Hộ. Cả hai đều kiêm chức Đô sát viện Đô Ngự sử Tổng đốc lương hướng, Hồ Liên đặc trách Vân Quý, Công Thiều đặc trách Lưỡng Quảng. Đô đốc Thiêm sự Giang Hoàn được cử làm Tả Phó Tổng binh, Ngưu Hoàn sung Hữu Phó Tổng binh. Dương Đỉnh, Điền Mậu sung chức Tham tướng. Tôn Duy Vũ, Cao Nghị sung Hữu Tham tướng. Phan Thái, Tiêu Đỉnh, Thang Đình, Trần Vỉ sung Du kích Tướng quân. Tất cả lãnh binh chinh thảo, riêng Đại tướng quân đợi chiếu chỉ tuyển dụng.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 188. 

Tuy ra lệnh đánh nước ta, nhưng nhà Vua nhà Minh đã bị ảnh hưởng bởi lời khuyến cáo trong bản điều trần của Đường Trụ, nên muốn hoạch định một cuộc chiến hạn chế để khỏi bị sa lầy như cuối thời Nhân Tông, Tuyên Tông:

Ngày 13 tháng 4 năm Gia Tĩnh thứ 16 [21/5/1537]. Thiên tử lại dụ bộ Binh rằng:

Ngày nay có việc tại An Nam, giúp nước này trừ loạn, so với thời Thái Tông sự thể không giống nhau; nên dụng binh như thế nào, hãy suy nghĩ rồi tâu trình.

Bộ binh trình 11 điều:

1. Xin Thiên tử ban ấn cho Đai tướng quân; cấp cho văn võ Đại thần chế sắc, phù nghiệm, kỳ bài .

2. Bắc quân không tiện nam chinh. Nên điều Hán binh tại Lưỡng Quảng, Tứ Xuyên, Quí Châu, Hồ Quảng, Phúc Kiến; cùng Thổ binh như Mèo, chuyên sử dụng câu liêm. Tổng binh, Tham tướng tùy nghi điều động; nghiêm quân lệnh, cấm chỉ tham hàng hóa (1) , giết hàng binh.

3.Việc binh tiến hay dừng đều tuân lệnh Tổng đốc, Tham tán, mà thi hành. Các Phó Tham, Tam Ty trở xuống đều được ủy nhiệm sử dụng.

4.Sai Khoa đạo quan mỗi nơi 2 viên để ghi chép công, thứ hạng.

5.Thống lĩnh quan binh Hán, Thổ cần khéo chỉ huy, khuyến khích thành công. Bán đổi thả giặc hoặc tiềm thông gian tế, tội không tha.

6.Các xứ Khâm Châu [Quảng Tây], Tư Minh [huyện Ninh Minh, Quảng Tây], Bằng Tường [Quảng Tây] thuộc Lưỡng Quảng, Lâm An [huyện Kiến Thủy, Vân Nam], Mông Tự  thuộc Vân Nam; có thể dùng đường để tiến binh; hãy chọn những người hiểu dân địa phương làm hướng đạo.

7.Ngày tiến binh, giữ kỹ các quan ải để đề phòng kẻ chạy trốn.

8.Khi lâm trận, kẻ lập thành tích giết bắt cừ khôi được thưởng hoặc thăng cấp; kẻ trái lệnh chần chừ dòm ngó, xử theo quân pháp.

9.Phàm những nơi quan quân sắp đi qua, tư dụng khí vật lệnh quan địa phương chuẩn bị.

10.Các hàng Tuần, Phủ kiểm tra việc chinh tiến; khao thưởng tướng sĩ được lệnh hậu đãi.

11.Các đồ ban thưởng như ngân bài, huy chương, lụa trao cho Tổng binh, Tham tướng trước; để sẵn sàng lúc dùng.

Chiếu chấp nhận như đề nghị. Lại mệnh Binh Khoa Cấp sự trung Lý Hạc Minh, Phúc Kiến Ngự sử Truyền Phượng Cao đến Quảng Đông; Hình Khoa Cấp sự trung Mã Nhữ Chương, Quảng Đông đạo Ngự sử Hồ Thời Tế đến Vân Quí; mỗi người theo quân để ghi công.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 189. 

Trong khi bộ máy chiến tranh đang rục rịch làm việc, thì chính viên Thị lang bộ Binh Phan Trân [chức vụ tương đương với Thứ trưởng quốc phòng hiện nay], không tin ở sự thành công. Y cũng đem những kinh nghiệm lịch sử ra cảnh cáo, và đề nghị số quân điều đến biên giới chỉ nên thay phiên luyện tập, án binh bất động để chờ thời. Chắc không phải hoàn toàn phản đối lập luận của viên này, nhưng có lẽ tại viên Thị lang bộ Binh là người trong cuộc, lại viết những lời chống lại chính sách, nên bị nhà vua phạt cho thôi việc:

 

 

Ngày 13 tháng 4 năm Gia Tĩnh thứ 16 [21/5/1537]. Tả Thị lang bộ Binh Phan Trân dâng sớ rằng:

“Đất An Nam xưa thuộc Giao Chỉ, nhiều đời không chịu xưng thần; lúc vua Thái Tổ ta mới mở nước, nhân chúa họ Trần nước này đầu tiên đến qui phụ, được chấp nhận để chiêu phủ. Vào năm Vĩnh Lạc Lê Quí Ly phản họ Trần, vua Thái Tông mang nghĩa binh đánh dẹp, cầu con cháu nhà Trần nhưng không được, bèn chia đất này thành quận huyện. Rồi tiếp tục có đảng nghịch của Trần Giản Định nỗi loạn, đánh mấy năm mới bình định được. Sau đó Lê Lợi dấy lên chống mệnh. Sau khi Lợi xin lập con cháu nhà Trần, vua Tuyên Tông Chương Anh đế bèn bỏ đất này, Lê Lợi nhân được thay thế làm Vương. Đời sau Lê Trừu [vua Tương Dực]  làm sai đường, bị Trần Cảo giết (2), không có con nên con người anh là Lê Huệ [vua Chiêu Tông] không đợi mệnh triều đình mà tự lập; bị Mạc Đăng Dung bức phải trốn xa. Dung bèn uy hiếp lập người em là Lê Quảng [vua Cung Hoàng] , rồi giết đi mà chiếm lấy nước. Vậy cha con họ Mạc và Trần Cảo là bọn giặc thí nghịch; còn Lê Ninh và cha là Lê Huệ không cầu phong và triều cống đã 20 năm nay; chiếu theo phép Xuân Thu (3) không khỏi phải mang 6 quân đi hỏi tội. Nhưng hà tất phải mang binh đánh cả hai bên.

Vả lại đất này không đủ tiêu chuẩn để đặt quận huyện, lúc loạn lúc theo không giống như Trung Quốc; dân Di ngày càng sinh sôi, lều trướng từ đông sang tây có đến vạn lý; lửa báo động từ mùa đông đến mùa xuân không ngày nào ngớt. Phía ta quân sĩ không sung túc, lương thực không đủ, các biên giới đều có mối lo ngầm; nay bỏ những mối lo trước mắt, để gánh sự tổn hại làm kiệt sinh lực ở nơi xa xăm. Kẻ bầy tôi ngu muội này cho rằng không phải là kế sách đúng.

Nay không nên điều Phó Tổng binh, Tham tướng  trở xuống, cùng  Tổng đốc lương thực, văn thần; cũng không nên điều động ngay lính Mèo chuyên sử dụng câu liêm,và các đơn vị vận tải. Nên cẩn thận cử 2 viên Đại thần văn, võ có tài và uy tín, đeo ấn mệnh chinh thảo; đến biên giới Giao Chỉ và Lưỡng Quảng, để điều động các quân Hán, Thổ gần đó thay phiên luyện tập. Riêng các đơn vị nhỏ cùng với Thổ binh thì cho huấn luyện tại địa phương chuẩn bị đợi đi đánh.

Sau đó truyền hịch đến Giao Chỉ phía nam, hài tội họ Mạc soán nghịch, tru diệt không tha; kỳ dư những người bị cưỡng bách theo nếu qui thuận, gắng sức đánh giặc lập công sẽ được tưởng thưởng. Lại truyền hịch cho Lê Ninh [vua Lê Trang Tông]  ban cho y quyền đánh giặc họ Mạc, lệnh đốc thúc binh mã đợi khi đại quân  nhập cảnh, hợp lực tiến đánh. Bọn Vũ Nghiêm Uy [xem sử liệu năm 1535] cũng được dụ giúp cho Ninh. Khiến mọi người trong nước đó hợp mưu đánh giặc, mượn tiếng Thiên triều làm mạnh khí thế, công việc bình định có thể hoàn thành được.”

Thiên tử giáng chỉ trách là không rành sự thể, có những lời mê hoặc nhân tâm. Bi lột chức và thôi việc.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 191.       

Tuy nhà Minh muốn can thiệp, nhưng tình trạng nước ta lúc bấy giờ có hai phe: Lê Ninh [ tức vua Lê Trang Tông ] và Mạc Đăng Dung. Phe bảo thủ chủ trương bảo hoàng lẽ dĩ nhiên phải ủng hộ Lê Ninh. Nhưng ngược lại Đề đốc Lưỡng Quảng Tả Thị Lang Phan Đán, đóng quân sát tại biên giới, hiểu rõ thực lực của mỗi bên; hơn nữa y là con người thực dụng thấy Mạc Đăng Dung mới cho người xin sang cống, nên nghiêng về sự ủng hộ họ Mạc, để khỏi phải đánh nhau:

Ngày 19 tháng 4 năm Gia-Tĩnh thứ 16 [27/5/1537]. Đề đốc Lưỡng Quảng quân vụ Tả Thị lang bộ Binh Phan Đán tâu:

‘Loạn An Nam bắt đầu từ Trần Cảo giết chúa Lê Trừu, Cảo bị giết nhưng con là Thăng chiếm cứ đất Lạng Sơn. Mạc Đăng Dung lúc đầu cưỡng lập Lê Huệ, tiếp lại đuổi ra biển, rồi Huệ đóng tại Thanh đô; cuối cùng [Đăng Dung] giả danh được nhường chức, để đoạt lấy nước. Nay Trần Thăng đã bị Mạc Đăng Dung đánh dẹp; phần lớn đất đai cương thổ, họ Lê chỉ chiếm được hai phần mười; họ Mạc chiếm đến tám phần mười. Mới đây triều đình sai sứ hỏi tội, Đăng Dung sai Sứ mang văn thư xin cống.

Phàm Di Địch như cầm thú, vốn không có luật của nhân luân; dùng pháp độ của Trung Quốc không thích hợp. Nếu xử theo đạo lý của Di Địch thì Nguyên Ngô được ban tước, bất nghĩa được phong Hầu, Lê Lợi có thể làm vua vậy. Bọn chúng phân tranh, binh cách không ngớt, đều muốn mượn danh hiệu Thiên triều để lên làm chúa.

Kính mong Bệ hạ sắc xuống cho hai bộ Lễ và Binh phúc trình giải pháp hay nhất; riêng bọn thần giới nghiêm quân sĩ xem sự biến, để đợi nước đó tự ổn định, đó là phép của Đế Vương xưa dùng  bất trị để trị.’

 Lúc này Thượng thư bộ Lễ Nghiêm Tung, Thượng thư bộ Binh Trương Tán phúc tấu rằng:

‘An Nam là nước hoang dã nơi biên giới, xưng thần chăm chỉ phụng cống; so với bắc Địch, tây Nhung cũng tương tự. Mạc Đăng Dung đuổi vua giết chúa, chuyên chế chiếm nước, tình tội rõ ràng, vả lại An Nam là nước nhận sắc phong của tổ tiên. Sao Quảng có thể tự tiện trao cho nghịch Dung; sao nghịch Dung có thể tự tiện nhận từ Quảng. Nếu bảo nước Di Địch vốn không có nhân luân, Nguyên Ngô có thể làm Vương, bất nghĩa có thể làm Hầu, lại như nghịch Dung giết vua đoạt nước, nay dâng biểu xin thỉnh phong, quốc gia lấy gì để xử đây?

Nếu bảo rằng cho hai bên đánh nhau, binh cách không tắt, để vậy không hỏi đến, thì không khỏi giúp loạn lớn lên, buông thả cho bọn gian tà, lại không đáp ứng lời cầu cứu của Lê Ninh. Nay nêu hai việc Tử Mật, Nguyên Ngô làm chứng, lập luận không hợp lý không có thể khuất phục bọn Di gian trá, và giữ gìn quốc thể. Vả lại Lê Ninh còn tại Thanh Đô, sai người đến cáo biến, chí mưu đồ khôi phục. Nay Đăng Dung lại xưng bản quốc đã ổn định, dâng biểu xin cống, thật che dấu quá lắm! Vào năm Hồng Vũ có lần An Nam sai Sứ đến cống Thái Tổ Cao Hoàng đế phán: ‘An Nam soán giết vua, không chấp thuận cho đến cống.’ Nay nghịch Dung đến xin cống, khó mà có thể bằng lòng ngay được; nên giao Đề đốc, Tuần vũ, Tổng binh xét kỹ nghịch thuận, theo thời cơ mà phủ ngự, tuân theo chiếu chỉ trước mà thi hành để chính sách phục hưng nước bị diệt, nối dòng bị đứt, tru lục kẻ tàn bạo; hai đường vẹn toàn.’

 Sớ dâng lên, Thiên tử chấp nhận mệnh Đề Đốc các quan thi hành theo chiếu chỉ trước.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 192.

Một người có thái độ uyển chuyển, dung hòa được mọi khuynh hướng là Hữu Đô Ngự sử Mao Bá Ôn, lúc này đang chịu tang, được nhà vua vời ra để lo giải quyết việc An Nam. Viên này chủ trương cô lập Mạc Đăng Dung, tập trung binh lực mạnh tại biên giới, để buộc Đăng Dung phải đầu hàng:

Ngày 9 tháng 5 năm Gia Tĩnh thứ 16 [16/6/1537]. Hữu Đô Ngự sử Mao Bá Ôn trở lại làm việc, đến trình diện tại kinh sư; Thiên tử mệnh trong ngày đến nhận việc, để đợi mệnh chinh thảo An Nam. Bá Ôn điều trần việc An Nam gồm 6 điều:

Thứ nhất: Chính danh An Nam không đến triều cống là do Mạc Đăng Dung thoán nghịch; nay mệnh tướng xuất sư đánh giặc. Trước tiên truyền hịch dụ rõ những người bị ức hiếp theo, cho được đầu hàng; kẻ chém đầu giặc được thăng thưởng. Nếu đầu sỏ giặc đến hàng, bọn thần cẩn thận tâu lên xin khu xử, để không bị tội chết. Nếu như hôn mê không tỉnh ngộ, thì bị diệt trừ không tha; xin ghi rõ như vậy.

Thứ hai: Sử dụng lính gồm Điền Châu [huyện Ðiền Dương, tỉnh Quảng Tây], các thành Tư, Ân, Tứ; các xứ Tả, Hữu giang thuộc Quảng Tây; Vĩnh Thuận, Bảo Thỉnh thuộc Hồ Quảng; Tây Dương thuộc Tứ Xuyên, Thổ binh kiêu dõng có thể dùng được. Sợ có sự xâm nhiễu tại các địa phương đi qua, sức cho các Trấn thủ, Tuần quan nghiêm lệnh cấm chỉ. Tổng đốc, Đô Ngự sử Lưỡng Quảng trách nhiệm rất lớn, nên dùng những bầy tôi giỏi để lo giúp. Thổ binh Vân Nam tại các phủ, cần có ấn bài của Kiềm quốc công mới có thể điều dụng. Sau khi di chuyển trách nhiệm chỉ huy điều động do Phó Tổng binh, Bố chánh, Tuần phủ, Đô Ngự sử phụ tá. Các đơn vị tại Quảng Đông, Giang Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến không nên điều động tất cả; Thần cần trích những đơn vị cần thiết đưa đi. Tổng binh Quí Châu Lý Chương; Phó Tổng binh Quảng Tây Trương Kinh, Tham tướng Trầm Hy Nghi đều mưu dõng hơn người, nên dùng. Từ Quảng Tây do châu Bằng Tường vào biên giới, qua quan ải đầu Kinh Bốc, Lân trạm, Bộc Thượng trạm, tới sông Phú Lương, tức thành Đông Quan. Quảng Đông từ châu Khâm, qua một ngày tới Vĩnh An. Từ Vân Nam do đường huyện Mông Tự, qua 2 ngày có thể đến thác Liên Hoa (4). Tất cả bằng 3 đường đến ngày cùng tiến, hẹn đúng ngày đến nơi. Đánh giặc chớ giết càn; ngày tướng sĩ vào An Nam trước, đánh chém đầu sỏ giặc lập kỳ công; nếu cố tình buông thả giặc hoặc giết bừa bãi người vô tội, lấy quân pháp trừng trị. Việc luận công thưởng phạt nên sắc cho bộ Binh dự định.

Thứ ba: Dùng người. Xin sắc bộ Binh cử những bộ thuộc tài cán theo quân: gồm 2 người chuyên vẽ; một số quan phụ trách kỳ bài, tùy viên, thiên văn, âm dương, thông dịch, y sĩ, bói toán. Các tỉnh, 3 ty, cùng phủ, châu, huyện; các chánh quan và phụ tá đều dưới quyền Thần lâm thời sử dụng.

Thứ tư: Về phương diện tài vật; xin sắc bộ Hộ lệnh Bố chánh các tỉnh phàm các vật tư phải nạp về kinh mà chưa kịp đưa đi, thì từ Phúc Kiến, Chiết Giang, Giang Tây, Lưỡng Quảng chở về phủ Nam Ninh tỉnh Quảng Tây; Quí Châu, Hồ Quảng, Tứ Xuyên chở về phủ Lâm An, Vân Nam. Quan coi về lương thực tại các tỉnh chờ lúa mùa thu chín, mua trử vào kho. Số lượng quân lương mà Giang Tây, Hồ Quảng dự định mang đi trong năm Gia Tĩnh thứ 16 thì sửa đổi nơi đến, cho vận chuyển đến phủ Nam Ninh [thủ phủ tỉnh Quảng Tây]. Cần kiểm tra việc nạp lúa, mở kho muối tại Lưỡng Hoài,  phát bạc nén tại kho Thái Thương 400 vạn để có thể đủ cho sự chu cấp trước mắt.

Thứ năm: Về minh bạch phép thưởng phạt, thành ngữ có câu ‘Thưởng đến kịp thời, phạt đến đúng lúc.’ Phép thưởng trong quân, nhỏ thì thưởng bằng tiền lụa, lớn thì quan tước. Nên sắc hai bộ Lại, Binh đưa sẵn số lượng các chức quan văn võ đến nơi giao cho Thần, để thưởng trong quân hoặc cử làm quan hoặc, thăng thưởng. Còn như có tội thì xét nặng nhẹ, không tha.

Thứ sáu: Đồng nhất. Nay 3 đường cùng tiến công; quan lại tướng sĩ số lượng nhiều, nếu hiệu lệnh bất nhất làm sao có thể thành công được. Các văn thư phải truyền đạt đến từng nơi, mọi người cần đồng tâm hiệp lực, dù công nhỏ cũng ghi chép; không được chia rẽ kẻ này kẻ kia, mỗi người cố chấp với ý kiến mình, làm lộ quân cơ; kẻ làm trái lệnh Thần xin tâu lên trên.

Thiên tử nói:

‘Xem tấu của khanh thấy rõ được sự từng trải; y theo điều nghĩ mà thi hành. Sẽ đưa Đề đốc Lưỡng Quảng Thị lang Phan Đán về Nam Kinh để phụ tá cho bộ; điều ngay một người có tài hiểu biết, thích hợp với nhiệm vụ thay thế.’

Bộ Binh phúc tấu về lời thỉnh cầu của Bá Ôn:

‘Xin một đạo sắc phong Bá Ôn và tuyên bố triều đình ân uy, cùng ban hành dụ cho nước này. Ban thưởng cho bất cứ ai lập kỳ công, dẫn đầu phá quốc thành An Nam, thưởng bạc 3000 lượng, thăng 5 cấp; bắt hoặc giết đầu sỏ giặc, cha con Mạc Đăng Dung cũng được thưởng như vậy. Ai bắt hoặc giết bọn giặc có tiếng, được thưởng 500 lạng và thăng 3 cấp. Lâm trận phấn dõng lập thành tích đáng khen, sẽ theo lời của Tổng đốc, Tham tán thưởng một cách đích đáng. Người An Nam nội phụ có công, cũng được thưởng như vậy. Xin bộ Lại chọn 2 quan chức có tài năng theo quân để điền bổ các chức vụ. Về vận chuyển lương thực, bộ Hộ cử nhân viên theo quân để tùy nhu cầu hoạch định vận chuyển. Bộ Lại chuẩn bị giấy bổ nhiệm văn chức và võ chức mỗi thứ 100 bản, dùng để thăng thưởng trong quân. Tổng đốc, Tham tán các chức, dùng binh ngoài quan ải, tiến hoặc dừng theo tiện nghi. Trừ Lưỡng Quảng, Vân Nam Tổng binh, Tổng đốc, khi có việc cùng bàn bạc mà thi hành; kỳ dư Phó, Tham trở xuống, cùng Phủ Trấn, ba ty đều theo sự tiết chế. Các quan tam ty trở xuống phải nghe theo lệnh, khi ủy nhiêm không được từ chối.”

Thiên tử phán:

‘An Nam từ lâu không đến triều cống, vì nghĩa đáng hưng binh hỏi tội. Gần đây nghe Lê Ninh tâu rằng Mạc Đăng Dung ngăn chặn đường tiến cống, chưa thẩm tra được chân ngụy; hãy lệnh cho quan địa phương xem nên chiêu phủ, hay đánh. Đề đốc Lưỡng Quảng, Thị lang Tuần phủ Vân Nam, Đô Ngự sử, cùng các quan Tổng binh đều có sắc riêng. Lệnh Mao Bá Ôn tại viện lo quản lý công việc. Các quan đôn đốc lương hướng, ghi công đều tạm đình chỉ.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 193.

Lời tâu của Mao Bá Ôn có sức thuyết phục, nhà Vua bấy giờ đã có chủ đích nên thẳng tay trách phạt người khác ý kiến, như Giám sát ngự sử Từ Cửu Cao:

Ngày 27 tháng 5 năm Gia Tĩnh thứ 16 [ 4/7/1537]. Giám sát Ngự sử đạo Hồ Quảng Từ Cửu Cao theo lời chiếu trình bày 3 việc:

……………………………………………………….

3.Bàn về việc mang quân  đi đánh: Gần đây Quốc vương An Nam bị tặc thần đuổi; Bệ hạ hưng binh hỏi tội đến biên giới, nhưng kẻ dưới không cho là đúng. Hiện nay Vân, Quý, Lưỡng Quảng lương thực thiếu thốn, các vùng đông nam mất mùa vì đại hạn, lụt lội. Thần xin tạm hoãn việc sai quân đi trước; Tổng đốc Lưỡng Quảng, Đô Ngự sử, Tổng binh nên chia nhau sắp xếp thi hành, lệnh sở tại tích trử lương thực, quan sát sự biến động. Nếu chúng sửa đổi thuận tòng, có thể không phiền đến binh. Trường hợp chúng ương ngạnh, đợi binh lực đầy đủ, từ từ làm việc thảo phạt. Nên sắc 2 bộ Binh và Hộ chú ý đề phòng các trấn phía tây bắc; hãy lo liệu việc quân lính thiếu, đồn ải phế hủy, lương thực thiếu hụt; để khôi phục việc làm tốt của tổ tông, thực hành kế trường cửu của đất nước….

Thiên tử cho rằng nội dung có sự dối trá, tội trọng bất kính, dùng lời nhục mạ, cắt bổng Từ Cửu Cao 2 tháng.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 196.

Để chuẩn bị tiến hành, Vua nhà Minh ra lệnh cho sứ giả Trịnh Duy Liêu về nước phúc trình cho Vua Lê Trang Tông; riêng các quan tại các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam được miễn dự lễ tại triều, sẵn sàng gánh vác công việc:

Ngày 21 tháng 6 năm Gia Tĩnh thứ 16  [ 27/7/1537]. Sai Sứ giả An Nam Trịnh Duy Liêu về nước.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 197.

Ngày 30 tháng 6 năm Gia Tĩnh thứ 16 [ 5/8/1537]. Cho 3 Bố chánh Sứ ty Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam; các chánh quan tại  hai phủ Nam Ninh, Thái Bình (5) thuộc Quảng Tây; cùng các phủ Khuê Tĩnh, Sơ Hùng, Lâm An, Đại Lý, Vĩnh Xương thuộc Vân Nam được miễn dự lễ tại triều, vì công việc về An Nam. Thể theo lời tâu xin của các quan Đốc, Phủ.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 198.                                    

Lo việc chinh thảo tại An Nam, cho đình chỉ nạp về kinh đô số bạc thu thuế, tồn kho tại các tỉnh biên giới:

Ngày 21 tháng 8 năm Gia Tĩnh thứ 16 [ 24/9/1537]. Vương Tuấn, Đề đốc Đô Ngự sử Nam Cống, Định Chương, tâu rằng:

“ Trước đây quyết định đem về bộ số bạc nén đánh thuế muối. Nay vì có việc chinh thảo tại An Nam, xin giữ lại tất cả số bạc đó tại phủ Cống Châu để lo việc quân.”

 Bộ Hộ phúc trình, được chấp thuận.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 199.       

Thực hiện chính sách cô lập Mạc Đăng Dung, nên những thành phần chống đối nhà Mạc được vua Thế Tông ra lệnh khen thưởng, khuyến khích:

Ngày 6 tháng 9 năm Gia Tĩnh thứ 16 [ 9/10/1537]. Trước đó người Giao Chỉ Vũ Văn Uyên mang đồng đảng đến hàng; Đô Ngự sử Uông Văn Thịnh sai Chỉ huy Triệu Quang Tổ đến phủ dụ. Văn Uyên bèn sai người Di bọn Nguyễn Hoằng Qui đến hiến bản đồ tiến binh, nhân nói về tình trạng loạn lạc tại An Nam rằng Văn Uyên vốn là bầy tôi của nhà Lê, do loạn Đăng Dung nên ra đóng quân tại Tuyên Quang, cựu thần nhà Lê như Nguyễn Nhân Liên, Lê Kinh My, mỗi người chiếm đóng mỗi phương, đánh nhau với Đăng Dung. Văn Uyên có 10.000 quân, đợi Thiên binh xuống phía Nam, sai cháu là Vũ Tử Lăng đóng tại cửa ải Thạch Lang để nhập theo, rồi hiệu triệu người trong nước, thế có thể dẹp Đăng Dung được. Văn Thịnh xin ban cho Văn Uyên quan và cấp sắc dụ để tiện liệu việc. Bộ Binh nói:

 “ Thực tình hay ngụy trá chưa lường được; tuy muốn gia ân nhiều, nhưng cũng nên xét thực tế sự việc để liệu cấp thưởng.”

Thiên tử phán:

“ Văn Uyên khuynh tâm quy phụ, mộ điều phải thực đáng khen, ban cho y khăn, dây đai, chương phục quan võ tứ phẩm, và bạch kim, tiền. Bọn Tử Lăng được ban mũ, dây đai; còn bọn Triệu Quang Tổ được ban tiền.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 199.

Lúc này viên Tuần Án Quảng Đông thấy được tình hình An Nam, bèn dâng sớ xin tự ý làm lấy việc ép Mạc Đăng Dung triều cống; nhưng vua Thế Tông và quần thần cho rằng lập luận có vẻ khinh suất, nên phạt viên này bằng cách đoạt lương một năm:

Ngày 6 tháng 10 năm Gia Tĩnh thứ 16 [8/11/1537]. Tuần Án Quảng Ðông Ngự sử Dư Quang dâng lời tâu:

“ Việc An Nam không cướp được thời cơ nên mưu không hay, không thừa đúng thế nên không đạt được thành công. Xưa kia Câu Tiễn mưu diệt Ngô âm thầm trong hai chục năm mới phát lộ công khai, đó là dùng trì hoãn để mưu đồ, Đổng Tấn đánh Biện chỉ một buổi sáng thì bình định, là dùng nhanh để chế thắng. Thần mới đây tại kinh đô nghe việc An Nam được mô tả có 3 phe; như chuyện ngụ ngôn cò trai lo tranh dành để cuối cùng ngư ông hưởng lợi! Nay đến biên giới hội bàn với tam ty, thấy được sự thực không phải như vây. Vì hiện nay Mạc Đăng Dung có toàn thể đất đai, các Tù trưởng đều bị thu phục. Lê Ninh thì chạy trốn không biết hiện ở đâu. Họ Lê giết vua, đối với họ Trần là giặc; lúc hàng lúc chống, đối triều đình ta là kẻ đứng đầu tội; nay con cháu chạy trốn, hoặc giả trời sai Mạc Đăng Dung báo ứng vậy! Phàm Di Địch soán đọat là sự thường; từ nhà Tống đến nay tại nước này từ họ Đinh  chuyển sang Lý, rồi họ Lý bị soán đọat bởi Trần, Trần lại bị soán bởi Lê, nay Mạc lại soán Lê ; đó là đạo tuần hoàn vậy. Nếu ta khôi phục Lê thì chỉ là giúp một họ bạo ngược, thế khó mà trường cửu. Vận số của Di Địch nếu một lần bại vong khó phụ hưng; thời thịnh vượng của Liêu, và Kim không phục hưng lại được; triều ta đặt Trung Tuấn lên làm Vương mà không chế ngự được dân Thổ Phồn. Dù rằng Trung Quốc phân cắt như Ngũ Quí, Lục Triều, cũng không trung hưng lại được; rồi đứng anh hùng trung hưng cứu vớt dân, phạt kẻ ác, nhận mệnh trời thảo phạt, thừa vận hội, mới hưởng được sự thống nhất. Nếu như nay đặt Lê Ninh lên, thì sau này ngôi cũng về tay người khác. Tại sao vậy, cây đã nghiêng ngả không trồng lại được, tro tàn không nhen lên được, đó là đạo trời vậy. Nay đối với An Nam nên hỏi tại sao không đến triều cống, nếu chúng phục tòng chịu xưng thần triều cống, thì trao chức cho; như vậy do thế mà định, không phải mệt binh lính. Nếu mang quân chinh tiễu, thì khó mà truy đuổi đến cùng, khó đồn trú lâu, quân đóng lâu dễ sinh biến, không thấy được sự tiện lợi.

Thần dựa vào Hoàng thượng thánh minh, chính trị theo cổ nhân, cho thần ra biên cương an xã tắc, chịu hoàn toàn trách nhiệm. Mặt khác sai quan đến biên giới tuyên dương uy Thiên tử, hỏi tại  sao không đến triều cống, bắt phải xưng thần nhập cống và tâu ngay không chậm trễ. Phàm không xin mệnh, thì tội rõ ràng không tránh được; đợi trình báo lên thì chậm trễ, cơ hội dễ bị mất. Vả lại từ Quảng Đông đến kinh sư hơn 8000 dặm, đến An Nam lại thêm 4000 ngàn dặm; nếu đợi đi về trần tình rồi mới thi hành thì mất thời gian, không hợp với thời cơ. Phàm việc tại biên cương nhắm lợi triều đình thì làm, không nên sợ tội hoặc hiềm nghi; vì kẻ sợ tội thì không trung, hiềm nghi là không trực, thần không dám như vậy. Mong thánh Thiên tử từ nơi xa xôi soi cho, cho thần được tiện nghi hành sự.”

Sớ dâng lên, Thiên tử phán:

-“ Sự tình trong tờ tâu, cùng những lời dẫn dụng Ngũ Quí, Lục Triều, bộ Binh hãy tham duyệt rồi trình.”

Bộ Binh phúc tấu rằng:

-“ Trình bày không đích đáng, so sánh không hợp lý, hành động khinh hốt, nên trách phạt.”

Mệnh đoạt lương 1 năm.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 200. 

Nhắm tìm thêm đồng minh, Tuần phủ Vân Nam chiêu dụ các nước Lão Qua, Bát Bách Tức phụ cùng các Tù trưởng nơi biên giới hợp đồng đánh chiếm An Nam , với lời hứa chiếm đến nơi nào được cai trị địa phương đó:

Ngày 23 tháng 10 năm Gia Tĩnh thứ 16 [25/11/1537]. Tuần phủ Vân Nam bọn Uông Văn Thịnh tâu Thổ quan châu Quảng Lăng An Nam Đèo Lôi Chiêu hiểu dụ bọn Tù trưởng Đèo Trinh ra hàng; xin được ban mũ, dây đai.  Thổ xã Tuyên ủy ty Lão Qua Phạ Nhã nghe tin chinh thảo An Nam, hăng hái đầu tiên tình nguyện; vả lại nước này đất rộng người nhiều, An Nam sợ chúng, có thể cho đối địch riêng một phía. Mặt khác Thổ xã Bát Bách Tuyên ủy ty Đèo Lãm Na, Thổ xã Xa Lý Tuyên ủy ty Đèo Khảm gần với Lão qua; Thổ xã Mãnh Lương Đèo Giao tại thượng lưu Lão Qua đều nhiều lính, voi; sẵn sàng việc chinh thảo. Xin miễn việc tra khám, ra lệnh cho họ tề tựu tại địa phương; nên ra lệnh Lão Qua trú binh tại Mộc Châu để đợi tiến binh; bọn họ chiếm được địa phương nào , cho cai quản. Chiếu thư ban:

 Có thể chấp nhận lời tâu.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 202. 

 

 

Chú thích:

1.Hàng hóa: chỉ chiến lợi phẩm.

2.Trần Cảo giết Lê Trừu: sự kiện này sai; thực ra Trịnh Duy Sản giết Lê Trừu, tức Vua Tương Dực.

3. Kinh Xuân Thu là sử ký nước Lỗ, do Khổng Tử soạn ra.

4. Thác Liên Hoa: nay tại Hà Khẩu Giao tộc tự trị khu, thuộc tỉnh Vân Nam.

5. Phủ Thái bình đời Minh vị trí tại sông Tả Giang, gần biên giới Việt Nam; Bằng Tường, Long Châu nằm trong phủ này.

 

 

 

Hồ Bạch Thảo
Số lần đọc: 293
Ngày đăng: 07.05.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc lại Minh Đức Hoài Trinh - Nguyễn Đức Tùng
Alain Robbe – Grillet (Tác giả tiểu - thuyết – mới) - Võ Công Liêm
114. Mạc Đăng Doanh [1530-1540] (1) - Hồ Bạch Thảo
113. Nhà Mạc: Mạc Đăng Dung [1527-1530]. - Hồ Bạch Thảo
Wolfgang Amadeus Mozart “Huyền thoại của một thiên tài” - Võ Công Liêm
Thể tính hiện sinh và thời gian trong Đoạn-Trường-Tân-Thanh của Nguyễn Du - Võ Công Liêm
112. Lê Cung Hoàng [1522 -1527] - Hồ Bạch Thảo
Bùi ngùi xúc động với hai bài thơ của Lê Thị Ái Niệm viết tiễn người em – Trần Dzạ Lữ - Hoàng Thị Bích Hà
Những kỷ niệm nơi phòng tranh Trương Vũ - Trần Thị Nguyệt Mai
111. Vua Lê Chiêu Tông [1516-1522] - Hồ Bạch Thảo
Cùng một tác giả
Biển Giao Chỉ (lịch sử)
109. Vua Lê Uy Mục. (tiểu luận)