Đang loay hoay tìm cái tựa cho bài viết về 2 nghệ sĩ đặc biệt mà tôi rất quý thì bỗng gặp được bức hình trên FaceBook của chị Hồng Lĩnh[1]: Bên em đọc sách, bên chàng vẽ tranh. Thế là tìm gì nữa, “lấy” về thôi!
Trong một buổi cà phê tán gẫu nhà nghiên cứu phê bình văn học Trần Hoài Anh có nói “Anh có khiếu đặt tựa: Hành trang ngày trở lại, Milano- Saigon, đang về hay sang? Bàn tay nhỏ dưới mưa, Trò chuyện với thiên thần, Đỏ đen giọt máu, Cuộc hội ngộ câm… tựa nào cũng lôi cuốn người đọc và chứng tỏ người viết đã có bố cục và nhìn được tổng thể điều mình muốn nói”. Nhà văn Paul Nguyễn Hoàng Đức cũng có nhận xét: “Có rất nhiều cây bút dù viết rất nhiều nhưng không đặt nổi tên cho tác phẩm của mình chỉ vì không minh định nổi ý tưởng xuyên suốt. Nhưng tác giả Trương Văn Dân đã đặt một cái tên rất hay[2] và rất xứng hợp với tiểu thuyết. Trong nghệ thuật đó là nguyên tắc lớn nhất “Emsemble” – nghĩa là sự đồng điệu giữa nội dung và hình thức.” “Bàn Tay nhỏ dưới mưa- đồng điệu, emsemble với nội dung từ đầu đến cuối, cái tên đó vừa juyt cho tác phẩm giống như áo lễ giành cho thầy tu.”
Tôi lan man như vậy chỉ để nói lên cái khó của mình khi loay hoay chọn cái tựa để viết về hai anh chị Lê Triều Điển và Lê Triều Hồng Lĩnh. Khó, vì họ tuy là hai thực thể nhưng không thể tách rời, viết về người này mà không viết về người kia là một sai sót lớn.
Cái “Hai trong một” của họ là sự hòa hợp, không chỉ với tình yêu hay nghĩa vợ chồng trong suốt thời gian gần 60 năm quen biết và chung sống với nhau. “Hai trong một” còn có nghĩa là tình bạn, tri âm, tri kỷ trong chừng ấy năm trời, quãng thời gian dài như cả một đời với muôn vàn dâu bể.
“Hai trong một” là tập hợp của nhiều cung bậc cảm xúc, những khổ đau hạnh phúc được trộn vào nhau thành những gam màu đặc biệt mà chỉ có họ mới làm được, không lẫn vào đâu.
Bên em đọc sách,bên chàng vẽ tranh. (ảnh của Lê Thành Tiến).
&
Tôi gặp và quen họa sĩ Lê Triều Điển cùng nhiều văn nghệ sĩ khác trong buổi ra mắt tuyển tập “Ánh nến và bạn bè” do nhóm chủ biên tập hợp các bài viết về Trịnh Công Sơn để tưởng nhớ 10 năm ngày mất của anh. Ấn tượng lúc đầu về anh là nụ cười thân thiện và dễ gần nhưng hôm đó không có dịp trao đổi với nhau nhiều. Về sau thỉnh thoảng cũng có “giao nhau” nhưng luôn có đông bạn bè nên vẫn chưa nói chuyện được nhiều. Mãi đến vài năm sau khi anh và chị Hồng Lĩnh cùng tham dự vào các sinh hoạt với tập san Quán Văn thì chúng tôi mới có dịp gặp và trao đổi nhiều hơn.
Một hôm trong buổi gặp tôi nói đùa. “Anh đã đọc tiểu thuyêt Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa rồi phải không? Nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên có cảm tác một bài hát về tác phẩm này, hay anh vẽ 1 bức tranh như một kết hợp hội họa và văn học?”. Thực ra tôi chỉ nói vui chứ không có ý yêu cầu gì, thế nhưng anh Lê Triều Điển cười “Được”! Thì cũng tưởng chỉ là lời hứa xã giao nhưng bất ngờ là mấy tuần sau đó trong buổi ra mắt tập san Quán Văn 61 số về chân dung văn học của tôi anh mang đến bức tranh đã lồng khung để tặng .[3] Rồi mấy năm sau trong buổi khai mạc phòng triển lãm, một không gian nghệ thuật của vợ chồng anh, anh còn tặng tranh riêng cho tôi và Elena nữa[4]. Thật vinh hạnh và bất ngờ… vì các họa sĩ nổi tiếng thường dè dặt trong việc tặng tác phẩm của mình. Elena rất cảm động và rất thích vì có hiểu biết về hội họa: Trong các trường trung học Ý đều có dạy các môn lịch sử nghệ thuật, hội họa, kiến trúc, điêu khắc vì Ý là cái nôi của nghệ thuật Âu châu.
Mới đây, sau gần 2 năm (2020-2022) bị phong tỏa vì covid 19 ở Milano, khi thành phố mở cửa thì chúng tôi có đi thăm thị trấn Sorrento và Pompei. Khi đến Napoli tôi bất ngờ thấy mấy bức tranh mà đường nét như tranh của Lê Triều Điển mà không chắc có phải là tranh của anh không vì phòng chưng bày đóng cửa còn chúng tôi thì đang vội!
Tuy rất nổi tiếng nhưng anh chị Lê Triều Điển và Hồng Lĩnh là những người chân thành, họ sống đơn giản dễ gần. Là kẻ “lơ tơ mơ” về hội họa nên tôi sẽ không “mạo hiểm” bàn về tranh mà chỉ phát họa chân dung của họ theo góc nhìn của riêng mình.
Nhìn họ thong dong, nắm tay nhau không ai nghĩ là họ cũng đã từng có những thử thách trong đời: ăn cơm độn bo bo, vất vả mưu sinh, nuôi bản thân và các con đã khó mà còn mở lòng cưu mang các cháu mồ côi, giúp các đứa còn “nát” hơn mình ăn học!
Ký ức tuổi thơ của Lê Triều Điển là những ngày tháng khổ cực cùng cha, mẹ xuôi ngược theo dòng nước ở vàm sông, cù lao, rạch xẻo… có khi bôn ba từ Vĩnh Long, Sài Gòn, ra tận Đà Nẵng để mưu sinh và sau khi gia nhập quân đội anh cũng bị thuyên chuyển về đây, làm việc trong ban cơ khí. Chiến tranh, chết chóc, biết bao vật đổi sao dời.., và khi có thể anh tạm dừng bước giang hồ, trở về Cần Thơ mở quán cà phê mang tên Góp Gió rồi sau đó “Đỡ Buồn” để quy tụ anh em sinh hoạt văn nghệ thi ca. Còn chị Hồng Lĩnh cũng đã từng trải qua khá nhiều gian khổ. Chị đã từng gói bánh, bán báo, làm cỏ thuê, cắt rau muống, bán chè, bán sữa đậu nành … để tồn tại nhưng trên khuôn mặt, ngày ấy và bây giờ, mọi người luôn nhìn thấy phảng phất nét chơn chất hồn hậu và một nụ cười điểm nhẹ trên môi. Có bạn mến yêu, trên một tấm ảnh gần đây đã viết rằng đó là nụ cười Bồ tát.
Bạn sẽ không cho quá lời, nếu đọc những vần thơ của chị:
Nếu không có lòng tốt của con người
Chắc tôi không thể sống được
Nếu không có lòng tin về con người
Chắc trái tim tôi ngừng đập.
(Niềm tin)
Tuy có những lúc khó khăn nhưng trong tim của đôi vợ chồng này luôn nung nấu một tình yêu nghệ thuật và mơ đến một ngày được toàn tâm toàn ý dành thời gian để theo đuổi niềm đam mê hội họa. Họ đã sống và vẽ tự nhiên như ta hít thở khí trời làm tôi nhớ là mình đã từng viết về những trang văn: “Chúng tôi vẽ (viết) vì xem đó như một sự giải thoát. Bởi chúng tôi là con người, con người có những đắm say. Mọi thứ nghề khác như kỹ sư, bác sĩ.. đều cao quý và cần thiết cho cuộc sống. Nhưng tình yêu, cái đẹp, sắc màu (con chữ) mới là thứ giúp chúng tôi bám vào sự sống”. Có lẽ cũng suy nghĩ như thế nên Lê Triều Điển luôn bền bĩ với hội họa, dù đã khó mưu sinh mà có khi bị đồng nghiệp coi thường, anh vẫn không nản chí.
Quán cà phê mang tên “Đỡ Buồn” mau chóng trở thành nơi tụ tập của nhiều văn nghệ sĩ nên sau đó anh chị trở về Vĩnh Long để xây dựng lại phong trào mỹ thuật và năm 2001 họ cùng với một số bạn thân sáng lập ra CLB Mekong Art, anh Lê Triều Điển đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm và quy tụ khá nhiều họa sĩ ở khu vực Nam bộ.
Tình yêu nghệ thuật cũng mang đến cho anh tình yêu giữa cuộc đời. Trong một lần thực hiện tập san văn nghệ và hội quán Góp Gió anh bắt gặp một bóng hồng, nàng thơ Hồng Lĩnh. Tập san văn nghệ sau đó được đặt tên là Tao Ngộ, và hai anh chị cũng tao ngộ thành một gia đình Thơ-Họa. Trong đám cưới, một người bạn phán vui “Hai anh chị này lấy nhau chắc tương lai bần cùng rách nát, một người làm văn nghệ đã khổ, mà cả hai thì…”
May là lời tiên đoán này đã… sai! Sai bét.
Một đôi song kiếm hợp bích và chị Hồng Lĩnh không đứng sau mà đứng bên chồng, đã giúp anh với những đóng góp to lớn để cùng bay cao trên con đường hội họa.
Với tính cách dễ hòa đồng và thân thiện hai anh chị còn là linh hồn của những nhóm sinh hoạt nghệ thuật.
&
Có người cho rằng tranh của Lê Triều Điển lúc nào cũng như chơi, không bám chặc các kỹ thuật dạy theo trường lớp nên một số hoạ sĩ “chính-quy” đã xem thường... Có lẽ họ cũng chưa biết là anh đang… “chơi” thiệt, “vô chiêu” đối “hữu chiêu”, anh vẽ như trẻ thơ tập vẽ để ra mắt giang hồ. “Tôi muốn trở về sự ngây thơ hồn nhiên, như đứa trẻ vẽ những nét giản đơn kiểu người cổ đại vẽ lên vách đá trong hang động”. Tất nhiên không có nhiều người “cảm” nên có lần, một người bạn họa sĩ đến nhà xem tranh và đã thốt lên: “Ông vẽ thế này làm sao ai dám cho triển lãm”. Anh chỉ cười, không nao núng. vì anh chỉ vẽ để thỏa niềm đam mê. Trong Hành trình Phù sa anh viết “Những bức tranh tôi vẽ có khi bị xếp xó không được treo vì không phù hợp, nhưng không thể làm tôi thay đổi phương cách sáng tạo”.
Khi đọc những tâm sự đó tôi liền liên tưởng đến những tác phẩm văn chương. Và tôi nghĩ người nghệ sĩ đích thực là người có tư tưởng của riêng mình, ý thức tự do luôn thúc giục họ chọc thủng cái khuôn khổ chật hẹp, không đi theo những khuôn sáo có sẵn hay mặc đồng phục cho giống đám đông. Nghệ sĩ là dám mạo hiểm làm điều mình thích, muốn được là mình trong một thế giới luôn tìm cách thay đổi, o ép mình, tự thân nó đã là một thành tựu, một sự chinh phục vĩ đại với chính mình.
Hiền lành, nhân hậu nhưng anh là một con ngựa tự do. Tuy có lúc sống và vẽ xa đàn, những anh không cô đơn vì được làm điều mình thích: cứ phi đại, hí, rống đi theo cách của mình… “Dù gặp khó khăn tôi cũng không buông bỏ”.
“Tôi sáng tác những tác phẩm mang nỗi buồn thân phận người trong cuộc chiến. Tôi tìm thấy sự thức tỉnh trong sáng tạo sự thánh thiện bình an trong từng nhát cọ.”
Khi nghe anh nói tôi ngẫm thấy, nghệ thuật vừa là sự phản ánh của cuộc đời vừa là một phương pháp trị liệu hiệu quả để chống lại những bất toàn trong đời sống.
Lê Triều Điển tự nhận mình là họa sĩ không xu hướng, không trường phái. Anh nói mình gọi màu đến và vẽ tự nhiên như rừng thông khi có gió thì reo, cảm hứng sắc màu tự nhiên xuất hiện từ bên trong nên “Bức tranh mở ra như một hành trình đến những điều chưa biết.”
Khi viết những dòng này, tôi thường hình dung đến một người đàn ông ngồi bên vệ đường, châm thuốc hút. Khi nhả khói, anh hồn nhiên nhìn cái nhóm người ăn mặc giống nhau đang mãi miết đi theo những dấu hiệu vạch sẵn trên đường cho khỏi lạc. Anh mỉm cười, rít một hơi cuối cùng, ném mẩu thuốc, lấy chân dập tắt, rồi đứng lên, ung dung đi về hướng khác.
Đi về phía mà trái tim mình mê đắm!
&
Có lẽ, ký ức tuổi thơ về những ngày tháng xuôi - ngược theo dòng nước đã in đậm trong trái tim của Lê Triều Điển nên tranh của anh như con người miền Nam sinh sống ở cuối dòng sông nước Cửu Long, nơi phù sa và cả những tạp chất… đã đọng thành phù lưu, nổi trôi cùng năm tháng. Nhiều người nói trong phần lớn các bức tranh, tâm thức và tâm thế của anh chính là hành trình ngược về những ký hiệu phôi pha của văn hoá Phù Nam, Chân Lạp, rồi Khmer, Phật giáo Nam tông... trong đó có lẽ văn hóa Khmer mà anh rất yêu và thầm lặng chảy trong huyết quản.
Có lẽ vì thế mà tranh và con người anh có vẻ như “thoát tục” chăng? “Tôi chỉ là hạt cát giữa sa mạc cuộc đời”. Anh xem mình như con thuyền trên dòng Cửu Long, trên đó chất chứa những ký ức buồn vui rồi biến thành màu sắc và đường nét lên tác phẩm. “Các vết thương hằn sâu và những ký ức xuyên suốt của cuộc đời đang lành lặn dần bằng hội họa”.
Như thế, cũng như nhiều nhà văn xem việc viết, anh vẽ như một phương pháp trị liệu và để được sống “như chính mình”. tự thân nó đã là một chiến thắng to lớn.
Hơn năm mươi năm, anh vẫn đi trên đường đã chọn và cuối cùng anh đã khẳng định được nghệ thuật của mình. Tên tuổi anh đã xuất hiện trên các tạp chí nước ngoài như Tạp chí Mỹ thuật Trung Hoa và được xướng lên trên nhiều cuộc triển lãm quốc tế ở Pháp, Malaysia, Singapore… Giới chuyên môn thạo nghề cho rằng anh vẽ tranh và nặn tượng bằng tấm lòng qua cảnh vật chứ không mô phỏng hay tái hiện như thấy trên thực tế.
Bắt đầu từ năm 2005 dòng tranh của anh đã được nhà nghiên cứu mỹ thuật và sưu tập tranh Dumonteil người Pháp, người sáng lập ra chuỗi Galerie Dumonteil ở Paris, Thượng Hải và NewYork đã nhận ra anh là một tài năng và mở đầu cho sự công nhận mang tầm quốc tế. Thoạt đầu, ông mua tranh từ các gallery ở NewYork, Paris, và sau đó nhận làm người đại diện cho anh trên thị trường thế giới!
Hiện nay tranh của Lê Triều Điển đã và đang xuất hiện ở nhiều không gian nghệ thuật quan trọng.
Cũng có kẻ gọi đó là “may mắn”. Nhưng sáng tạo thì không liên quan gì đến may mắn cả. May mắn có thể đến với người chơi xổ số… nhưng chắc chắn không thể đến với những tâm hồn bị đóng khung, cầu danh, háo thắng, thiếu suy tư về nghệ thuật và không dám sống chết vì niềm đam mê.
Bởi nghệ thuật không thể lừa được ai, mà cũng không ai lừa được nghệ thuật. Mà lừa được thị trường và giới phê bình quốc tế là điều không thể.
Nhưng xấu miệng cũng là chuyện thường tình ở trong cuộc sống.
Tuy rất thành công nhưng anh luôn khiêm tốn và không ngừng học hỏi. “Ngoài vẽ tranh, tôi luôn đọc sách, nghiên cứu nghệ thuật để giúp tôi thêm niềm tin cái đẹp sẽ thay đổi cuộc sống.” Được vài lần trao đổi với anh về văn chương và triết học tôi ngưỡng mộ anh về vốn kiến thức đa dạng và phong phú. Anh nói đó là nhờ quá trình tự học và tích lũy cả đời. Và dường như chính nhờ sự ham học, ưa khám phá nên lúc nào anh cũng tươi trẻ chăng?
Trong một buổi trò chuyện anh Lê Triều Điển có kể về một cuộc triển lãm tuy không có tên trong danh sách chính thức nhưng đã mang lại cho anh rất nhiều cảm xúc vào năm 2017:
Có hai anh em là Hùng và Hiếu sống ở Úc nhưng thường về Việt Nam mua tranh. Năm ấy họ đã mời vợ chồng anh qua Úc, dặn chỉ mang theo mười bức tranh 1 mét vuông thôi còn lại là những tác phẩm mà hai anh em sưu tập từ trước. Mặc dù hai anh em đã bỏ chi phí để tổ chức, mời tiệc bạn bè nhưng tiền bán tranh thu được đều giao hết cho vợ chồng Lê Triều Điển. “Đó chỉ là một cuộc triển lãm nhỏ nhưng lớn lao bởi một chữ tình” anh Điển nói bằng giọng xúc động “là sẽ mãi hằn sâu trong tâm khảm”.
Họa sĩ Lê Triều Điển cũng có thói quen vẽ các định dạng lớn (cứ 3 bức tranh 160cm x160 cm, lại có 1 bức tranh 650cm x 160cm). Anh vẽ từ cuộn vải dài 25 m, bắt đầu lăn cuộn vải trên sàn nhà, sau đó ngồi, bò, quỳ đủ mọi tư thế để vẽ “đêm và ngày”.
Trong tập “Hành trình phù sa”, in bằng hai thứ tiếng Việt – Anh, anh viết như một tự sự để kể lại “hành trình cuộc đời, sự nghiệp” của mình, với bao kỷ niệm vui-buồn, hạnh phúc-khổ đau…
Ngoài vẽ, anh còn làm tranh tượng. Năm 2000 anh đã từng làm 1 cuộc triển lãm cá nhân với chủ đề “Tiếng nói của đất”
Trong một buổi triển lãm, Elena nói tranh của Lê Triều Điển thuộc loại hiện đại. Còn tôi thì cho là trừu tượng… “động”… vì khi nhìn lâu tôi thấy tranh biến hóa khôn lường. Như mây trên trời. Thoạt nhìn tưởng là tấm áo, thoắt cái biến thành con rồng, từ trên cao ngạo nghễ ngó xuống trần gian để gieo hạt phù sa.
Còn nhà thơ Từ Sâm thì cho rằng: “Tranh anh Lê Triều Điển như "Trò chuyện với Thiên thần vậy” “nó là cuộc trò chuyện vừa thực vừa mơ, vừa cảnh báo tương lai khi nhắc về quá khứ, và làm cho cuộc đời giàu thêm cảm xúc mà tiền không mua được!”.
&
Trong đời sống hiếm khi chúng ta gặp được người đàn bà nào, sau bao năm đau khổ trầm luân mà có đôi mắt nhìn đời hồn nhiên và nhẹ tênh như chị. Ngày trẻ chắc chắn chị rất đẹp và đến nay, ở tuổi 70, chúng ta vẫn còn thấy khá rõ những đường nét hài hòa, cân đôi.
Tất nhiên thời gian cũng đã để lại dấu vết, nhưng nó cũng đã làm chị bình tĩnh và chín chắn hơn, còn nụ cười hồn hậu và ngọn lửa khát khao nghệ thuật chừng như không thể, không hề tắt.
Elena thường nói “Dù lòng có đang xao động, khi thấy nụ cười thánh thiện nở trên môi chị lòng bỗng dịu đi. Chị cười như thể những năm tháng dâu bể chưa từng hiện hữu. Nó đã được chị chôn lấp, quên hết, để nhìn về tương lai với đôi mắt trẻ thơ.”
Sau năm 1975, để mưu sinh, chị viết kịch bản truyền hình ngắn “Trong nhà ngoài phố” phê phán thói hư tật xấu trong xã hội cho đến một hôm trao nhuận bút “người ta” phán một câu: “Đề nghị chị viết kịch bản chỉ phê phán người dân chớ đừng phê phán cán bộ” thì chị liền buông bút. Rồi khi bài thơ đăng trên báo Tuổi trẻ bị kiểm điểm vì “đất nước đang tươi đẹp sao lại đăng những bài thơ nói về xã hội u ám?” thì biết dù có viết và gửi cũng không báo nào đăng nên chị chuyển qua làm văn nghệ thiếu nhi và vẽ thơ. Những đường nét “nguệch ngoạch như trẻ thơ cũng là những đường nét tạo hình”. Rồi từ đó chị thuờng xuyên sáng tác tranh, gốm… sát cánh bên chồng rong ruổi khắp nơi tham gia triển lãm.
Tôi gọi chị Hồng Lĩnh ( tên thật là Phạm thị Quý) là nhà họa thơ. Vì chị vừa là thi sĩ, vừa là họa sĩ nên đã kết hợp hai loại hình nghệ thuật, vừa như mượn hội họa để diễn đạt thơ vừa như mượn thơ để minh họa sắc màu.
Tôi không chắc có phải chị là người đầu tiên sử dụng một thể hiện nghệ thuật như thế hay không, nhưng tôi thấy rất đặc biệt và thú vị: Thay vì chú tâm vào một nội dung cụ thể chị thường phác họa một tranh trừu tượng rồi màu sắc theo đó hiện lên từ cảm xúc cùng những câu chữ để diễn tả thế giới nội tâm. Tranh của chị như là những bài thơ được vẽ lên bằng sắc màu.
Phần lớn các tranh thơ của chị Hồng Lĩnh đều phản chiếu xúc cảm trước thiên nhiên, cuộc sống và thân phận con người. Những bài thơ của chị rất đa dạng dài hay ngắn tùy tâm trạng như nhịp thở lúc bình an hay hoảng hốt, vì nó như tâm hồn, như tiếng nói hay triết lý nhân sinh. Vâng, triết lý, vì sau những thăng trầm, sắc màu trong tranh-thơ của chị có lúc hướng về sự tỉnh thức. “Ta ngồi yên để nhìn lại chính mình, nhìn cuộc sống bao điều huyền nhiệm, trong đêm tối có bao điều tuyệt diệu, trong cô đơn có hạnh phúc vô cùng… Ta ngồi yên, ta ngồi yên.” “Một trong những lời dạy quý giá nhất của đức Phật, đó là lý Vô thường. Nếu ta nhận thức bằng một trạng thái tích cực thì sẽ nhận được hạnh phúc trong kiếp sống này…”
Xin được trích các bài thơ khác của chị:
TRANH THƠ-THƠ TRANH
Tôi giam mình
trong thế giới của tôi
nơi thiên đường
cỏ xanh và cổ thụ
nơi không có
niềm đau và nỗi khổ
với niềm tin
mơ mộng của riêng mình
tôi tìm tôi
trong sự lặng yên
bóng dáng của thời gian
tàng lá cũ
tôi tìm sự bình an
với màu xanh hoa cỏ
và tiếng chim
ríu rít gọi mùa (Lê Triều Hồng Lĩnh-2020)
Bài thơ này đã được tôi và Elena dịch sach tiếng Ý và tiếng Pháp.
Trong thơ, chị sử dụng ngôn từ đơn giản và có lẽ phù hợp với tính cách của chị. Các chủ đề đều gần gũi hay quen thuộc trong cuộc sống.
Đầu tiên ta hãy lắng nghe lời tự sự:
Ta làm con chim
Ngậm hạt bay khắp đất trời ( Hành gieo hạt )
Mà chim bay đi đâu? Để làm gì? Để bay về hướng tình yêu:
“ vẫn cứ nhìn nhau yêu say đắm
vẫn cứ chung tình mãi trước sau
cũng sớt chia nhau lúc khổ đau
từ lúc tóc xanh đến bạc đầu ( 8 tháng 3)
Nhưng không chỉ là tình yêu Nam Nữ, mà chị còn “Gánh” trên vai tình yêu với tha nhân:
Gánh chi bao nỗi thương đau
gánh thân phận gánh nỗi sầu thiên thu
gánh đời một gánh chân như
có không không có phù du kiếp người ( Gánh )
Khi nhìn thế sự nhiễu nhương và ít khi thấy khuôn mặt người mà chỉ thấy những mặt nạ cùng những vở diễn rẻ tiền, chị đứng bên lề nghiền ngẫm rồi tự vấn:
Sao cứ mãi vỗ tay
Vui cùng mọi người
Dù đang buồn đứt ruột
Sao cứ mãi hoan hô những hình tròn
Dù đó là đường cong chưa khép
Sao cứ mãi ngợi ca mùa xuân
Khi buốt giá chưa qua hết
Sao cứ mãi lừa dối nhau
Trong im lặng bằng lòng
(Phạm Thị Quý, Tự hỏi)
Hầu hết các bài thơ thường làm người đọc “cảm” và dễ thấm vào lòng. Bởi chị viết từ cái tâm với ước muốn được chia sẻ để vượt thoát nỗi cô đơn chứ không phù phép chữ nghĩa, dùng những câu chữ quái dị để lạ hóa, làm hoa mắt để gây ấn tượng với người đọc vì chị biết nó có thể làm xôn xao chốc lát nhưng sẽ sớm tan.
Tuy mê say nghệ thuật nhưng chị vẫn xem các Tranh-Thơ của mình cũng chỉ là một cuộc chơi trong thế giới vô thường:
Đó là cả một cuộc chơi
mà ta đã đem cả cuộc đời
ném vào đấy
Để nhận lấy phần mình
Nỗi đau và hạnh phúc
cay đắng và vinh quang ( Nghệ thuật )
Hiểu rõ lẽ vô thường nên chị là người lạc quan. Sẵn sàng đón nhận những gì cuộc đời mang đến, bình tĩnh đối phó hay chấp nhận chứ không hoảng hốt. Khoảng thời gian sau này chị hay bị bệnh, tụt áp huyết, rối loạn nhịp tim… có khi đi cấp cứu đến 3 lần trong tuần. Thế nhưng khi xuất viện nụ cười vẫn hồn nhiên nở, chị thông báo là sức khỏe đã ổn để, bạn bè yên tâm. Khi được hỏi sao bệnh hoài thế? Chị cười: “Không biết! Chắc tại ở nhà lâu quá. chứ đi chơi, gặp bạn bè, đi làm từ thiện thì không bao giờ bệnh. Em mời bạn bè tổ chức gặp mặt cà phê “Tắt đèn” đi, vui cười để thu năng lượng tích cực thì sẽ khỏe thôi, lo gì!”
Họ là thế! Trước khó khăn họ luôn bình tĩnh nắm tay nhau, đâu lưng đối phó nghịch cảnh. Khi chị đang nằm viện tôi gọi hỏi thăm sức khỏe, anh Lê Triều Điển trả lời “ổn” rồi mở video cho tôi thấy chị đang mỉm cười: “Suốt đời em ngã anh nâng!”. Tôi hiểu tình yêu của họ không chỉ qua ánh mắt, nụ cười mà là sự hòa hợp tâm hồn, chăm sóc và sẻ chia đồng cảm.
Đó như thể giữa họ có sự trộn lẫn của từng tế bào. Nó vượt thoát ra khỏi hình dáng hay sắc diện bề ngoài để sự cảm thông tan biến vào nhau. Sắc đẹp không còn là mái tóc, hàm răng đều hay làn da mịn mà là cảm nhận từ nội tâm, dồn tất cả mọi xúc cảm yêu thương để tình yêu luôn toát lên sức sống.
Hai vợ chồng, tất nhiên thuở ban đầu là hai tính cách khác nhau nhưng sau khi chung sống họ đã dung hòa mọi góc cạnh để hòa trộn cảm xúc, ý thức, quan điểm và tính cách như các gam màu để thành đôi “tri âm, tri kỷ”. Có thể nói chính tình yêu và tâm hồn đồng điệu đã gắn bó họ như keo sơn và sự bình an hôm nay là cũng nhờ định mệnh ưu ái trao cho và đó là duyên may mà không phải cặp đôi nào cũng có được trong đời.
Lời cuối
Bắt đầu vẽ tranh từ năm 1965 và cho đến nay nhưng họa sĩ Lê Triều Điển vẫn xem vẽ là lẽ sống. Anh đã có 15 triển lãm cá nhân và hàng trăm triển lãm nhóm ở khắp mọi nơi trong và ngoài nước. Đến nay tuy đã quá tuổi 80 nhưng anh vẫn có nhiều đóng góp trong các hoạt động Mỹ thuật Phật giáo và quan tâm nâng đỡ các tài năng trẻ. Ở trong thành phố luôn bị kẹt xe và đi lại khó khăn, nhưng anh gần như không vắng mặt ở buổi triển lãm nào của họ.
Còn nhà thơ-hoạ Lê Triều Hồng Lĩnh tuy không còn son trẻ nhưng vẫn tiếp tục vui đùa cùng sắc màu và con chữ, đó cũng là con đường mà chị đã và đang tiến gần lại chính mình: tìm về sự tĩnh lặng, sự cảm thức về kiếp sống nhân sinh…
Khi hỏi về xuất xứ cái tên Hồng Lĩnh thì chị ngưng lại một chút rồi chậm rãi đáp: Hồi trẻ làm thơ lấy bút hiệu Hồng Lĩnh vì ngưỡng mộ nơi sinh ra những thiên tài văn chương, Ta muốn làm con chim Lạc bay trên ngọn núi Hồng để không quên nguồn cội.
Còn cái họ Lê Triều? … À… à… sau này Facebook cần nickname nên thêm họ Lê Triều cho “oai”!
Tuy chị ngập ngừng và không giải thích nhưng chắc người đọc không khó để nhận ra Lê Triều, chính là họ của anh. Chọn lựa đó chỉ có thể là tình yêu. Núi Hồng Lĩnh ở Hà Tĩnh không chỉ mang vẻ đẹp thơ mộng, mà còn chứa đựng nhiều câu chuyện ly kỳ, đã từng đi vào trong các tác phẩm văn chương và âm nhạc.
Những tác phẩm tranh thơ, gốm sứ... của Lê Triều Điển và Lê Triều Hồng Lĩnh đã và đang được công nhận ở mọi nơi trên thế giới, từ Châu Á đến Úc, từ Châu Âu đến Hoa Kỳ. Điều này nhiêu người đã thấy, đã viết.
Nhưng ít người nhận biết là họ còn có một tác phẩm còn quý giá hơn những bức tranh trên thị trường quốc tế rất nhiều lần: đó chính là tình yêu và cách sống của họ.
Trong tiểu thuyết “Lỗi Định Mệnh” (chưa xuất bản) tôi có viết một đoạn văn, mà có lẽ phù hợp với cặp đôi này nễn xin phép được trích:
“Tình yêu là một tác phẩm nghệ thuật sống do Thượng đế tạo ra, nó tuyệt mỹ hơn tất cả các tác phẩm nghệ thuật nào của con người xây dựng. Khi có tình yêu thì đó là nguồn cảm hứng vô biên cho sáng tạo và thăng hoa nghệ thuật. Trên trời đất không có sức mạnh nào quyến rũ và đê mê như tình yêu. Rượu, chè đều thua. Cà phê, thuốc phiện cũng chỉ làm ngây ngất nhất thời rồi cũng mau chấm dứt. Ngay cả quyền lực làm nhiều kẻ say mê, vì nó ban cho quyền huyễn hoặc rằng mình đang gánh vác lịch sử, là trung tâm cuộc sống, được quyền sinh sát, dẫm đạp lên mọi thứ, làm cha thiên hạ. Nhưng kẻ có quyền thì cô đơn, không bao giờ hạnh phúc. Vì cô đơn là nỗi thống khổ kinh khiếp nhất của con người. Là hình phạt ghê gớm nhất nếu không có được tình yêu”
Trong một cuộc phỏng vấn hơn 10 năm trước (2013) anh Lê Triều Điển cho biết là mùa thu năm đó có gửi một số tranh qua triển lãm ở New York, bán hết cái vèo nên vợ chồng kéo nhau đi du lịch 4 nước liền. Như vậy là cả đời “được tiếp tục rong chơi”
Đến nay, 10 năm sau cũng thế! Họ vẫn tiếp tục nắm tay nhau tung tăng, dung dẻ. Với cái dáng dấp thanh thoát của chị và nét tiên phong đạo cốt của anh, họ trẻ trung như 2 tiên đồng ngọc nữ, tiêu dao, thoát tục.
Sài gòn 9.2023
Hai bài thơ của Hồng Lĩnh dịch sang tiếng Ý (Bản dịch của Elena Pucillo Truong)
Tôi giam mình
trong thế giới của tôi,
Nơi thiên đường
Cỏ xanh và cổ thụ.
Nơi không có
niềm đau và nỗi khổ,
Với niềm tin
Mơ mộng của riêng mình.
Tôi tìm tôi
Trong sự bằng yên,
Bóng dáng của thời gian
tàng lá cũ.
Tôi tìm sự bình an
Với màu xanh hoa cỏ,
Và tiếng chim
Ríu rít gọi mùa.
Bản dịch sang tiếng Ý (Bản dịch của Elena Pucillo Truong)
Io mi rinchiudo
nel mio mondo,
Un paradiso
con erba verde e alberi antichi
Dove non esiste
Il dolore e la sofferenza
Con la mia fiducia
e il mio sogno.
Cerco me stesso
Nella serenita’
L’ ombra del tempo
Chioma dalle foglie ingiallite,
Io cerco la mia tranquillita’,
Nei colori dell' erba e dei fiori,
E nei canti degli uccelli,
Che annunciano la stagione.
NGHỆ SỸ HÀNH 2
Người xưa khắc thơ lên đá
Thơ còn mãi đến ngàn sau
Ta nay một đời phiêu bạt
Mang mang chữ nghĩa trong đầu .
Khoác áo như người lữ khách
Ta làm một chuyến lang thang
Ta đi qua phố qua làng
Lối cũ chẳng còn bóng rợp
Đất xưa không còn cỏ mọc
Nhà cao che mất cánh đồng
Ta đi lên núi lên rừng
Núi chỉ còn trơ vách đá
Rừng chẳng còn bóng cổ thụ
Gốc cây ứa máu rưng rưng.
Ta đứng nhìn ra tứ phương
Biết đâu đất lành chim đậu
Ta dõi mắt về tám hướng
Biết đường nào hề ta đi
Phương Bắc hề sao xa lạ
Phương Nam vẫn còn tối tăm
Phương Tây quá nhiều cách trở
Ta hành trình về phương Đông
Ta đi kiếm tìm chân lý
Mênh mông giữa chốn mê đời
Chân lý hề đâu chẳng thấy
Ta chông chênh giữa trùng khơi.
Ta đi kiếm tìm ánh sáng
Từ vầng mặt trời phương Đông
Ánh sáng vẫn còn le lói
Giữa cõi người còn trầm luân
Ta đi mãi tìm hạnh phúc
Lê trên những bước chân buồn
Hạnh phúc vẫn còn xa ngái
Nên lòng cứ mãi cô đơn
Ta đi tìm nơi yên tĩnh
Giữa bao hỗn độn xô bồ
Chợt nhận ra điều tĩnh lặng
Còn nằm trong cõi hư vô
Câu thơ viết chưa ráo mực
Trái tim đã vỡ tan rồi
Người xưa khắc thơ trên đá
Còn ta vẫn mãi rong chơi...
La canzoni degli artisti (Bản dịch của Elena Pucillo Truong)
Gli antichi colpiscono le poesie sulla pietra
Le poesie rimangono mille anni posteri
Io vagabondo da una vita
con tante idee in testa
Mettermi la giacca come da viaggiatore
Mi faccio un giro vagabondo
Passando alla città e ai paesi
vecche stradine senza ombra
Vecchie terreni che non cresce piu l’erba
I palazzi alti coprono le risaie.
Andrò alle montagne
Con le parete solo đi pietre
Le foreste senza vecchi alberi
Le radici continua a sanguinare
Mi fermo e guardo alle quatro direzioni
Zenza sapere dove si fermassero gli uccelli
Continuo a guadare le direzioni
Senza sapere dove andare
IL Nord è cosi estraneo
IL Sud è ancora buio
L’Oveste è così lontano
Allora marcio pet L’Est
Per cercare la verità
Nelle immese e ingannati vite
e mai viste le verità
e mi disperdo nelle tempeste (alto mare)
Andrò a cercare le luci
Dal sole d’Oriente
Le luci ancora tremolanti
Nel mondo fluttuante alto e basso
Andro a cercare la felicità
Trascinando i piedi con I passi tristi
La felicità è ancora lontana
per cui il cuore è ancora solitaria
Andrò a cercare un luogo tranquillo
nel mezzo del caos tumultuosa
Poi accorgermi che la calma
si trova ancora nel vuoto (nulla- (nihil)
Le poesie apenna scritto
che il cuore già frantumato
Gli antichi colpiscono le poesie sulla pietra
E io continuo a vagabondare
Chân dung- Lê Triều Điển
Sinh năm 1943 Bến Tre Việt Nam
sống và làm việc tại 1050/67 Quang Trung P8 Quận Gò Vấp TP Hồ Chí Minh
Hội viên Hội Mỹ Thuật Việt Nam. Hội viên Hội Mỹ Thuật TP Hồ Chí Minh
Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Mekong Art
Email : letrieudien@yahoo.com
Đt 0913846870
Triễn lãm cá nhân
1968 Trụ sở Hướng Đạo Đà Nẵng
1971 Hội Việt Mỹ Cần Thơ
1990 Gallery Tự Do Tp Hồ Chí Minh
1995 Hội Mỹ Thuật Tp Hồ Chí Minh
1996 Gallery Xuân Tp Hồ Chí Minh
2000 Gallery Bích Câu Tp Hồ Chí Minh
2002 Làng du lịch Hàm Long Tp Hồ Chí Minh
2004 Khu du lịch Bình Quới Tp Hồ Chí Minh
2008 Gallery Tự Do Tp Hồ Chí Minh
2012 Gallery Phương Mai Tp Hồ Chí Minh
2013 Gallery of Graphic Artis NewYork
2015 Gallery Dumonteil Shanghai China
2018 Gallery Dumonteil Shanghai China
2019 Saint Bonnet le Chateau France
Giải thưởng
1985 giải 3 Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long
1987 giải 3. nt
1989 giải 3. nt
2003 Giải tặng thưởng Khu vực Tp Hồ Chí Minh
2006 giải 2 Khu vực Tp Hồ Chí Minh
Triển lãm chung
1989 Tự do gallery TP HCM
1991 La Rotonde Paris
1992 Saigon Tourism HCM và Singapore
1993 Saigon Tourism HCM và Tokyo
1995 Không gian Nghệ thuật Đương Đại NK
1985-1987-1989 Khu vưc Đồng bằng sông Cửu Long
1996-1997-1999-2000 Phillip Morris TPHCM
2003-2004 Nhà Triển lãm TP HCM
2004-2005 Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM
2003 đến 2015 tham dự triển lam Khu vực TPHCM
2006 Hotel Nikko, Hotel Marriot Malaysia
2007 Khu du lịch Văn Thánh TPHCM
2008 Resort Hồ Tràm Bà Rịa Vũng Tàu
2009 Gallery Phuong Mai
2009 đến nay triển lãm CLB Mekong Art thường niên tại Hội Mỹ Thuật
2011 Gallery Dumonteil Shanghai China
2014 Gallery Dumonteil Singapore
2014 Bảo tàng Mỹ Thuật TP HCM
2015 Gallery Dumonteil Paris
2015 Gallery Dumonteil PAD art design Paris
2016 Gallery Dumonteil Hongkong China
2016 Gallery Dumonteil Paris
2016 Bảo tàng Đất Nung Thanh Hà Hội An
2017 Gallery Dumonteil Shanghai China
2017 XQ sử quán Đà lạt
2018 Bảo tàng Mỹ thuật Tp Hồ chí Minh
2019 Saint Bonnet le Chateau
Phim về tác giả
Đất và lửa HTV
Hành trình Đất HTV
Dư luận công chúng VTV3
Màu sắc cuộc sống VTV Bình Dương
Âm thanh của đất HTV
Việt Nam vẻ đẹp tiềm ẩn HTV
Lê Triều Điển Biografia (Bản dịch của Elena Pucillo Truong)
Nato al 1943 a Bến Tre Việt Nam
Vive e lavora a 1050/67 Quang Trung Quartiere 8 Distretto Gò Vấp Hochíminh city
Membro dell’Associazione dell’arte Vietnam. Membro dell’Associazione dell’arte HCMCity
Presidente Club Mekong Art
Email : letrieudien@yahoo.com
Tel (Cellulare) : 0913846870
Esposizone personale:
1968 presso sede di Boy scouts di Đà Nẵng
1971 Associazione Vietnam-America Cần Thơ
1990 Galleria Tự Do città Hồ Chí Minh
1995 dell’Associazione dell’arte HCMCity
1996 Galleria Xuân Tp Hồ Chí Minh
2000 Galleria Bích Câu città Hồ Chí Minh
2002 Villaggio turistico Hàm Long città Hồ Chí Minh
2004 Villaggio turistico Bình Quới città Hồ Chí Minh
2008 Galleria Tự Do città Hồ Chí Minh
2012 Galleria Phương Mai città Hồ Chí Minh
2013 Gallery of Graphic Artis NewYork
2015 Gallery Dumonteil Shanghai China
2018 Gallery Dumonteil Shanghai China
2019 Saint Bonnet le Chateau France
Premiazione:
1985 30 premio Zona Delta di Mekong
1987 30 premio Zona Delta di Mekong
1989 30 premio Zona Delta di Mekong
2003 premio Zona città Hồ Chí Minh
2006 20 premio Zona città Hồ Chí Minh
Esposizione con altri artisti
1989 Galleria Tự do città Hồ Chí Minh
1991 La Rotonde Paris
1992 Saigon Tourism HCM và Singapore
1993 Saigon Tourism HCM e Tokyo
1995 Spazio arte moderno NK
1985-1987-1989 Zona Delta di Mekong
1996-1997-1999-2000 Phillip Morris città Hồ Chí Minh
2003-2004 Casa dell’esposizione città Hồ Chí Minh
2004-2005 Museo artistico città Hồ Chí Minh
2003 đến 2015 Esposizione zona città Hồ Chí Minh
2006 Hotel Nikko, Hotel Marriot Malaysia
2007 Villagio turistico Văn Thánh città Hồ Chí Minh
2008 Resort Hồ Tràm Bà Rịa Vũng Tàu
2009 Gallery Phuong Mai
2009 đến nay esposizione Club Mekong Art alnualmente presso Associazione dell’art.
2011 Galleria Dumonteil Shanghai China
2014 Galleria Dumonteil Singapore
2014 Museo artistico città Hồ Chí Minh
2015 Galleria Dumonteil Paris
2015 Galleria Dumonteil PAD art design Paris
2016 Galleria Dumonteil Hongkong China
2016 Galleria Dumonteil Paris
2016 Museo della terracotta Thanh Hà Hội An
2017 Galleria Dumonteil Shanghai China
2017 XQ sử quán Đà lạt
2018 Museo artistico città Hồ Chí Minh
2019 Saint Bonnet le Chateau
Phim về tác giả- Film sull’autore
Terra e fuoco HTV
Il percorso della terra HTV
Opinione pubblico VTV3
Il colore della vita VTV Bình Dương
La musica della terra HTV
Việt Nam la bellezza nascosta HTV
[1] https://www.facebook.com/LeTrieuHongLinh/posts/pfbid02fCGkbJtmHzbLhKVhEohQ5fMZVibxpqLVmBhYdwnZnyZcQW3k4oxGfcVVwB4Xbwkzl?__cft__[0]=AZUeIEbb85UHxH247K--yj8GzdIy8PjQP58i0_WXeLCl5qsOxDsTGqxX78QdAYNIK8fEc685-lRW5s-W-LzqqvnBUmRVCRoR6Gabn8XbejwqvbpNxuEZP-fH-OKZs2bgcYy0Gth-SWDrVQknpJsj-IumwJD1wOrHhue7GCGx6W6WKWaZmUNNr1b9gs8CMmdrQ1o&__tn__=%2CO%2CPH-R
[2] http://www.art2all.net/tho/truongvandan/bantaynhoduoimua/btndm_paulnguyenhoangduc.html
[3] Mấy năm sau, khi được anh tặng tập sách “Hành trình phù sa”, mở ra, tôi xúc động đến nghẹn lời. Sách kể về cuộc đời và hành trình của hai anh chị đến với sắc màu, giữa những bức tranh của anh còn có một chân dung duy nhất. Đó là… tôi. Thì ra xưa nay anh chưa (hay ít) vẽ chân dung ai, nhưng khi tôi (liều mạng) hỏi anh cũng chìu bạn. Rồi còn in trong tập sách, đó là một tình cảm đặc biệt.
[4] https://www.facebook.com/dan.truong.van.96/posts/pfbid0jk29KZWkyMTgVfj3Rzjrv8kmmAU3U9e84uozkAAvynBE2FMtNHFxn3CU9Q3eTQFXl?__cft__[0]=AZXn0IsGGZS5MolnJuf2P4rpAcyRxfoIcxgSPlqvdhowHddvMKZ_dSGt8yje6HaDOf135-W38Qj1VzVGTH64ZFHp9xtYgkJ0euuxRRLYHPbndEnJzjYj49__-dH2mfwYA34wNGmqp71Kn1ujZpWBC10b&__tn__=%2CO%2CPH-R 17.6.2022