*Tưởng nhớ BS Nguyễn Vĩnh Gia (1948 – 2011)
1.
Vào thời chưa có internet, sách báo online…, tức chỉ có sách báo in, sách báo giấy thì đối với trẻ em - tức thiếu niên nhi đồng, dù đã biết đọc tiếng Việt hay chưa thì truyện tranh (hay tranh truyện) thường là loại sách, báo ưa thích của đa số các cháu. Như vào thập niên 1960 thế kỷ trước, tôi mới 12-13 tuổi ở đất Sài Gòn, truyện tranh (hay tranh truyện) được gọi khác đi, đó là SÁCH HÌNH, thì sách hình tiếng Việt còn khá ỉt ỏi, do đó bọn nhóc chúng tôi tìm đến sách hình tiếng Pháp, cụ thể như bộ truyện về anh chàng cao-bồi tài ba Luki Luke, được nhập từ Âu châu.
Nói ‘bọn nhóc chúng tôi’ nghe có vẻ đông đảo nhưng thật ra thời đó, cùng mê sách hình tiếng Pháp với tôi chỉ vỏn vẹn có tên Nguyễn Vĩnh Gia, kết bạn nhau từ năm 1960 là khi cùng vô học lớp đệ thất trường tư thục Les Lauriers ở Tân Định, Quận 1 Sài Gòn (cũ). Trước đó, ở bậc tiểu học (từ lớp Năm đến lớp Nhứt) tôi học trường tư thục tên là Bửu Liên, nằm ở cuối đường Huỳnh Khương Ninh, DaKao, cũng Quận 1 Sài Gòn (cũ). May mắn cho tôi là trường Bửu Liên có lối dạy đặc biệt, đó là ngoài các môn học do chương trình Việt bậc tiểu học của Bộ Giáo dục thời đó quy định, hằng tuần nhà trường còn dạy thêm một số giờ môn tiếng Pháp, trong khi bên chương trình Việt, phải vào lớp đầu cấp trung học tức lớp đệ thất (sau này gọi là lớp 6) học sinh mới được (lựa chọn) bắt đầu học môn sinh ngữ Pháp hoặc Anh.
Với trường Bửu Liên, học trò được học thêm tiếng Pháp cụ thể là về từ ngữ (đọc/nói/viết) và văn phạm (một ít) theo các bộ sách giáo khoa bậc tiểu học bên chương trình Pháp. Cho đến hiện giờ, tôi còn nhớ có bộ sách dạy tập đọc ‘Méthode Boscher’ và cuốn ‘Grammaire Vivante’ dạy làm câu. Nhờ vậy, đến cuối năm lớp Nhứt, thi đậu tiểu học thì đồng thời coi như tôi đã học xong một phần cấp ‘vở lòng’ tiếng Pháp. Về phần bạn Gia, không rõ được ba mẹ cho học tiểu học ở đâu (trường bà xơ chăng?) mà Gia cũng biết tiếng Pháp “vở lòng” kha khá… Bấy nhiêu đó cũng đủ cho hai đứa tôi xem và hiểu được 60-70% nội dung sách hình tiếng Pháp vốn có phần ‘hình vẽ’ là chính, còn ‘phần chữ’ đi theo - tức phần đối thoại của các nhân vật – thường rất ngắn, gọn, từ dùng đơn giản…
Hơn thế, vào năm học đệ ngũ (1963), hai đứa tôi còn đi luyện thêm tiếng Pháp ở Trung tâm văn hóa Pháp (CCF - Centre Culturel Francais) nằm ở đường Đồn Đất (Quận 1) vào 3 đêm mỗi tuần. Mọi lớp học ở CCF đều dùng tiếng Pháp dù ở cấp sơ cấp (lớp A) hay trung cấp (lớp B, C), cao cấp (lớp D) và dù giáo viên là người Pháp hay gốc dân nước khác. Hai đứa tôi thì sau khi thi xếp lớp được vô ngay lớp B. Từ cấp vở lòng đi lên, sách dùng ở CCF là bộ ‘Cours de Langue et de Civilisation Françaises’ của tác giả G. Mauger (từ cuốn 1 đến cuốn 4), học viên CCF chúng tôi cứ hay nói gọn là sách ‘Mauger’ hay sách ‘Cours de Langue’ thôi.
Khi học đến lớp D ở Trung tâm văn hóa Pháp, tôi và bạn Gia có thể NGHE khá thông, NÓI khá thạo tiếng Pháp, đồng thời càng dễ dàng hơn khi ĐỌC sách hình tiếng Pháp – cái này mới là kết quả hay ho nhất, thích nhất của công lao rèn luyện tiếng Pháp!
Cần nói thêm, về cuốn Cours de Langue 4 học ở lớp D của CCF, sau này ở trường PetrusKý, năm 1966-67 tôi học đệ nhứt C (với thầy Lúa rồi thầy Vĩnh Phong) môn Pháp văn cũng dùng cuốn này. Hơn thế, kỳ thi tú tài II ban C năm 1967 là kỳ thi tú tài 2 cuối cùng mà Bộ Giáo dục còn qui định thí sinh đã đậu thi viết môn sinh ngữ phải thi thêm vấn đáp (oral) và nếu không đậu oral môn sinh ngữ thì được ân huệ là có thể thi lại trong mùa thi tú tài kỳ 2, nếu đậu ‘oral lần 2’ môn sinh ngữ mới được coi là đậu tú tài 2 C, còn lại rớt luôn ‘oral lần 2’ môn sinh ngữ thì coi như rớt tú tài năm đó và sang năm sau lại dự thi tú tài 2 thì phải thi lại tất cả các môn.
Riêng tôi, khi vào thi oral môn sinh ngữ Pháp thì gặp một giám khảo người Pháp, ông ta lật cuốn Mauger 4 để trên bàn chỉ vào một bài, bảo tôi đọc lên một đoạn ngắn rồi hỏi một số câu hỏi… May mắn tôi đã trả lời suôn sẻ để đậu tú tài 2 ban C kỳ 1 năm đó.
2.
Trở lại với chuyện mê sách hình thời niên thiếu (từ 1963), nơi tôi và bạn Gia hay tìm đến để đọc sách hình miễn phí là cái nhà sách có lẽ có tên là Mê Linh vì ở khu công trường Mê Linh (Quận 1 Sài Gòn), đối diện tượng Đức Mẹ của nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Thời ấy, hầu như tụi tôi chỉ tìm đọc sách hình tiếng Pháp (in/xuất bản tại Pháp cùng Âu châu). Tụi nhóc tôi khoái nhất là bộ Luki Luke, rồi đến các bộ TinTin, Xitrum, Asterix, Spirou & Fantasio, Barbarella.v.v… Riêng bộ sách hình về Luki Luke đến với độc giả qua những tập riêng lẻ nhưng cùng kể về những cuộc phiêu lưu, đụng độ bọn ác nhân của anh chàng cao bồi cô đơn mà tài ba này, như: Lucky Luke contre Jess Jamon (tạm dịch: LukyLuke đụng độ tên cướp Jess Jamon) , Billy de Kid (Tên cướp nhóc tì), Les rails sur la prairie (Đường ray xe lửa chạy qua đồng nội), En remontant le Mississippi (Sông Mississippi dậy sóng ), Alerte aux Pieds Bleus! (Báo động, bọn Chân Xanh!), Les collines noires (Những ngọn đồi đen), La caravane (Đoàn lữ hành)… Đặc biệt có bộ Les cousines Dalton (Anh em nhà Dalton) ra đến 4-5 cuốn liên tiếp để kể vể cuộc đụng độ giữa anh chàng Luki Luke với bọn cướp ranh ma này… Cuối thập niên 60 cũng lai rai xuất hiện loại sách hình in trong nước sao y nguyên sách hình tiếng Pháp nhưng phần chữ (đối thoại) được dịch sang tiếng Việt, như riêng về bộ Luki Luke tiếng Pháp thì có bản tiếng Việt với tên mới là “Những cuộc phiêu lưu của chàng cao bổi Lúc-ki Lúc-ke” hay “Cao bồi Lục Xì”. Hai đứa tôi cũng có xem sơ qua loại sách hình “nội hóa”này rồi cũng nhanh chóng quay lại với bộ Luki Luke ở nhà sách Mê Linh thôi.
Vào nhà sách Mê Linh là hai tên nhóc chúng tôi chạy ngay đến kệ sách hình, lục tìm cuốn sách hình mình đang xem dở dang ngày hôm trước, lật ra xem tiếp; cũng có khi cùng xem một cuốn mới xuất bản. Hai đứa thường ngồi xổm hay ngồi trên hai chân, cố gắng ép mình sát vào kệ sách để khỏi cản lối đi, Phải nói rằng các bà xơ nhân viên nhà sách thật dễ, chắc có theo dõi hai đứa nhóc đọc sách ké nhưng họ không lên tiếng tra hỏi, nhắc nhở gì cả.
3.
Cái tật mê sách hình của tôi và tên Gia đã giảm bớt sau khi kết thúc năm học đệ tứ, 2 đứa cùng đậu kỳ thi trung học đệ nhất cấp hạng Bình và với thành tích này, cũng cả hai đứa được chuyển từ trường tư thục Les Lauriers vào học đệ tam trường công Petrus Trương Vĩnh Ký, tôi học ban C còn Gia ban B. Lớp đệ tam dàn trải từ năm 1964 qua năm 1965, ứng với thời kỳ tôi bước từ tuổi 15 qua 16, còn Gia 16 qua 17 tuổi. Không biết có do đã “hơi lớn lớn” tức đã rời bỏ thời thiếu niên hay không nhưng vào năm đệ tam ấy, cả hai đứa đã thay đổi sở thích riêng. Tôi thì bắt đầu thích sáng tác, viết lách vớ vấn nhưng cũng có vài truyện ngắn đăng trên vài nhật báo mà vinh dự nhất là cái truyện kiểu như giả tưởng tựa là ‘Sự vô duyên của khối đá màu’ được đăng trên nhật báo ‘Sống’ của nhà văn Chu Tử. Còn Gia bắt đầu tìm đọc các tạp chí chuyên ngành hàng không in bằng Pháp ngữ cùng Anh ngữ để làm bộ sưu tầm ảnh và mô hình các loại chiến đấu cơ.
Thế là hai đứa ít gặp nhau cũng như không còn rủ nhau đi nhà sách Mê Linh xem ké sách hình nữa…
(Sydney, cuối thu 2024)