Mẹ đã về cõi vĩnh hằng. Tưởng nhớ mẹ, nhà thơ Trần Thanh Quang gửi tiếng lòng vào một trong những bài thơ dành cho mẹ đầy xúc động. Bài thơ có tựa chỉ một tiếng Mẹ nhưng gói gắm cả bầu trời tâm sự của người con. Anh đã chọn thể thơ lục bát truyền thống để chuyển tải thi ý, nghe giai điệu vọng về như tiếng ru của mẹ thuở nào!
Mở đầu bài thơ là một lời tâm sự với em -nhân vật trữ tình khác như thể để dặn dò nhân vật em: Em còn có mẹ, ta thì không. Em có mẹ để về, để sà vào lòng mẹ, còn ta mẹ đã đi xa rồi, chỉ còn lại nỗi niềm nhớ thương chất ngất.
“Em còn có mẹ để về
riêng ta nặng nỗi ê chề nhớ thương
những điều rất đỗi bình thường
luôn phơi kín suốt con đường ta qua”
Hồi ức nhớ lại. Có những điều rất đỗi bình dị trong cuộc sống bây giờ đã thành kỷ niệm. Kỷ niệm đã qua với mẹ với gia đình luôn hiện hữu trong tâm trí. Hình ảnh mẹ, lời mẹ nói, cử chỉ của mẹ,.. luôn là hành trang mang theo trong mỗi chặng đường đời khi vấp ngã hay sóng gió cuộc đời, nghĩ về người mà vượt qua dâu bể.
Mẹ mất đi, mọi đứa con dù ở độ tuổi nào cũng cảm thấy như bầu trời sụp đổ và cảm giác bơ vơ, đơi côi hơn bao giờ hết. Nỗi nhớ mẹ thường trực trong tâm trí, Tâm trạng người con mất mẹ nhiều khi thờ thẫn, không muốn chấp nhận sự thật là mẹ đã không còn nữa trên đời, ngẩn ngơ nhìn vào cõi mông lung không định hướng, như thể mẹ vừa mới đi đâu. Nhớ mẹ, tác giả nhớ hình dáng mẹ với hình ảnh “ bờ vai khô” là dấu hiệu của tuổi tác, dấu hiệu của thời gian đã bào mòn sức khỏe mẹ.
Hình tượng “bờ vai khô” cũng phần nào nói lên nỗi vất vả lo toan của mẹ. Bờ vai ấy đã gánh những gì:
“bờ vai gánh những xô bồ
những cay đắng bạc áo thô mẹ hiền”
Câu thơ hàm súc, ít lời mà nhiều. Cuộc đời mẹ - người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó tần tảo sớm trưa, chăm lo gia đình và nuôi dạy con cái. Những cụm từ, “vai gánh xô bồ”; “cay đắng”, “bạc áo thô mẹ hiền” cho ta cảm nhận được mẹ đi qua cuộc đời không ít gian trân, những xô bồ của bộn bề cuộc sống. Nhất là mưu sinh trong thời loạn. Cả những buồn vui của kiếp người, của phù trầm dâu bề mà mẹ từng trải qua. Câu thơ như lời kể trong tiếng khóc thương của người con tưởng nhớ mẹ.
Tác giả nhớ và tiếc những tháng ngày bên mẹ giờ đã lùi xa vào dĩ vãng, anh dặn dò với “nhân vật em”. Khi còn mẹ dẫu mẹ sức khỏe của tuổi xế chiều, nhưng vẫn còn hiện hữu bên cạnh con thì đó là điều hạnh phúc mà anh không thể có lại được. Vì vậy, tác giả như muốn gửi gắm một cái ôm như anh đã từng ôm mẹ. Anh dặn người em: khi về quê hãy ôm mẹ thật chặt, ôm luôn cả vạt áo. Ai có được vòng tay hơi ấm của mẹ thì bao nỗi nhọc nhằn trên đường đời đều tan biến. Không có gì ấm áp hơn là bên cạnh tình thương yêu của mẹ. Đó là điều quý giá, mà anh đã mất, không dễ gì bù đắp được nên tác giả nhắn nhủ tình cảm ấy cho người em khi về bên mẹ của mình. Thông điệp của câu thơ là hãy trân trọng những giây phút quý giá khi còn mẹ, hãy yêu thương và chăm sóc mẹ khi còn có thể.
“Mẹ em dẫu tuổi xế tà
nhưng còn hiện hữu hơn là đi xa
về quê em nhớ ôm bà
ôm thật chặt cả vạt tà phất phơ”
Những vất vả hi sinh của mẹ không giấy bút nào kể hết: Mẹ “gom hết ưu phiền”, “ chịu hết đa đoan” để cho con vui vẻ, hạnh phúc, ăn học trưởng thành đủ đầy nhất có thể. Mẹ bươn chải hết mình và những mong con cái vững bước vào đời, như bao bạn bè trang lứa.
“Mẹ ta gom hết ưu phiền
cho ta chân cứng đá mềm bình an
mẹ ta chịu hết đa đoan
cho ta hạnh phúc thênh thang giữa đời.”
Nhớ Mẹ với tấm lòng bao dung vô bờ bến và trái tim ấp áp và vị tha. Người ta từng ví trái tim người mẹ như một kỳ quan thế giới: dung dưỡng, yêu thương con cái một cách vô điều kiện. Nhớ đến mẹ là nhớ đến công sinh thành dưỡng dục bao la trời biển của người.
“Mẹ ta lòng rộng biển khơi
trái tim hơn cả bầu trời xanh cao
đêm về con ngắm chòm sao
thấy như mẹ vẫn ngày nào bên con.”
Ngoài những khi công việc cứ cuốn đi hối hả của bộn bề cuộc sống, thì lúc đêm về tĩnh lặng, nỗi niềm thương nhớ mẹ lại dâng trào. Nhìn đâu cũng không thấy mẹ, không còn hơi ấm của mẹ nữa, thi nhân ngồi ngắm chòm sao, biết đâu mẹ cũng là một vì sao nơi xa đâu đó trên vòm trời đang dõi theo con, che chở cho con trên dặm đời mưa nắng. Ngắm sao, sẽ thấy lòng ấm lại như được ở bên mẹ ngày nào. Đó là niềm an ủi cho thi nhân. Mẹ vẫn còn hiện hữu trong tâm trí thi nhân chưa và sẽ không bao giờ phai nhạt.
Bài thơ là một nén hương lòng hiếu kính của tác giả dành cho mẹ cũng là nói hộ tấm lòng của những ai mất mẹ và thông điệp nhắn nhủ tới những ai còn mẹ: hãy thương yêu và chăm sóc mẹ khi còn có thể.
“Con bảy mươi rồi… khóc nhớ mẹ
Tiếng lòng nghe thảng thốt tâm can
Mẹ không còn nữa -Trời tan nát
“Vũ Trụ” đâu rồi…con đơn côi.”
Sài Gòn, rằm tháng Bảy (30/8/2023)
Mời bạn đọc thưởng thức trọn vẹn văn bản bài thơ:
MẸ
Em còn có mẹ để về
riêng ta nặng nỗi ê chề nhớ thương
những điều rất đổi bình thường
luôn phơi kín suốt con đường ta qua
Mẹ em dẫu tuổi xế tà
nhưng còn hiện hữu hơn là đi xa
về quê em nhớ ôm bà
ôm thật chặt cả vạt tà phất phơ
Ta giờ ngồi nhớ ngẩn ngơ
nhớ hình dáng mẹ nhớ bờ vai khô
bờ vai gánh những xô bồ
những cay đắng bạc áo thô mẹ hiền
Mẹ ta gom hết ưu phiền
cho ta chân cứng đá mềm bình an
mẹ ta chịu hết đa đoan
cho ta hạnh phúc thênh thang giữa đời
Mẹ ta lòng rộng biển khơi
trái tim hơn cả bầu trời xanh cao
đêm về con ngắm chòm sao
thấy như mẹ vẫn ngày nào bên con.
Trần Thanh Quang