I- Sự đời
Chuyện từ bài ca dao cổ :
Trăng lu em tưởng tối trời,
Em ngồi em để cái sự đời em ra ,
Sự đời như cái lá đa,
Đen như mõm chó chém cha cái sự đời!
Bài ca dao có hai tầng nghĩa xoay quanh một ẩn dụ kép “cái sự đời”nó vừa chỉ một vật cụ thể vừa biểu trưng cho một quan hệ chòng chéo phức tạp của cuộc sống . Nó kết nối hai tầng nghĩa , thứ nhất nói về một cô gái lúc trăng mờ lại tưởng là tổi trời không ai thấy ngồi hớ hênh để cái sự đời mình ra, tầng nghĩa thứ hai tỏ rõ thái độ của tác giả bực bội, tức giận trước sự hở hang lố lăng xấu xa khéo che đậy của nhân vật (con người). Cái sự đời - cái xấu có nhiều khi giấu diếm được nhưng khi nó phơi bày ra thật đáng khinh bỉ. Bài ca dao này là tiếng cười trào lộng quen thuộc của văn học dân gian, một thể nghiệm, một minh chứng đắc địa cho cái sự thật hài hước chua xót khéo lấp liếm trong cõi đời nhưng cái kim trong túi cũng có lúc bày ra.
II- Quốc Tộ
Chuyện cũ kể lại: Một buổi vua Lê Đại Hành hỏi nhà sư Pháp Thuận về kế giữ nước sau một thời gian dài chiến thắng ngoại xâm, nhà sư mới đọc mấy câu thơ trong đó đặc biệt là hai câu cuối nói về phép trị nước trả lời nhà vua:
答國王國祚之問
國祚如藤絡,
南天裏太平。
無為居殿閣,
處處息刀兵。
Đáp quốc vương quốc tộ chi vấn
Quốc tộ như đằng lạc,
Nam thiên lý thái bình.
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh.
Dịch nghĩa
Vận nước như dây leo quấn quít,
Trời Nam mở nền thái bình.
Vô vi ở nơi cung đìện,
Thì mọi chốn đều dứt hết đao binh.
Dịch thơ
Vận nước như quấn dây mây,
Cõi trời Nam, đất nước này bình yên.
Vô vi điện các uy nghiêm,
Đao binh dứt hết, mọi miền an vui.
Bình chú
Đất nước đang hưng thịnh nguồn sống trong thứ dân thì vững chắc như mây cuộn. Nơi cung cấm không làm điều gì sai trái , giữ vững nền nếp tôn nghiêm của những kẻ “chăn dân” thì thiên hạ sẽ thái bình không loạn lạc , chỉ còn lo phát triển giàu mạnh mà thôi ! Người xưa nói chẳng có sai. Những người cầm quyền, chèo lái con thuyền đất nước (nơi điện các) mà bất chính, vô đạo, thì không chỉ có loạn ở nơi điện các, mà còn là khiến trăm họ phải chịu cảnh lầm than, tạo cơ hội cho kẻ thù ngoại bang dòm ngó! Tình ý của bài thơ sâu sắc lắm thay!
Riêng vô vi thuộc khái niệm triết học.Về cơ bản, ở Việt Nam thời trung đại có ba học thuyết Nho, Phật, Lão và đều có thuật ngữ vô vi. Song mỗi học thuyết đều dùng nghĩa vô vi khác nhau. Pháp sư nói với vua Lê Đại Hành rất rõ: Vô vi cư điện các. Điện các là cơ quan hành pháp. Cho nên, đây không phải là khái niệm vô vi của nhà Phật, cũng không phải thuộc vô vi của Đạo gia mà là vô vi của Nho giáo. Nho gia chủ trương chọn người hiền “ hiền tài là nguyên khí quốc gia”, giao chức tước cho người tài đức sẽ đưa đất nước tới đích.
III - Thất Phu Hữu Trách
Tỏ mặt anh thư ( Phan Bội Châu) có đoạn viết: Môn đệ hỏi : - Bạch thầy, đất nước bị ngoại xâm xâm chiếm lỗi taị đâu, triều chính hay bá tính? Đáp: - Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách ( 國家興亡,匹夫有責).
Bình chú - Có người nghĩ : Việc nước, quốc gia đại sự có nhà nước bề trên lo, là việc của những người có địa vị, có trọng trách! Còn bá tính nên lo làm ăn. Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách, nghĩa là: nước nhà lúc hưng thịnh hay lúc suy vong, một người dân thường cũng phải có trách nhiệm lo lắng./.